Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 
Hành Trình Về Thời Đại 
HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC
Lê Văn Hảo
CHƯƠNG XIII
THẦN THOẠI VÀ TRUYỀN THUYẾT ANH HÙNG VIỆT CỔ
Trong tư duy buổi đầu của con người nguyên thuỷ chưa có sự phân biệt những hiện tượng vũ trụ. Tất cả đều là một mớ bòng bong hỗn mang : trời đất, gió mưa, sấm sét, lũ lụt, nắng hạn, cây cỏ, thú vật và cả con người nữa đều là những điều khó hiểu đối với con người. Đó là thời đại nguyên thuỷ, hồng hoang hay "hồng bàng".

Đến khi người Việt cổ bắt đầu sống định cư và trồng trọt, họ dần dần cảm thấy sức mạnh của mình tác động đến tự nhiên, muôn loài, muôn thú. Thuần dưỡng được thú rừng thành thú nhà, buộc cây dại trở thành cây trồng, đó là một niềm vinh dự lớn mà con người cảm thấy sâu sắc và tìm cách giải thích. Đó chính là thần thoại được nhân dân các làng chạ sáng tác, gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ, dưới hình thức truyện kể dân gian. Trong những ngày hội, đám cưới, đám tang...thần thoại Việt cổ được diễn xướng trọng thể như ngày nay người Mường, người Thái, người Tây Nguyên diễn xướng sử thi hay trường ca của họ.

BUỔI KHAI MẠC CỦA VŨ TRỤ : TỪ THẦN TRỤ TRỜI ĐẾN CHÚ CUỘI CUNG TRĂNG

Quan tâm đến thế giới tự nhiên để đấu tranh, khai thác và lợi dụng tự nhiên, con người thời Hùng Vương nhắc lại và kể thêm vào những truyện mà các thế hệ trước đó đã truyền lại. Đó là những truyện về nguồn gốc trời đất và muôn loài, về buổi khai mạc của vũ trụ : truyện về thần trụ trời, thần xây núi, thần trồng cây, thần đào sông, thần làm sao, thần tát biển...như câu hát còn ghi lại :

...Ông Đếm cát / Ông Tát bể
Ông Kể sao / Ông Đào sông
Ông Trồng cây / Ông Xây núi
Ông Túi trời / Ông Cời cua
Ông Lùa chim / Ông Tìm sâu
Ông Xâu cá....

Rồi đến những câu chuyện : Thần Biển đội lốt một con rùa khổng lồ, chuyện ông Đực bà Cái (hay ông Đùng bà Đá, ông Cồ bà Cộc) đào sông xây núi, làm ra đất nước, chuyện mười hai Bà Mụ nặn ra giống người, chuyện nữ thần Mặt trời và Mặt trăng cho loài người ánh sáng ban ngày và ban đêm, chuyện tu bổ lại các giống vật, chuyện chế tạo ra lúa và bông để cho loài người có cái ăn cái mặc, chuyện Nàng Bân và cơn rét tháng ba, chuyện ả Chức chàng Ngưu và những sợi tơ trời, chuyện chú Cuội ngồi gốc cây đa ở cung trăng...

GIA PHẢ HỌ NHÀ THẦN

Trong "gia phả" của họ nhà thần Việt cổ, có những câu chuyện về thần Sét, thần Nước, thần Gió, thần Mưa, thần Đất, thần Núi, thần Rắn, thần Lúa, thần Bếp, nữ thần Lửa (Bà Hoả), nữ thần nghề Mộc, những câu chuyện về anh Cường Bạo (tức là anh Na Á) gây sự với trời, chuyện Cóc kiện trời, chuyện Cá gáy hoá rồng, chuyện Nhện làm bộ hạ cho thần Bếp, chuyện thần Đất bị nguời đánh, chuyện con của thần Nước bị người đốt nhà, chuyện con gái của thần Nước lấy người đánh cá...

Những chủ đề có sẵn tự thời nguyên thuỷ xa xôi truyền đến thời Hùng Vương được trí tuệ, tình cảm và cuộc sống con người lúc này đã phát triển cao hơn, tô điểm và tái tạo, làm cho bớt vẻ thô thiển mà trở thành những thần thoại về nguồn gốc giống nòi, tổ tiên, về kỳ tích văn hoá và anh hùng văn hoá.

Hình ảnh và vai trò của con người ngày càng rõ nét. Đã đến lúc con người tìm cách giải thích sự nghiệp sáng tạo khai phá của chính mình và những vấn đề liên quan đến sự nghiệp ấy. Con người ca ngợi sức lao động cải tạo thiên nhiên của mình bằng cách tưởng tượng ra một hình tượng người khổng lồ có sức đào sông xây núi, dời non lấp biển. Bà Khổng lồ và ông Khổng lồ làm ra đất (núi) và nước (sông). Đất nước ấy có Chim và Thuồng luồng ở. Rồi Chim và Thuồng Luồng, vật tổ của người Việt cổ, được nhân cách hoá thành Mẹ Âu (Âu Cơ) và Bố Rồng (Lạc Long), đôi vợ chồng khổng lồ đã khai sáng lịch sử dân tộc, đẻ ra trăm trứng trong cùng một bọc nở thành trăm chàng trai khổng lồ xinh đẹp. Mẹ và Bố chia đều con đi ở miền núi, miền biển, thành ra đồng bào Thượng và Kinh bây giờ.

BỐ RỒNG VÀ MẸ ÂU. NHỮNG ANH HÙNG KHAI SÁNG VĂN HOÁ

Mẹ Âu dạy các con làm nương rẫy, trồng lúa ở ven núi, trồng mía trồng dâu ở ven sông, đào giếng, dệt vải, ép mật, thổi cơm, làm bánh. Bày cách làm ăn, truyền nghề khéo cho các con, mẹ Âu là mẹ của giống nòi, của đất nước và văn hoá Việt cổ.

Bố Rồng tiêu diệt những con quái vật Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh để cho nhân dân được yên ổn làm ăn. Bố là tượng trưng cho sức mạnh của cộng đồng Việt cổ đã chinh phục thiên nhiên và dựng nước trên miền trung du và đồng bằng, tượng trưng cho tinh thần dũng cảm và ý thức làm chủ đất nước của người Việt cổ. Mỗi khi gặp khó khăn họ gọi :"Bố ơi, về với chúng con !".

Người Thái có Ải Lậc Cậc, người Tày có Pú Lương Quân cũng là những anh hùng khổng lồ khai sáng đất nước và văn hoá. Đặc biệt người Mường còn giữ được áng sử thi Đẻ đất Đẻ nước gồm hơn một vạn câu tả lại nguồn gốc của đất, nước, con người và bản mường với một hệ thống thần thoại tương tự với hệ thống thần thoại Mẹ Âu, Bố Rồng (1).

 VUA HÙNG DỰNG NƯỚC VĂN LANG

Mười tám thế hệ thủ lĩnh bộ lạc Việt cổ, các vua Hùng cùng các mị (con gái), các lang (con trai) và các con rể đã cùng nhau cai quản đất Văn Lang gồm nhiều bộ lạc liên minh lại.

Truyền thuyết vùng đất tổ (Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình) đã kể lại cho chúng ta những câu chuyện đẹp đẽ về Chử Đồng, Mị Nương, Lang Liêu, An Tiêm...là những nhân vật có ý chí tự lực cao, tính tình hồn nhiên, tâm hồn phóng khoáng, thơ mộng, những người đã sáng tạo ra của cải làm giàu cho nền văn hoá Việt cổ : lúa nếp, dưa đỏ, bánh chưng, bánh giầy, bánh ót...

Cầm đầu liên minh các bộ lạc Việt cổ là vua Hùng, những người đã chuyển dần xã hội từ quyền mẹ sang quyền cha, những người đã cùng nhân dân giành được những chiến thắng lớn trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Chung quanh vùng đền Hùng thờ 18 thế hệ thủ lĩnh tối cao, người già còn kể cho chúng ta nghe những chuyện : vua Hùng chọn đất đóng đô, vua Hùng ra lệnh cho công chúa Bầu chém đầu con voi bất nghĩa, vua Hùng dạy dân cấy lúa, trồng kê, trồng khoai lang, rau kiệu, trầu cau, vua Hùng dạy dân săn bằng lưới, khuyến khích các mị nấu cơm thi, các lang làm bánh trái...Đó là hệ thống truyền thuyết về các vua Hùng (2)

Những kỳ tích chống lũ lụt để bảo vệ mùa màng và sinh mạng của nhân dân, kỳ tích chống ngoại xâm để bảo vệ địa bàn sinh tụ và đời sống độc lập của dân tộc thời dựng nước được kể lại trong hai hệ thống truyền thuyết khác chung quanh những hình tượng hào hùng, đẹp đẽ về ông Tản thắng giặc Nước và ông Dóng giết giặc Ân (3).

BẢN ANH HÙNG CA TRỊ THUỶ CỦA ÔNG TẢN (SƠN TINH)

Ông Tản qua trí tưởng tượng phóng đại của nhân dân, mang bóng dáng và tầm vóc của Ông Khổng lồ đào sông xây núi, đứng sừng sững trên đất nước trung du và đồng bằng mênh mông, bưng ngang những dòng lũ lớn từ Tây Bắc đổ xuống và ném đi cả những trái núi to nhất từ vùng Hoà Bình, Hà Tây đến Vĩnh Phúc, Phú Thọ, buộc sông Đà và sông Hồng ngoan ngoãn chảy về xuôi.

Trong bản anh hùng ca trị thuỷ đó, sức người, cọc gỗ, lưới sắt cùng tất cả những kết quả lao động và sáng tạo của con người Việt cổ đều chiến thắng thiên nhiên. Ông Tản, tượng trưng cho sức mạnh và tài trị thuỷ của nhân dân, đã quảy núi ngăn dòng, chặn đứng mũi tiến công ác liệt của thần Nước. Ông đã nâng cao mặt đất, cao lên dần, cao lên mãi luôn luôn ở trên mức nước. Ông hướng dẫn nhân dân gánh đất đắp đê, đan phên cạp bờ, bỏ đá làm kè, thả rong ven sông để chống lại sức công phá của nước. Nước đánh vỗ vào mặt trước, đánh úp vào mặt sau, từ sông Đà tới, từ sông Tích lên, từ sông Lô xuống, từ sông Thao về, nhưng ông Tản, với các bộ tướng : Tuấn Cương, Quế Hoa, Hiển và Sùng...cùng với nhân dân không mảy may nao núng, ai nấy đều dũng cảm và quyết chiến. Cuối cùng sau hàng tháng vật lộn, thần nước đã phải tháo chạy để lại xác chết của nhiều tên bộ hạ gian ác.

Trong việc trị thuỷ của ông Tản không những là sức mạnh chống lũ lụt mà còn là sức mạnh chống hạn hán, ông dạy dân đào ao, giếng, khơi mương, ngòi, tuới rau, nuôi cá, thả bèo ; ông còn chữa bệnh cứu dân, dạy dân làm ruộng, đi săn, đánh cá, làm lửa, làm nhà, đào giếng. Vợ ông là mị nương Ngọc Hoa thì giúp dân trồng dâu chăn tằm, dạy dân ươm tơ dệt lụa , tổ chức ngày hội rước những tấm lụa the đẹp nhất để hiến dâng vua Hùng.

Câu chuyện tranh chấp tình duyên giữa ông Tản (Sơn Tinh), Thuỷ Tinh, cũng là câu chuyện về những cuộc đua tài, đọ sức, thi sản phẩm quí : "voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao", thực chất là những cuộc trao đổi văn hoá giữa các bộ lạc đang tự nguyện gia nhập vào cộng đồng Việt cổ. Từ đó ông Tản đồng nhất với Sơn Tinh, một thần tượng tổng hợp sức mạnh của đất và núi mà người nguyên thuỷ đã hằng tín ngưỡng ở nhiều nơi. Ông Tản cũng tham gia vào công cuộc chống quân Thục để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ Văn Lang, bảo vệ công cuộc thiên di của những bộ tộc đi từ miền sông biển đến định cư chung quanh núi Ba Vì (Tản Viên) đối diện với Tam Đảo, 2 ngọn núi tượng trưng cho hùng khí thiêng liêng của lãnh thổ Việt cổ đang mở rộng về phía tây nam. Trong vùng đất oanh liệt chiến thắng giặc nước ấy, người Mường, người Thái, người Việt sống đoàn kết với nhau và cùng thờ chung ông Tản (4).

Ông Tản vừa là anh hùng xây dựng đất nước, vừa là anh hùng bảo vệ đất nước, với tầm vóc vũ trụ, với khí phách ngất trời, một hình tượng biểu hiện sắc nét bản lĩnh của dân tộc ta, cuộc sống và chiến đấu quyết liệt và lạc quan của nhân dân ta. Sức mạnh và niềm tin của Ông Tản chính là sức mạnh và niềm tin của người Việt cổ đã tạc vào sông núi.

NGƯỜI ANH HÙNG LÀNG DÓNG VÀ CHIẾN TRANH NHÂN DÂN

Bên cạnh hình tượng Mẹ Aâu, Bố Rồng, vua Hùng, Ông Tản, hình tượng Ông Dóng cũng mang tính chất kỳ vĩ nổi bật trong một hệ thống truyền thuyết về chiến tranh và những anh hùng trận mạc của thời kỳ dựng nước. Việc đoàn kết với nhau để chống lại một kẻ thù xâm lược chung lớn gấp bội, một đế quốc phong kiến mạnh nhất châu Á thời ấy đã trở thành vấn đề sống còn của nước Văn Lang. Phải đoàn kết thành một khối, phải lớn mạnh vượt bực để tiêu diệt quân thù.

Truyện Ông Dóng ban đầu vốn là câu chuyện về một anh hùng bộ lạc, về sau phát triển thành truyện anh hùng dân tộc. Người anh hùng làng Dóng, đứa con của một người đàn bà nghèo khổ và cô đơn, cũng là đứa con khổng lồ của nhân dân, mới 3 tuổi đã vụt lớn lên hơn mười trượng, tập trung sức mạnh và ý chí của nước Văn Lang quyết chiến thắng kẻ thù xâm lược để bảo vệ quyền sống độc lập tự do của giống nòi, của dân tộc. Tất cả mọi người, từ mẹ Dóng đến dân làng, từ làng chạ đến liên minh bộ tộc, những người làm ruộng, đánh cá, đi săn, thợ rèn, những em bé chăn trâu, các bô lão, các dũng sĩ nổi tiếng từ khắp mọi vùng của đất nước đều nghe theo tiếng nói đầu tiên của em bé Dóng : tiếng gọi thiêng liêng quyết tâm giết giặc cứu nước. Mọi sản phẩm của làng chạ và bộ tộc, từ mâm cơm nong cà đến bụi tre, khối sắt đều được đem ra đánh giặc. Phải sản xuất để phục vụ chiến đấu và chiến đấu chính là để bảo vệ sản xuất, bảo vệ những của cải quí báu đã có được sau bao nhiêu năm tháng vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt lũ lụt, hạn hán, rừng rậm, đầm lầy, thú dữ. Mọi địa điểm của miền trung du và đồng bằng, từ ruộng đồng, sông nước, đồi gò, cầu quán, con đường, cây đa, giếng nước, hồ ao, rừng tre, bãi cát, phiến đá...đều ghi dấu những bước đi của người anh hùng dân tộc và những kỳ tích của cuộc chiến tranh nhân dân. Và đỉnh núi Sóc liền dãy với Tam Đảo cao sánh đôi với Tản Viên (Ba Vì) - quê hương của ông Tản - đã trở thành bàn đạp để ông Dóng cưỡi ngựa sắt lấy đà bay vào cõi vô tận (5).

So với những Đam San, Xinh Nhã, chàng Trăng, nàng Han...trong kho tàng truyền thuyết anh hùng và trường ca anh hùng của các dân dộc miền núi anh em, truyện Ông Dóng thực sự là một bản anh hùng ca trong sáng tác văn hoá dân gian Việt cổ. Cậu bé khổng lồ giết giặc cứu nước đã được đồng hoá với Mưa Bão và Sấm Sét. Ông Đổng, Ông Dóng, Ông Đùng, Cơn Dông, Kẻ Đồng, cái Trống, Dóng trống, Tông beng (trống chiêng) ...đều liên quan với nhau cũng như sau này hội Dóng liên quan đến lễ cầu mưa, tết mưa dông. Làng Dóng (Phù Đổng) quê hương của anh hùng bộ lạc, xưa có thể là một trung tâm thờ sấm sét, mưa bão, thờ rồng, thờ trống sấm. Trống có quan hệ với sấm sét, dông bão ở trong lễ cầu mưa, có quan hệ với khí thế anh hùng của quần chúng và uy lực của thủ lĩnh trong lễ tục xuất trận của bộ lạc. Quan hệ ấy phản ánh quan hệ hiện thực giữa con người với tự nhiên ở trong sản xuất, cùng với lý tưởng chinh phục tự nhiên của con người, và quan hệ hiện thực của xã hội ở trong chiến tranh bộ lạc với ý chí bảo vệ bộ lạc của người Việt cổ (5).

HỆ THỐNG THẦN THOẠI VÀ SỬ CA VIỆT CỔ : NHỮNG TRANG ĐẦU TIÊN CỦA BẢN ANH HÙNG CA DÂN TỘC

Qua hệ thống thần thoại truyền thuyết từ Mẹ Âu, Bố Rồng đến Ông Tản, Ông Dóng, chúng ta thấy sáng tác dân gian đã phản ánh và đúc kết lịch sử cụ thể thành những hình tượng, biểu tượng rực rỡ, kỳ vĩ. Đó là một thứ "lịch sử thẩm mỹ" của thời dựng nước, một thứ lịch sử anh hùng ca bổ sung cho những trang sử sống động được khắc ghi lại trên trống đồng, thạp đồng.

Cũng như người Mường hiện nay còn diễn xướng các bản mo, người Tây Nguyên các bản khan, người Việt cổ đã diễn xướng các truyện kể và trường ca của mình dưới dạng một hệ thống thần thoại truyền thuyết mạch lạc, lấy quan hệ đất nước, giống nòi và bộ tộc làm trục cơ bản, lấy những nhân vật anh hùng khai sáng văn hoá và bảo vệ cộng đồng Việt cổ làm biểu tượng, lấy ý thức đoàn kết đấu tranh làm nội dung chính. Sau đây là bản giản lược hệ thống thần thoại và sử ca ấy :

Hệ thống thần thoại và truyền thuyết anh hùng ấy, hơn 1000 năm Bắc thuộc đã không xoá mờ nổi, đánh dấu một trình độ văn hoá tinh thần đã phát triển cao và ghi lại một chủ nghĩa nhân văn Việt cổ đặc sắc bao gồm tinh thần đoàn kết hợp quần, ý chí cần cù lao động sáng tạo và đấu tranh dũng cảm bất khuất, làm nên sức mạnh của ý thức dân tộc và tự hào dân tộc, một sức mạnh vĩ đại mà các thế hệ sau sẽ kế thừa và phát huy mãi lên đến những đỉnh cao vòi vọi trong bản anh hùng ca mấy nghìn năm chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Việt Nam.

________________________
(1)  Theo những nghiên cứu của Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Linh, Cao Huy Đỉnh, Phan Đăng Nhật...
(2)Truyền thuyết Hùng Vương, Nguyễn Khắc Xương, biên soạn, Chi Hội văn nghệ dân gian Vĩnh Phú xuất bản 1972.
(3)Truyền thuyết Sơn Tinh, Hà Kỉnh và Đoàn Công Hoạt biên soạn, Ty Văn hoá thông tin Hà Tây xuất bản 1973 ; Cao Huy Đỉnh, Người anh hùng làng Dóng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1969.
(4) Theo những nghiên cứu của Cao Huy Đỉnh, Đinh Gia Khanh.
(5) Cao Huy Đỉnh, Người anh hùng làng Dóng, sách đã dẫn.
. Mở đầu : Thời Đại Hùng Vương , Nghiên cứu khoa học và tự hào dân tộc
. Chương I : Từ trong mây mù huyền thoại đến hiện thực lịch sử
. Chương II : Hành hương về đất Tổ
. Chương III : Khơi nguồn truyền thống , Thống nhất và văn minh
. Chương IV : Đi tìm dấu vết một thời đại trên những di tích khảo cổ
. Chương V : Bên bờ sông Hồng, sông Mã : Chứng tích của nền văn hoá Đông Dơn rực rỡ
. Chương VI : Ngắm nghía và suy nghĩ về văn vật kỳ diệu của thời đại dựng nước : những chiếc trống đồng Đông Sơn
. Chương VII : Thiên nhiên thời đại dựng nước
. Chương VIII : Thăm lại làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm
. Chương IX : Cuộc sống đầm ấm của gia đình người Việt cổ
. Chương X : Nếp phong tục thuần phác cổ xưa 
. Chương XI : Hội làng thời Hùng Vương
. Chương XII : Những người nghệ sĩ tạo hình tài hoa
. Chương XIII : Thần thoại và truyền thuyết anh hùng Việt cổ
. Chương XIV : Tín ngưỡng và tư duy người xưa
. Chương XV : Khơi nguồn truyền thống thượng võ của dân tộc
. Chương XVI : Bản anh hùng ca dựng nước xây thành chống ngoại xâm của vua Thục An Dương Vương
. Chương XVII : Bà Trưng khởi nghĩa lập chiến công oanh liệt ngàn thu
. Chương XVIII : Lời tạm kết

      *** Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước qua hình vẽ trên Trống đồng ***