Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]           [ Tác giả ]         [ PDF ]

Trần Xuân An

TUỔI HỌC TRÒ CỦA TÔI

( Hồi kí - tự truyện) 

Phần 1: Trước tuổi mười chín
- Chương I : 1956 - 1969
- Chương II : 1969 - 1973
- Chương III : 1973-1975
Phần 2: Thuở giao thời bên sông Hương
- Chương IV : 1973-1975
Phần 2: Thuở giao thời bên sông Hương
CHƯƠNG IV :  1975-1978
Thân tặng các bạn thuộc lớp ngữ văn (1974-1978), Đại học Sư phạm Huế.
1
Trở về Huế và Quảng Trị, trong tháng 5-1975

Để câu chuyện về chính mình được tự nhiên, tôi lại tiếp tục tự hoá thân vào hình tượng nhân vật mang họ tên là bút hiệu ít dùng của tôi: Trần Nguyễn Phan. Vâng, chuyện của Phan còn tiếp diễn thế này...

Khi xe bắt đầu lăn bánh, gió luồn vào, thổi bạt đi không khí ở tầng sàn dưới và tầng gỗ lướt ván phía trên, Phan mới cảm thấy nhẹ bớt mùi vịt. Cũng như mắt của sáu, bảy chục hành khách, trước đây mấy phút, cứ mải hướng ra ngoài xe, nơi có những người thân, bạn bè còn ở lại, bịn rịn chia tay, bây giờ Phan mới nhìn lại những người đồng hành và chiếc xe mình đang đi.

Đây là chiếc xe tải chuyên dùng để chở gia súc, gia cầm và có lẽ những chuyến cuối là chở vịt, nên mùi vịt còn nặng đến thế. Các cấp thuộc Uỷ ban Quân quản Cách mạng đã kêu gọi những ai có phương tiện chuyên chở đường xa phải góp phần vào việc đưa hàng trăm ngàn dân di tản trở về quê, và xe tải này là một trong những chiếc xe thuộc diện ấy. Hành khách là khoảng mươi gia đình di tản đã mua được vé để hồi cư, từ Sài Gòn ra đến Đà Nẵng. Trong đó, có lẽ gia đình Phan là ít người nhất, chỉ còn có ba, mẹ, đứa cháu nuôi và Phan. Số gia đình còn lại, có không ít trẻ con và người già. Tầng trên cũng như tầng dưới, tất cả đều ngồi bệt trên sàn. Tầng trên cũng nhếch nhác, tiều tuỵ. Tầng dưới cũng xơ rơ, xác rác. Phan mỉm cười, khi nghĩ, di tản vào bằng xà lan chuyên dùng để chở nước mắm, hồi cư ra lại bằng xe tải còn nặng mùi vịt!

Dọc đường quốc lộ Một, thỉnh thoảng lại thấy những đoàn xe bộ đội từ Trường Sơn chạy xuống hay từ Miền Bắc chạy vào. Phần lớn các đoàn xe này đều chạy ngay giữa tim đường, chiếc này nối theo chiếc kia, cứ như thể những toa tàu lửa trên hai đường sắt song song, nhưng với cự li giãn cách hơn, khoảng chừng dăm mét, và may là với tốc độ vừa phải. Phan nghe ông tài xế phía trước buồng lái càu nhàu, than phiền, thậm chí có khi cáu gắt: "Mấy cha nội bộ đội này không biết lái xe!". Một hành khách nói: "Mấy ổng chạy trên rừng quen rồi, không biết tránh đường cho xe ngược chiều". Nhưng cũng có người phỏng đoán, chắc các anh tài xế bộ đội chạy kiểu đó để tránh mìn, hoặc chạy theo tiêu chuẩn ưu tiên vốn dành cho xe quân sự.

Trên suốt hành trình dài từ Sài Gòn ra đến Đà Nẵng, đã có nhiều trạm gác, do dân quân du kích mang băng đỏ, khoác súng AK đảm trách. Không thấy gặp khó khăn gì, mỗi khi qua các trạm gác như thế. Càng đi ra, càng thấy nhiều cổng khải hoàn, hai bên ảnh Bác Hồ là cờ Mặt trận Giải phóng và cả cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Điều đó chứng tỏ những tỉnh gần Đà Nẵng hơn, được giải phóng sớm hơn, nên càng đủ thì giờ để ổn định, trang hoàng như thế.

Xe chạy suốt ngày đêm, chỉ dừng lại cho hành khách ăn uống, đi vệ sinh. Chừng hai hôm, xe cũng đến Đà Nẵng an toàn.

Ba, mẹ, đứa cháu nuôi và Phan đều về căn phòng vợ chồng chị Linh thuê để ở tạm. Mẹ vui mừng khôn xiết, cứ ngồi nựng đứa cháu ngoại mới dăm tháng tuổi, quên tất cả mọi mệt mỏi, bàng hoàng. Sau đó, về một căn nhà của ông anh thứ đang xây cất dở dang. Tại nơi ấy, dì ba cùng hai đứa em di tản theo cầu không vận vào Nha Trang cũng đã hồi cư từ tháng trước.

Phan đạp xe đi quanh thành phố Đà Nẵng, xem thế nào, với hi vọng gặp người bạn cùng trường nào đó để hỏi thăm và để mua vé xe cho ba, mẹ, đứa cháu nuôi cùng Phan ra lại Huế. Hoá ra, những người bạn học cùng trường vốn là dân Đà Nẵng, đã ra lại Huế để tiếp tục học rồi.

Thế là hôm sau, Phan có mặt ở Huế. Sau khi đưa ba, mẹ và đứa cháu nuôi tiếp tục lên xe ra Quảng Trị, Phan chạy đến trường ngay. Phan tin chắc ở Diên Sanh, mẹ sẽ còn được sự giúp đỡ của xóm giềng, của bà con từ làng ngoại vào. Tuy tin chắc như vậy, nhưng hình dung nhà cửa ngoài kia không biết đổ nát thế nào, nên đến trường, ghi danh tiếp tục học lại xong, Phan cũng tức khắc nhảy xe ra Diên Sanh để giúp mẹ.

Nhà cửa tại Diên Sanh không bị sập đổ, nhưng mái nhà phía sau không còn tấm tôn nào. Phần nhà trước cũng trống toang hoác, chỉ còn trang thờ với bức sáo tre. Chẳng qua, cũng đã mấy tháng rồi, nhà vắng chủ. Những ai di tản gần đều hồi cư sớm, và nhiều người nghĩ rằng mẹ Phan cũng như không ít nhà khác, đã đi luôn theo những tàu thuyền di tản ra hải ngoại (trong tình huống dù muốn hay không muốn cũng phải đi, không thể riêng người nào, gia đình nào nhảy xuống biển bơi vào!). Vì thế, tôn nhà sau bị dỡ ít nhiều. Trong đó, có một phần do các cậu của Phan, vốn sơ tán ra phía Bắc, nay trở vào, cũng đoán thế, nên tiếp tục dỡ số tôn còn lại, cũng chỉ chừa tôn ở nhà trước, ý chừng để xem ra sao, biết đâu mẹ sẽ trở về. Vả lại, nhà trước còn có trang thờ, không ai nỡ (và hẳn cũng chẳng ai dám) để lư nhang, bài vị tổ tiên, ông bà cùng tấm tranh Phật Thích Ca giữa mưa nắng. Số tôn ấy, các cậu tháo dỡ, cũng là một cách giữ cho mẹ, chứ chẳng lẽ bới cơm vào đây giữ nhà! Lúc này, nghe tin mẹ đã về thật rồi, các cậu tức tốc chở vào, dựng lợp lại nhà cho mẹ. Thật là vui mừng quá đỗi. Các cậu, các dì đã xa làng ngoại, xa mẹ từ năm 1972 đến nay!

Thế là lần thứ ba, trên nền đất nhà cũ, mẹ phải làm lại nhà. Dẫu sao, tan hoang, tạm bợ thế nào cũng còn có chỗ ở. Và Phan cũng chuẩn bị vào lại Huế, tiếp tục đến trường. Có lẽ những đổ nát do chiến tranh, trận này nối tiếp trận kia, quá dồn dập, đồng thời trải qua cũng nhiều lần tản cư, hồi cư, nên người dân Quảng Trị thấy cũng thường, cảm xúc về khổ đau chừng như đã sắt lại. Không buồn. Không vui. Chấp nhận. Chịu đựng. Lần này, còn có thêm niềm hi vọng hoà bình. Ba mẹ Phan và cả Phan cũng thế.

Phan lại lên xe Quảng Trị - Huế.

Đi dọc đường vào lại nhà trong Thành Nội, Phan chợt nhìn thấy có nhiều hố và hào trú ẩn, mới được đào. Chắc đó là những chuẩn bị trước khi Sài Gòn được giải phóng, phòng khi có sự phản công nào đó từ phía quân đội Sài Gòn.

Nhà của Phan ở Huế trống trơn, vắng hoe, không một người. Gia đình ông thầy thuốc bắc người Quảng Trị, trước đây vào Huế thuê nhà ở để tránh chiến sự, nay biết đã hoà bình thật rồi (chiến tranh có còn tiếp diễn thì cũng tận Cam-pu-chia xa xôi), nên cũng đã trở về quê quán, với tất thảy đồ đạc, giường chiếu vốn có.

Đến trường, gặp lại bạn bè lớp cũ, Phan mới biết vẫn còn một số bạn chưa kịp hồi cư, đi học lại. Các giảng viên cũng thế. Thật ra, trường cũng chưa kịp tổ chức lại để dạy và học. Thế là Phan phải sống những ngày trống, nhưng không thể rỗng, mà trĩu những suy tư, chất chứa bao cảm nhận mới, lại âu lo về những bữa ăn, giữa thành phố Huế vẫn còn nhớn nhác, chưa thật ổn định, cho dù Huế đã được giải phóng từ 26-3, cách bấy giờ đã hai tháng.

2
Làm thơ trong thuở giao thời và thống nhất, 1975-1978

Trong những giờ khắc thả bước lang thang, loanh quanh vô định cùng bạn bè, trong những giấc ngủ về khuya trên căn gác nhà cũ, Phan nghe tự lòng mình: Hoà bình! Hoà bình! Và âm vang tiếng súng từ mặt trận mới! Cách mạng buộc phải nổ súng, trước sự đánh phá của Khmer Đỏ, tại các đảo Phú Quốc, Thổ Chu và dọc biên giới Tây Nam. Ở mặt trận ấy, sự lộ mặt của Trung Quốc, nước xâm lược quần đảo Hoàng Sa, đã quá rõ! Phan có cảm giác, như từ đầu tháng Năm vừa rồi, tại Sài Gòn: trên lồng ngực, tảng đá nô lệ đã được trút bỏ. Lòng bỗng nhẹ tênh. Những mất mát, xiêu lạc tứ tán bởi chiến tranh lắm súng đạn vô tình, đối với gia đình mình, thật ra cũng như hàng vạn, hàng triệu gia đình Việt Nam khác, còn có nghĩa gì đâu, khi tất cả mọi người hầu như đã thoát được sự siết cứng của hai gọng kìm lịch sử, khi cả Miền Nam lẫn Miền Bắc chỉ còn thực sự một kẻ thù là Bắc Kinh (Khmer Đỏ chỉ là tay sai không đáng kể!). Lòng bỗng nhẹ tênh, và có cả vui mừng, khi biết rõ điều đó, nhất là khi biết chắc khía cạnh nội chiến, người Việt bắn giết người Việt, không còn nữa! Và lạ thay, những câu thơ nẩy bật trong tâm hồn Phan, như một khởi đầu mới.

Không chỉ khung cảnh Huế Phan nhìn thấy hằng ngày, mà cả ấn tượng hồi cư từ lần ra Diên Sanh gần đây nhất, lại gồm cả cảnh hồi cư sau ba năm sơ tán ra phía Bắc, tại làng ngoại Thượng Xá, khiến Phan vô cùng xúc động... Bài thơ "Ruộng đất yêu dấu" khởi đầu từ đó, nhưng chỉ mới là những hình ảnh, ý tưởng sơ khai.

Thế rồi, chỉ mươi hôm sau, kể từ ngày Phan về lại với Huế, các hình thức sinh hoạt tập thể được triển khai để bước đầu ổn định trường lớp, có cả việc phát động sáng tác và ấn hành một tuyển tập thơ văn ca ngợi lao động. Tiếp đến, một đợt học tập chính trị khá dài. Kế đó nữa, xen kẽ với những tuần học chuyên môn do những giảng viên, trí thức tại chỗ ít nhiều có tham gia cách mạng giảng dạy, là những đợt lao động công ích: làm vệ sinh ở những khu dân cư như tại cống Thanh Long, trồng cây trên các ngọn đồi như Thiên Thai, và có cả những đợt lao động phục vụ nông nghiệp: đào vét kênh mương như Lợi Nông, Đồng Đưng...

Cũng không thể không kính nhớ đến bà mợ già của Ngô Vưu. Bà là cả một kho ca dao tục ngữ và đồng thời là "ngân hàng của những hàn sĩ", như Phan và bạn bè sinh viên trọ học. Bà chính là hình ảnh làng quê ngay giữa thành phố Huế.

Bài thơ "Ruộng đất yêu dấu" cùng một loạt bài thơ khác, rồi liên khúc "Cánh tay học trò vươn tới", Phan viết trong niềm cảm xúc hoà trộn mà trầm lắng, hay sôi nổi mà cũng nhiều suy tưởng đó. "Ruộng đất yêu dấu" đã đăng ngay vào tháng sinh nhật Phan, tháng 11 (1975), và sau đó, được tặng thưởng "Một trong mười bài thơ hay nhất trong năm", nhân dịp kỉ niệm 15 năm ấn hành tuần báo Văn nghệ Giải phóng.

Cũng trong thời gian này, Phan cảm thấy không thể sống lẻ loi trong ngôi nhà vắng, nên cũng đã qua tận Cầu Lò Rèn ở chung với Nguyễn Chiến, bạn cùng lớp bấy giờ, rồi qua Bến Ngự trọ học với Nguyễn Văn Bá, bạn từ thời tiểu học. Rồi lại kéo Nguyễn Chiến về ở chung tại nhà cũ, ăn cơm tháng ở hai nhà bên cạnh, từ nhà o Thạnh cho đến nhà ông Nước. Rồi về sau nữa, Phan cùng với Thái Quang Hồng, mặc dù ăn cơm tập thể, khi mọi sinh viên đều có tiêu chuẩn trợ cấp hằng tháng, nhưng về nhà Phan để học và ngủ vì ở nhà vẫn yên tĩnh hơn kí túc xá. Ở đâu, trong Phan cũng mải xao động, trăn trở bởi những tứ thơ, thôi thúc được thể hiện ra trên giấy.

Từ giữa niên khoá 1975-1976, sau Tết Nguyên đán, giữa năm thứ hai đại học của Phan, trường lớp ổn định hẳn để thật sự đi sâu vào chuyên môn của từng khoa. Đó là lúc Phan viết "Bài thơ tháng giêng", về hình ảnh mẹ mình chan hoà trong nhiều hình ảnh về các bà mẹ Việt Nam khác, tình cờ lại trùng vào dịp chào mừng Hiệp thương Thống nhất...

Tuy đã chuyển hẳn sang khuynh hướng sáng tác mới, nhưng Phan vẫn không thể không nhớ đến tập thơ đầu tay của mình, hầu hết được viết từ hồi 1973, cuối năm lớp mười một và một ít bài trong đầu năm lớp mười hai: "Những tình thơ mùa thu", những tình cảm thơ ca và thơ dại trong mùa thu bao giờ cũng đượm buồn. "Tiếng chuông xưa""Tóc bay sương trắng" là hai bài thơ Phan thấy đẹp và xúc động nhất. Nhưng phần lớn trong tập thơ đó cũng là những bài Phan đã tự chọn lọc. Phan đã chép tay lại thành bốn bản, giấy được gấp theo cách xếp các tay sách của một ấn phẩm, tuy còn chép dở dang! Và tiếc nhất là cả bốn bản ấy Phan đều để lại tại tủ sách của mình ở Tam Kỳ, sợ mang theo ra Đà Nẵng, nơi ăn chốn ở chưa ổn định, không khéo lại bị thất lạc, nhưng sau cuộc di tản 1975, thì đã thất lạc cả rồi! Tiếc như tiếc một kỉ niệm của tâm hồn mình đồng thời là kỉ niệm văn chương. Thật ra, với trí nhớ thuở ấy, Phan cũng có thể phục hồi lại nguyên vẹn cả mấy chục bài thơ, nhưng Phan cảm thấy trong niềm luyến tiếc còn có gì đó như là ngần ngại, không muốn xem lại những gì hầu hết là niềm bâng khuâng, thương mến, u hoài cùng những nỗi đau và bao nỗi niềm khác thuộc về lĩnh vực cá nhân trong tâm tư mình, không muốn bị những tháng ngày cũ, tuy thơ mộng nhưng cũng buồn bã, xót xa, mục rã níu kéo. Đúng ra, tất thảy đều là những niềm thơ ca cao quý, tốt đẹp nhưng được viết dưới ánh sáng ảm đạm của nỗi buồn.

Phan muốn bước tới phía tương lai, hơn là ngoảnh lại quá khứ.

Mãi đến mùa hè năm 1977, người bạn láng giềng ở Tam Kỳ, Lê Văn Thanh (thường gọi là Chanh), ra Huế thi vào đại học, ghé nhà Phan ở lại, cho biết là Chanh còn giữ được cả bốn bản chép tay tập thơ "Những tình thơ mùa thu" ấy, sau khi ngôi nhà của ba dì Phan bị chính quyền hay ông cán bộ nào đó đến dọn dẹp để quản lí, ném tập thơ ra bên lề đường. Phan rất mừng và cảm động. Nhiều lần, Phan khẽ dặn lui dặn tới rằng Chanh cố gắng giữ, để có dịp Thái Quang Hồng vào thăm nhà, Phan sẽ nhờ Hồng mang ra. Cuối mùa hè ấy, hình như trong dịp nghỉ phép hè, Hồng đến nhà Thanh, và mang tập thơ ấy ra cho Phan. Lại một lần nữa, Phan cảm động đến muốn khóc, nhưng cố nín câm, im lặng. Thậm chí, Phan giấu tập thơ dưới chồng sách báo, như muốn quên đi.

Tuy thế, sau Đổi mới (1986), trong các tập thơ đã xuất bản của Trần Xuân An (tức là nhân vật Trần Nguyễn Phan trong hồi kí - tự truyện này), từ 1991 đến gần đây, số thơ từ bản thảo chép tay đó đã được rải rác in lại, đặc biệt là in hẳn một phần riêng gồm mười mấy bài vào cuối tập "Thơ những mùa hương" (Nxb. Thanh Niên, 2011). Nhưng đó là chuyện về sau, sau Đổi mới, chứ không phải là thuở đó!

Chuyện thuở đó, Phan vẫn còn nhớ, trong một lần viết trả lời vào phiếu điều tra văn học do thầy Phan Trọng Luận phát ra cho sinh viên trong lớp, Phan đã liệt kê những tác giả Phan đã đọc, nghiền ngẫm: Jean Paul Sartre, Albert Camus, Nikos Kasanzakis, Nietzsche, Kalil Gibran, Dostoievsky, Hermann Hesse, William Faulkner... Phan đã bày tỏ đôi nét cảm nhận của mình về tác phẩm của họ. Phan cũng nhận định chính bài thơ "Tiếng chuông xưa" của Phan. Nhưng không chỉ riêng Phan, mà cả vài bạn trong lớp, như Nguyễn Nhu chẳng hạn, cũng như muốn rũ bỏ những khía cạnh bi luỵ, không còn nghị lực sống, trong văn chương. Những dòng chữ sinh viên giữa thời hơi quá "tả" ấy, không ngờ thầy Phan Trọng Luận lại đưa vào cuốn sách của thầy: "Con đường nâng cao hiệu quả dạy văn". Dẫu sao, đó cũng là một kỉ niệm, trên quan điểm chung của một thời, đã được lưu giữ ở một cuốn sách lưu hành khá rộng trong giới giáo viên ngữ văn, lại khá nhiều lần tái bản!

Trong buổi hừng đông kéo dài vài ba năm của giai đoạn lịch sử lớn thuở ấy, nơi mỗi người như Phan hình như đều tồn tại hai loại tình cảm, tuy thống nhất với nhau về quan điểm nhưng hướng đến hai loại đối tượng vốn trái ngược nhau. Nếu ở "Ruộng đất yêu dấu", Phan viết thay cho những người thân bên ngoại, ít nhiều có tham gia cách mạng, trong lúc hồi cư năm 1975 và đồng thời cho bao người khác cùng hoàn cảnh, tâm tư như thế trên khắp cả đất nước, kể cả ở Nam bộ, thì cũng có bài Phan cũng viết thay, thể hiện sự thông cảm sâu xa với những ai đã lỡ lầm về chính trị đến nỗi phải chịu học tập cải tạo, thậm chí muốn sống hết cả quãng đời dài còn lại trên rừng sâu, chẳng hạn như "Khúc hát tìm rừng" (tặng Lê Phước Dạ Đăng, tức Lê Phước Sanh, bạn học cùng lớp). Bài "Về thăm, mai mốt mình lên..." cũng là viết cho một người lính nguỵ thương mến đã đi khai hoang, lập nghiệp ở vùng kinh tế mới... Ngoài những bài thơ mà hình tượng cái tôi trữ tình và chính Phan là một, Phan cũng có một ít bài thơ Phan viết thay cho bao người khác như thế.

Thơ Phan đăng trên báo chí, và Phan được những văn nghệ sĩ, nhà báo ở Huế biết đến. Từ quen biết, dần dà đã trở nên thân tình với một số anh chị, qua những cuộc gặp mặt, phổ biến thông tin, trao đổi biên tập hay gửi bài, nhận nhuận bút, tại 26 Lê Lợi, Huế. Có một chuyến đi thực tế rất có ý nghĩa, đó là lần Ban Vận động thành lập Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Bình Trị Thiên tổ chức trong dịp thông đường sắt Bắc - Nam, mà cầu Tiên An trên sông Bến Hải là điểm nối cuối cùng, điểm nối thể hiện sự thống nhất Đất nước.

Tất nhiên việc làm thơ và học tập cùng song hành trên một trục thời gian. Nhưng càng đi sâu vào việc học, thời khoá biểu trong các năm tháng cuối học trình đại học càng kín mít, thậm chí có nhiều học trình phải học cả ba buổi, sáng - chiều - tối. Khối lượng tiết học nặng trĩu như thế cộng với thời gian đọc sách tham khảo ở thư viện, khiến Phan chỉ còn có thể làm thơ vào những tuần lễ nghỉ phép hè. Đó là chưa kể có đợt nghỉ phép hè như hồi 1976, phải về tham gia lao động thuỷ lợi ở địa phương...

Khởi đầu con đường mới về thơ ca và suốt cả ba niên khoá rưỡi ở đại học sau Ngày Thống nhất là thế. Rồi cũng như thế suốt mấy năm Phan đi dạy học ở Lâm Đồng.

3
Sách và học tập

Trong ba năm tuy dài nhưng cũng rất ngắn ngủi, sau Ngày Thống nhất, mỗi cuốn sách đều có số lượng bản in rất lớn, có thể gấp ba mươi lần hoặc hơn thế nữa, so với mỗi đầu sách hiện nay (trong khi dân số đã tăng gấp đôi!). Và giá sách cũng khá rẻ, so với các vật giá khác. Sách từ Hà Nội, chở vào. Sách Miền Bắc in lại từ các nhà in trong Sài Gòn, chở ra. Mỗi đợt có sách mới, các hiệu sách đầy đặc người mua. Đây là một hiện tượng khá đặc biệt, nguyên nhân trước hết là dân Huế vốn ham mê đọc sách, và nguyên nhân khác nữa là trong thời đoạn này, họ muốn đọc xem thử sách Miền Bắc như thế nào.

Phan thường ghé vào các hiệu sách để chọn mua, nhằm xây dựng lại tủ sách của chính mình. Không kể thời ở phố huyện Diên Sanh với các loại sách khá tạp nham, hay dở lẫn lộn, từ năm học lớp tám ở Huế và đặc biệt là từ lớp chín ở Tam Kỳ, Phan có ý thức xây dựng cho mình một tủ sách báo thật bõ công đọc, không những thơ, truyện có giá trị mà cả sách phê bình, biên khảo của những tác giả uy tín, những tạp chí sáng giá. Năm lớp mười hai, tủ sách của Phan nửa ở Tam Kỳ, nửa ở Đà Nẵng, thường được bổ sung thêm. Nhưng tất cả đều đã mất, không còn cuốn nào! Vì thế, Phan thèm khát sách hơn bao giờ hết, một phần cũng với các nguyên nhân như dân Huế lúc này, một phần là do Phan không chỉ học để đi dạy, mà còn ôm mộng lớn về văn chương, học thuật, gồm cả lĩnh vực sử học. Có nhiều lần Phan phải đi bộ khá xa hoặc đi xe đạp đến nhà các o dì bạn hàng của mẹ, những người thường buôn hàng sỉ từ Huế ra Diên Sanh, để mượn tiền mua sách.

Việc học của Phan cũng bị chi phối bởi chí nguyện của Phan. Trong khi các bạn khác chỉ chuyên chú vào giáo trình, sách tham khảo cần thiết, thì Phan để tâm hồn và trí óc mình mở rộng ra sách báo văn chương học thuật hiện thời. Không những các hiệu sách, mà cả các sạp báo, cũng là nơi Phan thường lui tới, đặc biệt là ki-ốt báo chí bên hông Đài Phát thanh Huế. Sự thể đó có lẽ cũng như những ai cùng chí nguyện với Phan.

Nếu học "gạo", Phan hẳn không thua bạn nào, kể cả những bạn gái chăm chỉ nhất. Nhưng nếu vừa học một cách rất chuyên cần ở lớp, ở giảng đường, vừa thường xuyên đọc để "làm văn nghệ" như Phan, có lẽ hầu như không bạn nào cần mẫn, chí thú đến mức đam mê như thế cả, cho dù sau này Võ Nguyên cũng là nhà văn, chuyên viết truyện ngắn, Phạm Bá Thịnh là nghệ sĩ nhiếp ảnh được phong đẳng cấp quốc tế, Nguyễn Chiến cũng mới xuất bản chung một tập thơ.

Khoá của Phan cũng có cái may mắn là được học với những cán bộ giảng dạy đại học ưu tú nhất của Miền Bắc, chủ yếu là từ Hà Nội và Vinh (bấy giờ ở nước ta chưa có quy chế phong học hàm giáo sư, phó giáo sư). Đã mời thỉnh giảng, dĩ nhiên Đại học Sư phạm Huế phải mời những vị mà Ban Giám hiệu quý trọng nhất, là một lẽ. Lẽ khác, các trường ở Hà Nội và Vinh cũng cử vào các vị dày công phu nghiên cứu, giảng dạy nhất để thể hiện lòng ưu ái đối với sinh viên vùng mới giải phóng.

Đối với Phan và bạn bè trong lớp, kiến thức cũ một phần phải xếp vào một nơi nào đó trong óc, một phần lại được soi sáng bởi ánh sáng mới. Đó cũng là một may mắn đối với người thật sự coi trọng chiều sâu của việc học. Phan và bạn bè, mặc nhiên cũng có, có ý thức cũng có, đều tự phản biện, đối chiếu, lật qua lật lại vấn đề, trong óc và cả trong tâm hồn, cho dù trong các lần làm bài tập nhỏ tại lớp, bài tập lớn tại nhà hay các buổi thảo luận tại trường, không có những đề bài đòi hỏi sinh viên phải phản biện, bác bỏ, đại để như đề bài mà Phan đã gặp trong kì thi học sinh xuất sắc về môn triết tại Đà Nẵng: "Anh (chị) hãy chọn một tác phẩm mang đậm chất bi kịch trong văn học cổ điển nước ta, để phân tích quan điểm của tác giả về tính bi kịch ấy, trước khi anh (chị) dùng quan điểm riêng của chính anh (chị) để đánh đổ quan điểm của tác giả". Tuy nhiên, nói chung là bài giảng của các thầy giáo, cô giáo đại học thuở đó, phần lớn là có sức thuyết phục đối với lớp ngữ văn của Phan và bạn bè.

Vì phải truyền đạt và tiếp thu một khối lượng kiến thức chuyên sâu khá lớn, nên cả thầy và trò đều phải đến lớp, lên giảng đường thường xuyên. Do đó, cũng không có thì giờ để kiến tập sư phạm trong suốt ba năm học sau Ngày Thống nhất. Vả lại, Khoa Sư phạm thuộc Viện Đại học Huế nay đã thành Trường Đại học Sư phạm Huế với số lượng sinh viên tuyển vào gấp bội, nên Trường Trung học Kiểu Mẫu, vốn là một bộ phận trực thuộc Khoa Sư phạm cũ, là nơi thực hành sư phạm (như Bệnh viện trung ương Huế đối với Đại học Y khoa Huế), phải giải thể, phân tán học sinh về các trường trung học khác, để dành phòng học, giảng đường cho sinh viên học tập. Do đó, chỉ duy trì thực tập sư phạm vào năm cuối, ở các trường trong và ngoài thành phố Huế.

Đợt thực tập sư phạm ở Trường Cấp 3 Đông Hà, Quảng Trị cũng là kỉ niệm rất đáng nhớ của Phan. Phan là giáo sinh nhưng cũng là tác giả thơ. Phan vừa soạn giáo án, lên lớp giảng văn, nhưng cũng vừa mê mải làm thơ. Nếu bài thơ Phan giảng là "Nhàn", lánh đục về trong, của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì sáng tác của Phan vào dịp ấy là "Bài thơ Đông Hà", dấn thân vào công cuộc xây dựng đất nước, quê hương. Từ dịp này, Phan được thầy Nguyễn Tiến Hùng, giảng viên lí luận dạy văn, quý mến.

Trước khi đi thực tập ở Đông Hà, từ đầu năm học thứ tư, một số sinh viên trong lớp, trong đó có Phan, đã được chọn để làm khoá luận tốt nghiệp. Đề tài Phan chọn là "Shakespeare và những bi kịch tiêu biểu của ông", mặc dù Phan chuyên tâm về thơ. Có lẽ Phan chọn Shakespeare là bởi ông vừa là một tác kịch gia vừa là thi sĩ với những bài son-nê (sonet) rất tuyệt vời. Vả lại, kịch của Shakespeare cũng xen lẫn những câu đối thoại là thơ, chứ không đơn thuần kịch nói (cho nên khi dịch ra thành văn xuôi tiếng Việt, vẫn còn mang đậm chất thơ). Cũng có lẽ vì Phan vốn được phân công làm phó lớp phụ trách văn thể mĩ, kiêm phó ban kịch nói của lớp. Nhưng lí do chính là vì tính mâu thuẫn, xung đột ở thể kịch rất cao, có thể phản ánh được hiện thực thời Phan sống, nên ngoài thơ, Phan lưu tâm đến kịch. Một lẽ khác nữa, Phan còn ôm mộng lớn là sẽ viết tiểu thuyết, mà tiểu thuyết lại gần với kịch hơn là với thơ.

Những vở kịch, tập và diễn với Ngô Vưu và Trương Đặng Nguyệt Thanh ("Chứng chỉ sức khoẻ" của Nguyễn Vũ, "Hãy đặt tên con là ..." của một tác giả Liên-xô), đã đẫn Phan đến với đề tài bài tập lớn (bài nghiên cứu), với sự cộng tác của Thái Quang Hồng trong công đoạn tìm tư liệu, về kịch của Kor-nây-truc (trong đó có nhân vật bị phê phán là một uỷ viên trung ương!), rồi cuối cùng là dẫn đến đề tài khoá luận tốt nghiệp: "Shakespeare và những bi kịch tiêu biểu của ông", gồm ba vở Hamlet, Othello và Macbeth.

Đi học sư phạm, cái chính vẫn là việc học tập để giảng dạy. Nhưng với Phan bao giờ cũng vì mục đích văn chương học thuật, đồng thời vẫn tự nhủ rằng sẽ làm trọn chức năng của một nhà giáo, mặc dù biết rằng môi trường giáo dục với những quy phạm của nó sẽ hạn chế tính sáng tạo vượt lên quy phạm. Những sáng tạo của văn nghệ sĩ ẩn chứa sự mới mẻ có giá trị nhưng cũng có thể sai lầm, mà ngành giáo dục bậc trung học phổ thông không thể là nơi chấp nhận những sáng tạo chưa được thời gian kiểm nghiệm, đãi lọc. Biết thế, nhưng Phan chỉ có thể chọn lựa trong điều kiện của mình.

4
Tình yêu đương

Phan cũng có một mối tình yêu đương thời sinh viên. Nhưng đó vừa không phải là tình đầu, vừa chính là mối tình đầu tiên nồng cháy môi hôn.

Thực ra, thời trung học Phan đã biết thế nào là tâm trạng của một học sinh áo trắng quần xanh biết yêu bạn gái thướt tha tà áo trắng. Nhưng với một nàng thơ, chỉ là hương sen tinh khiết mùa hạ và đầu thu, để rồi bảng lảng suốt năm và nhiều năm sau, mặc dù mỗi một mình biết lấy tình yêu đó. Và một nàng thơ khác, thì chưa từng một lần cầm tay. Với một nàng thơ khác nữa, cũng chỉ duy nhất một lần cầm tay, đúng hơn tay tay mình áp vào tay nàng thơ mình yêu say đắm.

Chắc chắn một điều là trong tuổi trung học, tuổi đại học, Phan đã trải nghiệm rất nhiều ngày tháng yêu đương từ một phía - yêu đơn phương. Yêu thầm. Và có cả yêu thất tình, trong sự khước từ của cô gái mình ngỏ lời. Mãi đến về sau này, Phan vẫn nghĩ rằng, chính như thế mới là tình yêu đương da diết, khổ đau, thấm thía nhất. Và trong lĩnh vực tình yêu đương, Phan hiểu mình chỉ có thể yêu người mà mình thật lòng yêu, chứ Phan không thể gắng gượng yêu người chỉ nặng lòng yêu mình, nhưng mình không thể yêu lại.

Phan cũng không hiểu nổi tình yêu đương thời sinh viên của mình: Không biết hương sen này có phải đã thay thế cho hương sen kia, hương sen kia phải chăng đã bị nhạt phai theo năm tháng nên hiện hữu hương sen này? Thế rồi, cũng không biết Phan tự rời bỏ hay hương sen tự rời bỏ tình yêu đương ấy, để cho hương sen được tinh khiết, mãi mãi là hương sen, và cũng để cho Phan cảm thấy mình không ân hận vì mình đã không làm hương sen bị vấy bẩn.

5
Rời xa Huế, tháng 8-1978

Tháng Năm 1975 Phan từ Sài Gòn hồi cư về Huế. Cũng khoảng trong tháng Tám ba năm sau, 1978, Phan lại cùng một nhóm bạn khác khoa nhưng cùng Trường Đại học Sư phạm Huế, có chung địa chỉ nhiệm sở, lên xe vào Lâm Đồng.

Khi được thông báo từ trưởng lớp là mỗi sinh viên đều có thể chọn ba nhiệm sở, Phan cứ thỉnh thoảng lại nhìn bản đồ Đất nước treo trên vách phòng nhà mình, chú mục vào những tỉnh phía Nam, vì giới hạn được chọn là các tỉnh ấy, những tỉnh còn thiếu giáo viên ngữ văn Việt. Phan chọn Tiền Giang, Hậu Giang và Lâm Đồng. Cuối cùng, Phan quyết chọn Lâm Đồng, theo tinh thần xung phong lên miền núi. Hơn nữa, tuy đó là tỉnh miền núi, nhưng lại có tỉnh lị là Đà Lạt, nơi Phan và nhiều người làm thơ thường mơ mộng. Phan cũng đã gửi thư, nhờ o Vinh, bạn hàng của mẹ, mang ra, thưa với mẹ Phan đã chọn xong nhiệm sở.

Nhận được quyết định bổ nhiệm, Phan liền ra phố huyện Diên Sanh và làng ngoại Thượng Xá để từ giã mẹ và các cậu dì. Phan rất cảm động khi thấy mẹ đã sắm áo ấm và chăn mền cho Phan, cùng với một chiếc xe đạp, một cái đồng hồ đeo tay.

Nhà của mẹ vẫn vậy, một mái tôn từ trước nối dài ra sau. Mái tôn nhà bếp gần đụng đầu, nóng hừng hực dưới ánh nắng hè dữ dội. Nền nhà chủ yếu vẫn là nền đất, có khoảnh còn một lớp xi măng nền cũ, còn sót lại sau những lần bị bom đạn cày xới. Phan cảm thấy hơi cay cay vì nước mắt.

Vào lại Huế, Phan với nhóm bạn cùng nhiệm sở Lâm Đồng chuẩn bị lên đường. Trong sương sớm ở bến xe An Cựu, Phan tình cờ gặp lại thầy Hà Thúc Hoan, thầy giáo môn làm văn, vốn là giảng viên tại Huế, nhưng hiện nay đã vào TP.HCM. để học chính trị, triết học Mác - Lê-nin. Có lẽ thầy đang trong những ngày nghỉ, về phép thăm nhà. Khi xe chuyển bánh, thầy nói theo cho cả nhóm sinh viên: "Nhớ sống và giảng dạy thế nào để khi về có chuyện mà kể nghe!", thay lời chúc cố gắng sống tốt, dạy tốt.

Lần đi nhận nhiệm sở ấy cuối cùng đã đưa Phan về một ngôi trường, không phải là trung học phổ thông (cấp 3) theo hệ đào tạo, mà lại là phổ thông cơ sở (cấp 2)! Ngôi trường ở vùng kinh tế mới Lộc Ngãi ấy, Phan gọi là "Ngôi trường tháng giêng", nhan đề một bài thơ Phan viết, khi tất cả đài báo đều vang lên lời kêu gọi kháng chiến, chống Trung Quốc xâm lược ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Đó là bài Hịch mới, nối tiếp và cùng âm hưởng với những thiên cổ hùng văn trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc.

Ngày Thống nhất Đất nước, 30-4-1975, mọi người đã thấy lộ mặt tập đoàn bành trướng, bá quyền Bắc Kinh ở phía sau Khmer Đỏ. Đó là thời điểm Phan cảm thấy như trút được tảng đá nộ lệ khỏi lồng ngực, lòng nhẹ tênh. Lúc này, ba năm sau, nhất là đến tháng 12-1978 và đầu năm 1979, Trung Quốc càng ngang nhiên lộ mặt là kẻ thù, từ biên giới phía Bắc. Và quần đảo Hoàng Sa, đau đớn thay, vẫn còn đó vết thương xâm lược, đồng thời là chùm bóng đèn sáng soi sự thật lịch sử.

Viết sau khi dạy học được vài tháng, bài "Ngôi trường tháng giêng" là cả một quyết tâm của Phan.

Hai mươi năm sau, đến năm 1998, Phan (Trần Xuân An) lại viết tiểu thuyết cũng có tên là "Ngôi trường tháng giêng". Trong đó, Phan đã tự phân thân thành Nam, Khoai, Lộc Biếc và Huyện. Trong và quanh bốn hình tượng hư cấu ấy, chính là bối cảnh và tâm trạng Phan, lúc vào Ty Giáo dục Lâm Đồng, nhận giấy giới thiệu về Bảo Lộc, cuối cùng vào đến vùng khai hoang lập ấp Lộc Ngãi này. Trọn năm học 1978-1979 đã được gói gọn trong tiểu thuyết "Ngôi trường tháng giêng" (Nxb. Thanh Niên, 2003).

Như thế, Trần Nguyễn Phan - như đã thưa ngỏ, chính là tôi (Trần Xuân An) - còn biết viết thêm gì nữa, về kỉ niệm những ngày sắp cầm phấn bảng làm thầy giáo? Là tác giả, xin trân trọng mời người đọc đi vào tiểu thuyết "Ngôi trường tháng giêng" ấy. Hồi kí - tự truyện "Tuổi học trò của tôi" xin chấm dứt ở dòng chữ này, với lời mời đọc chân thành như thế.

TXA.
TP.HCM., từ 10:30, 08-02
đến 5:30, 10-02 HB12 (2012)