Trở về

thấy mình. . . như sương 
Phụ bản
 
Chân Dung Bạn Tôi
Nhà thơ Lê Triều Phương tên thật là Lê Văn Tâm.

Lê Văn Tâm sinh ngày 1-10-1938 tại Thuận Hòa huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Con cụ Lê Dư và bà Trần Thị Thâm. Mất vào ngày 12-6-2008. Pháp danh: Nguyên Thái.

Tuổi trẻ học trường Nam Tiểu học Phan Rang. Trung học Kim Yến Nha Trang. Đậu bằng Tú tài toàn phần ban B Toán. Đại học Khoa học Sài Gòn khoa Toán Lý Hóa. Du học Tây Đức từ năm 1959. Tốt nghiệp Tiến sĩ Lâm Nghiệp năm 1964. Giảng dạy tại Đại học Gottingen khoa Bảo vệ Môi trường Sinh thái- Khoa Quy hoạch Tổng thể và được mời giảng tại các trường Đại học Nông Lâm Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Ngoài công tác khoa học còn khảo cứu văn học và sáng tác thi ca

- Thi phẩm: Sương Cỏ Sông Thuông (xb 2001), Sân Mận (viết chung xb năm 2000), Gió Thơ Ngây (viết chung xb năm 2001), Vần Thơ Tứ Tuyệt (viết chung xb năm 2005), Tập Thơ Lê Triều Phương (xb năm 2007), Con Tim Một Tinh Cầu Nho Nhỏ (chưa in), Đóa Hoàng Cúc (chưa in), Cảm Ơn Đời (chưa in), Hoa Thơ Trên Giường Bệnh (chưa in)

- Văn phẩm: Hương Thơ Quách Tấn (viết chung xb năm 2002), Nụ Hôn Đầu (xb năm 2007).
Tư chất Lê Triều Phương có thể tóm tắc qua mấy từ: hiền hòa, trung hiếu, thông minh, nhẫn nhục, quả cảm và vị tha. Tất cả những ai đã sống với Lê, dều yêu quí nhà thơ, nhà khoa học nầy.

Thời niên thiếu cậu được mẹ chăm lo việc học hành và cậu chăm học luôn luôn đứng thứ hạng cao được thầy khen bạn mến.

Thời Trung học anh theo học trường tư thục Kim Yến ở Nha Trang. Là một trường có thầy giỏi, kỷ luật tốt. Thầy dạy rất tậm tâm muốn đem hết kiến thức mới của khoa học truyền cho thế hệ trẻ và học trò hầu hết chăm học và xã hôi lúc bấy giờ thật thanh bình, trong sạch: thiên nhiên thì tươi mát với một bãi biển xanh bao la trải dài cát trắng vi vút tiếng dương liễu. Phần đông các học sinh sau này đều thành tài, thành danh mà Lê Văn Tâm là một học sinh điển hình.

Thời trung học cùng tôi học nơi trường trung học tư thục Kim Yến. Tâm trú tại nhà cụ Thanh nơi tỉnh đường Khánh Hòa còn tôi thì ở trong "Xóm Mới" đường Nguyễn Hoàng. Tâm dáng ngưòi cao cao, đầu tóc hớt gọn cao trên khuông mặt vuông và dài. Bước đi bao giờ cũng hơi ưởng ngực và xăm xăm tới trước, miệng luôn luon mỉn cười như dành cho người gặp đầu tiên. Áo sơ mi ka ki ngắn hoặc dài tay. Quần luôn luôn là loại vải ka ki, không bao giờ được ủi thẳng như các bạn con nhà giàu khác. Riêng tôi thì tôi lại thích cách ăn mặc giản dị ấy vì tôi vẫn thường ăn bận như thế. Hai người được cha mẹ tặng cho hai chiếc xe đạp màu đỏ tróc sơn như nhau như một cặp thiếc mã chở hai "con bướm" tung tăng khắp mọi nẽo đường trong và ngoài thành phố Nha Trang. Tâm có tật là đi ngủ sớm và thức dậy rất sớm để học và làm bài. Do đó chàng thường bị chủ nhà cằn nhằn vì thắp đèn quá sớm.

Những năm học thi thì chúng tôi lại tổ chức học tổ dò bài cho nhau và ôn chung các bài khó thuộc. Thương thì xuống biển vừa ngồi ngắm trời mây vừa ôn lại những gì đã học. Tâm rất thông minh nên chỉ học một lần là nhớ rất nhiều. Tâm đậu Trung học phổ thông rồi tú tài bán phần rồi vào Sài Gòn học trường Chu VănAn. Còn tôi thi hỏng phải ở lại Nha Trang. Năm sau tôi đậu tú tài phần một vào Sài Gòn ở chung, đi học cùng Tâm. Chúng tôi cư trú tại khu Bàn Cờ. Mấy anh chị em góp tiền tự nấu ăn cùng nhau cho đở tốn kém. Tại đây nước máy chảy rất chậm nên chúng tôi phải thay phiên nhau đi gánh nước máy hứng ở ngoài đường vào lúc ít người (khoãng 2-3 giờ sáng). Tâm có được tánh tình của một người nông dân chân chất nên mỗi khi có cơn mưa thì Tâm đích thân đi hứng nước để dành dùng cho cả nhà. Những kỷ niệm này luôn luôn làm cho chúng tôi gần nhau và thương nhau mãi cho đến cuối cuộc đời.

Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Tâm chủ trương nghiên cứu ngành Khoa học Bảo vệ Môi trường, lấy đó làm phương tiện ưu việt, xây dựng bảo vệ sinh quyển và môi trường cho lãnh thổ Việt Nam cũng là cho thế giới.

Lấy tư tưởng Phật học và Từ bi của Phật giáo làm sức sống nung nấu trong công tác khoa học vì tình yêu thiên nhiên đất nước và con người mà phương tiện truyền thống hệ trọng là Văn chương Việt Nam.

Trong một bài tham luận tại Huế Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Tâm đã viết:

"Hòa bình là trạng thái an vui, bảo đảm an bình không có sự đe dọa từ bên ngoài. Quyền được sống hòa bình là một trong những quyền thiêng liêng của con người đã được Hiến chương Liên Hiệp Quốc ghi rõ.

Đối với đạo Phật, ý nghĩa tịch tịnh của Niết bàn cũng là Hòa bình, Hòa bình thật sự.

Có lẽ trước tiên, chúng ta nên thể hiện hòa bình trong ta và giữa những người Phật tử với nhau, nghĩa là cần vượt qua tất cả những khó khăn đa dạng và phức tạp sẳn có, những hiện tượng lạnh nhạt, ngăn cách, ngờ vực, những thái độ nhìn qua "đường phân thủy".

Cuối cùng Phật tử chúng ta cần hòa bình với thiên nhiên. Thiên nhiên không chỉ là nguồn tài nguyên dành riêng cho con người xữ dụng. Sự sát sinh các chủng loại hoang dã, sự tàn phá các hệ thống sinh thái quả đất dần dà đưa con người vào những hiểm họa khôn lường. Một ví dụ: Rừng mất..lụt lội tăng tăng lên tại những vùng trù phú dân đông ở hạ lưu thấp làm điêu đứng dân tình các loài hoang dã bị tiêu diệt theo và con người mất đi nguồn gen, nguồn dược liệu quí giá còn tiềm ẩn. Phật Giáo Việt Nam cần đưa môn bảo vệ thiên nhiên và môi trường vào chương trình giáo dục, đóng góp cụ thể vào những chương trình hành động của nhà nước nhằm giữ gìn và phát triễn những điều kiện vật chất trên quê hương".

Trúc Như Phan Hồng Châu

 
(<- trang trước)  /  (-> trang sau)