Chim Việt Cành Nam            [  Mục lục  ]

Quảng Cáo Truyền Hình Trong Kinh tế Thị Trường - Phân Tích Và Đánh Giá
(Television Advertising In Market Economy - Analysis And Evaluation)

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

KỸ THUẬT THỰC HIỆN
PHIM QUẢNG CÁO TRUYỀN HÌNH

(PRODUCTION STAGE)

 I. THU HÌNH PHIM TRƯỜNG

1) Chọn lựa phim trường

Phim trường có loại lớn (diện tích trên 1000m2, chiều cao trên 8 m), dùng để thâu phim rạp, loại trung (có 600 đến 800m2) và loại nhỏ dùng để thu phim quảng cáo. Ngoài ra còn có loại phim trường với dàn cảnh đặc biệt như cảnh nhà bếp, phòng khách vv... Phải lựa chọn phim trường tùy theo nhu cầu để tránh lãng phí.

1) Thiết kế phông cảnh, dụng cụ

Phông và cảnh thường thường mất từ 3 đến 5 ngày để dựng nhưng 1 hay 2 hôm trước khi quay, đâu phải vào đấy. Việc dựng phông cảnh chủ yếu là mộc, sơn và dán. Cũng cần có sự tham dự của chuyên viên về viên nghệ và dụng cụ, trang sức.

2) Chuẩn bị ánh sáng

Trước hết chuẩn bị giàn và hệ thống giây giăng móc đèn đuốc. Hệ thống đèn đuốc phải xong ít nhất trước một ngày và được các chuyên viên ánh sáng và thu hình kiểm tra.

3) Chuẩn bị máy quay phim và các máy móc khác

Máy quay phim dùng trong quảng cáo là loại máy với phim khổ 35mm hay 16mm. Ba loại máy hiện tại thường được sử dụng tùy theo nội dung phim quảng cáo là Ariflex 35III thu hình cơ động và tiêu chuẩn) , Mitchell S35R (thu hình từng khâu như phim hoạt họa) và Platina Panaflex (khi muốn tìm tác dụng đặc biệt (special effects) của phim). Nên chuẩn bị các loại lăng kính Zoom tăng độ lớn gấp 10 lần hay 25 lần vì sử dụng lăng kính khéo léo có thể làm nỗi bật tính nghệ thuật của phim.Hiện nay máy thu hình bằng băng từ (Videocamera) thường đuợc yêu chuộng vì gọn gàng và có họa chất cao.

Ngoài máy thu hình, phải để ý đến các dụng cụ ánh sáng. Hệ thống MI hiện hành có ánh sáng mạnh gấp 4 đến 5 lần đèn tung-x-ten và ha-lo-gen. Các loại kính lọc (filter) làm tăng tính nghệ thuật của ánh sáng phim trường. Các giàn cẩu và đường ray để di động máy thu hình rất cần thiết dù ngày nay người ta có thể điều khiển sự di động của nó bằng máy vi tính.

4) Thu hình

Hình được thu theo những thủ pháp khác nhau tuy quảng cáo lấy người, lấy vật hay lấy cảnh làm trung tâm. Thu trong phim trường thì có thể thu hình lẫn tiếng một lúc nhưng để tránh tạp âm hay khi thu hình ngoài trời (open location), có thể thu ảnh và tiếng riêng. Thường quảng cáo được thu bằng một máy và từng phân đoạn một (one cut). Nếu không đạt (NG = No Good) có thể thu lại nhiều lần (Take 1, Take 2....). Để hoàn thành 15 hay 30 giây phim quảng cáo, có khi mất đến hai hôm thu hình.

5) Thu hình với tác dụng đặc biệt

Tác dụng đặc biệt càng ngày càng tinh vi từ khi có sự can thiệp của máy vi tính. Thuật ngữ " tác dụng đặc biệt SFX " có thể đã được dịch từ từ Science Fiction Extra ( Tác dụng giả tưởng ) hay Screen Effect (Tác dụng Màn ảnh) mà ra. Tác dụng này dùng để tạo ra một thế giới không có thực bằng cách sử dụng hệ thống thu hình điều chỉnh được động tác (MCS = Motion Control Camera System) với sự trợ lực của máy vi tính. hệ thống này cho phép thu một cảnh (scene) nhiều lần bằng một máy quay phim và mỗi lần, thao tác này một kiểu khác nhau.

Khi quay từng đơn vị một như trường hợp phim hoạt họa (animation) hay phim búp bê, người ta bắt buộc phải ngừng quay sau từng mỗi động tác của nhân vật trong phim. Công việc có thế kéo dài từ 20 đến 30 tiếng đồng hồ quay phim. Người ta còn có thể quay nhanh (high speed) từ 2, 3, 10 đến 1000 lần lúc quay thông thường (24 ảnh cho một đơn vị) hay quay chậm đi (slow motion, vài giây đồng hồ cho mỗi đơn vị)

6)Thu băng từ Video 

Quảng cáo bán đồ dùng tận nhà (Home Shopping) hay quảng cáo cho chương trình của hãng truyền hình thường sử dụng máy thu hình bằng băng từ. Trong loại phim này, người diễn xuất làm như đang trình bày trực tiếp trước mặt khán thính giả. Phim có thể dài từ 60 đến 180 giây và có thể thu với một hay nhiều máy thu hình.Trong trường hợp này, người diễn xuất phải nhớ bài bản và dượt thử trước (dượt suông = dry rehearsal, & dượt trước máy = camera rehearsal) để diễn xuất trơn tru.

II. THU HÌNH NGOẠI CẢNH

1) Ngoại cảnh quốc nội 

Thu hình trong nước ở ngoài trời phải để ý đến những biến chuyển thời tiết, giấy phép chính quyền và sự hỗ trợ của cảnh sát khi thu ở nơi công cộng.Trước khi lên đường phải kiểm điểm đầy đủ từ nhân vật, kỹ thuật gia đến dụng cụ và lo lắng nơi ăn chốn ở.

2) Ngoại cảnh nước ngoài 

Sự tò mò, thích của lạ của người xem cũng như khuynh hướng quốc tế hóa đã làm cho sự chọn lựa ngoại cảnh ở nước ngoài, tài tử, diễn xuất ngoại quốc... thành một điều thường thức. Tuy nhiên kinh phí tốn kém của nó làm nãn lòng nhiều người. Khi quay phim ở nước ngoài, cũng phải để ý đến thời tiết và ngày giờ thuận lợi cho các tài tử. Một liên lạc viên (coordinator) người nước ngoài hết sức cần thiết.

Khi quay xong phải quản lý phim cẩn thận và cho chiếu thử để tránh những sự cố (phim không ra ảnh, nước màu không hợp) và nếu có, sẽ giải quyết kịp thời tại chỗ.

3)Muốn ngoại cảnh đặc biệt để thu hình (Location Set)

Đó là trường hợp phải thuê một khung cảnh đặc biệt (nhà dân, công sở, di tích như Kim Tự Tháp, lăng Taj Mahal, đấu trường Coliseo...) để thu hình.Sự khó khăn trong việc này là làm sao phải thích hợp kỹ thuật của mình (nguồn điện, nguồn nước, ánh sáng...)trong những điều kiện vật chất giới hạn.

4)Thu hình trên không 

Thu hình trên không thường sử dụng trực thăng hay phi cơ cở nhỏ như Cesna.Loại thu hình này tốn kém và nhiều khi bị cản trở vì máy đặt không an định và không thể đạt yêu cầu, khó khăn cho phi công vì ở độ cao và di chuyển với vận tốc nhanh cần tuân thủ tiêu chuẩn an toàn.

5)Thu hình dưới nước

Với máy thu hình phòng thủy, ta thể thu được cảnh sắc đẹp mắt dưới mặt nước. Tuy nhiên, việc thu hình như thế không phải kém phần nguy hiểm. Phải điều tra về địa hình dưới nước, ôn độ và chuẩn bị đồ lặn kỹ lưỡng).

6)Những điều chú ý lúc thu hình

Người thu hình phải tuân theo pháp luật, làm việc trong giới hạn điều kiện sở tại cho phép dù lúc ở trong nước hay ở ngoài nước. Hơn nữa, còn phải có tinh thần tôn trọng tài sản và bảo vệ cảnh quan. Biết dự phòng để tránh gây hỏa hoạn hay thương tật. Từ người thu hình cho đến các thành viên của đoàn, tất cả đều phải giữ đúng tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu cũng như phép lịch sự trong phong cách làm việc.

III. BIÊN TẬP PHIM QUẢNG CÁO

Hiện nay trên thế giới dù là theo hệ thống ký hiệu biến hóa liên tục (analog) hay biến hóa gián đoạn (digital), màn ảnh truyền hình màu chỉ có 3 phương thức thông dụng. Hệ analog gồm phương thức NTSC (National Television System Committee) va PAL (Phase Alternation by Line) và SECAM (Sequences de Couleur a Memoire (P)). Hệ theo digital có ISDB-T của Nhật và hệ Nam Mỹ, ATSC của Mỹ và Canada, DVB của Âu Châu, Úc và Ấn Độ.

Hệ NTSC ( 525 vạch, 29,97 khung cho mỗi giây đồng hồ) bắt đầu ở Mỹ năm 1954, đến Nhật năm 1960, là một phương thức có lợi về mặt kỹ thuật và kinh tế. Hệ PAL ( 625 vạch, 25 khung / giây) do hãng Đức Telefunken khai thác, từ 1967 đã đuợc dùng ở Đức và Anh. Hệ SECAM (625 vạch, 25 khung / giây) là hệ quốc doanh của Pháp, được dùng từ năm 1967 ở Pháp và cựu Liên Xô.

Vì sự khác nhay giữa các hệ thống như thế nên phim truyền hình phải được chuyển hệ khi dùng ở mỗi địa phương.

1)Từ F tới T

Cách nói này ám chỉ việc chuyển âm bản phim 35mm hay 16mm qua băng từ (Film to Tape) vì băng từ có họa chất cao cho phép điều chỉnh hình ảnh bằng máy vi tính tối tân một cách dễ dàng.Trong thời đại đa môi thể, băng từ có thể phát triển và thay thế hẳn phim ảnh vốn có lịch sử từ 100 năm nay. Đầu tiên, phim thu xong sẽ được rửa ra và thu lại (telecine) lần thứ hai để người điều chỉnh màu sắc (colorist) điều chỉnh và thêm thắt, sửa chữa màu sắc (color correction) và độ đậm nhạt nếu không được đồng đều (color timing) vì có thể đã được thu trong những điều kiện khác nhau.

2) Ảnh hoạt họa thực hiện bằng vi tính (CG hay Computer Graphics) 

Một xử lý không kém phần quan trọng liên quan đến hình ảnh do máy vi tính tạo ra (còn gọi là hoạt họa điện toán). Loại đồ ảnh này thiên hình vạn trạng trong một không gian ba chiều (3D). Nó là những vật thể được xây dựng từ những dữ liệu mô phỏng từ động tác của người thật việc thật (mô hình ký hiệu hóa = digitized modelling) hoặc là những dữ liệu động tác (animation data) của vật thể, được kết hợp một cách cô cùng tỷ mỷ và gia tăng thêm sức sống động bằng những tác dụng phim ảnh đặc biệt. Dù mới chào đợi cách đây khoảng 15 năm thôi, họat họa vi tính (CG hay Computer Graphics) không nhứng là một bộ phận không thể thiếu được của quảng cáo truyền hình hiện đại mà còn phổ cập sâu rộng trong trò chơi (electronic games) và làm phong phú nội dung của các môi thể điện tử mới.

3)Biên tập

Có hai loại biên tập nghĩa là cắt xén phim cho hợp lý. Trước hết, biên tập giả ( off line edition) nghĩa là biên tập thực hiện với tất cả các bên liên hệ (chủ quảng cáo, hãng quảng cáo trong cuộc họp có tên là hậu sản xuất 2 tức PPM2 = Post Production Meeting 2 để phân biệt với PPM1 trước lúc thu hình ) nhằm đi đến thỏa thuận chung phải cắt xén những phần nào. Sau đó mới đến biên tập thật (on line edition) tức là giai đoạn cắt xén cuối cùng cộng thêm bổ chính và chua đề.

4)Thu nhạc 

Sử dụng nhạc quảng cáo, dù là chơi lại nhạc có sẵn (play back) hay thu nhạc (recording), phải theo qui trình kết hợp nhạc ăn khớp với hình ảnh và động tác của diễn viên. Ngoài nhạc cụ còn có thể dùng máy phối âm (synthetizer) để tạo các loại âm thanh. Cuối cùng, nhạc sẽ được chuyển vào băng từ dành cho âm thanh DAT (Digital Audio Tape) 6 mm.

IV. ĐIỀU TRA TIỀN PHÓNG ẢNH (PRE-TEST)

Trong khi đang làm phim và ngay cả lúc phim đã thành hình, sẵn sàng lên đài, việc điều tra nghiên cứu (copy testing) vẫn chưa chấm dứt. Theo Robert Leduc (sdd, tr. 206), nhờ cuộc đo lường cuối cùng này, người quảng cáo có thể loại bỏ được những bất ngờ vào giờ chót bởi vì làm việc đúng quy trình vẫn chưa là yếu tố bảo đảm được sự thành công vì thị truờng và thị hiếu không ngừng biến đổi :

1) Đo lường độ chú ý và độ hấp dẫn

Do đề nghị của Daniel Starch để đo xem đối tượng được chọn để xem thu phim có nhận thức được thương điệp đã chiếu cho họ xem và nhận thức ấy đạt tới trình độ nào (tên món hàng, hình ảnh món hàng...).

2) Đo lường độ ghi nhớ

Với màn ảnh "cao tốc" (tachistoscope) trình bày hình ảnh với vận tốc cao (từ 1/500 giây đến nhiều giây đồng hồ) để xem đối tượng thí nghiệm tự động nhớ ra thương điệp hay cần phải nhắc nhở, gợi ý. Ngoài ra còn có " thấu minh kế " (diaphanometre) đo ký ức khi tiếp xúc với hình ảnh qua lớp kính mờ, máy thu hình quan sát (eye-camera) theo dõi ánh mắt của đối tượng thí nghiệm khi nhìn phim quảng cáo.

Phương pháp Phim Dàn Cảnh (folder-film) dùng để đo sự chú ý của đối tượng nghiên cứu đối với phim quảng cáo lồng giữa một loạt phim chẳng liên quan gì đến nó. Còn phương pháp "Gợi nhớ 24 giờ sau" (24 hours recall) dùng để xem bao nhiêu người nhớ đến thương điệp sau một khoảng cách 24 tiếng đồng hồ.

3) Đo lường độ thông hiểu

Để đo lường thông tin mà đối tượng nghiên cứu còn giữ lại.

4) Đo lường độ xác tín

Để xem phim quảng cáo có làm thay đổi thái độ và sự lựa chọn có sẵn của đối tượng nghiên cứu hay không.

5) Đo lường ý nghĩa

Gồm thử nghiệm có tính cách ngôn ngữ và thử nghiệm có tính cách ký hiệu dể xem có những trở ngại gì trong việc liên kết ngôn từ hay ký hiệu với ảnh tuợng được đề xuất.

V. XỬ LÝ NGUYÊN BẢN

1) In(Reprint)

Phim gốc phải được in ra nhiều ấn bản (reprint). Người quản đốc việc chế tạo (PM) cần tiếp tục lưu ý tỷ mỹ từng chi tiết với những người phụ trách việc in (Print Desk). Nếu bắt buộc chỉnh lý, phải xem xét cả hai bản, trước và sau khi sửa chữa.

2) Lên đài (On Air)

Các bản phim quảng cáo truyền hình sẽ được phân phối cho các đài truyền hình địa phương và tàng trữ trong những kho phim (CM Bank), quản lý bằng một hệ thống điện tử cung cấp phim (Audio Visual Server). Mai sau, khi hình thức quản lý này phát triển thêm nữa, thì sự phân phối và tái bản sẽ được giản lược đi (non linear, non delivery).

3) Quản lý nguyên bản (Mother Tape)

Qui luật của các hội đoàn quảng cáo chuyên nghiệp đói hỏi một sự quản lý nguyên bản rất chặt chẽ (ở Nhật, ACC tức Liên Minh Truyền Thanh Truyền hình Quảng cáo Toàn Quốc, ấn định rằng nguyên bản phải được lưu trữ hai năm kể từ ngày hoàn thành). Ngay cả những bộ phận (âm bản phim, băng thu thanh, băng âm nhạc) cũng phải được giữ lại từ 3 tháng đến 1 năm. Hai năm sau khi phim hoàn thành, hãng chế tạo phim có quyền vứt bỏ phim sau khi đã làm tờ báo cáo để thông tri việc này.

4) Sử dụng phim cho mục đích ngoài quảng cáo

Phim quảng cáo có thể sử dụng cho mục đích ngoài quảng cáo như điều tra, nghiên cứu, kiểm thảo...hay khi được chuyển qua những môi thể ngoài truyền hình phát sóng như truyền hình mạng dây cáp, mạng Net, điện thoại cầm tay, đĩa từ DVD.Trong trường hợp này, người sử dụng phải được sự đồng ý cũa mỗi bên liên hệ qua một cơ quan trung gian chuyên trách việc này vì nhiều vấn đề trong đó có vấn đề bản quyền..



 
MỤC LỤC
Mục lục 
* Lời giới thiệu ( KS Đinh Văn Phước )
* Lời tựa ( GS Lê Thành Nghiệp )
* Một chút riêng tư
* Phàm lệ 

I ) Vai trò của quảng cáo trong kinh tế thị trường
II ) Quảng cáo truyền hình, đặc tính và mục đích
III ) Người cậy quảng cáo
IV ) Hãng quảng cáo
V ) Đài truyền hình
VI ) Khán thính giả, người tiêu thụ
VII ) Điều tra thị trường tiền quảng cáo
VIII ) Các hình thức quảng cáo
IX ) Phân phối nhân sự trong việc thực hiện phim truyền hình
X ) Quá trình và kỹ thuật trong giai đoạn chuẩn bị


XI) Quá trình và kỹ thuật trong giai đoạn thực hiện
XII) Sử dụng, khai thác phim quảng cáo truyền hình
XIII) Điều tra hiệu quả hậu quảng cáo
XIV) So sánh thương điệp truyền hình với các loại thương điệp khác
XV) Nội dung ngoại kiến và nội dung tiềm ẩn
XVI) Tác động ngắn hạn và dài hạn đối với xã hội và văn hóa
XVII) Qui chế pháp lý và đạo đức
XVIII) Bối cảnh quốc tế của ngành quảng cáo truyền hình
XIX) Những biến động mới ảnh hưởng đến quảng cáo truyền hình
XX) Tương lai của quảng cáo truyền hình
. Bảng phụ lục
. Thư mục tư liệu tham khảo
. Bảng thuật ngữ và các từ giản ước
. Giới thiệu sơ lược về tác giả
. Bìa sau