Trở về
thấy mình. . . như sương
 
 Tưởng niệm
Quách Giao
Ngày vĩnh biệt bạn, đưa tiễn gồm những người thân trong gia đình và các bạn bằng hữu thân mến. Trước khi quan tài của bạn được đưa vào lò thiêu, tôi đã đọc những lời cuối cùng lúc 10 giờ ngày 15 tháng 6 năm 2008:

Bạn Lê VănTâm thân mến,

Trong giờ phút thiêng liêng này bạn sẽ vĩnh viễn xa cách chúng tôi.
Với nỗi lòng ngậm ngùi và đau xót chúng tôi kính chào vĩnh biệt bạn.
Lúc còn sống bạn đã gây dựng cho gia đình rạng rỡ và tình bạn đầy thân thương sâu đậm.
Với xã hội bạn đã đóng góp những nghiên cứu khoa học về môi trường và quy hoạch quang cảnh thiên nhiên.
Bạn đã để lại cho đời các tác phẩm văn chương giá trị.
Những ngày tháng cuối đời, một chứng bệnh nan y đã dày vò thân xác bạn và bạn đã dũng cảm khắc phục để sống một khoảng đời còn lại thật đầy đủ ý nghĩa.
Cuối cùng bạn đã thanh thản ra đi như một nhà hiền triết.
Trong một vài giờ nữa thân xác bạn sẽ trở về cùng tro bụi. Tuy nhiên tâm hồn bạn lại vĩnh viễn tồn tại trong cõi lòng thương nhớ của chúng tôi.
Thay mặt cho các thân bằng quyến hữu, tôi thành kính chúc bạn chóng về miền cực lạc.
Xin vĩnh biệt bạn.

Thạnh Lộc ngày 15 tháng 6 năm 2008.

Hai vợ chồng chúng tôi ở lại Sài Gòn cho đến ngày cúng thất đầu tiên của bạn. Bình tro hài cốt của bạn để tại chùa An Linh. Đêm đêm bạn nằm nghe kinh. Ngày làm thất chúng tôi không qua chùa được vì phải ở nhà phụ trách phần cúng cơm cho bạn. Cúng bạn thì ở đâu cũng được. Nếu ở nhà thì được gần gủi bạn trong thân tình hơn. Trong cảnh nhà vắng vẻ, bạn và chúng tôi vẫn không cảm thấy cô đơn vì trước sao sau vậy chúng tôi vẫn luôn luôn như có ở bên nhau.

Thắp nhang trên bàn thờ rồi đứng nhìn di ảnh bạn lòng tôi thấy vô cùng yên tỉnh. Nhìn tập thơ của bạn tôi lại nhớ đến bài thơ "Điếu Dương Khuê" của thi nhân Nguyễn Khuyến. Đây là một bài thơ ngũ ngôn trường thiên viết bằng Hán văn và chính tác giả dịch ra một bài thơ thể song thất lục bát có tựa đề: Khóc Dương Khuê. Chính bài thơ dịch này đã được hai chúng tôi học thuộc khi cùng nhau nằm nơi bãi biển Nha Trang năm học đệ tứ (1955-1956)

Đoạn đầu bài thơ chữ Hán như sau:

Dĩ hỹ Dương đại niên
Vân thụ tâm huyền huyền
Hồi ức đăng khoa nhật
Dữ công thần tịch liên
Tương kính thả tương ái
Tao phùng như túc duyên.

Và được cụ dịch như sau:

Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước
Lúc sớm khuya tôi bác cùng nhau
Kính yêu từ trước đến sau
Trong cơn gặp gỡ biết đâu duyên trời.

Đoạn cuối bài thơ:

Hữu tửu vị thùy mãi
Bất mãi phi vô tiền
Hữu thi vị thùy tả
Bất tả phi vô tiên
Trần Phồn tháp bất hạ
Bá Nha cầm diệc nhiên
Công ký khí dư khứ
Dư diệc bất công liên
Lão nhân khốc vô lệ
Hà tất cưỡng nhi liên.

Và dịch là:

Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ đắng đo chẳng viết
Viết đưa ai ai biết mà đưa
Giường kia treo những hững hờ
Đàn kia muốn gãy ngẩn ngơ tiếng đàn
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.

Thuở trước đọc thơ chỉ cảm thấy cái hay bàng bạc trong thơ còn hôm nay lại cảm nhận được cái hay của bài thơ thấm hòa cùng với tâm trạng của mình.

Hai câu:

Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta

Như vượt lên trên hai câu Hán văn, bởi vì "thôi đã thôi rồi" và "ngậm ngùi lòng ta" gây quá nhiều cảm xúc vào lòng độc giả.

Rồi đến 2 câu:

Lão nhân khốc vô lệ
Hà tất cưỡng nhi liên

Cũng không gây cảm xúc bằng 2 câu:

Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.

Thật vậy, thơ không chỉ nói mà cần diễn tả và gây cảm . Người già quả không còn lệ để khóc song lại ví hạt lệ như sương là có lệ song rất ít oi, mong manh. Cho nên không thể nào có được hai hàng lệ chứa chan được.

Hai bài thơ của nhà thơ Nguyễn Khuyến thật là chân và đạt.

Sau hôm đó chúng tôi về lại Nha Trang.

Ngày cúng thất thứ ba (21 ngày mất) chúng tôi làm lể tại nhà có những bạn bè thuở còn học trường Kim Yến ( Đạo, Diệu Ái) và các bạn cùng trong giới văn thơ. Đứng chung quanh bàn thờ có hương linh hình ảnh, hoa, quả và tờ báo đăng một bài liên quan đến Lê Triều Phương mới vừa phát hành tại Nha Trang chúng tôi đồng cúi đầu tưởng niệm người bạn đã đi trước chúng tôi về nơi cực lạc.

Đồng thời lúc ấy tại nước Đức xa xôi chị Đoàn Thị Gái (vợ Lê Văn Tâm) cũng hương án hoa quả cúng thất cho chồng. Trên mảnh đất Viêt Nam tai 3 ngôi chùa An Linh, Từ Tôn và Thiên Tứ cũng đồng làm lể cầu siêu cho nhà thơ Lê Triều Phương.

Ngày cúng bảy thất (49 ngáy mất) tại chùa An Linh quận 11 thành phố Hồ Chí Minh buổi cúng thất được tổ chức rất long trọng và đông đảo chư vị hòa thượng tăng ni cùng đa số thân bằng quyến thuộc các nơi tập trung về tham dự. Ngày cầu siêu sớm hơn dự trù một ngày. Tuy nhiên nhờ có thông tin kịp thời nên thân nhân tham dự đều đông đủ.

Tại Nha Trang ngày cầu siêu vẫn giữ như ấn định (31-7 2008), có người bạn gái của chúng tôi hồi học trường Kim Yến, chị Tuyết Hoa, tháp tùng qua Hòn Đỏ, trước thăm viếng cảnh đẹp Nha Trang sau thắp cho anh Lê Triều Phương một nén nhang cúng bạn.

Trong tập Bút Ký Người Gánh Nắng của tôi, Lê Triều Phương đã viết lời Tựa:

(Link: http://thuvienhoasen.org/nguoiganhnang-00.htm )
 

(Link: http://thuvienhoasen.org/cvn-khanhhoa-tuton.htm )
 

Sư Viên Mãn 
ngồi trước chùa Từ Tôn
Nhà văn Quách Giao 
và Sư Viên Mãn

Viết thay lời Tựa

Trong cuốn Xứ Trầm Hương, nhà thơ Quách Tấn khi viết về chùa chiền ở Khánh Hòa đã có những nhận xét là Khánh Hòa có lẽ là tỉnh nhiều chùa hơn tất cả các tỉnh Miền Nam Trung Việt và chùa có mặt hầu hết trên khắp xã phường trong tỉnh. Các tổ khai sơn đều là người Việt, phần nhiều có sự nghiệp để lại cho đời.

Như chùa Linh Sơn tại thôn Hiền Lương huyện Vạn Ninh có ngài Hòa thượng Đại Bửu, pháp hiệu là Kim Cang Đại lão Tổ sư, lập chùa năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761) và để lại câu chuyện ngồi tu thiền dưới cây Kén bên cạnh có một con hổ đến tìm nơi sinh nở, tự nhiên.

Tại huyện Ninh Hòa có Hòa thượng Liễu Đức, pháp hiệu Huệ Giáo, tổ khai sơn chùa Thiên Đức. Người đương thời gọi ngài là Hòa thượng Đò vì ngài đã ra công làm một cây cầu để dân làng sử dụng tránh đi đò nhiều phiền phức. Đồng thời ngài cũng ra công đào một cái giếng nước trên đồi cho dân trong vùng Bình Tây vốn là vùng gần biển và ruộng muối nên thiếu nước ngọt để uống. Nước giếng rất ngọt và không bao giờ cạn. Để nhớ ơn, nhân dân gọi giếng là Giếng Thảo. Sống với ngài còn có đôi cọp mun rất hiền từ với muôn loài.

Cũng tại huyện Ninh Hòa có chùa Thiên Sơn, tổ khai sơn là ngài Trừng Nghệ, hiệu Nhơn Sơn. Hòa thượng thường đi vân du vài ba tháng mới về chùa một lần, có khi về mà không vào chùa chỉ ngồi thiền ở cổng tam quan rồi lại ra đi. Việc ăn uống rất đơn sơ: chỉ một vốc cơm khô, một nắm lá cây cũng đủ một bữa. Khi mẹ mất, nhà sư đến ngồi thiền định bên mộ, giữa đất trời, suốt một năm tròn. Sau đó lại vào núi Chí Tôn ngồi kiết già rồi tịch trên tảng đá cao, người khô cứng như một gốc cây khô.

Tại Nha Trang, chùa Hải Đức có vị Đại sư Bích Không, pháp danh Trừng Đàn đậu Tú tài năm 1918, trải qua nhiều năm khó khăn cực nhọc mới khởi công xây dựng chùa trên Hòn Trại Thủy. Khởi công năm 1943 và hoàn tất năm 1945. Trước đó Đại sư phải bôn ba đi tìm khắp tỉnh để chọn địa điểm cho cảnh thiền môn vừa hợp với cảnh tu tâm dưỡng tánh của các bậc xuất gia, vừa tiện cho việc độ tha của hành nguyện đại thừa.

Tại Diên Khánh cũng có những ngôi chùa có rất nhiều kỳ tích đáng ghi, như chùa Vạn Thiện với câu chuyện của ngài Thiện Khoáng, chùa Thiên Lộc với sự tích Bà Sáu, chùa Linh Quang với chuyện ngài Nhơn Nguyện, xuất gia lúc 9 tuổi, hơi tối dạ, trước tu ở chùa Kim Long (Ninh Hòa) sau vào trụ trì và trùng tu chùa Linh Quang. Ngài chỉ ăn rau muống sống và ớt đúng vào giờ ngọ nên có tên gọi là Hòa thượng Rau.

Còn rất nhiều ngôi chùa có nhiều sự việc đáng cho khách tham quan lưu tâm mỗi khi đến thăm viếng.

Riêng tại Nha Trang, cận kề một danh thắng là Hòn Chồng, có Hòn Đỏ là một hòn đảo hoang vu đầy cỏ gai và đá tảng, không có nước và bóng cây. Đây là một hòn đảo chết. Tuy nhiên vào năm 1960 lại có một nhà sư tìm lên khai thác đảo để lập chùa.

Trải qua nhiều năm tháng, cặm cụi lao động một mình nhà sư này đã gầy dựng thành một hòn đảo có màu xanh và một ngôi chùa nhỏ nhoi ẩn mình trong cây lá. Đó là chùa Từ Tôn và người xây dựng là nhà sư Thích Viên Mãn.

Khi in cuốn Xứ Trầm Hương (năm 1969) nhà thơ Quách Tấn chưa biết đến ngôi chùa này. Viết tiếp theo thân phụ, ông Quách Giao muốn ghi lại những công lao của một vị sư đã âm thầm tạo dựng một ngôi chùa trên một hoang đảo.

Những sự việc đã xảy ra, những tâm tư của người trong cuộc đều do nhà sư Thích Viên Mãn kể lại.

Hòn Đỏ hiện nay là một danh thắng của thành phố Nha Trang, trên đảo lại có thêm một ngôi chùa được một vị sư dày công xây dựng. Phải có những giờ phút đứng giữa nắng, giữa khí nóng hừng hực của đá, chúng ta mới cảm nhận được nổi kham khổ của những tháng ngày lao động trên đảo và những gì ông Quách Giao ghi lại chỉ là những đường nét mong manh trong bức tranh thiên nhiên khắc nghiệt giữa trời bể thẳm xanh.

Cái nhan đề Người Gánh Nắng cũng chỉ đủ để gợi nên một chút trần ai, một niềm ý chí, trong cõi đời bao la bát ngát này.

Nha Trang, ngày 10 tháng 10 năm 2006
Lê Triều Phương
Nhìn cảnh nhớ người. Dù biết rằng đời không có gì là vĩnh viễn khi mọi thứ đều vô thường. Song trước biển mênh mông, giữa màu xanh thắm, những ngọn sóng nhấp nhô, tất cả như không thay đổi, hình bóng của bạn như vẫn còn đâu đây. Gió biển khơi vẫn rầm rì bên vách đá, Hòn Đỏ vẫn lao xao sóng nước và chúng tôi vẫn còn đứng bên mép đá, vẫn ngồi dưới tàn cây xanh như chờ đợi bạn.

Bạn vẫn còn hiện diện trong lòng chúng tôi.
Bạn vẫn còn hiện hữu với trời mây biển cả.
Bầu trời trong xanh vắng lặng, mênh mông.
Tâm chúng tôi vô cùng an nhiên thanh tịnh.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Hòn Đỏ ngày 31 tháng 7 năm 2008
(Ngày cúng 7 thất cho Lê Triều Phương)
Quách Giao
* * *
(<- trang trước)  /  (-> trang sau)