Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 
Hành Trình Về Thời Đại 
HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC
Lê Văn Hảo
CHƯƠNG VIII
THĂM LẠI LÀNG XƯA CHẠ CỔ CÁCH ĐÂY HÀNG NGHÌN NĂM
ĐI TÌM NHỮNG TÊN GỌI XA XƯA CỦA XÓM LÀNG VIỆT CỔ

Trước khi tìm thăm lại những làng xưa xóm cổ được lập lên từ cách đây hàng nghìn năm, chúng ta thử tìm hiểu những tên gọi xa xưa của những xóm làng ấy.

Ở Việt Nam ngày nay còn sót lại hai từ cổ để chỉ làng xóm ở miền đồng bằng: đó là kẻ và chạ.

Ví dụ ta có Kẻ Sét, (tên nôm của làng Thịnh Liệt), Kẻ Mơ (Hoàng Mai), Kẻ Trầu (Phù Lưu), Kẻ Báng (Đình Bảng), Kẻ Vẽ (Đông Ngạc) v.v... đó là tên gọi có từ rất lâu đời và gần gũi với từ kuel trong tiếng Mường dùng để chỉ bản Mường.

Còn chạ, có lẽ xưa hơn cả kẻ, cũng là từ cổ dùng để chỉ một cộng đồng cư dân thấp hơn kẻ.

Trong tiếng Việt hiện đại, chạ chỉ còn xuất hiện trong một vài từ kép, thành ngữ và địa danh như chung chạ, lăng chạ, ăn chung ở chạ, nằm lang ngủ chạ; chùa Ba chạ là ngôi chùa vốn là của ba làng Xép, Sằn và Mạch Tràng (ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội).

Môt vài trò hát chèo được Lương Thế Vinh ở thế kỷ XV ghi lại trong cuốn Hí phường phủ lục:

Trình làng trình chạ
Thượng hạ tây đông
Tư cảnh hoà trung
Nghe tôi giáo trống...
Trong các bài giáo trò cổ của nghệ thuật múa rối có trước đây nhiều thế kỷ cũng có câu:"Cầu cho chạ bằng an, được mùa". Các cụ già ở Cổ Loa cũng còn gọi làng mình bằng cái tên cổ xưa nhất: chạ Chủ. Như vậy làng chạ cũng tức là làng xóm, và chung chạ, lang chạ, ăn chung ở chạ v.v... là những tàn dư ngôn ngữ cổ xưa để chỉ phương thức sinh hoạt chủ yếu của nhân dân Việt cổ thời đại dựng nước: sinh hoạt cộng đồng, tập thể trong khung cảnh làng chạ.

Cùng với từ kẻ gần với kuel trong tiếng Mường, chạ và làng chạ cho ta thấy sự gần gũi với những yếu tố văn hóa Việt - Mường qua một loạt từ ngữ đồng dạng: lang, làng, quan lang, nhà lang, nhà làng, ăn chung ở chạ, sống ở làng, sang ở nước...

Cộng đồng, tập thể thân quen nhất của người dân Việt cổ là làng chạ. Thuở ấy con ngươéi cá thể chưa xuất hiện rõ nét, trong khi đó, lối tụ cư, phong tục, hội hè, văn học, nghệ thuật, tư duy ở thời đại dựng nước đã được tạo ra, tồn tại chủ yếu ở làng, theo làng và nói về làng.
Sau khi đã tìm hiểu thiên nhiên Việt cổ, chúng ta tiếp tục cuộc hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước bằng một chuyến viếng thăm làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm. Trong khung cảnh đó, chúng ta sẽ tìm xem người Việt cổ tổ tiên ta đã ở và ăn ra sao, mặc và dùng những gì, gặp gỡ tụ hội giao thiệp với nhau theo những lề lối, phong tục nào, trình diễn cùng thưởng thức nhạc, múa, hát ra sao, sáng tạo hình chim, dáng nhà, kiểu thuyền, tượng người, truyện thần... với những ý nghĩ gì?

CHẠ CỔ SAU LŨY TRE XANH

Nền khảo cổ học trẻ trung đầy sức sống của chúng ta sau hơn 15 năm nhiệt tình lao động đã đào hoặc tìm được khoảng 200 làng chạ cổ trên một địa bàn rộng lớn từ Phú Thọ đến Bình-Trị-Thiên.

Đây là những ngôi làng đã mọc lên ở thời Hùng Vương, vừa là đơn vị xã hội vừa là tổ chức đời sống của xã hội, có một thời gian tồn tại lâu dài hàng trăm năm, cả đến hàng nghìn năm, như những ngôi làng đã đào được ở Minh Tân, Phùng Nguyên (Phú Thọ), Vinh Quang, Cam Thượng (Hà Tây), Đông Sơn, Thiệu Dương (Thanh Hoá)...

Nơi cắm đất xây làng là sườn đồi, chân núi, doi đất để được cao ráo, mát mẻ, tránh ẩm tháp, lụt lội, là ven sông suối, đầm hồ để tiện việc lấy nước dùng hằng ngày, việc đánh cá, đi lại bằng thuyền mảng, hay là gần những nơi có thể khai thác thành ruộng rẫy và nằm trên những đầu mối, trục giao thông để tiện đi lại làm ăn bảo vệ hoa màu.

Quy mô của làng trung bình khoảng một hai vạn mét vuông, ngang với quy mô một xóm hiện đại có 200, 300 nhân khẩu, có nơi như ở Đông Sơn, Thiệu Dương thì rộng hơn, bằng những thôn lớn hiện đại. Tất nhiên có làng lớn, chạ bé; vào cuối thời Hùng Vương, trên đất đai Văn Lang có khoảng 2000 nơi cư trú như thế rải ra khắp nơi, chủ yếu là nằm dọc các dòng sông. Các gia đình đều sống tập trung trên cùng một khu vực như kiểu buôn làng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chứ không lẻ tẻ thành từng chòm 5, 3 nhà như ở đồng bào các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc ngày nay.

Lý do sống tập trung chủ yếu là vấn đề phòng thủ và truyền thống giúp đỡ lẫn nhau.

Để tự vệ chống lại kẻ thù bốn chân và hai chân, quanh làng có trồng những hàng rào cọc gỗ như trong chuyện Bánh chưng bánh giầy có gợi đến (1) hoặc trồng tre, hay đắp luỹ có trồng thêm tre, như ở các làng thời phong kiến. Tài liệu cổ của Trung Quốc có nói đến một đặc điểm của làng xóm phương Nam khác với ấp lý phương Bắc là loại ấp lý có thành quách:" Nước Việt Nam không phải là nơi ấp lý có thành quách, họ ở gần khe suối, ở giữa rừng tre" (2). Lũy tre đối với xóm làng Việt Nam ngày xưa rất quan trọng về mặt phòng thủ chống cướp, chống giặc.

Làng, nơi người sống gắn bó giúp đỡ nhau, cũng là nơi người sống và người chết gần gũi nhau: bên cạnh khu đất ở là khu đất mộ, như thấy ở Đông Sơn, Thiệu Dương, Luỹ Hoà, Thanh Đình... (3)

SỐNG LÂU LÊN LÃO LÀNG

Người Việt cổ coi trọng người sáng lập ra làng, truyền thống đó sẽ tồn tại lâu dài ở nhiều dân tộc sống trên đất nước Việt Nam: Thời phong kiến "ông khai canh", "ông khai khẩn" sẽ được thờ làm thần thánh hoàng ở nhiều làng vùng đồng bằng. Ở Tây Nguyên, người có công lao, hay người đứng đầu nhóm lập buôn làng được gọi là "gốc làng", một danh hiệu cha truyền con nối. Gốc làng sẽ cùng với các lão làng lập thành một hội đồng. Hội đồng này giải quyết mọi công việc, kể cả việc xử kiện; nếu có chiến tranh, lũ làng bầu thêm một "trai xung phong", làm thủ lĩnh quân sự của làng buôn.

Quyền lực của người già (quyền trưởng lão) là một thực tế phổ biến ở các dân tộc thời đại. Trong thời Hùng Vương, cơ quan quyền lực cao nhất của làng chạ cũng là hội đồng bô lão gồm những ông bà già có uy tín trong dân chạ, uy tín ấy được xây dựng bằng những thành tích chiến đấu thời trẻ, bằng những hoạt động quan tâm đến tập thể, bằng số lượng của cải (đồ đồng, trâu bò...).

Hội đồng bô lão sẽ quyết định mọi việc lớn nhỏ, quyết định dời làng đi tìm vùng đất mới phì nhiêu hơn, quyết định chiến hay hoà, giải quyết những vụ giao thiệp hay tranh chấp, phân xử những vụ vi phạm tục lệ, quy định mức phạt vạ. Trong hội đồng có một người đứng đầu có uy tín hơn cả: đó là "trưởng lão"(4).

Người dân nào làm trái với tục lệ làng chạ sẽ bị phạt vạ nặng hay nhẹ; mỗi quyết định của hội đồng bô lão đều được mọi người tuân theo. Thời phong kiến, ở nông thôn ta còn có tục phạt vạ, và thường thường người bị xử trí bằng sư cô lập (không ai chịu ngồi với trong các cuộc hội họp) mà quan trên cũng không thể can thiệp được. Tập tục có sức mạnh này phải có nguồn gốc từ khá xưa; ngày ấy, nếu có một kẻ nào đó chống lại quyết nghị của hội đồng bô lão thì có nguy cơ hoặc bị giết hoặc bị thải trừ ra khỏi tập thể (5). Nói chung chế độ lão quyền là phổ biến ở thời Hùng Vương và là nguồn gốc của truyền thống tôn trọng tuổi Hồng, tục yến lão(6), lễ thượng thọ, và những câu tục ngữ quen thuộc: "Sống lâu lên lão làng", "kính già, già để tuổi cho, "kính lão đắc thọ"...

TỪ NGÔI NHÀ LÀNG VIỆT CỔ ĐẾN NGÔI ĐÌNH VÀ NHÀ RÔNG TRUYỀN THỐNG

Ở thời Hùng Vương mỗi làng chạ đều có một ngôi nhà chung của cộng đồng với kiểu kiến trúc đặc biệt hơn các nhà ở thường. Những hậu thân của ngôi nhà đặc biệt này là: ngôi đình làng của người Việt (7) với những hàng cột lim, với cái mái ngói đồ sộ, với những đầu đao cong vút, ngôi nhà làng ở vùng Mường hay là ngôi nhà làng (nhà rông, nhà ual, nhà gỡn) ở số đông các dân tộc Tây nguyên, với chiếc mái tranh dày đặc, cao ngất và uốn cong (8).

Trên mặt các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ đã ghi lại hình ảnh rực rỡ và chính xác của ngôi nhà làng này với cái mái hình thuyền có trang trí bằng hình chim hay sừng trâu, rất giống những ngôi nhà làng của các dân tộc thiểu số Inđônêxia ngày nay.

Ngôi nhà làng thời Hùng Vương là nơi thờ thần, đồng thời là nơi hội hè, nơi tiếp khách lạ, nơi ngủ của "trai xung phong" và trai làng với khí giới sẵn sàng xuất kích khi có lệnh báo động ban đêm (9). Tất cả những chức năng xã hội - văn hóa của nhà làng cổ xưa sẽ được duy trì trong ngôi đình làng Việt Nam cận đại.

Quây quần chung quanh ngôi nhà làng là nhà ở của các gia đình dựng theo kiểu túp lều hay kiểu nhà sàn.

Trên một số trống đồng thấy khắc họa hình ảnh những chiếc lều có hai mái úp thẳng gần sát đất; trong một số di chỉ khảo cổ lại thấy những nền nhà thường có màu vàng quy mô nhỏ dễ dàng phân biệt với màu đất nâu xám. Những nền nhà trát đất cá thể này và những hố rác bếp trong nhiều di chỉ cho thấy rằng nhà phải được che trùm bởi những hình thức kiến trúc đơn sơ tương tự như lều, túp.

Một kiểu nhà rất thích hợp với điều kiện ở trên nền đất dốc, sống giữa cây rừng, nước lội của người thời Hùng Vương là nhà sàn. Nói về nhà cửa thời ấy, sách Lĩnh Nam chích quái chép : "(Dân Việt cổ) bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói".

Cùng với công dụng chống thú dữ, cái thế cư trú theo sườn dốc của đồi gò, núi non cũng đòi hỏi đồng bào các dân tộc ở vùng Mường, vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên hiện nay phải ở nhà sàn.

Sử thi Đẻ đất đẻ nước của đồng bào Mường kể về thời kỳ vua Dịt Dàng - tương đương với thời Hùng Vương (10) - cũng nhiều lần nói đến nhà sàn: có những nhà sàn của chúa Mường rất to lớn, quý giá.

Một sự tích rất hay của dân tộc Mường về nguồn gốc nhà sàn gắn liền với con rùa, con vật thiên thương gặp trong tín ngưỡng và thần thoại của nhiều dân tộc Việt Nam, kể rằng:

"... Tá Cần được nhân dân tin cậy mời ra cầm đầu bản Mường. Đã có người cầm đầu thì phải có nhà cho ông ta ở. Nhưng cả cộng đồng chưa ai biết cách làm nhà. Việc này phải nhờ người thợ săn Chi Bù Dút đi vào rừng gặp Rùa Vàng vui lòng bày cách cho dân bản Mường làm nhà: nhìn 4 chân rùa làm nên 4 cột cái, nhìn mai rùa làm nên mái nhà, nhìn xương sống, xương sườn dài, xương sườn cụt của rùa làm đòn nóc, làm rui, nhìn đuôi rùa mà làm chái, nhìn mắt rùa làm cửa sổ... Thế là dựng nên nhà nên cửa, nên bản nên mường" (11)
_______________________
(1) - Các buôn làng Tây Nguyên ngày nay cũng thường làm như thế
(2) - Thư của Hoài Nam Vương gtửi Hán Vũ Đế (thế kỷ 2 trước CN). Nam Việt đây là chỉ nước của Triệu Đà trong đó có Giao Chỉ.
(3) - Ở một số buôn làng Tây Nguyên ngày nay cũng thấy hiện tượng tương tự.
(4) - Theo Mã Đoan Lâm, tác giả sách Văn hiến thông khảo; Triệu Đà khi viết thư cho vua Hán có lần tự xưng mình là "Man di đại trưởng lão"
(5) - Ở nhiều dân tộc Tây Nguyên thời cận hiện đại cũng có tập tục tương tự.
(6) - Tức là làng nước mở tiệc khoảng đãi các cụ già lên 50,60,70 tuổi.
(7) - Ở một số đình làng còn thấy di tích kiến trúc theo lối nhà sàn cổ xưa: đình Tây Đằng, đình Chu Quyến ở Hà Tây, đình Đình Bảng ở Bắc Ninh v.v...
(8) - Hầu hết tất cả các dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á từ Miến Điện, Thái Lan cho đến Inđônêxia và Nam Đảo đều có ngôi nhà làng này.
(9) - Như phong tục nhiều dân tộc ở Tây Nguyên ngày nay.
(10) - Nhà sử học Trần Quốc Vượng đã chứng minh rằng vua Dịt Dàng (hay Yịt Yang, Gịt Giang) là một dạng cổ của Việt Vương theo Quách Điêu, tác giả cuốn Hoà Bình quan lang sử lược, người Mường thường hay đồng nhất vua Dịt Dàng với vua Hùng, vua Thục.
(11) - Xem Đẻ đất đẻ nước , sử thi dân tộc Mường, Ty Văn hóa Thông tin Thanh Hoá xuất bản, 1976 trang 64-71

. Mở đầu : Thời Đại Hùng Vương , Nghiên cứu khoa học và tự hào dân tộc
. Chương I : Từ trong mây mù huyền thoại đến hiện thực lịch sử
. Chương II : Hành hương về đất Tổ
. Chương III : Khơi nguồn truyền thống , Thống nhất và văn minh
. Chương IV : Đi tìm dấu vết một thời đại trên những di tích khảo cổ
. Chương V : Bên bờ sông Hồng, sông Mã : Chứng tích của nền văn hoá Đông Dơn rực rỡ
. Chương VI : Ngắm nghía và suy nghĩ về văn vật kỳ diệu của thời đại dựng nước : những chiếc trống đồng Đông Sơn
. Chương VII : Thiên nhiên thời đại dựng nước
. Chương VIII : Thăm lại làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm
. Chương IX : Cuộc sống đầm ấm của gia đình người Việt cổ
. Chương X : Nếp phong tục thuần phác cổ xưa 
. Chương XI : Hội làng thời Hùng Vương
. Chương XII : Những người nghệ sĩ tạo hình tài hoa
. Chương XIII : Thần thoại và truyền thuyết anh hùng Việt cổ
. Chương XIV : Tín ngưỡng và tư duy người xưa
. Chương XV : Khơi nguồn truyền thống thượng võ của dân tộc
. Chương XVI : Bản anh hùng ca dựng nước xây thành chống ngoại xâm của vua Thục An Dương Vương
. Chương XVII : Bà Trưng khởi nghĩa lập chiến công oanh liệt ngàn thu
. Chương XVIII : Lời tạm kết

          *** Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước qua hình vẽ trên Trống đồng ***