Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]              [ Tác giả ]

Peter Carey

Tiểu Thuyết Gia Hiện Đại Úc

*

Phạm Vũ Thịnh


Tác phẩm của Peter Carey, tiểu thuyết gia gốc Úc 2 lần được giải thưởng Booker, thường được các nhà phê bình văn học trên thế giới chú ý về những đặc sắc Kafka, hiện thực huyền ảo, hậu hiện đại, và hậu thực dân.

Peter Philip Carey sinh năm 1943 ở Bacchus Marsh, tiểu bang Victoria, Úc. Thân phụ kinh doanh một đại lý và xưởng sửa xe hơi, đã cho ông theo học trường tiểu trung học tư dành cho con em những gia đình giàu có. Gặp tai nạn và bỏ học sau một năm ở đại học, ông làm việc cho các hãng phụ trách quảng cáo ở Melbourne và London. Ông đọc say mê các tác phẩm của Joyce, Beckett, Kafka, Faulkner, và bắt đầu sáng tác từ 1964. Tác phẩm được in trọn bộ đầu tiên là tập truyện ngắn "Ông Mập Trong Lịch Sử - The Fat Man In History" năm 1974, đã được giới phê bình và người đọc tán thưởng. Tập truyện ngắn sau đó, "Tội Ác Chiến Tranh - War Crimes" (1979) được giải thưởng văn học của Thủ Hiến New South Wales, Úc.

1981, xuất bản "Hạnh phúc - Bliss", tiểu thuyết hài hước đen về một giám đốc quảng cáo tỉnh dậy sau cuộc mổ tim, tin rằng mình thật ra đang sống ở địa ngục: vợ ngoại tình với đồng sự của ông, thân chủ xả độc làm ô nhiễm môi sinh, con gái chơi ma túy, con trai là cộng sản,... Tác phẩm nầy được 3 giải thưởng văn học trong nước Úc năm 1982, quay thành phim năm 1985, đại diện phim ảnh Úc tham gia Đại Hội Phim Ảnh Cannes.

1985, xuất bản "Tên Lường Gạt - Illywhacker" về một người tự nhận mình nói láo, 139 tuổi, vừa thuật lại lịch sử Úc thế kỷ 20 qua thể nghiệm phiêu lưu của chính mình, vừa đặt nghi vấn về sự khả tín của những chuyện ông ta kể song hành với chính sử của quốc gia, đúng với tinh thần "hậu hiện đại" xử lý hiện thực một cách bỡn cợt.

1988, trường thiên "Oscar và Lucinda - Oscar and Lucinda" được giải Booker. Một biếm họa về sự cuồng tín lồng trong chuyện tình của Oscar và Lucinda, hai người cùng mê thích chuyện đánh bạc ấy đã xây dựng một ngôi nhà thờ bằng thủy tinh và cá với nhau sẽ đưa được nhà thờ ấy bằng đường sông đến giáo xứ của Oscar, lấy ý của Pascal : Tin vào Thượng Đế là một sự đánh cuộc đỏ đen. Tác phẩm nầy được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước Úc, được quay thành phim 1997.

1989, cùng vợ con dời sang New York, dạy Sáng tác văn học ở Đại học New York.

1991, xuất bản "Người Kiểm Thuế - The Tax Inspector", bi hài kịch trong đời sống hiện đại ở một vùng quê bị bỏ quên gần Sydney.

1992, viết cước bản cho phim "Cho Đến Ngày Tận Thế - Until the End of the World".

1994, xuất bản "Đời Phi Thường của Tristan Smith - The Unusual Life of Tristan Smith", về sự tồn vong của nhân tính, nghệ thuật và chính trị ở một nước nhỏ giả tưởng Efica (mà người đọc có thể hiểu là Úc hay Canada) trước áp lực chi phối của nước bảo hộ khổng lồ láng giềng Voorstand (hiểu là Anh hay Mỹ).

1997, tác phẩm "Jack Maggs" về một tội phạm đào thoát sang Úc lén lút trở về Anh thăm con, được giải "Tác gia Trong Khối Thịnh Vượng Chung Anh Quốc - Commonweath Writers Prize", nhưng Peter Carey từ chối không yết kiến Nữ Hoàng Anh theo truyền thống của giải thưởng, vì "những lý do gia đình và cá nhân", có lẽ là vì ông có khuynh hướng cộng hoà chống quân chủ.

2001, "Sự Thật Lịch Sử Về Băng Kelly - True History of the Kelly Gang", chân dung nhân vật truyền thuyết Ned Kelly thời 1870, lịch sử bi tráng của tướng cướp anh hùng của Úc phản kháng chế độ cai trị tham nhũng, được giải Booker.

2003, xuất bản"Đời Tôi, Tên Giả Mạo - My Life as a Fake" về một sự kiện giả mạo văn học ở Úc.

Peter Carey nhận rằng tác phẩm "Trăm Năm Cô Đơn - One Hundred Years of Solitude" của Gabriel García Márquez đã hướng ông về hiện thực huyền ảo, diễn tả những sự kiện siêu thực không tưởng bằng những biểu hiện rõ ràng chính xác truyền thống của văn phong hiện thực. Ông đôi khi dùng bút pháp của các truyện tranh hoạt hoạ : "quan sát sự vật như chúng đang có, và căng chúng ra đến mức lố bịch; lúc đã căng đủ thì có được khung cảnh lạ lùng mà độc đáo".

Hiện nay, Peter Carey là Khoa Trưởng Khoa Sáng Tác (Creative Writing Department) của trường Hunter College, New York.

Phạm Vũ Thịnh
Tham khảo :

[1] "Peter Carey (1943-)", Trang mạng : http://www.kirjasto.sci.fi/carey.htm

[2] Bruce Woodcock : "Peter Carey", bộ sách "Tác Giả Đương Đại Thế Giới - Contemporary World Writers", Manchester University Press, 1996.


Những Giấc Mơ Hoa Kỳ
Peter Carey

American 
              Dreams

Phạm Vũ Thịnh dịch

 
Lời người dịch :

Tuyển tập truyện ngắn "Ông Mập Trong Lịch Sử - The Fat Man In History" xuất bản năm 1974 là giàn phóng đã đưa Peter Carey lên quỹ đạo của những tiểu thuyết gia tiếng Anh được biết đến nhiều nhất hiện nay trên thế giới, mở đầu một sự nghiệp văn học lớn, trong đó có 2 lần đoạt giải thưởng Booker.

Truyện ngắn sau đây, là truyện thứ 11 trong tuyển tập, được dịch từ nguyên bản tiếng Anh trong bản "The Fat Man In History" do University of Queensland Press tái bản lần thứ 10 năm 1998.

Cho đến ngày nay vẫn không ai nhớ chúng tôi đã làm gì phật lòng ông ấy. Anh hàng thịt Dyer nhớ có một lần anh đã lầm lẫn mà phục vụ một người khách khác trước ông ta. Thường thường khi Dyer say, anh lại nhớ đến lần ấy và nguyền rủa chính mình vì đã ngu xuẩn như thế. Nhưng không ai tin thật Dyer là người đã làm ông ấy phật lòng.

Tuy nhiên chắc chắn là trong chúng tôi có người đã làm gì đấy. Cách nào đấy, chúng tôi đã khinh thị ông ta, một người đàn ông nhỏ con, ôn hoà, mang kính không vành, mặc áo quần tề chỉnh, thường mỉm cười rất vui vẻ với mọi người. Có thể chúng tôi đã cho rằng ông ấy có hơi khờ khạo, đôi khi im lặng và nhàm chán quá, mà bỏ quên coi như không có ông ta ở đấy.

Khi còn là một cậu bé con, tôi thường hái trộm táo trên cây nhà ông trong hẽm Mason. Ông ấy thường bắt gặp tôi. Không, nói thế không đúng. Phải nói là tôi thường cảm thấy ông ấy bắt gặp tôi đang trộm táo. Tôi ngờ ngợ rằng ông ấy đang dòm ngó mình sau màn cửa ren trong nhà ông. Có rất nhiều đứa trong chúng tôi đã đến hái trộm táo nhà ông, đi một mình hay từng đám, và có thể ông đang nghĩ cách bắt từng đứa hoàn trả mấy quả táo ấy theo cách riêng khác đời của ông ta.

Thế nhưng tôi đoan chắc rằng cũng không phải vì chuyện táo nầy. Chuyện là, tất cả chúng tôi, cả 800 người, đã phải nhớ lại những lỗi nhỏ đã phạm đối với ông Gleason có thời đã sống cùng chúng tôi. Bố tôi, người chưa hề có ý tai quái nào đối với bất cứ sinh vật nào, vẫn tin rằng ông Gleason có lòng muốn làm điều tốt cho chúng tôi, và ông ấy yêu làng này hơn bất cứ ai trong chúng tôi. Bố tôi bảo chúng tôi đã chủ ý đối xử tồi tệ đối với làng mình, chúng tôi đã lợi dụng thung lũng nhỏ nầy không khác gì một chỗ dừng chân tạm bợ. Một chỗ ngừng trên đường đi đến một nơi nào khác. Ngay cả những kẻ đã sống ở đây nhiều năm cũng chẳng hề nghĩ đến làng một cách nghiêm chỉnh. ƯØ thì phong cảnh có đẹp thật. Đồi núi xanh và rừng có dày thật. Dòng suối thì đầy cá thật đấy. Nhưng vẫn như không phải là chỗ chúng tôi muốn ở lâu. Đã nhiều năm, chúng tôi xem phim ở rạp Roxy và mơ, nếu không phải đến xứ Hoa Kỳ, thì ít nhất cũng phải đến thủ đô của chúng tôi. Bố tôi bảo, đối với làng mình, chúng tôi chẳng có gì hơn là lòng khinh bạc. Chúng tôi đối xử tàn tệ với làng mình như với một con đĩ. Chúng tôi đã cưa đổ những cây khổng lồ cho bóng mát trên đường, để lấy gỗ làm cửa cho trường học và băng ghế cho sân đá bóng. Chúng tôi đã để lại những lỗ hổng to tướng khắp nơi trong làng, từ đấy lấy đi mất than đá, mà chẳng làm gì bù lại cả.

Ngay cả những khách buôn từ xa đến, hay mua cá và khoai chiên ở quán của anh George người Hy Lạp ấy, mà còn biết nghĩ đến làng nầy hơn cả chúng tôi, bởi cả bọn chúng tôi chỉ mơ đến những thành phố lớn, đến cảnh giàu sang, đến nhà cửa tân thời, đến xe hơi to, nói chung là những giấc mơ Hoa Kỳ, như bố tôi gọi chúng.

Bố tôi làm chủ một cây xăng, vừa là một nhà phát minh. Ông ngồi trong văn phòng, suốt ngày vẽ kiểu những máy móc kỳ lạ ở mặt sau những hoá đơn. Tất cả những mảnh giấy dư trong nhà đều có những hình vẽ loại nầy, và mẹ tôi luôn luôn thận trọng không dám vất bỏ mảnh giấy nào, dù vụn vặt đến đâu. Bà cẩn thận xem xét cả hai mặt của bất cứ mảnh giấy nào và luôn luôn giữ lại tất cả những mảnh nào có chút vết bút chì.

Tôi nghĩ vì tính cách như thế nên Bố tôi cảm thấy hiểu được ông Gleason. Bố tôi không hề nói rõ như thế nhưng hàm ý rằng ông hiểu ông Gleason bởi vì chính ông cũng để ý đến những chuyện tương tự. Bố tôi đang nghiên cứu về một máy cán sỏi khổng lồ, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn bị phân trí và quan tâm đến chuyện khác. Chẳng hạn, có lần anh hàng thịt Dyer mang đến một chiếc xe đạp mới có trục biến tốc, thế là trong một thời gian, Bố tôi chẳng nói chuyện gì ngoài cái biến tốc ấy. Tôi thường thấy ông ở bên kia đường, ngồi bệt xuống đất bên cạnh chiếc xe đạp của Dyer như đang trò chuyện với nó.

Tất cả chúng tôi đều đi xe đạp vì không có tiền mua thứ gì khá hơn. Bố tôi thì có một chiếc xe tải Chev nhưng ít khi dùng và giờ thì tôi ngờ rằng chiếc xe ấy có thể có trục trặc máy móc gì đấy không sửa được, hoặc quả thật đúng như lời Bố tôi nói : chỉ vì ông không muốn xe ấy hao mòn quá nhanh. Thông thường Bố tôi đi mọi nơi bằng xe đạp, và khi tôi còn bé, ông chở tôi trên thanh ngang, rồi cả hai xuống xe hì hục đẩy xe lên những ngọn đồi dẫn đến hay đi từ con phố chính. Cảnh đẩy xe như thế vẫn thường thấy trong làng. Xe đạp vừa là phương tiện di chuyển vừa là gánh nặng của chúng tôi.

Ông Gleason cũng có xe đạp, mỗi giờ ăn trưa, ông lại đẩy hay đạp xe từ những công sở trong phố về căn nhà gỗ của ông ngoài hẽm Mason. Khoảng chạy chừng 3 dặm. Người ta kháo nhau rằng ông Gleason kén ăn, không muốn ăn bánh mì kẹp vợ ông làm, hay cả thức ăn nóng có sẵn ở quán cà phê của bà Lessing.

Những ngày ông Gleason đạp hay đẩy xe đi và về từ những công sở trong phố như thế, mọi chuyện trong làng tiến hành bình thường. Chỉ khi ông ta về hưu mới bắt đầu có chuyện trục trặc. Bởi vì từ ngày ấy ông Gleason bắt đầu cho xây một bức tường cao bao quanh lô đất 2 mẫu trên đồi trọc Bald Hill. Ông ta đã trả hớ cho miếng đất nầy. Ông đã mua lại từ Johnny Weeks mà tôi nghĩ phải chịu trách nhiệm về mọi chuyện trục trặc sau nầy, trước tiên là vì hắn đã lừa ông Gleason, và thứ nữa là vì chính chuyện hắn đã bán miếng đất ấy cho ông ta. Ông Gleason thuê một đám lao công người Tàu và khởi sự xây tường. Lúc ấy, chúng tôi hiểu ra rằng chúng tôi đã làm ông ấy phật lòng. Bố tôi đạp xe lên tận Bald Hill để gắng thuyết phục ông Gleason bỏ chuyện xây tường, bởi không ai cần đến những bức tường ngăn cách như thế trong làng nầy. Rằng chẳng ai muốn dòm ngó gì ông ấy, hay chuyện ông muốn làm gì ở Bald Hill cả. Chẳng ai quan tâm đến ông Gleason đâu. Ông Gleason, chỉnh tề trong bộ áo quần thể thao mới, chỉ cúi mặt xuống mỉm cười. Đạp xe trở về, Bố tôi nghĩ có lẽ đã nói quá lời, vì sự thật thì chúng tôi cũng có quan tâm đến ông Gleason chứ sao không. Bố tôi quay xe trở lại mời ông Gleason đến dự hội khiêu vũ vào Thứ Sáu tới, nhưng ông Gleason nói ông không thích nhảy.

_"Cũng đâu có sao". Bố tôi nói. _"Bất cứ lúc nào được, mời ông đến chơi".

Ông Gleason quay lại, tiếp tục chỉ huy đám lao công người Tàu của ông, xây tường.

Đồi Bald Hill sừng sững trên cao nhìn xuống phố, từ cây xăng nhỏ bé của Bố tôi có thể ngồi ngắm bức tường cao dần lên. Một khung cảnh khá thú vị. Tôi ngắm cảnh ấy trong 2 năm, trong lúc chờ khách đến thưa thớt. Sau giờ học và suốt những ngày Thứ Bảy, tôi có trọn thì giờ để ngắm công trình xây tường tiến chậm đến sốt ruột ấy. Sốt ruột như một chiếc đồng hồ.

Đôi khi tôi còn thấy đám lao công người Tàu mang gạch nhún nhảy chạy trên các tấm gỗ dài. Ngọn đồi thì trọc, mà ông Gleason vì lý do gì đấy, lại xây tường bao quanh khoảng đất không cây cối gì cả. Lúc đầu, người ta lấy làm kỳ quái sao lại có người muốn xây một bức tường lớn như thế trên đồi Bald Hill. Đồi nầy chỉ có ưu điểm duy nhất là nhìn thấy khắp cả khu phố, mà ông Gleason lại đang xây tường để ngăn cái nhìn ấy! Lớp đất thịt trên mặt thì mỏng, nhiều chỗ trơ ra đất sét. Chẳng thứ cây nào lớn được ở đấy. Mọi người đồ rằng ông Gleason hẳn chỉ đơn giản là đã phát điên rồi, và lúc đầu còn tò mò tìm hiểu, về sau họ đành chấp nhận chuyện ông ấy điên, cũng như chấp nhận bức tường của ông, cũng như đã chấp nhận ngọn đồi trọc Bald Hill.

Thỉnh thoảng lại có người lạ nào đấy đến mua xăng ở cây xăng của Bố tôi, hỏi chuyện bức tường, để Bố tôi nhún vai, và tôi lại thấy một lần nữa, cái kỳ quái của bức tường ấy.

_"Xây nhà hả?". Người lạ hỏi. _"Trên đồi trọc ấy sao?"

Bố tôi trả lời : _"Không, chỉ là bức tường do một tay tên là Gleason xây đấy mà".

Người lạ lại muốn biết : để làm gì, và Bố tôi lại nhún vai, ngước nhìn về phía Bald Hill mà nói :

_"Chính tôi cũng muốn biết đây".

Ông Gleason vẫn còn ở nhà cũ trong hẽm Mason, một căn nhà gỗ thông-thường, có vườn hồng phía trước, mảnh vườn rau bên hông, và vườn cây ăn trái phía sau nhà. Đôi khi lũ trẻ chúng tôi đạp xe lên Bald Hill ban đêm. Cuốc xe khổ nhọc, mỏi đừ bắp thịt, khổ nhất là khoảng dốc lên thật gấp chưa làm đường mà chúng tôi phải đẩy xe lên, phổi khô khốc trong không khí ban đêm. Lên đến nơi, chẳng thấy gì ngoài bức tường. Một lần chúng tôi đập vỡ vài viên gạch trên tường, và lần khác ném sỏi vào các lều mà đám lao công người Tàu đang ngủ. Chúng tôi làm thế để biểu lộ sự bực bội vì bức tường khó hiểu nầy.

Bức tường ấy hẳn đã hoàn thành một ngày trước Sinh nhật thứ 12 của tôi. Tôi nhớ mình đang tham gia tiệc Sinh nhật ngoài trời trên vùng Suối 11 Dặm - Eleven Mile Creek. Chúng tôi nhóm lửa và nướng thịt ở quãng uốn khúc của dòng suối, từ đó có thể nhìn thấy bức tường trên đồi Bald Hill. Tôi nhớ đang đứng cầm một đĩa thịt nóng sốt trên tay thì có người la lên : "Trông kìa, họ rời đi đấy!".

Chúng tôi đứng trên bờ suối, nhìn đám lao công người Tàu dẫn xe đạp từ từ đi xuống đồi. Có ai đấy bảo rằng họ sắp sửa xây một ống khói lớn trên khu mỏ A.1, và quả thật bây giờ đã có một ống khói lớn ở nơi ấy, nên tôi đoán là do đám lao công người Tàu xây lên.

Khi chuyện bức tường đã xây xong truyền đi thì hầu như cả làng đều lên đấy xem. Họ đi vòng quanh 4 bức tường trông cũng nhàm chán không khác gì mọi bức tường khác. Họ dừng chân trước những cổng gỗ lớn, cố dòm qua, nhưng chỉ thấy bên trong có một bức tường chắn nhỏ nữa, rõ ràng là được dựng lên để ngăn chặn chuyện dòm ngó. Các bức tường đều cao 3 thước, trên gắn miểng chai và dây kẽm gai. Khi hiểu ra là không thể khám phá ra những gì bên trong những bức tường ấy, mọi người chán nản bỏ về.

Ông Gleason đã lâu không còn vào phố nữa. Thay vào đấy, bà vợ đẩy chiếc xe thùng chở hàng từ hẽm Mason đến đường chính Main Street, chất lên đấy những thức ăn và thịt - nhà ấy không mua rau, họ tự trồng lấy - rồi kéo về hẽm Mason. Thỉnh thoảng, bà ấy dừng lại bên chiếc xe thùng giữa đường dốc lên đồi Gell. Chỉ đứng vậy thôi, chờ cho hơi thở bình thường trở lại. Chẳng ai hỏi bà ta về bức tường. Họ biết bà không chịu trách nhiệm gì về những bức tường ấy, và họ thương cho bà phải gánh vác sức nặng của chiếc xe thùng cũng như sự điên rồ của ông chồng. Ngay cả khi bà ấy viếng hiệu vật dụng xây cất Dixon, mua vôi, sơn và keo ngăn nước, cũng chẳng ai hỏi bà mua để làm gì. Bà có lối lảng mắt đi khi muốn tránh câu hỏi. Lão Dixon xách vôi và sơn ra xe thùng cho bà ta, và nhìn bà đẩy chúng đi khuất. Lão nói : "Tội nghiệp bà ấy".

Từ cây xăng tôi ngồi trong nắng, hay trong phòng làm việc khi tôi rầu rĩ nhìn những giọt mưa ngoài kia, thỉnh thoảng tôi thấy ông Gleason đi ra đi vào khu đất của ông, chiếc bóng nhỏ nhoi tuốt trên ngọn đồi Bald Hill. Và tôi nghĩ : "À, ông Gleason đấy", nhưng không nghĩ gì hơn.

Đôi khi có vài người lạ lái xe lên đồi ấy xem có gì, thường là vì bị dân địa phương xúi giục rằng có chùa Tàu hay thứ gì lạ trên ấy. Có lần một nhóm người YÙ bày trò du ngoạn ngoài trời bên ngoài những bức tường ấy, và chụp hình cho nhau trước cái cổng đóng kín. Chỉ có Trời biết họ nghĩ có gì bên trong.

5 năm trong khoảng tôi 12 đến 17 tuổi, chẳng có gì làm tôi chú ý đến những bức tường của ông Gleason. Những năm ấy biến mất trong trí tôi và tôi chỉ nhớ rất ít về khoảng thời gian ấy. Tôi đâm ra thích cô Suzy Markin và theo sau cô từ hồ bơi trên xe đạp. Tôi ngồi ngay sau cô khi xem phim, và đi lang thang trước nhà cô. Rồi cô dời nhà đi tỉnh khác và tôi ngồi trong nắng chờ gia đình cô trở lại.

Chúng tôi trở nên nhiệt thành trong chuyện tân trang nhà cửa. Khi sơn màu đã có thể mua được thì cả làng phát cuồng lên, qua một đêm đã thấy bao nhiêu là nhà sơn những màu rỡ ràng. Rồi vì sơn không có phẩm chất cao, nhanh chóng phai hay tróc đi, cả làng trông như một vườn hoa héo úa. Nghĩ về những năm tháng ấy, sự vật thật mà tôi nhớ lại được là tiếng kêu xịt nhỏ nhẻ của những bánh xe đạp trên con đường chính. Bây giờ nhớ lại thì tiếng ấy có vẻ êm đềm, nhưng ngày trước, nó đã khêu dậy trong lòng tôi cảm giác u buồn, như những buổi chiều khi mặt trời chìm xuống sau ngọn đồi Bald Hill, cả khu phố buồn như một phòng khiêu vũ trống vắng trong một chiều chủ nhật.

Rồi năm tôi 17, ông Gleason chết. Chúng tôi biết được điều ấy khi thấy chiếc xe thùng của bà Gleason để trước nhà quàn Phonsey Joy. Chiếc xe thùng đứng một mình thật buồn trên đường lộng gió. Chúng tôi nhìn chiếc xe và cảm thấy ái ngại cho bà Gleason, đời sống của bà chẳng có gì thú vị cả.

Nhà quàn Phonsey Joy đưa xác ông Gleason ra nghĩa địa cạnh nhà ga Parwan. Bà Gleason đi taxi theo sau. Người ta nhìn xe tang chạy qua và nghĩ : "Ông Gleason đấy" nhưng không nghĩ gì hơn.

Thế rồi, chưa đến một tháng sau ngày ông Gleason được chôn cất ở nghĩa địa cô quạnh cạnh nhà ga Parwan, đám lao công người Tàu đã trở lại. Thấy họ đẩy xe đạp lên đồi, tôi đang đứng với Bố tôi và Phonsey Joy, tự hỏi không biết là chuyện gì. Rồi tôi thấy bà Gleason bước lên đồi. Tôi suýt không nhận ra bà ấy vì không thấy chiếc xe thùng thường ngày. Bà cầm một cây dù màu đen, bước chậm rãi lên đồi, và chỉ khi bà dừng lại để thở, tựa người tới trước, tôi mới nhận ra bà ấy.

_"Xem bà Gleason kìa". Tôi nói. _"Bên đám người Tàu ấy".

Nhưng phải đợi đến sáng hôm sau mới rõ được chuyện gì xẩy ra. Người ta đứng đầy con phố chính như những lúc có đám tang lớn, nhưng thay vì nhìn về góc đường Grant có nhà quàn, họ nhìn cả lên đồi Bald Hill. Cả ngày hôm ấy và ngày hôm sau, người ta tụ lại xem cảnh phá đổ các bức tường. Họ thấy đám lao công người Tàu chạy tới chạy lui, nhưng chỉ đến khi một mảng lớn của bức tường bị đập hẳn xuống, chúng tôi mới hiểu ra rằng quả thật có gì ở bên trong các bức tường ấy. Vẫn không thể nhìn rõ là cái gì, nhưng chắc chắn có cái gì đấy. Người ta đứng đấy thắc mắc và chỉ trỏ bà Gleason cho người khác thấy khi bà ấy đi tới đi lui chỉ huy công việc.

Cuối cùng, riêng lẻ hay từng cặp, xe đạp hay lội bộ, cả làng leo lên đồi Bald Hill. Anh Dyer đóng cửa tiệm thịt, Bố tôi đem chiếc xe tải Chev già nua ra và cả 12 người leo lên chạy đến Bald Hill. Các người nầy dồn đống trong khung xe hay bám vào vách khung xe, và Bố tôi thận trọng lái xe luồn lách trong đám xe đạp, rồi đậu xe lại ngay chỗ khoảng dốc lên cao chưa làm đường. Chúng tôi lê bước trên dốc nầy, hoàn toàn chẳng biết sẽ thấy được những gì ở trên đỉnh.

Trên đỉnh thật yên lặng. Đám lao công người Tàu cần cù làm việc. Họ đang âm thầm phá bức tường thứ 3 và thứ 4, cạo sạch các viên gạch, chất lên thành đống thẳng thớm. Bà Gleason cũng chẳng nói năng gì. Bà đứng ở góc còn lại của các bức tường, trừng mắt nhìn vào đám người dưới phố đang đứng há hốc miệng ngạc nhiên ở chỗ trước đây là một góc tường.

Ngay giữa chúng tôi và bà Gleason là một quang cảnh không thể tưởng tượng được, quang cảnh đẹp nhất mà tôi được thấy trong suốt đời tôi. Lúc đầu tôi không nhận ra. Tôi đứng há hốc mồm, như bị thôi miên bởi vẻ đẹp đến kinh ngạc của quang cảnh ấy. Và tôi nhận ra đấy chính là làng tôi. Những toà nhà chỉ cao chừng 60 phân, có vẻ hơi thô, nhưng thật chính xác. Tôi thấy anh Dyer thúc khủy tay vào Bố tôi, thì thầm rằng ông Gleason đã vẽ đúng cả chữ "U" mờ nhạt trên bảng hiệu tiệm thịt "BUTCHER" của anh.

Tôi nghĩ rằng lúc ấy tất cả mọi người đều ngợp trong một niềm vui giản dị thật lớn. Chính tôi chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc đến thế. Có thể là một tình cảm bồng bột có hơi trẻ con, nhưng tôi ngước nhìn lên Bố tôi thấy nụ cười dẫn hơi ấm đến khắp cả khuôn mặt của ông, khiến tôi hiểu rằng ông cũng đang cảm thấy hạnh phúc giống như tôi.

Sau nầy Bố tôi bảo tôi rằng ông nghĩ ông Gleason đã xây dựng mô-hình làng tôi chỉ cho giờ phút nầy đây, để tất cả chúng tôi thấy được vẻ đẹp của làng mình, để chúng tôi hãnh diện về chính mình và ngừng mơ những giấc mơ Hoa Kỳ cám dỗ kia. Những gì xảy ra sau đó thì, Bố tôi bảo, không có trong dự tính của ông Gleason và ông đã không thể nào dự tưởng trước được.

Tôi cho rằng ý kiến nầy của Bố tôi có phần cảm-thương thái quá, và lại có thể đã xem nhẹ khả năng của ông Gleason. Riêng tôi thì nghĩ rằng ông ấy đã đoán trước được mọi chuyện sẽ xẩy ra. Ngày nào đó thuyết của tôi có thể được chứng minh. Chắc chắn là phải có những giấy tờ cá nhân còn để lại, và những giấy tờ nầy sẽ chứng minh được là ông Gleason đã hiểu chính xác những gì sẽ xẩy ra.

Chúng tôi đã bị choáng ngợp bởi mô-hình đẹp đẽ của làng mình đến nỗi không nhận ra được điều đáng kể nhất. Không phải ông Gleason chỉ xây dựng những nhà cửa, tiệm buôn của làng, mà ông còn tạo nên cả các mô-hình người thực trong các phố nữa. Dõi theo các nơi trong mô-hình, chúng tôi bất ngờ thích thú nhận ra chính mình trong ấy. "Nhìn kìa" Tôi bảo anh Dyer. _"Anh đấy chứ ai". Và quả thật là anh ấy, đứng trước tiệm thịt của anh, cũng mặc tạp-đề như thế. Cúi gập người xuống để quan sát cho kỹ mô-hình người nhỏ xíu ấy, tôi sửng sốt nhìn khuôn mặt của hình người. Mẫu mã có phần thô, sơn thiếu tỉ mỉ, và mặt xem có vẻ nhợt nhạt, nhưng nét mặt thì hoàn toàn tuyệt vời : đôi môi nhíu lại như trêu chọc, và đôi lông mày nhướng lên ấy thì đúng là anh Dyer, không còn là ai khác trên cõi đời nầy. Và đấy, bên cạnh anh Dyer là Bố tôi, ngồi bệt trên lối đi, nhìn say đắm bộ biến tốc trong chiếc xe đạp của anh Dyer, mặt ông có vết dầu nhớt, và hy vọng.

Và tôi đấy, ở cây xăng, đang tựa người vào trụ bơm xăng trong dáng đứng của một tay chì Hoa Kỳ, nói chuyện với Brian Sparrow đang cố chọc tôi cười với ngón hề cố hữu.

Phonsey Joy đấy, đứng bên xe táng của anh ta. Lão Dixon ngồi trong tiệm vật liệu xây cất. Tất cả những người tôi biết đều có mặt trong cái ngôi làng nhỏ xíu ấy. Không ở trên đường, hay vườn sau thì cũng ở trong nhà. Và không bao lâu, người ta hiểu ra rằng còn có thể giở cả các mái nhà lên để xem được cả bên trong.

Chúng tôi rón rén đi vòng các đường, nhìn vào các cửa sổ của nhau, giở các mái nhà của nhau lên, tán thưởng vườn tược của nhau. Trong khi ấy, bà Gleason im lìm nhón gót chuồn thẳng xuống đồi về hẽm Mason. Bà không nói gì với ai mà cũng chẳng ai nói gì với bà.

Xin thú thật rằng tôi là người đã giở mái nhà Cavanagh, do đấy tôi là người đầu tiên thấy quả-tang bà Cavanagh đang nằm trên giường với cậu trai trẻ Craigie Evans. Tôi đứng sững hồi lâu, không tin vào mắt mình. Tôi nhìn trừng trừng vào cặp ấy một hồi lâu thật là lâu. Khi tôi cuối cùng hiểu ra cái gì tôi đang nhìn thấy đấy, tôi cảm thấy lẫn lộn kinh khủng tình cảm ghen tỵ lẫn tội lỗi lẫn ngạc nhiên đến nỗi không biết phải làm gì với cái mái nhà. Cuối cùng Phonsey Joy lấy cái mái nhà từ trên tay tôi mà lắp trở lại vào chỗ cũ, như đậy lại một cái nắp hòm.

Đến lúc ấy thì nhiều người khác cũng đã thấy những gì tôi thấy, và dư luận nhanh chóng lan ra. Thế rồi tất cả chúng tôi đứng lại thành nhóm và nhìn mô-hình khu phố với một tình cảm chỉ có thể là sự sợ hãi. Nếu ông Gleason biết chuyện bà Cavanagh với cậu Craigie Evans trong khi chẳng ai khác biết cả, thì không hiểu ông ấy còn biết thêm những chuyện gì khác nữa không? Những người chưa nhận ra mình ở đâu trong mô-hình ấy bắt đầu lộ vẻ ưu tư và lưỡng lự không biết có nên tiếp tục tìm chính mình trong ấy hay không. Chúng tôi im lặng nhìn đăm đăm các mái nhà, cảm thấy tội lỗi và mất tin tưởng.

Rồi tất cả chúng tôi đi xuống đồi, âm thầm như rời một đám tang, chỉ nghe tiếng sỏi lạo xạo dưới gót chân, và các bà thì lúng túng vì những đôi giày cao gót.

Ngày hôm sau, một cuộc họp khẩn cấp đặc biệt của Hội đồng khu phố thông qua một chỉ thị đòi bà Gleason phải phá hủy mô-hình khu phố với lý do vi phạm các điều luật xây cất.

Nhưng không may là chỉ thị nầy chưa kịp thi hành thì báo chí trên tỉnh đã hay biết. Ngay ngày hôm ấy, chính phủ đã can thiệp vào. Toàn bộ mô-hình nhà cửa và người phải được bảo tồn. Bộ trưởng Bộ Du lịch đến trong một chiếc xe hơi đen lớn và đọc diễn văn trước chúng tôi trong sân đá bóng. Chúng tôi ngồi trên những ghế bậc thang trên cao, ăn những lát khoai tây chiên trong khi ông ấy đứng tựa lưng vào hàng rào, nói chuyện. Chúng tôi nghe không rõ lắm, nhưng nghe thế cũng đủ rồi. Ông ta gọi mô-hình ấy là một công trình nghệ thuật. Chúng tôi nhìn trừng trừng vào ông ta với vẻ khó chịu. Ông ta nói mô-hình ấy sẽ là một cảnh quan du lịch vô giá. Du khách từ khắp các nơi sẽ đổ về đây để xem mô-hình. Chúng tôi sẽ nổi tiếng. Doanh nghiệp sẽ phát triễn tột bực. Sẽ có thêm nhiều công ăn việc làm cho những người hướng dẫn du lịch, thông ngôn, tiếp khách, taxi, người bán nước ngọt, kem lạnh, ...

Ông ta bảo người Mỹ sẽ đến. Họ sẽ viếng thăm làng chúng tôi bằng xe buýt, xe nhà, tàu điện. Họ sẽ chụp hình. Họ sẽ mang đến những ví tiền đầy ắp giấy bạc. Mà là giấy bạc Mỹ nữa chứ.

Chúng tôi nhìn ông Bộ trưởng với vẻ đầy nghi ngờ, không hiểu ông ấy có biết gì về chuyện bà Cavanagh. Ông ta chắc là có để ý đến lối nhìn ấy, nên nói rằng một vài thứ có vẻ gây dư luận xáo trộn, thì đã được lấy đi rồi. Chúng tôi nhích người trên ghế ngồi, như khi xem phim đến đoạn gay cấn tột đỉnh. Rồi chúng tôi thư giãn lại và lắng nghe xem ông Bộ trưởng nói gì. Và tất cả bắt đầu mơ lại những giấc mơ Hoa Kỳ.

Chúng tôi mơ những chiếc xe hơi to lớn, chạy êm xuôi len lỏi qua các đường phố sáng trưng ánh đèn; chúng tôi vào những hộp đêm sang trọng, nhảy nhót cho đến sáng; chúng tôi làm tình với đàn bà đẹp như Kim Novak và đàn ông đẹp như Rock Hudson; chúng tôi uống những cốc rượu-pha thời thượng; chúng tôi nhìn lơ đãng những tủ lạnh đầy ắp thực phẩm; chúng tôi dọn lên những bữa ăn đêm thịnh soạn, vừa ăn vừa xem TV, những giàn TV to tướng chiếu phim Mỹ không tốn tiền, mãi mãi ...

Ông Bộ trưởng, như nhân vật nào đấy trong những giấc mơ Hoa Kỳ của chúng tôi, bước vào chiếc xe đen to lớn, từ từ rời khỏi sân đá bóng khiêm nhượng của chúng tôi. Rồi đến lượt các nhà báo tràn ngập sân với máy hình và sổ sách của họ. Họ chụp hình chúng tôi, chụp hình mô-hình trên đồi Bald Hill. Ngày hôm sau, hình chúng tôi tràn ngập trên tất cả các tờ nhật báo. Họ đăng hình của các hình người trong mô-hình đối chiếu bên cạnh các người thật. Cả tên tuổi, nghề nghiệp, việc làm của chúng tôi cũng được đăng lên rõ ràng trên ấy. Họ phỏng vấn cả bà Gleason nhưng bà chẳng nói gì đáng kể, chỉ bảo rằng mô-hình ấy là thú vui của chồng bà lúc còn sống.

Chúng tôi tất cả đều cảm thấy khoan khoái. Thật thích thú khi hình mình được đăng lên báo. Một lần nữa, chúng tôi thay đổi ý kiến về ông Gleason. Hội đồng khu phố lại triệu tập một phiên họp đặc biệt quyết định đặt tên cho con đường đất dốc lên đồi Bald Hill là "Đường Gleason". Rồi tất cả chúng tôi về nhà đợi những người Mỹ đến, như Ông Bộ trưởng đã hứa hẹn.

Vâng, họ đến thật. Để tôi nói cho rõ câu chuyện xẩy ra như thế nào.

Người Mỹ đến mỗi ngày bằng xe buýt và xe nhà, đôi khi có những người trẻ đến bằng tàu điện. Nay lại có thêm một đường bay nhỏ gần nghĩa địa Parwan, và họ cũng đến đấy trên những chiếc phi cơ loại nhỏ. Phonsey Joy đưa họ đến nghĩa địa để họ xem mộ ông Gleason, xong leo lên đồi Bald Hill, rồi xuống phố. Hắn làm ăn rất khá, đấy là điều tốt. Phonsey Joy trở thành một thân hào nhân sĩ và có chân trong Hội đồng khu phố.

Trên Bald Hill có thêm nửa tá kính viễn vọng để cho người Mỹ dòm xuống khu phố mà vững tâm rằng ở đấy rõ ràng là giống với mô-hình trên đồi Bald Hill. Herb Gravney bán kem lạnh, nước ngọt và phim ảnh cho họ. Anh ta cũng là một người làm ăn khá. Anh ta mua trọn mô-hình từ bà Gleason rồi bán vé vào cửa 5 Mỹ kim. Rồi Herb cũng được vào Hội đồng khu phố. Anh ta làm ra tiền rất nhiều, nhất là từ việc bán phim cho du khách để họ chụp hình những nhà cửa và người trong mô-hình rồi cầm bản đồ đặc biệt xuống phố tìm nhà cửa và người thật cho giống với mô-hình để chụp hình mà so sánh.

Nhưng thật tình thì phần lớn chúng tôi đều đã chán chuyện nầy quá rồi. Du khách cứ tìm đến Bố tôi, yêu cầu ông ngồi nhìn chăm chú vào bộ biến tốc trong chiếc xe đạp của Dyer. Tôi thấy ông băng qua đường với vẻ trầm tư, đầu cúi xuống. Ông không còn chào hỏi người Mỹ nữa. Ông không còn hỏi họ về TV màu, hay thành phố Washington DC. Ông quỳ gối trên lối đi, trước chiếc xe đạp của Dyer. Họ đứng quanh ông. Thường thường, họ nhớ lộn hình người trong mô-hình rồi bắt Bố tôi phải đứng ngồi theo ý họ. Lúc đầu ông còn tranh cãi với họ, riết rồi đành thôi, cứ làm theo ý họ muốn. Họ đẩy ông phía nầy phía kia và băn khoăn sao nét mặt của ông chẳng còn giống gì với mô hình nữa.

Rồi tôi biết là họ sẽ tìm đến tôi, bởi tôi là người kế tiếp trên tấm bản đồ đặc biệt ấy. Tôi đặc biệt vì những lý do gì đấy không rõ. Đã 4 năm nay, du khách đến tìm tôi và cây xăng của tôi. Tôi chẳng mong đợi gì họ vì tôi biết ngay trước khi họ đến rằng họ sẽ thất vọng.

_"Nhưng đây đâu phải là cậu ấy?"

_"Đúng là cậu ấy đấy mà". Phonsey Joy nói, bắt tôi đưa cho họ xem chứng chỉ của tôi. Họ khám xét chứng chỉ với vẻ nghi ngờ, mân mê tờ giấy ấy như có thể là giấy giả mạo. "Không phải". Người Mỹ thật là tự tín.

_"Không phải". Họ lắc đầu. "Không phải là cậu bé ấy. Cậu ấy phải trẻ hơn kia".

_"Thì cậu ấy đã lớn lên rồi. Cậu ấy lúc trước thì trẻ thế đấy chứ".

Phonsey Joy có vẻ lo lắng khi giải thích cho họ hiểu. Anh ta có đủ lý do để phải lo lắng.

Những người Mỹ ấy nhìn sát vào mặt tôi. _"Cậu nầy khác thật mà".

Nhưng cuối cùng, họ cũng lấy máy ảnh ra. Tôi đứng chán nản, gượng làm ra vẻ vui thích như ngày trước. Ông Gleason đã nhìn thấy tôi trong vẻ vui thích thế đấy, nhưng tôi thì chẳng còn nhớ là như thế nào nữa. Lúc ấy tôi đã nhìn Brian Sparrow. Nhưng Brian giờ đây cũng đã mỏi mệt rồi. Hắn thấy khó mà diễn lại những động tác hề diễu ngày trước, và người Mỹ thấy mấy động tác của hắn chẳng có gì vui. Họ thích mô hình kia hơn. Tôi buồn rầu nhìn bạn mình, tiếc cho hắn phải diễn trò trước một đám khán giả thiếu cảm tình như thế.

Người Mỹ trả 1 Mỹ kim để chụp hình chúng tôi. Đã trả tiền rồi nên họ lo bị lường gạt. Họ không ngừng băn khoăn vì thất vọng, còn tôi thì không ngừng băn khoăn vì ý thức phạm tội, rằng tôi làm họ thất vọng vì đã lớn lên và buồn thêm.

Phạm Vũ Thịnh dịch

Nói Chuyện Với Kỳ-Lân
Peter Carey

Conversations With Unicorns

Phạm Vũ Thịnh dịch

Lời người dịch :

Tuyển tập truyện ngắn "Ông Mập Trong Lịch Sử - The Fat Man In History" xuất bản năm 1974 là giàn phóng đã đưa Peter Carey lên quỹ đạo của những tiểu thuyết gia tiếng Anh được biết đến nhiều nhất hiện nay trên thế giới, mở đầu một sự nghiệp văn học lớn, trong đó có 2 lần đoạt giải thưởng Booker.

Truyện ngắn sau đây, là truyện thứ 10 trong tuyển tập, được dịch từ nguyên bản tiếng Anh trong bản "The Fat Man In History" do University of Queensland Press tái bản lần thứ 10 năm 1998.

1

Đám kỳ-lân[1] vẫn không hiểu. Tôi đã nhiều lần nói chuyện với họ nhưng khó làm cho họ hiểu quá. Họ khăng khăng cho là tôi đến chỉ để lấy xác của một người trong bọn họ, nhưng cùng lúc, họ vạch ra rằng không còn xác nào cả vì một người đàn ông khác đã đến lấy đi trước tôi rồi. Họ tiếp tục kiên trì ở các điểm ấy, và cười diễu rằng tôi đã đến vì một thứ không còn có ở đấy. Tôi hỏi tại sao họ lại nghĩ rằng tôi chỉ có thể đến vì một lý do ấy thôi, thì họ đáp là bao lâu nay chỉ có chuyện ấy chứ chẳng có gì khác; những người đàn ông đến, như những con kên-kên, khi có ai chết, chỉ để lấy xác mang đi. Tôi gợi ý rằng con người là tàn nhẫn, nhưng họ phủ nhận điều nầy, nói rằng con người thi hành những công tác mà Thượng Đế giao cho một cách hiệu quả. Họ bảo con người không thể bị bắt phải chịu trách nhiệm về cái chết của loài kỳ-lân.

Tôi đề cập đến súng. Nhưng họ không biết gì về súng, hay hoá ra là, về bất cứ loại vũ khí nào. Vì thế, tôi gắng mô tả cho họ về cái hào sâu chạy ngang phần trên của dãy núi, bãi đậu xe sau hào, và những chiếc xe hơi đến bãi, chất đầy người và súng. Họ không có ý niệm gì về tính chất của xe hơi hay công dụng của chúng. Đây là một chuyện dài dòng và tôi không trả lời những câu hỏi của họ về tính chất của xe hơi. Thay vào đấy, tôi giải thích rằng đầu của kỳ-lân rất có giá đối với những người trả 3 ngàn bảng Anh cho đặc quyền được bắn kỳ-lân. Tôi giải thích chuyện người ta nấp vào hào sâu ấy và đợi cho kỳ-lân chạy ngang qua đồng cỏ.

Khi tôi trở lại chuyện súng thì họ cười ngất, cười bò lăn trong hang động. Thủ lãnh của họ là Moorav tươi cười cảnh cáo tôi đừng phạm thánh, bảo rằng chỉ có Thượng Đế mới có quyền lực để lấy mất sự sống. Rồi ông kể cho tôi biết rằng thời nguyên thủy, loài kỳ-lân sống trường sinh, được người ta và các giống vật khác kính nể, không có kẻ thù thiên nhiên nào cả. Nhưng đấy là thời vô thần, trước khi Thượng Đế giáng hạ trên đời. Ông cho tôi biết rằng Thượng Đế đã truyền thụ cho loài kỳ-lân, tôi dùng chữ chính xác từ miệng ông, "lộc Trời là sự Chết".

Ông nhớ lại một truyện xưa kể rằng loài kỳ-lân đã được đưa từ một vùng đất nóng và lạ, băng qua vùng nước mà đến đồng cỏ nầy, giờ đây đã trở thành quê nhà của họ. Chính ở đây mà Thượng Đế đã phán rằng phái Nam phải ở chung với nhau trong những hang ở Đồi Bắc, và phái Nữ trong những hang ở Đồi Nam. Những luật nầy vẫn còn được tuân thủ nghiêm cẩn đến ngày nay.

Tôi hỏi có phải Thượng Đế trong truyện ấy có hình dạng của một người đàn ông hay không, thì Moorav trả lời rằng ông không nghĩ thế, Thượng Đế nếu phải lấy hình dạng nào, chắc chắn đã chọn hình dạng của kỳ-lân, mặc dù ông không phải là nhà chuyên môn về chuyện nầy, và tốt hơn là tôi hãy hỏi một trong những giáo sĩ để kiểm chứng.

Tôi nhấn mạnh rằng kỳ-lân chỉ bị giết ở khoảng giữa hang của phái Nam và hang của phái Nữ, gồm khoảng 2 dặm đồng cỏ lộ thiên. Moorav bảo rằng việc nầy chỉ là tự nhiên thôi, vì họ đâu có đi nơi nào khác. Ông không lấy làm lạ tại sao kỳ-lân không bao giờ chết trong hang, vì nói cho cùng, thế mới là bình thường.

Trong mắt tôi, kỳ-lân bắt đầu có vẻ ngu muội, nhưng điều ấy lại càng làm mạnh thêm ý tôi muốn bảo vệ họ khỏi bọn kỹ nghệ gia giàu có mò đến săn họ. Tôi kiên nhẫn khuyên họ phải coi chừng những con người tìm đến để giết họ, nhấn mạnh rằng Thượng Đế không bắn súng. Họ trở nên nghiêm chỉnh hơn về điểm nầy khiến tôi nghĩ có lẽ tôi đã đạt được một bước tiến.

Moorav rời vòng họp đi hội ý với những kỳ-lân khác ở sâu trong hang. Với nhóm còn lại, tôi nói rằng nếu có Thượng Đế thì chắc chắn Ngài không dùng súng. Tôi bắt đầu giải thích tính chất của súng, cơ cấu của nó. Tôi chọn mô hình là khẩu Lee Enfield .303 mà tôi có chút ít kinh nghiệm sử dụng. Tôi vẽ nó lên lớp bụi trên sàn hang. Tôi giải thích về chiến tranh và sự si mê của con người đối với những vũ khí còn phức tạp và tàn nhẫn hơn thứ vũ khí tôi vừa giảng giải cho họ. Tôi cho họ biết chi tiết về sự tàn nhẫn của con người đối với đồng loại và với loài vật. Tôi đưa ra những thí dụ về việc tàn sát giống hải cẩu, việc sát hại có hệ thống giống cừu và bò, việc khuất phục giống ngựa, việc săn giết giống sư tử, việc lập ra những sở thú và gánh xiếc thú vật. Tuy nhiên, phần lớn những thú vật nầy đều xa lạ đối với họ, tuy sư tử thì có được nhắc đến trong các huyền thoại của họ.

Tôi hỏi họ ăn thức gì. Hiểu lầm là lời yêu cầu, họ mang thức ăn đến cho tôi : mật hoang, bánh mì nâu, và sữa. Tôi hỏi họ có ăn thịt không. Họ không hiểu. Tôi giải thích rằng thịt mà giống người ăn ấy, lấy từ thân súc vật. Họ lại hiểu lầm là tôi yêu cầu, tuy tôi đã nói rõ ràng là không phải thế, họ vẫn bối rối và nói thầm thì với nhau.

Tôi tiếp tục nói về tội ác của con người, nhưng lại bị cắt ngang bởi Moorav đã trở lại với 2 kỳ-lân trong bọn. Ông yêu cầu tôi ngừng câu chuyện. Tôi đáp rằng tôi chỉ lo cho sự an toàn của họ. Ông giới thiệu 2 bạn, trong đó một là giáo sĩ thông thạo đạo lý và giới luật của Thượng Đế. Giáo sĩ già, có hàm râu trắng mà tôi không thấy ở các kỳ-lân khác. Tôi giải thích một lần nữa, cho giáo sĩ nầy, về tính cách của con người, nhu cầu giết và ăn thịt những sinh vật khác của con người.

Nói đến đấy, tôi thấy mình bị ép hai bên bởi hai kỳ-lân trẻ, các vòng hông to tướng của họ gần như ép dẹp bộ xương sườn của tôi. Giáo sĩ nói gì đấy về tội phạm thánh.

Tôi nói tôi đến đây chỉ để cứu họ khỏi sự chết. Tôi không đến đây để tranh biện về thần học, mà chỉ nói sự thật thôi. Tôi hỏi họ có phải cái chết nào của kỳ-lân cũng luôn luôn đi kèm với tiếng nổ lớn không. Giáo sĩ đáp rằng đúng như thế, nhưng cũng có nhiều tiếng nổ lại không phải là dấu hiệu của sự chết.

Tôi trở lại một lần nữa việc giải thích về súng, đạn và đạn đạo. Giáo sĩ hỏi tôi tại sao kỳ-lân không bao giờ thấy những thứ ấy cả. Tôi mô tả, một lần nữa, cái hào sâu chạy ngang phần đỉnh của dãy núi, và giải thích, một lần nữa, rằng con người có thể giết từ khoảng xa như thế. Tôi giải thích đầu của kỳ-lân bị cắt rời khỏi thân như thế nào, và treo lên tường nhà của những người giàu như thế nào.

Tôi trở nên giận dữ. Họ tiếp tục thì thào với nhau, không chịu nghe. Giọng nói của họ, lúc đầu còn dễ nghe, dần dần trở nên thô lỗ và vì thế, ngu độn hơn.

Và có vẻ họ trở nên bất bình đối với tôi. Họ xé rách lưng áo tôi. Họ bắt tôi quỳ xuống rồi bò bằng tay chân, họ lấy sừng húc tôi từ mọi phía. Họ gọi tôi là tên phạm thánh. Nước mắt tôi chảy ra nhưng không phải vì đau đớn. Một kỳ-lân to lớn thình lình ngồi đè lên tôi, ép mặt tôi vào bụi đất. Xương hông tôi hẳn đã gãy rồi.

Tôi nghe đau như xé thịt bên hông và đầu bị một cú đập mạnh. Tôi chỉ còn nhớ có thế.

2

Đám người đi săn tìm thấy tôi trên đồng cỏ và không biết gì về những hoạt động sứ mệnh của tôi, đã đối xử tử tế và đưa tôi vào một bệnh viện gần đấy để tôi được săn sóc chu đáo. Khi xuất viện, với chân phải còn bó bột và xương sườn băng bó vững vàng, tôi trở lại đồng cỏ, mang theo cây súng trường mới mua. Tôi định sẽ biểu diễn cho kỳ-lân xem đặc tính của cây súng, và nếu may mắn, sẽ dàn xếp để họ di tản khỏi khu vực ấy đến những vùng xa hơn trên đồng cỏ, nơi họ có thể sinh sống mà không bị ai thấy. Tôi không ghét giận gì họ về chuyện bị họ hành hung. Đấy là sản phẩm của sự ngu tối mà tôi nghĩ sẽ không xảy ra nữa.

3

Moorav ngạc nhiên khi thấy tôi trở lại. nhưng ông và nhóm ông tỏ ra tử tế đối với tôi. Họ cho tôi ăn đầy đủ và giáo sĩ còn đến ăn bánh mì cạnh tôi, hỏi thăm tôi đã hồi phục chưa. Ông ta gọi cung cách tôi đã làm là "chuyện rối rắm của anh" và hỏi tôi đã khá hơn không.

Tôi nói tôi có đem theo một vật có thể chứng minh điều tôi đã nói là đúng. Giáo sĩ nói ông hy vọng rằng tôi không sắp sửa lặp lại tất cả chuyện đã làm lần trước. Tôi chỉ cây súng và cho nó một tên gọi. Ông nhìn cây súng và hỏi vài câu mà tôi trả lời dễ dàng. Các câu hỏi ấy hướng về vật liệu chế tạo hơn là về công dụng của cây súng.

Sau bữa ăn, tôi thuyết phục được họ cùng đi ra cửa hang. Moorav có vẻ lưỡng lự, nhưng tôi đã nài nỉ được. Với kỳ-lân đứng thành nửa vòng tròn sau lưng, tôi nâng súng lên vai và bắn ra ngoài đồng cỏ. Kỳ lạ thay, họ chẳng lộ vẻ gì ngạc nhiên cả. Họ bảo tiếng nổ ấy chẳng giống tiếng nổ gây ra sự chết, và để chứng minh, họ vạch rõ rằng thực tế chẳng có ai chết cả. Và một lần nữa, họ lại cười nhạo tôi. Càng làm tôi nổi giận, và khắc khoải muốn chứng tỏ điều tôi nói. Sau cùng Moorav bước đến đề nghị rằng chỉ có thể dứt điểm vấn đề bằng cách tôi dùng vũ khí ấy ngay trên ông ta. Tôi nói không được vì vũ khí ấy sẽ giết ông. Ông lại cười bảo tôi sợ thất bại nên nói thế thôi. Tôi để ý trong lần thứ hai đến gặp họ nầy, họ đối xử với tôi như với một thằng điên, có lẽ họ đã quyết đoán rằng tôi ngu xuẩn nhưng vô hại. Tội phạm thánh không còn được nhắc đến nữa.

Tôi buồn bã hỏi Moorav có thực ông sẵn sàng chết vì dân của ông không. Ông nói chỉ có kỳ-lân của thời vô thần mới khỏi chết thôi, ông không sợ chết.

Tôi không còn suy tính gì nữa bởi tôi biết rằng nếu tôi suy tính kỹ, sẽ không bao giờ có thể chứng minh được điều tôi nói với họ. Tôi nâng súng lên nhắm vào đầu Moorav. Tôi lưỡng lự một lúc, nhưng rồi, nghe đám kỳ-lân vẫn còn cười cợt chế diễu sau lưng, tôi bóp cò súng. Moorav rên lên, lảo đảo. Máu phọt ra từ vết thương trên đầu, ông từ từ qụy xuống, mắt trợn trắng.

Im lìm sau lưng tôi. Không còn tiếng ai nói gì nữa.

4

Tôi tự tay chôn Moorav trong nấm mộ cạn. Công việc tiến chậm vì kỳ-lân không có dụng cụ đào đất, và họ vẫn còn có ý chờ người nào đấy đến lấy xác đi, người nào đấy ngoài tôi.

5

Trong hang, im lặng suốt ngày. Kỳ-lân tụ lại từng đám nhưng không nói gì cả. Cuối cùng, giáo sĩ đến gần tôi ra dấu muốn nói gì đấy với tôi. Ông nói tôi đã làm một chuyện sai trái nghiêm trọng đối với dân của ông, tôi đã lấy mất đi "lộc Trời là sự Chết" của họ. Ông bảo rằng bây giờ thì dân của ông sẽ phải dời đến một vùng khác của đồng cỏ nầy, như ý nguyện của tôi. Rồi họ sẽ trở lại với thời cũ và không ai phải chết cả. Không có thần thánh mà cũng không có kẻ thù, kỳ-lân sẽ từ từ chìm đắm vào tuyệt vọng sâu thẳm, sống những giờ phút tìm kiếm giấc ngủ trong đó có lẽ họ mơ được chết. Rồi họ sẽ quên rằng đã có thể chết một thời xa xưa nào đấy.

Giáo sĩ còn thổ lộ rằng ông đã cố gắng thuyết phục kỳ-lân ở lại đây, nhưng họ sợ hãi quá, và nếu ông định dùng quyền lực của ông mà bắt buộc thì họ cũng sẽ chẳng nghe lời ông. Ông chỉ yêu cầu tôi một điều, là tôi hãy dùng vũ khí ấy trên ông. Ông xem đấy là một ân huệ lớn.

Tôi buồn rầu nạp đạn vào súng. Bên trong hang, đám kỳ-lân nằm im lìm, không hiểu rằng họ sẽ phải sống mãi mãi.

Phạm Vũ Thịnh dịch
Cước chú :

[1] Kỳ-lân - Unicorn : Giống thú huyền thoại có hình dạng ngựa có một sừng thẳng nơi mặt, tự điển Việt Nam dùng chữ "kỳ-lân" để diễn dịch.



 [  Trở Về  ]