Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 
Hành Trình Về Thời Đại 
HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC
Lê Văn Hảo
CHƯƠNG XI
HỘI LÀNG THỜI HÙNG VƯƠNG
Tài liệu thư tịch cổ đã ghi : người Lạc Việt hàng năm mở hội vào mùa thu.

Đó là những ngày hội hè của làng chạ Việt cổ diễn ra trong không khí ấm áp, lúc thời vụ rảnh rang, những đêm giữa thu, trăng thanh gió mát, rất thích hợp cho những sinh hoạt tập thể, cộng đồng tưng bừng rộn rịp trang trọng. Trống đồng Đông Sơn đã khắc vẽ nhiều hình ảnh hiện thực và sinh động về những ngày, những đêm hội mùa thu xa xưa ấy.

ÂM THANH HÙNG VĨ CỦA TRỐNG ĐỒNG VIỆT CỔ

Chung quanh ngôi nhà làng mái cong đồ sộ trang trí hình chim, hình gà, hình sừng trâu...gái trai già trẻ tụ họp đông đảo, tiếng trống đồng vang lên. Những âm thanh hùng vĩ ấy là âm thanh tiêu biểu cho hội làng Việt cổ. Hàng nghìn năm về sau khi các bản Mường, làng Việt mở hội, "vào đám", tuyệt đối không thể thiếu trống đồng.

Trống đồng không đánh từng chiếc đơn độc mà được hoà tấu từng đôi hoặc cả dàn một lúc. Trống được để trên đế, trên giàn, người đánh trống cả nam lẫn nữ đều hoá trang trong bộ lễ phục hình chim, ngồi hoặc đứng "giã" trống theo kiểu giã cối chày tay.

Cùng với tiếng trống, cồng chiêng cũng được đánh liên hồi. Đánh trống là để cầu được mưa hay cầu dứt mưa, còn đánh cồng chiêng là để cầu được mùa, cầu sinh sôi nảy nở, thịnh vượng phồn vinh. Cồng chiêng cũng được hòa tấu cả bộ 7 hay 8 chiếc treo thành dàn trong ngôi "nhà cầu mùa" là chiếc nhà sàn mái tròn thấy trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ.

Trong những ngày hội làng mùa thu ấy cũng vang lên tiếng chày giã cối thân quen. Từng đôi gái trai cầm chày dài có trang trí lông chim đứng giã những chiếc cối rỗng, vuông, vốn là dụng cụ nông nghiệp đồng thời là nhạc cụ và là vật tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở.

Giã cối chày tay với nhịp điệu đều đặn và những tiếng trầm bổng vang ra từ lòng cối và thành cối (những tiếng "khắc" cối) ở nhiều vùng Mường, Thái là một sinh hoạt phong tục và sinh hoạt âm nhạc cổ truyền khá phổ biến. Đó là tục đâm đuống hay giã cối luống. Giã cối đệm cho tiếng hát đối đáp vừa là hình thức biểu diễn và thưởng thức văn nghệ vừa là trò chơi giao duyên mang ý nghĩa cầu mong sinh sản thịnh vượng. Mãi về sau, ở nhiều vùng người Việt, tục nam nữ vừa giã cối vừa hát đối đáp vẫn còn rất phổ biến, tiêu biểu là tục hò giã gạo ở miền Trung.

Một trong những trò vui quen thuộc khác của hội làng Việt cổ là trò chồng nụ chồng hoa (còn gọi là cài hoa kết hoa) : ngồi trong nhà làng, ngôi nhà sàn đồ sộ mái cong hình thuyền, từng đôi gái trai, mặt đối mặt, lồng chân giao tay với nhau mà hát, bên cạnh có người đánh trống khẩu đệm nhịp. Đây là một hình thức giao duyên bằng trò chơi và bằng văn nghệ hàm ý cầu sinh sôi nảy nở. Mãi đến thế kỷ XV vẫn còn tục lệ gái trai người Việt vừa hát đối đáp vừa kết tay giao chân mà sách Đại Việt sử ký toàn thư gọi là hát rí ren hay hát lý liên. Ở nhiều hình thức hát đối đáp giao duyên cổ truyền như hát đúm, hát ghẹo, hát quan họ, hát ví....gái trai cũng giữ lại tục cầm tay nhau mà hát.

Trong những ngày hội làng mùa thu ấy cũng vang lên tiếng chày giã cối thân quen. Từng đôi gái trai cầm chày dài có trang trí lông chim đứng giã những chiếc cối rỗng, vuông, vốn là dụng cụ nông nghiệp đồng thời là nhạc cụ và là vật tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở.

Giã cối chày tay với nhịp điệu đều đặn và những tiếng trầm bổng vang ra từ lòng cối và thành cối (những tiếng "khắc" cối) ở nhiều vùng Mường, Thái là một sinh hoạt phong tục và sinh hoạt âm nhạc cổ truyền khá phổ biến. Đó là tục đâm đuống hay giã cối luống. Giã cối đệm cho tiếng hát đối đáp vừa là hình thức biểu diễn và thưởng thức văn nghệ vừa là trò chơi giao duyên mang ý nghĩa cầu mong sinh sản thịnh vượng. Mãi về sau, ở nhiều vùng người Việt, tục nam nữ vừa giã cối vừa hát đối đáp vẫn còn rất phổ biến, tiêu biểu là tục hò giã gạo ở miền Trung.

Một trong những trò vui quen thuộc khác của hội làng Việt cổ là trò chồng nụ chồng hoa (còn gọi là cài hoa kết hoa) : ngồi trong nhà làng, ngôi nhà sàn đồ sộ mái cong hình thuyền, từng đôi gái trai, mặt đối mặt, lồng chân giao tay với nhau mà hát, bên cạnh có người đánh trống khẩu đệm nhịp. Đây là một hình thức giao duyên bằng trò chơi và bằng văn nghệ hàm ý cầu sinh sôi nảy nở. Mãi đến thế kỷ XV vẫn còn tục lệ gái trai người Việt vừa hát đối đáp vừa kết tay giao chân mà sách Đại Việt sử ký toàn thư gọi là hát rí ren hay hát lý liên. Ở nhiều hình thức hát đối đáp giao duyên cổ truyền như hát đúm, hát ghẹo, hát quan họ, hát ví....gái trai cũng giữ lại tục cầm tay nhau mà hát.

HỘI NƯỚC VÀ TỤC BƠI CHẢI CẦU MƯA

Phổ biến trong hội làng Việt cổ là tục bơi thuyền và những hoạt động trên sông nước. Nhằm nhiều mục đích : cầu mưa, rèn luyện kỹ năng bơi thuyền, thuỷ chiến, trau dồi tinh thần thượng võ có trò chơi thể thao mang tính chất nghi lễ là trò đua thuyền mà người Việt quen gọi là bơi chải, thi chải.

Trống đồng, thạp đồng đã ghi lại hình ảnh những con thuyền độc mộc mũi cong, đuôi én, mình thon dài - thuỷ tổ của những chiếc thuyền đuôi én Thái, Mường ngày nay đang xuôi ngược như thoi đưa trên các dòng sông Đà, sông Mã - trên thuyền có nhiều người ngồi, đứng, có người hoá trang thành chim, người này cầm vũ khí, người kia cầm giầm bơi, người nọ cầm nhạc cụ hay đang diễn tấu nhạc cụ, tất cả đều trong tư thế linh hoạt, khẩn trương, đó là hình ảnh những cuộc bơi chải Việt cổ tưng bừng, náo nhiệt, huy động nhiều thuyền dự đua.

Tục bơi chải là một tiết mục chủ yếu mà nhiều hội hè cận hiện đại đã tiếp thu từ hội hè thời Hùng Vương : hội đua thuyền của người Thái, người Mường trên sông Đà, sông Mã, hội đua thuyền của người Việt từ trên sông Hồng đến trên sông Cửu Long, sông Đồng Nai : hội làng Đăm (Hà Nội) vào mùa xuân, hội làng Nọ (Thừa Thiên Huế) vào mùa hè, hội chùa Keo (Thái Bình) vào mùa thu v.v...

Một nghi lễ quan trọng của hội làng Việt cổ là nghi lễ hiến tế, cầu cúng thần Nước : trên những chiếc thuyền lớn có sàn cao, chở trống đồng cầu mưa, bình đồng đựng nước thiêng tượng trưng cho mưa, có những người chèo lái hoá trang và vũ trang, người đánh trống, người cầm cung tên, người cầm giáo lao, có cả chó canh giữ một người bị trói và sắp bị hi sinh làm vật hiến tế cho thần Nước.

Đua thuyền cúng tế thần Nước là hình thức hội nước hội cầu mưa sẽ được duy trì lâu dài và phổ biến ở nhiều làng người Việt ven những dòng sông lớn trong suốt thời phong kiến.

NGƯỜI GIÀ, THẦY MO VIỆT CỔ KỂ CHUYỆN KHAN, CHUYỆN ANH HÙNG ; NHÂN DÂN LAO ĐỘNG HÒ HÁT NHẢY MÚA, VUI CHƠI.

Trong ngày hội có một tiết mục rất hào hứng, hấp dẫn là kể chuyện dân gian. Người kể chuyện là những cụ già vừa là nghệ nhân dân gian vừa là người phụ trách việc cầu cúng trong làng chạ Việt cổ. Nhân vật này bao giờ cũng hóa trang cho đồng dạng với thần linh, tổ tiên. Đây là nhân vật trung gian thể hiện khả năng giao tiếp giữa người và thần.

Người kể chuyện mặc trang phục nghi lễ ngày hội, hoá trang thành chim bởi vì tổ tiên người Việt cổ vốn là nòi chim, vừa kể chuyện vừa làm động tác minh hoạ như một diễn viên sân khấu. Công chúng xúm quanh đông đảo để xem, nghe con người có tài gợi lại nguồn gốc tổ tiên, giống nòi, nguồn gốc các sự vật trong thiên nhiên và cuộc sống, kỳ tích những người anh hùng khổng lồ. Hình thức kể chuyện ngày hội như thế về sau vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn ở nhiều vùng, tiêu biểu là hình thức kể vè của người Việt, hát mo (sử thi) ở vùng Mường, kể khan (trường ca) ở Tây Nguyên. Ở các vùng người Ê-đê, Gia-rai, Ba-na...những lão nghệ nhân đầu cài lông chim, mặc lễ phục sang trọng kể khan Đan San, khan Dăm Di, khan Xinh Nhã, khan Khinh Dú cho nhân dân các buôn làng nghe đêm này qua đêm khác, vừa kể vừa làm động tác rất say mê nồng nhiệt.

Nghệ thuật hò hát chắc chắn đã phát triển ở thời Hùng Vương. Hình ảnh của tục hát đối đáp giữa gái trai đã được khắc họa trên trống đồng.

Hát đối đáp là một trò vui giao duyên không thể thiếu trong ngày hội làng : hát trong khi chơi cài hoa kết hoa, hát theo nhịp chày giã cối.

Cùng với tục thi bơi thuyền, bơi chải có hò đua thuyền. Ở trò chơi thể thao khẩn trương này chỉ cần một giầm bơi sai nhịp là không những thuyền không tiến được mà còn có thể bị đắm. Bởi vậy, ở những chiếc chải bơi thi đang lao nhanh trên sóng nước mà trống đồng đã ghi lại hình ảnh, nếu không thấy có những người cầm nhạc cụ gõ (trống, mõ, sênh phách...) thì chắc chắn phải có người lên tiếng hò để bắt nhịp hoặc ra hiệu lệnh, thống nhất động tác, điều hoà nhịp thở như thấy phổ biến ở các hội bơi chải sau này.

Trong hội làng Việt cổ, các điệu hát hò có khi kèm theo múa như về sau, thời phong kiến, còn thấy ở các hình thức âm nhạc dân gian có phong cách rất cổ như hát múa Xoan ở Phú Thọ, hát múa Dậm, hát múa Lải Lê ở Hà Nam, hát múa Rô ở Hoà Bình, hát múa Xuân Phả ở Thanh Hoá, hát múa Ải Lao ở ngoại thành Hà Nội, hát chầu văn phụ hoạ cho múa lên đồng trong đạo đồng bóng, hát múa Ả đào, v.v...(ở vùng đồng bằng Bắc Bộ).

Hát hò và nhảy múa sôi nổi hào hứng trong hội hè, người Việt cổ cũng hát hò vui vẻ hồ hởi trong lao động. Những điệu hát hò lao động cổ sơ nhất đã có từ thời nguyên thuỷ. Với trình độ văn hoá vật chất và tinh thần khá cao, người thời Hùng Vương đã phát triển nhiều hình thức dân ca lao động, dân ca sinh hoạt : hát ru con, hát đưa ma (ngày nay quen gọi là hò đưa linh), hò chèo thuyền, hò hát khi đi rừng săn bắn hay đốn củi, hò hát khi đánh cá, khi cày cấy, gặt hái, xay lúa, giã gạo...

Những tiếng đệm, tiếng đưa hơi, tiếng láy luyến trong nhiều điệu hát hò còn giữ đưọc trong kho tàng dân ca truyền thống đều là những từ rất cổ, có khả năng xuất hiện trong sinh hoạt ca hát thời cổ. Ví dụ ở điệu hò sông Mã chúng ta nghe những dô là í ta dô ta hay ê dô khoan dô khoan dô huầy ; ở điệu hát Xoan Phú Thọ tềnh là tềnh tanh tềnh tang tềnh, hay ức cừ là la y a, hoặc vông vông tầm vông vông tập tầm vông ; ở điệu hát Rô, huậy đô huậy dô bái hù hù là huậy dô huầy hay tôi dạ hề liên tôi dạ lại liền tôi dạ liền dạ ; ở điệu hát dậm Hà Nam là hồi la lết la lết lê la là ái hồi la v.v...

Nhảy múa cũng là một hình thức sinh hoạt hội hè, sinh hoạt nghệ thuật phổ biến ở thời Hùng Vương.

Gắn liền với tín ngưỡng vật tổ là điệu múa hoá trang hình chim của người Việt cổ. Nghệ sĩ múa, như thấy chạm khắc trên mặt trống đồng, đội mũ lông chim có cài bông lau, mặc váy xoè bằng lông chim hoặc bằng lá cây bước chân nhún nhảy, bàn tay xoè uốn, cánh tay dang rộng như đôi cánh chim bay chập chờn, với dáng điệu say sưa phấn khởi, tự đồng hoá mình với chim tổ. Phải chăng điệu múa hoá trang chim ấy là nguồn gốc xa xôi nhất của nhiều điệu múa cổ truyền lấy hình tượng chim làm chủ đề : múa công của người Thái đen, múa hạc, múa chim én của người Tày, múa chim phượng hoàng của người Dao, múa chim gâu của người Cao Lan, múa chim grứ của người Ê-đê.

Để thể hiện tinh thần thượng võ, người Việt cổ thích múa vũ trang ; người múa tay cầm giáo tay gõ nhịp phách, hoặc tay cầm rìu chiến tay cầm khiên mộc ; những người múa khác cầm nỏ hay cung vận động bên cạnh những người thổi khèn, lắc chuông nhạc và đánh trống đệm cho múa. Nhìn những người múa tràn trề hùng khí ấy được khắc chạm trên mặt trống đồng, thân trống đồng, không thể không liên tưởng đến những điệu múa giáo, múa khiên của người Ê-đê, múa thắng trận của người Ba-na, múa gậy tiền, múa xuất binh hồi binh của người Dao, múa nỏ của các tộc người ở Tây Bắc, múa gậy múa rìu múa gươm, múa mã tấu, múa roi trung bình tiên của người Việt. Trong những ngày hội đền Dóng, để tưởng nhớ ông Dóng người anh hùng Việt cổ chiến thắng ngoại xâm, phường Ải Lao biểu diễn nhiều điệu múa hào hùng múa cờ lệnh, múa chiêng trống, múa cung nỏ.

Múa với nhạc khí cũng là những điệu múa tiêu biểu của người Việt cổ. Trống đồng, thạp đồng cho thấy nhiều nguời múa, với nhiều loại nhạc khí khác nhau. Có người múa với sênh phách, có người vừa múa vừa rung chuông nhạc, có người vừa múa vừa thổi khèn, hoặc vừa múa vừa rung lên một nhạc khí giống như chiếc sáo. Phải chăng đó là tiền thân của điệu múa chuông ở người Dao tiền, múa chuông nhạc ở người Tày, người Thái, múa khèn ở người Mèo, múa hươn mậy, múa tăng bu tăng bẳng ở các tộc người ở Tây Bắc, múa trắng, múa sênh phách, múa sênh mõ ở người Việt.

Điệu múa khèn Việt cổ tạo nên cả một bầu không khí say sưa phấn khởi cho một đoàn người vận động theo một đội hình nhiều màu vẻ, lại có cả những người cõng nhau múa khèn trông rất vui nhộn, tinh nghịch, những điệu múa hát trên thuyền ở thời xa xưa ấy không thể nào không để lại những nét dáng, những dư vang quen thuộc khó phai mờ ở một số điệu múa hát cổ truyền đặc sắc của người Việt như hát múa Bá trạo, hát múa Rô, hát múa Dậm, hát múa Lải Lê, hát múa Chèo chải, hát múa Chèo chải hê là những điệu hát múa liên quan đến hình tượng con thuyền và động tác chèo thuyền.

Người Việt cổ múa với tư thế thường là hơi ngả về phía sau, mặt hướng cao, ngực ưỡn với dáng hiên ngang, khoẻ khoắn, chân sau nhún nhẹ như đang bước về phía trước ; những hình ảnh đó làm ta nghĩ đến dáng dấp quen thuộc của một số động tác múa Tây Nguyên, đặc biệt hình ảnh đôi cánh tay uyển chuyển, bàn tay uốn cong mềm mại của người múa Việt cổ sẽ được ghi lại trung thành trong truyền thống múa dân gian và múa cung đình ở người Việt, nhất là trong múa của hát chèo, của hát ả đào và múa hoa đăng.

NỀN ÂM NHẠC VIỆT CỔ PHONG PHÚ

Đệm cho những lời ca tiếng hát điệu múa Việt cổ nhiều màu vẻ ấy có tiếng khèn, tiếng phách, có dàn nhạc trống, dàn nhạc cồng chiêng và nhiều nhạc khí đã khá phong phú của thời Hùng Vương.

Hiện vật khảo cổ học cho thấy người Việt cổ đã sáng tạo được một số nhạc khí đặc sắc thuộc bộ gõ và bộ hơi. Nhạc khí gõ gồm các loại trống, cồng chiêng, sênh phách...Nhạc khí hơi gồm các loại khèn, sáo...

Quan trọng nhất và có lẽ được ưa chuộng nhất là trống đồng, nhạc khí Việt cổ tiêu biểu và điển hình về nhiều mặt : tiêu biểu cho trình độ kỹ thuật, cho tình hình xã hội, cho tư duy thẩm mỹ của con nguời văn minh thời ấy. Trống đồng quả thật là một nhạc khí độc đáo mà đặc trưng là khai thác âm vang của kim loại. Mặt và tang trống phình ra thành một vòm chứa đựng âm thanh, cộng hưởng và chuyền qua thân trống hình trụ thon lại và cuối cùng oà ra ngoài từ chân trống loe rộng như một miệng loa. Với cấu tạo như thế, cái thùng cộng hưởng to lớn này - có những trống đồng cao 70 cm, đường kính mặt trống 90 cm - có chức năng chính là tạo nên những âm thanh hùng vĩ, gây ra sự âm vang náo động. Đó cũng chính là vai trò của trống cầu mưa (trống sấm), trống hội, trống trận (trống chiến). Theo những nghiên cứu thực nghiệm của các nhà âm nhạc học, khi đánh trống đồng Ngọc Lũ nếu đánh ở giữa mặt trống thì tiếng trầm và ấm, đánh ở ngoài thì tiếng thanh hơn nhưng không êm tai bằng. Đánh vào vành 1-3 của mặt trống thì được nốt si giáng (si bémol), đánh vào vành 4 nốt mi, vành 5 nốt fa, vành 7 cũng nốt si giáng, từ vành 9 trở ra lại trở lại nốt mi (1).

Ở thời cận hiện đại, nhiều tộc người ở Việt Nam như người Mường, người Thái, người Khmú còn sử dụng trống đồng, đặc biệt là người Mường vẫn đánh trống đồng theo kiểu cách của người Việt cổ : đặt trống thành dàn 2 hoặc 4 chiếc rồi cầm gậy như cầm chày đứng dộng thẳng xuống mặt trống như kiểu giã cối gạo.

Trống da được đặt trên nhà sàn hay trên thuyền chiếnViệt cổ cạnh trống đồng, trông giống như trống bản hay trống khẩu truyền thống. So sánh tỷ lệ nggười đánh trống được khắc hoạ ở ngay cạnh trống thì thấy kích thước các loại trống da là khoảng 20cm đường kính mặt trống, và 30cm chiều cao, trống được đặt nằm và đánh ngang vào một mặt, đệm cho những điệu hát nghi lễ, những điệu hát giao duyên trong nhà làng, hoặc làm hiệu lệnh cho thuyền trong các cuộc đua chải.

Cồng chiêng Việt cổ đuợc sử dụng cả bộ treo thành dàn trong những ngôi nhà sàn nhỏ thấp mái tròn (nhà kho hay nhà cầu mùa), mỗi ngôi nhà có hai dàn cồng chiêng ở hai bên, mỗi dàn 8 chiếc, đứng giữa là một người dùng dùi đánh cả hai dàn cùng một lúc.

Ở người Việt hiện đại, cồng chiêng chỉ được dùng đơn chiếc, đi kèm với trống đại như là nhạc cụ điểm nhịp trong hội hè đình đám nhưng ở nhiều tộc người khác, đặc biệt là ở vùng người Mường và ở Tây Nguyên cồng chiêng vẫn thường đã sử dụng cả bộ từ 5 chiếc trở lên, có bộ dùng để đánh đệm, có bộ dùng để đánh giai điệu từ trầm đến bổng. Ở nhiều dàn cồng Mường hiện đại, đáng chú ý là bộ cồng vẫn còn giữ số lượng 8 chiếc như bộ cồng thời Hùng Vương.

Chuông nhạc Việt cổ đã được tìm thấy khá nhiều trong các di chỉ và mộ táng. Có những chiếc cỡ nhỏ dài từ 5 đến 15cm có quả lắc ở trong đi với nhau thành một chùm từ hai đến năm chiếc xâu vào các vòng đồng. Có những chiếc cỡ lớn dài từ 25 đến 35cm, miệng hình bầu dục không có quả lắc. Trong ngày hội làng, người thời Hùng Vương vừa múa vừa rung lắc hoặc gõ vào chuông nhạc. Người Dao hiện đại còn giữ điệu múa chuông nhạc rất sinh động.

Sênh phách một nhạc cụ chủ yếu dùng để đánh nhịp cho các điệu hát cũng được người xưa sử dụng trong múa. Chiếc sênh Việt cổ rất giống nhạc cụ hươn mậy của người Xá Tây Bắc : đó là những ống nứa vạt nhọn một đầu, phần tay cầm có dùi thêm một lỗ nhỏ để điều chỉnh âm thanh, khi múa, người Xá đập hươn mậy vào tay, vào đùi, âm thanh phát ra gần như tiếng ve kêu. Đó là điệu múa hươn mậy. Trống đồng cũng ghi lại hình ảnh những người vừa múa vừa cầm hai thanh tre dài bằng nhau khoảng từ 20 đến 30cm, đó là cặp phách. Truyền thống vừa múa vừa gõ phách còn được bảo lưu trong hát múa ả đào. Phách cũng được sử dụng phổ biến trong ca nhạc Huế.

Người Việt cổ rất ưa thích thổi khèn và múa khèn. Thời Hùng Vương đã có hai loại khèn khác nhau ; khèn loại bầu dài giống như khèn Mèo hiện đại, loại bầu ngắn giống như khèn Thái hiện đại. Vật liệu làm khèn là những thứ rất dễ tìm : quả bầu, ống trúc, lá mía bằng đồng hoặc lá cây. Từ những chất liệu đơn sơ này, người xưa đã khéo léo gắn bó chúng lại với nhau thành một nhạc khí độc đáo có thể phát ra một chùm âm thanh vừa có phần giai điệu vừa có phần đệm, tất nhiên là với mức độ đơn giảm nhưng nghe khá êm tai. Người Việt cổ đã biết sử dụng khèn trong nhiều trường hợp khác nhau : độc tấu, đệm cho múa, hoặc vừa thổi khèn vừa múa nhảy...Và cho đến ngày nay, khèn vẫn là một nhạc cụ rất quen thuộc đối với nhiều tộc người : Mèo, Thái, Mường, Tây Nguyên và được sử dụng phổ biến trong tế lễ, hội hè, trong các cuộc gặp gỡ tình tự của gái trai. Múa khèn là một trong những điệu múa đặc sắc của người Mèo.

Nhiều nhạc cụ thô sơ khác có từ thời nguyên thuỷ và còn tồn tại đến ngày nay chắc cũng đã được sử dụng ở thời Hùng Vương : đó là những chiếc cọng rơm, ống đu đủ, kèn lá, tù và, sáo trúc, những chiếc đàn đá, đàn đất, đàn gỗ.

Cây sáo đã xuất hiện từ cuối thời đại đá cũ. Xét cấu trúc của chiếc khèn (gồm nhiều ống tương tự như ống sáo ghép lại) thì thấy sáo đã có khả năng tồn tại trước hay song song với khèn. Dàn đàn đá (phát hiện được ở Tây Nguyên) có từ thời văn hoá Bắc Sơn là tổ tiên của những chiếc đàn gỗ, đàn tre nứa kiểu đàn tơ-rưng. Đàn tơ-rưng ngày nay vẫn giữ một địa vị trọng yếu trong âm nhạc các tộc người Tây Nguyên.

Chiếc đàn đất Việt cổ mà sau này người Việt quen gọi là trống đất hay trống quân đã được các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc khẳng định là một trong những nhạc khí rất cổ của miền Đông Nam Á. Đó là một thứ đàn dây thô sơ, được tạo âm thanh bằng cách dùng que đánh vào một sợi dây mây căng trên một thùng cộng hưởng đào ngay dưới đất (xem hình vẽ 7) :

Nghệ thuật hát, múa, nhạc rõ ràng có vị trí quan trọng trong hội hè, trong đời sống tình cảm và thẩm mỹ, trong văn hoá tinh thần của người xưa.

Xã hội Việt cổ đã là một xã hội văn hiến, vừa náo động những âm thanh mạnh mẽ trầm hùng của trống chiêng, vừa dìu dặt những âm thanh dịu dàng, réo rắt của sáo, khèn, vừa uyển chuyển rộn rịp những động tác múa thượng võ hay trữ tình.

Trong ngày hội làng Việt cổ, bên những âm điệu hùng tráng được phóng đại mãi lên của những dàn trống đồng thi sức với những tiếng sấm sét "bí ẩn" của trời đất, là tiếng khèn êm ái, tiếng chuông thánh thót, tiếng sênh phách giòn giã, tiếng chày giã cối nhịp nhàng.

Một đặc điểm lớn của nền âm nhạc Việt cổ phục vụ cho những ngày hội làng xa xưa ấy là sự phát triển của những nhạc khí thuộc bộ gõ và tầm quan trọng của tiết tấu.

Trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, bộ gõ vẫn luôn luôn giữ một vị trí trọng yếu. Chỉ với một chiếc trống da, người nhạc công Việt Nam đánh vào giữa mặt trống, vào cạnh mặt trống, vào tang trống, bịt tay lên mặt trống để đánh, đánh một dùi, đánh hai dùi, khi rung khi điểm...tạo nên những tiết điệu và âm sắc phong phú, độc đáo. Tiếng trống tuồng, trống chèo, trống ả đào, trống nhạc lễ của ta cũng đã có hàng chục điệu khác nhau. Có thể nghĩ rằng ngay từ thời Hùng Vương, truyền thống đầu tiên của bộ nhạc khí gõ và của tiết tấu trong âm nhạc Việt Nam đã được ổn định và trở thành một đặc trưng bền vững (2).

Trong ngày hội làng, người nhạc sĩ Việt cổ không diễn tấu đơn độc mà đã biết hoà tấu, hợp tấu.

Qua dàn trống đồng từ 2 đến 4 chiếc, dàn cồng chiêng từ 8 đến 16 chiếc hay bộ chuông nhạc từ 2 đến 5 chiếc hợp tấu, người xưa đã đạt tới sự hài hoà của nhiều âm thanh, đã biết tạo giai điệu bằng những chùm âm thanh. Tư duy âm nhạc thời Hùng Vương đã phát triển đến mức người nhạc sĩ Việt cổ đã biết sử dụng cùng một lúc nhiều nhạc cụ khác nhau tạo ra nhiều âm thanh, âm vực, âm sắc và âm lượng khác nhau. Đó là những kinh nghiệm phối âm, phối khí đầu tiên và là cội nguồn xa xưa nhất của các dàn nhạc dân tộc ở Việt Nam.

Trống đồng Đông Sơn của tổ tiên ta không biết nói, nhưng qua hình ảnh chạm khắc trên trống, chúng ta nghe được rất nhiều : trong khung cảnh chung của hội làng xưa cũ chúng ta nghe vang lên cùng một lúc những âm điệu xiết bao phong phú của cả trống đồng, trống da, cồng chiêng, chuông nhạc, sênh phách lẫn khèn sáo và tiếng hát của người dân Việt cổ, tạo nên bản giao hưởng hội làng, bản giao hưởng mừng mùa hay mừng công, bản giao hưởng thôn dã hồ hởi tưng bừng của thời dựng nước.

Truyền thống hội hè, truyền thống âm nhạc bắt nguồn từ thưở xa xưa ấy, cho đến nay vẫn còn gần gũi thân thương xiết bao qua tiếng trống đồng, tiếng cồng chiêng, tiếng khèn, sáo, tiếng đàn tơ-rưng, tiếng trống quân, điệu múa chèo, và hàng trăm làng điệu dân ca, hàng trăm làng điệu dân vũ cổ kính, với những hội mùa xuân, hội mùa thu trung du và đồng bằng : hội Lim, hội Dóng, hội Đền Hùng...vang bóng văn hoá Việt cổ và hồn nước Việt cổ.

_______________________
(1) - Xem thêm, Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn. Lịch sử chế độ Cộng sản nguyên thuỷ ở Việt Nam - Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1960, trang 141.
(2) - Nguyễn Hữu Thu và Lê Văn Lan. Bàn về âm nhạc thời Hùng Vương trong Hùng Vương dựng nước, tập IV, trang 339-46.
. Mở đầu : Thời Đại Hùng Vương , Nghiên cứu khoa học và tự hào dân tộc
. Chương I : Từ trong mây mù huyền thoại đến hiện thực lịch sử
. Chương II : Hành hương về đất Tổ
. Chương III : Khơi nguồn truyền thống , Thống nhất và văn minh
. Chương IV : Đi tìm dấu vết một thời đại trên những di tích khảo cổ
. Chương V : Bên bờ sông Hồng, sông Mã : Chứng tích của nền văn hoá Đông Dơn rực rỡ
. Chương VI : Ngắm nghía và suy nghĩ về văn vật kỳ diệu của thời đại dựng nước : những chiếc trống đồng Đông Sơn
. Chương VII : Thiên nhiên thời đại dựng nước
. Chương VIII : Thăm lại làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm
. Chương IX : Cuộc sống đầm ấm của gia đình người Việt cổ
. Chương X : Nếp phong tục thuần phác cổ xưa 
. Chương XI : Hội làng thời Hùng Vương
. Chương XII : Những người nghệ sĩ tạo hình tài hoa
. Chương XIII : Thần thoại và truyền thuyết anh hùng Việt cổ
. Chương XIV : Tín ngưỡng và tư duy người xưa
. Chương XI : Hội làng thời Hùng Vương
. Chương XII : Những người nghệ sĩ tạo hình tài hoa
. Chương XIII : Thần thoại và truyền thuyết anh hùng Việt cổ
. Chương XIV : Tín ngưỡng và tư duy người xưa
. Chương XV : Khơi nguồn truyền thống thượng võ của dân tộc
. Chương XVI : Bản anh hùng ca dựng nước xây thành chống ngoại xâm của vua Thục An Dương Vương
. Chương XVII : Bà Trưng khởi nghĩa lập chiến công oanh liệt ngàn thu
. Chương XVIII : Lời tạm kết

   *** Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước qua hình vẽ trên Trống đồng ***