Trở về
thấy mình. . . như sương
 
Bạn viết Về Quách Tấn
Quách Giao
Lê Triều Phương là học trò của nhà thơ Quách Tấn niên học 1955-56 tại trường Trung học tư thục Kim Yến. Triều Phương không những học ở trường mà còn học thêm tại tư gia vì anh quen thân với tôi cho nên anh và nhà thơ Trúc Như thường hay có mặt tại nhà tôi và thường được nghe ba tôi giảng dạy về thơ văn.

Tuy sau này du học ở nước ngoài, lòng anh vẫn luôn luôn nhớ về người thầy đáng yêu kính này. Anh có nhiều bài viết về thầy:

Về tình yêu thiên nhiên anh Lê Triều Phương đã đặt tâm hồn mình trong công việc đọc và viết về nhà thơ Quách Tấn, vị thầy mà bạn tôi rất mến yêu và tôn kính. Phương đã cảm nhận được trong thơ văn của thầy những tinh chất đậm về thiên nhiên và những gì mình nghiên cứu nhiều năm đều có trong suy tưởng của văn thơ Quách Tấn. Lê Triều Phương đã có nhiều bài viết về Quách Tấn và thiên nhiên.

Như bình một bài thơ của thầy:

Đà Lạt Đêm Sương

Bóng trăng lóng lánh mặt hồ êm
Thời khắc theo nhau lải rải chìm
Đứng tựa non sao bờ suối ngọc
Hồn say dìu dịu mộng êm êm.

Một làn sương bạc bổng từ mô
Lẻn cuốn vầng trăng cuốn mặt hồ
Cuốn cả non cao bờ suối ngọc
Người lơ lửng đứng giữa hư vô.

Trời đất tan ra thành thuỷ tinh
Một bàn tay ngọc đẫm hương trinh
Âm thầm mơn trớn bên đôi má
Hơi mát đê mê chạy khắp mình.

(Một Tấm Lòng, thơ Quách Tấn)
Anh viết: Với ba khổ thơ thi nhân đưa người đọc vào quá trình biến chuyển của không gian, thời gian và xúc cảm của kẻ thưởng ngoạn cảnh hồ dưới ánh trăng trong đêm sương. Thi nhân dẫn người đọc đi từ cảnh thực đầy màu sắc vào cõi mộng say say (khổ 1) rồi tiến vào thế giới mờ ảo mênh mang không còn gì để bám tựa, mộng cũng tan mà thực cũng tan, chỉ còn một bóng người giữa hư vô (khổ 2); Cuối cùng thi nhân kéo ta qua thế giới mộng -- một màu trong suốt: con người thực, tận hưởng hạnh phúc của cõi thiên thai (khổ 3).

Mạch tứ về không gian, thời gian và cảm giác vận chuyển trong mạng lưới tương quan tương sinh, thực thực hư hư. Trong đó kẻ thưởng cảnh không một giây phút nào tan lẫn vào cái hư hư thực thực -- nghĩa là thần trí luôn luôn tỉnh táo và thực tại.

Khách thưởng cảnh đã đi theo thời gian từng giây từng phút, từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, để hưởng thụ vẻ đẹp và mọi hiện tượng kỳ ảo của thiên nhiên. Giữa hư vô vẫn trụ được, vẫn nhận thức rằng mình "đứng". Khi đất Trời tan ra thành một khối trong suốt vẫn cảm nhận được tác động của hơi mát từ ngoài lên đôi má và khắp cơ thể.

Âm thầm mơn trớn bên đôi má
Hơi mát đê mê chạy khắp mình.

Toàn bài thơ toát ra vẻ đẹp diễm lệ, kỳ ảo và sự thưởng thức say mê tuyệt vời tới tâm trạng ngạc nhiên không có dấu vết cô đơn, lạnh lẽo.

Khổ thơ đầu dựng lên một không gian thanh tịnh tráng lệ: hồ và trăng đã trang điểm và làm tăng vẻ đẹp cho nhau:

Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im
Chất trong và yên tĩnh của hồ đã quyến rũ trăng đến soi mình và xuống tắm. Ánh sáng làm cho khuôn trăng dưới nước và trên trời càng long lanh. Ngược lại ánh trăng long lanh đã làm cho mặt thoáng của hồ rỡ sáng, thơ mộng. Nhà thơ tận hưởng từng giây từng phút cảnh sắc kỳ diệu, mênh mông, thơ mộng ấy với cảm quan và tỉnh thức của mình. Vì vậy nhà thơ thấy được từng đơn vị thời gian đi qua. Nhà thơ đã níu thời gian chậm bước để mong kéo dài thời khắc hưởng thụ vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên. Và trong khung cảnh huyền ảo ấy, thời gian đã chiều theo ước muốn của thi nhân nên dừng lại và hiện thành một hữu thể có mắt có tình.

Thời khắc cũng không những chiều lòng thi nhân mà thôi, mà đã trở thành một "kẻ ngắm cảnh" để cùng thi nhân ngắm cảnh, trong cảnh ấy chính thi nhân lại trở thành một bóng hình thầm lặng đứng "tựa non sao" bên "bờ suối ngọc" say sưa chìm đắm trong "bóng trăng lóng lánh mặt hồ im". Thơ mộng làm sao! Sao trời như rơi xuống biến thành núi non cho thi nhân thoải mái tựa mình. Sông Ngân đã rời bỏ vũ trụ, tuôn thành dòng suối ngọc rung rinh ru mơ cho thi nhân.

Vẻ đẹp của đất trời tụ về quây quần chung quanh thi nhân, hoá hiện thành một cõi lung linh diễm huyền.

Đứng tựa non sao bờ suối ngọc
Từng thời lượng dừng lại không trôi nữa và đưa mình hoà vào cảnh sắc siêu ảo. Trời đất, con người hoà nhập vào nhau thành một cõi thơ mộng: xúc cảm, tâm tư đều chìm trong ngất ngây.
Thời khắc theo nhau lải rải chìm.
Trong cơn ngây ngất ấy bỗng hiện ra một làn sương bạc.
Một làn sương bạc bỗng từ mô...

Làn sương đến đột ngột trong lúc hồn say dìu dịu mộng êm êm: chưa kịp tỉnh, chưa kịp định hướng, chưa kịp nghĩ ngợi thì làn sương đã kín đáo cuốn cả đất trời một cách nhanh chóng - Cuốn vầng trăng, cuốn mặt hồ, cuốn cả non sao, cuốn bờ suối ngọc.

Vừa mới nhìn vào một đối tượng...thì chớp nhoáng đối tượng ấy đã bị cuốn đi mất!

Khi mọi đối tượng (ngoại cảnh) mất sạch hết không còn gì để nhìn để thấy, nhà thơ chợt thấy lại con người bằng cái nhìn tự nó (khổ 2).

Trạng từ "bỗng" (câu 1) và động từ "đứng" (câu 4)
Một làn sương bạc bỗng từ mô...
Người lơ lửng đứng giữa hư vô
tác động lẫn nhau cho thấy một hữu thể vừa thức tỉnh vừa trụ vững trước mọi biến dịch.

Sự tỉnh thức ấy đã giúp thi nhân cảm nhận ngay một cách trọn vẹn những hiện tượng đột biến của đất trời.

Trời đất tan ra thành thuỷ tinh
Ôi mọi vẻ đẹp mênh mông lai láng... Trăng long lanh, mặt hồ im, non sao, suối ngọc đã hoà tan thành một chất liệu nhất thể trong suốt uyên nguyên.

Nó như một làn tơ nhẹ dâng hiến tặng cho mình, hoàn toàn riêng cho mình... Thần tiên thú vị đến lịm người.

Hơi mát đê mê chạy khắp mình.
Thi nhân đứng một mình trước vũ trụ mênh mông song không thấy cô đơn, chơi vơi. Thi nhân đã để cho giác quan của mình chan hoà vào các hiện tượng đang chuyển đổi của đất trời, đồng thời giữ nguyên vẹn sự tỉnh thức của con người đang thưởng ngoạn.

Vẫn "đứng" tựa non sao, vẫn "đứng" giữa hư vô mà theo dõi cảm giác lan truyền lên "đôi " và "chạy khắp mình".

Thật tuyệt vời! Con người thường mong được hoà nhập, trầm lắng vào thiên nhiên và suối nguồn của vạn vật. Ở Quách Tấn trong "Đà Lạt Đêm Sương", tất cả những vẻ đẹp diễm ảo lung linh trong suốt đã hội tụ vây quanh thi nhân.

Hai bên cùng nhìn ngắm nhau trong ánh mắt, con tim và tỉnh thức.

Vậy còn gì đâu để đặt vấn đề hoà điệu hay hoà nhập, đâu còn vấn đề tri thức "nhất nguyên" hay "nhị nguyên".

Lê Triều Phương (Trích Hương Thơ Quách Tấn)


* Nói Về Hoa

Bông hoa không có ngôn ngữ để tự nói về mình. Song hương sắc và dáng vẻ của nó đã truyền ra làn sóng giao cảm đến người nhận. Người nhận tuỳ theo tầng số cảm nhận riêng của mình mà cảm thụ, sinh ra sự yêu thích hoặc dửng dưng, không ghi nhận (vô ký) và tặng chúng tên, rồi họ, chủng loại v. v...Con người, tuỳ theo nơi sinh trưởng, châu lục và truyền thống tập tục đã cho chúng những ý nghĩa. Đặc biệt trong giới nghệ sĩ đã xem hoa như là tri kỷ, như là giai nhân đã làm tươi đẹp cho cuộc đời.

Nhà thơ Quách Tấn đã trân trọng đưa hoa vào thơ của ông, thi nhân đã ấp ủ tấm lòng yêu thương hoa chẳng những trong thơ mà còn trong văn nữa.

Trước tiên ông là một nhà thơ duy nhất đã dùng thơ để giới thiệu các loài hoa cùng với các em thiếu nhi trong một bài thơ tứ ngôn có nhan đề là Hoa Bốn Mùa. Mở đầu cho mùa Xuân là hoa Cẩm Nhung với sắc màu rực rỡ, rồi đến hoa Hồng Hạnh, hoa Thược Dược, hoa Đào, hoa Mẫu Đơn, hoa Lý, hoa Tường Vi, hoa Quỳ, hoa Hải Đường rồi đến hoa Lan, và ngày Xuân sắp tàn thì hoa Trà My chớm nở. Khi mùa Hè sang thì có ba loài hoa mang ba màu sắc: Hoa Lựu nhen lửa, Hoa Ngâu rắc vàng, hoa Lài trải ngọc, đón mùa Hè sang. Tuy nhiên có một loài hoa thanh cao nhất đã nở trong mùa Hè:

Dưới đầm sen mọc
Người quân tử ơi
Hương ngát phương Trời
Sắc hồng mặt nước
Gấm không bì được
Thương vợ chàng Ngâu

Hoa sen thường được ví với người quân tử vì:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhuỵ vàng
Nhuỵ vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

(Ca dao)

Sen chẳng những thanh cao mà còn rực rỡ đến độ vợ chàng Ngưu lang, con vua Trời, phải ghen tức vì gấm của nàng dệt không đẹp bằng sắc hồng của hoa sen.

Rồi mùa Thu sang, hoa Lau trên đồi cao, bên dòng sông vắng đều trổ cờ lau màu bạc trắng. Hoa Lau tuy không sắc không hương song lại là một bông hoa đi liền với thuở ấu thơ của vị anh hùng Đinh Bộ Lĩnh, với sông Lô trường ca (lô là lau). Từ màu trắng bạt ngàn của hoa Lau đến hương hoa Sữa ngan ngát theo hương thoảng bay để làm cho lòng khách đắm say, để nhớ về một hồ Gươm Hà Nội. Mùa thu là mùa của sắc vàng trong cảnh lá vàng rơi rụng còn có một màu vàng nở trong sương: đó là vườn hoa Cúc:

Vàng ươm lác đác
Cành sương xao xác
Chồi cúc đơm hương
Nét Cúc tuy buồn
Lòng Cúc vẫn đượm
Nắng xuân không tưởng
Ngại gì lạnh thu.

Tả hoa Cúc đến như thế thì thật tuyệt diệu. Tại sao lòng Cúc vẫn đượm là vì bên cạnh hoa Cúc còn có một danh nhân đã từ quan về sống một cuộc đời đạm bạc thanh nhã bên cạnh vườn hoa Cúc . Đó là ông Bành Trạch. Tên thật là Đào Tiềm hiệu là Uyên Minh, là một cao sĩ đời Tấn, từ quan về quê sống một đời sống an nhàn. Vườn nhà trồng đầy Cúc, thường ngồi trước giậu tâm tình với Cúc. Trong bài Ẩm Tửu họ Đào có câu:

Thái cúc đông ly hạ
Du nhiên kiến Nam san

Nghĩa là:

Hái cúc dưới rào đông
Nam sơn nhìn thoải mái.

Rồi mùa Đông sang. Trong khi các loài hoa khác tàn rụng trong mưa gió mùa đông thì hoa Mai đã ươm nụ đón xuân và có nơi lại nở trong giá lạnh mùa đông. Mai là giống hoa cảm thụ khí dương trước nhất. Cho nên qua tiết Đông chí là nảy nụ đâm bông. Các thi nhân thường nói cùng nhau: Mai biết có xuân trong lúc tuyết sương đương thạnh và lúc trăm hoa còn đang sợ sương tuyết, Mai đã dám lộ diện chào xuân, bởi thế Mai bị kết tội là "tiết lộ xuân quang"

Duyên Mai còn nhắc đến câu chuyện chàng Triệu Sư Hùng nơi núi La Phù, trú đêm trong một quán vắng đã gặp được giai nhân cùng uống rượu nghe nhạc ngâm thơ và ngủ say khi tỉnh giấc thấy mình nằm ngủ Dưới gốc Mai đang nở thạnh trên cành có con chim xanh đang hót líu lo.

Và nhà thơ đã kết luận:

Hoa trong bốn mùa
Hoa Mai tuyệt phẩm

Trong các tập thơ đã và chưa xuất bản của nhà thơ có trên vài trăm bài thơ nói đến hoa, liên quan đến hoa. Ví dụ:

Trong Một Tấm Lòng:

Biển Hồ sen nở gió thơm tho (Qua Phú Yên tức cảnh)

Hoa cỏ vẽ vời tranh thuỷ mạc (Phong cảnh Đà Lạt)

Bên luống cúc già vầy bạn cũ (Túp lều tranh )

Và hai bài thơ Yêu Hoa và Vịnh Cây Hồng Mai ở Đà Lạt v.v..

Trong Mùa Cổ Điển:

Hương chập chờn bay khóm trúc đào (Gió Khuya)

Cành gió hương xao hoa tỷ muội (Chiều xuân )

Đưa nhẹ đêm theo cánh Hải đường (Đêm thu )

Cúc vẩn vơ hồn ngọn gió hương (Chiều xuân )

Lòng nương tiếng địch bến vi lô (Một buổi trưa mùa thu )

Đưa nhau nước biếc trổ phù dung

Rụng mấy mùa hoa bổng tái phùng (Đêm tái phùng )

Hoa dại vấn vương tình nẻo quạnh (Hồi cư )

Hiu hắt vườn quê một nhánh Mai (Vườn quê ) v.v...

Trong Đọng Bóng Chiều:

Thược dược gíó bay màu tuý vũ
Hải đường sương tỉnh giấc xuân tiêu (Xuân quạnh )

Tương tư một giấc mờ phương hướng
Đông mỏi rồi Tây khóm cúc quỳ (Mong đợi )

Sân hoa phay pháy mưa hoàng cúc (Đối cảnh )

Hoa đào duyên gởi theo dòng bích
Hương lạnh lùng trôi bóng cố nhân (Theo dòng )

Xưa tiết đào hoa mắt tiển người
Gặp người nay cũng tiết đào rơi
Bên hoa gượng nén lòng sau trước
Ngỡ cánh đào rơi giọt lệ rơi ( Nén lòng )

Ba luống tường vi cánh nõn nà
Mai vàng một khóm mấy tầng hoa
Bao phen gói gém hương vườn cũ
Em mãi chưa về bạn ở xa (Hương vườn cũ )

Ngoài ra còn các bài Giếng cúc, Sân mận, Bên trúc, Bóng mơ, Lặng lẽ, Tỉnh toạ, Cảnh đâu v.v..

Trong Mộng Ngân Sơn:

Sông dồn hơi gió lạnh
Bờ hút bóng lau sưa (Chiều tiễn biệt )

Vội vàng xô gối dậy
Đầy thềm hoa tử kinh (Nhớ em )

Lưng tường chiều trải nắng
Tươi thắm màu ti gôn (Thái Bình )

Thấp thoáng ngoài sân mận
Mưa hoa dệt nắng hường (Dừng bút )

Phảng phất bờ trăng rạng
Hương Ưu đàm trổ bông ( Thoáng hiện )

Vườn xưa muôn cách trở
Phảng phất mùi hoa cau (Mùi hoa cau )

Và rất nhiều bài như: Xuân về cố hương, Vườn hồng, Tựa ngõ, Chi Xiết, Giếng hương, Bóng chiều xưa, Hồ trưa, v.v...

Trong Giọt Trăng

Ao phù dung rụng thắm
Nước gợn vòng âm thanh (Bên ao )

Sân lài hoa nở trắng
Tiếng dế dịu dàng sương (Hoa nở trắng )

Nghiêng nghiêng giàn nắng hạ
Hoa mướp trải huỳnh kim (Màu trưa )

Sụt sùi hoa khế rụng
Đêm rựng ánh bình minh ( Trong sương )

Hoa quỳnh sống nửa đêm
Hoa phù dung một tối (Mài còn )

Hoa đèn xanh án kệ
Hương thắm dặm hoàng Mai (Cài trúc )

Thương bướm bay tìm mộng
Hoa sứ vàng nở trưa (Sân trưa )

Và nhiều bài thơ khác như Lòng giếng thẳm, Nụ hương, Say nắng, Bên giàn mướp, Tình Hoa, Khuya vắng, Chốn ẩn...

Trong Trăng Hoàng Hôn

Mưa rồi Trời lại thêm trong
Dàn hoa thiên lý bướm ong dập dìu (Tạnh mưa)

Ngồi nhen bếp lửa sưởi hồng
Hoa thơm mấy nụ nở hồng trong sương (Nở hồng)

Canh chầy lòng biết gởi ai
Sân trăng nhìn cúc tháng hai ngậm ngùi (Cúc tháng hai)

Nâng lòng đón ánh tà huy
Vườn quê nghĩ khóm hoa quỳ mà thương (Hoa quỳ)

Hoa sâm đầy giếng nở hồng
Trời mai nắng sưởi giấc nồng song thu (Nửa tin)

Ao nhà một giấc ngủ say
Bình minh trở dậy thuyền đầy gió sen (Gió sen)

Chùa xa vừa tạnh giọt đồng
Tường vi nén lệ nở hồng bình minh (Vừa tạnh)

Đầy Trời lá rụng sương bay
Vườn quê một khóm Mai gầy nở hương (Vườn quê)

Hoa không ấm cật no lòng
Người trồng dâu lúa ta trồng hoa thơm
Khi đời ấm áo no cơm
Hái năm ba nhánh vào đơm lục bình (Trồng hoa)

Hoa trong thi phẩm của nhà thơ Quách Tấn hầu như mang tâm hồn và tình cảm của tác giả. Hoa đẹp và rực rỡ trong Một Tấm Lòng, Mùa Cổ điển, đằm thắm trong Đọng Bóng Chiều, Mông Ngân Sơn, Giọt Trăng và não nùng trong Trăng Hoàng Hôn. Trong các tập thơ chưa xuất bản lòng hoa cũng phơn phớt ánh hoàng hôn. Lúc trẻ hoa là bạn, khi về già hoa là tri âm để người thơ gởi gắm niềm tâm sự. Cho nên Quách Tấn thường nói đến hoa là nói đến tình cảm của mình. Thi sĩ đã xem thiên nhiên cây cỏ, hoa lá đều là những sinh vật đáng yêu trong cuộc sống thi văn của ông. Quan niệm về văn chương của ông đã bộc lộ rõ ràng trong bài thơ Trồng Hoa.

Trong các tác phẩm văn, Quách Tấn đã có nhiều chương tả về hoa trong Nước Non Bình Định, Xứ Trầm Hương. Bao giờ tác giả cũng đặt tâm hồn và tấm lòng của mình vào cảnh vật nên tác giả đã gợi cảm thành công cho người đọc. Trong các tập Thi thoại, nhiều chương dài đến gần 50 trang tác giả cũng đã đề cập đến các loài hoa trong thơ văn của các tiền nhân Trung quốc và Việt Nam. Các chương viết này gói trọn những tình ý của tác giả đối với thiên nhiên nhất là đối với các loài hoa.

Hoa cũng là biểu tượng, là sắc đẹp của nữ giới, về cái mong manh chóng tàn.

Về sắc đẹp thì hoa Thược dược đong đưa trước gió như mỹ nhân mặc xiêm hồng múa trước tiệc, hoa Hải đường như gương mặt người đẹp Dương quý phi vừa mới ngủ dậy Dưới mắt Đường Minh hoàng:

Thược dược gió bay màu tuý vũ
Hải đường sương tỉnh giấc xuân tiêu

Và:

Hoa quỳnh sống nửa đêm
Hoa phù dung một buổi
Nghìn trước nối nghìn sau
Mắt nhìn nhau một tối

(Mãi còn)


Đem so sánh cái đẹp của hoa quỳnh chỉ nở giữa đêm và hoa phù dung chỉ nở có một ban mai rồi rụng hồng trên sắc nước với ánh mắt nhìn nhau một tối. Ba cảnh đều đẹp, đều ngắn ngủi, đều mong manh. Nhưng nó mãi còn vì quý hiếm, vì cô đọng.

Tuỳ theo màu sắc mà người đời tặng cho hoa nhiều biểu tượng khác nhau:

Màu đỏ được gắn liền với máu, với con tim, với tình cảm sôi động, nồng nàn:

Lưng tường chiều trải nắng
Tươi thắm màu ti gôn.
(Thái bình, Mộng Ngân Sơn)

Hoa ti gôn mang hình dạng trái tim và sắc màu hồng. Đó là hoa biểu tượng cho tình yêu cho sự nồng thắm cho sự tươi đẹp của thiên nhiên.

Màu vàng chỉ sự chói lọi, chỉ nét vương giả và theo đạo Lão thì đó là đó là biểu tượng của đời sống tinh thần cao cả tinh khiết. Dưới mắt nhà thơ Quách Tấn màu vàng của hoa cúc làm ấm áp tình mưa thu:

Sân hoa phay pháy mưa hoàng cúc
Thuyền cỏ hiu hiu gió Bích đầm.

làm dịu dàng cho buổi "Đưa nhau":

Nắng chiều nhuộm thắm ngàn mây
Lưng đồi hoa nở vàng tay ai về.

Màu trắng biểu tượng cho sự trinh trắng, tinh khiết ;

Ao muống hoa thu nở trắng bờ
Lay màn sương sớm bướm lơ thơ

Một cảnh sáng mùa thu ở thôn quê vừa êm đềm vừa thơ mộng: hoa rau muống trắng trong sương với bướm và với cô thôn nữ.

Một buổi chiều hiu quạnh:

Sân lài hoa nở trắng
Tiếng dế dịu dàng sương

Ở đây hoa lài cũng nở trong sương song đã cùng với tiếng dế gây nên:

Man mác nghìn xưa đọng
Cành trăng đôi bóng hương.

Màu trắng trong thơ Quách Tấn không gợi đến sự chết chóc tang tóc như người thế nhân thường tưởng.

Màu trắng của hoa mận là màu trắng của tình bạn, màu trắng của sự đoàn viên của tình cố viên v.v..

Vườn mận hoa trải sương
Theo xuân về cố hương

Vào thời Romantic ở châu Âu, hoa màu xanh dương trở thành biểu tượng của sự "nhớ nhung sâu thẳm" (Tieek 1798), hoa toả ra màu sắc kỳ bí, làm cho giới văn nghệ sĩ say đắm mơ mộng và thúc đẩy họ đi dạo để thu nhận vào nội tâm hoà nhập vào màu sắc mơ mộng kỳ bí ấy (hoặc nói một cách khác hơn là để nội tâm hoà nhập vào màu sắc mơ mộng kỳ bí ấy).

Hoa màu xanh dương trở thành biểu tượng trung tâm của trường phái Romantic. Với màu xanh ấy, con người liên tưởng rằng sự "nhớ nhung vô biên" như màu Trời thẳm xanh vô tận, siêu vượt qua không gian không biên giới. Thời gian và không gian không còn hiện hữu nữa và tất cả mọi xa cách dầu ở chốn muôn trùng cũng đều hợp nhất.

Hoa xanh dương đã là biểu tượng của cái đẹp và sự hoà hợp và cũng là sự biểu tượng cuả sự lên đường tìm về sự giải toả nỗi nhớ nhung. Từ đó, nó cũng là biểu tượng của niềm hạnh phúc riêng tư, niềm hạnh phúc của cuộc sống.

Vì thời gian và không gian không còn hiện hữu trong tâm cảm các nhà Romantic, cho nên cái nhìn lui về quá khứ hoặc nhìn về tương lai đều đến cùng một lúc.

Trong thơ Quách Tấn không có màu xanh dương Romantic nhưng lại có màu xanh hoa đèn của sầu nhớ, của cô đơn...

Hoa đèn xanh án kệ
Hương thắm dặm hoàng mai.

Quách Tấn đã nâng hoa đèn từ một tĩnh vật lên một cấp bậc cao có tâm hồn có, hương sắc. Màu xanh của hoa đèn có thật, nó đã gây nhớ nhung cho tác giả và nó đã gây hương nhớ để nhà thơ nối nhịp với Mai vàng ở nơi xa xăm. Hình ảnh hoa đèn không còn là lãng mạn mà trở thành siêu thực, trở thành Nội tâm của người thơ.

Quách Tấn cũng như các nhà thơ phương Đông đều yêu thích hoa đều xem hoa như một người đẹp đáng yêu chìu. Tuy nhiên Quách Tấn cũng khác với nhiều nhà thơ Trung hoa là ngoài các hoa có danh như Thược dược, Hồng hạnh, Hải đường, Tường vi, Mai, Cúc v.v..Quách Tấn còn có rất nhiều hoa đồng quê trong thơ như hoa rau muống, hoa cà, hoa mướp, hoa dú dẻ, hoa sâm, hoa súng, hoa sim v.v..Hoa nào cũng đượm tình với nhà thơ cũng là một niềm thương cảnh mến .

Đối với hoa nhà thơ bao giờ cũng:

Thương hoa không nỡ hái
Hoa rụng lòng thêm thương
Vén cỏ chiêu hồn lại
Ngàn xanh hiu gió sương.

(Tình hoa)
Trong việc tặng hoa, cắm hoa để trang trí dần dà trở thành một nghệ thuật và cũng phát sinh ra trường phái khác nhau. Đặc biệt là lối cắm hoa Ikebana của Nhật đã trở thành một nghệ thuật tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ lan rộng khắp thế giới. Cơ bản của nghệ thuật này là sự hợp nhất hài hoà giữa Thiên (trời) Nhân (người) và Địa (đất) mà con người là trung tâm điểm. Tựu trung hoa mang biểu tượng đa dạng cho sự hoà hợp giữa trời, người và đất, cho vẽ đẹp, cho hy vọng, cho tình yêu, cho sự đắm say nồng nàn cho sự trinh bạch, trong trắng, cho sự trung thành, cho sự khiêm tốn, cho thiên đàng, cho sự chết. Trong các tập thi thoại của Quách Tấn viết về thơ, Quách Tấn cũng đã có nhiều bài viết về hoa có sự liên hệ với đất với trời và với con người.

Trong đạo Phật, hoa cũng là biểu tượng của vẻ đẹp, sự tinh khiết và sự giác ngộ như hoa Sen là một. Với hoa Sen, Quách Tấn đem chan hoà cùng với thiên nhiên để làm đẹp cho cuộc đời:

Chung lòng sen nở trắng
Con chàng hiu lưng xanh.

Ôi! Nhà thơ đã đặt một sinh vật nhỏ bé vào trong lòng hoa sen để kết hợp sự hài hoà của vũ trụ, sự bình đẳng giữa muôn loài.

Theo nhà thơ, hoa Sen không dành riêng cho một ai vì:

Ao nhà một giấc ngủ say
Bình minh trở dậy thuyền đầy gió sen

Hương sen có thể là ở trong ao nhà song cũng có thể là ở phương xa nhờ gió thổi về trong buổi sáng tinh sương. Nói đến Sen nhà thơ thường nhắc đến hương nhiều hơn sắc:

Duyên trần thơ đã mỏi
Hương thoảng gió liên trì.

Hương của hoa cũng kích thích khứu giác và tạo nhiều cảm nhận khác nhau. Từ dịu dàng, ngòn ngọt, đến gay gay, đăng đắng, đến nồng nàn khó chịu, ngạt thở (như hoa sửa đối với người dị ứng). Ngoài ra hương hoa đôi khi nhẹ nhàng phơi phới, thoang thoảng tình xưa . . .

Cho nên dù hoa có tàn, hương có nhạt Quách Tấn, người thơ yêu hoa vẫn một lòng với tình hoa:

Yêu hoa yêu cả một đời
Khi phong nhuỵ thắm khi cười gió đông
Khi trăng xế khi trăng lồng
Khi đà lợt phấn phai hồng càng yêu.

(Yêu hoa)


Lê Triều Phương (Trong Quách Tấn: Thiên Nhiên và quê hương)

* Hoa Dâng Tặng

Vợ chồng chúng tôi yêu hoa vì đó là một "kỳ quan" trong thiên nhiên. Chúng có màu sắc, hương và cấu trúc hình học đa dạng và hấp dẫn.

Chúng tôi ít chú ý đến biểu tượng sẳn có của hoa và nhiều khi khó khăn khi đi mua hoa để tặng. Thường thì mua một bó nhiều loại, nhiều màu, một bó hoa "trung tính". Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu khi gặp một trường hợp tế nhị là tôi có một người bạn về nhà sau khi mổ ung thư có dạng di căn. Chúng tôi chọn mua một bó hoa lys màu trắng muốt tươi đẹp và đến thăm. Người vợ tỏ vẻ buồn bả ! Đối với bà, đó là một loại hoa "chúc người bệnh chóng qua bên kia thế giới". Anh bạn rất tế nhị, không trách cứ gì, chỉ bảo riêng người vợ đem hoa cắm ngoài nghĩa trang gần nhà. Sau đó vì nghĩ rằng chúng tôi không biết về biểu tượng và tập tục của hoa nên đã kể lại cảm nghĩ của mình cho chúng tôi nghe và khuyên nên học một số biểu tượng thông dụng của một vài loài hoa. Mỗi lần nghĩ đến loài hoa lys trắng tinh của bó hoa tặng bạn sau khi mổ ung thư trỡ về nhà, lòng chúng tôi luôn luôn áy náy "ân hận" dầu chủ tâm của chúng tôi là tốt. Loài hoa ấy đắt tiền vì rất hiếm, màu trắng làm cho chúng tôi cảm nhận được sự tinh khiết. Nhưng khi được giải thích là theo truyền thống thì loại hoa đó là một loài hoa chỉ dùng để dâng cho người chết mà ở trường hợp này là loại hoa "khai tử" cho một người bị bệnh đang lành.

Hy vọng, thất vọng, hạnh phúc, đau khổ, đoàn tụ, ly cách,...tất cả là những mặt mâu thuẫn của cuộc đời - cuộc đời vô tận, cuộc đời vô thường, cuộc đời an vui, cụôc đời hạnh phúc, cuộc đời đau khổ. Vậy hoa chẳng là một biểu tượng "vĩnh hằng" về mối quan hệ và kinh nghiệm của con người đó sao !

Chúng tôi yêu hoa, như đã nói, vì hoa là một kỳ quan của thiên nhiên, thường truyền cho chúng tôi những giao cảm đẹp. Chúng tôi trồng mươi loại hoa trong vườn, không nhất thiết là các loại hoa quý, ngoài 9 loại hồng có tên tuổi và màu sắc, dáng vẻ đặc biệt. Chúng tôi bắt chước nhà thơ Quách Tấn trồng hoa theo cảm hứng của mình, theo ý thích của mình :

Hoa không ấm cật no lòng
Người trồng dâu lúa ta trồng hoa thơm
Khi đời ấm cật no cơm
Hái năm ba nhánh vào đơm lục bình.

(Trồng hoa)


Năm 1977, năm sôi động nhất của cuộc đời, nhà thơ Quách Tấn đã có được một quan niệm mà sau đó hơn 30 năm sau xã hội mới thấu hiểu được là hoa cũng cần thiết như lúa và dâu.

Chúng tôi thường mua hoa chưng cúng trên bàn thờ. Sắc hoa đã toả ra nét đẹp tươi và ấm cúng. Bàn thờ trở nên sinh động. Tuy vậy chúng tôi vẫn không tránh khỏi phải nhìn hoa tàn tạ dần với thời gian. Chúng tôi rất muốn cắt hoa trồng trong vườn để trang trí phòng ốc. Vợ tôi thấy "tội nghiệp" làm sao ấy. Một thời gian dài chỉ mua hoa bán trong chậu đất nhỏ về chưng nơi bàn thờ. Chúng tôi vẫn nhớ đến cách chơi hoa Mai của nhà thơ Mùa Cổ Điển trong những ngày xuân. Cây Mai to lớn được trồng trong một chậu kiểng to lớn có đến vài người khiên. Hoa được để trước sân và khi đến mùa hoa nở thì khiên vào để nơi nhà dù ( nhà khách trước hè) và làm một cái mùng to lớn giăng chống ong đến phá lúc ban ngày. Chậu Mai sống như một người thân mến vừa làm đẹp cho chủ nhà vừa hạnh phúc với vườn hoa trong ngôi nhà của thi nhân.

Trong một buổi sáng trời rất đẹp, vợ tôi chọn trong vườn những cánh hoa cúc, hoa lay dơn đẹp đẽ để cắt dâng lên bàn thờ Phật. Những nhánh hoa vừa cắt toát màu rực rỡ, tươi mát. Bổng nhiên tôi cảm nhận được sự chết của nhành hoa ngay lúc cắt và tàn tạ của hoa diễn ra trong từng giây, từng khắc. Những nhánh hoa cắm trên bàn thờ, dâng cúng Phật hay ông bà, không còn là một nhánh hoa bình thường sởn sơ tươi mát trong thiên nhiên nữa; chúng đã bị cắt lià ra khỏi gốc rể của sự sống, ra khỏi môi trường sống, khỏi "đất sống" của chúng. Nhành hoa cắt để cắm lên bàn thờ (hoặc để tặng) là một nhành hoa khác, mang một thuộc tính khác do chúng tôi gây ra "cắt" và "dâng cúng" là hai tính chất mới của hoa. Nó không còn là hoa sống nữa. Nó là một đối tượng của ý nghĩ và ước muốn của chúng tôi: ý muốn dâng lên cúng Phật, cúng thánh thần, cúng ông bà, cho những người đã khuất.

Hoa dâng cúng không còn là hoa cúc, hoa lay dơn hay bất cứ một loài hoa nào sống trong thiên nhiên, đơm nụ, nở hoa, toả hương sắc và dần dần tàn tạ trong thiên nhiên. Ngoài cái dáng vẻ, màu sắc bề ngoài, về tính cách sinh học trông dường như nguyên vẹn nhưng chúng đã chết trong thực chất.

Hoa dâng cúng, hoa tặng là hoa của tâm ý chúng tôi, nói lên sự thành kính, lòng cúng dường của chúng tôi. Cái hoa của "dục vọng", cái hoa dục vọng, mà đối với chúng tôi là chính đáng, song với hoa thì không chính đáng tử tế chút nào. Chắc chắn hoa trên cây rồi phải tàn song không phảỉ là lý do để bào chữa cho lý do "cắt đứt sự sống", "mạng sống " của hoa. Cũng bỡi chính vì lý lẽ ấy mà chúng tôi không mấy khi cắt hoa trong vườn để dùng vào một mục đích nào đó của chúng tôi, và dĩ nhiên chúng tôi rất hạnh phúc khi nhận một chậu hoa nhỏ dù rằng bó hoa mua cũng đem lại niềm vui trong mối quan tâm của người đem đến tặng.

Về mặt biểu trưng, tôi nghĩ về hương sắc và dáng vẻ của hoa là những biểu lộ ra ngoài cái sắc đẹp, sự hấp dẫn trong nội tại của hoa, trong "gen" của hoa, trong sự cống hiến với môi trường, với trời đất về những tinh hoa tàng ẩn bên trong của mình. Ngoài ra cũng để quyến rủ ong bướm chim chóc đến để "hưởng" và phụ giúp làm công việc thụ phấn, truyền giống, mở rộng môi trường phân tán vì sự tồn sinh của mình. Như vậy cái chủ quan của hoa và cái khách quan của ong bướm, chim chóc nằm trong một thể thống nhất cộng sinh toàn diện của tạo vật.

Nhưng hoa cắt, hoa mua để dâng cúng, để tặng để trang trí lại trở thành một biểu tượng, một nhịp cầu giữa con người với con người, giữa con người với trời Phật, thánh thần, hương linh người thân, ma quỷ... giữa những cảnh sống, thế giới sống khác biệt trong vòm vũ trụ mênh mông đầy bí ẩn này. Hoa là một nhịp cầu, một công cụ, một phương tiện tạo sự giao lưu gặp gỡ giữa con người với con người, giữa con người và sinh thể siêu nhiên, vô hình ( có hay không, đến nay nào có ai chứng minh được). Nhiều ít trong mối quan hệ hay ít nhất tạo được sự chuyển đổi của người dâng cúng, của người mang tặng với một mục tiêu tốt. Lúc đầu ngay khi người nhận cũng có một thái độ khác, dù sau đó có thể thay đổi hay không. Song chắc chắn người mang hoa dâng tặng đã có một tâm ý tự đổi thay (trong một kế hoạch dài hạn đổi thay). Người dâng tặng nhiều khi phải vượt qua cả chính mình.

Hoa dâng tặng không còn là hoa nữa mà là một phương tiện hành xữ. Có kết quả hay không và kết quả như thế nào phải cần có thời gian (ngắn dài hay tức khắc) Và kẻ cho cũng như người nhận đều bị đưa vào một cuộc trải nghiệm. Tốt xấu, được công nhận hay thất vọng đều là những trải nghiệm để thành kinh nghiệm của cuộc đời. Cuộc đời của người tặng hay kẻ được tặng - chứ không phải của hoa- vì trên thực chất, nó đã chết ngay khi bị cắt ra khỏi gốc lẻ tự nhiên. Hoa dâng tặng sẽ ra khỏi bàn tay của người dâng tặng ngay sau sát na, giây phút trao gởi. Nó không là hoa của tôi nữa mà nó đã trở thành hoa của người nhận nó. Tôi nghĩ đến những bó hoa của những người thân thiết nhất, những người bạn đã tặng tôi trong dịp tôi nằm bệnh viện để chờ mổ tim năm 1989. Tôi đã "vĩnh cửu hoá" những bó hoa được tặng bằng những bức vẽ "nháp"(ký hoạ) để mong một ngày nào đó vẽ lại bằng sơn dầu, sau khi học vẽ. Trong số ấy có mấy "bức vẽ" được giáo sư Wolfgang Knifge (lúc ấy là hiệu trưởng trường Đại học Gottingen) xin mang về. Một bức tôi vẽ để tặng vợ tôi. Đó là một kinh nghiệm đem lại nhiều vui tươi và hạnh phúc.

Vậy hoa chẳng phải là một biểu tượng"vĩnh hằng" về mối quan hệ và kinh nghiệm của con người đó sao!

Hoa tặng là hoa trong ý niệm. Nó chính là kẻ chuyển tải ý niệm và rời khỏi tay người tặng thì hoa là ý niệm. Mà ý niệm thì mang tính cách vĩnh hằng phi thời gian và không gian. Còn cái hoa "cúc" hoa "lay dơn" là cái hoa có sống có chết, cái hoa của phù du của vô thường.

Một tầng "lý luận" dông dài hơn nữa là tính cách tâm lý, nói đúng hơn là quá trình tâm lý giữa con người với con người (và từ một chiều từ con người đến Phật, Thánh, hương linh người thân, ma quỹ..) đã diễn ra giữa hai cực hoặc đa cực vừa tương thuận vừa đối nghịch, vừa hổ trợ xây dựng đến suy tàn chia ly trong đời thường. Và không chỉ nằm lại ở quá trình tâm lý mà còn là trong một quá trình" triết lý", "đạo học" nữa.

Về mặt tâm lý, có lẻ không mấy ai đặt mình vào hoàn cảnh và sự sống của nhánh hoa cùng đoá hoa. Tôi nghĩ không chỉ có động vật mà cây cỏ cũng có sự sống, có thọ mạng. Nhà thơ Quách Tấn đã có câu:

Nước mây hằng tự tại
Vàng đá chẳng vô tri
Hoa trải lòng tinh tiến
Chim ngừng cánh biệt ly

trong bài thơ Mơ Đạo, cho chúng ta nhận thức được :sự sống là bình đẳng, tất cả đều là sinh vật. Trong một bài viết về một ngôi chùa danh tiếng nhà thơ cũng đã có ước vọng: đá chung quanh chùa cũng cúi đầu đảnh lễ.

Sự sống là bình đẳng. Và đã trải qua không biết bao nhiêu năm tháng, tôi không mấy khi ý thức về sự sống của các sinh vật khác so với sự sống của loài người. Đành rằng, và theo qui luật tự nhiên, là sự sống này phải nương tựa vào sự sống khác để tồn tại. Nương tựa trong ý nghĩa cọng sinh, hợp tác nhau để sống hoặc tiêu diệt nhau để sống (cá lớn nuốt cá bé), Nhưng cái thói quen ăn các loài động và thực vật để sống đã khiến cho tôi có sự dửng dưng trước sự "dứt mạch sống" của một nhánh hoặc một bông hoa vì mục đích "chính đáng" và thậm chí là "cao cả" của cá nhân tôi. Dửng dưng còn đỡ vì từ dửng dưng còn gợi lên một cảm giác nào đó. Nói cho đúng hơn, đó là sự vô tâm, sự không ghi nhận, về "sự sống khác" trong các loài không phải là loài người. Cái tâm lý này khiến cho con người hay đúng hơn là đa số con người không ghi nhận và biết đến sự sống khác. Chúng chỉ là những vật liệu, là hàng hoá, là phương tiện cho con người. Lịch sử có mặt của chúng trên hành tinh này trước con người hàng triệu, trăm triệu năm cũng không được ghi nhận. Mà không ghi nhận thì không có nhạy cảm nhất là nhạy cảm trong vấn đề tôn trọng và nhận biết giá trị đặc thù của sự sống, của từng sự sống.

Hành động làm tổn hại, làm diệt chủng chúng được xem là tự nhiên.

Vậy khi hình dung hoà hợp và thể nhập với thiên nhiên vào uyên nguyên vũ trụ là như thế nào? Một ý tưởng trống không, một ước mơ huyễn hoặc?

Có mối liên hệ nào huyền nhiệm hơn là diệt nhau để sinh tồn trên quả đất này? giữa cái toàn thể và cá thể, giữa cái chung và cái đặc thù? Cái gì là nhân tính? Nhân loại?

Sự dâng cúng hoặc trao tặng giữa người và người một nhánh hoa, một lẳng hoa, một đoá hoa là biểu tượng hướng đến, một biểu tượng dâng tặng cởi mở, tin cậy, công khai, một biểu tượng của niềm vui, hy vọng giữa hai bên. Song đoá hoa, nhánh hoa được cắt đi, được tặng trong ý nghĩa sâu sắc đó là sự chết, sự tàn tạ, sự huỷ diệt sự sống! Từ suy tư này mà tôi đã cảm nhận được tấm lòng của nhà thơ Quách Tùng Phong đối với hoa trong bài thơ Giọt Sương:

Tràn ánh bình minh vườn hồng rực rỡ
Giữa thiên nhiên hoa dâng hiến tấm lòng
Đưa tay hái tặng người vừa gặp gở
Trên nụ hồng bổng ứa giọt sương trong.

Chẳng lẽ tôi dâng tặng sự chết, sự tàn tạ được bao kỹ qua màu sắc thiên nhiên còn toả ra trong hoa? ƯØ thì cũng được đi, cho hương linh những người đã chết thì dâng cúng hoa chết có sao đâu! Hoa phải chết mới được truyền sóng giao cảm cho người chết!

Hoa cắt, hoa mua là những loại đặc thù riêng biệt, không phải "hoa" bao gồm tất cả những loại hoa trong thiên nhiên. Cũng có thể lý luận rằng hoa cắt đi không còn là hoa nữa, không còn là đơn vị của loài hoa. Dù nó mất đi sự sống song nó đã trỡ thành một nhánh hoa, một đoá hoa khác bỡi vì vợ tôi hay tôi đã ngắm thật kỹ bao nhiêu hoa cùng giống loại để chọn ra những nhánh những đoá đẹp nhất, không giống như đồng loại khác, rồi cắt đi. Nó được cắt đi vì nó đã khác với đồng loại đứng cạnh rồi. Nó lại nhận được một giá trị khác do tâm ý của chúng tôi phổ vào. Nó mang tính thiêng liêng khi dâng lên bàn thờ hoặc được phổ vào những tính cách khác vì lễ lạc giao tế. Nó là một công cụ, một món hàng, một phương tiện song lại không phải là một công cụ, một món hàng, một phương tiện vì nó đại diện cho chúng tôi, nó nói thay cho chúng tôi. Cái "ta" ở đây, trong "hoa" và "tôi" (cái ngã) đã chuyển đổi trong tương quan giữa con người, giữa người với trời và đất. Nơi đây tính "vô ngã" đã hiện ra trong lý nhân duyên sinh.. Nơi đây tính vô thường được biểu lộ, vì vô ngã là vô thường và ngược lại! Cá thể trong toàn thể, đồng nhất trong dị biệt.

Đoá hoa đức Phật Thích Ca đưa lên chỉ có ngài Ca Diếp giữa đại chúng là mỉm cười hiểu được. Sóng phát ra từ đức Phật chỉ được nhân toàn vẹn từ sự giao cảm trong cùng một tầng số.

Tất cả làm điều kiện cho nhau - sống và chết cũng như hai mặt của đồng tiền, của một chiếc mề đay. Và có lẻ vì vậy đức Phật vẫn thanh tịnh, mỉm cười với hoa cúng dường chăng? Sự sống chết có gì đáng sợ chăng? Tay nhúng bùn để lấy củ sen làm giống đâu có gì quảng ngại.

Nhà thơ Quách Tấn cũng đã mỉm cười:

Một mai ba tấc đất vùi
Trần gian để lại nụ cười cho hoa.

Lê Triều Phương (Trong Quách Tấn: Thiên Nhiên và quê hương)


* *
(<- trang trước)  /  (-> trang sau)