Trở về
thấy mình. . . như sương
 
Nhập Vào Xuân
Quách Giao
Sáng ngày mồng năm Tết năm Mậu Tý (thứ hai 11/2/2008) tôi được xem một chương trình văn hóa trên đài VHT 9. Đây là hình ảnh của một nữ nghệ sĩ ngưòi nước ngoài chuyên về thiết kế những ngôi vườn trong nhà và ngoài thiên nhiên. Công trình thiết kế rung động lòng tôi trong buổi đầu xuân. Cách trình bày và sự sáng tạo khiến tôi nhớ đến bạn tôi, người bạn mang trong tâm hồn nỗi khao khát đưa thiên nhiên vào cuộc sống và hướng tâm hồn vào hòa đồng với thiên nhiên. Người nghệ sĩ trong màn ảnh cũng giống như bạn tôi là đã trải qua một chứng bệnh nan y (chứng ung thư) mà bà đã vượt qua bệnh tật và trong một lần thiết kế bà đã đưa Phật giáo vào trong hệ thống trang hoàng. Cảnh quan của bà tuy có sự hiện diện của hình ảnh một đức Phật trầm tư song không dày đặc khói trầm tôn giáo mà phảng phất hương trầm thoảng trong những nét đẹp nghệ thuật trang trí đầy tính chất thiên nhiên. Người nữ nghệ sĩ này đã đưa những câu thơ vào khung cảnh vườn trên những nét đá lót đường chạy quanh vườn. Thật là thắm thiết biết bao khi tình người nghệ sĩ đã bộc lộ tài năng và tư tưởng qua các vật thể thiên nhiên. Xem xong, tôi thật sự xúc động và liền nhớ ngay đến bạn của tôi: Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tâm có bút hiệu là Lê Triều Phương.

Anh trưởng thành trong một gia đình nông dân. Thừa hưởng được đức tính chất phát chân thực của cha và sự thông minh lanh lẹ của mẹ. Về bản chất, anh là một người Việt Nam chân chất, hiếu học thông minh và chứa chan tình cảm. Anh được ra nước ngoài du học song tâm hồn vẫn còn nặng tình nghĩa với quê hương. Môn học của anh thủơ trước rất ít người theo đuổi vì cho rằng không có tiền đồ. Ngày xưa đi du học cốt về nước có một địa vị quan trọng. Không nằm trong chính quyền thì phải có một địa vị ngoài xã hội như là bác sĩ, luật sư v.v... Anh đã chọn lấy lâm nghiệp. Học đã khổ cực mà khi về nước thì lại phải đi xa vào những nơi thưa vắng bóng người, sống cùng chung với cỏ cây rừng rú.

Trong cuộc đời du học, anh gặp ít may mắn nhưng nhiều điều buồn tủi. Có khi nổi bật lên như một ngôi sao sáng và cũng có lúc bị dìm xuống hố thẳm, trôi nổi như cánh bèo trên dòng lũ. Tất cả đều là những kinh nghiệm giúp anh trưởng thành và ngẩng cao đầu trong nếp sống của người trí thức Việt Nam nơi hải ngoại.

Bạn bè của anh thì nhiều song tâm đắc duy nhất chỉ có ba người: Trúc Như, Tùng Phong và Phong Hương. Trúc Như vừa là bạn vừa là anh rể. Trúc Như là người thân từ thuở còn là học sinh trung học và sau này là bạn "tháp tùng" cùng Triều Phương đi giảng dạy, hội nghị khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Những ngày cuối cùng của Triều Phương, Trúc Như luôn luôn có mặt mặc dù vợ là chị của Triều Phương đang bị tai biến mạch máu não. Giờ phút lâm chung, Trúc Như là người vuốt mắt cho Triều Phương. Viết về người bạn thân Trúc Như có đoạn:

"Tư chất của Lê Triều Phương có thể tóm tắt qua mấy từ: hiền hòa, trung hiếu, thông minh, nhẫn nhục, quả cảm và vị tha.
Tất cả những ai đã sống với Lê đều yêu quí nhà thơ, nhà khoa học nầy.
Khi còn thời niên thiếu được mẹ chăm lo việc học tập chàng trở thành một học sinh thông minh gương mẫu."
Trong cuộc đời tình ái anh cũng sống đam mê như những chàng trai hào hoa khác song toàn là những chiếc pháo bông rực rỡ một giây phút rồi lại trở về với hư không. Chỉ còn một mối tình duy nhất còn lại vĩnh viễn với người vợ hiền sống đầy hy sinh và tận tụy. Cuối cuộc đời, anh mang một chứng bệnh nan y : ung thư ruột và gan .

Vì sống ở nước ngoài nên căn bệnh của anh được điều trị rất căn bản và đầy đủ. Song ngành Tây y vẫn phải bó tay trước bệnh ung thư. Đã từng được giải phẩu nhiều lần, dùng rất nhiều thuốc đặc trị song y khoa đành khoanh tay bất lực.

* *

(<- trang trước)  /  (-> trang sau)