Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN IV : THỜI TAISHÔ CHO TỚI NAY 

Chương VI : Nhật Bản hậu chiến lại lên đường 
Tiết 1 - Quân Đồng Minh chiếm đóng. Quá trình dân chủ hóa Nhật Bản: 
1.1 Những vấn đề cần xử lý đối với Nhật Bản hậu chiến:

Nhật Bản chấp nhận điều kiện Tuyên ngôn Postdam và đầu hàng quân Đồng Minh, chủ yếu là lực lượng Anh Mỹ. Đó là một cuộc đầu hàng vô điều kiện. Sau khi Nhật đầu hàng thì quân Đồng Minh lục tục đổ bộ lên đất Nhật, đặt nước này dưới quyền cai trị của mình. Có điều tiếng là quân đội Đồng Minh nhưng chỉ có lính Mỹ.Trên thực tế, phải nói là người Mỹ cai trị Nhật Bản thì chính xác hơn.
 

Cơ cấu quản lý Nhật Bản của quân đội Đồng Minh
Cơ quan Chính phủ Mỹ Bộ tư lệnh Đồng Minh vùng Cực Đông (GHQ) Chính phủ Nhật
Ủy hội phụ trách vùng Cực Đông [1]
(Gồm 13 nước trong phe thắng trận) [2]
Thực hiện chính sách theo phương châm Ủy hội phụ trách vùng Cực Đông đề ra Nhận mệnh lệnh chính phủ Mỹ và cố vấn, trao đổi với Hội đồng chấp hành chính sách đối Nhật  Nhận chỉ thị và khuyến cáo của Bộ tư lệnh Đồng Minh vùng Cực Đông (GHQ)
Hội đồng chấp hành chính sách đối Nhật (Gồm 4 nước lớn trong phe thắng) [3]   Trao đổi ý kiến với Bộ tư lệnh Đồng Minh vùng Cực Đông (GHQ).  

Cơ quan phụ trách việc cai trị Nhật Bản là Tổng hành dinh bộ tư lệnh quân đội đồng minh (GHQ / SCAP = General Headquarter of the Supreme Commander of the Allied Powers) đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyên soái Douglas MacArthur (1880-1964) [4], đóng ở Tôkyô.

Phương pháp cai trị Nhật Bản của quân Đồng Minh hơi khác với cách chia làm 4 khu vực Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô như họ đã làm với Đức. Quân Đồng Minh không cai trị trực tiếp mà chỉ để cho GHQ đưa ra chỉ thị và khuyến cáo. Chính phủ Nhật sẽ dựa trên đó mà thi hành. Có thể nói đây là lối cai trị gián tiếp.

Những mệnh lệnh mà chính phủ Nhật dựa trên chỉ thị của tổng hành dinh bộ tư lệnh quân đồng minh (GHQ) mà ban bố mang tên "những sắc lệnh Postdam". Những sắc lệnh (chokurei) này không cần phải được Quốc hội thông qua mà vẫn có thể trở thành pháp luật. Như vậy, nó có một hiệu lực "siêu pháp qui", vượt lên cả sự ràng buộc của Hiến pháp Meiji.

Tuy quân đội Mỹ cai trị lãnh thổ Nhật Bản một cách gián tiếp nhưng ở một số khu vực đặc biệt như phía nam bán đảo Triều Tiên, các đảo vùng Tây Nam như quần đảo Amami (phía nam Kagoshima), quần đảo Ryuukyuu (nay là tỉnh Okinawa) hay quần đảo Ogasawara (ngoài khơi Thái bình Dương) thì quân đội Mỹ cai trị trực tiếp. Các vùng như phía bắc bán đảo Triều Tiên, phía nam đảo Karafuto (Hoa Thái đảo, Sakhalin), quần đảo Chishima thì quân đội Liên Xô chiếm đóng. Những nơi Nhật đã xem như đất thuộc địa là Mãn Châu, Đài Loan thì được trao trả về cho Trung Quốc. Vì lý do đó, chủ quyền của Nhật chỉ còn được giữ lại trên bốn đảo chính (Hokkaidô, Honshuu, Shikoku, Kyuushuu) và một số đảo nhỏ kề cận mà thôi. Nhưng cũng nên nhớ rằng, trên nguyên tắc, lãnh thổ ấy được đặt dưới quyền cai trị gián tiếp của quân Đồng Minh.


Nguyên soái MacArthur tiếp kiến Thiên hoàng Shôwa

Cơ quan cai trị Nhật Bản không chỉ có mỗi GHQ, tổng hành dinh của lực lượng chiếm đóng. Để suy nghĩ cách nào cai trị cho thích hợp thì bên trên nó còn có một cơ quan tối cao là Ủy hội phụ trách vùng Cực Đông ( Kyokutô i.inkai = Cực Đông ủy viên hội = Far Easstern Commission). Bản bộ của Ủy hội nằm ở thủ đô Washington D.C. Những phương châm cơ bản mà ủy hội đề ra trước tiên sẽ được truyền đạt đến chính phủ Mỹ, rồi chính phủ Mỹ sẽ chuyển lại cho GHQ. Xong, GHQ mới gửi nó dưới hình thức chỉ thị hay khuyến cáo đến chính phủ Nhật để thi hành.

Bảy năm chiếm đóng (1945-1952) may mắn thay là một cuộc sống chung hòa bình. Đây là một kinh nghiệm duy nhất trên thế giới về liên hệ giữa kẻ cai trị và người bị trị. Cho dù đôi lúc cũng có sự xung đột nhưng nó cũng dễ chịu hơn những gì người ta có thể tưởng tượng.

Riêng một điều là Ủy hội dù được xem như cơ quan có quyền tối cao về mọi việc ở vùng Cực Đông nhưng mọi quyết định của nó đều phải đi qua cửa ngỏ là chính phủ Mỹ thì mới xong chứ nó không chỉ thị trực tiếp cho GHQ được. Nói khác đi, giữa hai cơ quan nói trên có một trái độn. Do đó, hễ mà một quyết định nào của Ủy hội không đẹp lòng giới chức chính phủ Mỹ thì họ cứ "ngâm" đấy và không chuyển đến cho GHQ.

Hơn nữa, ở Tôkyô còn có một cơ quan tên là Hội đồng chấp hành chính sách đối Nhật (Tainichi Rijikai = Đối Nhật lý sự hội = Allied Council for Japan). Đây là một cơ quan mà quân Đồng Minh lập ra để tư vấn cho GHQ.

Tư vấn có nghĩa là trao đổi ý kiến và bàn bạc với nhau. Thế nhưng "Shôgun" McArthur không chờ đợi nổi cho đến lúc Hội đồng này cho ý kiến, ngay cả những khi có quyết định quan trọng.

Vì mấy lý do nói trên mà hai cơ quan là Ủy hội và Hội đồng trên thực tế không hành sử đầy đủ được quyền hạn của họ. Như vậy chỉ có GHQ chỉ đạo chính sách trong thời gian chiếm đóng Nhật Bản theo ý hướng của chính phủ Mỹ mà thôi.

Mỹ đã thi hành những chính sách gì và như thế nào trong giai đoạn chiếm đóng? Trước tiên phải nói về mục đích của họ đã. Họ có 2 mục đích.

Mục đích thứ nhất là phi quân sự hoá và dân chủ hoá Nhật Bản. Triệt tiêu sức mạnh quân sự của Nhật Bản đồng thời thay đổi từ căn bản cấu trúc xã hội của nước này để tạo nên một quốc gia dân chủ. Quốc gia mới này trong tương lai sẽ không còn có những hành động đi ngược lại đường lối của Mỹ. Nói cách khác là "bẻ hết răng nanh" của nó.

Như thế, Nội các Suzuki Kantarô sau khi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện đã đồng loạt từ chức. Nội các kế tiếp được lập ra do Hoàng thân Higashi Kuninomiya Naruhiko (Đông Cửu Di Cung, Niệm Ngạn, 1887-1990) [5] cầm đầu.

Chỉ nhìn tên của ông thôi cũng đủ biết ông xuất thân hoàng tộc. Và đây là nội các đầu tiên do một người trong hoàng tộc đứng đầu. Lạ lùng là nó đã ra đời vào thời hậu chiến. Ông là một quân nhân nhưng có nghiêng đôi chút về khuynh hướng tự do dân chủ. Trong thời chiến tranh, hình như đã giữ nhiệm vụ liên lạc với Liên Xô để nhờ môi giới cho việc thương lượng hòa bình.

Tuy nhiên, ông đã làm hai việc không nên làm vào lúc đó. Một là chủ trương "Một trăm triệu người cùng sám hối" (Ichiokunin sôsange) và hai là đưa ra khẩu hiệu "Bảo vệ quốc thể" (Kokutai goji).

Một trăm triệu người cùng sám hối thì ông ta coi như lỗi gây chiến là lỗi chung của cả dân tộc chứ không riêng gì của vài tội phạm chiến tranh. Còn quốc thể (kokutai) ám chỉ chế độ thiên hoàng giữ đại quyền. Như vậy, hoàng thân muốn nói rằng làm gì thì làm, toàn dân cũng phải bảo vệ chế độ thiên hoàng cho bằng được. Ngoài ra, ông còn chủ trương đẩy mạnh việc sử dụng luật duy trì trị an (vốn là một đạo luật đàn áp tư tưởng trong thời chiến) và tích cực bồi thường cho những hãng xưỡng quân nhu quân dụng. Một chính sách như vậy rõ ràng là đi ngược lại với ý hướng của lực lượng chiếm đóng đang cố gắng dân chủ hoá nhà nước Nhật Bản. Đương nhiên GHQ rất bất mãn nên đã gây áp lực đối với nội các. Họ bắt Nhật Bản phải phế bỏ đạo luật duy trì trị an và giải tán cơ quan Tokkô (Cảnh sát cao cấp đặc biệt) và ra lệnh phải phóng thích chính trị phạm là những người đang bị bắt giam vì bày tỏ tư tưởng chính trị của mình thời kỳ trước và trong chiến tranh. Trước thái độ cương quyết dân chủ hoá của GHQ, Thủ tướng Higashikuni cảm thấy hai bên không thể hợp tác được. Ông mất tự tin trong việc điều hành chính trị và đến tháng 10 năm 1945 (Shôwa 20) thì cả nội các đồng loạt từ chức.

1.2 Sự ra đời của Nội các Shidehara Kijuurô:

Người thay thế Higashikuni là Shidehara Kijuurô (Tệ Nguyên, Hỉ Trọng Lang) [6], nhà ngoại giao ngày xưa có chủ trương mềm mỏng và hòa hoãn với quốc tế. Khi quân đội nắm quyền, ông bị hất chân phải rút lui khỏi chính trường. Vì có quá khứ ngoại giao hòa hoãn, hợp tác nên được mời ra làm vị thủ tướng thứ hai của Nhật Bản hậu chiến.


Thủ tướng Shidehara Kijuurô

Liền sau khi Shidehara ngồi vào ghế thủ tướng, GHQ đã đưa ra chỉ thị yêu cầu nội các thực hiện một cuộc cải cách lớn gồm 5 điểm. Sớm dân chủ hoá là phương châm của quân đội Đồng Minh và được biết điều đó đã do chính MacAthur tuyên bố trực tiếp cho Shidehara.

Nội dung của 5 cải cách như sau: 1) Giải phóng phụ nữ, 2) Thành lập công đoàn, 3) Giáo dục theo đường lối dân chủ, 4) Triệt bỏ các chính sách đàn áp, 5) Tự do hoá kinh tế.

Năm phương châm này đã được Shidehara và người kế tiếp ông là Yoshida Shigeru thực hiện từng bước một. Trong những trang sau, chúng ta sẽ xem nội dung từng phương châm là thế nào, chúng đã được pháp luật hoá và hiện thực hoá ra sao.

Lúc đó, quân đội Nhật ở đại lục Trung Quốc, Đông Nam Á và Mãn châu hãy còn có khoảng 350 vạn lính cả lục lẫn hải quân, một con số khổng lồ. Dưới thời Thủ tướng Shidehara, vấn đề lớn là phải cấp tốc giải giáp và cho họ phục viên, về với gia đình làng nước.

Năm 1945 (Shôwa 20) chẳng may Nhật Bản bị mất mùa lớn. Đó là một năm thiếu thốn thực phẩm kinh khủng. Không đủ thóc gạo, họ phải ăn cả khoai lang và bắp thay cơm. Dù vậy, việc phân phối lương thực vẫn bị chậm trễ khiến cho nhiều nơi không có cái ăn. Giữa khi cả nước đói kém như thế thì binh lính phục viên lại kéo về hàng trăm vạn


Quang cảnh chợ đen (yamiichi) sau chiến tranh

Những điều mà người Mỹ đòi hỏi như triệt bỏ luật duy trì trị an, giải tán lực lượng cảnh sát đặc biệt Tokkô, phóng thích chính trị phạm (đã gây ra cú sốc đối với Thủ tướng Higashukuni) đều đã được Nội các Shidehara thực hiện. Đảng viên Cộng sản tức thành phần chính phủ gờm nhất và đàn áp thẳng cánh cũng được phóng thích tất. Các hoạt động chính trị và tự do tư tưởng kể từ đó được bảo đảm.

Tháng 1 năm 1946 (Shôwa 21), Thiên hoàng Shôwa đã tự mình đưa ra tuyên ngôn Ningen sengen (Nhân gian tuyên ngôn) xác nhận rằng mình chỉ là con người bình thường (ningen) chứ không phải là một vị thần sống (akitsu mikami = hiện ngự thần), bất khả xâm phạm như cách người ta vẫn tôn vinh cho đến nay. Nó đưa tới hệ quả là chính phủ sẽ không còn quản đốc cũng như chi viện cho Thần đạo cũng như các thần xã (đền thần) vốn đóng vai trò tượng trưng cho chế độ quân phiệt. Kể từ nay, liên hệ giữa quốc gia và thần đạo sẽ được phân biệt một cách minh bạch (theo văn bản gọi là Shintô shirei). Như vậy, năm mệnh lệnh để thực hiện cuộc cải cách lớn thời hậu chiến hầu như đã phế bỏ được cơ chế và chính sách đàn áp trước đó.

Tuy nhiên có một điều phải nêu ra ở đây là tuy quần chúng có tự do nhưng họ không có tự do chống đối lực lượng chiếm đóng. Điều ngăn cấm này đã được vạch rõ trong cương lĩnh của Bộ luật về báo chí (Press Code). Các loại sách vở hay in ấn khác trước khi xuất bản đều phải chịu sự kiểm duyệt. Còn như các chương trình phóng thanh thì cũng chịu sự kiểm duyệt theo tinh thần Bộ luật về phóng thanh (Radio Code).

Tháng 1 năm 1946 (Shôwa 21), chính quyền mới lại đưa ra Bộ luật thanh lọc hàng ngũ công chức. Cả thảy là 21 vạn người công nhân viên các ngành các giới (chính trị, tài chính, quan liêu, ngôn luận) đều bị điều tra về quá khứ tham gia Chiến tranh Thái Bình Dương và bị đuổi việc (banishment).

Riêng đến tháng 5 năm ấy thì những kẻ tình nghi là chiến phạm hạng A vốn bị bắt từ tháng 9 đến tháng 12 năm ngoái đã bị đem ra xử tại một tòa án đặc biệt ở Tôkyô. Nó có tên là Tòa án quân sự quốc tế vùng Cực Đông (Kyokutô kokusai gunji saibansho) hay gọi gọn hơn là Tòa án Tôkyô (Tôkyô saiban). Phạm nhân trách nhiệm trong chiến tranh có khoảng 5.700 người bị khởi tố và đem ra xử tại các tòa án binh nằm rải rác bên trong và ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Tất cả có 984 người bị tuyên án tử hình.

Các phạm nhân chiến tranh tùy theo mức độ trách nhiệm nặng hay nhẹ được chia ra làm các hạng A, B và C. Những ai có tội phá hoại hoà bình và có trách nhiệm chung trên toàn thể cuộc chiến bị xếp vào hạng A. Những kẻ nào đã ra lệnh để người khác thi hành các việc vi phạm tới nhân đạo trong thời chiến thì thuộc hạng B. Còn như những kẻ chấp hành mệnh lệnh để gây ra tội ác chiến tranh thì được sắp vào hạng C. Tòa án Tôkyô được đặt tại Đại giảng đường của Trường sĩ quan lục quân cũ trong khu Ichigaya. Chiến phạm hạng A bị đem ra xử nơi đây có 28 người, gồm các nhân vật tên tuổi như Tôjô Hideki, Hirota Kôki, Itagaki Seishirô (trong số 7 ngưởi bị tuyên án xử giảo) và Koiso Kuniaki, Kido Kôichi, Hiranuma Kiichirô, Araki Sadao (trong số 16 người bị tuyên án chung thân câm cố).


Tòa án Cực Đông và chánh phạm trong phiên xử, thủ tướng Tôjô Hideki

Nói thêm về Tòa án Cực Đông

Nếu ở Âu châu có Tòa án Nuremberg để xử những kẻ chiến bại (Đức Ý) thì Tòa án Cực Đông (Kyokutô saiban) tức là Tòa án Tôkyô (Tôkyô saiban) có mục đích xử những chiến phạm Nhật. Theo lệnh Nguyên soái MacArthur, kể ngày 11 tháng 9 năm 1945, những kẻ tình nghi là chiến phạm đã bị bắt giữ. Đến tháng 12 thì đã có 200 người. Tòa án đã bắt đầu xử vào ngày 3 tháng 5 năm 1946 .

Quan tòa đến từ 11 nước và Chánh án là một người Úc (William Webb) và Ủy viên công tố chính là một người Mỹ (Joseph Kinnan). Biện hộ cho các bị cáo có trên mươi luật sư Nhật và 20 luật sư Mỹ. Dĩ nhiên đây là phiên tòa của kẻ chiến thắng vì các quốc gia trung lập và các quốc gia nạn nhân không được đại diện. Việc Mỹ thả bom nguyên tử không phải là đối tượng đem ra bàn. Dĩ nhiên đưa thiên hoàng ra xử như đại biểu Úc đòi hỏi cũng bị phía Mỹ từ khước. Còn như việc nghiên cứu vũ khí vi trùng của đơn vị 731 trong quân đội Nhật vì họ đã sớm trao kết quả cho người Mỹ nên cũng được họ bỏ qua.

Ngày 12 tháng 11 năm 1948 thì thành án. Có 7 án xử giảo và 16 án chung thân cấm cố (11 quân nhân + 6 dân sự), 2 án cấm cố có kỳ hạn và 1 miễn tố vị mắc bệnh tâm thần. Matsuoka Yôsuke, ngoại trưởng diều hâu thời tuyên chiến và đại tướng hải quân Nagano Osamu có trách nhiệm chỉ đạo trong trận Pearl Harbor đều chết vì bệnh trong khi tòa đang xử. Năm 1948, 7 người án xử giảo đã bị hành quyết và hỏa táng, trong số đó có tướng Tôjô Hideki, nguyên thủ tướng (sau khi đã tự tử hụt bằng súng khi bị bắt). Tro của họ được trả về cho thân nhân nhưng một phần đã được các người ủng hộ lén đem đi mai táng ở chùa Kôa Kannon (Hưng Á Quan Âm) ở Atami và khu Junkoku shichishibo (Tuẫn quốc thất sĩ mộ) trên núi Mikaneyama, bán đảo Chita. (Việc dời tro vào đền Yasukuni để được quốc dân thăm viếng là chuyện về sau). Những tội nhân án cấm cố thì đến năm 1965, dần dà đều được thả tất cả.

Ngoài các chiến phạm A và A', có các chiến phạm B,C là những người có trách nhiệm chiến tranh tại chỗ (vùng đóng quân, chiến trường, vùng cai trị), do quan tòa 7 nước xử.Tổng số bị cáo là 5.700 và số việc tố giác là 2.244 vụ. Kết quả 984 án tử hình, 475 án chung thân cấm cố, 2.944 án cấm cố có kỳ hạn, 1.018 được tha bổng, 279 miễn tố. Các chiến phạm B,C theo định nghĩa là những kẻ có hành vi như ngược sát, ngược đãi, tra khảo, cưỡng bức, gây thương vong bằng cách gây đói rét hoặc bệnh tật [7]

Nạn nhân của họ là khoảng 35 vạn tù binh dân chúng các nước sở tại. Số chiến phạm B và C này nhiều nhất là hiến binh (kenpeitai) và tỷ lệ tội nhân bị tuyên án tử hình lên đến 30%.

Năm 1952, sau khi hiệp ước giảng hòa được ký kết, các chiến phạm B,C được dời về đề lao Sugamo để rồi sau đó, với cuộc vận động phóng thích, hầu hết đã được thả ra vào năm 1958.

Nhân đây phải kể thêm Tòa án của Liên Xô ở Khabarovsk (1949) xử những kẻ liên quan đến chiến tranh vi trùng và xử một vạn người Nhật bị giam ở Siberia vì có hành vi chống đối họ, cũng như tòa án riêng của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lập ra chậm hơn sau đó (1956) vì không đồng ý với cách xử phạt trước đây của chinh phủ Trung Hoa dân quốc.

Tòa án Tôkyô và các tòa án BC là tòa án quân Đồng Minh xử các chiến phạm, không phải là tòa án của chính phủ và quốc dân Nhật Bản xử tội phạm chiến tranh Nhật Bản cho nên trong tâm thức người dân Nhật, họ thấy mình có một sự liên đới tinh thần nào đó với những kẻ gây chiến. Cho đến bây giờ, họ vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi mặc cảm đó. Điều này khiến họ có phần nào khác với Đức, một quốc gia trong cùng hoàn cảnh và còn phạm vào tội diệt chủng nghiêm trọng hơn nữa. Phải chăng vì có sự mù mờ như thế mà cuộc tranh luận về trách nhiệm chiến tranh ở Nhật dù gần 70 năm trôi qua, hãy còn chưa kết thúc một cách thỏa đáng? [8].
 

1.3 Dân chủ hóa guồng máy kinh tế:

Ngoài việc hủy bỏ cơ chế và chính sách đàn áp, 5 chỉ thị để thực hiện cuộc đại cải cách cũng được đem ra thực hiện một cách nhanh chóng.

Trước tiên đó là việc dân chủ hóa guồng máy kinh tế.

Theo ý kiến của GHQ, sự hiện diện của giới tài phiệt và tầng lớp địa chủ ăn bám (ký sinh) là mảnh đất để cho chủ nghĩa quân phiệt dễ bề sinh sôi nẩy nở. Do đó với chủ trương phân tán các nhóm tài phiệt và cải cách đất nông nghiệp, họ ra lệnh cho chính phủ Nhật Bản phải dân chủ hoá nhanh chóng guồng máy kinh tế.

Tháng 11 năm 1945 (Shôwa 20), 15 tập đoàn tài chánh trong đó có các nhóm Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo, Yasuda... được lệnh không được di chuyền tài sản đi đâu cả (freeze all assets) và phải giải thể (decompose). Qua năm sau, họ lập ra Ủy hội chỉnh lý các công ty điều hành vốn (mochikabu-gaisha, holding companies).

Công ty điều hành vốn là loại công ty sở hữu toàn thể hay một số lớn cổ phần của nhóm công ty nằm dưới sự kiểm soát của mình. Nó chỉ hoạt động trong lãnh vực tài chánh bằng cách quản lý những cổ phần đó một cách kiến hiệu. Phải nói sức mạnh của nó vào thởi tiền chiến hết sức đáng ngại. Những tên tuổi còn được nhắc tới là Mitsui gômei-gaisha (Tam tĩnh hợp danh hội xã) của tài phiệt Mitsui và Mitsubishi gômei-gaisha (Tam Lăng hợp danh hội xã) của tài phiệt Mitsubishi,

Ủy hội chỉnh lý các công ty điều hành vốn này bắt các nhà tài phiệt giữ một số lớn các cổ phần trong các công ty đó phải nhượng chúng lại cho mình để đem bán ra, phân tán rộng rãi cho nhiều nhà đầu tư hòng phá vỡ sự tập trung và độc chiếm vốn trong vòng gia đình thân tộc họ từ trước đến nay. Do đó việc dân chủ hoá các cổ phần bỗng chốc tiến triển rất nhanh.
 

Những cuộc cải cách chính thời hậu chiến
Năm Ngày tháng Nội dung
1945 28 tháng 8 Thiết lập Tổng hành dinh Bộ tư lệnh tối cao của quân đội Đồng Minh ở Yokohama (chuyển về Tôkyô ngày 15 tháng 9). 
  2 tháng 9 Ký văn bản đầu hàng trên chiếm hạm Missouri.
Chỉ thị giải giới quân đội Nhật. Chỉ thị đình chỉ kỹ nghệ quân nhu quân dụng..
1945 9 tháng 9 MacArthur tuyên bố phương châm quản lý nước Nhật
  11 tháng 9 Chỉ thị lùng bắt các tội phạm chiến tranh
  2 tháng 10 GHQ bắt đầu chấp hành nhiệm vụ.
  4 tháng 10 Chỉ thị đình chỉ đạo luật duy trì trị an và hoạt động của cảnh sát đặc biệt, phóng thích chính trị phạm.
  11 tháng 10 Chỉ thị thực hiện năm cải cách lớn.
  6 tháng 11 Chỉ thị ngưng di động tài sản để giải thể tài phiệt
  9 tháng 12 Chỉ thị cải tổ nông địa
  17 tháng 12 Công bố Luật tuyển cử mới.
  22 tháng 12 Công bố Luật thành lập công đoàn
1946 1 tháng 1 Tuyên ngôn thiên hoàng xem mình là người bình thường
  4 tháng 1 Chỉ thị thanh lọc công chức theo chính quyền quân phiệt
  1 tháng 2 - Thực thi cải cách nông địa lần thứ nhất.
  10 thàng 4 Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên theo luật tuyển cử mới.
  1 tháng 5 Lập lại Lễ lao động 1 tháng năm (May Day lần thứ 17)
  3 tháng 5 Khai mạc phiên xử tòa án quân sự Cực Đông
  21 tháng 10 Công bố các pháp lệnh cải cách nông địa lần thứ hai.
  3 tháng 11 Công bố hiến pháp mới của Nhật Bản.
1947 31 tháng 3 Công bố Luật giáo dục cơ sở, Luật giáo dục học đường
  14 tháng 4 Công bố Luật chống độc quyền kinh doanh (Dokukinhô)
  3 tháng 5 Tân hiến pháp bắt đầu có hiệu lực.

Năm 1947 (Shôwa 22), bộ Luật chống độc quyền kinh doanh (Độc chiếm cấm chỉ pháp, Dokusenkinshinhô, gọi tắt là Dokukinhô) đã được ban hành. Việc dựng nên những công ty điều hành vốn hay các hình thức kartell, trust mà ta đã bàn đến khi nói về cuộc khủng hoảng kinh tế đầu đời Shôwa, đều bị cấm đoán. Điều đó có mục đích là không để cho những đại xí nghiệp có sức mạnh độc chiếm thị trường một một lãnh vực nào đó có thể thành hình. Bởi vì nếu loại xí nghiệp này ra đời, nó sẽ loại trừ những xí nghiệp khác ra khỏi cuộc chơi.

Cùng một lối suy nghĩ như vậy là đạo luật cấm tập trung kinh tế quá sức. Đó là một đạo luật ra đời cũng trong năm đó nhằm chẻ vụn những xí nghiệp có sức mạnh quá lớn, không cho nó độc chiếm thị trường. Đối tượng của bộ luật này là 325 hãng. Trên nguyên tắc, chúng bị bắt buộc phải chia năm xẻ bảy thành những hãng nhỏ. Tuy nhiên, rốt cuộc chỉ có 11 hãng như Nihon Seitetsu (luyện kim) và Mitsubishi Juukô (kỹ nghệ nặng) là rơi vào tình trạng đó.

Điều đáng chú ý là các ngân hàng thuộc hệ thống tài phiệt và mang tên là "Ngũ đại ngân hàng" (Big Five) thì lại không bị xem như đối tượng của sự chia cắt này.

Nhờ không bị quân Đồng Minh buộc phải giải thể như những đại xí nghiệp khác mà các ngân hàng trung khu của giới tài phiệt đã tập hợp lại được các công ty trong phe nhóm và tái cấu trúc thành những nhóm xí nghiệp mới. Chúng đã tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Tóm lại, người Mỹ chỉ giải thể các nhóm tài phiệt một cách nửa vời. Ngay cả nội dung của Bộ luật chống độc quyền cũng đã có những thay đổi kể từ năm 1949 (Shôwa 24) để có tính cách hòa hoãn hơn. Điều gì cũng phải có lý do của nó. Lý do người Mỹ tỏ ra nhân nhượng vì họ đã có một ý nghĩ khác trong đầu về lối cai trị Nhật Bản. Thâm ý đó, chúng ta sẽ có dịp mổ xẻ trong những trang tiếp đến.

Nay trở lại câu chuyện các địa chủ ăn bám hay ăn không ngồi rồi.

Thực ra thì vào năm 1946 (Shôwa 21), Thủ tướng Shidehara đã cho xúc tiến thi hành đợt thứ nhất cuộc cải cách về đất trồng trọt sau khi sửa đổi bộ luật gọi là Nôchi chôseihô (Nông nghiệp điều chỉnh pháp). Thế nhưng lúc đó, các địa chủ sống ở vùng nông thôn vẫn được cho phép có quyền sở hữu trên những cuộc đất rộng đến 5 chôbu (còn gọi là chô, mỗi chôbu là 2,45 sào tây). Trong Nông hội (Nông địa ủy viên hội) thì tỷ lệ các địa chủ rất cao và do đó, những người này che chở, bảo vệ quyền lợi cho nhau. GHQ thấy thế, cho rằng không thỏa đáng, khuyến cáo chính phủ Nhật phải nghiêm khắc hơn nữa đối với họ, làm sao cho giai cấp địa chỉ quen sống nhàn rỗi này phải biến mất đi. Cái mà chúng ta gọi là "Nông hội" ở đây là cơ quan có nhiệm vụ mua đất canh tác từ tay địa chủ để bán lại cho người cày (tá điền). Cơ quan này được đặt ở khắp nơi trên nước Nhật từ đạo, phủ, huyện đến các làng xã. Do đó, trường hợp mà thế lực của địa chủ trong "Nông hội" quá mạnh thì cuộc cải cách dĩ nhiên không thể nào thi hành triệt để.

Vì lý do trên mà qua năm sau (1947) thì đã có một đạo luật đặc biệt qui định số đất đai dành cho người thực sự tạo ra công việc và chịu lao động (jisakunô sôsetsu = tự tác nông sáng thiết). Đây là đợt cải cách thứ hai và so với đợt thứ nhất thì nó rốt ráo hơn nhiều. Tuy vậy, người đã thi hành được cuộc cải cách này lại không phải là Thủ tướng Shidehara mà người đến sau ông tức là Thủ tướng Yoshida Shigeru (Cát Điền, Mậu, 1878-1967) [9] khi ông này tổ chức nội các lần đầu tiên. Đợt cải cách thứ 2 này cũng đã được hoàn thành vào năm 1950 (Shôwa 25) dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Thủ tướng Yoshida. Trong khi đó, chính quyền Nhật Bản đã được trao tay từ Yoshida qua hai Thủ tướng thuộc Đảng Dân Chủ là Katayama Tetsu (Phiến Sơn, Triết, 1887-1978) [10] và Ashida Hitoshi (Lô Điền, Quân, 1887-1959) [[11] để rồi trở lại một lần nữa với Yoshida.

Sau đây xin trình bày những điểm quan trong trong việc cải cách ruộng đất (nông địa):

1) Hoàn toàn không nhìn nhận việc các địa chủ không có mặt trong làng xã (fuzai junushi = bất tại địa chủ) mà lại có thể đem ruộng cho tá điền mướn để canh tác.

2) Địa chủ có mặt (sống trong thôn) chỉ được sở hữu 1 chôbu đất (tương đương với 2, 45 sào tây) để canh tác. Riêng ở vùng Hokkaidô họ có thể được 4 chôbu.

3) Trong trường hợp diện tích đất cho mướn để canh tác vượt quá những ấn định trong điều 1 và 2 thì nhà nước sẽ bắt buộc họ bán cho mình để rồi sau đó nhà nước ưu tiên bán với giá rẻ cho tá điền.

4) Các Nông hội (Nông địa ủy viên hội) thiết lập ở các đơn vị hành chánh nông thôn (thị, đinh, thôn) sẽ được sắp đặt theo một tương quan mới như sau. Từ cách chia tá điền 5, nông dân tự canh 5, địa chủ 5 sẽ cải cách để có tỷ lệ mới là tá điền 5, nông dân tự canh 2, địa chủ 3. Ta thấy tỷ lệ tá điền được gia tăng.

5) Uỷ viên trong các Nông hội nói trên sẽ được mọi thành phần nông dân bầu ra. Họ sẽ đảm đương việc mua bán và sang tay nông địa.

6) Riêng về chi phí thuê đất của tá điền trên đất mướn có nhờ ở cuộc cải cách thì nhà nước sẽ qui định (công định). Chi phí này sẽ phải nộp bằng tiền (kim nạp).

Tóm lại, kết quả của cuộc cải cách nông địa này là sự gia tăng của tầng lớp nông dân tự canh. Con số tá điền (đi làm thuê cho người) cho đến lúc đó chiếm hơn phân nửa số lao động nay đã giảm xuống đến dưới 10%. Còn như các đại địa chủ nhàn rỗi (ăn bám) kia thì không những bị mất sức mạnh kinh tế nhưng còn mất luôn cả uy tín xã hội.
 

Cải cách ruộng đất: tình trạng trước và sau chiến tranh

Tỳ lệ giữa đất tự canh và đất làm thuê (tá điền):
 
1938 Đất tự canh: 53,2% Đất làm thuê: 46,8%
1949 Đất tự canh: 87,0% Đất làm thuê: 13,0%

Tỷ lệ giữa các nhà nông tự canh (lớn), tự canh (nhỏ) và làm thuê (tá điền):
 
1938 Tự canh (lớn): 30,0% Tự canh (nhỏ): 44,0% Làm thuê: 26,0%
1949 Tự canh (lớn): 56,0% Tự canh (nhỏ): 36,0% Làm thuê: 8,0%

Tỷ lệ diện tích canh tác của nhà nông (1 han = 9,917 sào tây) ( 10 han = 1 chô) :
 
1941 Dưới 5 han: 32,9% 5 han-1 chô:

30,0%

1-2 chô: 

27,0%

Trên 2 chô: 10,1%
1950 40,8% 32,0% 21,7% 5,5%

(Theo tài liệu Bộ Nông Lâm Nhật Bản)

1.4 Dân chủ hóa hệ thống giáo dục:

Sau đây xin bàn đến việc dân chủ hóa hệ thống giáo dục được tổ chức sau thời chiến.

Tháng 9 năm 1945 (Shôwa 20) thì Bộ Giáo Dục Nhật và sau đó đến tháng 10 thì GHQ, cả hai cơ quan đều bắt những chỗ nào không thích hợp vì tỏ ra sùng bái thiên hoàng và ca tụng chính thể quân phiệt trong các sách giáo khoa thư đều phải bị cắt bỏ hoặc bôi đen. Đây là hiện tượng "sách giáo khoa bị bôi mực" (suminuri kyôkasho). Những nhà giáo nào trong quá khứ có hành động kích thích tinh thần học trò, con em với những luận điệu ái quốc cực đoan đều bị đuổi việc (hiện tượng gọi là kyôshoku tsuihô = giáo chức truy phóng).

Những môn như công dân đức dục vốn gọi là shuushin (tu thân), lịch sử Nhật Bản (quốc sử) hay địa lý đều bị đình chỉ không cho dạy. Tại sao như thế?

Công dân đức dục là môn dạy về luân lý sống ở đời, sở dĩ thành đối tượng của sự cấm đoán là vì trong thời chiến, nội dung của giáo khoa thư chỉ chứa đầy tư trưởng "tận trung báo quốc" nghĩa là triệt để trung thành với thiên hoàng (hay đúng ra những kẻ nấp bóng ông) và sẳn sàng chết cho ông (và cho họ). Do đó, quân đội chiếm đóng bắt buộc thay đổi nội dung vốn đi ngược với tình hình mới.

Về lịch sử thì trước đây, học sinh Nhật Bản đã được học về thần thoại lập quốc ghi trong hai tác phẩm cổ điển: Kojiki (Cổ Sự Ký, 712) và Nihonshoki (Nhật Bản Thư Kỷ, 720). Đó là một sử quan lãng mạn, nặng màu sắc thần quyền, tôn vương, không được minh chứng bằng tư liệu và sự kiện lịch sử cho nên bị xem như đã tạo nên một cái nhìn thiên lệch về lịch sử.

Còn như địa lý thì xem lãnh thổ Nhật Bản bao gồm cả các vùng thuộc địa. Nay Nhật Bản không còn phù hợp với hiện trạng, như vậy không thể tiếp tục để cho giảng dạy.

Sau khi đình chỉ việc dạy dỗ theo cách thức chế độ cũ, quân chiếm đóng và chính phủ Nhật phải sửa soạn một nền giáo dục dân chủ để đào tạo những công dân thích hợp gánh vác một nước Nhật mới trong tương lai. Thay cho 3 môn học nói trên, họ đặt ra một môn học mới gọi là khoa xã hội. Ngoài ra, họ cũng đưa ra những văn bản pháp luật làm nền tảng cho chế độ giáo dục mới.

Theo lời khuyến cáo của một phái đoàn chuyên gia giáo dục Mỹ đến viếng thăm Nhật Bản, trước tiên vào năm 1947 (Shôwa 22), Nhật Bản đã đề ra một văn bản có tên Bộ luật cơ sở về giáo dục, theo đó, người Nhật ngày nay có được học chế 6-3-3-4. Qua đến năm 1948 (Shôwa 23), nhà nước cho thành lập ở các đô đạo phủ huyện thị đinh thôn tức là ở mọi cấp hành chính trong nước những Ủy hội giáo dục (Kyôiku i.inkai). Thành viên của Ủy hội này đều do dân chúng sở tại bầu cử ra một cách công khai. Thế nhưng đến năm 1956 (Shôwa 31) thì nó đã bị sửa đổi. Từ đấy những ủy viên sẽ được những người cầm đầu các đoàn thể tự trị ở địa phương chỉ định.

Số trường đại học cũng được xây dựng thêm lên nhiều. Học vấn cấp đại học đã nhanh chóng phổ cập trong dân chúng. Và chúng ta cũng không nên quên rằng con số nữ sinh viên đã tăng lên một cách nhanh chóng và đáng kể.

1.5 Các công đoàn và luật lao động:

Sau đây xin đuợc đề cập đến sự hình thành của các công đoàn.

Tháng 12 năm 1945 (Shôwa 20), Đạo luật về tổ chức công đoàn đã được ban bố. Nó bảo đảm cho người lao động có được quyền lập hội, quyền thương lượng tập đoàn với giới chủ nhân (collective bargaining) và quyền đình công.

Qua năm sau, chính phủ lại đưa ra một Đạo luật mới qui định các thủ tục điều đình và trọng tài nhằm giải quyết những cuộc tranh chấp chủ thợ. Thế rồi bước qua năm sau nữa, Đạo luật về quyền cơ bản và điều kiện tối thiểu dành cho người lao động cũng được qui định.

Cả ba đạo luật (luật tổ chức công đoàn, luật tranh chấp lao động và luật qui định quyền cơ bản cho người lao động) gọi là Rôdô sanpô (Lao động tam pháp). Nhờ chúng mà quyền lợi của người lao động từ đó được bảo đảm hơn. Trong năm 1947 (Shôwa 22) thì Bộ Lao động (Rôdôshô) đã được thiết lập và trở thành một cơ quan mới của nhà nước.

Tất cả những công đoàn bị giải tán trước chiến tranh nay lại có cơ hội cất cao tiếng nói. Năm 1946 (Shôwa 21), có ít nhất hai tổ chức công đoàn mà phạm vi bao trùm lên toàn quốc. Đó là Sôdômei (Tổng đồng minh) tên gọi tắt của Nhật Bản lao động tổ hợp tổng đồng minh) và Sanbetsu Kaigi (Sản biệt hội nghị), tên gọi tắt của Toàn Nhật Bản sản nghiệp biệt lao động tổ hợp hội nghị. Tổ chức sau này qui tụ những hội đoàn ngành nghề khác nhau (sản biệt). Sôdômei thuộc cánh hữu với chủ trương "sống chung hòa bình" với giới chủ nhân, trong khi ấy, Sanbetsu Kaigi thuộc cánh tả, chủ trương đấu tranh với họ để giành quyền lợi. Nhìn chung thì theo tư liệu của Tập san Kinh tế thống kê Nhật Bản, nếu năm 1945, lúc vừa bước ra khỏi chiến tranh, không có lấy một công đoàn hay đoàn viên nào, đến năm 1954 trên toàn quốc đã có 35.000 tổ chức công đoàn qui tụ 7.000.000 đoàn viên. Giai đoạn 1945-48 là lúc phong trào tổ chức công đoàn vươn lên mạnh mẽ nhất.

1.6 Cải cách để giải phóng phụ nữ:

Trong 5 cải cách lớn của lực lượng chiếm đóng thì cải cách cuối cùng liên hệ đến việc giải phóng phụ nữ. Năm 1945 (Shôwa 20) bộ luật về tuyển cử vào Thượng nghị viện (Nhật gọi là Sangi.in hay Tham nghị viện vì tính cách tham vấn của nó) được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Theo đó, công dân bất luận nam nữ, trên 20 tuổi đều có quyền đi bầu. Như thế, khác với ngày xưa, kể từ ấy trai gái đều có quyền tham gia chính trị.

Cuộc bầu cử vào thượng viện đầu tiên sau chiến tranh được tổ chức vào năm 1946 (Shôwa 21). Điều đáng ngạc nhiên là có đến 39 phụ nữ trở thành thượng nghị sĩ mới. Chuyện trọng nam khinh nữ (như ta, Nhật cũng dùng chữ nanson johi tức nam tôn nữ ti) đã bắt đầu có sự thay đổi. Việc các bà vào quốc hội đánh dấu một chuyển biến lớn của thời đại.

Dân luật Nhật Bản cũng được thay đổi. Quyền chủ hộ (koshuken = hộ chủ quyền) bị bãi bỏ. Nhân đó, chế độ gia đình cũng bị băng hoại. Trước kia thì kẻ gọi là chủ hộ có tuyền bắt những thành viên trong gia tộc, đặc biệt là phụ nữ phải phục tùng mình một cách tuyệt đối. Chế độ đậm màu sắc phong kiến đó từ nay không còn nữa.

Tuy nhiên, vẫn còn hơi sớm để kết luận rằng, với chính sách nam nữ bình quyền tức khắc người phụ nữ sẽ được hoàn toàn giải phóng. Pháp luật qui định như thế nhưng trên thực tế thì vẫn chưa. Người phụ nữ hãy còn chịu nhiều điều bất lợi. Qua thông tin báo chí thời đó, chúng ta có thể biết về tình huống của họ.

Ngày cả bây giờ, phần lớn nạn nhân những vụ tấn công tình dục (sexual harassment) và bạo lực gia đình (domestic violence) đều là phái nữ. Những ưu tư và bất mãn khác của người phụ nữ như sự thiên vị trong điều kiện công ăn việc làm, số nhà trẻ và trường mẫu giáo lập ra không đủ vv...vẫn còn sờ sờ ra đó và nó ngăn cản bước tiến của họ. Nếu không kịp thời giải quyết thì xã hội Nhật Bản của thế kỷ 21 sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn trầm trọng.

Tiết 2 - Hiến pháp mới đưọc ban hành. Sự tái sinh của hoạt động chính đảng: 
2.1 Hiến pháp Nhật Bản hậu chiến:

Hiến pháp là bộ luật chính của một nước, nó qui định tính cách cơ bản của quốc gia. Hiện pháp Đại Nhật Bản dưới triều Thiên hoàng Meiji là hiến pháp khâm định nên đã cho hoàng đế quyền hành tối thượng. Đến đời Taishô, trong bầu không khí dân chủ nhóm lên, người ta dã cố gắng giải thích cho phù hợp với bối cảnh dân chủ nghị hội. Người như giáo sư Minobe Tatsukichi đã đưa ra cách nhìn mới, xem thiên hoàng như một cơ quan, một định chế của nhà nước chứ không phải tượng trưng cho một thứ thần quyền linh thiêng. Điều ông phát biểu đã có một thời là lối suy nghĩ chính và hiến pháp thành ra có màu sắc dân chủ.Tuy nhiên, đến khi chủ nghĩa quân phiệt bùng lên thì lý luận ấy bị đánh bật lui. Hiến pháp chỉ còn là công cụ để thi hành chính sách độc tài của quân đội.

Vì không muốn một chuyện như vậy có thể xảy ra lần thứ hai, từ ngay tháng 10 năm 1945 (Shôwa 20), GHQ đã yêu cầu Nội các Shidehara phải sửa đổi hiến pháp thật nhanh chóng để có một nội dung thực sự dân chủ.

Chính phủ Shidehara chấp nhận điều đó và đã thành lập một Ủy hội điều tra về vấn đề hiến pháp. Ủy viên trưởng của ủy hội là Tổng trưởng nội vụ Matsumoto Jôji (Tùng Bản, Chưng Trị, 1877-1954). Ông ta là nhận vật chính trong công việc soạn thảo một đề cương mới để sửa đổi hiến pháp vốn có tên là "Đề án riêng của nhóm Matsumoto" (Matsumoto shian). Tháng 2 năm sau (1946), đề án này được trao cho GHQ phúc thẩm.

Tuy nhiên trong đề án này vẫn có điều khoản phi dân chủ là việc nhìn nhận quyền chính trị của thiên hoàng. GHQ bèn cự tuyệt ngay và ngược lại, cho soạn cấp tốc một đề án khác rồi đem trình bày nó với Nội các Shidehara. Nội các này không dám phản ứng trái với ý kiến của GHQ, chỉ thêm bớt vào đó đôi chút và đem ra phát biểu trước công chúng với tư cách dự thảo của chính phủ.

Tháng 4 cùng năm đó, lần đầu tiên sau thời chiến Nhật Bản tổ chức một cuộc tổng tuyển cử cho hạ viện (Chúng nghị viện). Đảng tự do (Jiyuutô) trở thành đảng đứng đầu và Chủ tịch của nó, Yoshida Shigeru, lập nội các dân cử lần thứ nhất của ông.

Dưới thời Nội các Yoshida 1, dự thảo hiến pháp nói trên đã được Xu mật viện, Chúng nghị viện cũng như Quý tộc viện bỏ phiếu thuận.Ngày 3 tháng 11 năm 1946, Hiến pháp Nhật Bản được công bố nhưng chỉ bắt đầu có hiệu lực vào năm sau tức ngày 3 tháng 5 năm 1947 (Shôwa 22). Do đó, bây giờ người ta vẫn lấy ngày nói trên để kỷ niệm sự ra đời của hiến pháp.

Những điều khoản chính của Hiến pháp Nhật Bản hậu chiến:

Điều 1: Thiên hoàng là tượng trưng của nhà nước Nhật Bản, cũng là biểu tượng của sự thống nhất nước Nhật. Địa vị này sở dĩ có được là do ý chí của tất cả quốc dân Nhật Bản, những kẻ có chủ quyền đối với đất nước.

Điều 9: Quốc dân Nhật Bản thành thực mong mỏi kiến tạo một nền hoà bình quốc tế dựa trên cơ sở trật tự và chính nghĩa. Tuyên bố sẽ từ bỏ vĩnh viễn việc gây chiến tranh để có lợi cho nước mình cũng như việc uy hiếp bằng vũ lực hay hành sử vũ lực nhằm giải quyết những phân tranh quốc tế. Với mục đích như trên,Nhật Bản sẽ không duy trì hải lục không quân và cả những lực lượng chiến đấu khác. Nhà nước cũng sẽ phủ nhận quyền giao chiến.

Điều 11:Quốc dân sẽ không bị cản trở trong việc thừa hưởng những quyền con người căn bản. Nhân quyền mà hiến pháp này bảo đảm cho người dân là những quyền bất khả xâm và vĩnh viễn, được trao cho họ từ bây giờ và cả đến tương lai.

Điều 25: Mỗi một người dân đều được hưởng những điều kiện tối thiểu để có một cuộc sống khang kiện, có văn hóa. Nhà nước cố gắng để thường xuyên nâng cao mức sống của người dân trên mọi mặt: từ phúc lợi xã hội, bảo hiểm xã hội cho đến vệ sinh công cộng.

Điều 28: Quyền kết hợp thành đoàn thể xã hội, quyền thương lượng tập đoàn, cũng như quyền hoạt động như một đoàn thể của người lao động đều được bảo đảm.

Hiến pháp mới này (gồm 11 chương và 103 điều khoản) là một tư liệu quí báu để hiểu về những sự đổi mới trong xã hội Nhật thời hậu chiến. Ba điểm chính đáng nhớ là: 1) Chủ quyền tại dân, 2) Tôn trọng các quyền làm người (nhân quyền) cơ bản, 3) Chủ trương gìn giữ hòa bình.

Đặc biệt Điều 9 của hiến pháp mà người Nhật hầu như không ai là không biết. Nó được viết ra một cách rõ ràng là Nhật Bản sẽ vĩnh viễn "từ bỏ chiến tranh".Như đã nói, đây là một hiến pháp hòa bình đánh dấu sự chuyển biến lớn của thời đại.

Còn như địa vị thiên hoàng - trước chiến tranh được xem như là quyền uy tuyệt đối - thì với hiến pháp này, chức vị này hãy còn được minh định. Tuy nhiên, sự khác nhau lớn nhất so với trước là thiên hoàng chỉ còn có tính cách tượng trưng cho sự thống nhất toàn thể quốc dân. Đó là "chế độ xem thiên hoàng là một tượng trưng" (shôchô tennôsei).

Cũng không nên quên một điều nữa là hiến pháp đã nhìn nhận quốc hội do dân chúng trực tiếp bầu ra là cơ quan tối cao nắm giữ quyền lực quốc gia.

Hiến pháp mới này tiếng rằng "bản cải chính của Hiến pháp Đế quốc Đại Nhật Bản" mà thôi nhưng trên thực tế, nó hoàn toàn khác hẳn với hiến pháp ấy. Chính vì nó thể hiện được những điều cốt lõi mà GHQ mong muốn: phi quân sự hoá Nhật Bản, dân chủ hoá hoàn toàn cơ cấu xã hội Nhật Bản.
 

Hai người đàn bà và một bản Hiến Pháp

Nói đến bản Hiến pháp hòa bình năm 1946 của Nhật Bản mà ngày nay (2013), đảng cầm quyền cũng như các thế lực phái hữu đang muốn tu chính nếu không nói là muốn viết lại tất cả, không thế nào bỏ qua tính độc đáo của nó, nhất là "Điều thứ 9" (Daikyuujô) mà theo đó, Nhật Bản tuyên bố vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh. Tuy nhiên, Hiến pháp ấy hãy còn có nhiều đặc sắc khác và do công lao đóng góp gần xa của hai người phụ nữ Mỹ.

Người thứ nhất là Ruth Benedict (1887-1948). Ruth tên thời con gái là Ruth Fulton, một học giả lỗi lạc ngành nhân học và dân tục học Mỹ. Bà sinh ở New York, học ở ngôi trường danh giá là Đại học Columbia dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Franz Boas, nhà nhân học số một đương thời. Bà còn là bạn của những tên tuổi lớn trong ngành như Margaret Mead, Edward Sapir. Sau khi nhận học vị tiến sĩ, bà vào ban giảng huấn của nhà trường năm 1923. Lãnh vực nghiên cứu của bà là lý thuyết về dạng thức văn hoá (patterns of culture), chủ trương rằng những cá nhân trong một xã hội có thể phản ứng một cách giống nhau trước những chuyển biến của cuộc đời (cái chết, đau khổ), phản ứng mà người ta không thấy ở một xã hội khác trong cùng một trường hợp. .

Với trí thông minh hiếm có và sở học siêu quần, Ruth Benedict đã được chính phủ mời viết một công trình về dạng thức văn hoá của người Nhật. Đây là một công trình nghiên cứu thuần lý vì chỉ qua sách vở, báo chí, phim ảnh, phỏng vấn tù nhân, thu âm ... do hoàn cảnh chiến tranh không cho phép bà đặt chân lên đất địch. Chính trong bản báo cáo sau này đã thành tác phẩm để đời của bà - The Chrysanthemum and the swords ( Hoa cúc và thanh kiếm) - bà đã phân biệt "văn hoá tội nguyên thủy" (guilt culture) của Âu Mỹ và "văn hoá biết hỗ thẹn" (shame culture) của người Nhật. Người Nhật khi đọc tác phẩm ấy cũng bị ấn tượng về những nhận xét bén nhạy của bà. Họ không dám chê bà thiếu chính xác, chỉ trách bà hơi "giảng đạo" mà thôi.

Phần lớn của bản báo cáo đã được hoàn thành năm 1944 và đệ lên Tổng thống F.D. Roosevelt. Người ta cho rằng chính phân tích của bà về vai trò của Thiên hoàng trong xã hội Nhật Bản đã giúp cho người Mỹ thấu hiểu tâm tình của người bình dân Nhật Bản. Cho nên tuy ghi trong Hiến pháp mới là "chủ quyền tại dân" nhưng Mỹ đã chấp nhận việc tiếp tục để Thiên hoàng vẫn ở ngôi trong vai trò lãnh đạo tượng trưng cho nhà nước Nhật Bản thay vì truy tố ông như chiến phạm cao cấp nhất. Và dĩ nhiên, nếu việc sau mà vô phúc xảy ra thì hẳn đã có những hậu quả bi đát khó lường [12].

Ruth mất ngày 17 tháng 9 năm 1948, chỉ ba năm sau khi chiến tranh kết thúc, thọ 61 tuổi.

Người đàn bà thứ hai tuy ít người biết nhưng cũng quan trọng không kém là Beate Sirota Gordon (1923-2012). Bà là người làm nghề tổ chức những buổi trình diễn văn nghệ và cũng là nhà vận động nữ quyền. Sinh ở thành Wien nước Áo, tuy là công dân Mỹ, bà có dịp theo cha mẹ đến Nhật sống 10 năm hồi còn nhỏ trước chiến tranh nên am tường Nhật ngữ. Khi bà về Mỹ học ở Đại học Mills (Oakland, Ca) thì cha mẹ kẹt lại ở Nhật và bị giữ trong một trại giam dành cho người ngoại quốc. Chiến tranh kết thúc, bà qua Nhật đi tìm cha mẹ, nhờ tài ngôn ngữ, được bổ dụng vào ban thông dịch và ủy ban chính trị của GHQ. Bà nhân đó có cơ hội bàn luận về việc soạn thảo Hiến pháp 1946. Với tinh thần tranh đấu nữ quyền sẳn có và sau khi bàn bạc nhiều với những người phụ nữ Nhật chung quanh, bà đã khéo léo sử dụng câu chữ để cho nội dung của các điều 14 và 24 bộc lộ rõ ràng chủ trương "nam nữ bình quyền" mà nhà đương cục Mỹ muốn đưa vào. Ngày nay, khi đọc Hiến pháp Nhật, chúng ta có thể nhận ra ý đồ đó.Ví dụ điều 14 có ghi: "Mọi người công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không kỳ thị trong quan hệ chính trị, kinh tế hay xã hội vì lý do màu da, giới tính, địa vị xã hội hay nguồn gốc gia đình". Và điều 24: "Hôn nhân phải được thành lập trên cơ sở đồng thuận của hai giới và sự bình đẳng giữa người vợ và người chồng.Việc chọn vợ chọn chồng, nơi cư trú, quyền tài sản, quyền thừa kế đều phải được hành sử trên nguyên tắc bình đẳng giữa hai giới và nhân phẩm của người trong cuộc".

Cũng phải nói Beate đã có may mắn được cộng sự với Nguyên soái MacArthur, một người có đầu óc khá cấp tiến, thực sự tin vào nền dân chủ. Bởi vì sau đó, năm 1947, Beate đã trở thành đối tượng điều tra suốt một năm trời khi nhà đương cục Mỹ nghi ngờ bà là một người theo Cộng sản đã len lỏi vào nội bộ của họ để gây rối.

Dù khi tuổi đã cao, Beate đã trở lại Nhật nhiều lần và được các giới phụ nữ Nhật đón tiếp trọng thể với lòng biết ơn. Bà được tưởng thưởng bằng Tiến sĩ danh dự về mỹ thuật và về luật ở nhiều đại học Mỹ, cũng như các huy chương cao quý của nhà nước và đoàn thể Mỹ, Nhật Bản...Trước khi chết ở tuổi 89 vì chứng ung thư tụy ở Manhattan (N.Y.), bà chỉ ao ước mỗi một điều là Hiến pháp hòa bình năm 1946 mà bà có đóng góp sẽ không bị sửa đổi.


Ruth Benedict và Beate Sirota Gordon

Thế rồi, một khi hiến pháp mới được ban hành, các bộ luật liên hệ cũng được soạn thảo dưới ánh sáng của nó. Đó là Dân luật, Hình luật, Luật tố tụng hình sự...Có khi chúng được sửa chữa một phần, có khi được thay đổi toàn diện nhưng nói chung, đã góp phần xây dựng nên một thể chế pháp luật dân chủ. Lại nữa, đến năm 1947 (Shôwa 22) thì Bộ luật liên quan đến sự tự trị của các địa phương cũng vừa được soạn thảo xong. Kể từ đó, những người cầm đầu hành chính các địa phương như đô trưởng, tỉnh trưởng, thị trưởng đều do dân cử qua hình thức đầu phiếu (kôsen = công tuyển).
 

Cải tổ pháp luật thời hậu chiến
Các bộ luật Nội dung
Luật tự trị địa phương (ban hành năm 1947) Quan chức hàng chánh đô-đạo-phủ-huyện hay thị-đinh- -thôn trên toàn quốc xưa được chính phủ bổ nhiệm nay sẽ do dân cử. Chế độ dân chúng bãi miễn (recall) được đặt ra.
Hình pháp (sửa đổi và ban hành năm 1947)  Một bộ phận Hình luật được sửa đổi. Các đại tội như phản nghịch và bất kính đối với thiên hoàng và hoàng thất bị bại bỏ. Tội gọi là thông gian (ngoại tình) cũng vậy.
Luật cảnh sát (ban hành năm 1947)  Năm 1947, định ra chế độ cảnh sát 2 mức độ: một trực thuộc hành chánh địa phương, một do nhà nước trung ương chỉ huy nhưng đến 1954 thì gộp chung làm một cho cả đô-đạo-phủ-huyện (toàn quốc) 
Dân luật (sửa đổi và ban hành năm 1947) Qui định chế độ gia tộc dựa trên nguyên tắc nam nữ bình quyền. Bãi bỏ chế độ chủ hộ (nam giới) bắt nguồn từ chế độ katoku (gia đốc). Quyền thừa kế tài sản cũng bình đẳng. 
Luật tố tụng hình sự (sửa đổi và ban hành năm 1948) Bỏ chế độ dự thẩm. Hạn chế chủ nghĩa lệnh trạng (warrant) cũng như nguyên tắc chưng ra bằng cớ (evidence) mà không cần phải là cơ quan có thẩm quyền. Công nhận quyền giữ im lặng (the right of silence).

Vào năm 1947 (Shôwa 22), theo chỉ thị của GHQ thì cơ quan kiểm soát an ninh có sức mạnh tuyệt đại đối với cảnh sát địa phương và cũng là cơ quan đàn áp tư tưởng của Nhật Bản trong chiến tranh là Bộ Nội Vụ (Naimushô = Nội vụ tỉnh), đã bị bắt buộc phải ngưng hoạt động. Sau đó, cơ quan cảnh sát đặc biệt Tokkô (Đặc cao) chuyên kiểm soát tư tưởng và dư luận vốn trực thuộc bộ này cũng biến mất. Một bộ Luật cảnh sát (Keisatsuhô) được công bố vào năm 1947. Cơ cấu cảnh sát được chia làm hai, một trực thuộc các đơn vị hành chánh địa phương (local government), một trực thuộc nhà nước trung ương. Cảnh sát dưới quyền hành chánh địa phương sẽ được đặt ra ở những đơn vị hành chánh nào có trên 5.000 dân. Ngoài ra còn có cảnh sát tuy ở các địa phương nhưng trực thuộc nhà nước. Dầu vậy, sau năm 1954 (Shôwa 29) thì bộ Luật cảnh sát mới (Shin-Keisatsuhô) được ban hành. Từ đó, hai hệ thống cảnh sát nói trên được hợp nhất.

2.2 Tình trạng xã hội hỗn loạn sau chiến tranh:

Sau trận Chiến tranh Thái Bình Dương, các chính đảng cũ lục tục trở lại hoạt động. Thêm vào đó, có một số chính đảng mới ra đời. Tất cả mở màn cho một thời kỳ chính trị chính đảng hậu chiến phong phú nhưng với những biến chuyển khá phức tạp, có thể tóm tắt như sau:
 

Những biến chuyển của các chính đảng thời hậu chiến
Năm  Hệ đảng Cộng Sản Hệ các đảng vô sản cũ Các hệ phái khác Hệ Dân chính đảng
(Minseitô)
Hệ Chính hữu hội (Seiyuukai)
1945 Đảng Cộng Sản Nhật Bản (10/1945) Đảng Xã Hội Nhật Bản (11/1945) Nhật Bản Hiệp Đồng Đảng (12/1945) Đảng Tiến Bộ Nhật Bản 
( 11/1945)
Đảng Tự Do Nhật Bản 
(11/1945)
1946     Hiệp Đồng Dân Chủ Đảng ( 5/1946)    
1947     Quốc Dân Hiệp Đồng Đảng (3/1947) Cùng Quốc Dân Hiệp Đồng họp thành Dân Chủ Đảng (Minshhuutô)
( 3/1947)
 
1948   Chia thành nhánh Lao Động Nông Dân và Cách Tân Xã Hội     Tên mới là
Dân Chủ Tự Do Đảng ( 3 /1948) 
1949          
1950 Thanh lọc cộng sản từ hàng ngũ công chức       Tự Do Đảng 
(3/1950)
1951 Chia thành phái quốc tế và phái chung chung (8/1951)        
1952       Cải Tiến Đảng 
(2/1952)
 
1953         Nhật Bản Tự Do Đảng ( 11/1953)
1954       Nhật Bản Dân Chủ Đảng ( 11/1954)  
1955   Nhật Bản Xã Hội Đảng ( 10/1955)     Tự Do Dân Chủ Đảng (Jiyuu Minshuutô) (11/1955) tồn tại đến ngày nay
1960   Dân Chủ Xã Hội Đảng tách ra (0/1960) khỏi dòng chính.      
1964     Công Minh Đảng (Kômeitô) (11/1964) và tồn tại đến nay    
1970     Dân Xã Đảng tách từ Dân Chủ Xã Hội Đảng ( 4/1970)    
1978   Xã Hội Dân Chủ Liên Hợp tách ra khỏi dòng chính (3/1978) nhưng giải tán năm 1994.      
1992     Nhật Bản Tân Đảng (5/1992)    
1993         Phân nhánh là Đảng Sasagaki ( 6/1993) và Tân Sinh Đảng (6/1993)
1994     Tân Tiến Đảng ( 12/1994)    
1996   Xã Hội Dân Chủ Đảng ( 1/1996)> Một nhánh thành Tân Xã Hội Đảng (1/1996)   Thái Dương Đảng (12/1996)  
1998   Dòng chính trở thành 
Đảng Dân Chủ (Minshuutô) (1/1998) tồn tại đến nay
Tự Do Đảng ( 1/1998) Dân Chính Đảng (1/1998)  
2000     Bảo Thủ Đảng ( 4/2000)    

Tuy đồ biểu nói trên không trình bày được hết những chuyển biến trong các chính đảng nhưng một số đảng chính vừa nêu lên ở bên trên vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay (2013). Đó là Đảng Tự Do Dân Chủ (Jimintô), Đảng Dân Chủ (Minshuutô), Đảng Công Minh (Kômeitô). Các đảng nhỏ thì nhiều, trong đó có thể kể đến Đảng Cộng Sản, Đảng Dân Xã, Duy Tân Hội, Đảng của mọi người (Minna no tô), Đảng dành ưu tiên cho mức sinh hoạt quốc dân vv...Họ đều dùng những chiêu bài chung, ví dụ như "dân chủ", "tự do", cho dầu đứng ở hai chiến tuyến chính trị tả hữu khác nhau.

Theo Luật tuyển cử mới, công dân bất luận nam nữ, trên 20 tuổi đều có quyền đi bầu. Tháng 1 năm 1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Hạ viện (Chúng nghị viện) đã được tổ chức.Có 39 nữ nghị sĩ ra đời.

Đảng được nhiều ghế nhất là Nhật Bản Tự Do Đảng. Đảng này đã được thành lập với các nhân vật chính trị từng có mặt trong Seiyuukai (Lập Hiến Chính Hữu Hội). Và như thế, Chủ tịch của Nhật Bản Tự Do Đảng (Nihon Jiyuutô) là Yoshida Shigeru đã được trao cho nhiệm vụ tổ chức nội các. Trong số 464 ghế ở Quốc Hội, Nhật Bản Tự Do Đảng (Nihon Jìyuutô) chiếm 140. Họ bèn hợp tác với đảng về nhì là Nhật Bản Tiến Bộ Đảng (Nihon Shinpotô) - vốn có 94 ghế - để lập ra chính phủ liên hiệp. Đảng Tiến Bộ này là đảng theo đường lối của Rikken Minseitô (Dân chính đảng). Chúng ta còn nhớ chính phủ do đảng này thành lập đã băng hoại từ khi Thủ tướng Inukai bị ám sát trong vụ Go-ichigo (Ngày 15 tháng 5). Việc các chính đảng trở lại cầm quyền như thế là chuyện xảy ra lần đầu tiên sau 14 năm vắng bóng.

Các chính đảng đặt ưu tiên cho việc đưa mức sống của người dân trở lại sự phồn vinh sau khi kinh tế Nhật Bản hầu như bị phá sản do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh tàn khốc vừa mới đi qua. Phải bắt tay vào việc đó một cách cấp tốc.

Tuy nhiên, tài nguyên trong nước lúc bất giờ đã cạn kiệt, dân chúng rất đổi khốn khổ vì thiếu thốn đủ thứ. Hơn nữa, vì để thanh toán tiêu pha sau chiến tranh, nhà nước đã lạm dung việc in hóa tệ cho nên đồng Yen lúc đó không có giá trị gì nữa. Vật giá leo thang một cách khủng khiếp và cuộc lạm phát phi mã sắp đến nơi.

Trong một tình trạng như vậy mà còn phải giải quyết vấn đề binh lính từ các chiến trường được giải ngũ trở về. Đó là chưa kể những người thường dân di trú ở Mãn Châu quốc và các vùng thuộc địa khác nay cũng trên đường hồi hương.Tổng cộng có đến 600 vạn người ùa về nước trong cùng một lúc. Đặc biệt những kẻ hồi hương phần lớn là tay trắng vì đã mất mát hầu hết của cải ở dọc đường. Về đến nơi, những người này đã sống trong một hoàn cảnh vô cùng bi thảm.

Mặt khác, người dân trong nước ở các vùng đô thị thì cũng đã khuynh gia bại sản, cửa nhà bị thiêu hủy bởi những cuộc oanh kích của lực lượng Đồng Minh. Các vùng thành phố bây giờ chỉ còn trơ mảnh đất cháy sém bom đạn. Họ phải góp nhặt phế liệu để xây cất nhũng túp lều tạm bợ để che mưa đụt nắng.

Thêm vào đó, năm 1945 (Shôwa) là năm mất mùa lớn. Do đó, cho dù chiến tranh chấm dứt rồi, dân chúng vẫn thiếu thốn lương thực lẫn thuốc men và số người chết không phải là nhỏ.

Dù vậy, cuộc sống người dân đô thị và đồng bào vừa mới hồi hương của họ cũng có khác với cuộc sống ở nông thôn. Vùng nông thôn chính ra không chịu ảnh hưởng của trận đói nếu so với tình cảnh của người dân đô thị.

Tháng 2 năm 1946 (Shôwa 21), Nội các Shidehara đã đưa ra một số sắc lệnh khẩn cấp nhằm chận đứng lạm phát. Ông cho phát hành đồng Yen mới (shin-Yen). Chiếu theo văn bản luật mới ra thì cụ thể là dân chúng sẽ không còn được quyền rút tiền để dành bằng đồng Yen cũ (kyuu-Yen) ra. Ngoài ra việc rút lại tiền đang gửi ở các cơ quan tín dụng cũng bị phong tỏa. Người dân chỉ được phép rút ra một số tiền Yen mới nào đó để chi tiêu thôi. Mục đích của Shidehara là làm giảm số lượng hóa tệ đang lưu hành. Dĩ nhiên khi số lượng hoá tệ chạy lòng vòng giảm bớt đi, lạm phát sẽ bị chận đứng. Tuy pháp lệnh của Shidehara có một hiệu quả giảm phát nào đó nhưng đáng tiếc là hiệu quả ấy chỉ có tính cách nhất thời.

Vì lẽ đó, sang tháng 8 cùng năm (1946), chính phủ Nhật Bản đã lập một cơ quan gọi là Bản bộ an định kinh tế (Keizai antei honbu). Muốn kiến thiết lại kinh tế hậu chiến, chính phủ không thể dựa trên những cơ cấu xưa cũ như bộ, sảnh, nha sở...nhưng phải lập nên hình thức "bản bộ" (head office, headquarter) này. Nó có tính tổng hợp, dễ điều chỉnh, ra kế hoạch nhanh và quyết định nhanh hơn. Người đứng đầu (tổng tài) là thủ tướng chính phủ, các nhân vật chính (trưởng quan) đều ngang cấp bậc tổng trưởng.

Sau khi chịu những cuộc dội bom B 25, B 29 với sức tàn phá khủng khiếp, bộ máy sản xuất hầu như tê liệt trên toàn quốc. Mức sản xuất khoáng sản và kỹ nghệ của Nhật chỉ còn cỡ 1/3 so với thời trước chiến tranh. Chính lúc đó, vào năm 1947 (Shôwa 22) chính phủ đã cho áp dụng một phương thức sản xuất đặc biệt gọi là "sản xuất theo ưu tiên" (keisha seisan hôshiki, a priority production system). Chữ keisha (khuynh tà) trong Nhật ngữ có nghĩa là nghiêng về hay thiên vị. Ở đây có nghĩa là dành ưu tiên cho một bộ môn sản xuất so với các bộ môn khác.

Sau khi đã đặt trọng điểm vào bộ môn đó rồi thì "bản bộ" (headquarter) sẽ dùng vật liệu cũng như tiền bạc trích từ Quỹ tài chánh đặc biệt cho công cuộc phục hưng (Fukkô kinyuu kinko) và ưu tiên chu cấp cho lãnh vực đó để làm việc.

Những lãnh vực trọng điểm được định nghĩa trong khung cảnh thời ấy là than đá và gang thép. Riêng về Quỹ tài chánh đặc biệt cho công cuộc phục hưng là một cơ quan tài chính mà chính phủ đã lập ra để nâng cao các ngành công kỹ nghệ thiết yếu cho phục hưng kinh tế (ngoài sản xuất than đá và gang thép còn phải kể thêm điện lực).

Nhờ chính sách mà sức sản xuất trong nước đã tăng trưởng. Nhưng phải nói thêm rằng có một mâu thuẫn lớn. Trong khi ngân sách quốc gia đang thâm thủng mà nhà nước còn phải chu cấp cho những bộ môn mấu chốt như vậy, việc ghìm giây cương con ngựa lạm phát bất kham là một việc ngoài tầm tay của họ!

2.3 Phong trào vận động quần chúng lên cao:

Sau một thời gian dài bị trói buộc trong thời chiến, dân chúng như được tháo cũi sổ lồng. Do đó những phong trào vận động quần chúng trở nên rầm rộ.Cũng phải đến 15 năm rồi mới thấy lại cảnh tượng đó. Lần cuối có những cuộc vận động có tính cách dân chủ như thế là thập niên 1930, đầu đời Shôwa.

Trong giai đoạn chiến tranh, dân chúng đã bị cưỡng chế lao động, phải ra trận và chết cho nhà nước. Những phong trào chống đối chính phủ đều bị dập tắt ngay trong trứng nước. Từ cộng sản, xã hội cho đến tự do, không một đường lối chính trị nào có thể tồn tại dưới thể chế quân phiệt.

Nay thì GHQ đã cho phép những trào lưu đó được sống lại. Những tư tưởng, tín điều, ngay cả việc phê phán chế độ thiên hoàng đều được hiến pháp bảo vệ. Có thể nói là đã có một cuộc chuyển hướng 180 độ. Chuyện lúc ấy mà không có các phong trào phê phán những gì đã xảy ra trong thời chiến thì mới đáng cho ta lấy làm lạ.

Đỉnh cao của phong trào này là cuộc vận động xã hội của quần chúng lao động. Chúng ta còn nhớ trong 5 cải cách mà GHQ đã đòi hỏi Chính phủ Shidehara phải thực hiện, có việc cho phép các công đoàn được thành lập. Chính vì thế mà chính phủ đã soạn thảo "Lao động tam pháp" tức 3 bộ luật về lao động để xúc tiến việc thành lập các công đoàn. Kết quả là cuộc vận động xã hội của giới lao động đã dâng cao như một đợt sóng thần. Và làn sóng cao ấy đã có lúc vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà đương cục.

Chẳng hạn như việc các vụ đình công đã xảy ra liên tục ở các hãng xưởng. Thế rồi vào ngày 1 tháng 2 năm 1947 (Shôwa 22), công chức nhà nước trong Công đoàn công nhân viên (Kankôchô rôdôsha = Quan công sảnh lao động giả) đã châm ngòi nhằm tạo ra một cuộc Tổng đình công (General Strike) với qui mô cực kỳ lớn mà ngày nay người Nhật nhắc đến dưới cái tên tắt là Ni.ichi Zene-suto (General strike on Feb 1st).

Rốt cuộc vì lệnh cấm của GHQ, cuộc đình công vĩ đại này đã không thực hiện được. Lý do là lực lượng chiếm đóng nghĩ rằng nếu tất cả công nhân viên làm reo thì cả nước sẽ lâm vào tình trạng vô trật tự. Năm sau, Nguyên soái MacAthur ra lệnh cho Nội các Ashida Hitoshi cấm công nhân không được đình công. Nhận được lệnh ấy, Nội các Ashida đã đưa ra nghị định số 201 (Regulation N 201) để sửa đổi Bộ luật về công chức nhà nước, đoạt lấy quyền phản kháng của họ. Chính vì lý do ấy, mà từ đó đến nay, người ta không còn thấy các viên chức nhà nước tham gia vào các cuộc tranh đấu nữa.

Lấy lý do tránh hỗn loạn có thể xảy ra để mà cấm một cách nhất thời thì có thể hiểu được. Còn như đoạt cả quyền đấu tranh của họ thì đã trở thành đàn áp, đi ngược lại với lý tưởng dân chủ.

Thế nhưng phải thành thực nhìn nhận rằng, lúc đó, quá trình dân chủ hoá ở Nhật dần dần đã bị hãm phanh. Không chỉ riêng các cuộc vận động xã hội của người lao động mà thôi, ở những lãnh vực khác cũng thấy rõ là chính sách dân chủ hoá đang bị khựng lại. Ngay cả một chính sách lớn khác của lực lượng chiếm đóng là "phi quân sự hóa" cũng bị bỏ quên và nhờ đó, Nhật Bản dần dần có cơ hội tái vũ trang.

Để trả lời tại sao có việc "đi ngược chiều" trong chính sách như vậy, phải trở lại đánh giá tình hình chính trị thế giới và thời điểm bấy giờ.

Chúng ta sẽ dành nhiều trang giấy để phân tích việc này. Giờ thì xin trở lại câu chuyện đã xảy ra trước đó tức nói về những cuộc vận động xã hội tại Nhật Bản sau năm 1945.

Trong phong trào vận động quần chúng, nông dân cũng tỏ ra không chịu thua giới công nhân. Họ đã đứng lên phản đối những điều như việc ép buộc họ phải cung cấp nông sản cho nhà nước hoặc việc địa chủ thu lại đất đai của họ. Chúng ta cứ tưởng là khi đã hết chiến tranh, chế độ thu mua cưỡng chế nông phẩm đáng lẽ ra phải cáo chung nhưng trên thực tế thì những chuyện như vậy vẫn chưa hết.

Năm 1946 (Shôwa 21), Tổ hợp nông dân Nhật Bản ( Nihon nômin kumiai), tổ chức ủng hộ những cuộc đấu tranh của tá điền, đã được kết hợp trở lại. Năm sau lại có thêm Tổ hợp hiệp đồng nông nghiệp (Nôgyô kyôdô kumiai) - gọi tắt là Nông hiệp (Nôkyô) hay JA (Japan Agriculture) - cũng được thành lập. Những đoàn thể này bắt đầu hoạt động với mục đích cải thiện cuộc sống của nông dân. Nói rõ ra thì trong trường hợp Nôkyô chẳng hạn, nó là một hợp tác xã mà nông dân là thành viên. Nôkyô giúp đỡ họ trong các lãnh vực như buôn bán, chế tạo sản phẩm, tín dụng, cứu hộ vv...

Tháng 4 năm 1947 (Shôwa 22), lần đầu tiên ở Nhật Bản có cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra các nghị viên của lưỡng viện theo tinh thần Hiến pháp mới. Lưỡng viện là Tham nghị viện (Thượng viện) và Chúng nghị viện (Hạ viện). Tham nghị viện tương đương với Quý tộc viện ngày trước, cùng với Chúng nghị viện, là hai cơ quan lập pháp tối cao. Thế nhưng Chúng nghị viện có tiếng nói mạnh mẽ hơn. Giả dụ trong trường hợp hai viện không đồng ý về một việc gì thì nghị quyết của Chúng nghị viện được xem như nghị quyết của toàn thể Quốc hội.

Kết quả tuyển cử lần đó đã phản ánh tình hình chính trị đương thời nghĩa là lúc các phong trào vận động xã hội của công nhân và nông dân đang đạt đến đỉnh cao. Do đó, Đảng Xã Hội Nhật Bản (Nihon Shakaitô) trở thành đảng mạnh số một. Dù vậy nó chỉ chiếm được 143 ghế, không đủ con số quá bán để tổ chức nội các. Đảng Xã Hội bèn liên kết với đảng thứ 3 là Dân Chủ Đảng (Minshuutô) và đảng thứ 4 là Quốc Dân Hiệp Đồng Đảng (Kokumin Kyôdôtô). Ông Katayama Tetsu (Phiến Sơn, Triết) đã trở thành thủ tướng của một chính phủ liên hiệp giữa 3 đảng nói trên.

Cũng cần nói rằng Đảng Dân Chủ thời đó không có liên hệ gì với Đảng Dân Chủ ngày nay (2013). Nó không phải là một đảng phái tiến bộ nhưng ngược lại, có chủ trương bảo thủ. Một số nghị viên Nhật Bản Tự Do Đảng đã rút khỏi đảng mình và đi liên kết với Nhật Bản Tiến Bộ Đảng mà thành lập ra nó vào tháng 3 năm 1947.

Đảng Quốc Dân Hiệp Đồng được sinh ra cùng một tháng với Đảng Dân Chủ. Tuy nhiên không bảo thủ như họ, đảng này chủ trương một đường lối chính trị trung dung, không ngã về phía cực đoan. Tổng thư ký (Bí thư thứ nhất) của nó là Miki Takeo (Tam Mộc, Vũ Phu, 1907-1988), một chính khách thâm niên, người sau này sẽ trở thành thủ tướng trong giai đoạn 1974-1976.


Hai thủ tướng khuynh hướng dân chủ xã hội 
Katayama Tetsu và Ashida Hitoshi

Tuy một người tranh đấu cho giới lao động và có khuynh hướng xã hội được bầu lên lãnh đạo nội các nhưng Katayama không có một ngày yên ổn. Chính phủ liên hiệp gồm 3 phái xã hội, trung dung và bảo thủ rất khó làm việc làm cho chẳng có một chính sách có tính cách xã hội nào được thực hiện thành công. Không những thế, họ phải lựa chọn lối sản xuất theo trọng điểm (keisha seisan) cũng như chèn ép mức lương của người lao động. Katayama chịu không nổi sự tấn công của phe tả bên trong đảng ông cũng như từ những phong trào vận động xã hội bên ngoài nên chỉ trụ lại chức vụ được có một năm rưỡi. Nội các đã đổ ngay sau đó.

Người kế tiếp vai trò của Katayama và Ashida Hitoshi vốn là thành viên Đảng Dân Chủ. Nội các ông thành lập vào tháng 3 năm 1948 (Shôwa 23). Ông vẫn dựa trên sự liên hiệp của 3 đảng cũ. Ashida chủ trương một đường lối chính trị trung dung nghĩa là không ngả về một chiều hướng cực đoan nào cả.

Có điều Nội các Ashida rất được lòng lực lượng chiếm đóng vì nổi tiếng là GHQ bảo gì nghe nấy. Người ta vẫn còn nhớ đó là nội các đã thực hiện Chỉ thị số 201 của GHQ không cho phép công chức có quyền thảo luận chính trị.

Kết cuộc, Nội các Ashida cũng yểu mệnh, không sống được trên một năm. Nguyên nhân họ phải tổng từ chức là vì một vụ tham nhũng. Tổng giám đốc Hinohara Setsuzô của một công ty phân bón hóa học có tên Shôwa Denkô (Chiêu Hòa Điện Công) vì muốn được ưu tiên nhận tiền cứu trợ từ Quỹ phục hưng (Fukkô Kinyuu Kinkô, 1947-1952, một ngân quỹ do chính phủ thành lập để chi viện cho việc chấn hưng kỹ nghệ Nhật Bản hậu chiến) nên đã hối lộ các quan chức và chính trị gia. Phó thủ tướng Nishio Suehiro (Tây Vĩ, Mạt Quảng, 1891-1981) vì liên can nên bị bắt giam, nhiều tổng trưởng khác cũng cùng chung số phận. Nội các không thể làm cách gì khác hơn là tuyên bố rút lui.

Tiết 3 - Thời chiến tranh lạnh bắt đầu. Sự phục hưng của Nhật Bản 
3.1 Những biến chuyển của tình hình quốc tế hậu chiến:

Trong khoảng thời gian này, tình hình chính trị thế giới đã có nhiều thay đổi lớn kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc và nó sẽ ảnh hưởng đến chính sách của lực lượng chiếm đóng đối với Nhật Bản. Điều này đáng cho chúng ta đi vào chi tiết và muốn làm được việc đó, hãy thử ghé mắt nhìn lại thế giới sử.

Trước tiên, vào thời điểm Thế chiến thứ hai, trên địa cầu có 3 lực lượng chính. Một bên là cánh Anh Mỹ hay thế giới tự do chủ nghĩa, một bên là phái trục với bộ ba Đức Ý Nhật, còn lại là cánh xã hội chủ nghĩa mà tiên phong là Liên bang Xô Viết tức Nga Xô.

Trong Thế chiến thứ hai, cuộc đụng độ lớn đã xảy ra giữa phe tự do và phe trục. Như chúng ta đã thấy trong những trang trước, lúc đầu Nga Xô đứng bên ngoài vì đã ký kết điều ước không gây chiến với Đức. Rồi khi Đức vào chiếm phân nửa Ba Lan thì Nga Xô cũng phối hợp đúng thời điểm, nhảy vào chiếm đóng phân nửa kia của nước ấy. Thế nhưng sau đó giữa Đức Quốc Xã và Nga Xô đã bùng nổ chiến tranh. Lần này Nga Xô có thái độ rõ rệt hơn. Họ đi hẳn với phe tự do để chống phe trục.

Đến khi chiến tranh kết thúc, phe trục thua và biến mất, thế giới chỉ còn lại có hai lực lượng hùng hậu. Thế nhưng phe tự do theo chủ nghĩa tư bản còn Nga Xô theo chủ nghĩa xã hội. Thể chế kinh tế của họ hoàn toàn khác nhau, lý tưởng chính trị lại đối nghịch. Chính vì vậy, khi kẻ thù chung là chủ nghĩa phát-xít còn đó, họ có thể hợp tác. Nhưng bước vào thời hậu chiến, một khi kẻ địch không còn nữa, việc bắt tay chung sống hòa bình với nhau trở thành một việc cực kỳ khó khăn cho cả hai bên.

Trên thực tế, việc xử lý các nước thua trận cũng đã làm cho các lãnh tụ hai bên Mỹ và Nga Xô có những bất đồng sâu sắc. Thế rồi vào khoảng năm 1947, cho dù hai bên không bắn một phát súng nào, họ đã trở nên lạnh nhạt với nhau như hai quốc gia đang ở trong tình trạng chiến tranh. Mỗi bên tìm cách mở mang và tăng cường khả năng quân sự của mình hòng giành lấy quyền lãnh đạo xã hội quốc tế.
 

Phương Tây đối kháng Phương Đông
Phương Tây (Phe tự do) Thời điểm Phương Đông (Phe xã hội) Thời điểm
Điều ước phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) 1949 trở đi Thành lập Cục tình báo các quốc gia Cộng sản và Lao động Âu châu (Cominform) 1947-1956
Điều ước phòng thủ hổ tương Nhật Mỹ (Anpo) 1951-60    
Điều ước phòng thủ hổ tương Thái Bình Dương 1951-1960 Điều ước viện trợ hổ tương và đồng minh thân thiện Trung Xô 1950-1980
Hiệp định viện trợ và phòng vệ hổ tương Nhật Mỹ ( Hiệp định MSA) 1954 trở đi Điều ước viện trợ hổ tương và hiệp lực thân thiện giữa 8 nước Đông Âu (Pact Warsaw) 1955-1991
Lập tổ chức thực hiện Hiệp ước liên phòng Đông Nam Á (SEATO)  1954-1977 Điều ước viện trợ hổ tương và thân thiện giữa Nga Xô - Triều Tiên, Trung Quốc - Triều Tiên 1961 trở đi
Tây Đức tham gia NATO 1955    
Lập tổ chức thực hiện điều ước trung ương (CENTO) 1959-1979    
Điều ước bảo đảm an ninh và hiệp lực hỗ tương Nhật Mỹ (Anpô bản mới) 1960 trở đi    
Trên đây là những văn bản và tổ chức liên minh trong thời gian xảy ra cuộc chiến tranh lạnh (The Cold War).

Cuộc chiến tranh lạnh này đã tiếp tục xảy ra trong một thời gian dài kể từ năm 1947. Mãi đến thời Tổng thống Mỹ George H.W. Bush (tức Bush cha, sinh năm 1924, nhiệm kỳ 1989-1993) và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail S.Gorbachev (sinh năm 1931, Tổng bí thư ĐCS từ 1980, sau là Tổng thống) thì nó mới được giải tỏa. Hai nguyên thủ đã hội đàm tại đảo Malta ngoài khơi Địa Trung Hải vào năm 1989 và sau đó tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh lạnh giữa hai bên (Như ta đã biết, Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, không lâu sau đó).

Trước khi Thế chiến thứ hai bộc phát, Nga Xô là nước duy nhất thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Trong chiến tranh, họ đã sáp nhập 3 quốc gia vùng biển Baltic. Rồi đến khi chiến tranh chấm dứt, họ kéo thêm các nước Đông Âu (Ba Lan, Rumamia, Bulgaria, Hungary, Czechoslovakia...) vào vùng ảnh hưởng của mình. Dần dần, ở những nơi đó, chính quyền Cộng Sản được thành lập. Một trận doanh xã hội chủ nghĩa đã thành hình. Nga Xô đóng vai trò trung tâm và những nước khác là quốc gia vệ tinh (nó tương đương với Phương Đông trong cách trình bày ở đồ biểu bên trên). Năm 1947, các nước Cộng sản Âu châu đã liên kết lại để thành lập Cominform (Kominform) [13]. Có thể hiểu như là Cục tình báo của các quốc gia cộng sản trong vùng.

Nhân đó, để chống trả lại, Mỹ cũng thắt chặt mối quan hệ với các quốc gia như Anh, Pháp và Tây Âu khác. Họ đã cùng nhau lập ra Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng quốc tế cho phục hưng và phát triển (Ngân hàng thế giới, WB), Hiệp định khái quát về quan thuế và mậu dịch (GATT), xem đồng đô la (USD) như hoá tệ cơ sở để thành lập một hệ thống hối đoái cố định cũng như một thể chế mậu dịch tự do. Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Mỹ và sự ủng hộ sát cánh của Anh và Pháp, một trận doanh tự do chủ nghĩa cũng đã thành hình. Chúng ta gọi nó là Phương Tây trong đồ biểu bên trên.

Năm 1947, Tổng thống Mỹ Harry Truman ra tuyên bố rằng chính sách "phong tỏa" Liên Xô là một điều cấp thiết. Đó là khởi điểm của Lý thuyết Truman (Truman Doctrine). Cùng năm, Mỹ công bố Kế hoạch Marshall (Marshall Plan) mang tên tướng George C. Marshall (1880-1959) [14], lúc đó giữ chức vụ Ngoại trưởng. Kế hoạch nhằm viện trợ để phục hưng kinh tế các nước Tây Âu và đã được đưa ra thực hiện từ năm sau (1948).

Những việc như thế đã thay đổi cả vận mệnh của các nước chiến bại như Đức và Nhật.

Riêng về Đức thì bị kẻ chiến thắng là quân Đồng Minh chia ra làm 4 khu vực để cai trị. Phiá Đông do Nga Xô, phiá Tây do 3 nước Anh, Mỹ, Pháp chiếm đóng. Thế nhưng đến khi cuộc chiến tranh lạnh trở thành gay gắt (1949) thì nước Đức đã bị chia cắt làm đôi. Phần phiá Đông mà Nga Xô cai quản trở thành nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức (GDR, còn gọi nôm na là Đông Đức), phần phiá Đông do Âu Mỹ cai quản trở thành Cộng Hòa Liên Bang Đức (FRG, Tây Đức). Một nước Đức giờ đây hai quốc gia nằm trong 2 trận doanh khác nhau.

Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, năm 1990, phong trào dân chủ hóa được đẩy mạnh ở Đông Đức thì vùng này đã sáp nhập vào Tây Đức và Đức lại trở thành một quốc gia thống nhất. Bức tường Berlin bị đập tan hãy còn là một hình ảnh đầy ấn tượng.

Trở lại câu chuyện cũ thì khi nước Đức chia đôi, hai trận doanh đối lập với nhau. Năm 1949, các nước Phương Tây thành lập một tổ chức phòng thủ chung có tên là Tổ chức liên phòng của khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) với mục đích phong tỏa Liên Xô. Đứng trước việc ấy, Liên Xô đã cho thí nghiệm và thành công chế được bom nguyên tử vào năm 1949, và đến năm 1955 thì Điều ước viện trợ hỗ tương và thân thiện quốc tế của 8 nước Đông Âu (Warsaw Pact) ra đời. Đó là hai việc làm quan trọng của họ để đối phó với Phương Tây.

Như vậy, kể từ khi ấy, cuộc đối kháng của hai khối Đông Tây đã diễn ra trên mọi địa bàn từ quân sự, kinh tế sang đến tư tưởng, văn hoá...

3.2 Tình thế vùng Đông Á:

Cuộc chiến tranh lạnh không thể nào không ảnh hưởng đến khu vực Á châu. Hãy trở lại tình thế trước thời Thế chiến thứ hai một chút để có một cái nhìn liên tục về những động hướng trên phần đất này.

Khi tình hình chiến sự ở Thái Bình Dương trở thành bất lợi cho mình, để vớt vát, Nhật Bản đã đưa ra lá bài chính trị. Họ bèn hô hào giải phóng các dân tộc Á châu ra khỏi quyền thống trị của các đế quốc Âu Mỹ và lần hồi giúp cho các vùng đất nơi họ chiếm đóng có cơ hội giành lấy độc lập. Thực tâm của họ như thế nào, đấy là một chuyện khác. Người ta thường cho đó là một cuộc "đồng sàng dị mộng" vì có nơi, người dân sở tại quá thấu hiểu vấn đề, đã triển khai cả một cuộc chiến tranh chống Nhật song song với chiến tranh chống thực dân.

Đương thời, trên phân nửa khu vực Á châu là thuộc địa của Âu Mỹ nhưng phần nào nhờ sự "sắp xếp" của chính quyền Nhật Bản, người dân sở tại đã có thể lợi dụng cơ may của buổi giao thời để phát huy tinh thần độc lập tự cường và nguyện vọng thoát ra khỏi ách cai trị của thực dân. Các phong trào vận động giải phóng dân tộc đã có thể phát triển. Hết Indonesia đến Việt Nam đều đã giành được độc lập sau khi - qua những cuộc chiến đấu ác liệt - đã tự mình đánh bại được các lực lượng của "mẫu quốc" Hà Lan và Pháp.

Trên lục địa Trung Quốc, Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch cho đến lúc đó đã có một cuộc hợp tác Quốc Cộng lần thứ hai. Họ thành lập một chiến tuyến chung, triệt để kháng chiến chống lại quân Nhật. Nay thì quân Nhật đã bại trận, họ không còn kẻ thù chung nữa. Do đó những sự đối lập về ý thức hệ lại được đặt lên hàng đầu. Hai bên trở lại tình trạng nội chiến trước kia.

Cuối cùng, Đảng Cộng Sản là người chiến thắng trong cuộc tranh phong đó. Năm 1949, họ tiến vào Bắc Kinh. Mao Trạch Đông lên làm chủ tịch, và như thế, nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đã ra đời.

Mặt khác, Quốc Dân Đảng thất bại trong cuộc nội chiến đã rút ra đảo Đài Loan. Tưởng Giới Thạch trở thành Tổng Thống của Trung Hoa Dân Quốc tạm đóng đô ở Đài Bắc. Nhân đây cũng phải nói thêm rằng, năm 1950, một Hiệp ước hổ tương viện trợ và đồng minh thân thiện đã được ký kết giữa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Liên bang Xô viết. Trung Quốc lục địa trở thành một thành viên của trận doanh xã hội chủ nghĩa tức thế lực Phương Đông trong cuộc chiến tranh lạnh.

Sau 35 năm trời chịu sự đô hộ của Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên cũng đứng lên phất ngọn cờ độc lập dân tộc như các dân tộc thuộc vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, vĩ tuyến 38 vẫn là nơi phân ranh giữa miền Bắc do Liên Xô cai quản và miền Nam do Mỹ cai quản. Kể từ khi sự xung khắc giữa Nga và Mỹ càng ngày càng trở nên trầm trọng, giấc mơ thống nhất nam bắc của người dân Triều Tiên đã trở thành ảo tưởng. Ở miền bắc bán đảo, Liên Xô tin tưởng người cộng sản Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), ủng hộ ông trong vai trò thủ tướng của Cộng hoà nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) mới được thành lập. Trong khi đó, ở miền nam, Mỹ hậu thuẫn Lý Thừa Vãn (I Sun.man), tổng thống mới của nhà nước Đại Hàn dân quốc (Hàn quốc) vừa chào đời.

Năm 1950, Bắc Triều Tiên sau khi chứng kiến sự thành công của cách mạng tại Trung quốc với sự xuất hiện của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã muốn thừa thế ấy mà thống nhất luôn bán đảo Triều Tiên. Họ bèn xua quân vượt vĩ tuyến thứ 38 và tấn công Đại Hàn dân quốc, gây ra cuộc Chiến tranh Triều Tiên (Korean War).

Dĩ nhiên Bắc Triều Tiên có Liên Xô và Trung Quốc đứng sau lưng và Hàn Quốc được sự bảo vệ của Mỹ. Hai phe Đông Tây đang ở trong cảnh chiến tranh lạnh bỗng chọn bán đảo Triều Tiên làm nơi thực hiện cuộc chiến tranh nóng.

Để đối phó với sự bùng nổ của cuộc chiến tranh này, Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc đã mở một cuộc họp. Lúc đó, Liên Xô vắng mặt. Ban thường trực hội đồng đánh giá rằng quân đội Bắc Triều Tiên là kẻ xâm lấn cho nên cho phép quân đội Liên Hiệp Quốc dùng vũ lực để chế tài.

Quân Hàn quốc đã có lúc bị quân Bắc Triều Tiên dồn đến tận mũi đất phiá nam của bán đảo và đã tưỏng như bị tiêu diệt thì quân Liên Hiệp Quốc - chủ chốt là lực lượng của Mỹ - đã đến cứu và đánh bật quân Bắc Triều Tiên trở lại.

Thế nhưng, vì không làm ngơ được trước sự thể như vậy, Trung Quốc vốn là một chính quyền cộng sản thuộc khối Phương Đông đã gửi chí nguyện quân (volunteers) do Thống chế Bành Đức Hoài chỉ huy qua tiếp viện đồng minh của mình là Bắc Triều Tiên của Kim Nhật Thành. Hai phe Đông và Tây giao chiến với nhau mãnh liệt và đều bị tổn thất nặng nhưng không thoát ra khỏi tình trạng giằng co cù nhầy chung quanh vùng vĩ tuyết 38.

Lúc ấy, để giải tỏa chiến cuộc, nguyên soái MacArthur, lúc đó đang chỉ huy mặt trận, đã chủ trương sử dụng bom nguyên tử và oanh tạc vùng Đông Bắc Trung Quốc, xưa kia vốn là khu vực Mãn châu. Thế nhưng Tổng thống H.Truman không chấp nhận giải pháp mà ông cho là quá khích này (có lẽ vì những dằn vặt cá nhân và vì sức ép của dư luận từ sau hai quả bom ném xuống đất Nhật), đã đột ngột giải nhiệm tướng McArthur.

Kết cuộc là cuộc Chiến tranh Triều Tiên đã đi đến một hiệp định hưu chiến. Tháng 7 năm 1951, ở Phản Môn Điếm (hay Bàn Môn Điếm, Pan Mun Chom), các bên tham chiến bắt đầu thương thuyết. Sau khi vượt qua rất nhiều khó khăn, hai năm sau, họ đã ký được hiệp định ngưng bắn hoàn toàn vào tháng 7 năm 1953.

Nhiều năm về sau, Tổng thống Hàn quốc là Kim Đại Trung (có nơi viết Kim Đại Trọng, Gim Dae Yung) đã chủ trương một chính sách hòa hoãn với Bắc Triều Tiên, gọi là Chính sách Thái Dương (Sunshine). Kim Đại Trung đã sang đàm phán với thủ lãnh miền Bắc là Kim Chính Nhật (Gim Yong Il) tại Bắc Triều Tiên vào năm 2.000. Mục đích của cuộc thương lượng này là việc thống nhất hai miền nhưng câu chuyện phức tạp ấy chắc còn phải đợi nhiều thế hệ lãnh đạo nữa mới giải quyết nổi.

3.3 Chuyển biến ngược chiều trong chính sách của Mỹ:

Trở lại với lịch sử Nhật Bản, chúng ta sẽ thấy những thay đổi trong tình hình quốc tế nói trên đã ảnh hưởng tới vận mệnh của Nhật Bản như thế nào?

Lúc đầu, Mỹ chỉ muốn Nhật không thể nào ngóc đầu lên để chống đối mình thêm một lần nữa. Họ định làm sao cho Nhật phải yếu đi. Do đó, họ đã triển khai một số chính sách cơ bản như phi quân sự hoá và dân chủ hóa guồng máy nước này.

Thế nhưng đến khi thấy có sự xuất hiện của các quốc gia thuộc phe xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ở vùng Đông Bắc Á, họ bắt đầu lo lắng, thầm nghĩ cả vùng Đông Á có thể bị cuốn cả vào cơn lốc xã hội chủ nghĩa. Và như vậy, họ phải thay đổi lối nhìn cũng như chính sách chiếm đóng đối với Nhật Bản.

Từ tư thế kẻ thù, họ muốn biến Nhật thành một quốc gia đồng minh để Nhật có thể trở thành pháo lũy quan trọng trấn giữ vùng Đông Á, đứng trong trận doanh của các nước theo chủ nghĩa tự do Phương Tây.

Cho nên trước tiên phải làm sao cho kinh tế của Nhật phục hồi thật nhanh chóng. Để tiếp sức cho kinh tế Nhật Bản có thể đứng dậy, họ tăng cường viện trợ. Vì vậy tuy trước đó họ chủ trương giải thể các tập đoàn kinh tài (zaibatsu =tài phiệt) một cách thẳng tay thì nay họ rút lại hết những biện pháp đã làm trong chiều hướng ấy.

Bước thêm bước nữa, họ còn làm một chuyện không ngờ. Mới ngày nào vừa giải giới toàn bộ quân đội Nhật, nay họ bật đèn xanh cho thế lực nguy hiểm ấy tái vũ trang.

Chính sách chiếm đóng nói chung đã rẽ qua một bước ngoặc lớn. Có thể xem đây như chính quyền Mỹ đang "lội ngược dòng" (reverse course). Về việc ngược dòng đó, ta có thể thấy qua lời tuyên bố của Tư lệnh lục quân Mỹ Royal vào tháng 1 năm 1948 (Shôwa 23) như sau: "Hãy làm sao cho Nhật Bản trở thành thành trì ngăn chặn Cộng sản!". Câu nói ấy đã đúc kết một cách cụ thể đường lối của nhà đương cục Mỹ.

Năm 1948 (Shôwa 23), sau khi Nội các Ashida đổ, Yoshida Shigeru lại thành lập chính phủ thêm một lần nữa. Đây là Nội các Yoshida 2. Đảng Dân Chủ Tự Do (Minshuu Jiyuutô) hoàn toàn đơn độc tổ chức nội các, không cần phải liên hiệp với thế lực chính trị nào khác.

Thế nhưng tại sao gọi là Dân Chủ Tự Do Đảng (Minshuu Jiyuutô) [15]? Yoshida cũng là thành viên của Nhật Bản Tự Do Đảng (Nihon Jiyuutô) cơ mà? Đúng là như vậy. Thế nhưng thời bấy giờ, các chính đảng có lúc thì xích lại với nhau lúc thì rã đám, thay tên đổi họ xoành xoạch cho nên ta không nên để ý đến những việc này. Sau đây là những nét chính về sự biến hình đổi dạng cũng như số ghế họ đạt được qua mấy kỳ tuyển cử tổ chức ngay sau chiến tranh.
 

Thế lực các chính đảng và sự thay đổi danh xưng (1946-1955)
Tuyển cử Đảng Đảng Đảng Đảng Đảng Đảng
Tháng 4/1946
(464 ghế)
Nhật Bản Tự Do (140) Nhật Bản Tiến Bộ (94) Nhật Bản Hiệp Đồng (14) Nhật Bản Xã Hội (92) Nhật Bản Cộng Sản (5) Các đảng phái khác
(119)
Tháng 4/1947
(466 ghế)
Nhật Bản Tự Do (131) Dân Chủ

(121)

Quốc Dân Hiệp Đồng (29) Nhật Bản Xã Hội (143) Nhật Bản Cộng Sản (4) Các đảng phái khác 
(38)
Tháng 1/1949
(466 ghế)
Dân Chủ Tự Do (264) Dân Chủ (69) Nhật
Bản Hiệp Đồng (14)
Nhật Bản Xã Hội (48) Nhật Bản Cộng Sản (35) Các đảng phái khác (36)
Tháng 10/1952
(466 ghế)
Tự Do (240) Cải Tiến (85) Xã Hội hữu phái (57) Xã Hội tả phái (54) Nhật Bản Cộng Sản (0) Các đảng phái khác ( 30)
Tháng 4/1953
(466 ghế)
Tự Do (234) Cải Tiến (76) Xã Hội hữu phái (66) Xã Hội tả phái (72) Nhật Bản Cộng Sản (1) Các đảng phái khác (17)
Tháng 2/1955
(467 ghế)
Tự Do (112) Nhật Bản Dân Chủ (185) Xã Hội hữu phái (67) Xã Hội tả phái (89) Nhật Bản Cộng Sản (2) Các đảng phái khác (12)
Đảng Dân Chủ Tự Do là sự kết hợp của Nhật Bản Tự Do Đảng với các thành viên ly khai Dân Chủ Đảng mà tạo thành. Trong kỳ tuyển cử tháng 1 năm 1949, chính đảng mới này đã được sự ủng hộ nồng nhiệt của cử tri nên một mình cũng nắm được đa số trong quốc hội (264/466 ghế). Thế nhưng đến năm 1950 (Shôwa 25) thì đảng này lại đổi tên thành Tự Do Đảng. Danh xưng của nó có thể làm rối loạn dòng liên tưởng của chúng ta. Nhân đây cũng nói thêm rằng Đảng Nhật Bản Hiệp Đồng là một đảng có khuynh hướng bảo thủ nhưng sau kết hợp với Nhật Bản Nông Dân Đảng để trở thành Hiệp Đồng Dân Chủ Đảng tuy vẫn thuộc cánh hữu nhưng với đường lối chính trị ôn hòa hơn (Miki Takeo gia nhập vào lúc này).

Như thế, được sự ủng hộ của quần chúng, Nội các Yoshida 2 đã lần lượt thi hành những chính sách mạnh mẽ để phục hưng kinh tế Nhật Bản đúng như trong chiều hướng mong muốn của GHQ.

Trước tiên, GHQ đã chỉ thị 9 nguyên tắc gọi là "Chín nguyên tắc nhằm an định nền kinh tế" và yêu cầu Yoshida Shigeru thực hiện càng sớm càng tốt. Chín nguyên tắc đó là: 1) Thăng bằng ngân sách, 2) Đẩy mạnh trưng thu thuế má, 3) Hạn chế cho vay vốn, 4) Giữ mức lương an định, 5) Kiềm chế vật giá, 6) Cải thiện mậu dịch, 7) Tăng gia sản xuất, 8) Điều chỉnh phân bố vật tư, 8) Cải thiện việc thu mua và phân phối lương thực.

Qua năm sau, chuyên viên ngân hàng Dodge (Joseph Morrell Dodge, 1890-1964), Tổng giám đốc Ngân hàng Detroit, được Tổng thống Truman gửi qua Nhật như Công sứ đặc nhiệm để giúp chính phủ Nhật Bản soạn thảo một ngân sách không thể nào thâm thủng, nghĩa là một ngân sách tuyệt đối thăng bằng. Dĩ nhiên, để thực hiện điều đó, Nhật đã phải cắt xén rất nhiều chi tiêu.

Đồng thời Mỹ cũng thiệt lập một tỷ suất hối đoái đồng nhất giữa hai nước. Họ qui định từ đây cứ 1 USD thì ăn 360 JPY. Điều này làm cho nền kinh tế Nhật sẽ là một bộ phận của kinh tế Mỹ và nằm trong quỹ đạo của đồng đô-la Mỹ. Ngoài ra đồng Yen của Nhật cơ hội trở lại trên thị trường quốc tế. Làm chuyện đó, nhà đương cục Mỹ hy vọng rằng đồng Yen sẽ được an định và việc xuất khẩu của Nhật sẽ được hưng thịnh. Một chuỗi chính sách khác do Dodge đề ra có cái tên chung là "Đường lối của Dodge" (Dodge line).
 

Thủ tướng Ikeda bắt tay Đặc sứ Dodge
Giáo sư Shoup giữa hai bạn đồng nghiệp

Lại nữa, đến năm 1949 (Shôwa 24), Mỹ lại gửi một phái đoàn do C.S. Shoup (1902-2000), giáo sư Đại học Columbia, làm đoàn trưởng đến Nhật. Phái đoàn cố vấn của Shoup có nhiệm vụ góp phần vào việc thiết lập một hệ thống thuế khoá mà trong đó những thứ thuế trực thu như thuế lợi tức sẽ là nòng cốt.

Nhờ ở "Đường lối của Dodge" mà Nhật Bản đã kiềm chế được nạn lạm phát đang hoành hành vào thời điểm đó. Chuỗi biện pháp của ông làm cho vật giá được an định. Tuy nhiên, tình trạng kinh tế suy thoái vẫn còn tồn tại nếu không nói là càng ngày càng nguy ngập. Các trung tiểu xí nghiệp lần lượt phá sản mà cho dầu không đến nổi phá sản thì phần nhiều các xí nghiệp (kể cả các cơ quan hành chánh như nha sở của chính phủ) phải hợp lý hoá. Trong kế hoạch tự chỉnh đốn của họ, dĩ nhiên có sự sa thải nhân viên. Số người thất nghiệp đầy đường phố và mỗi ngày người đi tìm việc chen chúc xô lấn nhau ở các sở giới thiệu công ăn việc làm. Cảnh tượng trông rất thê thảm.

Đứng trước tình trạng đó, Đảng Cộng Sản Nhật Bản cũng như tổ chức công đoàn liên ngành nghề tức Sanbetsu Kaigi (Sản biệt hội nghị) đã phản ứng rất mạnh mẽ. Ví dụ khi Tổng cục đường sắt (Kokutetsu =Quốc thiết) vừa tuyên bố kế hoạch thải người thì Nghiệp đoàn công nhân đường sắt đã phát động ngay phong trào chống đối. Liên quan đến cuộc chống đối này đã xảy ra các sự cố như sự cố Shimoyama, sự cố Mitaka, sự cố Matsukawa [16]...Tiếng là những sự cố này có liên quan đến Đảng Cộng Sản và các công đoàn lao động đường sắt nhưng người ta nghi ngờ rằng trong đó có bàn tay của những kẻ chống phá người lao động. Lý do là nó đã làm cho cuộc vận động của dân lao động bị thiệt thòi lớn khi giới chủ nhân lấy cớ đó để thực hiện cho bằng được kế hoạch sa thải nhân viên. Chân tướng của những sự cố kỳ quặc này cho đến nay vẫn chưa được phơi bày ra ánh sáng. Tuy vậy, những sự cố nói trên đã không khiến cho phong trào tranh đấu nói chung của người lao động bị suy thoái, người lại, chúng còn giúp cho nó lên cao.

Thực vậy, trong khi thế lực của Công đoàn liên ngành nghề (Sanbetsu Kaigi) yếu đi thì Công đoàn có khuynh hướng chống Sanbetsu lại được sự khuyến khích và nâng đỡ của GHQ. Công đoàn này có tên là Sôhyô (Tổng bình), rút ngắn từ cái tên khá dài Nhật Bản lao động tổ hợp tổng bình nghị hội. Thế nhưng họ cũng không dè rằng sau đó Sôhyô lại tiếp cận với Đảng Xã Hội Nhật Bản. Sôhyô kể từ đó tỏ ra đối nghịch với chính quyền Yoshida Shigeru, vốn thi hành một chính trị bảo thủ và hòa hợp với lực lượng chiếm đóng.

Đến năm 1952 (Shôwa 27), ngày lao động quốc tế (May Day) đầu tiên kể từ khi Nhật Bản hồi phục lại độc lập. Một cuộc biểu tình vĩ đại với sự có mặt của đông đảo người lao động đã được diễn ra. Đặc biệt trước khu vực hoàng cung đã có môt cuộc xô xát lớn xảy ra giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình. Vụ này gọi là "Ngày May Day đẫm máu" hay là "Sự cố trên quãng trường trước hoàng cung". Chính phủ nhân cơ hội này bèn cho ban hành vào tháng 7 cùng năm, một đạo luật dưới chiêu bài ngăn cấm hành vi bạo động.Tên của nó là Habôhô (Phá phòng pháp) tức bộ luật phòng ngừa những hành động phá hoại.

Cách đây đã khá lâu, khi ở Nhật Bản xảy ra những hành vi phạm tội của giáo phái Aoum Shinrikyô, người ta từng đặt câu hỏi có thể nào đem áp dụng bộ luật Habôhô vào trường hợp ấy hay không và câu hỏi đó đã làm xôn xao dư luận một thời.

Năm 1954 (Shôwa 29), Cục điều tra công an (Kôan chôshachô) được đặt ra.Bộ luật mới về cảnh sát cũng được ban hành. Nó ấn định việc lực lượng cảnh sát thuộc các vùng tự trị ở địa phương sẽ được đặt dưới quyền quản hạt của cảnh sát trung ương. Cảnh sát đô đạo phủ huyện và cảnh sát quốc gia như thế đã thống nhất. Tất cả quyền hành tập trung vào trung ương.

Cùng năm 1954, Kyôiku nihô (Giáo dục nhị pháp) hay hai đạo luật trong lãnh vực giáo dục cũng được ban hành. Theo đó, công nhân viên nhà nước bị cấm tham gia các hoạt động chính trị. Đồng thời, đạo luật ấy cũng minh định việc không được dạy chính trị cho học trò. Thêm vào đó, những giáo viên - cho đến nay vẫn được tuyển dụng theo chế độ công tuyển tức tuyển dụng mở - thì nay họ sẽ được tuyển dụng bởi người đứng đầu các vùng tự trị địa phương theo chế độ gọi là ninmeisei (nhiệm mệnh chế) hay bổ nhiệm.

Nhìn chung, ta thấy trong giai đoạn này, quyền lực quốc gia đã được tăng cường trong chiều hướng chính trị bảo thủ. Việc này cho thấy một lần nữa, Nhật Bản đang "lội ngược dòng", đi trở lại thời còn chiến tranh. Những thế lực có khuynh hướng gọi là cách tân như Đảng Cộng Sản, Đảng Xã Hội cũng như Công đoàn Sôhyô không ngừng lên tiếng phê phán điều đó.

3.4 Nhật Bản dành lại được độc lập:

Đến khi Chiến tranh Triều Tiên bộc phát, Nhật Bản lại gia tốc trong chiều hướng "lội ngược dòng" .

Ví dụ, GHQ lúc đó muốn quét sạch ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ra khỏi trung tâm đời sống Nhật Bản tại quốc nội. Họ ra chỉ thị phải loại trừ tất cả cán bộ Đảng Cộng Sản Nhật đang làm việc với tư cách công nhân viên.

Kể từ đó mỗi công sở người điều tra xem ai là đảng viên hay là người có cảm tình với Đảng Cộng Sản để loại trừ ra. Cảnh này không khác gì những cuộc thanh lọc và đàn áp tư tưởng xảy ra trước thời chiến.Phong trào này có tên là "Quét sạch bọn Đỏ" (Red Purge). Đồng thời GHQ cho phép những chiến phạm đang ở trong ngục được tự do tạm và ngưng lệnh đuổi việc những công chức từng dính líu với chế độ quân phiệt cũ.

Để cho Nhật Bản chính thức trở thành thành viên của Phương Tây, Mỹ thấy cần cấp tốc để cho Nhật được độc lập. Hiện nay nước Nhật đang bị chiếm đóng, nếu muốn trả lại độc lập cho Nhật Bản thì các nước phe Đồng Minh trước hết phải ký với họ một hiệp ước giảng hòa để chấm dứt tình trạng đối địch trong chiến tranh.

Duy có một điều là nếu Nhật Bản độc lập thì họ sẽ đứng trong trận doanh Phương Tây để chống lại Liên Xô và các nước trong trận doanh Phương Đông. Điều này khó lòng được Liên Xô, một quốc gia từng là thành viên gạo cội trong lực lượng Đồng Minh chấp thuận. Nói cách khác, Nhật không thể nào ký hiệp ước giảng hòa với tất cả các nước họ đã có lần giao chiến trước năm 1945.

Nội các Yoshida buộc lòng phải bỏ ngoài tai lời yêu cầu của các công đoàn và chính đảng có khuynh hướng cách tân đòi chính phủ của ông giảng hòa một cách "toàn diện". Yoshida cho rằng Nhật chỉ cần giảng hòa với "đa số" tức các nước trong trận doanh Phương Tây. Thế rồi vào tháng 9 năm 1951 (Shôwa 26), tại thành phố San Francisco trên đất Mỹ, một hòa hội đã được khai mạc. Có tất cả 48 nước, trong đó là Mỹ và Nhật Bản, đồng ký tên vào Hiệp ước hòa bình San Francisco. Nhân đó, Nhật đã được phục hồi chủ quyền như quốc gia độc lập sau 6 năm bị chiếm đóng.

Hiệp ước hòa bình San Francisco

Điều 1(a): Tình trạng chiến tranh giữa quốc gia Nhật Bản và các quốc gia trong lực lượng Đồng Minh sẽ chấm dứt kể từ ngày mà - như điều 23 đã qui định - hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực giữa quốc gia Nhật Bản và các quốc gia Đồng Minh

Điều 6 (a): Tất cả lực lượng chiếm đóng thuộc các nước Đồng Minh sẽ phải triệt thoái khỏi nước Nhật càng sớm càng tốt kể từ khi hiệp ước này có hiệu lực. Tuy nhiên, qui định này...dựa trên cơ sở hiệp định...sẽ không gây ra trở ngại cho việc đồn trú hay lưu trú của quân đội ngoại quốc trên lãnh thổ Nhật Bản.

(Theo tập điều ước)

Cũng cần biết thêm là tuy Liên Xô có đến dự hội nghị giảng hòa này nhưng họ đã không ký chấp thuận văn bản.

Ấn Độ, Miến Điện (Burma, nay là Myanmar) vì bất mãn với nội dung của hiệp ước nên ngay cả việc đến dự hội nghị cũng không chịu.

Còn với Trung Quốc thì đại diện hai nước Trung Quốc lúc đó là chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Bắc Kinh) và chính phủ Trung Hoa dân quốc (Đài Loan) đều không được mời. Lý do là giữa Anh và Mỹ có hục hặc về việc chọn lựa chính phủ nào có thể đại diện được Trung Quốc. Kết cuộc, họ đã chọn giải pháp không mời bên nào hết.

Chính vì vậy mà sau đó Nhật Bản đã phải ký hiệp ước giảng hòa với từng nước một trong nhóm này. Để tiện bề tham khảo, xin biết rằng Nhật đã ký với Trung Hoa Dân quốc Nhật Hoa bình hòa điều ước vào năm 1952 (Shôwa 27).Cùng năm, Nhật cũng ký Nhật Ấn bình hòa điều ước với Ấn Độ. Qua năm 1954 (Shôwa 29), họ ký Nhật Miến bình hòa điều ước với Miến (Burma lúc đó). Còn với quốc gia Phương Đông chính yếu là Liên Xô thì mãi đến năm 1956 (Shôwa 31), hai bên mới lập được bang giao sau khi ra tuyên ngôn chung Nhật Xô.

Trong việc giảng hòa, Nhật không bị bắt phải bồi thường chiến tranh.Bởi vì hầu hết các quốc gia đồng ý bỏ qua việc đó. Điều này rất có ý nghĩa vì nó giúp cho Nhật có thể dành hết mọi nguồn tài chánh để chuyên chú vào việc tăng trưởng kinh tế. Nếu vướng phải chuyện bồi thường chiến tranh thì không thể nào Nhật Bản có thể đứng dậy được trong một tời gian ngắn kỷ lục như vậy.

Tuy nhiên, cũng có một số nước yêu cầu Nhật bồi thường. Chẳng hạn các nước nghèo như Phi luật tân, Miến điện, Indonesia và miền nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa). Tuy món tiền đó tổng cộng lên đến 10 ức USD nhưng đến năm 1972 (Shôwa 47) thì món nợ đó coi như đã trả xong.

Về lãnh thổ của Nhật sau khi được trả độc lập thì dĩ nhiên họ không còn có thuộc địa nữa. Điều ước minh định rằng Nhật phải để Triều Tiên được độc lập và phải từ bỏ quyền lợi đối với Đài Loan, miền nam Hoa Thái Đảo (Nam Sakhalin), quần đảo Chishima. Các đảo như quần đảo Okinawa, quần đảo Ogasawara, quần đảo Amami thì sẽ trả sau chứ hiện thời vẫn phải được đặt dưới quyền quản trị hành chính của Mỹ.

Sau đó, quần đảo Amami đã được người Mỹ trao trả cho Nhật vào năm 1953 (Shôwa 28), Ogasawara vào năm 1968 (Shôwa 43), Okinawa vào năm 1972 (Shôwa 47). Nhưng nói chung, điều quan trọng nhất đối với Nhật Bản khi ký Hiệp ước giảng hòa San Francisco là họ trở thành một quốc gia độc lập và có thể góp mặt trở lại với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên quân đội Mỹ vãn tiếp tục đồn trú trên lãnh thổ Nhật. Thực ra thì ngày mà hai bên ký hiệp ước đó, Nhật Bản cũng ký một hiệp ước khác nhìn nhận việc quân Mỹ trú đóng. Hiệp ước nói trên gọi tắt là Anpo (An bảo điều ước). Nguyên văn là "Nhật Mỹ (Mễ) an toàn bảo chương điều ước".Mễ là cách gọi nước Mỹ (America) của người Nhật. Như thế Nhật đả đồng ý rằng dù Nhật có độc lập đi nữa, vùng Cực Đông vẫn chưa phải là nơi an toàn và sự có mặt của người Mỹ trong giai đoạn đầu vẫn rất cần thiết.

Thủ tướng Yoshida chủ trương: "Nếu Nhật Bản tái vũ trang, kinh phí sẽ không nhỏ. Việc phục hưng kinh tế vì đó thành ra trì trệ, Do đó nên giao việc phòng thủ cho người Mỹ lo". Và như thế ông đã đồng ý ký hiệp ước Anpo.

Trong văn bản hiệp ước Anpo, không chỗ nào viết rằng để bảo vệ Nhật Bản, quân đội sẽ phải có mặt trên nước Nhật. Riêng chính phủ Nhật thì yêu cầu Mỹ minh định nghĩa vụ phòng vệ Nhật của họ nhưng Mỹ lại không đồng ý. Họ chỉ chịu ghi vào văn bản câu nói sau đây: "Mỹ sẽ đóng góp vào việc bảo vệ Nhật Bản".

Đến năm 1952 (Shôwa 27), hai bên Mỹ Nhật đã ký thêm một hiệp định hành chính qui định rằng: "Nhật Bản đồng ý cung cấp chỗ đóng binh, xây dựng cơ sở cũng đóng góp vào kinh phí của quân đội Mỹ khi họ lưu trú trên đất Nhật".

Người dân Nhật phản đối việc Mỹ tiếp tục đóng quân như thế nên đã gây ra những biến cố như vụ Uchinada (thuộc tỉnh Ishikawa, 1952, liên quan đến khu vực luyện tập tác xạ) và vụ Sunagawa (thuộc thành phố Tachikawa trong phạm vi Tôkyô, 1955-57, chung quanh việc sử dụng đất làm phi trường quân sự). Thế rồi khắp các nơi trên đất Nhật đã bùng nổ những cuộc tranh đấu chống lại sự hiện diện của các căn cứ Mỹ như vậy.

Thủ tướng Yoshida vì không muốn chi một món tiền lớn vào việc tái vũ trang trong khi kinh tế Nhật còn yếu ớt nên đã ký Hiệp ước Anpo chứ Mỹ vẫn cứ đốc thúc Nhật tái vũ trang cho nhanh chóng. Dần dần, Yoshida đã phải nhượng bộ yêu cầu của Mỹ.

Trước ngày Nhật độc lập và khi Chiến tranh Triều Tiên bộc phát, lính Mỹ đang đóng trong nước Nhật đều phải chuyển sang bán đảo Triều Tiên cả. Vì thế, ở Nhật đã sinh ra một lỗ hỗng quân sự. Với mục đích lấp lỗ hỗng đó, GHQ đã ra chỉ thị cho chính phủ Nhật phải thành lập một đội Cảnh sát trừ bị (Keisatsu yobitai). Tuy mang tên "cảnh sát" nhưng trên thực chất, nó là quân đội. Đến khi Hiệp ước San Francisco mắt đầu có hiệu lực thì đoàn quân cảnh sát này được tổ chức lại thành bộ đội bảo an (Hoantai). Cũng trong năm đó cảnh sát biển (Kaijô keibitai) được thành lập. Tuy qui mô của nó chẳng thấm đâu với thời trước chiến tranh nhưng trên thực tế, nó là hải quân Nhật Bản được tái sinh. Dĩ nhiên, trong Hiến pháp mới thì làm gì có chỗ nào cho phép Nhật Bản tổ chức quân đội trở lại!

Năm 1954 (Shôwa 29), Nhật và Mỹ lại ký thêm một hiệp định mới về viện trợ và phòng vệ hỗ tương. Tên của nó là Hiệp định MSA (Mutual Security Act, 1951). Theo đó, Nhật Bản có thể nhận được viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ nhưng bù lại, Nhật có nghĩa vụ phải tăng cường sức mạnh của lực lượng bộ đội tự vệ của riêng mình.

Cũng theo tinh thần của Hiệp định MSA, tháng 7 năm ấy, chính phủ đổi tên và tổ chức Bảo an sảnh (Hoanchô) thành Jieichô (Tự vệ sảnh). Dưới quyền cai quản của nó là lực lượng quân sự gọi là Jieitei (Tự vệ đội) gồm có 3 bộ đội (bu) Hải Lục Không. Việc đó xảy ra trong thời gian Thủ tướng Yoshida thành lập Nội các lần thứ 5.

Xã hội Nhật Bản sau chiến tranh (giai đoạn 1945 -1950)

Từ tháng 10 năm 1945 , GHQ đã thực hành nguyên tắc phục hồi tự do dân chủ, một trong 5 chính sách lớn của họ,. Các giáo sư đại học hoặc viên chức bị chính quyền quân phiệt cho thôi việc đều được phục chức. Các giáo sư Yanaibara Tadao, Ôuchi Hyôe, Takikawa Yukitoki ... đều được trở lại giảng dạy như cũ. Với Luật Báo Chí (Press Code), Luật Phóng Thanh (Radio Code) bảo đảm tự do ngôn luận nhưng dĩ nhiên những gì liên hệ đến quá khứ quân phiệt hay phê phán lực lượng chiếm đóng thì sẽ bị kiểm duyệt. Các tạp chí bị đóng cửa nay đều được xuất bản trở lại ngay cả một tạp chí chuyên môn có ảnh hưởng Mác xít.

Xã hội Nhật Bản trong những năm đầu tiên có thể được thể hiện bằng hai chữ: đoạn tuyệt và tiếp nối. Đoạn tuyệt với tàn tích của thời quân phiệt (Hiến pháp mới, 11/1946, Ba nguyên tắc của GHQ, 2/1946, Tòa án Cực Đông, 5/1946-11/1948...) và tiếp tục xoa lành các vết thương để Nhật Bản có thể hồi sinh. Đó cũng là một thời điểm mà người Mỹ bỗng nhiên có một sự thay đổi lớn trong chính sách như đã nói. Vì lo sợ sự bành trướng của chế độ Cộng Sản, họ đã biến kẻ cựu thù thành người bạn đồng minh mới trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh (10/1948). Năm 1948, một Bức Màn Sắt (Iron Curtain) rủ xuống che hai phần của thế giới và sang năm 1949, lại có thêm một Bức Màn Tre (Bamboo Curtain).

Đối với người thường dân Nhật Bản, hậu chiến có nghĩa là những khu nhà cửa cháy sém và đồ nát, chế độ cung cấp gạo và lương thực bằng tem phiếu, chợ đen hàng lậu, những đứa trẻ bụi đời, người Mỹ phun thuốc DDT để ngăn ngừa dịch tễ...mà những người già cả không thể nào quên.

Thế nhưng cũng trong những năm đen tối đó, xã hội Nhật đã bắt đầu nhìn thấy le lói những tia hy vọng của sự hồi sinh. Chẳng hạn việc tuyển thủ bơi lội Furuhashi Kônoshin lập được kỷ lục thế giới 400m tự do (1947), giáo sư Yukawa Hideki (Thang Xuyên, Tú Thụ, 1907-1981) đoạt giải Nobel ngành vật lý (1949) [17] Thành tích ưu tú như thế của người cùng nòi giống đã cổ võ tinh thần họ rất nhiều. Tiếng hát trong trẻo trẻ trung của thiếu nữ thiên tài Misora Hibari (1937-1989) thổi một luồng gió mới trên đường phố, phim ảnh như Aoi sanmyaku (Rặng núi xanh, 1949) của đạo diễn Imai Tadashi (1912-1991) lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ishizaka Yôjirô nói về tình yêu của hai thanh niên nam nữ vùng Tôhoku, đã ca tụng sự tự do và đánh thức chủ nghĩa dân chủ. Trẻ con lại chơi nhảy cừu, đá lon, dã cầu thoải mái như những năm trước chiến tranh. Những đại hội điện ảnh, đại hội ca vũ và thể thao với dự tham gia của thanh niên thiếu nữ cũng thịnh hành.


Hai trí thức Nhật Bản hậu chiến tiêu biểu: 
Yukawa Hideki và Maruyama Masao

Về mặt học thuật, nhà tư tưởng Maruyama Masao (Hoàn Sơn, Chân Nam, 1914-1996) viết "Nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị Nhật Bản" và "Tư tưởng và hành động trong chính trị hiện đại" với mục đích phân tích và phê phán vai trò của chủ nghĩa quyền uy (authoritarianism) vốn đậm nét trong lối suy nghĩ của người Nhật. Ngay năm 1946, ông đã cho đăng trong tạp chí Sekai (Thế giới) luận văn nhan đề "Luận lý và tâm lý của chủ nghĩa quốc túy (ultranationalism)", xem chủ nghĩa toàn trị và sự trổi dậy của chính quyền quân phiệt không phải là tình cờ nhưng là hậu quả từ một chuỗi sai lầm trong quá trình cận đại hoá từ thời Meiji. Tác phẩm được coi như nền tảng cho tư tưởng dân chủ của Nhật Bản hậu chiến.

Bên cạnh, học giả kinh tế sử Tây phương Ôtsuka Hisao (Đại Trủng, Cửu Hùng, 1907-1996) cho rằng nếu so sánh với một nước như Anh thì Nhật Bản mang tiếng là cận đại hóa nhưng hãy còn ở trong trạng thái tiền cận đại và cần phải xây dựng thành công một mô hình "con người cận đại" thì mới có thể thay đổi được nước Nhật. Mặt khác, lại có những nhà tư tưởng như nhà Trung Quốc học Takeuchi Yoshimi (Trúc Nội, Hảo, 1910-1977) trong "Cận đại nghĩa là gì?" (1948) phê phán kịch liệt việc Nhật Bản cận đại hóa bằng cách hấp thụ đơn thuần văn hóa Tây phương mà không chút đề kháng. Cũng không nên bỏ qua một khuynh hướng có ảnh hưởng trong giới thanh niên trí thức do những sử gia Mác-xít của phái Kôza (Giảng tòa) như Inoue Kiyoshi, Toyama Shigeki... đề xướng. Họ đã khai triển một quan điểm sử học về thời cận đại dựa trên quan điểm dân chủ hóa xã hội bằng hình thức cách mạng mà mục tiêu cuối cùng là xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Về văn học, một không gian văn học hậu chiến đã thành hình. Ara Masahito (Hoang, Chính Nhân, 1913-1979), Hirano Ken (Bình Dã, Khiêm, 1907-1978) tranh luận với Nakano Shigeharu (Trung Dã, Trọng Trị, 1902-1979) chung quanh trách nhiệm của người cầm bút. Ngoài ra Sakaguchi Ango (Phản Bản, An Ngô, 1906-1955) với "Bàn về sa đọa" (Tsuirakuron), Dazai Osamu (Thái Tể, Trị, 1909-1948) với "Không đáng làm người" (Ningen shikkaku), Tamura Taijirô (Điền Thôn, Thái Thứ Lang, 1911-1983) với "Lối vào nhục thể" (Nikutai no mon, 1947) ca tụng sự giải phóng con người và giải phóng tính dục.

Văn chương nói về kinh nghiệm cá nhân thời chiến tranh cũng nhan nhản. Noma Hiroshi (Dã Gian, Hoằng, 1915-1991) viết "Bức tranh đen tối" (Kurai e) và "Khoảng chân không" (Shinkuu chitai), Ôoka Shôhei (Đại Cương, Thăng Bình, 1909-1988) kể lại trong "Đời tù binh" (Furoki), "Lửa đồng hoang" (Nobi), Umezaki Haruo (Mai Kỳ, Xuân Sinh, 1915-1965) viết "Đảo Sakurajima" (Sakurajima)...Tính cách phi nhân của cuộc chiến và đời sống quân ngũ nhiều khi đã được kể không che đậy.


Nhà văn Ôoka Shôhei và đạo diễn Kurokawa Akira

Về điện ảnh, vào năm 1950, Kurosawa Akira[18] (Hắc Trạch, Minh, 1910-1998) đã cho ra mắt "Cổng Rashômon" (Rashômon) đoạt Giải thưởng lớn (Grand Prix) của Đại hội điện ảnh Venise (Ý) năm sau. Như thế, phim Nhật lần đầu tiên đã được thế giới công nhận là có đẳng cấp quốc tế. Ngoài ra, ông còn dựng Bảy người samurai (Shichinin no samurai, 1954) và một số danh tác khác. Phim ảnh ngoại quốc cũng lần lượt được đưa vào thị trường Nhật. Những cuốn phim như "Cuộc tấn công dũng mãnh của Tarzan", "Chuyến xe ngựa trạm", "Nhớ cố hương", "Cuốn theo chiều gió" (Gone with the wind), "Huyễn ảnh vĩ đại" (The Great Illusion), "Casablanca"... đã thu hút người hâm mộ Nhật Bản. Con số khách đến rạp xem phim ngoại quốc kể từ năm 1952 đã lên hơn cả khách đi xem phim Nhật.

Cuộc cách mạng ở Trung Quốc (1949) và cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) cũng đã ảnh hưởng tới lối suy nghĩ của tầng lớp thanh niên hậu chiến. Các trứ tác của Mao Trạch Đông như Mâu thuẫn luận và Thực tiễn luận, cuốn "Sao đỏ trên đất Tàu" (Red star over China) của nhà báo Mỹ Edgar Snow ... được họ tìm đọc. Ký sự diễn biến của Chiến tranh Triều Tiên cũng được họ theo dõi mỗi ngày. Cùng với ký ức còn tươi rói về hai quả bom nguyên tử, những biến cố đó đã góp phần đã nung nấu ý thức dân tộc, tạo cho họ tinh thần chống Mỹ, giải thích được tại sao có phong trào quần chúng phái tả chống Hiệp ước Anpo trong thập niên 1960 và chống chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1970.
 

Bảng tóm tắt tình hình văn hóa và học thuật thời Mỹ chiếm đóng

Thời Mỹ chiếm đóng có sự du nhập văn hoá Mỹ vào đất Nhật và như một hệ luận, sự giải phóng cá nhân, sự phủ định quyền uy và giá trị quan cũ.
 

Lãnh vực Khuynh hướng Nhân vật hay ấn bản, tác phẩm
Báo chí   Chuô Kôron (Trung ương công luận) tái bản

Sekai (Thế giới)

Tenpô (Triển vọng) 

Shisô no kagaku (Khoa học tư tưởng)

Khoa học tự nhiên và nhạn văn Chính trị học

Kinh tế sử học

Luật học

Vật lý học

Maruyama Masao

Ôtsuka Hisao

Kawashima Takeyoshi

Yukawa Hideki

Văn học Ghi chép kinh nghiệm thời chiến tranh

Văn học phóng cuồng của phái Burai (Vô lại)

Các trường phái khác

 

Ôoka Shôhei, Noma Hiroshi
 

Sakaguchi Ango, Dazai Osamu, Oda Sakunosuke

Ishizaka Yôjirô, Mishima Yukio

Điện ảnh   Imai Tadashi, Ozu Yasujirô, Kurosawa Akira, Mizoguchi Kenji
Ca nhạc Ca sĩ Namiki Michiko, Kasagi Shidzuko, Misora Hibari
Manga   Hasegawa Machiko (Sazae san)

Tezuka Osamu (Tetsuwan atomu)

-----------------------------------------------------

Chú thích:
[1] - Extreme Orient. Có cách nói khác là Viễn Đông nhưng như thế lại bao gồm cả các lãnh thổ khác như Việt Nam, Phi Luật Tân vv...nên không chỉnh.

[2] - Mười ba nước đó là Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Hà Lan, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan (trước), Miến Điện và Pakistan (đến sau). Cơ quan này đóng ở Washington D.C., chủ tịch là Mỹ.

[3] - Bốn nước lớn là Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc. Cơ quan này đóng ở Tôkyô, chủ tịch là Mỹ.

[4] - Douglas Mac Arthur (1880-1964) xuất thân ở Little Rock, bang Arkansas trong gia đình có truyền thống binh nghiệp và tinh thông về tình hình châu Á. Sĩ quan tốt nghiệp Học viện quân sự West Point, nguyên soái (tướng lục quân 5 sao, tổng chỉ huy một mặt trận = field marshal) trong quân đội Mỹ. Tư lệnh khu vực Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai, coi như đã lập đại công đánh bật được quân Nhật để dẫn đến chiến thắng cuối cùng. Là tư lệnh Bộ chỉ huy quân đồng minh cai trị và tổ chức lại nước Nhật hậu chiến. Một quân nhân và chính trị gia giàu cá tính, hành động như một phó vương, đã để lại dấu ấn riêng trong thời gian 2.000 ngày cai quản Nhật Bản, ấn tượng nhất là việc ban hành Hiến pháp mới. Sau chỉ huy lực lượng Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1951 nhưng vì bất đồng ý kiến và dám đối đầu với Tổng thống H.Truman nên bị giải nhiệm. Người Nhật rất kính trọng và thương tiếc sự ra đi của ông và họ lấy làm ngạc nhiên khi thấy một nhân vật đầy quyền lực như ông ngày trước ngày sau có thể bị đẩy ra bên lề, không còn là gì nữa. Yếu tính của nền dân chủ Hoa Kỳ là điều họ không sao tưởng tượng nổi. Năm 1951, Quốc hội Nhật đã đồng thanh ra một văn bản cảm ơn ông và quần chúng trên 20 vạn người đã tụ tập bên đường ra phi trường tiễn ông về nước. Cuối đời, MacArthur chủ trương hòa bình, không ủng hộ việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam.Có để lại tập hồi ký 2 tập được báo Asahi xuất bản năm 1964 tại Nhật.

[5] - Thân vương Higashikuni no miya Naruhiko là người thuộc hoàng tộc, con rể của Thiên hoàng Meiji, tốt nghiệp trường võ bị năm 1908, năm 1939 được phong đến đại tướng lục quân. Từng du học quân sự ở Pháp (1920). Khi ra làm thủ tướng, vì không thích hợp với đường lối cải cách dân chủ tự do của quân đội chiếm đóng nên tại chức chỉ vỏn vẹn 2 tháng.Năm sau (1946) bị đuổi ra khỏi công vụ và đến năm 1947, rút ra khỏi hoàng tộc, lấy tên là Higashikuni mà thôi. Có để lại nhật ký và hồi ký.

[6] - Shidehara Kijuurô (1872-1951) sinh tại Ôsaka, con rể của IwasakiYatarô, chủ tịch tập đoàn tài phiệt Mitsubishi. Tốt nghiệp ngành luật Đại học Tôkyô, từng trải qua nhiều chức vụ trong ngành ngoại giao. Chủ trương giao thiệp mềm mỏng với quốc tế nhưng bị cánh quân đội phê phán là nhu nhược. Làm thủ tướng sau chiến tranh, đóng góp vào việc soạn thảo Hiến pháp mới.

[7] - Một thí dụ điển hình là trách nhiệm của tướng Honma Masahara trong Đoạn đường tử thần Bataan (The death march of Bataan) ở Phi luật tân vào tháng 9 năm 1942. Trên 10.000 trong số khoảng 70.000 tù binh Mỹ và Phi đã bỏ mình vì bị hành hạ, giết hại, bệnh tật và đói khát...trong khi di chuyển trên một đoạn đường giữa hai căn cứ chỉ có 128km. Honma bị xử tử năm 1946.

[8] - Kojima Yuzuru, Kuriya Kentarô, trong Story-Nihon no Rekishi, Yamakawa xuất bản, sđd, trang 174-177.

[9] - Yoshida Shigeru (1878-1967) là nhà ngoại giao và chính trị gia xuất thân từ Tôkyô. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tôkyô, ông làm việc trong ngành ngoại giao, lãnh các chức Tổng lãnh sự ở Phụng Thiên và Đại sứ ở Anh.Sau Đại chiến thứ hai trở thành Ngoại trưởng, Chủ tịch Đảng Tự Do Dân Chủ rồi Thủ tướng. Liên tục giữ chức này từ 1948-1954, biết ngoại giao khéo léo với Mỹ, có công ổn định chính trị Nhật Bản. Năm 1951, đại diện Nhật ký tên Hiệp ước giảng hòa ở San Francisco.

[10] - Katayama Tetsu (1887-1978) sinh tại Wakayama. Tốt nghiệp Đại học Tôkyô, luật sư. Tham gia cuộc vận động chính trị vô sản. Sau chiến tranh giữ chức Uỷ viên trưởng Đảng Xã Hội Nhật Bản. Đứng ra thành lập nội các liên hiệp năm 1947-48.

[11] - Ashida Hitoshi (1887-1959) người Kyôto, tốt nghiệp Đại học Tôkyô.Trước ở trong ngành ngoại giao sau hành nghề luật sư. Chủ tịch Đảng Dân Chủ. Năm 1948, trong khi đang nắm chức vụ thủ tướng, vì vấn đề trách nhiệm trong vụ tham nhũng gọi là Shôden (liên can đến hãng Chiêu Hòa Điện Khí) nên phải từ chức. Có tập nhật ký nhan đề Ashida nikki.

[12] - Theo Nakamura Masanori (sđd, tr. 40) thì tuy những người Cộng Sản và giới thanh niên trí thức khuynh tả như Takano Iwasaburô, Niwa Gorô...sau chiến tranh đã đòi phế bỏ chế độ thiên hoàng hay ít nhất đòi Thiên hoàng Shôwa phải thoái vị nhưng trên 80% dư luận vẫn ủng hộ ông và thiên hoàng chế.

[13] - Cominform (Kominform) là tổ chức của 9 đảng Cộng Sản Âu châu (Nga, Đông Âu và Pháp, Ý) tổ chức vào năm 1947, nhưng năm sau Yugoslavia của Josip Broz Tito đã bị khai trừ vì theo chủ nghĩa xét lại (revisionism). Mục đích của nó là đối kháng lại Plan Marshall của Mỹ và các nước tư bản Tây Âu. Có tính cách kế thừa Komintern trước đó.

[14] - George Catlett Marshall, quân nhân kiêm chính trị gia Mỹ. Nguyên tham mưu trưởng lục quân trong Thế chiến thứ hai, sau làm ngoại trưởng. Nổi tiếng với Kế hoạch viện trợ mang tên ông. Giải Nobel.

[15] - Xin phân biệt với Jiyuu Minshuutô hay LDP (Liberal Democratic Party) hiện nay vốn chỉ có từ tháng 11/1955.

[16] - Được gọi là "Ba sự cố kỳ quái". Vụ Shimoyama là cái chết của Tổng cục trưởng đầu tiên của Tổng cục đường sắt nhà nước (Kokutetsu), Shimoyama Sadanori. Có thuyết cho là ông tự sát, có thuyết cho là ông bị bắt cóc và bị sát hại bởi những kẻ lạ mặt. Vụ Mitaka là việc xe lửa không người lái chạy một mình và vụ Matsukawa là việc ai đó đã bóc đường rầy làm cho xe phải lật.

[17] - Không những chỉ là một học giả lỗi lạc về vật lý nguyên tử, Yukawa Hideki (1907-1981), giáo sư Đại học Kyôto, còn là người tranh đấu chống lại việc sử dụng võ khí hạt nhân trong chiến tranh. Từ năm 1954, sau vụ thí nghiệm bom của Mỹ trên đảo Bikini, Yukawa đã tích cực tham gia Tuyên ngôn Russel-Einstein (1955) và cùng với một giải Nobel về vật lý nguyên tử khác, giáo sư Tomonaga Shinichirô, hoạt động kêu gọi bãi bỏ vũ khi nguyên tử, tận đến lúc ông mất vào năm 1981.

[18] - Kurosawa Akira (Hắc Trạch, Minh, 1910-1998) đã bắt đầu làm phim Sugata Sanshirô, nói về một nhu đạo từ 1943.. Ông nổi tiếng quốc tế với Rashômon, Yôjinbô, Bảy người Samurai, Ran, Dodesukaden vv...