Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN IV : THỜI TAISHÔ CHO TỚI NAY 

Chương II : Thể chế Washington và nền dân chủ thời Taishô
Tiết 1 - Nội các Hara và Hòa đàm Paris:
1.1 Những chính sách tích cực của Nội các Hara:

Thời điểm mà nguyên lão có thực lực Yamagata Aritomo phải quyết định đề cử ai vào chức vụ thủ tướng mới thế vào chỗ Terauchi, có lẽ nghĩ rằng nếu mình lần này đưa ra một người trong giới phiệt tộc thì dân chúng sẽ không chấp nhận, ông mới đề nghị Saionji Kinmochi, nhân vật từng là Chủ tịch Seiyuukai. Ông Saionji vốn có nhiều kinh nghiệm trong chức vụ thủ tướng và cũng hiểu rõ lập trường của phiệt tộc.

Thế nhưng Saionji đã từ chối đề nghị này. Ngược lại ông thuyết phục Yamagata nên mời Hara Takashi làm thủ tuớng cho nội các mới. Hara hiện là thủ lãnh của Seiyuukai. Như vậy nếu Yamagata đồng ý để Hara thành lập nội các thì có nghĩa là vị nguyên lão này chấp thuận một chính phủ chính đảng.

Trong trường hợp Yamagata bác lời đề nghị ấy của Saionji mà giao nhiệm vụ cho một người trong phiệt tộc thành lập một nội các siêu nhiên thì thử hỏi cái gì sẽ xảy ra? Có lẽ lúc đó Seiyuukai, đảng mà cho đến nay ủng hộ Terauchi - người tiền nhiệm - sẽ liên kết với Kenseikai và chạy qua phía địch rồi quốc dân cũng sẽ đứng về phía các chính đảng. Hành động nếu không khéo sẽ làm bùng dậy một phong trào "hộ hiến" nữa thì chẳng hay ho gì. Yamagata cuối cùng đành lòng nghe theo lời Saionji và đề nghị giải pháp Hara với Hội đồng nguyên lão.

Hara đã tuyển cả 3 tổng trưởng quan trọng trông coi Lục quân, Hải quân và Ngoại giao từ trong nhóm đảng viên của Seiyuukai. Như vậy một nội các chính đảng thuần túy đã ra đời. Dư luận đương thời đặc biệt hoan nghênh nội các của Hara vì một nội các chính đảng đã đứng lên thay thế nội các phiệt tộc.

Điều quốc dân đặc biệt trông đợi ở Hara là thực hiện Luật phổ thông đầu phiếu (Danshi futsuu senkyohô = Nam tử phổ thông đầu phiếu pháp) nhưng luật này - đúng như cái tên của nó - chỉ dành cho nam giới. Như đã đề cập đến trong quyển 3, việc bầu cử thời đó có những giới hạn vô cùng hẹp hòi. Chỉ có những người đàn ông mỗi năm đóng trên 10 Yen tiền thuế thì mới được đi bầu. Quốc dân đã nhập tâm rằng Hara - người có danh hiệu là "bình dân tể tướng" (heimin saishô) - ắt sẽ bãi bỏ những hạn chế đó để cho phép tất cả mọi người đàn ông (chưa có chuyện nói đến phụ nữ ở đây) được bầu bán. Có lẽ điều nói trên đã làm cho khi Hara vừa mới nhậm chức thì trong dân chúng nơi nơi đã nổi lên những phong trào đòi phổ thông đầu phiếu.

Tuy nhiên bản thân Hara lại là người từng chống việc phổ thông đầu phiếu. Mới vào năm 1919 (Taishô 8) đây, khi có đề án hạ thấp số thuế phải đóng từ 10 Yen còn có 3 Yen để được quyền tuyển cử, ông hãy còn chống đối triệt để việc phổ thông đầu phiếu.

Trông đợi nhiều như vậy mà không thấy thực hiện, dân chúng cảm thấy như bị phản bội nên đã có phản ứng chống đối mạnh mẽ. Họ tập hợp chung quanh một tổ chức gọi là "Liên minh tranh đấu cho phổ thông đầu phiếu" (Futsuu senkyo kisei dômeikai), và tổ chức những cuộc biểu tình trên toàn quốc để đòi quyền lợi đó. Năm 1920 (Taishô 9) có thể xem như thời điểm mà phong trào đòi hỏi quyền phổ thông đầu phiếu đạt đến đỉnh cao nhất.

Phong trào này đã tạo cơ hội cho các đảng đối lập như Kenseikai có dịp công kích chính phủ. Họ bèn đem ra trình quốc hội một đề án về phổ thông đầu phiếu. Thế nhưng Thủ tướng Hara tuyên bố rằng phổ thông đầu phiếu là một việc hãy còn quá sớm. Khi đề án ấy vừa được đưa ra, ông bèn cho giải tán quốc hội (hạ viện). Sở dĩ ông làm như vậy vì tự tin mình sẽ thắng trong lần bầu cử tới.

Sự thực đã xảy ra đúng như vậy. Không những thế, sau tuyển cử, Seiyuukai đã tăng thêm sức mạnh với gần 120 ghế mới. Họ thắng đối thủ một cách dễ dàng.

Một lý do của chiến thắng này là việc thay đổi lề lối tuyển cử từ chế độ khu vực lớn sang chế độ khu vực nhỏ. Tạm bỏ qua việc thuyết minh có tính kỹ thuật, chỉ biết đơn giản nó rất thuận lợi cho những đảng phái thân chính quyền như Seiyuukai.

Lý do thứ hai của thắng lợi nằm ở chỗ Seiyuukai đã biết đưa ra những lời hứa hẹn đánh trúng tâm lý cử tri. Đây là hành động đem đến hiệu quả lớn nhất. Nội các Hara có một số chính sách tích cực, trong đó là việc giải quyết khâu giao thông. Ông hứa sẽ tu bổ đường sá, đặt lại hệ thống đường sắt. Tất cả là những món mồi ông đem ra nhử cử tri trong kỳ tuyển cử.

Nhân vì cơ sở chính trị của Seiyuukai là dân chúng vùng nông thôn đặc biệt nơi đây giới địa chủ và phú nông hay những gia đình danh vọng sinh sống. Khi được hứa sẽ xây dựng đường sá cầu cống và đặt đường sắt mới nơi mình đang ở thì ai mà chẳng bằng lòng nêu chính phủ đã gom được rất nhiều phiếu.

Khi Seiyuukai đã nắm được đa số tuyệt đối trong kỳ tuyển cử đó (chế độ bầu cử với số cử tri chọn lọc và hạn chế) thì hy vọng tuyển cử theo lối đầu phiếu phổ thông trở nên hoàn toàn không thể thực hiện được nữa. Phong trào vận động phổ thông đầu phiếu bèn suy yếu đi. Hara dựa vào kết quả bầu cử nói trên mà tăng thêm sự tự tin, nhanh chóng đưa ra hết chính sách tích cực này đến chính sách tích cực khác. Xin lần lượt giới thiệu những chính sách gọi là tích cực (Còn có tên "Tứ đại chính sách") của Hara.

Trước tiên như đã nói, đó là (1) chính sách giao thông. Sau đó là các chính sách (2) cải thiện giáo dục, (3) củng cố quốc phòng và (4) chấn hưng mậu dịch.

Hara không những đã cho xây dựng nhiều trường trung học cấp 3 cũng như trường chuyên môn dạy nghề mà còn nâng cấp các trường dạy nghề ấy lên thành đại học chuyên ngành (tanka daigaku = đơn khoa đại học). Ông cũng cho các đại học tổng hợp (đa khoa) lập ra thêm nhiều phân khoa, và như thế mở mang rộng rãi các hệ thống cơ quan giáo dục cấp cao.

Còn về củng cố và tăng cường năng lực quốc phòng thì ông đã dành cho quân bị một món tiền đáng kể. Theo kết toán của hai năm 1919 (Taishô 8) và 1920 (Taishô 9), người ta thấy chính phủ đã chi đến phân nửa ngân sách cho quân đội. Từ xưa đến giờ, chưa từng thấy một chính phủ nào đổ nhiều tiền vào quốc phòng đến vậy.

Đến năm 1920, khi cuộc khủng hoảng thời hậu chiến (đã nêu trên) xuất hiện, việc tiếp tục thi hành những chính sách tích cực không còn có thể thực hiện vì thiếu khả năng tài chính. Thêm nỗi, nhiều vụ bê bối tham nhũng liên quan đến những nhân vật Seiyuukai lần lượt bị phát giác. Tuy vậy, Hara vẫn khéo léo chèo lái chính phủ và dùng nhiều thủ đoạn luồn lách trong chính giới để vượt qua khó khăn.

Ông vừa tiến đến gần với "bố già" (godfather) của phiệt tộc là Yamagata Aritomo, vừa liên kết với Kenkyuukai (Nghiên cứu hội), tổ chức của phái đại phiệt tộc lớn nhất trong Quý tộc viện. Hara đã không câu nệ bắt tay với phiệt tộc như thế chỉ vì muốn giữ cho chính quyền của mình được yên ổn.


Thủ tướng Hara Takashi

Thế nhưng, việc ấy không dễ dàng tí nào. Một điều đã xảy ra ngoài sự dự tưởng của Hara. Số phận nội các của ông chấm dứt một cách đột ngột.

Một thanh niên mới 18 tuổi tên là Nakaoka Kon.ichi nhân uất ức trước sự thối nát của các chính đảng đã đâm chết Thủ tướng Hara ở nhà ga Tôkyô. Chính trị của Hara đã hạ màn một cách không ai lường trước như thế. Về phần nội các thì Takahashi Korekiyo (Cao Kiều Thị Thanh, 1854-1936), chủ tịch mới của Seiyuukai, đã trở thành thủ tướng và vẫn giữ nguyên thành phần cộng sự viên cũ. Tuy vậy, lúc một lãnh đạo tầm cỡ Hara biến mất, trong nội bộ của Seiyuukai đã có nhiều sự đấu đá tranh quyền. Khi các phức tạp nội bộ đảng lớn dần, vấn đề cải tổ nội các đã được đặt ra, đưa đến việc tổng từ chức của Nội các Takahashi vừa ra đời không bao lâu.

Người lãnh trách nhiệm chọn thủ tướng mới lần này không phải là Yamagata Aritomo nữa nhưng đó là nguyên lão Matsukata Masayoshi. Chỉ vì lúc đó Yamagata đã qua đời. Chỉ ít lâu sau khi Hara bị ám sát, Yamagata cũng chết vì già yếu (83 tuổi).

Matsukata bèn bàn bạc với một nhân vật từng làm thủ tướng là Kiyoura Keigo (Thanh Phố, Khuê Ngô), lúc đó đang là viện trưởng Xu Mật Viện và đề nghị nhân vật Katô Tomosaburô (Gia Đằng, Hữu Tam Lang, 1861-1923), một đại tướng hải quân. Hình như trong trường hợp ông này không nhận, họ sẽ nhờ Katô Takaaki (Gia Đằng Cao Minh, 1860-1926) của Kenseikai (Hiến chính hội). Biết thế, nhóm Seiyuukai (Chính hữu hội) - vốn không muốn trao chính quyền cho một thành viên Kenseikai - bèn đồng thanh ủng hộ Đại tướng Katô Tomosaburô. Katô cho biết sẽ nhận lời.

1.2 Hòa đàm Paris:

Tháng 11 năm 1918 (Taishô 7), Đức đầu hàng và cuộc Thế chiến thứ nhất kéo dài suốt bốn năm đã kết thúc. Hòa đàm được tổ chức ở Paris kể từ tháng 1 năm ấy.

Nhật Bản đã tham dự vào hội nghị này bên phía những kẻ thắng cuộc. Phái đoàn 5 người do Đặc sứ toàn quyền, nhà chính trị lão thành Saionji Kinmochi, cầm đầu. Dĩ nhiên, đặc sứ toàn quyền là người có ủy nhiệm thư thay mặt cho quốc gia, giải quyết mọi việc tại chỗ. Một bản hiệp ước giảng hòa đã được ký tại Cung điện Versailles, ngoại ô Paris, giữa những bên liên hệ.

Theo đó, Đức sẽ bị tước đoạt tất cả thuộc địa. Một phần lãnh thổ cũng bị cắt và phải bồi thường một số kim ngạch lớn cho chiến phí của các nước. Và để Đức không thể mở một cuộc chiến tranh nào khác nữa, hội nghị bắt họ phải tiết giảm tối đa chi phí quân sự.

Trên bàn hội nghị, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson [1] đã đề xướng một nền hòa bình cho toàn thế giới cũng như quyền dân tộc tự quyết. Ông cũng chủ trương phải thành lập một cơ quan quốc tế có nhiệm vụ duy trì nền hòa bình đó. Chủ trương của ông đã có tiếng vang lớn tên toàn thế giới.

Thật vậy, cuộc đại chiến thế giới lần thư nhất đã để lại nhiều thiệt hại về người và của mà nhân loại chưa từng chứng kiến. Để cảnh bi thảm đó không bao giờ có thể lập lại, phong trào đòi hỏi giải quyết mầm mống chiến tranh bằng phương tiện ngoại giao đã lan rộng và chủ trương của Tổng thống W. Wilson chỉ phản ánh thực trạng đó. Tuy đoạn đường đi đến mục đích này vẫn còn đầy dẫy chông gai nhưng các cường quốc từ đó đã nghĩ đến việc phải tài giảm quân bị (disarmament).

Để giải quyết những phân tranh giữa các nước và bảo vệ hòa bình thế giới, một cơ quan quốc tế có tên là Hội Quốc Liên (Quốc Tế Liên Minh) đã ra đời vào năm 1920 (Taishô 9). Nhật Bản được bầu vào trong ban thường vụ (hội viên thường trực). Thế nhưng nước chủ xướng là Mỹ vì quốc hội của họ phản đối nên đã không tham gia và đây là một điều đáng lấy làm lạ. Còn như quyền dân tộc tự quyết thì chỉ có trên mặt giấy chứ thực tế không bao giờ được thực hiện. Quyền đó có nghĩa là mỗi dân tộc đều có thể làm chủ vận mạng, chọn thể chế thích hợp bằng ý chí của mình mà một nước khác không được can thiệp vào. Như chúng ta đã biết, nhiều dân tộc về sau đã phải đứng lên dành lấy nó bằng mồ hôi, máu và nước mắt.

Tóm lại, những vùng đất bị biến thành đất thực dân hay chiếm đoạt như thuộc địa, bị bóc lột, đáng lý ra phải có quyền đòi lại chủ quyền. Lời tuyên bố của W.Wilson đã được những dân tộc bị hà hiếp hoặc bị chiếm đoạt đất đai cũng như tự do, đặc biệt hoan nghênh. Và nhân đó, nhiều dân tộc xem đây là cơ may để tổ chức những cuộc vận động đòi lại chủ quyền. Triều Tiên - bị Nhật Bản thôn tính năm 1910 - cũng không phải là một ngoại lệ. Ngày 1 tháng 3 năm 1919 ( Taishô 8), ở Kinh Thành (nay là thủ đô Seoul) đã diễn ra một cuộc tập họp ở Công viên Pagoda và những nhân sĩ người Triều Tiên đã đọc bản tuyên ngôn độc lập của họ. Thừa thế, phong trào tranh đấu đòi độc lập đã lan ra khắp nước. Sử gọi đó là Cuộc vận động San.il (Tam Nhất) vì nó phát triển từ cuộc tập họp ngày mồng 1 tháng 3. Còn có tên là Biến cố Mansê (Vạn Tuế) bởi vì người Triều Tiên trong khi tham gia những cuộc mít-tinh như trên đều hô to khẩu hiệu "Độc lập vạn tuế!".

Tuy nhiên, phía chính phủ Nhật Bản thì họ đã huy động ngay quân đội, cảnh sát lẫn hiến binh để đàn áp và nhất quyết không thể nào để Triều Tiên độc lập. Có chăng là so với lối đàn áp thẳng thừng từ trước đến nay, họ biết phản tỉnh đôi chút nên tỏ ra khéo léo hơn. Thay vì dùng quân nhân đang tại ngũ (quan võ) làm tổng đốc Triều Tiên, họ mở rộng phạm vi tuyển dụng cả quan văn vào chức này. Ngoài ra, họ cũng nhượng bộ bằng cách rút hiến binh (kenpei, theo nghĩa quân cảnh = M.P., tức military policeman chứ không phải cảnh sát tư pháp) ra khỏi thành phần giữ nhiệm vụ cảnh sát. Nhóm kenpeitai (hiến binh đội) này đã được dùng luôn vào việc đàn áp giới dân sự và mang nhiều tiếng xấu, bị người bản xứ rất căm ghét.

Trở lại câu chuyện cuộc Hòa đàm Paris, chúng ta nhận thấy rằng mục đích của Nhật Bản lúc đó là làm cách nào để đoạt của Đức quyền lợi trên bán đảo Sơn Đông và các đảo vùng biển Nam (Nam Dương chư đảo) phía bắc đường xích đạo. Đối với các đảo vùng biển Nam thì họ chỉ đơn giản xin được ủy nhiệm cai trị thôi nhưng đối với quyền lợi của Đức trên bán đảo Sơn Đông thì họ tranh đấu quyết liệt để dành cho bằng được.

Lúc đó Trung Quốc cũng tham dự cuộc hòa đàm như một quốc gia thuộc bên thắng cuộc, đã cương quyết từ chối trao cho Nhật những quyền lợi trên bán đảo Sơn Đông như đã trao cho Đức trước đó và yêu cầu tất cả phải trao trả về cho nước mình. Nước Mỹ, trước kia vốn không ưa gì việc Nhật tiến binh vào đại lục cũng biểu lộ thái độ thông cảm với lập trường của Trung Quốc. Thế nhưng Nhật Bản chẳng chịu chùn bước, dọa rằng nếu không thỏa mãn yêu sách về Sơn Đông của họ thì phái đoàn Nhật sẽ bỏ hội nghị ra về. Họ làm dữ đến thế nên Mỹ cũng đành chiều ý, quyết định để cho Nhật được kế thừa mọi quyền lợi từng dành cho Đức trên phần đất ấy.

Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dĩ nhiên tức tối trước quyết định đó và không chịu phê chuẩn Hiệp ước Versailles. Việc Trung Quốc từ chối như thế một phần lớn cũng vì ảnh hưởng của tình hình hỗn loạn trong quốc nội tác động lên.

Ngày mùng 4 tháng 5 năm 1919 (Taishô 8), ở thành phố Bắc Kinh, khoảng 3.000 sinh viên đã tổ chức một cuộc biểu tình, đưa ra những khẩu hiệu như "Vứt bỏ yêu sách 21 điều", "Trả lại đặc quyền trên bán đảo Sơn Đông", " Quyết không phê chuẩn hiệp ước giảng hòa". Họ xung đột với cảnh sát thành phố, hơn vài mươi người đã bị bắt giữ. Nhân đó, cuộc phản đối lan rộng trên toàn quốc, đâu đâu cũng thấy những cuộc biểu tình tuần hành, diễn thuyết ở các góc đường, đình công của người lao động, sau đó đưa đến việc tẩy chay hàng Nhật và bài Nhật. Sử gọi đó là cuộc Ngũ Tứ vận động (vì được phát động đầu tiên vào ngày 4 tháng 5). Chính áp lực ở quốc nội như thế đã làm các nhà ngoại giao Trung Quốc giữ vững được lập trường.


Quần chúng trước Thiên An Môn 
hồi Ngũ Tứ vận động (04/05/1919)

Dù sự thể như thế nào đi nữa thì sau hội nghị này, chính phủ Nhật Bản vẫn đạt được những đòi hỏi cơ bản mà họ mong muốn.

Tiết 2 - Thể chế Washington thành hình:
2.1 Hội nghị Washington:

Hòa đàm ở Paris đã đem lại hòa bình và trật tự mới trên thế giới sau trận Đại chiến lần thứ nhất. Có thể gọi đó là Thể chế Versailles vì nó là một cấu trúc chính trị sinh ra từ Hòa ước Paris ở Cung điện Versailles. Thế nhưng riêng phần đất Đông Á cũng như khu vực Thái Bình Dương, vẫn chưa thấy có hòa bình thực sự. Tình hình chính trị có nhiều yếu tố bất ổn và mồi lửa chiến tranh hãy còn đang nhen nhúm.

Trên thực tế, ở vùng Đông Á, nhà nước Liên Xô đã ra đời và bắt đầu khai triển một đường lối ngoại giao độc lập. Nhật Bản thì càng muốn tiến thêm nữa vào đại lục và vì thế, đã tạo ra một quan hệ cực kỳ xấu với Trung Quốc. Bên trong Trung Quốc, các nhóm quân phiệt cát cứ tranh hùng. Đất nước này tiếp tục sống trong một tình trạng chia rẽ và hỗn loạn trầm trọng, không ai khả dĩ có thể thâu tóm tất cả về một mối.

Thêm vào đó, trên Thái Bình Dương, có một cuộc tranh chấp để dành lấy quyền kiểm soát mặt biển. Ba nước Nhật Mỹ Anh không ngừng việc khuếch trương hải quân (đóng tàu chiến) và sự cạnh tranh như thế càng ngày càng lan rộng.

Nước Mỹ là quốc gia đã đóng một vài trò quan trọng trên vũ đài chính trị thế giới kể từ khi Đại chiến thứ nhất kết liễu. Để giải quyết tình trạng này, họ đã mời các bên liên hệ ( gồm 9 nước: Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Hà Lan, Trung Quốc, Bỉ, Bồ) đến Washington với mục đích mở một hội nghị thảo luận về việc tài giảm binh bị trong hải quân. Đó là Hội nghị Washington.

Người Mỹ không tổ chức hội nghị này như một trọng tài vô tư hay đầy thiện chí. Họ có mục đích của họ, trong đó là việc chặn đứng việc Nhật Bản tiếp tục tiến vào Trung Quốc, điều họ không ưa từ lâu. Hai nữa, tài giảm binh bị thì Mỹ cũng sẽ nhẹ bớt chi tiêu khi không phải leo thang trong việc đóng tàu chiến.

Đặc sứ toàn quyền của Nhật đến dự hội nghị này gồm 3 người: Tổng trưởng hải quân Katô Tomosaburô, đại sứ của Nhật tại Mỹ Shidehara Kijuurô và Chủ tịch Quý tộc viện Tokugawa Iesato [2] .

Hội nghị kéo dài từ tháng 11 năm 1921 (Taishô 10) cho đến tháng 2 năm sau. Trong bài diễn văn khai mạc, Ngoại trưởng (Quốc vụ khanh) của Mỹ là Hughes (theo phiên âm) đã có tuyên bố nẩy lửa làm cho mọi người mừng rơn. Ông bảo để làm gương cho thế giới trong việc tài giảm binh bị, Mỹ sẳn sàng hủy bỏ 15 chiến hạm trọng tải 61 vạn tấn hiện đang đóng dở dang. Sau đó, ông xin thế giới cũng tài giảm binh bị như Mỹ.

Các hãng thông tấn đã truyền tin này đi khắp nơi trên thế giới làm ai nấy đều hoan nghênh. Ngay Anh cũng tỏ ra đồng tình với những lời Ngoại trưởng Hughes nói và cho biết không màng đến việc giữ cho kỳ được địa vị quốc gia hải dương số một của mình.

Nhật Bản hoặc cũng cắn câu, hoặc nghĩ rằng đây là khuynh hướng chung của thế giới. Đặc sứ toàn quyền Katô Tomosaburô một mình lên tiếng vui mừng chấp nhận đề nghị của Hughes và cho biết Nhật sẽ sửa soạn đi theo con đường tài giảm binh bị.

Hội nghị Washington đã bắt đầu trong một bầu không khí lạc quan như thế và sau đó, 3 hiệp ước quan trọng đã được ký kết liên tiếp: Hiệp ước 4 nước (tháng 12 năm 1922), Hiệp ước 9 nước (tháng 2 năm 1922), Hiệp ước tài giảm hải quân (tháng 2 năm 1922).

2.2 Thể chế Washington:

Xin nói thêm một chút về nội dung các hiệp ước theo thứ tự thời gian.

Hiệp ước 4 nước là do Nhật, Anh, Mỹ, Pháp ký với mục đích bảo vệ hòa bình trong khu vực Thái Bình Dương. Cụ thể là các nước trong khu vực Thái Bình Dương tuyên bố tôn trọng lẫn nhau về quyền lợi họ đang có trên những vùng đảo (tôsho = đảo lớn và đảo nhỏ) trong khu vực này. Nếu có vấn đề tranh chấp thì sẽ giải quyết với nhau bằng phương tiện hòa bình. Duy có một điều là khi hiệp ước 4 nước nói trên được ký thì Hiệp ước Đồng Minh Nhật Anh ký vào năm 1902 (Meiji 35) sẽ mất hiệu lực. Thực ra hiệp ước 1902 này vốn được dự trù sẽ hết hạn vào tháng 7 năm 1922 (Taishô 11). Dĩ nhiên nó có cơ hội triễn hạn và nếu được triển hạn thì Nhật Bản sẽ có lợi hơn.

Những hiệp ước quốc tế chính Nhật đã ký kết

Tên hiệp ước
(năm ký kết)
Số nước tham dự Nội dung ký kết
Versailles (họp năm 1919 nhưng ký năm 1920) 27 nước Xử lý những vấn đề sinh ra từ việc kết thúc Thế chiến I và bàn về việc thành lập Hội Quốc Liên.
Washington 4 nước
(12/1921) 
Anh, Pháp, Nhật, Mỹ
( 4 nước)
Đặt nền tảng hòa bình Thái Bình Dương (chấm dứt Đồng Minh Nhật Anh)
Washington 9 nước
( 2/1922)
Anh, Pháp, Nhật, Mỹ, Ý, Bỉ, Hà Lan, Bồ, Trung Quốc (9 nước) Chung quanh Trung Quốc (tôn trọng chủ quyền đổi lấy khai phóng môn hộ và bình đẳng về cơ hội). Nhân đó, trả lại cho Trung Quốc quyền lợi xưa thuộc về Đức trên bán đảo Sơn Đông.
Washington tài giảm hải quân ( 2/1922) Anh, Mỹ, Nhật, Pháp, Ý (5 nước) Qui chế về số lượng các chiến hạm (chủ lực) được giữ lại. Cấm đóng chiến hạm mới trong vòng 10 năm.
Genève 
(6/1927) (hiệp ước không thành)
Mỹ, Anh, Nhật 

(3 nước)

Hạn chế việc đóng các chiến hạm hỗ trợ (tức tuần dương, khu trục, tiềm thủy đĩnh) của 3 nước Nhật, Anh, Mỹ.
Paris ( không gây chiến ) ( 8/1928) 15 nước Tuyên ngôn không gây ra chiến tranh.
London tài giảm hải quân (1930) Anh, Mỹ, Nhật, Pháp, Ý (5 nước) Việc giữ nguyên số lượng chiến hạm chủ lực và cấm đóng thêm sẽ được duy trì đến 1936. Hạn chế số lượng các chiến hạm hỗ trợ của Anh, Mỹ, Nhật. 

Như chúng ta đã đề cập đến trong phần 3, Hiệp ước đồng minh Nhật Anh lập ra một liên minh quân sự trong bối cảnh hai bên ký kết muốn bảo vệ và nhìn nhận lẫn nhau quyền lợi của họ trên đất Trung Quốc. Khi hiệp ước này còn hiệu lực thì không có một quốc gia nào có thể tấn công Anh hoặc Nhật mà không bị sự can thiệp của nước kia. Tóm lại, điều đó có nghĩa là giao ước đồng minh ấy giúp cho Nhật được thoải mái hoạt động trên đại lục mà không kiêng dè ai cả. Cho nên một khi hiệp ước này bị hủy bỏ thì nếu giữa Nhật và Mỹ - quốc gia từng phê phán sự xâm lấn của Nhật ở Trung Quốc - có xảy ra một cuộc chiến tranh đi nữa, Anh cũng không thể nào chi viện cho Nhật được.

Rõ ràng là việc Hiệp ước 4 nước được ký kết đã đi đúng theo chiều hướng suy nghĩ của Mỹ. Nhật Bản hoàn toàn không rút ra một lợi lộc gì.

Tuy nhiên bước qua Hiệp ước 9 nước (Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Hà Lan,Trung Quốc, Bỉ và Bồ) thì phải nói là nó đã đem lại nhiều cái hay cho họ. Chính vì điều ước này có liên quan đến vấn đề Trung Quốc. Cụ thể là nó tôn trọng chủ quyền, nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Với danh nghĩa là sẽ hiệp lực giúp cho Trung Quốc tự mình có thể tổ chức một chính quyền an định, sau khi hiệp ước được ký kết, các nước hứa sẽ hành động theo nguyên tắc Trung Quốc phải là nơi mọi nước đều có cơ hội bình đẳng và quyền buôn bán tự do (môn hộ khai phóng, cơ hội quân đẳng). Từ đây, Nhật Bản không còn có thể đơn độc tiến qua Trung Quốc nữa.

Như thế chẳng lẽ thêm một lần nữa, mọi việc lại đi đúng điều mong mỏi của Mỹ hay sao? Chưa hẳn như vậy! Trong Hiệp ước 9 nước này, cái mà Nhật Bản thu hoạch đưọc là quyền lợi của Nhật tại Trung Quốc được bảo chứng. Xin chú ý điểm này bởi vì từ trước đến nay, mọi quyền lợi của Nhật Bản có được trên đất Trung Quốc đều bị Mỹ phê phán. Thế nhưng bây giờ trở về sau, Mỹ không có cớ gì để lên tiếng chống lại họ.

Thêm vào đó, hiệp ước này qui định rằng riêng về vụ bán đảo Sơn Đông thì hai nước Nhật Trung sẽ trực tiếp thương lượng với nhau. Vụ Sơn Đông như ta đã biết là vấn đề thừa kế quyền lợi của Đức trên phần đất này.

Trong thời Hòa đàm Paris, Nhật đã yêu cầu hội nghị cho phép mình thừa hưởng những quyền lợi của Đức đã có trước đây trên bán đảo và những nước có mặt (dĩ nhiên trừ Trung Quốc) đã đồng ý. Trung Quốc đã tỏ ra tức giận và không chịu chuẩn y điều ước này. Như thế, có thể xem đây hãy còn là một vấn đề chưa được giải quyết giữa hai bên. Và Trung Quốc đã "hâm nóng" nó trở lại tại Hội nghị Washington.

Trung Quốc chủ trương phải đem vấn đề bán đảo Sơn Đông ra bàn giữa mọi người, có nghĩa rằng đây là vấn đề có tính quốc tế. Mặt khác, Nhật Bản cực lực phản đối việc đó. Kết quả là các nước chấp nhận đòi hỏi của Nhật nghĩa là để hai nước nói chuyện riêng với nhau. Đây là một quyết định có lợi cho Nhật Bản [3] .

Trong cuộc thương thuyết giữa hai nước, Trung Quốc cương quyết đòi hỏi Nhật phải trao trả toàn bộ những lợi ích mà Nhật cho rằng mình được kế thừa từ Đức. Nhật Bản bèn ra điều kiện rằng nếu trả lại thì họ sẽ trả quyền mướn Quảng Châu Loan như tô giới nhưng Trung Quốc phải mua của họ đường xe lửa Giao Tế (Sơn Đông) [4] và cho phép Nhật Bản cùng khai thác và kinh doanh mỏ quặng theo hình thức công ty hợp tác (joint-ventures) Nhật Trung.

Trong lần thương thuyết Nhật Trung này, Yêu sách 21 điều cũng đã được đem ra bàn cãi trở lại. Chính vì lúc ấy, Trung Quốc yêu cầu Nhật hủy bỏ nó. Thế nhưng việc này Trung Quốc không được sự đồng ý của Anh Mỹ và một số nước khác, do đó, họ chỉ dành được một vài nhượng bộ nho nhỏ từ phía Nhật. Rốt cuộc, Trung Quốc đành phải nhận chịu yêu sách 21 điều.

Hiệp ước tài giảm hải quân ký kết vào tháng 2 năm 1922 có thể được xem như thành quả đáng kể nhất trong 3 hiệp ước được ký ở Washington. Lần này, có mặt các nước Mỹ, Anh, Nhật, Pháp, Ý. Giữa họ đã đi đến thỏa thuận để hạn chế số lượng các chiến hạm chủ lực [5] mà mỗi nước phải có. Tỷ lệ của chúng được qui định như sau: Mỹ 5, Anh 5, Nhật 3, Pháp 1,67, Ý 1,67.

Bộ tư lệnh hải quân Nhật Bản và đảng đối lập là Kenseikai (Hiến chính hội) yêu cầu phái đoàn đi thương thuyết phải đòi để giữ cho được 70% con số của Anh Mỹ (nghĩa là tỷ lệ 3,5). Đặc sứ toàn quyền kiêm Tổng trưởng hải quân Katô Tomosaburô đã trấn áp họ để thỏa hiệp với các cường quốc và ký kết ở mức độ 60% con số của Anh Mỹ (tức tỷ lệ 3 mà thôi).

Thế nhưng, trong khi chịu hạ xuống còn 60% thì Nhật Bản yêu cầu các nước hãy giữ nguyên thiết bị quân sự hiện có ở các căn cứ rải rác khắp đó đây trên mặt Thái Bình Dương như cũ và điều này đã được hội nghị chấp thuận. Như vậy, ngay cả Mỹ cũng không có cơ hội tăng cường sức mạnh hải quân của mình ở Thái Bình Dương. Đối với Nhật, ngược lại, điều này có thể được xem như là một thắng lợi.

Theo hiệp ước tài giảm hải quân đã ký,nếu kể cả những chiến hạm đang đóng dở dang và phải đình chỉ việc xây dựng, Nhật đã phải hủy bỏ toàn bộ 6 chiếc (trọng tải 180 vạn tấn) và từ đó cho đến 10 năm sau, không có quyèn đóng một chiếc nào khác.

Rốt cuộc, Hội nghị Washington đã tạo ra một trật tự quốc tế mới. Một số lớn năng lực quân sự của các nước đã bị cắt giảm. Kế hoạch bành trướng sang đại lục của Nhật Bản cũng phải dừng bước. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã được hưởng một bầu không khí hòa bình và ổn định hơn trước.

Thể chế hòa hợp với mục đích gìn giữ hòa bình quốc tế sau 3 cuộc hội nghị ở Washington vì thế thường được gọi bằng cái tên là Thể chế Washington.

2.3 Hòa hợp ngoại giao:

Trong thập niên 1920, suốt 10 năm trời, các bên ký kết đã tôn trọng hiệp ước họ ký.Kể cả khi Nội các Takahashi Korekiyo lên thay Nội các Hara Takashi vừa bị đổ cũng vậy. Đặc sứ toàn quyền trong kỳ Hội nghị Washington là Katô Tomosaburô được chỉ định tổ chức nội các kế tiếp đã tiếp tục đường lối ngoại giao hòa hợp. Bên ngoài, ông cho triệt binh khỏi Siberia và đồng thời làm y như giao ước với các nước là cắt giảm hải quân ở trong nước. Ông còn tiến hành cả việc tài giảm binh bị của lục quân.

Chính sách hòa điệu trong ngoại giao và tài giảm quân bị vẫn được nội các Yamamoto Gonbê kế thừa. Rồi khi Katô Takaaki của đảng Kenseikai lên lập chính quyền mới sau khi lật đổ Nội các Kiyoura Keigo, ông đã thay đổi đuờng lối cứng rắn cho tới nay của đảng mình và đề bạt một người trong ba đặc sứ toàn quyền ở Washington là Shidehara Kijuurô (Tệ Nguyên, Hỷ Trọng Lang, 1872-1951) làm ngoại trưởng. Kể từ năm 1924 (Taishô 13) trở đi, Nhật Bản đổi chiều qua hướng ngoại giao hòa hợp.
 
 

Thủ tướng 
Takahashi Korekiyo
Thủ tướng 
Katô Takaaki

Shidehara đã làm đủ cách để cho Nhật và Anh Mỹ khỏi phải chạm trán với nhau vì vấn đề Trung Quốc. Tuy vẫn mưu tính duy trì ảnh hưởng của nước mình tại nước này nhưng không phải bằng thái độ dọa dẫm quân sự như vẫn làm cho đến nay mà bằng cách thức bình tĩnh và ổn thỏa hơn, ví dụ như tiến qua bên ấy bằng đường lối thương mại, xem đó như một thị trường. Shidehara cũng tuyên bố sẽ nhất quán trong chính sách, có nghĩa là tôn trọng chủ quyền của nước này, không can dự vào nội chính. Ông đã làm ngoại trưởng trong nhiều năm và trải qua nhiều nội các cũng như tiếp tục một hướng ngoại giao hòa hợp mang dấu ấn của mình, được biết như đường lối ngoại giao Shidehara.

Tuy vậy, không thể nói là ngoại giao Trung Nhật trong thời kỳ này hoàn toàn ổn định. Năm 1923 (Taishô 12), ở trung tâm thành phố Thượng Hải, đã có một cuộc biểu tình đại qui mô chống Nhật. Qua năm 1925 (Taishô 14) cũng thế, tại Thượng Hải, nhân có vụ đuổi việc một số nhân viên người Trung Quốc đang làm trong các nhà máy dệt (phưởng tích) lập ra với vốn của Nhật (gọi là Tại Hoa Phưởng) đã đưa đến sự cố là có người lao động Trung Quốc bị tử thương (Sự cố ngày 30 tháng 5).

Lại nữa, vào cuối thập niên 1920, nhóm quân Quan Đông (Kantôgun) tức quân đoàn mà Nhật cho trú phòng tại châu Quan Đông ở Mãn Châu lại chống phá đường lối ngoại giao của Shidehara. Những người này bèn âm mưu làm một cuộc đàn áp bằng quân sự và sẽ dẫn đến một sự kiện quan trọng mà chúng ta sẽ được biết với đầy đủ chi tiết hơn trong những trang sau. Lần hồi, tình hình tại chỗ càng ngày càng xấu đi.

Còn về việc gửi quân qua Siberia, một thời đã làm cho sự giao hảo giữa Liên Xô và Nhật thành ra đối địch thì đến năm 1925 (Taishô 14), Shidehara đã thành công trong việc ký kết với họ một văn bản gọi là Điều ước cơ bản Nhật Xô cho phép nối lại bang giao giữa hai nước. Thế rồi, dù xưa kia sau khi triệt binh khỏi Siberia, Nhật Bản còn giữ quân đồn trú trên đảo Sakhalin (Hoa Thái Đảo), nhưng nay thì họ lại thương thuyết thành công việc rút quân nốt ra khỏi phần đất này đổi lấy (phân nửa) quyền lợi được khai thác các mỏ dầu trên đó.

Tiết 3 - Vai trò của quần chúng lộ diện:
3.1 Phong trào dân chủ thời Taishô (Taishô Demokurashii):

Ngày nay, mấy chữ "Nền dân chủ thời Taishô" không còn lạ gì với chúng ta nữa. Đó là chữ dùng để nói về một phong trào vận động cho dân chủ và tự do đã khai triển thành một cao trào mà trung tâm là vào những năm Thiên hoàng Taishô trị vì (1912-1926).

Dĩ nhiên là tên gọi ấy chỉ có về sau chứ người đương thời không sử dụng danh từ này. Chữ Dân chủ đời Taishô hay Taishô demokurashii được dùng lần đầu tiên bởi sử gia Shinobu Seizaburô (Tín Phu, Thanh Thái Lang) vào năm 1954 (Shôwa 29) như tựa đề cho một quyển sách ông viết: "Lịch sử của Taishô demokurashii". Từ đó cách dùng ấy mới bắt đầu phổ biến.

Phong trào tranh đấu cho dân chủ và tự do dưới thời Taishô có thể xem như đã được bắt đầu từ cuộc biểu tình có phóng hỏa và đập phá ở Công viên Hibiya (trung tâm Tôkyô) xảy ra khi cuộc Chiến tranh Nhật Nga vừa kết thúc (1905). Còn như nó chấm dứt lúc nào thì hiện nay các nhà nghiên cứu chưa đồng thuận về một thời điểm. Chỉ có thể nói chung chung là vào khoảng năm 1925 (Taishô 14) tức cuối thời Taishô nhưng cũng có thuyết cho rằng nền dân chủ thời Taishô chỉ chấm dứt trên thực tế vào năm 1931 (Shôwa 6) trước khi xảy ra Biến cố Mãn châu (Manshuu jihen).

Sở dĩ có phong trào vận động cho tự do dân chủ dưới thời Taishô là vì lúc ấy, kỹ nghệ phát triển, giáo dục thẩm thấu sâu rộng trong quần chúng, xã hội thị dân được thành lập. Với bối cảnh như thế, lại kèm theo ý thức về sự bi thảm của chiến tranh ở Âu châu mà cuộc Thế chiến thứ nhất đã mang lại. Ngoài ra, tư tuởng xem hòa bình thế giới là một điều quan trọng, lý tưởng tôn trọng quyền dân tộc tự quyết mà Tổng thống W. Wilson đã đề cao ở Hòa hội Versailles (1919-20) cũng như sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Liên Xô (1917) nữa. Chừng ấy yếu tố đã khởi động và ảnh hưởng đến phong trào nói trên.

Ở quốc nội, đây là thời điểm đánh dấu bằng những biến cố như cuộc biểu tình đốt phá ở Công viên Hibiya, cuộc vận động bảo vệ hiến pháp (hộ hiến) lần thứ nhất, biến động vì giá gạo, cuộc vận động phổ thông đầu phiếu và cuộc vận động bảo vệ hiến pháp lần thứ hai...Toàn là những phong trào do dân chúng đứng ra tổ chức với một sức mạnh chưa từng thấy, lúc thì làm chao đảo, lúc thì đánh sập luôn nội các.

Ngoài ra, giới làm công ăn lương, phụ nữ, những người burakumin tức thành phần gốc gác ti tiện trong xã hội, cho đến này vẫn bị xem thường và ngược đãi, đã gióng lên tiếng nói của mình, tích cực đòi hỏi được cải thiện cách đối xử với họ. Đây là một đặc trưng của thời đại bấy giờ.

Hai nhân vật có thể xem như đã đóng vai trò chủ yếu đưa phong trào vận động dân chủ tự do thời Taishô lên đỉnh cao là Yoshino Sakuzo (Cát Dã, Tác Tạo) 1878-1933 và Minobe Tatsukichi (Mỹ Nùng Bộ, Đạt Cát, 1873-1948). Hai ông đều là giáo sư Đại học Tôkyô.


Hai nhà tư tưởng cấp tiến 
Yoshino Sakuzô và Minobe Tatsukichi

Yoshino Sakuzo đã thuyết về tư tưởng dân bản chủ nghĩa (lấy dân làm gốc) và được sự đồng tình rất lớn của quần chúng, Dân bản (minpon) mà ông bàn đên ở đây là chữ tương đương với dân chủ (minshu) theo cách nói của chúng ta bây giờ. Yoshino biết rằng Nhật Bản đã chọn lựa thiên hoàng chế như quốc thể (kokutai = national communion) nghĩa là một sự đồng thuận của cả nước, nếu nay đưa ra tiếng nói "dân chủ" như Tây phương thì không ai chấp nhận. Do đó, ông dùng "dân bản" để cho mọi người biết là "tôi không đi theo Tây phương như các bạn tưởng lầm và không thuyết phục các bạn phải trao chủ quyền quốc gia cho dân chúng đâu". Tuy vậy, nếu đọc nội dung những trước tác của Sakuzo thì rõ ràng chủ thuyết "dân bản" mà ông đề cập đến chính là chủ nghĩa dân chủ chứ không chi khác. Trong tạp chí Chuô Kôron (Trung Ương Công Luận), số tháng 1 năm 1916 (Taishô 5) , Sakuzo đã viết nguyên văn mấy dòng sau đây:

Mấy chữ "chủ nghĩa dân bản" hãy còn quá mới mẻ ở Nhật. Hình như cho tới nay người ta chỉ nói về chủ nghĩa dân chủ. Đôi khi lại có cách gọi khác như chủ nghĩa dân chúng hay chủ nghĩa bình dân. Thế nhưng chủ nghĩa dân chủ thì cũng giống như trường hợp của chủ nghĩa dân xã, làm cho chúng ta có thể hiểu lầm nó đòi hỏi "chủ quyền quốc gia phải ở nơi người dân".Còn như chủ nghĩa bình dân lại đem người bình dân đối lập với quí tộc, e rằng sẽ khiến cho người ta hiểu lầm nó đứng về cánh người bình dân mà xem quí tộc như thù địch (Lược 1 đoạn).Nếu chúng ta nhìn vào những gì đã làm nên cơ sở cho chính trị chính đảng thì sẽ thấy về mặt chính trị, trong khi vẫn tôn trọng người dân nói chung, không bao giờ phân biệt quí tiện, cũng không đòi hỏi chế độ phải là quân chủ - điểm mà trong nước đã đồng thuận - hay cộng hòa. Là một chủ nghĩa có thể áp dụng một cách phổ biến, tuy mang một cái tên hơi mới mẻ, chủ nghĩa dân bản (lấy dân làm gốc) chính là chủ nghĩa thích hợp nhất.

Sakuzo đã đặt tựa cho bài xã luận là "Bàn về con đường đưa đến việc thực hiện ý nghĩa tốt đẹp và chung cuộc của hiến pháp". Như thế, ông muốn bản hiến pháp lúc đó phải phản ánh ý dân, coi trọng người dân và đặt việc thực hiện chính trị trong chiều hướng đó như nhiệm vụ then chốt của nó.

Để phổ cập tư tưởng "dân bản", năm 1918 (Taishô 7), Yoshino Sakuzo đã kêu gọi một nhóm bạn gồm các học giả, nhà tư tưởng thành lập Reimeikai (Lê Minh Hội, lê minh = hừng đông), một đoàn thể có mục đích mở mang dân trí. Họ đi diễn thuyết khắp nơi, đưa ra chủ trương "Nếu muốn có một nền chính trị biết tôn trọng ý chí của quốc dân thì không gì khác hơn là thành lập nội các chính đảng. Chỉ có các nghị sĩ được chọn lựa bằng phổ thông đầu phiếu vào quốc hội (Chúng nghị viện) mới có thể phản ánh được ý chí của người dân". Như vậy, mục đích của nhóm này là đòi hỏi phổ thông đầu phiếu.

Cùng năm ấy, dưới sự dìu dắt của chính Yoshino Sakuzo, một nhóm sinh viên Đại học Tôkyô (Tôdai) đã kết hợp thành Tôdai shinjinkai (Đông Đại tân nhân hội) [6] . Hội "những con người mới của Đại học Tôkyô" này đồng thời với việc tổ chức những buổi học hỏi về chủ nghĩa dân chủ và chủ nghĩa xã hội, đã chủ trì những buổi diễn thuyết có tính cách giáo dục quần chúng như Reimeikai (Lê minh hội) từng thực hiện. Họ còn tích cực tham gia vào cuộc vận động tuyển cử và phong trào của người lao động.Từ trong đám họ, rồi sẽ thấy xuất hiện nhiều nhân vật theo chủ nghĩa xã hội hay cộng sản nổi tiếng.

Riêng nhân vật thứ hai sau Yoshino Sakuzo là Minobe Tatsukichi thì ông là một nhà học giả về hiến pháp. Ông chính là thân sinh của nhà học giả kinh tế Minobe Ryôkichi (Mỹ Nùng Bộ, Lượng Cát, 1904-1984), người đã làm đô trưởng thành phố Tôkyô thời hậu chiến trong một thời gian khá dài (1967-1979). Dưới thời Taishô, Minobe Tatsukichi đã viết những quyển sách giải thích về hiến pháp như Kenpô kôwa (Hiến pháp giảng thoại) và Kenpô satsuyô (Hiến pháp toát yếu) dể đề xướng thuyết "Thiên hoàng là một cơ quan" (cơ quan = organism nhưng trong cái nghĩa định chế = institution). Điều ông chủ trương đã ảnh hưởng nhiều đến giới trí thức đương thời,

Thuyết "thiên hoàng là một cơ quan" xem nhà nước như một pháp nhân. Dĩ nhiên pháp nhân (juridical, legal person) có nghĩa một đoàn thể có nhân cách nhưng chỉ tồn tại trên phương diện pháp lý, có quyền lợi đồng thời với nhiệm vụ. Pháp nhân ấy có quyền cai trị (chủ quyền) và trong trường hợp của Nhật Bản, thiên hoàng sẽ là cơ quan tối cao của quốc gia, một mình coi sóc việc thực thi quyền cai trị quốc gia dựa trên tinh thần của hiến pháp.

Còn như quốc gia là gì thì Minobe cho biết đó là tập hợp của đông đảo những người cùng chia sẻ một mục đích.Theo đó thì thiên hoàng, nghị sĩ (đại biểu quốc hội) hay thường dân là những người cùng nhau họp lại vì một mục đích chung và tất cả sẽ tạo ra tổ chức gọi là quốc gia. Minobe cũng xem thiên hoàng như là cơ quan tối cao của quốc gia. Nhưng khi đã là cơ quan tối cao của quốc gia thì sẽ không thể nào thi hành chính trị cho bản thân mình mà phải làm sao để phục vụ cho mục đích chung của toàn thể cái tổ chức mà mình là một thành viên.

Đồng thời Minobe cũng phản đối hình thức chính trị chuyên chế như việc thiên hoàng áp chế quyền lợi của quốc dân và yêu cầu họ tuyệt đối phải phục tùng mình. Ông bao lần lập đi lập lại rằng phải giải thích hiến pháp trong tinh thần dân chủ và tích cực chấp nhận giải pháp nội các chính đảng. .

Vào đầu thời Taishô, lý luận "thiên hoàng là một cơ quan" của Minobe đã đụng độ mạnh mẽ và trực tiếp với những nhà lý luận trường phái xem "chủ quyền thuộc về thiên hoàng". (Thuyết này cho rằng bằng bất cứ giá nào, chủ quyền tối hậu phải nằm trong tay thiên hoàng). Người bênh vực cho thuyết này nổi tiếng nhất là Uesugi Shinkichi (Thượng Sam, Thận Cát, 1878-1929) [7].

Thế nhưng rốt cuộc thuyết "thiên hoàng là một cơ quan" trở thành dòng suy nghĩ chính của người Nhật và trở thành chỗ dựa của những ai muốn biện minh cho chính trị chính đảng. Nó đã đóng một vai trò quan trọng cho việc phát triển chính trị chính đảng của giai đoạn cuối Taishô đầu Shôwa. Nó cũng đã trở thành vũ khí giúp Nội các Hamaguchi Osachi (sẽ nói đến sau) để vượt qua sự cáo buộc của quân đội khi những người này cho rằng nội các đã "vi phạm quyền thống soái" của thiên hoàng.

Tuy vậy khi chủ nghĩa quân quốc (gunkoku shugi = national militarism) đến thời toàn thịnh thì thuyết "thiên hoàng là một cơ quan" trở thành đối tượng của sự đàn áp và hãm hại. Sách vở của Minobe trở thành cấm thư, bản thân nhà học giả cũng bị tước quyền phát biểu. Ông đành phải từ chức thượng nghị sĩ (nghị viên Quý tộc viện).

Dù muốn dù không, tư tưởng và lý luận của Yoshino Sakuzo và Minobe Tatsukichi đã thúc đẩy và đánh dấu trào lưu dân chủ của thời Taishô. Sau đây chúng ta hãy thử phân tích trào lưu ấy qua những hiện tượng cụ thể đã xảy ra trong giai đoạn ấy.

3.2 Những cuộc vận động xã hội và trào lưu văn hóa đại chúng:

Trong giai đoạn dân chủ Taishô, những phong trào tranh đấu của người lao động đã phát triển rất nhanh chóng và rộng rãi.

Nhờ sự phồn vinh do trận Thế chiến thứ nhất đem lại, các hãng xưởng đã có cơ hội mở rộng, thu hút một lượng cực lớn nhân viên làm công ăn lương (salaryman). Thế nhưng phần đông họ chỉ được hưởng một mức lương rất thấp cho nên khi vật giá càng ngày càng tăng thì cuộc sống của họ trở thành khó khăn. Vì lý do đó, từ trong đám người lao động ấy đã có những cuộc vận động đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Số người hưởng ứng càng ngày càng tăng và đã bùng nổ thành những cuộc tranh chấp. Dĩ nhiên hai bên đương sự là giới chủ và giới thợ thuyền. Họ không đồng ý với nhau về cách giải quyết vấn đề sinh ra từ điều kiện lao động.

Những người đi làm nếu chỉ có một mình thì không thể nào có thể đối phó được giới chủ nhân.Vì thế họ đã kết đoàn để thành những tổ chức lao động (gọi là rôdô kumiai = lao động tổ hợp = labor union) để có thể đi thương lượng với phía kia. Năm 1921, lần đầu tiên một tổ chức lao động có tính qui mô trên toàn quốc mang tên là Nippon Rôdô Sôdômei (Nhật Bản lao động tổng đồng minh) đã xuất hiện.

Cho đến lúc đó giữa chủ và thợ vẫn có thái độ hòa hoãn và hiệp điệu tức là chủ trương hai bên chủ thợ thương thảo với nhau để đưa đến một sự đồng thuận nhưng càng ngày sự việc càng khó khăn. Nhiều khi gặp bế tắc, tổ chức này đã từ bỏ đường lối "thỏa hiệp và hợp tác" để bước sang "lập trường giai cấp đấu tranh". Họ cho rằng, để đạt đến điều mình đòi hỏi, người lao động không thể chờ đợi mà phải triệt để đấu tranh giành lấy nó. Như thế phong trào lao động đã chuyển hướng. Để hiểu rõ thêm, thiết tưởng cũng nên nói qua về lịch sử thành lập công đoàn ở Nhật.

Năm 1912 (Taishô nguyên niên), giới lao động đã thành lập một tổ chức có tên Yuuaikai (Hữu ái hội) (trong cái nghĩa một hội đoàn tương trợ lẫn nhau) với mục đích xúc tiến việc thành lập những đoàn thể tranh đấu cho địa vị của họ trong xã hội.Qua năm 1919 (Taishô 8) thì Yuuaikai được đổi tên thành Dainihon Rôdô Sôdômei Yuuaikai (Đại Nhật Bản lao động tổng đồng minh hữu ái hội), hoạt động để đòi hỏi quyền làm việc 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày mà vẫn giữ được mức lương cơ bản. Đến năm 1921, họ lại đổi phương pháp hành động và như ta đã nói đến bên trên, đổi danh xưng thêm một lần nữa thành Nhật Bản lao động tổng đồng minh.

Biến chuyển của cuộc vận động lao động của quần chúng Nhật

Thời điểm Phân nhánh hữu khuynh Luồng chính Phân nhánh tả khuynh
08/1912   Yuuaikai (Hữu ái hội)  
08/1919   Dainihon rôdô sôdômei yuuaikai (Đại Nhật Bản tổng đồng minh hữu ái hội)  
10/1920   Nihon rôdô sôdômei yuuaikai (Nhật Bản lao động tổng đồng minh hữu ái hội)  
10/1921   Nihon rôdô sôdômei (Nhật Bản lao động tổng đồng minh)  
05/1925 Nihon rôdô sôdômei (Nhật Bản lao động tổng đồng minh) gọi tắt là Sôdômei   Nihon rôdô kumiai hyôgikai (Nhật Bản lao động tổ hợp bình nghị hội) gọi tắt là Hyôgikai. Bị giải tán năm 1928.
12/1925 Nihon rôdô kumiai dômei (Nhật Bản lao động tổ hợp đồng minh)     
09/1929 Phân nhánh 1: Rôdô kumiai zenkoku dômei (Lao động tổ hợp toàn quốc đồng minh)    
06/1930 Phân nhánh 2: Zenkoku Rôdô kumiai dômei (Toàn quốclao động tổ hợp đồng minh) tức Zenrô    
01/1936   Kết hợp hai phân nhánh 1 và 2 cánh hữu thành: Zen Nihon Rôdô Sôdômei (Toàn Nhật Bản lao động tổng đồng minh) gọi tắt là Zensô.  

Năm 1920 (Taishô 9) lần đầu tiên Nhật Bản tổ chức ngày May Day (Mồng 1 tháng 5). Đây là ngày được xem như Lễ quốc tế lao động. Ngày này đã bắt đầu ở Mỹ vào năm 1890 (Meiji 23) khi người lao động nước ấy ấn định nó là một ngày để làm cuộc biểu tình quốc tế, đòi hỏi chính phủ cho thi hành chế độ làm việc 8 tiếng mỗi ngày. Ngày May Day đầu tiên ở Nhật Bản đã được tổ chức tại công viên Ueno (trung tâm Tôkyô), tụ tập khoảng 5.000 người tham gia. Họ ra nghị quyết yêu cầu chính phủ ban bố các đạo luật qui định chế độ lao động 8 giờ, đồng lương thấp nhất được hưởng, biện pháp phòng ngừa nạn thất nghiệp cũng như giáo dục miễn phí. Từ đó trở đi, ngày May Day được tổ chức nhiều nơi trên toàn quốc và con số người tham gia tăng lên theo thời gian.

Ở vùng nông thôn, đấu tranh đòi hạ bớt tiền mướn đất (kosakuryô = tiểu tác liệu) phải trả cho địa chủ cũng xảy ra thường xuyên. Những cuộc kháng nghị này dĩ nhiên là do nông dân đề xướng để cải thiện sinh hoạt của mình.

Sự phồn vinh xuất phát từ tình hình cuộc Thế chiến cũng là do nông phẩm được giá hời nhưng đồng thời hiện tượng này cũng kéo theo việc tăng giá tiền địa chủ cho nông dân mướn đất. Những người tá điền vì vậy sống rất khổ cực. Năm 1922 (Taishô 11), nhà nông Nhật Bản đã thành lập được một đoàn thể lao động có qui mô toàn quốc.Các ông Sugiyama Motojirô (Sam Sơn, Nguyên Trị Lang, 1885-1964) [8] , Kagawa Toyohiko (Hạ Xuyên, Phong Ngạn, 1888-1960) [9] đã tổ chức được Nihon nômin kumiai (Nhật Bản nông dân tổ hợp) và đứng ra lãnh đạo cuộc tranh đấu của nông dân. Từ khi tổ chức này ra đời, cuộc tranh đấu của giới tá điền như có thêm sức mạnh và đã triển khai trên một bình diện lớn hơn.

Đây là thời kỳ các phong trào công đoàn và đấu tranh của giới tá điền lên cao trở lại từ sau Vụ án đại nghịch (Daigyaku jiken) năm 1910 (Meiji 43). Những nhà vận động có một thời im hơi lặng tiếng nay như được hồi sinh. Họ kết hợp những người đồng chí hướng trẻ để tiếp tục đòi dân chủ. Kết quả là vào năm 1920 (Taishô 9), tổ chức Nihon shakai shugi dômei (Nhật Bản xã hội chủ nghĩa đồng minh) đã được thành lập chung quanh nhóm các ông Yamakawa Hitoshi (Sơn Xuyên, Quân, 1880-1958) [10] . Tuy nhiên, chính phủ vẫn tỏ ra "dị ứng" với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Năm đó (1920), đã xảy ra Vụ Morito. Đó là việc vị phó giáo sư Đại học Tôkyô Morito Tatsuo (Sâm Hộ, Thìn Nam, 1888-1984) - một học giả kinh tế khuynh hướng cải cách xã hội ôn hòa - đã công bố một luận văn nhan đề "Nghiên cứu về tư tưởng xã hội của Kropotkin" [11] và đã bị đình chỉ chức vụ. Ngoài ra, sang năm sau, tổ chức Nhật Bản xã hội chủ nghĩa đồng minh vừa nhắc tới bên trên cũng bị chính phủ đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Tuy bị đàn áp như thế nhưng lúc ấy, chủ nghĩa Marx đã thẩm thấu sâu đậm vào đầu óc của giới trí thức.Những cô cậu moga (modern girl) mobo (modern boy) tức lớp trai gái trẻ trung thời ấy có phong trào thời thượng là cầm trên tay những cuốn sách nói về Mác-xít khi dạo chơi trên những đường phố sang trọng như trung tâm Tôkyô (hành động gọi là Gin-bura = đi phất phơ (furafura) trên phố Ginza).

Đến năm 1922 (Taishô 11), các ông Sakai Toshihiko (Giới, Lợi Ngạn, 1870-1933) [12] và Yamakawa Hitoshi đã thành lập Nihon Kyôsantô (Nhật Bản Cộng Sản Đảng), một chi bộ của Komintern (Đệ Tam Quốc Tế), lúc ấy đang ở trong tình trạng bất hợp pháp nghĩa là không được chính quyền thừa nhận. Kể từ đó, chủ nghĩa cộng sản đã ảnh hưởng đến các phong trào xã hội khác, bắt đầu là phong trào đòi quyền lợi của người lao động, sau đến phong trào giải phóng phụ nữ, giải phóng người burakumin đang bị kỳ thị vì gốc gác ti tiện, phong trào đòi thực hiện phổ thông đầu phiếu.
 
 

Kagawa Toyohiko
Yamakawa Hitoshi
Sakai Toshihiko

Đảng Cộng sản như ngày nay chúng ta được biết là một đoàn thể chính trị ra tuyên bố phủ nhận chế độ tư hữu tài sản và có mục đích thực hiện chế độ tài sản cộng hữu. Theo định nghĩa, để làm việc đó, họ chủ trương san bằng khoảng cách giữa kẻ giàu và người nghèo.

Tuy nhiên, trong cao trào dân chủ đời Taishô, có rất nhiều cuộc vận động xã hội xuất hiện dưới dạng thức khác nhau chứ không riêng gì cộng sản. Sở dĩ lan rộng được như vậy là vì có sự phổ cập của giáo dục trong quần chúng.

Sau chiến tranh Nhật Nga, độ phổ cập của giáo dục nghĩa vụ (còn gọi là giáo dục cưỡng bách, compulsory education) đã lên đến trên 97%. Con số cơ quan giáo dục cao đẳng (trình độ cao hơn giáo dục nghĩa vụ, higher education) cũng đã tăng thêm một cách nhanh chóng. Hầu hết lúc đó mọi người dân đều biết đọc biết viết và đủ tri thức để am hiểu mọi khía cạnh cơ bản của đời sống xã hội

Cùng lúc, con số báo chí và lượng phát hành cũng tăng theo. Có những tờ báo tổng hợp như Chuô Kôron (Trung ương công luận), Kaizô (Cải tạo), có những tờ báo đại chúng như Kingu (King)... Loại enpon (viên bản = sách rẻ 1 cuốn giá 1 yen) và sách khổ bỏ túi Iwanami bunko (Văn khố Iwanami) với các bộ văn học toàn tập giá rẻ cũng lần lượt đến tay độc giả bình dân. Nói chung thì văn hoá đại chúng dưới hình thức ấn bản đã hoàn thành.

Không những lớp trí thức mà ngay người thường dân cũng ý thức về nhân quyền hơn trước. Họ bắt đầu quan tâm đến những diễn biến chính trị. Họ nhạy cảm hơn đối với những gì ảnh hưởng gần xa với cuộc sống của mình, ví dụ điều kiện lao động, tình hình thế giới.

Phim ảnh, đài truyền thanh và máy thâu phát âm là những mội thể truyền thông mới đã đóng vai trò thúc đẩy sự tiến hóa trong lề lối suy nghĩ của người dân.

Như thế, giai đoạn cuối Taishô bước qua đầu Shôwa, việc giáo dục nghĩa vụ được phổ cập và việc văn hoá đại chúng do nó sinh ra, đã phát triển mạnh. Chúng là hai nhân tố có liên quan mật thiết đến phong trào dân chủ đời Taishô vậy.

Cũng dưới thời Taishô, phong trào phụ nữ đòi cải thiện vị trí của họ trong xã hội cũng như đòi quyền tham dự vào hoạt động chính trị đã lên cao. Đoàn thể đóng vai trò quan trọng trong phong trào này là Shin fujin kyôkai (Tân phụ nhân hiệp hội) tức Hội những người phụ nữ mới, ra đời vào năm 1920 (Taishô 9). Họ cónhững nhà lãnh đạo đầy nhiệt tình như Hiratsuka Raichô (Bình Trủng, Lôi Điểu, 1886-1971) [13] và Ichikawa Fusae (Thị Xuyên, Phòng Chi, 1893-1981) [[14]. Nhờ quyết tâm của họ mà sau đó nhà nước đã phải cải chính điều 5 của Đạo luật về cảnh sát và trị an để cho phép lần đầu tiên người phụ nữ được có quyền tham gia các cuộc vận động chính trị.Năm 1924 (Taishô 13), đoàn thể của các bà đã mở rộng và liên kết thành một tổ chức lớn hơn có tên Fujin sanseiken kakutoku kisei dômei (Liên minh những người tranh đấu cho người phụ nữ có quyền tham chính). "Tham chính" (sansei) trong Nhật ngữ có nghĩa nhẹ hơn trong Hán Việt, ở đây chủ yếu nói đến quyền phổ thông đầu phiếu cho cả nam lẫn nữ.

Để thức tỉnh người phụ nữ về vai trò cuả họ, bà Hiratsuka Raichô đã tổ chức một nhóm lấy tên là Seitôsha (Thanh đạp xã) [15] vào năm 1911 (Meiji 44). Trong bài xã thuyết mào đầu cho tạp chí Seitô (Thanh đạp) số ra mắt, có thấy câu nói đã trở thành nổi tiếng như sau:

Xưa kia, người phụ nữ đáng được gọi là mặt trời (ý nói Thái Dương thần nữ, NNT). Rõ ràng những con người đúng nghĩa. Ngày nay, phụ nữ chỉ là vầng trăng. Vầng trăng thì phải nhận lấy ánh sáng từ người khác. Họ là vầng trăng với khuôn mặt xanh xao nhợt nhạt của một con bệnh.

Hai chữ "thanh đạp" dịch thẳng từ "blue stocking" hay bí tất xanh. Hồi thế kỷ 18, ở London bên Anh có một người mệnh phụ tên là bà Montagu.Những người phụ nữ họp lại trong biệt thự của bà có thể đường đường bàn luận với nhau về khoa học và nghệ thuật, những điều họ vẫn bị cấm đoán. Bà nào cũng mang bí tất màu xanh cả. Do đó hội đoàn của bà Hiratsuka Raichô cũng được mệnh danh như vậy.

Dù sao, bản chất của Seitôsha không hẳn là một hội đoàn có mục tiêu giải phóng phụ nữ. Để tránh sự hiểu lầm, xin được bàn thêm ở đây.

Mục đích của Seitôsha là phát triển tài năng văn chương của người phụ nữ. Trước tiên Seitôsha có mục đích văn học. Tuy nhiên, thời đó, dư luận cứ đinh ninh nó là cơ quan của phong trào đòi giải phóng phụ nữ. Thế nhưng nói chung tầng lớp phụ nữ rất hoan nghênh việc đó, thế rồi các cơ quan truyền thông càng thổi phồng nó lên như một hiện tượng xã hội.Do đó mà những ngưòi trong Seitôsha, vì không phản ánh quan niệm có sẳn về người phụ nữ, đã bị thiên hạ nhìn với cặp mắt thiếu khoan dung. Có người vì bị phát hiện ra là có chân trong Seitôsha mà phải mất việc làm. Chỉ vào lúc đó, người trong Seitôsha mới cảm thấy xã hội Nhật Bản mà họ đang sống còn nhiều thiên kiến và tỏ ra bất công đối với phụ nữ. Điều đó đã thúc đẩy sự manh nha của phong trào giải phóng phụ nữ và sự hình thành của Hiệp hội phụ nữ mới (Shinfujin kyôkai = Tân phụ nhân hiệp hội).

Bên cạnh nhưng khác với Seitôha là Sekirankai (Xích lan hội) của Yamakawa Kikue (Sơn Xuyên, Cúc Vinh, 1890-1980) [16] . Xích lan có nghĩa là Làn sóng đỏ. Đây mới đúng là một đoàn thể tranh đấu để giải phóng phụ nữ. Cơ sở đường lối suy nghĩ của họ là người phụ nữ sẽ được giải phóng nếu cuộc cách mạng cộng sản, xã hội chủ nghĩa thành công. Lập trường của họ dĩ nhiên là có khoảng cách với Tân phụ nhân hiệp hội.


Ba nhà vận động nữ quyền: 
Ichikawa Fusae, Yamakawa Kikue và Yosano Akiko

Thời Taishô cũng là lúc phong trào chống kỳ thị giai cấp đối với người burakumin (bộ lạc dân, đáng lẽ phải gọi là hisabetsu burakumin tức những nhóm người bị kỳ thị) [17] phát triển.

Năm 1871 (Meiji 4), chính phủ Meiji đã phát lệnh như sau: "Kể từ đây, không được dùng cách gọi bất cứ ai là hinin (phi nhân) nữa. Những người này về giai cấp cũng như công việc, phải được đối xử như một thường dân". Tuy nhiên trên thực tế thì sự kỳ thị vẫn còn tiếp diễn trong hôn nhân, nghề nghiệp. Cuộc sống đen tối của những người này không hề được cải tiến. Chính vì vậy và vào giữa thời Meiji trở đi, những người burakumin thuộc thành phần có của hay được đi làm công chức mới họp nhau thành đoàn thể tranh đấu. Trước tiên, những người burakumin bị kỳ thị này tự mình cố gắng làm việc để vươn lên nhằm thay đổi số phận, sau họ đòi xã hội phải bỏ cái nhìn không thỏa đáng về họ. Thế nhưng dù họ có cố gắng đến đâu, sự kỳ thị và thiên kiến ấy vẫn không suy suyển.

Năm 1918 (Taishô 7), xảy ra biến động về việc gạo tăng giá (Kome sôdô). Nhờ có biến động này mà người burakumin có được sự thay đổi lớn trong cách suy nghĩ. Như ta đã biết, biến cố vì giá gạo đã làm bùng nổ một cuộc nổi loạn của nông dân khắp nước và dẫn đến cả việc lật đổ Nội các Terauchi.

Những người burakumin tham gia vào cuộc nổi loạn này đã cảm thấy rõ rệt sức mạnh của mình và "ngộ" được rằng: "Muốn khỏi bị kỳ thị thì chỉ có cách mặt đối mặt với những người kỳ thị mình mà đưa yêu sách!" Như thế, cuộc vận động chống kỳ thị giai cấp đã phát triển rất nhanh. Trào lưu dân chủ đời Taishô với những cuộc vận động khác cũng thúc đẩy cho nó. Vì vậy mà vào tháng 3 năm 1922, Zenkoku Suiheisha (Toàn quốc thủy bình xã) [18] được thành lập, làm cho cao trào đòi bình đẳng, phá bỏ giai cấp (thủy bình = suihei = horizontal, same level) đạt đến qui mô toàn quốc.

Tiết 4 - Cuộc vận động phổ thông đầu phiếu. Nội các của 3 phái hộ hiến thành lập:
4.1 Chuyển biến chính trị sau thời Nội các Hara:

Thời Taishô có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động xã hội nhưng nhìn chung, điểm hẹn cuối cùng của chúng vẫn là việc đòi hỏi thực hiện phổ thông đầu phiếu.

Như đã nói đến bên trên, riêng giai đoạn từ năm 1919 (Taishô 8) bước qua 1920, cuộc vận động cho phổ thông đầu phiếu đã đạt đến một qui mô lớn chưa từng có.Thế nhưng trước tuyên bố giải tán quốc hội dưới thời Nội các Hara và cuộc tuyển cử (hạn chế) đem đến thắng lợi lớn cho đảng Seiyuukai, nó đã đánh mất sinh khí. Phải đợi đến thời Nội các Katô Tomosaburô, phong trào mới như quả bóng xì hơi lại được căng phồng không khí, làm cho chính phủ phải xem lại một cách nghiêm chỉnh khả năng của một cuộc phổ thông đầu phiếu. Tuy nhiên, rủi ro là năm 1923 (Taishô 12), Thủ tướng Katô Tomosaburô đang tại chức thì mắc bạo bệnh và qua đời.

Các vị nguyên lão lần này đề nghị Yamamoto Gonbê vào chức chủ tịch hội đồng nội các. Chúng ta còn nhớ ông, vị tướng hải quân xuất thân quân phiệt Satsuma, đã có lần giữ vai trò thủ tướng và từ chức cùng với nội các sau sự cố Siemens.

Như thế, thêm một lần nữa, hình thức nội các chính đảng đã bị bỏ quên.

Tuy vậy, lúc Yamamoto đang chuẩn bị tổ chức thành lập nội các thì vùng Kantô xảy ra một trận động đất lớn khủng khiếp (Kantô daishinsai) vào ngày 1 tháng 9 năm 1923.Lúc đó những gì Nhật Bản đang cần là một nội các đại đoàn kết cho nên thủ tướng mới đã kêu gọi các ông Takahashi Korekiyo, chủ tịch Seiyuukai, Katô Takaaki, chủ tịch Kenseikai, và kể cả Inukai Tsuyoshi, lãnh tụ của một lực lượng mới nổi là Kakushin Kurabu (Câu lạc bộ Đổi Mới) phải gác mọi bất đồng chính kiến qua một bên mà tham dự nội các. Tuy nhiên, trong ba người được mời, chỉ có Inukai đồng ý.

Như thế, về tính chất thì Nội các Yamamoto lần này là nội các phiệt tộc nhưng ngay từ lúc đầu, Yamamoto cho biết ông đang ở trong tư thế sẳn sàng mở một cuộc phổ thông đầu phiếu, điều này làm cho dân chúng hứng khởi. Thế nhưng rốt cuộc, chính phủ của tướng Yamamoto cũng không thỏa mãn được ước vọng đó của người dân.

Bỗng nhiên tháng 12 cùng năm, đã xảy ra một biến cố khiến cho toàn thể nội các phải từ chức. Đó là việc đang khi dùng xe hơi đi đến dự buổi lễ khai mạc quốc hội thì Đông cung nhiếp chính (tức Thiên hoàng Shôwa về sau) đã bị kẻ khủng bố nấp bắn ở khu Toranomon. Đạn đã làm vỡ toang kính xe nhưng vị Nhiếp chính không việc gì. Sử chép đó là Biến cố Toranomon, một nơi thuộc trung tâm Tôkyô. Thủ phạm tên Nanba Daisuke, một thanh niên 25 tuổi. Anh ta là thành phần theo chủ nghĩa vô chính phủ (anarchist).

Như ta đã biết, người theo chủ nghĩa vô chính phủ muốn bài trừ mọi hình thức cai trị, nhắm thực hiện tự do và độc lập hoàn toàn cho mỗi cá nhân.

Riêng có một điều là anh Nanba này không thuộc giai cấp lao động mà lại là con nhà giàu có, xuất thân phiên phiệt Chôshuu (tỉnh Yamaguchi ngày nay). Bố anh ta hiện là nghị sĩ hạ viện nữa chứ. Là một cậu công tử, anh có thời đã theo học Waseda Daiichi Kôtô Gakkô, nói như kiểu đời nay thì anh là sinh viên Đại học Waseda, ngôi trường danh tiếng vào bậc nhất.

Dù là con nhà dòng dõi nhưng không biết tự bao giờ, anh đã chuyển hướng sang tư tưởng xã hội, cộng sản và vô chính phủ. Anh hận những quyền lực đã đàn áp dân chúng và muốn đập cho tan việc người lao động cứ phải tôn sùng hoàng gia. Hơn nữa, vì mong xã hội Nhật Bản chóng đi lên con đường cộng sản nên đã thực hành kế hoạch khủng bố của mình.

Việc tấn công nhằm đối tượng hoàng gia là một sự kiện quá nghiêm trọng. Lập tức, Nội các Yamamoto phải nhận lấy trách nhiệm và từ chức. Tổng chỉ huy lực lượng cảnh sát tức người có nhiệm vụ chỉ huy việc bảo vệ Đông cung nhiếp chính bị sa thải. Bố của Nanba Daisuke đang làm nghị sĩ phải từ chức cùng với vị hiệu trưởng và thầy giáo chỉ đạo ở ngôi trường tiểu học nơi ngày xưa Nanba có lần theo học. Như những gì đã xảy ra vào năm 1910, hễ phạm vào tội đại nghịch là bị tử hình. Nanba Daisuke cũng chịu chung số phận ấy.

Nội các Yamamoto đã chết yểu như thế và việc phổ thông đầu phiếu một lần nữa lại không thành.

4.2 Nội các của 3 phái hộ hiến ra đời:

Người đứng ra lập nội các tiếp theo vẫn là một nhân vật trong phiệt tộc, ngày xưa có thời suýt nữa trở thành thủ tướng nhưng nội các ấy đã bị đẻ non. Ông là Kiyoura Keigo (Thanh Phố, Khuê Ngô, 1850-1942) [19]. Lần này, ông đã thành công và Nội các Kiyoura ra đời vào tháng 1 năm 1924 (Taishô 3).

Kiyoura mời nhiều nghị viên Quý tộc viện (thượng viện) vào nội các của mình.Do đó, ông được sự ủng hộ của Quý tộc viện. Các chính đảng thành ra vẫn đứng vòng ngoài.

Hai đảng Kenseikai (của Katô Takaaki) và Kakushin Kurabu (của Inukai Tsuyoshi) lấy thái độ đối lập rõ rệt đối với thể chế "siêu nhiên" (chôzen, cho mình có nhiệm vụ thiêng liêng dìu dắt quốc dân và khinh thường chính đảng) của phiệt tộc và Quý tộc viện này. Thế nhưng trong nội bộ Seiyuukai, vốn là chính đảng thực sự nắm đa số tuyệt đối trong quốc hội, chợt nẩy ra một sự bất đồng ý kiến. Có người muốn chống nhưng cũng có người muốn hợp tác với chính phủ mới. Kết cuộc, chủ tịch của họ là Takahashi Korekiyo lấy quyết định là Seiyuukai sẽ không ủng hộ chính phủ. Ông liền bị Tokonami Takejirô và Yamamoto Tatsuo, hai thành phiên phái ủng hộ chính phủ, chống lại. Họ bèn thoát ly khỏi Seiyuukai để lập một đảng mới, Seiyuu hontô (Chính hữu bản đảng).

Thế rồi con số thoát ly càng lúc càng đông, họ hầu như chạy hết qua bên Seiyuu hontô (hontô = bản đảng, đảng gốc). Tất cả lên đến 148 người. Số người còn ở lại với Seiyuukai chỉ có 129 nghĩa là đảng cũ bây giờ lại yếu thua đảng mới. Như thế, Seiyuukai đã phân chia thành hai cực. Dĩ nhiên, đảng mới Seiyuu hontô trở thành đảng ủng hộ Thủ tướng Kiyoura.


Thủ tướng Kiyoura Keigo

Để giành lại chính quyền, ba thủ lĩnh chính đảng là Katô Takaaki (Kenseikai), Takahashi Korekiyo (Seiyuukai) và Inukai Tsuyoshi (Kakushin Kurabu) đã kêu gọi cùng nhau đoàn kết lật đổ Kiyoura. Ông này bèn đối đầu một cách quả quyết bằng cách tuyên bố giải tán quốc hội.Có lẽ vì lúc đó Kiyoura đủ tự tin mình sẽ thắng cử kỳ tới.

Thế nhưng nhóm liên hiệp ba đảng đã có một cuộc vận động tranh cử khôn khéo. Họ hô hào cho một cuộc vận động "hộ hiến" (ủng hộ hiến chính tức chính trị chính đảng như hiến pháp qui định) lần thứ hai, đưa ra các mục tiêu: thực hiện nội các chính đảng, phổ thông đầu phiếu, giảm thuế, cải cách Quý tộc viện. Kết quả là họ đã thắng lớn và đoạt được đa số ghế ở quốc hội. Vì lý do đó, Nội các Kiyoura phải tổng từ chức.

Các nguyên lão không biết sao hơn là trả chính quyền về cho chính đảng. Người chiến thắng lớn nhất trong kỳ tuyển cử này là Katô Takaaki (1860-1926) [20] , chủ tịch Kenseikai. Đảng của ông đã có thêm 50 ghế và trở thành chính đảng lớn nhất. Việc tổ chức nội các vì vậy được trao cho ông và như thế chính quyền lại trở về trong tay các chính đảng.

Katô mới tổ chức một nội các liên hiệp gồm 3 chính đảng đã chung sức thành công trong vụ lật đổ chính quyền Kiyoura. Đương thời ba chính đảng Kenseikai, Kakushin Kurabu và Seiyuukai có tên là Koken sanpa (Hộ hiến tam phái). Vì thế nội các lần thứ nhất của Katô Takaaki mới mang danh xưng là Nội các "hộ hiến tam phái" vậy.

Cả hai ông Takahashi Korekiyo (Seiyuukai) và Inukai Tsuyoshi (Kakushin Kurabu) cũng vào nội các. Một người ngoài đảng phái là Shidehara Kijuurô được mời nắm chức Tổng trưởng ngoại giao. Chúng ta đã biết đến tên Shidehara trước đây khi bàn về chính sách "ngoại giao Shidehara" tức ngoại giao hòa hợp, hiệp điệu với Anh Mỹ.

4.3 Sự thực hiện phổ thông đầu phiếu. Đạo luật duy trì trị an.

Đúng như lời hứa trước quốc dân, nội các "hộ hiến tam phái" đã ban hành đạo luật thực hiện phổ thông đầu phiếu vào tháng 3 năm 1925 (Taishô 14) Đạo luật này đã bị giới phiệt tộc chống đối mạnh mẽ khi nó được đem ra bàn cãi ở hai cứ điểm của nhóm người này là Quý tộc viện và Xu mật viện. Để đạo luật được thông qua, chính phủ đành phải nhượng bộ họ ở nhiều điểm nhất là việc hạn chế tuổi tác người đi bầu và tư cách người có quyền đi bầu. Thế nhưng đã có sự tiến bộ trông thấy là tất cả các nhà làm luật đồng thanh chấp nhận nếu là đàn ông trên 25 tuổi, ai cũng có quyền đi bầu. Chỉ nội việc đó đã làm tăng con số cử tri trong nước lên gấp bốn.

Sở dĩ phiệt tộc phản đối luật phổ thông đầu phiếu vì họ lo sợ nếu ai cũng có quyền đi bầu thì giới lao động sẽ bầu cả cho các ứng cử viên xã hội hay cộng sản là những người có cùng quan điểm. Không khéo chế độ thiên hoàng cũng phải sụp đổ. Đương thời, chủ nghĩa Marx rất phổ biến trong dân chúng và điều đó đã đưa đến những sự kiện bạo động như Biến cố Toranomon tức vụ khủng bố của Nanba Daisuke, người theo chủ nghĩa vô chính phủ. Họ còn e rằng khuynh hướng này sẽ lan rộng hơn nữa trong dân chúng vì tháng 1 cùng năm (1925), Nhật Bản đã ký một hiệp ước cơ sở với Liên Xô, chính thức thành lập quan hệ ngoại giao với một quốc gia thuộc phe xã hội chủ nghĩa.

Thành thử chính phủ Katô phải hứa hẹn "sẽ ban hành một đạo luật canh chừng lời nói và hành vi của những kẻ nào có tư tưởng gây nguy hiểm cho chế độ thiên hoàng" để có được sự đồng thuận của Quý tộc viện và Xu mật viện. Chính vì lý do đó mà 10 hôm trước khi đạo luật phổ thông đầu phiếu ra đời thì một đạo luật khác, Chian iji hô (Trị an duy trì pháp) đã có mặt. Sau đây là nội dung điều thứ nhất của đạo luật ấy đang trong công báo:

"Không cho phép tổ chức một đoàn thể nào có mục đích thay đổi chế độ thiên hoàng cũng như phủ nhận quyền tư hữu tài sản. Lại nữa, cấm việc gia nhập vào một đoàn thể như thế. Nếu ai vi phạm những điều nói trên, sẽ chịu hình phạt cho đến mức 10 năm cấm cố hoặc khổ sai".

Rõ ràng văn bản nhắm vào thành phần cộng sản. Chúng ta đã có lần nhắc đến Luật duy trì trị an nhưng tiện đây phải nói thêm rằng, năm 1928, chính phủ Tanaka Giichi đã đưa mức án cao nhất dành cho luật này lên đến tử hình. Sang thập niên 1930, khi chủ nghĩa quân quốc (national militarism) bành trướng thì phạm vi áp dụng đã được dàn trải rộng ra hơn nữa. Không chỉ người cộng sản mà kể cả người theo chủ nghĩa xã hội, dân chủ hay tự do đều trở thành đối tượng. Luật duy trì trị an như thế đã trở thành một võ khí để khống chế tư tưởng và bịt miệng dư luận.

Thủ tướng Katô Takaaki chắc cũng không thể ngờ rằng sau đó, phản ứng của dân chúng có thể mạnh mẽ đến thế. Mọi nơi, những đoàn thể người lao động đã rầm rộ đứng lên để ngăn chặn đạo luật này.

Hai trong ba đảng phái bảo vệ hiến chính thì có hai (Seiyuukai và Kakushin Kurabu) xin rút ra khỏi chính quyền liên hiệp. Chủ tịch Seiyuukai là Takahashi Korekiyo từ chức và được thay thế bằng Tanaka Giichi (Điền Trung, Nghĩa Nhất, 1864-1929)[21] , một nhà lãnh đạo thuộc phiên Chôshuu. Sau đó, Inukai Tsuyoshi của Kakushin Kurabu cũng xin rút lui khỏi chính trường, các đồng chí của ông bèn gia nhập Seiyuukai. Như vậy, đã có một sự thay đổi lớn xảy ra trong 3 đảng phái.

Có được Tanaka Giichi - lãnh tụ phiệt tộc xuất thân từ quân đội - lên giữ chức chủ tịch cho đảng mình rồi thì Seiyuukai muốn dần dần mở rộng phạm vi thế lực, những mong đoạt lại chính quyền từ tay Kenseikai. Họ xung đột với thành viên của nhóm này chung quanh vần đề chế độ thuế khóa và do đó mà quan hệ liên hiệp của họ hoàn toàn bị cắt đứt.

Thế nhưng lúc ấy Saionji Kinmochi đã trở thành vị nguyên lão cuối cùng. Ông lại đề nghị để cho Katô Takaaki lập nội các một lần thứ hai dầu sau lưng Katô chỉ có sự ủng hộ của một đảng phái là Kenseikai. Thủ tướng Katô bèn kêu gọi thêm đảng Seiyuu hontô, xưa kia từng là đảng ủng hộ Nội các Kiyoura, làm vây cánh cho mình để thực hiện chính trị được trót lọt. Tuy nhiên, giữa khi việc đàm phán chưa thành thì ông lâm bệnh và qua đời (tháng 1 năm Shôwa nguyên niên, 1926). Để đề phòng tình trạng hỗn quân hỗn quan khi thủ tướng đương nhiệm Katô Takaaki mất, nguyên lão Saionji đã có quyết đoán là vẫn kêu gọi người trong Kenseikai lập nội các mới thay vì trao nó lại cho Seiyuukai. Lần này, người đứng ra thành lập nội các là chủ tịch mới của Kenseikai, Wakatsuki Reijirô (Nhược Khuy, Lễ Thứ Lang, 1866-1949). [22]

Câu chuyện về thời Taishô đáng lý ra có thể ngưng ở chỗ này nhưng đang đà nên xin tiếp tục lược kê để báo trước về những nội các đã điều hành việc nước ở Nhật thời gian sau đó.

Sau khi Nội các Kenseikai của Wakatsuki đổ vì cuộc khủng hoảng tài chính thì người lên thay thế ông là Tanaka Giichi của Seiyuukai. Bẵng đi một thời gian, lần này Seiyuukai mới nắm chính quyền trở lại. Dù vậy, Tanaka lại xử sự vụng về trong sự cố đặt bom ám sát tướng Trương Tác Lâm ở Mãn Châu làm mất sự tín nhiệm của Thiên hoàng Shôwa, bị qui ngay trách nhiệm và phải chịu quở trách. Thế rồi, sau Tanaka, việc lập nội các được chuyển sang tay một chính trị gia của Rikken Minseitô, Hamaguchi Osachi (Tân Khẩu Hùng Hạnh).

Chính đảng có tên Rikken Minseitô (Lập hiến dân chính đảng) tuy mới được nhắc đến lần đầu tiên ở đây nhưng không gì khác hơn là một đảng qui mô lớn do Kenseikai (Hiến chính đảng) và Seiyuu hontô (Chính hữu bản đảng) họp lại mà thành.


Thủ tướng Hamaguchi Osachi

Năm 1930 (Shôwa 5), Thủ tướng Hamaguchi bị tấn công ở nhà ga Tôkyô, ông chết vì vết thương do kẻ khủng bố gây ra. Do dó, Wakatsuki Reijirô lại nắm chức chủ tịch Minseitô và đứng ra lập nội các lần thứ hai. Thế nhưng vừa vặn lúc đó, biến cố Mãn châu bùng nổ, chính phủ vì không kiểm soát nổi tình thế nên mất tự tin, đành tổng từ chức. Người đứng ra thành lập nội các mới là Inukai Tsuyoshi, chủ tịch Seiyuukai.

Không ai ngờ rằng tháng 5 năm 1932 (Shôwa 7), Inukai cũng ngã gục trước làn đạn khủng bố của một sĩ quan trẻ.

Như thế, ta có thể nghĩ rằng sau vụ này, việc lập nội các sẽ được giao cho Minseitô, nhưng không, người đứng ra lãnh trách nhiệm lần này là một nhân vật không là đảng trưởng của đảng phái nào hết. Ông ta là Đại tướng Hải quân Saitô Makoto (Trai Đằng, Thực, 1858-1936) [23] . Kế nhiệm ông cũng là một đại tướng hải quân, Okada Keisuke (Cương Điền, Khải Giới, 1868-1952) [24] . Vào giai đoạn này, chủ nghĩa quân quốc đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Chẳng bao lâu, nó sẽ đưa đẩy nước Nhật bước vào những trang đen tối của thời quân phiệt phát xít. Cho đến khi Nhật thất trận trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương, không còn thấy bóng dáng của một nội các chính đảng nào nữa.
 

Thủ tướng 
Katô Tomosaburô
Thủ tướng 
Okada Keisuke
Thủ tướng 
Saitô Makoto

Như chúng ta thấy, từ năm 1924 (Taishô 13) khi có việc Katô Takaaki thành lập được một nội các với sự tham gia của 3 đảng phái "hộ hiến" đến thời điểm Nội các Inukai Tsuyoshi sụp đổ, tất cả là 8 năm trời. Giai đoạn này tương ứng với việc 2 đảng phái chính trị là Seiyuukai và Minseitô nối tiếp và thay thế nhau lãnh đạo chính phủ. Trong 8 năm đó, đảng nào nắm đa số ở Chúng nghị viện sẽ đứng ra tổ chức nội các. Do đó, người ta gọi giai đoạn này là thời "kensei no jôdô" (hiến chính thường đạo) nghĩa là lúc "chính trị tổ chức theo hiến pháp" được thi hành.

Để chế độ này được vận hành suôn sẻ, việc định người nào vào chức vụ thủ tướng phải có sự chấp thuận tiên quyết của Hội đồng nguyên lão. "Hiến chính thường đạo" chỉ được thực thi khi hãy còn nguyên lão và người giữ chức nguyên lão cuối cùng là Saionji Kinmochi (1849-1940) [25] . Như chúng ta biết, Saionji, một công tước, cũng là Chủ tịch Seiyuukai và là người chủ trương chính trị chính đảng.

Danh sách các thủ tướng trước sau giai đoạn dân chủ thời Taishô ( 1918-1926)

Tên họ Thành viên Bắt đầu Chấm dứt Đặc điểm
Hara 
Takashi
Rikken
Seiyuukai 
09/1918 11/1921 Nội các chính đảng thực sự đầu tiên. Bị ám sát.
Takahashi
Korekiyo
Rikken
Seiyuukai
11/1921 06/1922 Ngoại giao hòa hoãn. Tài giảm binh bị.
Katô
Tomozaburô
Hải quân (đại tướng) 06/1922 09/1923 Đồng minh với Rìken Seiyuukai. Bị bệnh mất.
Yamamoto Gonbê Hải quân (đại tướng) 09/1923 01/1924 Động đất lớn năm 1923. Lập nội các lần thứ 2.
Kiyohara 
Keigo
Quý tộc viện
Xu mật viện
01/1924 06/1924 Coi thường quốc hội. Thắng lớn trong tổng tuyển cử..
Katô
Kataaki
Kenseikai 06/1924 08/1925 Nội các liên hiệp 3 phái hộ hiến. Ban hành đạo luật duy trì trị an.

Xã hội Nhật Bản dưới thời Taishô

Để kết nối các đô thị với nhau, hai nội các Hara (1918-21) và Takahashi (1921-22) lập ra kế hoạch mở mang các tuyến đường sắt địa phương và nó đã lan rộng ra toàn quốc. Cùng với sự mọc lên những khu dân cư mới vùng ven ô, xe điện ngoại ô cũng được đưa vào hoạt động giúp dân chúng có phương tiện đi đến sở làm.Thế rồi từ cuối đời Taishô trở đi, ở những nhà ga cuối đường tàu lại mọc ra những cửa hàng bách hoá (depa-to, department store). Trên đường phố thì có xe điện (tramway = shiden) và xe ô-tô, món sau này bắt đầu được nhập khẩu từ giai đoạn sau của thời Meiji. Phương tiện mới mẻ của thời Taishô là ô-tô-buýt mà người Nhật lúc đầu gọi là noriai jidôsha (ô-tô đi chung) thay vì basu (buýt). Xe tắc-xi cũng xuất hiện. Phi cơ thì bắt đầu nhập khẩu từ nước ngoài vào khoảng trước sau 1920 và chủ yếu dành cho quân đội.

Trung tâm thành phố xuất hiện những salaryman đầu tiên. Sau đó phụ nữ cũng tham gia vào giới đó. Các bà các cô từ lúc ấy trang phục theo lối Tây Phương. Người ta gọi họ là "gái mới" (moga hay moden girl).

Kể từ đó, Nhật Bản bắt đầu biết đến những vấn đề của đời sống đô thị như tranh chấp lao động, nạn thất nghiệp, giao thông, nạn thiếu nhà ở... Chính phủ phải mở ra những Cục lao động hoặc Cục chỉnh trang đô thị để đối phó với những vấn đề mới mẻ này. Đồng thời kể từ những năm đầu thập niên 1920, chính phủ đã lần lượt ban hành những bộ luật về giới thiệu việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, bảo hiểm, kể cả khâu cho mướn nhà cửa.

Cuối đời Taishô (thập niên 1920) thì những ai tốt nghiệp đại học hoặc các trường cao đẳng chuyên môn đều có thể đi làm như salaryman (tên tiếng Anh kiểu Nhật của hôkyuu seikatsusha = bổng cấp sinh hoạt giả tức là người sống nhờ đồng lương) bổng cấp sinh hoạt giả) trong các công sở hoặc hãng tư. Một người mới tốt nghiệp đại học có thể lảnh từ 50 đến 60 Yen hàng tháng (nguyệt cấp). Nam giới lao động cực nhọc trong các cơ xưởng thì ăn lương ngày (nhật cấp) là 2 Yen 50 tiền, thợ mộc lảnh 3 Yen 50 tiền. Ta thấy so với thời Meiji, giữa lương của người trí thức và người lao động, khoảng cách không xa nhau là mấy. Lương phụ nữ thì một bà thư ký đánh máy lảnh 40 Yen, trực điện thoại khoảng 35 Yen, nhân viên bình thường lảnh 30 Yen.Một thăng gạo (khoảng 1,5Kg) giá 50 tiền, một chai bia 35 tiền, tắc-xi khi đi trong thành phố đi đâu cũng chỉ tốn 1 Yen. Giá vé xe lửa giữa Tôkyô và Ôsaka là 6 Yen 13 tiền và ngồi toa hạng 3. Tem gửi một lá thư tốn khoảng 3 tiền, 1 tấm bưu thiếp 1,5 tiền, 1 tháng báo từ 80 tiền đến một Yen.

Văn hóa giáo dục

Giáo dục  là một nhân tố thúc đẩy văn hoá thời Taishô phát triển mạnh. Nếu năm 1900 (Meiji 33) trên khắp nước chỉ có 2 vạn 5 nghìn sinh viên trong các trường cao hơn là cao đẳng chuyên môn thì qua năm 1925 (Taishô 14), con số đó đã lên hơn 13 vạn người. Tầng lớp trí thức thành thị đông ra và nắm lấy vai trò trung khu trong hoạt động văn hoá.

Giáo dục nghĩa vụ phổ biến nhanh chóng. Năm 1920 (Taishô 9), tỷ lệ người đi học đã vượt trên 99%, đặt biệt là hầu như không còn sự khác nhau giữa tỷ lệ hai bên nam nữ. Mọi người hầu như đều biết đọc, và điều đó giúp cho văn hoá đại chúng phát triển. Tuy nhiên lúc ấy lại có phong trào phê phán đường lối giáo dục do Bộ Giáo Dục điều khiển và áp đặt. Sawayanagi Masatarô (1865-1927) đã mở trường tiểu học Seijô, bà Hani Tomoko (1873-1957) lập Jiyuu Gakuen, để thực hiện lý tưởng giáo dục tự do. Từ trong cuộc đấu tranh cho một nền giáo dục mới, dã nẩy sinh ra cuộc vận động giáo dục vô sản (Proletaria Kyôiku Undô) với chủ trương giáo dục phải gắn liền với thực tế của cuộc sinh hoạt hằng ngày.

Báo chí truyền thông

Một khi xã hội đã đại chúng hoá như vậy rồi thì nhật báo và tạp chí, những đứa con nó đẻ ra, sẽ tiếp tục trở thành động cơ thúc đẩy công cuộc đại chúng hoá thêm nữa. Vai trò của báo chí trở nên quan trọng nhờ biết thông tin về những sự kiến lớn như Thế chiến thứ nhất, trận đại địa chấn vùng Kantô. Cuối đời Taishô đã có 4 nhật báo lớn: Ôsaka Asahi, Ôsaka Mainichi, Tôkyô Asahi, Tôkyô Nichinichi, đều ra được trên dưới 100 vạn số mỗi ngày. Những tờ báo lớn như thế trước tiên đóng vai trò xúc tiến thương nghiệp đại chúng nhưng sau đó đã nâng cao ý thức chính trị và trình độ văn hoá nói chung của độc giả. Đồng thời khuynh hướng tung những tin giật gân (sensational) về đời sống chính trị cũng không phải là không có.

Các tạp chí tổng hợp như Chuô Kôron, Kaizô, Bungei Shunjuu cũng như siêu tạp chí Kingu (mỗi tháng có thể phát hành 100 vạn cuốn) là những tạp chí hàng tháng có tiếng. Sau đó còn có những tạp chí hàng tuần. Sách vở như loại bỏ túi của nhà Iwanami cũng thịnh hành vì gọn nhẹ và rẻ tiền. Không chỉ có văn hoá xuất bản thôi đâu. Phương truyền truyền thông mới mẻ của thời nàylà rađiô, đã bắt đầu hoạt động từ 1925 (Taishô 14) ở Tôkyô và Ôsaka. Năm sau, Hiệp hội truyền thanh Nhật Bản ( Nippon Hôsô Kyôkai) ra đời. Rađiô sau đó đã loan tin tức thời sự với tiếng Nhật giọng tiêu chuẩn (của vùng Tôkyô). Ngoài môn đấu vật sumo là thể thao cổ truyền, rađiô còn trực tiếp truyền thành các trận bóng chày (dã cầu, đã đến Nhật vào thời Meiji). Các đại hội toàn quốc về dã cầu của các trường cao đẳng trung học bắt đầu được tổ chức từ 1915 và Nhật Bản tham gia Olympic từ năm 1912 (Meiji 45) là những sự kiện lôi cuốn quần chúng nên đã nâng cao vai trò môi thể truyền thông đại chúng của báo chí và rađiô.

Tư tưởng học thuật

Đặc biệt các môn khoa học xã hội và nhân văn phát triển rất mạnh dưới thời Taishô với nhiều nghiên cứu trên lập trường tự do chủ nghĩa (liberalism). Về kinh tế học và kinh tế sử phải nói đến ba học giả Uchida Ginzô (1872-1919), Kawakami Hajime (1879-1946) và Fukuda Tokuzô (1873-1948). Osatake Takeshi (1880-1946) có nhiều công lao trong việc nghiên cứu lịch sử hiến pháp. Minobe Tatsukichi (1873-1948) thì như ta đã biết, nổi danh với thuyết "Thiên hoàng là một cơ quan" dựa trên quan điểm của Jellinek xem quốc gia như một pháp nhân. Uesugi Shinkichi (1878-1929) cũng phê phán thuyết chủ quyền thuộc về thiên hoàng. Cả hai ông đều được sự ủng hộ của người trong học giới.

Về sử học có Tsuda Sôkichi (1873-1961) nghiên cứu lịch sử cổ đại Nhật Bản theo quan điểm thực chứng, xem Ký Kỷ [26] như là những sáng tác hư cấu để biện minh cho quyền thống trị của thiên hoàng chứ không có tính cách sự thực lịch sử. Phải kể đến công lao của Kuroita Katsumi (1874-1946) và Tsuji Zennosuke (1977-1955). Hai người này đã nghiên cứu tư tưởng quốc dân và mở ra một hướng đi mới cho học giới. Đã có nhà nghiên cứu Shiratori Kurakichi nghiên cứu về châu Á từ góc độ giao lưu tư tưởng Đông Tây. Còn như Naitô Kôjirô (tức Naitô Kônan), xuất thân là một nhà báo, ông cũng có những công trình xuất sắc về lịch sử Trung Quốc và lịch sử văn hoá Nhật Bản. Trong lãnh vực dân tục học (folklore), không thể quên Yanagita Kunio (1875-1945), học giả lỗi lạc đã có công trình bày lịch sử sinh hoạt của tầng lớp bình dân qua những bằng chứng đến từ văn chương truyền khẩu hay phong tục tập quán, lễ lạc hội hè còn thấy ở vùng nông thôn. Nishida Kitarô (1870-1945) là một nhà triết học với công trình cơ sở Zen no kenkyuu (Nghiên cứu về điều Thiện) bên cạnh những tác phẩm có tầm cỡ khác là một nhân vật độc sáng, đã ảnh hưởng nhiều tới những nhà trí thức đương thời. Ngoài ra, Abe Jirô (1883-1959), Abe Yoshishige (1883-1966), Watsuji Tetsurô (1889-1960) đều là những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa nhân cách (hay nhân vị = personalism) cũng đóng góp nhiều công sức.

Chủ nghĩa Mác đi vào các lãnh vực học thuật từ nhân văn đến xã hội và đây là một đặc điểm của thời Taishô. Vào đầu thập niên 1920, Takabatake Motoyuki (1886-1928) đã dịch toàn bộ Tư Bản Luận (Das Kapital, 1920-1925). Ảnh hưởng của cuốn sách trứ danh này lan ra thành một phong trào. Từ đó mới có Binpô monogatari (Kể truyện nghèo đói) của Kawakami Hajime, một nhà kinh tế học trường phái kinh tế tự do đã chuyển sang Mác-xít. Khoảng năm 1932-33 (Shôwa 7-8) thì có nhóm Kôza (Giảng tòa) của các ông Yamada Moritarô ( 1897-1980), Hirano Yoshitarô (1897-1980), Noro Eitarô ( 1900-1934), Hani Gorô ( 1901-1983), Hattori Shisô (1901-1980) đã cho ra mắt công trình nghiên cứu chung của họ là Nihon shihonshugi hatatsushi kôza (Những bài giảng về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản). Các ông là những sử gia và học giả ngành kinh tế, đã đứng trên lập trường Mác-xít để lập luận rằng cuộc Minh trị Duy Tân đã dựng nên chủ nghĩa chuyên chế và chủ nghĩa tư bản của Nhật, do đó nó có tính cách bán phong kiến. Ngược lại, có những người như Kushida Tamizô (1885-1934) - một học giả của phái Lao Nông - thì chống lại cách nhìn này và mở những cuộc tranh luận với phái Kôza (gọi là Cuộc tranh luận về Minh Trị Duy Tân hay Cuộc tranh luận về chủ nghĩa tư bản Nhật Bản) .

Về khoa học kỹ thuật thì đời Taishô đã có nhiều thành quả tốt đẹp tiếp nối được hướng tiến của thời Meiji. Năm 1917, Honda Kôtarô (1870-1954) phát minh ra đá từ thạch K.S. (K.S. jishakukô). Ishihara Jun (1881-1947) nghiên cứu thuyết tương đối, Noguchi Hideyo tìm hiểu về bệnh sốt vàng da (ônetsubyô), Takaki Teiji (1875-1960) xác định được lý luận về "loại thể" (ruitairon) trong số học [27] , Yagi Hidetsugu 1886-1976) phát minh ra an-ten định hướng cho những làn sống cực ngắn (được gọi là an-ten Yagi). Nishina Yoshio (1890-1951) nghiên cứu về hạt nhân. Đó là những công trình nghiên cứu khoa học chủ yếu.Các phòng nghiên cứu dân sự lần lượt được thành lập. Nổi tiếng có Viện nghiên cứu Kitazatô (sinh học, y học), Viện nghiên cứu lý hóa học, Viện nghiên cứu hàng không và Viện nghiên cứu địa chấn của Đại học Tôkyô. Mặt khác các loại máy bay cũng được đem vào hoạt động và dùng vào mục tiêu quân sự vào thời điểm Thế chiến thứ nhất.

Văn học
Khoảng thập niên 1910, chủ nghĩa tự nhiên đi đến chỗ suy thoái, xuất hiện những nhà văn mới như Mushashikoji Saneatsu (1885-1976), Arishima Takeo (1878-1923), Shiga Naoya (1883-1971), Arishima Ikuma (1882-1974) . Họ đều là thành viên của Nhóm Shirakaba (Bạch Hoa) và đóng vai trò trung tâm văn đàn thời Taishô. Họ là những người xuất thân từ từng lớp thượng lưu trong xã hội, được giáo dục theo kiểu Tây phương và có cái phong cách thanh lịch của người đô thị. Họ sáng tác và nghị luận trong tạp chí văn nghệ mang tên Shirakaba (ra đời năm 1910). Chủ nghĩa nhân đạo trong sáng của họ đã ảnh hưởng đến các tầng lớp dân chúng thời đó. Không giới hạn trong phạm vi văn học, họ còn cống hiến những kiến thức về mỹ thuật phương Tây cho độc giả. Cũng sánh vai được với Nhóm Shirakaba là các tác giả thuộc trường phái duy mỹ (tanbiha, yuibiha) đã nổi tiếng từ cuối đời Meiji như Nagai Kafuu (1879-1959), Tanizaki Jun.ichirô (1886-1965). Họ đã cho ra đời những tác phẩn nói về cái đẹp nhục thể và phân tích những cảm giác tinh tế.

Đến chậm hơn một chút là Akutagawa Ryuunosuke (1892-1927), Kume Masao (1891-1952), Kikuchi Kan (1888-1948) với một bút pháp nghiêng về lý tính và bắt gặp được hiện thực mốt cách sắc bén. Ba người bạn này hoạt động trong nhóm Shinshikô (Tân Tư Trào, Trào lưu mới) lần tục bản thứ 3 và 4 (1914, 1916-1917). Người ta thường gọi 3 ông là người của phái Shinshichô hay trường phái tân hiện thực, tân lý tri chủ nghĩa.

Tình thế xã hội đầy biến động của thập niên 1920 đã làm cho quần chúng không cảm thấy thỏa mãn với cái lạc quan trong chủ nghĩa nhân đạo của Nhóm Shirakaba hay cái dửng dưng lãnh đạm đầy lý trí của Nhóm Shinshichô. Hai nhà văn Akutagawa Ryuunosuke và Arishima Takeo cảm thấy lâm vào ngỏ bí trong sáng tác và chọn con đường tự sát như đưa ra một thông điệp. Lúc đó, văn học đại chúng như được dấy lên và xuất hiện rầm rộ trên các nhật báo và tạp chí đại chúng. Nakazato Kaizan 1885-1944 trở thành người tiên khu. Ông đã cùng với Kume Masao và người sáng lập tờ Bungei Shunju tức nhà văn Kikuchi Kan, trở thành những nhà văn viết tiểu thuyết đại chúng kẻ từ giai đoạn cuối thời Taishô trở đi.

Phong trào văn học vô sản (Puroretaria bungaku) với mục đích khai sáng đã xuất hiện vào lúc này với sự ra đời của tạp chí Tanemaku hito (Người gieo mầm). Những nhân vật trong nhóm họ cần nhớ đến tên là Aono Suekichi (1890-1961) và Hirabayashi Hatsunosuke ( 1892-1931), chủ trương biến văn học lao động vốn phát xuất một cách tự nhiên thành một văn học định hướng cách mạng. Trong chiều hướng đó, năm 1925, Liên minh văn nghệ vô sản rồi Liên minh nghệ thuật vô sản Nhật Bản (NAP) đã được thành lập. Những tạp chí như Mặt trận văn nghệ (Bungei sensen, 1925) và Cờ chiến đấu (Senki, 1928) đã ra đời. Trải qua bao lần phân liệt, họ kết hợp thành Nhật Bản vô sản văn hóa đồng minh (KOP) năm 1931. Về những nhà văn khuynh hướng vô sản, người ta còn nhớ nhất là Kobayashi Takiji (1903-1933), Hayama Yoshiki (1894-1945), Nakano Shigeharu (1902-1979), Tokunaga Sunao (1899-1958), Miyamoto Yuriko (1899-1951). Tuy các nhà văn vô sản này đã ảnh hưởng đến xã hội một cách đáng kể nhưng vì đặt nặng chính trị lên trên nghệ thuật, lại chia rẽ nội bộ và chịu sự đàn áp của nhà cầm quyền nên đến đầu thập niên 1930 thì coi như họ không còn hoạt động được nữa.

Nghệ thuật

Trong lãnh vực hội họa, từ năm 1907 (Meiji 40), bộ giáo dục Nhật (Monbushô = Văn bộ tỉnh) đã tổ chức những cuộc triển lãm gọi là Monten, (Văn triển, triển lãm do Monbushô). Về ngành họa Nhật Bản (Nihonga) có những đệ tử của Kawabata Gyokushô (1842-1913) như Hirafuku Hyakusui (1877-1933) và Kaburagi Kiyokata (1878-1972) đã mở ra trường phái Mỹ thuật học hiệu (Bijutsu gakkoha). Đối kháng với nó là phái Mỹ thuật học viện (Bijutsu gakuinha) với Yokoyama Taikan và Shimomura Kanzan. Hai người đã xây dựng lại viện ấy vào năm 1914 (Taishô 3), qui tụ ở đó những nhân tài như Kawabata Gyokudô (1873-1957), Kobayashi Kokei(1883-1957), Maeda Seison (1885-1977), Yasuda Yukihiko (1884-1978). Triễn lãm tổ chức ở đây được gọi là Inten (Viện triển). Họa đàn Kyôto thì có Takeuchi Seihô 1864-1942) là một họa sư có sức sáng tác phong phú.
 

Nụ cười của Reiko 
(Kishida Ryuusei)
Tóc 
(Kobayashi Kokei)
Hai tác phẩm điêu khắc của Takamura Kôtarô
Quán Kurofunaya
(Takehisa Yumeji)

Về hội họa theo phong cách Tây phương, trong giai đoạn này có nhóm Fyuuzan (fusain = vẽ tranh bằng than) với phong cách tân tiến. Kishida Ryuusei1891-1929) trong nhóm đó sau đã gia nhập Shunyôkai (Xuân Dương Hội), đồng thời tạo cho mình một họa phong đặc biệt, để lại nhiều tranh truyền thần kiệt tác, ví dụ bức Nụ cười của Reiko (Reiko no hohoemi), Các họa sĩ trẻ như Ishii Hakutei (1882-1958), Arishima Ikuma (cũng là nhà văn trong nhóm Shirakaba), Yamashita Shintarô (1881-1996) kết hợp với các họa sĩ trong nhóm Monten là Fujishima Takeji, Okada Saburôsuke. Wada Eisaku thành Nikakai (Nhị Khoa Hội) vào năm 1914 (Taishô 3) để đối chọi lại. Từ trường phái này xuất hiện những nhân tài như Umehara Tatsusaburô (1888-1986), Yasui Sôtarô (1888-1955) . Lại nữa, Takehisa Yumeji với họa phong bình dân và trữ tình chuyên về tranh mỹ nhân rất được quần chúng yêu chuộng. Về điêu khắc, nổi danh hơn cả là Hiragushi Denchuu (1892-1979), Asakura Fumio, Ishii Tsuruzô (1887-1966). Một nhà văn trong nhóm Shirakaba và nhà dân nghệ nổi tiếng là Yanagi Muneyoshi (1886-1961) đã sưu tập các đồ mỹ nghệ dân gian và đánh giá lại chúng.
 

Nữ kịch sĩ Matsui Sumako
Nữ danh ca Opera 
Miura Tamaki

Về kịch nghệ thì Kabuki, Shinpageki (Cải lương) dần dần phổ biến trong đại chúng. Thêm vào đó, kể từ cuối thời Meiji có thêm Shingeki (Kịch mới). Năm 1913 (Taishô 2), Shimamura Hôgetsu (1871-1918) đã kết hợp những người cùng chí hướng lập đoàn kịch Geijutsuza (Nghệ thuật), trong đó nữ diễn viên Matsui Sumako (1886-1919) là một ngôi sao. Tài nghệ của cô đã giúp cho Kịch mới bám rễ sâu trong quần chúng khán giả. Cuối đời Meiji, rạp hát đế quốc (Teikoku Gekijô tức Teigeki) dành cho kịch mới được xây lên ở khu Marunouchi (trung tâm Tôkyô). Năm 1924, Osanai Kaoru (1881-1928) hiệp lực với Hijikata Yoshi (1898-1959) để dựng rạp hát mới Sân khấu nhỏ Tsukiji (Tsukiji Shôgekijô), xác định được vai trò của kịch mới. Còn rạp Teigeki thì cũng phát triển song song dưới sự điều khiển của Sawada Shôjirô (1892-1929), một tài năng khác của Kịch mới.

Điện ảnh bắt đầu từ thời Meiji sang đến Taishô vẫn giữ phong cách tiêu khiển. Ban đầu là phim câm, cần phải có người thuyết minh. Từ thập niên 1910 cho đến 1920 thì có nhiều hãng phim ra đời như Nikkatsu, Shôchiku Kinema, Tôhô. Đến năm 1930 trở đi thì phim đã lồng được tiếng (talkie) và trở thành thú tiêu khiển yêu chuộng của đại chúng.

Thời Meiji, âm nhạc chú trọng vào đồng dao. Yamada Kôsaku (1886-1965) vừa sáng tác vừa trình diễn. Miyagi Michio (1894-1956) cũng là một nhà soạn nhạc có tiếng.Nữ ca sĩ Ôpera Miura (tên thật là Shibata) Tamaki (1884-1952) đã lưu diễn khắp nơi trên thế giới vở Hồ Điệp phu nhân (Madam Butterfly) của danh sư người Ý Puccini suốt giai đoạn từ Taishô bước sang Shôwa. Vào thời Meiji người Nhật cũng đã biết đến kỹ thuật thu nhạc vào đĩa và sang đến thời Taishô thì đĩa hát đã được tung ra rất nhiều trên thị trường. Từ đó những bài hát hay trở thành lưu hành (ryuukôka) nhờ ở kỹ thuật truyền bá mới.
___________________________

Chú thích :
[1] - Thomas Woodrow Wilson (1856-1924), tổng thống Hoa Kỳ thứ 28 (1913-1921). Thuộc Đảng Dân Chủ. Xuất thân luật sư và giáo sư khoa kinh tế chính trị Đại học Princeton. Dưới thời ông, Mỹ đã đơn độc tuyên chiến năm 1917. Đề nghị 14 điểm tại Hòa đàm Versailles nhưng thất bại vì Thượng viện Mỹ không chịu phê chuẩn. Cuối đời bị liệt. Giải Nobel hoà bình năm 1919.
 

[2] - Tokugawa Iesato (Đức Xuyên Gia Đạt, 1863-1940), được xem như người đứng đầu đời thứ 16 của dòng họ Tokugawa (Yoshinobu tức Khánh Hỷ là vị Shôgun cuối cùng là đời thứ 15). Ông được trao nhiệm vụ gìn giữ hương khói cho nhà chúa ở Shizuoka, nơi phát tích của họ. Từng du học ở Anh. Có lần từ chối khi được mời ra lập nội các. Ông phần nhiều giữ chức vụ danh dự trong đó có việc làm Chủ tịch Quí tộc viện từ 1903 đến 1933, Chủ tịch Hội Hồng Thập Tự Nhật Bản.
 

[3] - Trong vụ tranh chấp về Biển Đông hiện tại, Trung Quốc ngược lại chỉ muốn đàm phán song phương.

[4] - Đoạn đường sắt nối Giao Châu Loan với Tế Nam (Jinan), thành phố quan trọng trên bán đảo Sơn Đông.

[5] - Chiến hạm chủ lực là chiến hạm có sức công thủ trội nhất trong đoàn. Thường là tuần dương hạm cỡ lớn.

[6] - Shinjinkai thành lập năm 1918 vài giải tán năm 1929. Do Akamatsu Katsumaro, Miyazaki Ryuusuke thành lập với sự hỗ trợ của Yoshino Sakuzo và Aso Hisashi (Aso Kyuu). Shinjin (tân nhân) trong tiếng Nhật vốn có nhiều nghĩa nhưng ở đây có lẽ ý muốn nói đến những gương mặt mới, lớp người trẻ mang tư tưởng mới.

[7] - Uesugi Shinkichi cũng là một giáo sư ngành luật Đại học Tôkyô. Cuộc tranh luận giữa ông và Minobe Tatsukichi được coi như nẩy lửa. Từ "quân quyền ưu vị luận" xác định tính ưu việt quyền lực của quân chủ, lúc cuối đời, ông trở thành người ủng hộ chủ nghĩa quốc túy (ultra-nationalism).

[8] - Sugiyama Motojirô quê ở Ôsaka, người đạo Ki-tô, tốt nghiệp thần học viện, làm mục sư ở Sendai, Fukushima. Sau lãnh đạo phong trào nông dân, trúng tuyển 9 lần vào quốc hội. Chiến tranh chấm dứt, cố vấn cho Đảng Xã Hội và Hiệp hội nông dân. Năm 1955 làm Phó chủ tịch quốc hội.

[9] - Kagawa Toyohiko là người theo đạo Ki-tô, quê ở Kobe. Tốt nghiệp trường thần học, sau qua Mỹ du học ở Đại học Princeton. Hoạt động truyền đạo và hiệp hội nông dân ở vùng Kansai. Chủ trương phản chiến nên gặp nhiều rắc rối. Viết nhiều sách báo, tiểu thuyết, gây được tiếng vang lớn. Nhiều lần được đề cử giải Nobel văn chương và Nobel hòa bình.Thời Mỹ chiếm đóng, trở thành cố vấn cho Nội các ngắn ngũi (54 ngày) của hoàng thân Higashikuni (1887-1990).

[10] - Yamakawa Hitoshi quê ở Okayama, đã hoạt động xã hội chủ nghĩa từ cuối thời Meiji, bị bắt giam sau vụ phất cờ đỏ trên đường phố (Vụ Akahata, 22/06/1908). Đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Đảng Cộng Sản Nhật Bản. Sau Thế chiến thứ hai, tham gia Đảng Xã Hội và lập ra Xã hội chủ nghĩa hiệp hội.

[11] - Petr Alekseevich Kropotkin (1842-1921), nhà tư tưởng xã hội khuynh hướng vô chính phủ người Nga.

[12] - Sakai Toshihiko, chính trị gia Nhật Bản, xuất thân ở Fukuoka, đã cùng Kôtoku Shuusui sáng lập tờ báo bình dân Heimin shinbun. Đề xướng chủ nghĩa xã hội và hoạt động phản chiến nên bị bắt bỏ ngục nhiều lần Ông là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Nhật.

[13] - Hiratsuka Raichô (Bình Trủng, Lôi Điểu) tên thật là Hiratsuka Haru (Minh), sinh ở Tôkyô. Cầm đầu phong trào phụ nữ đòi quyền tham dự hoạt động chính trị. Tốt nghiệp Đại học Nihon Joshidai (Nhật Bản nữ tử đại học), viết văn làm báo. Sau chiến tranh - qua hình thức hoạt động hội đoàn và sáng tác - tranh đấu chống chiến tranh và giải phóng phụ nữ.

[14] - Ichikawa Fusae người tỉnh Aichi (vùng Nagaya), cộng tác đắc lực với Hiratsuka Raichô để đòi quyền đầu phiếu cho phụ nữ. Sau khi Thế chiến thứ hai chấm dứt bà lại thành lập Hiệp hội phụ nữ Nhật Bản mới, trở thành thượng nghị sĩ , đóng góp nhiều cho cuộc vận động chống nạn mãi dâm và ủng hộ việc làm trong sạch chính quyền.

[15] - Thanh đạp có nghĩa là "bí tất xanh" (blue stocking), tên một hội đoàn của những người phụ nữ văn nghệ và học thức do bà E.Montagu (1720-1800), một người quí phái ở London đề xướng, Trước kia người phụ nữ chỉ mang bí tất đen cho nên bí tất xanh là biểu tượng trưng của một sự đổi mới. Người đầu tiên nêu gương đi bí tất xanh trong nghĩa đó là bà B. Stillingfleet (1702-1771).

[16] - Yamakawa Kikue sinh ở Tôkyô là một nhà vận động phụ nữ. Tốt nghiệp Joshi Eigakujuku (tức trường đại học chuyên dạy Anh văn do bà Tsuda Umeko thành lập) và kết hôn với nhà lãnh đạo công đoàn Yamakawa Hitoshi. Cùng với Itô Noe (1895-1923) thành lập Xích lan hội tranh đấu giải phóng phụ nữ. Sau Thế chiến thứ hai, gia nhập Đảng Xã Hội Nhật Bản, phụ trách vấn đề phụ nữ và thanh thiếu niên.

[17] - Trong xã hội thời Edo, họ là những người làm một nghề bị xã hội Nhật Bản xem là đê tiện hay bẩn thỉu như hát rong, làm trò, giải tù, mỗ thịt, đao phủ, chôn xác chết...Hinin (phi nhân) là từ Phật giáo nói về những kẻ không thuộc giống người (thiên long bát bộ).

[18] - Đoàn thể này tranh đấu đòi bình đẳng bằng cách kết hợp với các phong trào tranh đấu xã hội chủ nghĩa. Biến mất trong chiến tranh đã sống lại từ thời hậu chiến.

[19] - Kiyoura Keigo, chính trị gia người phiên Hizen, đã giữ chức Tổng trưởng Tư pháp và Canh nông trong các chính phủ Yamagata. Nhiều lần làm Viện trưởng Xu Mật Viện. Bá tước.

[20] - Katô Takaaki là nhà ngoại giao, quê ở Nagoya, sinh trong một gia đình phiên sĩ. Ở rể nhà Iwasaki Yatarô (1834-1885, cầm đầu tài phiệt Mitsubishi). Công sứ ở Anh rồi ngoại trưởng. Đã đưa ra đòi hỏi 21 điều đối với Trung Quốc thời Thế chiến thứ nhất. Đối lập với Hara Takashi khi giữ chức Chủ tịch Kenseikai. Bá tước.

[21] - Tanaka Giichi là một đại tướng, tổng trưởng lục quân trong Nội các Hara Takashi. Chủ tịch Seiyuukai (1925), thủ tướng (1927). Chính trị cứng rắn đối với Trung Quốc, đã gửi quân qua bán đảo Sơn Đông. Phải từ chức vì bị qui trách nhiệm trong vụ đặt chất nổ ám sát tướng Trương Tác Lâm.

[22] - Wakatsuki Reijirô người vùng Izumo (tỉnh Matsue bây giờ), tốt nghiệp khoa Luật ở Đại học Tôkyô, nhiều lần lãnh chức tổng trưởng tài chánh và tổng trưởng nội vụ. Từng được chỉ định vào Quý tộc viện. Tham gia phong trào hộ hiến lần thứ hai. Hai lần làm thủ tướng. Năm 1934, được Thủ tướng Saitô Makoto mời gia nhập hội đồng các yếu nhân để cố vấn việc nước.

[23] - Saitô Makoto, người gốc vùng Iwate, đông bắc Nhật Bản, con một phiên sĩ. Đại tướng hải quân. Từng là tổng trưởng hải quân, tổng trưởng nội vụ, tổng đốc Triều Tiên.Bị các sĩ quan trẻ sát hại trong chính biến Niniroku (26/02/1936). Tử tước.

[24] - Okada Keisuke là con một phiên sĩ vùng Fukui.Tư lệnh hải quân và là tổng trưởng hải quân trong các nội các Tanaka và Saitô. Thủ tướng năm 1934. Trong vụ Ni.niroku (1936), tuy bị tập kích nhưng nhờ may mắn mà thoát chết.Từ đó trở thành một nhân vật chính trị quan trọng, thường xuyên tham dự vào công việc của nhà nước.

[25] - Saionji Kinmochi sinh ở Kyôto, thuộc tầng lớp công khanh. Thời vương chính phục cổ (buổi đầu triều đại Meiji), ông là một viên tham dự (san.yô), chức vụ quan trọng trong quan chế lúc đó. Đã từng giữ vai trò tham mưu trong Chiến tranh Boshin. Năm 1870, đi Mỹ rồi qua du học Paris (khoa Luật ở Sorbonne) đến năm 1880 thì về nước. Sau đó làm báo, bước vào chính trường, nhiều lần giữ chức tổng trưởng. Hai lần thủ tướng (1906, 1911). Là vị nguyên lão cuối cùng. Chính trị của ông ôn hoà, hay đối đầu với cánh quân đội, có lẽ vì chịu ảnh hưởng tinh thần luật pháp nước Pháp cũng như tư tưởng dân chủ của Nakae Chômin, một người cấp tiến. Khi chết được quốc táng vì xem là có nhiều công lao.

[26] - Kojiki (Cổ Sự Ký) và Nihonshoki (Nhật Bản Thư Ký ), hai cuốn cổ sử nhưng bao gồm cả những yếu tố thần thoại và hư cấu.

[27] - Người viết chưa biết là gì. Xin được chỉ giáo (NNT).