Trở về

thấy mình. . . như sương 
Phụ bản
 
Những Bài Thơ Ngắn
Tôi không nhớ chính xác là lúc nào mình thích thơ ngắn gọn, nhưng tôi biết chắc chắn hoàn cảnh nào đã khiến tôi thích loại thơ này. Đó là ngày mà ông bạn hàng xóm mướn người đến chặt hạ ba cây bách (Fichte) sum suê, cành lá đan xen nhau thành một khối. Chim chóc luôn luôn đến làm tổ và reo hót vui nhộn. Ba cây ấy đứng sát đường ranh giới giữa hai ngôi nhà. Táng xoè ra gần chạm mái nhà ông hàng xóm. Để giữ sự an toàn cho đôi bên, trước khi chặt ba thân cây cao to, vào buổi sáng ngày đầu tiên, thợ làm vườn dã bắt thang cưa sạch tất cả cành lá. Ba thân cây đứng trơ trụi như ba cây cột chống Trời.

Một con chim tha mồi về, đậu trên cành anh đào đang chớm nụ xuân trong vườn của tôi. Nó ngơ ngác nhìn quanh. Nó nhảy lên bờ rào, bay xuống đất, bay lên đậu trở lại trên cành anh đào. Đầu lúc lắt. Mắt láo liên như muốn hỏi: Tổ tôi đâu? Con tôi đâu? Quan sát thái độ vô vọng vủa con chim, tôi cảm thấy thương tâm. Trong cơn súc dộng, tôi ghi mấy dòng ngũ ngôn với tựa đề "Tìm con".

Chim bay đi, song một vài nét đầy ấn tượng còn quanh quẩn trong tim. Tôi ghi lại mấy dòng sau đây:

Cành chặt trống trơn
Chim tha mồi về
Ngơ ngáo
Tìm con.
Đọc lại những dòng ấy, tôi quyết định xoá bài ngũ ngôn.

Năm 2005, vì tôi đau nặng nên vào đầu mùa thu, một người bạn láng giềng đến tỉa cây, chặt cành, quét dọn vườn tược dùm tôi. Tất cả những nhánh của cây anh đào bị cưa gọn. Tôi ra thăm vườn mà lòng xót xa.

Mùa xuân năm 2006, tôi vô cùng vui mừng vì nhiều nụ mẫm xuất hiện rồi đâm cành. Tôi không hi vọng sẽ được ngắm hoa vườn nhà. Một buổi sáng tôi phát hiện một cành hoa độc nhất trắng muốt như một viên ngọc giữa màu xanh của lá lưa thưa dười màu trời xanh bích. Tôi rung động và ghi nhanh:

Cánh anh đào đơn chiếc
Trọn nở một mùa xuân.
Tôi có làm thơ HaiKu không?

Không! Hoàn toàn không?

Thỉnh thoảng tôi vẫn ghi những dòng câu như vậy, từ cảm xúc đáy lòng.

Đầu xuân 2007 anh Quách Tùng Phong có gởi cho tôi những trang nhật ký của nhà thơ Quách Tấn viết về khóm Mận trước sân nhà:

"Tôi nhớ một chuyện xưa:
Quan Thái Thú đất Giang Tây toan hạ một cổ thọ trước dinh. Một hành nhân thấy thợ đang sắp đặt ra tay, liền đề nơi gốc cây một tuyệt:

Diêu tri thử khứ đống lương tài
Vô phục thanh âm phú lục đài
Chỉ khủng nguyệt minh thu dạ lảnh
Ngộ tha thiên tuế hạc qui lai.

Nghĩa là:

Một đi nên cột nên rường
Không còn bóng cả rợp đường rêu xanh
Chỉn e thu lạnh lùng canh
Tuổi già nương bóng trăng thanh hạc về.

Quan Thái Thú xem thơ, cảm động bèn sai thợ dừng búa."

Câu chuyện đơn giản như thế, trùng với trường hợp của tôi nên tôi cảm nhận được ý và lòng của bài thơ. Người xưa sao có một tấm lòng nhơn hậu với thiên nhiên tuyệt vời đến thế.

Đồng thời tôi lại được đọc thêm một câu chuyện về hoa của người Nhật. Nhà thơ Quách Tấn kể:

"Theo văn hào Okakuro, tác giả cuốn Trà Đạo đã vang danh khắp thế giới thì Hoa đạo mới phát sinh ở Nhật Bản một thời với Trà đạo vào thế kỷ thứ XV.

Trước xa, tình yêu hoa của người Nhật cũng đã cao độ lắm.

Có nhiều chuyện rất lý thú biểu lộ lòng yêu hoa của người Nhật một cách rõ ràng. Như chuyện thi sĩ Tsurayuki là một bậc trứ danh về văn chương và chức tước. Trong vườn thi sĩ có trồng nhiều Mai. Nhân trong ngự uyển có một khóm Mai quí bị sùng ăn gốc, Thiên hoàng Murakami truyền quan giữ vườn tìm cây Mai khác thay thế. Nhân thấy trong vườn Tsurayuki có khóm Mai đẹp không kém khóm Mai vườn ngự, viên quan giữ vườn bèn tâu cùng Thiên hoàng. Thiên hoàng liền hạ lệnh bứng khóm Mai kia đem về vườn ngự. Người con gái của thi sĩ thương tiếc khóm Mai, làm một bài thơ treo nơi cành:

Vì lệnh Thiên hoàng
Thiếp vui lòng phụng hiến
Nhưng lời thiếp sẽ ngỡ ngàng
Khi chim hoa lau
Về hỏi đến chốn ngày xưa!

Thiên hoàng xem thơ cảm động, liền truyền đem Mai trồng lại nơi vườn của Tsurayuki.

Tình cô chủ vườn tuyệt đẹp! Tình nhà vua đẹp không kém thua!"

Thơ của hai nhà thơ Trung Hoa và Nhật Bản đều mang tính chất nhân bản và thiên nhiên cho nên mới cảm được lòng người. Đồng thời người trong cuộc cũng cần phải có tấm lòng thì mới cảm thông được tình ý của bài thơ.

Trong văn thơ Quách Tấn chúng ta cũng đã đọc được nhiều bài có tính nhân văn như vậy. Như bài thơ viết cho trẻ em:

Con chóp mào
Đậu trên cây đào
Trông xinh làm sao
Con chớp mào
Kêu trên cây đào
Nghe hay làm sao.
Em nỡ nào?
Đi tìm cây sào
Đánh con chớp mào.
Em nỡ nào?
Tay cầm cây sào
Đánh con chóp mào
Hở em?
Em hỡi em
Để cho chim
Đi tìm
Con sâu con bọ
Đem về nuôi
Bầy con nhỏ
Bên cửa tổ
Nằm há mỏ
Chờ mong mẹ về.
Bầy con nhỏ
Bên cửa tổ
Chờ mong mẹ về.
Bầy con nhỏ
Nằm há mỏ
Chờ mong mẹ về
Bầy con nhỏ
Chờ mong mẹ về.
(Vui Với Trẻ Em)
Quách Tấn đã làm thơ cho trẻ em bằng những câu thơ đơn giản, lời gọn, ý chính xác khác với những dòng thơ Đường kiều diễm trong Mùa Cổ Điển và các tập thơ khác. Trong những năm tháng sau này, ông lại làm những bài thơ ngắn gọn trong các tập tho Đọng Bóng Chiều, Mộng Ngân Sơn và Giọt Trăng. Với tập Giọt Trăng có những bài thơ ngắn gọn mà súc tích rất xứng đáng với lời giới thiệu tập thơ:
 
"Giọt Trăng là những cái nhìn bén nhạy vào đời người, vào tình cảm, như nhiên, và tâm thức khôn dò. Chất sáng tạo rã ra từng hơi thở. Niềm khai thị nhóm lên từng tiếng khẽ gọi kêu. Tính không (sunmyata) bàng bạc khắp nơi...

Mỗi bài thơ là một giọt trăng rơi chơi vơi trong hư không vòi vọi...

(Tựa Giọt Trăng)

Lê Triều Phương.
* * *
(<- trang trước)  /  (-> trang sau)