Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN III : MỞ CỬA VÀ DUY TÂN - THỜI ĐẠI MEIJI 

Chương II : Chính phủ mới và chính sách trung ương tập quyền 
Tiết 1: Tân chính phủ ra đời
1.1 Chiến tranh Mậu Thìn (Boshin) bộc phát và kết liễu:

Cuộc hội họp của "tiểu triều đình" quyết định Tokugawa Yoshinobu phải từ chức và trả lại lãnh địa chưa dẫn ngay đến cuộc chiến tranh năm Mậu Thìn mà sử Nhật mệnh danh là Boshin sensô (1868-1869). Thực ra trước khi nó xảy ra, phái "công nghị" đã có cơ hội quật ngược lại - hơn nữa - một điều khó có thể tưởng tượng là vào một thời điểm, việc trao nhiệm vụ đứng đầu chính quyền cho cựu Shôgun Yoshinobu được xem như là giải pháp khả thi để tránh bế tắc.

Xin trình bày gọn gàng như sau:

Khi lệnh buộc "từ quan nạp địa" vừa được truyền ra, tức khắc các cựu thần của mạc phủ và phe cánh của cựu mạc phủ, gọi là phái "tá mạc" (sabaku) vô cùng phẫn nộ vì cho rằng triều đình xử sự quá khắc nghiệt. Thật vậy, đùng một cái mà lột hết chức tước và tịch biên đất đai của người ta thì làm sao tránh khỏi phản ứng như thế từ phía những kẻ chịu thiệt hại.

Tuy nhiên riêng Yoshinobu thì ông chỉ lẳng lặng rời Kyôto và rút về thành Ôsaka. Bởi vì ông ý thức được phái chủ trương dùng vũ lực để lật đổ ông đang mưu tính điều chi. Họ chắc hẳn chờ đợi sự bùng nổ nào đó để đi đến một cuộc nổi dậy chống lại triều đình của phái "tá mạc" khi những người này cũng bị du vào tình thế bị ép uổng phải "từ quan nạp địa". Và dĩ nhiên kể từ phút đó, mạc phủ sẽ hoàn toàn trở thành "triều địch" (chôteki), kẻ nghịch tặc trước mặt Thiên hoàng và chính phủ mới. Im miệng nín thinh chịu trận như Yoshinobu có nghĩa là khôn ngoan và bình tĩnh đối phó với tình huống chứ không chịu chui vào cái bẩy do phái "thảo mạc" giăng ra.

Mặt khác, lúc đó trên toàn quốc, khi quyết định của "tiểu triều đình" đến tai họ, hầu hết lãnh chúa các phiên đều phê phán lối cư xử của triều đình và dần dần tỏ ra có thiện cảm với Yoshinobu. Dựa vào đó, phái "công nghị" có thêm sức mạnh và mưu đồ đấu tranh chống lại phái "vũ lực thảo mạc", những mong đoạt lấy chính quyền để đưa Yoshinobu lên vị trí đứng đầu chính phủ mới.

Nếu tình huống trôi chảy một cách bình thường, có lẽ việc Yoshinobu nắm chính quyền cũng không phải là một điều vô lý nhưng lịch sử vốn trớ trêu nên vào ngay lúc đó, đã có một sự kiện lớn phát sinh.

Tại Edo, bản doanh của mạc phủ và là một nơi cách xa trung tâm chính trị Kyôto cả nghìn cây số, một nhóm cựu mạc thần đã nổi dậy, phá tan hoang một số dinh thự của phiên Satsuma, vốn là thế lực trung tâm của phái chủ trương dùng vũ lực đuổi mạc phủ. Tại sao cơ sự đó đã xảy ra? Người ta cho rằng vì trước tiên, một số võ sĩ vô chủ nay theo phiên Satsuma đã có những hành động bạo lực, sách nhiễu, phá rối trị an Edo và vùng lân cận.Vì không nhịn nhục nổi trước sự lộng hành ấy mà các cựu mạc thần mới ra tay chăng?

Cũng có thể hiểu đây là một cái bẫy mà phái "thảo mạc bằng võ lực" giăng ra. Có người chỉ đích danh Saigô Takamori của phiên Satsuma đã giật giây bên trong. Để ngăn chận việc Yoshinobu tham gia nội các, có thể ông ta đã bày kế hoạch tác chiến bằng cách chỉ thị cho bộ hạ khiêu khích các cựu mạc thần chăng? Nếu đúng thế thì các cựu mạc thần đã rơi gọn lỏn vào giữa cái bẫy giăng ra cho họ. Và Yoshinobu phải thất vọng biết mấy.

Biết được chuyện đánh phá này, quân đội "tá mạc" của các phiên Aidzu, Kuwana đang đóng trong thành Ôsaka cũng phấn khích theo. Họ biểu lộ tình cảm ấy qua hành động quân sự bằng cách đem binh tiến vào Kyôto.Từ Edo, các binh đoàn cựu mạc phủ cũng lần lượt đổ xô về. Đã đến nước này thì không còn cách gì để cứu vãn hòa bình.

Binh đoàn cửa cựu mạc phủ khi đến cửa ngõ Kyôto tức vùng Toba-Fushimi thì bị liên quân của phái "thảo mạc bằng võ lực" - nay là "quan quân" (kangun) tức lính của chính phủ và triều đình - gồm lực lượng các phiên Satsuma và Chôshuu, chận đứng. Sau khi gờm nhau, hai bên đã đánh nhau thực sự và toàn bộ vào ngày 3 tháng 1 năm 1868 (Meiji nguyên niên). Đó là trận Toba-Fushimi (trong trận này có mặt đại úy người Pháp, Jules Brunet (1838-1911), chiến đấu bên cạnh quân cựu Mạc phủ, nhóm Shinsengumi và từng đào vong với Enomoto Takeaki, Hijikata Toshizô lên tận Hokkaidô.


Jules Brunet (hình tượng của Nathan Algren 
trong phim The Last Samurai (2003) [1].

Kết quả của trận này là phần thắng đã về tay quân đội triều đình tức "quan quân". Điều chúng ta ngạc nhiên có lẽ là sự bất tương xứng về quân số. Trong khi quân "tá mạc" đông đến 1 vạn 5 nghìn người thì quân chính phủ và triều đình chỉ có 5 nghìn thôi. Với quân số lép vế là 1/3, thế mà quân triều đình đã giành lấy chiến thắng..

Lý do là hai bênh có sự chênh lệch về võ khí cũng như trang bị. Quân của cựu mạc phủ phần lớn chỉ vũ trang bằng súng hỏa mai (matchlock, arquebus) và mang áo giáp nặng nề. Trong khi đó bên phía triều đình họ có súng trường (rifle) và trọng pháo vừa mới nhập từ nước ngoài. Quần áo thì gọn gàng và nhẹ nhàng như quần áo chiến đấu của quân lính hiện đại. Trong khi súng hỏa mai mỗi phát súng đều phải châm ngòi thì súng trường có thể bắn vài phát. Áo giáp thì nếu người nào mang nó mà chạy, vừa vặn khoảng 50m đã thở hồng hộc trong khi trang phục nhẹ nhàng như quân triều đình thì có thể chạy nước rút cả 100m mà chưa hụt hơi.Cảnh tượng hai bên đánh nhau chẳng khác cuộc vật lộn giữa người lớn và con nít. Quân cựu mạc phủ do đó dù đông đảo nhưng không thể nào nắm phần thắng.

Qua ngày thứ hai thì chiến cuộc đã rõ ràng. Trong lúc đó, Tokugawa Yoshinobu đang ở trong thành Ôsaka. Quân đội ủng hộ ông đang từ Edo kéo đến. Nếu như ông xuống lệnh cho tất cả các lãnh chúa trên toàn quốc cử binh trừ phái "đảo mạc bằng võ lực" và tự mình cầm quân tiến về Kyôto thì có khi dòng lịch sử đã đổi theo một hướng khác cũng không chừng. Thế nhưng Yoshinobu đã từ chối hành động như vậy. Ngược lại, người ta không thể nào tin nổi khi biết rằng ngày 6 tháng 1, ông đã lặng lẽ leo lên thuyền, bỏ Ôsaka trốn về Edo mà không bàn bạc và thông báo với cả gia thần của mình. Hơn thế nữa, khi đặt chân xuống Edo, ông đã cho biết mình không có ý định chống lại chính phủ mới và quân triều đình. Thế rồi, ông sống kín đáo, dè dặt trong một ngôi chùa, không để ai biết đến.

Tuy nhiên, triều đình và chính phủ mới vẫn tuyên bố Yoshinobu là triều địch (chôteki) và quyết định gửi quan quân đi tiểu trừ. Do đó mới xảy ra cuộc chiến năm Mậu Thìn (Boshin sensô, 1868, Keiô 4, Meiji 1).

Quan quân lúc ấy mới chia làm mấy nhánh tiến đánh Edo, nhắm vào đất phát tích của mạc phủ. Dọc đường họ hầu như không gặp sự đề kháng của các lãnh chúa. Chẳng những thế, những người này đều trở giáo đi theo, có kẻ còn xin được làm quân tiên phong để tấn công Edo. Không những chỉ có các lãnh chúa tozama (ngoại dạng) là những kẻ đứng vòng ngoài mà ngay cả các lãnh chúa shinpan (thân phiên) và fudai (phổ đại) là chỗ thân thích hay bầy tôi thân tín mà cũng đều như thế cả. Phù thịnh chứ không phù suy, đó chẳng qua là thế thái nhân tình.
 
Diễn biến của cuộc chiến tranh Boshin (Mậu Thìn, 1868)
Thứ tự Thời điểm Sự kiện
1 Tháng 1/1868 Trận Toba-Fushimi: Phẫn nộ vì quyết định bắt Tokugawa Yoshinobu từ quan nạp địa, 1 vạn 5 nghìn quân cựu mạc phủ tiến vào Kyôto, đụng độ với 5 nghìn quân chính phủ (Satsuchô). Quân chính phủ thắng lợi.
2 Tháng 4/1868 Đồng minh Ôu-Etsu (Áo Vũ- Việt): Mười bốn phiên vùng Sendai và Yonezawa miền Đông Bắc cùng nhau yêu cầu triều đình xá tội cho phiên Aidzu nhưng tân chính phủ từ khước. Họ bèn lập đồng minh Ôu-etsu reppan dômei gồm 31 phiên để chống cự. 
3 Tháng 5/1868 Chương Nghĩa Đội kháng chiến: Cựu mạc thần thành lập Shôgitai (Chương Nghĩa Đội). Sau khi thành Edo đầu hàng vẫn cố thủ ở chùa Ueno Kan.eiji (Thượng Dã Khoan Vĩnh Tự) để cử binh nhưng bị đánh thua.
4 Tháng 5 đến 7/1868 Trận thành Nagaoka: Chức Karô (Gia lão) của phiên Nagaoka (Trường Cương) là Kawai Tsuginosuke chống cự lại quân chính phủ, có lúc đã tạm thời đẩy lui quân chính phủ nhưng rồi vẫn thua.
5 Tháng 8 đến 9/1868 Trận Aidzu (Hội Tân): Lãnh chúa của phiên là Matsudaira Katamori (trước thuộc phái công nghị) nay tỏ ý phục tùng nhưng phía chính phủ không chấp nhận. Xung đột xảy ra, tháng 9 thành Wakamatsu vỡ.
6 Tháng 10/1868 đến tháng 2/1869 Trận Goryôkaku (Ngũ Lăng Quách): Đề đốc hải quân của mạc phủ là Enomoto Takeaki đưa hạm đội lên thành năm góc ở Hakodate (Hokkaidô) để lập nước cộng hòa nhưng bị quân chính phủ đánh bại, phải hàng. Chiến tranh Mậu Thìn kết thúc.

Chính vì bị Yoshinobu bỏ rơi mà quân đội cựu mạc phủ đã phải chuốc lấy kết cuộc bi thảm. Khi biết rằng thủ lãnh của mình đã bỏ trốn, quân đội "tá mạc" tan đàn rẻ nghé cũng bỏ thành Ôsaka để tìm đường về Edo nhưng giữa đường bị các phiên trấn nay theo chủ mới chận đánh nên không ít người đã phải bỏ mạng.

Nhân đây cũng phải nói thêm rằng trong đoàn quân chiến thắng cũng có người gặp phải hoàn cảnh bi đát. Đó là trường hợp của Sekihôtai (Xích báo đội), một tập đoàn 60 người từng lãnh nhiệm vụ tiên phong tiến đánh con đường huyết mạch Nakasendô (Trung sơn đạo) nghĩa là có nhiều công lao. Người đội trưởng tên là Sagara Sôzô (Tương Lạc, Tổng Tam) và những thành viên của đội phần lớn là võ sĩ vô chủ trước đây đã nhận mệnh lệnh của phiên Satsuma để gây rối loạn trong thành phố Edo (nhử cho quân cựu mạc phủ ra tay trước). Bọn họ đi đâu cũng vỗ về dân chúng là "Nếu tân chính phủ thống nhất toàn quốc thì nông dân sẽ được giảm đến phân nữa tuế cống". Ý họ muốn có sự hợp tác của nông dân trong "thiên lãnh" (tenryô) tức lãnh địa trước đây do mạc phủ trực tiếp cai quản. Nhờ đưa ra chiêu bài như vậy, họ đã thành công trong việc đặt những vùng đất đó dưới sự quản trị của chính phủ. Dĩ nhiên, việc hứa hẹn giảm phân nữa tuế cống (tức thuế ruộng đất) cũng đã được chính phủ xác nhận đồng ý.


Lực lượng quan quân (phe triều đình) hiệp nghị trong Chiến tranh Boshin

Nào ngờ, chiến tranh Boshin càng kéo dài, chi phí quân nhu quân dụng phải tăng lên và tăng đến mức khủng khiếp, không ai lường trước được. Để có tiền chi dụng, chính phủ đã phải bắt buộc các thương gia giàu có như Mitsui, Ono ở Kyôto, Kônoike ở Ôsaka đóng góp một món tiền tiến cúng gọi là Goyôkin (Ngự dụng kim) hầu đắp điếm lỗ thủng trong ngân sách. Lỗ thủng do chiến phí rất lớn, đến nổi tuy đã thu vào 300 vạn lượng mà cũng không sao bù được. Đến lượt chính phủ phải cho in một thứ hóa tệ không có khả năng giao hoán với các thứ hóa tệ thông dụng (chính hóa =seika). Loại hoá tệ này (fukan shihei = bất hoán chỉ tệ) có tên là Dajôkansatsu (Thái Chính Quan trát) Minbushô-satsu (Dân Bộ Tỉnh trát), nôm na là công trái do chính phủ và bộ nội vụ in, được phát hành một cách liên tục. Nhờ đó, sự thâm thủng ngân sách quốc phòng mới tạm ổn.

Trong tình trạng tài chánh cực kỳ xấu như thế, việc giảm thuế mà Sekihôtai đã hứa hẹn với nông dân thì khi chiến tranh chấm dứt, nhất định chính phủ không thể nào thực hiện nổi. Thế nhưng điều đã hứa mà không đem ra thực hiện thì về sau dân chúng sẽ không còn tin vào những gì chính phủ nói nữa. Nguy cơ một cuộc nổi loạn nông dân (ikki) với qui mô lớn xem ra khó lòng tránh được.

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ đã làm một việc cực kỳ "bá đạo" nghĩa là phản bội những người đã sống chết vì mình. Họ cho tập hợp toàn đội viên Sekihôtai lại và tuyên bố "Các ngươi chỉ là những kẻ giả mạo chứ không phải quan quân!". Thế rồi, không cần xét hỏi hay để cho phân trần, họ đem giết Sagara Sôzô và 8 người khác thuộc cấp chỉ huy. Như thế, họ đã xử chìm xuồng lời hứa với đám nông dân về vụ giảm phân nửa tuế cống. Dĩ nhiên, Sagara không hề là quan quân giả mạo và hoàn toàn vô tội trong vụ này. Tội nghiệp cho các đội viên Sekihotai, những người vì một giấc mộng cao đẹp là muốn thống nhất Nhật Bản, đã chiến đấu không tiếc thân cho chính phủ mới để rồi bị phản bội như thế.Tình hình bất ổn đã được trấn áp bằng dòng máu vô tội và oan khuất của họ.

Tuy là một thông tin bên lề với câu chuyện lịch sử Nhật Bản chúng ta đang đề cập nhưng nó cũng đáng được gọi là một bài học lịch sử mà bất cứ bài học lịch sử nào cũng không thể bị coi là bài học nhỏ nhoi.


Cục diện chiến tranh Boshin từ Nam lên Bắc (1868-69)

Trở lại câu chuyện đang nói dở dang thì tháng 3 năm ấy (1868), các đạo quân của chính phủ (từ nay sẽ chỉ gọi là quan quân) đã bao vây chung quanh Edo. Có thuyết cho rằng bộ tư lệnh định ngày 15 tháng 3 sẽ mở cuộc tổng tấn công vào thành phố.

Cựu Shôgun Yoshinobu lúc ấy đang sống khép kín trong chùa Ueno Kan.eiji, lo lắng thấy tình thế đã đi đến chỗ nguy kịch và muốn cứu Edo khỏi cơn máu lửa. Ông bèn cho gọi bầy tôi Katsu Kaishuu (Thắng, Hải Chu, 1823-1899), người trước đây là Tư lệnh hải quân của mạc phủ và ra lệnh phải thương thuyết với quan quân để có giải pháp hòa bình. Katsu chính là người đã điều khiển chiếc tàu Kanrin-maru vượt Thái Bình Dương sang Mỹ trong lần tháp tùng sứ bộ năm Mannen nguyên niên (1860) trước đây.

Yoshinobu giao sứ mệnh đó cho Katsu có lẽ vì ông biết Katsu chơi thân với một số tướng chỉ huy phía quan quân. Ngày 13 tháng 3, Katsu đã có dịp hội đàm ở quán Hashimotoya khu Takanawa (nay gần ga Shinagawa) với quan tham mưu (Daisôtokufu sanbô = Đại tổng đốc phủ tham mưu) của quan quân là Saigô Takamori (Tây Hương, Long Thịnh, 1827-1877). Trên thực chất, Saigô đóng vai trò Tổng chỉ huy quân đội. Ngày hôm sau, họ đi đến thỏa thuận là thành Edo sẽ mở cửa vô điều kiện, quan quân đình chỉ việc tổng tấn công, và như thế, tiết kiệm xương máu. Nhờ thỏa thuận này quan quân đã chiếm được thành phố Edo mà không đổ máu. Sử gọi sự kiện này là Edo muketsu kaijô (Giang Hộ vô huyết khai thành).


Takamori (1828-1877), 
đã thắng mà lại bại

Sau khi chiếm được Edo không mấy khó khăn, quan quân bắt đầu phải đối phó với một việc khó khăn hơn là bình định toàn quốc.Tưởng rằng với khí thế đang lên, họ có thể dẹp dư đảng của mạc phủ dễ dàng nhưng thực tế không phải như vậy. Lãnh chúa các phiên vùng Tôhoku (Đông Bắc) đã kháng cự khá mãnh liệt.

Sau thắng lợi ở vùng Kantô, trước tiên quan quân tổ chức tấn công phiên Aidzu (Hội Tân) mà vị trí địa lý là một thung lũng nằm ở phiá tây tỉnh Fukushima bây giờ. Chúng ta còn nhớ lãnh chúa của phiên - Matsudaira Katamori - người đã có ý kiến đối lập với cánh Satsuma Chôshuu trong những cuộc họp của "tiểu triều đình" và trở thành một thành viên của phái "tá mạc". Quan quân như thế đã biểu lộ ý chí trừng phạt, muốn đập tan tành thế lực đối kháng của mạc phủ mà việc "vô huyết khai thành" ở Edo đã làm cho họ ấm ức vì mất cơ hội biểu dương lực lượng. Nói cách khác, Aidzu gặp số đen là làm kẻ thế mạng.

Byakkotai, đoàn quân 305 thiếu niên cảm tử của Aidzu

Các phiên trấn vùng Đông Bắc lúc đó đã đồng thanh yêu cầu tân chính phủ nương tay đối với Aidzu và phản đối việc quan quân đang điều binh đến đó. Khi biết rằng tiếng nói của mình bị bỏ ngoài tai, các phiên bèn tổ chức Đồng minh chư phiên (Ôuetsu reppan Dômei = Áo Vũ-Việt liệt phiên đồng minh) để đánh nhau với quan quân.

Như thế chiến tranh đã xảy ra ở vùng Đông Bắc từ tháng 7 cho đến tháng 8.Tuy phiên Nagaoka (Trường Cương, miền trung tỉnh Niigata hiện nay) tỏ ra thiện chiến nhưng kết cuộc họ vẫn bị quan quân đè bẹp. Tháng 9, đến phiên Aidzu hàng phục. Cả vùng Đông Bắc chịu sự áp chế của quan quân.
 
Byakkotai và Nijima Yae

Tháng 1 năm 1868, sau khi quân mạc phủ bại trận ở Toba-Fushimi, chủ phiên Aidzu là Matsudaira Katamori rút về lãnh địa, không kháng cự và còn gửi thư kêu oan cho triều đình nhưng Đông chinh quân (quan quân) vẫn tiếp tục tấn công, buộc lòng ông phải chống lại. Tháng 3 năm đó, ông bèn cho tổ chức binh chế mới để dốc toàn lực vào cuộc tranh hùng. Ông cho lập các đội Bạch hổ (16-17 tuổi), Chu tước (18-35 tuổi), Thanh long (36 đến 49 tuổi) và Huyền vũ (từ 60 tuổi trở lên). Các đội viên Bạch hổ (Byakkotai) phần lớn là học sinh trường Nisshinkan (Nhật tân quán) của phiên. Sau trận kịch chiến với quân triều đình ở một vùng bên cạnh, 20 thiếu niên trong đội đang ở trên núi Iimoriyama, nhìn thấy khói đen bốc lên trên thành Wakamatsu, tưởng thành đã vỡ, tuyệt vọng, nên cùng nhau tự sát, Chỉ còn một mình một cậu nhỏ 14 tuổi là Iinuma Sadakichi ( 1854-1931) sống sót.

Cùng lúc đó, phụ nữ Aidzu cũng tổ chức chiến đấu. Trong bọn họ, có bà Yamamoto Yae (1845-1932), xuất thân con gái lớn của gia đình người dạy pháo thuật phiên Aidzu. Rất dũng cảm, bà mặc nam trang và mang súng ứng chiến quân triều đình. Được xem như Jeanne d'Arc Nhật Bản. Tuy có nhiều phụ nữ bị tử thương hoặc tự tử cho tròn danh tiết trong trận đánh nhưng bà Yae là một người sống sót. Sau đó bà xin anh cho xuống Kyôto (1871), học tiếng Anh và có dịp dạy Anh văn trong các trường nữ học và các cơ xưởng. Bà thành hôn với ông Niijima Jô (1843-1890), người từng theo Sứ bộ Iwakura sang Mỹ (1872) cũng như đã thành lập Đại học tư thục công giáo Dôshisha (1875, 1912). Bà còn học thánh kinh (1876) để trở thành nhà truyền giáo đạo Ki-tô. Từng tham dự như khán hộ tình nguyện trong hai trận Nhật Thanh và Nhật Nga, được ban thưởng nhiều huân chương.

Thế nhưng, cuộc chiến tranh Mậu Thìn vẫn chưa thực sự kết thúc.Một cựu mạc thần là tướng hải quân Enomoto Takeaki ("Hạ" Bản, Vũ Dương, 1836-1908) đã lên Ezochi (tức đảo Hokkaidô), đồn binh ở Goryôkaku (Ngũ lăng quách = Thành năm góc) trong thành phố Hakodate, để tiếp tục chiến đấu chống quan quân. Cuộc kháng chiến của ông kéo dài cho đến năm sau (1869). Đến tháng 5, lúc quan quân mở cuộc tổng tấn công và Enomoto phải qui hàng thì tính ra từ khi vùng Đông Bắc bình dịnh cho đến lúc ấy, họ đã phải mất đến nửa năm trời. Lý do là Ezochi rất lạnh, quan quân phải chờ cho đến khi tuyết tan mới có thể hành binh. Nhân dịp này, tướng Pháp Jules Brunet được tàu Pháp đưa về Saigon và chấm dứt binh nghiệp của mình ở tổ quốc như Tham mưu trưởng quân đội Pháp chứ không tử trận trên đất Nhật như nhân vật hư cấu Đại úy Nathan Algren.


Enomoto Takeaki (1836-1908)

Với sự kết thúc của cuộc chiến tranh Mậu Thìn kết thúc, tân chính phủ đã hoàn thành việc thống nhất toàn quốc.

1.2 Năm điều thề ước và Năm bảng yết thị:

Theo tinh thần của Daigôrei tức tuyên ngôn phục hồi quyền lực của thiên hoàng và triều đình, trên nguyên tắc, tân chính phủ mà thiên hoàng đóng vai trò trung tâm đã phải bắt đầu nắm quyền lực nhưng lúc đó, ảnh hưởng của gia đình Tokugawa hãy còn khá mạnh nên vai trò của chính phủ vẫn chưa hoàn toàn củng cố. Chỉ đến lúc trận chiến tranh Mậu Thìn bước vào khoảng giữa và quan quân làm chủ được tình hình quân sự - đặc biệt khi thành Edo tuyên bố mở cửa và hàng phục vô điều kiện - nó mới ổn định được.

Việc tân chính phủ làm đầu tiên là công bố vào tháng 1 năm 1868 (Meiji nguyên niên) với các nước là kể từ đây họ sẽ thay thế cựu mạc phủ để nhân danh Nhật Bản trong việc hành sử quyền chính trị và ngoại giao. Tháng 3 cùng năm, họ công bố một văn kiện chính thức có tên là Năm điều thề ước (Gokajô no seibun =Ngũ cá điều thệ văn).

Nội dung có hai điểm chính. Một là tôn trọng ý kiến do các bên thảo luận đưa ra (kôgi yoron no sonchô = công nghị thế luận tôn trọng) và mở cửa giao hiếu với các nuớc (kaikoku washin = khai quốc hòa thân).

Nói rõ một chút thì tân chính phủ tuyên hứa sẽ mở những cuộc hội nghị để cùng nhau thảo luận và coi trọng tất cả ý kiến người khác phát biểu. Ngoài ra, sẽ phải thay đổi tư duy "nhương di" để có thể sống hòa hợp với cộng đồng quốc tế.

Năm điều tuyên hứa đó là những gì mà Thiên hoàng Meiji đã cùng với triều thần của mình bá cáo với thiên địa thần minh. Hình thức bá cáo này có hơi lạ lùng đối với người nước ngoài. Văn bản này do chức Sanyo (Tham dự) là Yuri Kimimasa (Do Lợi, Công Chính, 1829-1909) soạn ra. Văn bản này trên nguyên tắc sẽ là cơ sở thẩm nghị cho mọi quyết định về chính sách của tân chính phủ. Sau đó thì Fukuoka Takachica (Phúc Cương, Hiếu Để, 1835-1919), một vị quan khác lại đề nghị nội dung đó cũng sẽ đưọc áp dụng cho hội nghị giữa các lãnh chúa và yêu cầu thiên hoàng cùng với các lãnh chúa họp nhau lại, thề thốt trước mặt thần linh là sẽ bảo vệ những qui tắc này. Thế nhưng sau đó các công khanh lại tỏ ra chống đối việc đó, chủ trương bằng mọi cách phải để thiên hoàng thân chính (tự mình trực tiếp cai trị) mới được. Do đó, đại thần Kido Takayoshi mới kịp thời sửa đổi theo tinh thần đó và đem công bố.

Dù sao, văn bản Năm điều thề ước (Ngũ cá điều thệ văn) này là một sử liệu rất quan trọng. Xin xem dưới đây:

Nằm điều thề ước

1- Phải quyết định mở những cuộc hội họp công khai, bàn bạc rộng rãi về mọi chuyện.

2- Phải làm sao cho mọi người đều có thể tham gia bàn cãi cho trên dưới đồng thuận.

3- Để thực hiện chí hướng của mọi người, trên từ văn võ cho đến thường dân luôn luôn phải một lòng một dạ.

4- Gạt bỏ những tập tục hủ lậu và chỉ dựa trên công đạo của trời đất.

5- Cầu học tri thức của thế giới để chấn hưng vận hội của vương thất và nước nhà.

Nhìn vào nội dung, ta thấy năm điều tuyên hứa rất rõ ràng, rất cấp tiến, khác với chủ trương của mạc phủ. Thế nhưng điều đáng tiếc là những phương châm đó chỉ là chiêu bài để kêu gọi thiện cảm của người ngoại quốc.

Đối với người dân trong nước thì ngay hôm sau khi Năm điều thề ước được công bố, đã thấy xuất hiện thêm Năm bản yết thị (Gobô no keiji = Ngũ bảng yết thị). Chỉ cần đọc sơ, chúng ta sẽ thấy nó nói ngược lại tất cà Năm điều thề ước nói trên.

Tân chính phủ đối với trong nước, đã làm giống mạc phủ ngày xưa tức là niêm yết trên 5 bảng yết thị lớn (kôsatsu = cao trát), bố cáo những gì họ đòi hỏi quốc dân phải tuân thủ. Nó đã làm lộ ra bộ mặt thật của tân chính phủvới những điều khoản như:

1- Dân chúng phải triệt để gìn giữ đạo đức Nho giáo.

2- Nhất quyết không tha nếu tập họp thành nhóm để đòi hỏi việc này việc nọ hay bỏ vườn ruộng đào tán đi nơi khác.

3- Đạo Ki-tô là tà giáo, tuyệt đối không được tin theo.

Rõ ràng là so sánh với thời mạc phủ, tư tưởng muốn thống trị quản lý dân chúng chẳng có thay đổi mảy may.

Riêng việc bài báng đạo Ki-tô, chẳng chịu nhìn nhận nó làm cho Nhật Bản tỏ ra không xứng đáng với danh hiệu một quốc gia tân tiến. Điều đáng kinh ngạc hơn cả là chính phủ mới đã vây bắt ở thôn Urakami thuộc tỉnh Nagasaki 3.000 tín đồ Ki-tô đang lẫn trốn (họ được gọi là Kakure Kririsutan) xử phối lưu họ rải rác khắp các phiên khác.

Đến năm 1873 (Meiji 6) thì tân chính phủ mới hạ điều lệ nói về cấm đạo Ki-tô khỏi tấm biển bố cáo cho quần chúng (kôsatsu =cao trát) và mặc nhận đạo này. Bởi vì sau khi các cường quốc được tin có vụ đàn áp tín đồ ở thôn Urakami thì họ kháng nghị mãnh liệt khiến cho tân chính phủ đành thay đổi thái độ.Dù vậy, phải nhấn mạnh là tân chính phủ chỉ mặc nhận chứ không hề công nhận đạo Ki-tô. Việc tuyên cáo bảo vệ tự do tín ngưỡng thì phải đợi đến năm 1889 (Meiji 22), lúc Hiến pháp của Đại đế quốc Nhật Bản được công bố.

1.3 Quan chế của tân chính phủ:

Tháng 12 năm 1867 (Meiji nguyên niên), sau khi ra tuyên cáo Daigôrei trung hưng vương thất thì tân chính phủ bèn bãi bỏ các chức danh của mạc phủ như sesshô (nhiếp chính), kanpaku (quan bạch), lập một thể chế chính trị dựa trên "tam chức" (sanshoku) tức sôsai (tổng tài), gijô (nghị định) và san.yo (tham dự). Tháng 4 nhuận năm 1868 (Meiji 2), họ bố cáo seitaisho (chính thể thư = văn thư nói về tổ chức cụ thể của chính phủ) ra khắp nơi và chuyển hẳn qua chế độ Dajôkan (thái chính quan). Về chi tiết, xin xem bảng tóm lượt dưới đây sẽ rõ. Thế nhưng, ta đã có thể tóm tắt là quyền lực của nhà nước từ lúc này sẽ đặt trong tay các quan Dajôkan của chính phủ trung ương.Đó là một thể chế tam quyền phân lập gồm có hành pháp, tư pháp và lập pháp. Nhật Bản đã mô phỏng chế độ này từ hiến pháp của Mỹ. Lý do là lúc đầu, ảnh hưởng của tổ chức chính trị Âu Mỹ rất mạnh mẽ, nên chi việc các quan lại cao cấp hết kỳ hạn 4 năm lại phải thay đổi đã được minh định trong văn bản seitaisho (chính thể thư) đã nói. Có điều cam kết này rốt cuộc chỉ thực thi được có một lần và theo hình thức gosen (hổ tuyển) tức là chọn lựa giữa đồng bọn thường là quan liêu chứ không gọi người ngoài. Chưa kể đến việc tiếng là tam quyền phân lập nhưng biên giới giữa hành pháp và lập pháp lại khá mù mờ.
Diễn biến của tổ chức chính trị đầu đời Meiji
Thời kỳ Hành pháp Tư pháp Lập pháp
Tháng 12/1867 Tuyên cáo phục hồi vương quyền (Đại hiệu lệnh)
Thời Tam Chức Từ chế dộ Tam chức (Tổng tài, Nghị định và Tham dự) chuyển qua chế độ Tam chức thất khóa (khoa) vào tháng 1/1868 rồi Tam chức bát cục vào tháng 2/1868.
Tháng 4/1868 Văn bản (Chính thể thư)
Thời Thái chính quan (1) Chế độ 5 hành pháp quan: Thần kỳ (chỉ) quan, Hội kế quan, Công vụ quan, Ngoại quốc quan, Dân bộ quan. Hình pháp quan Nghị chính quan gồm Thượng cục (Nghị định, tham dự) và Hạ cục ( Cống sĩ)
Tháng 7/1869 Sau khi Bản tịch phụng hoàn
Thời Thái chính quan (2) Thần kỳ (chỉ) quan đứng biệt lập. Thái chính quan (với sự trợ giúp của Tả đại thần, Hữu Đại thần, Đại nạp ngôn và Tham dự) là cơ quan điều khiển 9 tổ chức (tương đương với 9 bộ): Đại tàng tỉnh, Binh bộ tỉnh, Ngoại vụ tỉnh, Dân bộ tỉnh, Đại học hiệu, Khai thác sứ, Hình bộ tỉnh, Đàn chính tỉnh, Cung nội tỉnh.  Hạ cục trở thành Công nghị sở rồi Tập nghị viện

(như Hạ nghị viện bây giờ)

Tháng 7/1871 Sau khi Phế phiên trí huyện 
Thời Thái chính quan (3) Thái chính quan là cơ quan đứng trên Chính viện, Hữu viện và Tả viện (Lập pháp, Tư vấn). Cũng với sự trợ lực của một số nhân vật như trên, Thái chính quan điều khiển Thần kỳ (chỉ) tỉnh (sau là Giáo bộ tỉnh), Đại tàng tỉnh, Binh bộ tỉnh (sau chia thành Lục quân tỉnh và Hải quân tỉnh), Ngoại vụ tỉnh, Văn bộ tỉnh, Công bộ tỉnh, Khai thác sứ, Tư pháp tỉnh, Cung nội tỉnh, Nội vụ tỉnh, Nông thương vụ tỉnh, Đại thẩm viện. Tập nghị viện thành Tả viện, sau lại thành Nguyên lão viện (như Thượng nghị viện bây giờ).
Tháng 12 năm 1885 
Thời chế độ Nội các

với Nội các tổng lý đại thần

Nội các tổng lý đại thần (như Thủ tướng bây giờ)

điều khiển Hành pháp gồm các bộ: Đại tàng tỉnh, Lục quân tỉnh, Hải quân tỉnh, Ngoại vụ tỉnh, Nội vụ tỉnh, Văn bộ tỉnh, Nông thương vụ tỉnh, Đệ tín tỉnh (Bưu điện), Tư pháp tỉnh.

Tư pháp do Đại thẩm viện chủ trì. Lập pháp và tư vấn có Khu (Xu) mật viện và Đế quộc nghị hội.

Trong cung có Cung nội tỉnh và Nội đại thần.

Ban sơ, thành phần chính phủ gồm các nhân vật tai mắt đến từ các phiên trấn. Chính trị họ thực hiện là "công nghị chính trị". Giseikan (Nghị chính quan) là cơ quan lập pháp, chia ra làm hai viện. Viện trên hay Jôkyoku (thượng cục) mà thành viên là các quan Gijô (nghị định) và Sanjô (tham dự). Họ vốn xuất thân từ những thành phần có thế lực trong chính phủ mới.Kakyoku (Hạ cục) hay viện dưới gồm các Kôshi (cống sĩ) do các phiên đề bạt và gữi đến. Hai viện làm việc với nhau theo chế độ hiệp nghị.

Nhân đây cũng nói thêm là danh từ Dajôkan của thời Meiji khác với từ Dajôkan hay Daijôkan của thời luật lệnh ngày xưa. Danh từ xưa này dùng để chỉ một nhân vật, danh từ mới được dùng chỉ nha sảnh, nghĩa là một chủ thể trừu tượng hơn. Viện dưới của Dajôkan (Kakyoku = Hạ cục) sang năm sau đã trở thành Kôgishô (Công nghị sở) rồi được sắp đặt lại thành ra Shuugiin (Tập nghị viện). Tiếp đến nó được mệnh danh là Sain (Tả viện) rồi sẽ được tiếp tục bởi Genrôin (Nguyên lão viện).Tư tưởng "chính trị kiểu công nghị" tức hiệp nghị giữa đại diện các phiên đã trở thành phương châm thi hành chính trị của tân chính phủ trong một thời gian dài trước khi có việc thành lập chế độ nội các vào năm 1885 (Meiji 18).

Chính trị theo lối chính thể thư (seitaisho) - nói khác đi giải thích đường lối chính phủ bằng cách ra bố cáo bằng văn bản trong thiên hạ năm 1868 như đã trình bày - chỉ sang tháng 7 năm sau đã thay đổi rất nhiều và theo chiều hướng của bộ luật Taihô. Chúng ta còn nhớ Taihô ritsuryô (Đại Bảo luật lệnh) ban hành hồi năm Taihô nguyên niên (701). Có thể nói chính trị ngày xưa ấy đã sống lại bằng hình ảnh của chế độ Daijôkan thời Meiji. Quan chế 1170 năm trước với cách tổ chức những bộ, tỉnh đều nằm dưới quyền kiểm soát của Shingikan (Thần kỳ (chỉ) quan) và Dajôkan (Thái chính quan). Rõ ràng là có một sự hồi phục hình ảnh triều đình thời cổ (tinh thần phục cổ)khi mà việc cai trị hãy còn đi đôi với việc tế tự (tế chính nhất trí) và thiên hoàng giữ địa vị trung tâm trong chính quyền (thiên hoàng thân chính). Từ đây chế độ sẽ là Nhị quan lục tỉnh chế nghĩa là 2 chức quan lớn và 6 bộ. Nó được duy trì cho đến thời điểm Nhật Bản cải tổ hành chánh toàn quốc theo đường lối Haihanchiken (Phế phiên trí huyện) nghĩa là thu hồi tất cả lãnh địa để lập quận huyện, tên các đơn vị hành chánh mới.Dĩ nhiên, dù tân chính phủ đã thay đổi bằng cách mô phỏng bộ luật Taihô nhưng chỉ là trên danh nghĩa, chứ nội dung công việc của các tỉnh, các bộ, dĩ nhiên không còn dính dáng mảy may đến công việc thời xưa nữa.

Tháng 8 năm 1868 (Meiji nguyên niên), tân chính phủ tổ chức lễ tức vị cho Thiên hoàng. Tháng 9, niên hiệu được đổi từ Keiô 3 qua Meiji 1. Từ rày về sau, mỗi Thiên hoàng chỉ dùng một niên hiệu từ lúc đăng quang cho đến lúc băng hà. Từ chuyên môn gọi cách đặt niên hiệu như thế là Gengô (nguyên hiệu) và chế độ ấy có tên là Issei ichigen no sei (nhất thế nhất nguyên chế).

Lại nữa, nhân vì thủ đô dời từ Kyôto về Edo (Tôkyô), vào tháng 3 năm 1869 (Meiji 2), Thiên hoàng đã hoàn thành việc thiên đô sau khi ngự vào thành Edo.Riêng cái tên Edo thì từ tháng 7 năm trước đó đã được đổi thành Tôkyô. Tuy là việc dời đô đã hoàn tất nhưng kỳ thực, nó không phải không gặp nhiều sự chống đối. Ví dụ như nhân vật nắm thực quyền chính trị thời đó là Ôkubo Toshimichi đã dựa vào lý do quân sự, ngoại giao để đề nghị chọn Ôsaka làm kinh đô mới. Công khanh cũng như thường dân sống ở Kyôto đều phản đối kịch liệt việc Thiên hoàng bỏ đất cũ bao đời để về miền Đông. Thế nhưng phái chủ trương chọn Tôkyô đã đưa ra lý lẽ là dời đô về Tôkyô sẽ có lợi vì trấn áp được những thế lực đối nghịch ở miền Tôhoku và Kantô một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chính phủ đã giữ ý không rình rang tuyên bố "thiên đô" (sento) nghĩa là "dời đô", họ chỉ dùng chữ "điện đô" (tento) với cái ý "đặt lại" kinh đô.

Khi tân chính phủ lên nắm chính quyền thì tất cả chính trị cùng lúc phải đổi mới (nhất tân = isshin). Người đương thời gọi là Go isshin (ngự nhất tân). Trong chiều hướng đó, người ta mới mượn chữ Ishin (duy tân) trong sách cổ của Trung Quốc (Kinh Thi) vốn phù hợp với tình hình này. Vì cớ đó, sử gia về sau mới gọi thời ấy là Meiji Ishin (Minh Trị Duy Tân), ám chỉ giai đoạn bắt đầu từ cuối đời mạc phủ khi có phong trào "tôn quân nhương di" cho đến lúc công cuộc "phế phiên trí huyện" hoàn tất.

Tiết 2: Thu hồi đất phong và bố trí quận huyện
2.1 Nội dung của chính sách "Bản tịch phụng hoàn":

Sau khi dành được chiến thắng trong cuộc chiến tranh Boshin (Mậu Thìn), có thể nói tân chánh phủ đã hoàn thành việc thống nhất lãnh thổ.Thế nhưng, mang tiếng là quan quân (quân của nhà vua), quân đội chẳng qua là quân sĩ thuộc các thế lực từ 4 phiên trấn đồng minh với tân chánh phủ. Đó là Satsuma, Chôshuu, Tosa và Hizen. Nói cách khác đi, chính 4 phiên đó đã tập họp lại với nhau để trở thành quan quân chứ tân chính phủ chẳng có một người lính nào. Sau khi cuộc chiến tranh Boshin chấm dứt thì quan quân cũng rã đám. Ai nấy đều lên đường trở lại phiên trấn của mình. Lúc đó đã xảy ra một chuyện khó tin: khoảng từ giữa năm 1869 (Meiji 2) trở đi, hầu như tân chính phủ không có quân đội.

Hơn nữa, mạc phủ tiếng là đã giải thể nhưng dù sao họ cũng là một thực thể chính trị với sự hiện diện của trên 270 phiên trấn. Họ vẫn tiếp tục dùng cách này đến cách khác để cai trị dân trong lãnh địa và thực thi chính trị theo ý mình không khác chi dưới thời Edo.

Khi ấy, những người lãnh đạo tân chính phủ mới nghĩ đến việc phải tổ chức chính trị với hình thức nhà nước trung ương tập quyền như các quốc gia Âu Mỹ. Tình trạng hiên tại là một nước Nhật triệt để địa phương phân quyền, chia năm xẻ bảy và mạnh ai nấy lo. Nếu không chóng vánh làm việc đó thì trước sau Nhật Bản sẽ trở thành thuộc địa của liệt cường. Khốn nỗi, tân chính phủ còn một mối lo sợ khác nữa là từ khi chiến tranh Boshin kết thúc, họ không có dưới tay một tổ chức quân sự nào cho riêng mình.Thế thì làm sao họ có thể khống chế được các lãnh chúa địa phương như mạc phủ Tokugawa đã làm nhờ có thế lực quân sự hùng mạnh sau lưng dưới thời Edo! Trong một tình huống như vậy, câu chuyện xây dựng một hệ thống hành chính trung ương tập quyền thật chẳng khác nào mơ mộng hão huyền. Muốn xây dựng một đất nước như người Âu Mỹ, điều bức thiết nhất là có trong tay một lực lượng quân sự mạnh để xoá bỏ sự tồn tại của các phiên trấn.

Thế nhưng, thử hỏi sau cùng, tân chính phủ có thực hiện được giấc mộng ấy hay không?

Lúc đó đã có một cuộc thảo lụận khá sôi nổi và gay cấn trong nội bộ chính phủ. Họ chia ra làm hai phái. Một phái chủ trương duy trì hiện trạng, một phái cho rằng phải đánh đổ chế độ phiên trấn một lần cho trót. Cuối cùng lựa chọn của họ là thực thi chính sách Hanseki hôkan (Bản tịch phụng hoàn), một giải pháp có tính chiết trung giữa luận điểm của hai bên.

Theo từ điển, "bản" có nghĩa là bản đồ và "tịch" là sổ sách hộ tịch. Như vậy "bản" tức lãnh địa của phiên, tượng trưng bằng bản đồ, "tịch" túc dân cư sinh sống trong lãnh địa ấy.Tóm lại, theo tinh thần "bản tịch phụng hoàn", các phiên phải trao trả cho Thiên hoàng (thông qua chính phủ) đất đai và cư dân hiện đặt dưới quyền cai trị của mình.

Tháng 1 năm 1869 (Meiji 2), bốn phiên Satsuma (cực nam đảo Kyuushuu), Chôshuu (cực nam Honshuu), Tosa (nam Shikoku), Hizen (nam Kyuushuu) đã dâng sớ lên Thiên hoàng xin trả lại "bản tịch" cho tân chính phủ [2]. Đó là phương án tác chiến hay kịch bản do nhóm quan lại của chính phủ mới mà trung tâm là hai trọng thần là Kido Takayoshi (vốn xuất thân từ phiên Chôshuu) và Ôkubo Toshimichi (phiên Satsuma) dàn dựng lên.Họ nghĩ rằng, nếu có kẻ xung phong làm như vậy thì những người khác sẽ bắt chước làm theo. Đúng như sự tiên liệu của họ, các phiên khác cũng lục tục trao trả chính quyền cho trung ương. Tính toán thời cơ đã chín muồi, tháng 6 năm ấy, chính phủ ra lệnh cho tất cả các phiên phải có hành động tương tự.

Như thế kể từ đây, đất đai và dân cư toàn quốc phải được tập trung dưới trướng của Thiên hoàng và như một hệ luận, quyền cai trị Nhật Bản phải nằm trong tay tân chính phủ. Thế nhưng, giữa lý thuyết và thực tế hãy còn có một khoảng cách. Việc trao trả quyền lực của các phiên nặng về hình thức nhiều hơn là ta nghĩ.

Lý do là các lãnh chúa (gọi là hanshu = phiên chủ) - hễ trao trả lãnh địa và cư dân trong lãnh địa cho Thiên hoàng và tân chính phủ - sẽ được bổ nhiệm làm chihanji (tri phiên sự) tức chức quan hành chính đứng đầu phiên của chính phủ. Như thế, họ vẫn có thể cai trị lãnh địa cũ và cư dân trên đó như xưa.Tình trạng này không khác chi lúc trước khi chính sách bản tịch phụng hoàn được đề ra.

Nếu có một sự khác biệt cần nêu lên thì có lẽ là việc các chihanji (tri phiên sự) cựu lãnh chúa này sẽ được tân chính phủ trả lương. Lương ấy có tên là karoku (gia lộc). Mục đích của chế độ này là phân cách hoàn toàn lãnh chúa với tài chánh của phiên, không cho phép cựu lãnh chúa nhúng tay vào ngân sách nhà nước mỗi khi họ bị túng thiếu và muốn xoay xở. Thế nhưng trên thực tế, các cựu lãnh chúa và tân quan lại này vẫn tiếp tục thu thuế dân chúng và duy trì quân đội của phiên như trước.Xin nhớ cho đến lúc này, tên gọi "phiên" như một đơn vị hành chính vẫn còn được duy trì.

2.2 Đại cải cách "Phế phiên trí huyện":

Đương thời, nhân vì tân chính phủ không có quân đội trong tay nên nhiều phiên đã tự mình làm những cuộc cải cách chính sách nhằm tăng cường binh lực. Tình hình bất ổn và cái nguy cơ của "một trận chiến tranh Boshin thứ hai" (các lãnh chúa chống triều đình) không phải là không có.Thực tế đã cho thấy những mầm mống đó. Phiên Kii (vùng Wakayama bây giờ) chẳng hạn tổ chức được chế độ trưng binh rất sớm. Họ đã thành lập một quân đội với sức mạnh đáng kể. Ngoài ra, những phiên như Satsuma, từng là lực lượng cơ sở của quan quân trong chiến tranh Boshin, vì có binh lực mạnh mẽ nên không chịu nghe lời chính phủ và hành sử như một quốc gia độc lập.

Ôkubo Toshimichi, 
"Tể tướng thép" Bismarck của Nhật Bản (1830-1878)

Trước tình huống đó, các quan chức cao cấp trong tân chính phủ mới cho rằng nếu để nguyên như vậy, trong một tương lai rất gần, chính phủ sẽ đi đến chỗ băng hoại. Thà rằng làm một cuộc cải cách toàn diện, cho dầu có thất bại thì cũng cam. Do đó, họ bèn mạo hiểm đưa ra quyết định Haihanchiken (Phế phiên trí huyện). Đó là một chính sách có tầm cỡ rất lớn bởi vì nó bãi bỏ toàn bộ cơ cấu hành chánh phiên trấn (han) và đặt để những đơn vị mới gọi là ken (huyện). (Xin nói trước là chữ "ken" (prefecture) của tiếng Nhật không phải là một đơn vị nhỏ như huyện ở Việt Nam. Trong tiếng Việt, nếu gọi là tỉnh thì tương xứng hơn) [3]. Trong những "ken" này, chính phủ sẽ bổ nhiệm quan cai trị (hành chánh quan, địa phương quan) từ trung ương. Được như vậy, họ sẽ hoàn toàn kiểm soát trên thực chất toàn bộ đất nước.

Ôkubo và Kido đã yêu cầu hai nhân vật có thực lực đương thời là Saigô Takamori (phiên Satsuma) và Itagaki Taisuke (phiên Tosa) cộng tác với mình. Ba phiên Satsuma, Chôshuu và Tosa nhân đó tập hợp tại Tôkyô được một binh lực là 1 vạn người. Lực lượng ấy có tên là Goshinpei (Ngự thân binh) hay Lính thân cận nhà vua. Nhờ có binh lực này mà vào tháng 7 năm 1871 (Meiji 4), chính phủ đã triệu tập 56 chihanji (tri phiên sự) tức cựu lãnh chúa đang sống ở Tôkyô đến nghe tuyên đọc sắc chiếu "phế phiên trí huyện" của Thiên hoàng. Những chihanji nào đang ở địa phương thì hạn đến tháng 9 phải có mặt ở Tôkyô.

Như vậy từ đấy, khi phiên đã được thay bằng huyện thì các Chihanji (tri phiên sự) bắt buộc phải bị miễn chức. Họ được thay bằng một vị quan địa phương có danh hiệu là Kenrei (huyện lệnh) do trung ương chỉ định.Các lãnh địa của mạc phủ mà chính phủ đã chiếm được từ hồi chiến tranh Boshin đã được đổi tên, nơi quan yếu gọi là phủ còn các nơi khác thì gọi là huyện. Cộng với đợt này, sau khi cuộc "phế phiên trí huyện" hoàn tất, toàn quốc được chia thành 3 phủ (Tôkyô, Ôsaka, Kyotô) và 302 huyện. Cho đến cuối năm đó, chính phủ lại cấp tốc gom thành 72 huyện. Thế rồi vào năm 1888 (Meiji 11), họ lại đổi chúng thành 1 đạo, 3 phủ và 43 huyện. Con số này tạm ổn cho đến đời Shôwa. (1926-1989). Năm 1943, (Shôwa 18), phủ Tôkyô trở thành (kinh) đô Tôkyô [4].Còn đạo chỉ còn Bắc Hải Đạo (Hokkaidô), hòn đảo lớn trên miền Bắc.

Tuy các viên quan địa phương nhà nước phái đến cai trị các huyện được gọi là Kenrei (huyện lệnh) nhưng người trông coi phủ thì lại có tên là Chifuji (tri phủ sự).

Các Chihanji (tri phiên sự) tức cựu lãnh chúa, sau khi bị bãi chức đều được lệnh phải ở lại sinh hoạt tại Tôkyô.Có thể xem như đây là một hình thức giữ con tin để tránh phản loạn, một việc đồ chừng có thể xảy ra nếu cho phép họ trở về bản quán. Thế nhưng thực tế cho thấy các nhà lãnh đạo chính phủ có khi quá lo xa. Diễn biến của cuộc "phế phiên trí huyện" đã xảy ra rất thông suốt và êm thắm. Điều đó cũng nhờ tân chính phủ biết thi hành nhiều chính sách khá quảng đại về mặt vật chất đối với họ.Trước tiên, chính phủ chấp nhận trả hộ những món nợ mà các phiên đã vay trước đó (hansai = phiên trái, công trái do phiên phát hành). Ngoài ra, lương bổng (gọi là gia lộc = karoku) của các cựu phiên sĩ (công chức của phiên) cũng được chính phủ thay mặt phiên (đã mất) mà trả cho họ.


Kido Takayoshi ( 1833-1877)

Quyết tâm phế phiên trí huyện đã làm cho chế độ hành chánh kiểu phong kiến này biến mất khỏi sân khấu chính trị Nhật Bản, đúng như ao ước của tân chính phủ.Từ giờ phút ấy, chính phủ mới có thể đổi mới chính trị một cách mạnh dạn và qui mô hơn.

Cải cách tiếp theo đó là việc thành lập Daijôkan (Thái chính quan), một tổ chức gồm 3 viện: Chính viện (Sei-in), Tả viện (Sa-in) và Hữu viện (U-in). Dưới Daijôkan là các tỉnh sảnh (shôchô) tức lá các bộ và các cục. Chính viện là cơ quan cao cấp nhất của chính phủ. Nó được cấu thành bởi 3 chức Daijin (đại thần) là Dajôdaijin (Thái chính đại thần), Sadaijin (Tả đại thần) và Udaijin (Hữu đại thần) và các Sangi (Tham nghị). Nói theo kiểu thời nay, Chính viện tương đương với nội các theo nghĩa hẹp. Còn như Tả viện thì nó là cơ quan lập pháp và tư vấn, thành viên của nó là một số nghị viên (gi-in) được tuyển từ hàng quan lại. Điều này có nghĩa là khi Chính viện muốn ấn định một số luật lệ gì quan trọng thì sẽ đi hỏi ý kiến chuyên môn của Tả viện. Hữu viện là nơi tập hợp các trưởng quan (gọi là kyô = khanh, ngang với bộ trưởng) các tỉnh sảnh và các phụ tá của người ấy gọi là taifu (đại phụ, ngang với thứ trưởng). Đó là cơ quan họp bàn những vấn đề cụ thể và đa dạng về chính sách.

Nói chung, quan chế mới này được gọi là San.insei (Tam viện chế). Trước kia, bên cạnh Daijôkan còn có Shingikan nhưng đến thời này, tổ chức Shingikan bị bãi bỏ. Nó bị giáng xuống thành một bộ gọi là Shingishô (Thần kỳ (chỉ) tỉnh). Và ta cũng có thể nhận thấy rằng Minbushô (Dân vụ tỉnh) trước lo hộ tịch, thuế khoá, sau đổi nhiệm vụ lo giao thông, bưu điện..., cũng không còn thấy bóng dáng nữa vì đã sáp nhập vào các bộ khác.

Trong ba đại thần giữ Chính viện thì Sanjô Sanetomi (Tam Điều, Thực Mỹ) chức Daijôdaijin, Iwakura Tomomi (Nham Thương Cụ [5] Thị) chức Udaijin là thành phần công khanh. Tuy nhiên những nhân vật trọng yếu khác trong tân chính phủ dều là người của các hùng phiên thuở xưa. Hơn phân nửa số xuất thân từ Satsuma và Chôshuu, kỳ dư là người của Tosa và Hizen. Lý do là việc "phế phiên trí huyện" vốn do các nhân vật Satsuma-Chôshuu chủ xướng. Nay đường lối trung ương tập quyền thành công, họ nghĩ là công lao thực hiện cuộc đại cải cách này thuộc về mình nên muốn nắm ưu thế trong chính phủ nếu không nói là sẽ tiến dần tới địa vị độc tôn. Việc làm của họ về sau sẽ là cái đích của mọi chê trách nhưng phải nói lúc đó thành phần chủ yếu của tân chính phủ chỉ là người của 4 phiên Satsuma-Chôshuu-Tosa-Hizen hay Satchôdohi (sau thì chỉ khép lại trong vòng 2 phiên Satsuma và Chôshuu). Hiện tượng này gọi là hanbatsu (phiên phiệt).

Xin kể tên một số nhân vật đã đóng vai trò quan trọng trong chính trị phiên phiệt và sau đó, chúng ta nên để mắt theo dõi về bước thăng tiến cũng như số phận của họ trong những trang tiếp đến.

Phiên Satsuma: Saigô Takamori, Ôkubo Toshimichi, Kuroda Kiyotaka. Phiên Chôshuu: Kido Takayoshi, Itô Hirobumi, Inoue Kaoru, Yamagata Aritomo. Phiên Tosa: Itagaki Taisuke, Gotô Shôjirô, Sasaki Takayuki. Phiên Hizen: Ôkuma Shigenobu, Ôki Takatô, Suejima Taneomi, Etô Shinpei.
Duy Tân tam kiệt: Saigô, Ôkubo và Kido [6].

Saigô và Ôkubo của phiên Satsuma cũng như Kido của phiên Chôshuu, ba nguyên huân của thời mở nước, thường được người đời xưng tụng là "Duy Tân tam kiệt". Họ là những anh hùng nhưng đều vắn số (chết giữa cái tuổi 40-50) hoặc vì tự sát, bị ám sát chính trị hay mang bệnh hiểm nghèo. Thực ra, nói chung thì trong thập niên Meiji thứ 10, tình hình chính trị rất sôi động cho nên các nhà hoạt động phần lớn đều gặp những cái chết đột ngột hoặc bất thường.

Saigô Takamorisinh năm 1827 (Bunsei 10) trong một gia đình võ sĩ cấp thấp ở một xóm dưới chân thành Kagoshima (phiên Satsuma). Ôkubo Toshimichi cũng cùng thuộc một giai cấp với ông và là người chòm xóm, thua Saigô ba tuổi. Hai ông là đôi bạn thuở thiếu thời.

Saigô được lãnh chúa Shimadzu Nariakira thu dụng, sai giúp mình mưu đồ chuyện Shôgun nối nghiệp. Thế nhưng sau khi Nariakira mất, vì không ăn ý với Hisamitsu, cha của người kế nghiệp và là một nhân vật có thực lực, ông nhiều lần bị tội lưu ngoài đảo. Đến năm 1864 mới được gọi về làm tham mưu trong đạo quân thảo phạt Chôshuu khi cuộc biến loạn ở Cấm môn xảy ra. Năm 1866, nhờ có sự trung gian của chí sĩ người Tosa là Sakamoto Ryôma, ông liên kết được với Kido để thành lập liên minh Satsuchô. Năm 1867, ông lại liên kết được với Gotô Shôjirô của phiên Tosa. Gotô là người chủ trương xúc tiến việc bàn giao êm thắm chính quyền giữa mạc phủ và triều đình (Đại chính phụng hoàn) qua đại hội các chư hầu. Thế nhưng tháng 10 năm ấy, Saigô lại cùng Ôkubo và công khanh là Iwakura Tomomi mưu việc xin Thiên hoàng hạ mật chiếu thảo mạc để chiếm lấy chính quyền bằng võ lực. Tuy Shôgun Yoshinobu đã dâng biểu xin trả lại chính quyền, làm cho việc thảo mạc không còn ý nghĩa nữa nhưng Saigô và Ôkubo vẫn làm một cuộc đảo chánh bằng cách ra Tuyên ngôn (Daigôrei) vương chính phục cổ vào tháng 12 (có nghĩa loại hẳn Yoshinobu ra khỏi guồng máy chính quyền).Sau việc đó, Saigô còn giữ trọng trách tham mưu quân đội trong Chiến tranh Boshin tiêu diệt tàn binh mạc phủ và thương thuyết thành công với Katsu Kaishuu để kẻ địch phải mở cửa thành Edo ra hàng.Sau khi thắng lợi, ông về quê (Kagoshima) sống nhưng được gọi ra tham gia vào việc phế phiên trí huyện cũng như trông coi việc nước, lo tổ chức trưng binh và cải cách tô thuế trong lúc Iwakura, Ôkubo và Kido đi sứ. Năm 1873, vì chủ trương Chinh Hàn quá khích của ông đi ngược với ưu tiên chỉnh đốn nội chính theo ý kiến của Ôkubo và Kido nên buộc phải từ chức, rút lui về quê. Ở đây, ông mở trường dạy học, săn bắn nhưng chẳng bao lâu lại cầm đầu cuộc tranh đấu cho quyền lợi giới sĩ tộc là những chiến hữu cũ nay sa cơ thất thế trong cuộc đổi đời, gây ra cuộc Chiến tranh Tây Nam (1877) mà ông là kẻ chiến bại, phải tự sát (ở tuổi 50).

Công lao lớn nhất của Saigô là đánh đổ được mạc phủ nhưng để rồi lạc lõng giữa tân chính quyền, rốt cuộc trở thành kẻ nghịch thần. Tuy vậy, những trí thức đương thời như Fukuzawa Yukichi khen ngợi tinh thần đề kháng của ông, còn Uchimura Kanzô tán dương ông như "người samurai vĩ đại cuối cùng". Vào năm 1891, có tin đồn ông thoát thân được và còn sống bên Nga. Điều đó chứng tỏ trong dân chúng người ta vẫn thầm yêu mến ông, xem ông như kẻ không tham tiền bạc, quyền lực, sống đời cao khiết. Họ tung tin đó có lẽ vì không ưa hai nhà lãnh đạo đương thời là Itô Hirobumi và Yamagata Aritomo. Năm 1898, nhà điêu khắc Takamura Kôun (cha của nhà thơ Takamura Kôtarô) đã tạc tượng đồng kỷ niệm ông dắt chó săn. Tượng đó ngày nay hãy còn được dựng trong Công viên Ueno ở Tôkyô.

Ôkubo Toshimichisinh năm 1830 trong cùng một xóm với Saigô Takamori. Cũng như Saigô, ông được chủ quân Nariakira thu dụng. Có điều ngược với trường hợp Saigô, Hisamitsu tin dùng ông, năm 1861, giao cho việc tổ chức trong phiên.Đặc điểm của Ôkubo là biết chen chân vào chính quyền, lợi dụng thế lực của cấp trên để thực hiện những chính sách cá nhân mình mong muốn. Khi Saigô được phiên xá tội và gọi về làm việc, hai người đã cùng nhau hợp tác. Từ đó, họ đi với nhau một chặng đường dài qua những lúc bàn bạc kế sách thảo mạc, trải qua cuộc Chiến tranh Boshin, đi đến thắng lợi hoàn toàn và thành lập được tân chính phủ.

Năm 1869, Ôkubo đề nghị thực hiện"bản tịch phụng hoàn", năm 1871, "phế phiên trí huyện". Đó là 2 chính lớn.Sau đó ông lại cho thi hành "sản thực hưng nghiệp", một chính sách lớn khác. Về ngoại giao, ông tổ chức và tham gia Sứ bộ Iwakura , vừa đi thương thuyết vừa học hỏi. Đến Đức, ông tỏ ra đồng cảm với chính sách cứng rắn của "Tể tướng thép" Bismarck, một thứ "độc tài sáng suốt". Về nước, ông chủ trương dành ưu tiên cho việc ổn định tình hình quốc nội nên đã xung đột với cánh Saigô, vốn đề xướng Chinh Hàn luận. Sau khi đánh bại Saigô trên mặt trận chính trị, năm 1873, ông tổ chức lại chính phủ và đề bạt Ôkuma Shigenobu trông coi bộ tài chánh, Itô Hirobumi trông coi bộ công (xây dựng, giao thông, khai thác quặng mỏ) nhưng riêng mình nắm giữ phần việc quan trọng nhất là nội chính nghĩa là công kỹ nghệ, cảnh sát và hành chính địa phương.

Năm 1874, khi vụ phản loạn ở Saga xảy ra, Ôkubo đã thẳng tay trừng trị đối lập. Tuy nhiên, năm 1875, ông tỏ ra hòa hoãn hơn, chịu hội đàm với Kido (Chôshuu) và Itagaki Taisuke (Tosa) ở Ôsaka và chấp nhận việc tiến từ từ đến một thể chế lập hiến. Thiên hoàng Meiji rất ưu ái đối với ông và đến lúc đó, danh vọng của ông chẳng thua gì hai công khanh cao cấp là Iwakura Tomomi và Sanjô Sanetomi.Ông lại thành công trong việc đàn áp những cuộc phản loạn của các nhóm sĩ tộc, nhất là đã chiến thắng ở Tây Nam (1877) trước Saigô, người bạn thời niên thiếu nay trở thành địch thủ một mất một còn. Từ đó, chính quyền trung ương của ông hoàn toàn ổn định nhưng không dè, ngày 14 tháng 5 năm 1878, khi đang lấy xe ngựa đến công quán, ông đã bị một sĩ tộc người tỉnh Ishikawa là Shimada Ichirô tấn công và giết chết. Lúc đó ông mới 49 tuổi.

Ôkubo luôn luôn đứng ở trung tâm quyền lực. Trên ông có Thiên hoàng, bên ông có các thế lực phiên trấn nhưng có thể nói, tất cả quyền lực đều nằm trong tay ông.Chẳng những thế ông có óc phán đoán bén nhạy và hành động một cách hết sức hiện thực. Để phục vụ cho tiêu chí "phú quốc cường binh" và "sản thực hưng nghiệp", ông đã biết gầy dựng nên một thế hệ quan lại ưu tú và sử dụng họ. Hể là người có tài thì bất luận là thuộc nhóm Satsuchô hay không, ông đều trọng dụng. Ông đã căn dặn Itô Hirobumi, người thừa kế: "Phải có đầu óc rộng rải, phải công chính vô tư, dùng người theo tiêu chuẩn con người chứ không theo xuất thân hay môn phiệt"..

Kido Toshiyoshisinh năm 1833 (Tenpô 4) trong một gia đình y sĩ họ Wada ở Hagi thuộc phiên Chôshuu. Trở thành dưỡng tử nhà Katsura cho nên lúc trẻ, khi hoạt động ở Kyôto, được biết dưới cái tên Katsura Kogorô.Ông theo học Yoshida Shôin ở trường Shôka Sonjuku, rồi sau đó lên du học ở Edo. Như Takasugi Shinsaku, ông là nhân vật trung tâm của phái tôn nhương phiên Chôshuu. Cũng từng giao lưu với Sakamoto Ryôma và Katsu Kaishuu. Năm 1865, thoát được những cuộc biến loạn và thanh toán lẫn nhau giữa hai phái tá mạc và đảo mạc ở Kyôto, ông về quê nương náu, đổi tên thành Kido.Năm sau, nhờ trung gian của nhóm Sakamoto Ryôma mà lập nên liên minh Satsuchô, mua được khí giới từ Satsuma về. Vì biết chuẩn bị như thế nên năm 1867, đã có thể sẳn sàng hiệp nghị với Saigô và Ôkubo mưu việc thảo mạc.

Năm 1868, ông lãnh chức tham nghị thuộc Hữu viện, đóng một vai trò quan trọng trong trung tâm quyền lực.Soạn thảo "Năm lời thề" (Ngũ cá điều thệ văn), tích cực đề nghị các chính sách "bản tịch phụng hoàn", "phế phiên trí huyện" để bãi bỏ chế độ lãnh địa. Ông từng làm phó sứ trong sứ bộ Iwakura nhưng có nhiều đụng chạm với Ôkubo vì đàn em của mình ở Chôshuu mà ông thương mến là Itô Hirobumi ngả về phía ông này.Năm 1874, nhân chuyện tiến binh đánh Đài Loan, lại phản đối Ôkubo nên xin về vườn.Năm 1875, được kêu gọi tham gia Hội đàm Ôsaka và phục chức tham nghị một lượt với Itagaki Taisuke.Tuy nhiên ông vẫn bất mãn trước thái độ độc đoán của Ôkubo nên lại từ chức.Năm 1877, trong khi cuộc chiến ở Tây Nam còn chưa ngã ngũ thì Kido lâm bệnh và mất ở Kyôto (ở tuổi 45). Trong tam kiệt, ông là người duy nhất được chết bình thường trong nhà.

Công lao đảo mạc chủ yếu là của Satsuma, Chôshuu và Tosa, công lao xây dựng đất nước nhất là trong lãnh vực tài chánh còn có thêm sự đóng góp của Hizen, một phiên giàu có. Do đó cuộc Duy Tân Minh Trị nếu nói là do 4 phiên Satchôdohi làm nên thì cũng không ngoa. Dù mỗi nhà lãnh đạo ý kiến khác nhau, sự việc có khi không diễn biến một cách suôn sẻ như người trong cuộc mong muốn và nhiều khi đã dẫn đến bi kịch nhưng nói chung, cuộc duy tân đã biến đổi hoàn toàn nước Nhật, đưa một quốc gia nghèo nàn, cô lập vào quỹ đạo của cuộc cận đại hóa. Trong đó, đóng góp của tam kiệt thật không nhỏ vậy.

Chỉ có hai năm sau khi thi hành chính sách "phế phiên trí huyện" thì đã nẩy ra một đề tài bàn cãi mới. Đó là Seikanron (Chinh Hàn luận) nghĩa là có nên đem binh đánh Triều Tiên hay không? Phái tán thành lúc đó có Saigô, Itagaki, Gotô, Soejima, Etô. Thế nhưng lý luận của họ bị chính phủ phủ quyết nên các ông 5 người tức giận bỏ việc. Về sau, Etô khởi loạn ở Saga (Saga no ran, 1874), Saigô cũng gây ra cuộc chiến tranh ở Tây Nam (Seinan sensô, 1877), dùng võ lực chống lại nhà nước. Hai ông đều thất bại, kẻ bị giết, người tự sát, chấm dứt cuộc đời một cách bi thảm.

Riêng Itagaki và Gotô thì lãnh đạo cuộc vận động tự do dân quyền và phát triển nó thành công trên một qui mô toàn quốc khiến cho chính phủ khốn đốn không ít. Sau đó các ông đã tổ chức đấu tranh dưới hình thức chính đảng (Jiyuutô = Đảng Tự Do) và với thế lực sẳn có, đã tiếp tục hoạt động chính trị hợp pháp và có cơ hội tham gia nội các.

Kido thì tuy là thủ lãnh của phiên phiệt Chôshuu nhưng không phát huy được một sức mạnh lớn. Ông qua đời vì bệnh tật giữa lúc chiến tranh Tây Nam còn đang tiếp diễn. Người có thực lực và chỉ huy được chính phủ là Ôkubo Toshimichi nhưng sau khi bình định được phản loạn vùng Tây Nam thì sang năm, ông cũng đã bị khủng bố ám sát chết ở dốc Kioizaka (Tôkyô). Tón lại, với cái chết của Ôkubô, Ishin sanketsu (Duy Tân tam kiệt) - những nhà hoạt động năng nỗ đã cống hiến rất nhiều cho sự đổi mới của Nhật Bản - Ôkubo, Saigô và Kido, kẻ trước người sau đều lần lượt ra đi.

Sau đó, những chính khách như Kuroda, Itô, Yamagata sẽ thay thế vào vị trí của họ và nhiều lần đứng ra nhận trọng trách như thủ tướng hoặc bộ trưởng. Inoue là bạn đồng chí của Itô, đã giữ vai trò bộ trưởng ngoại giao một cách năng nổ. Đặc biệt, ông có công thương thuyết với liệt cường, đòi hỏi tu chính lại những điều ước mà Nhật Bản ký trong điều kiện bất lợi. Điều này chúng ta sẽ trở lại bàn sau. Ôgi hết làm bộ trưởng tư pháp và bộ trưởng giáo dục trở thành người cầm đầu Xu (Khu) Mật Viện. Suejima làm cố vấn cho Xu (Khu) mật Viện trước khi đổi qua nắm bộ nội vụ.Sasaki trở thành bề tôi thân cận của thiên hoàng và có nhiều quyền bính.

Người cuối cùng được nhắc tới ở đây là Ôkuma Shigenobu nhưng không phải vì thế mà kém phần quan trọng. Ông từng kêu gọi nhà nước phải cấp tốc thành lập quốc hội nhưng chính vì sự mau mắn đó mà bị phiên phiệt Satchô đuổi ra khỏi chính phủ vào năm 1881 (Meiji 14). Sử gọi là cuộc Chính biến năm Meiji 14 (Meiji juuyonnen no seihen). Sau đó Ôkuma đã tổ chức chính đảng mang tên Rikken kaishintô (Lập hiến cải tiến đảng) rồi trở lại chính quyền, lần lượt đóng những vai trò quan trọng như thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao. Người Việt Nam thường quen thuộc với tên tuổi ông (Bá tước Đại Ôi) vì ông có thời rất gần gủi các nhà cách mạng lưu vong nước ta. Cũng nên nhớ rằng ông là một nhà giáo dục lớn, đã sáng lập Đại học Waseda.

Sau khi điểm qua hành động của các nhân vật chính trị sáng giá thời Duy Tân, hãy xem chính phủ Nhật đã thi hành những chính sách nào để tăng cường sức mạnh quân sự, vấn đề then chốt mà thời cuộc lúc đó đã đặt ra cho họ.

Chúng ta đã thừa biết là sau cuộc chiến tranh Boshin, tân chính phủ hầu như không có một quân đội trong tay. Chỉ đến khi cần có một binh lực làm hậu thuẫn cho chính sách "phế phiên trí huyện" họ mới tụ tập được 1 vạn binh đến từ các phiên Satsuma, Chôshuu và Tosa để làm lính thân vệ cho thiên hoàng (goshinpei = ngự thân binh). Thế nhưng với vỏn vẹn 1 vạn người lính thì không thể nào bảo vệ nổi chính quyền. Biết thế, họ đã lập kế hoạch dể tăng cường sức mạnh quân sự.

Thực ra, cuộc "phế phiên trí huyện" đã được thực hiện song song với việc giải tán quân đội các phiên trấn. Nếu cho những thành phần tinh nhuệ trong đám người này gia nhập vào quân đội của chính phủ, nhà nước sẽ tăng cường được ngay đám quân nhân đang hiện dịch của họ. Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản. Thế nhưng người nắm bộ Binh (quốc phòng) (Hyôbushô) trong chính phủ là Yamagata Aritomo (Sơn Huyện, Hữu Bằng, 1838-1922), giữ chức Taifu (Đại phụ), sau này sẽ cầm đầu Bộ Lục quân, không đồng ý với cách thức như vậy.Yamagata quyết tâm thực hiện chế độ "quốc dân giai binh" (kokumin kaihei) của Âu châu mà ông rất tâm đắc, nghĩa là bắt buộc mọi người dân đến tuổi thành nhân trở thành đối tượng trưng binh.

Lời cáo dụ trưng binh năm 1872 (Meiji 5) định rằng mọi người thanh niên sẽ phải đi lính. Năm sau, chôheirei (trưng binh lệnh) được ban bố. Theo đó, thanh niên đến 20 tuổi phải làm nghĩa vụ quân sự trong một thời gian. Nghĩa vụ quân sự này này áp dụng cho mỗi quốc dân, có tên chung là hei.yaku (binh dịch). Chữ "dịch" này có ý là "hoàn thành lao động cưỡng bách", nghĩa vụ mà nhà nước đòi hỏi nơi mỗi người dân.

Thực ra, đầu tiên có ý kiến trưng binh không phải chính bản thân Yamagata.Người đặt vấn đề là một đồng hương, xuất thân từ Chôshuu, Ômura Masujirô (Đại Thôn, Ích Thứ Lang). Ông này đã kết oán với các võ sĩ (giới sĩ tộc) vốn chống đối chế độ trưng binh và bị họ ám sát vào năm 1869 (Meiji 2). Phương án Ômura đã được Yamagata kế tục và thực hiện. Sở dĩ Yamagata thành công là nhờ chính sách "phế phiên trí huyện" đã tập trung được quyền lực vào tay chính quyền trung ương.

Tiếng là một chính sách áp dụng cho tất cả nhưng không phải ai ai cũng bị trưng binh. Có những trường hợp miễn dịch nghĩa là khỏi phải đi lính. Người đứng đầu một hộ (koshu = hộ chủ), con trai nối dõi (shishi = tự tử), con nuôi (yôshi = dưỡng tử, vì nhà đó không con trai nối dõi), quan lại và sinh viên học sinh. Dĩ nhiên những người đau ốm hoặc tật nguyền cũng được miễn trừ.

Nhưng trong một thế giới kim tiền, có tiền mua tiên cũng được, huống chi tấm giấy miễn dịch. Nhà nước lúc ấy qui dịnh nếu có tiền nộp (gọi là daininryô = đại nhân liệu, tiền thay cho người) là 270 Yen thì sẽ khỏi phải đi lính. Dĩ nhiên 270 Yen thời đó là một món tiền cực kỳ lớn nếu biết một tháng lương nhà giáo thời Meiji chỉ có 5 Yen. Do có chế độ ưu đãi như vậy, con nhà giàu và con trai cả không phải đi lính. Làm nghĩa vụ quân sự chỉ có con nhà nông và các anh con trai thứ.

Dĩ nhiên nếu có cách trốn tránh thì chẳng ai muốn đi lính. Vì vậy không thiếu chi những kẻ đào vong, dấu diếm tông tích. Nhiều người tìm cách đi làm con nuôi cho gia đình khác, dù chỉ trên danh nghĩa thôi, để trốn quân dịch. Có kẻ vờ ốm, có kẻ tự hũy hoại thân thể, chứng minh mình có thương tật.

Dùng những hành động bất hợp pháp để trốn tránh như thế được gọi là "trưng binh hồi tị" (chôhei kaihi). Có điều không thể tưởng tượng là thời ấy có người xuất bản cả sách chỉ cách thức để làm việc trốn lính đó như cuốn Chôhei no men.eki no kokoroe (Trưng binh miễn dịch tâm đắc = Những điều phải nằm lòng để được miễn dịch) và loại sách này bán rất chạy. Chính phủ rốt cuộc phải thu hẹp giới hạn những ngoại lệ dành cho việc miễn dịch.

Tuy vậy, quân chế từ đó đã thống nhất và quân đội quốc gia được hình thành.

Cùng vào một thời điểm, chế độ cảnh sát cũng được chỉnh đốn. Trước kia, trong lãnh địa, việc bảo vệ an ninh trật tụ nằm trong tay phiên binh, sau đó được bảo đảm bởi quân đội của chính phủ. Chế độ cảnh sát (police) kiểu Âu châu bắt đầu là ở vùng Kanagawa với mục đích kiểm soát các kiều dân vùng cư trú đặc biệt dành cho người ngoại quốc. Đến năm 1871 (Meiji 4) ngay ở vùng Tôkyô cũng đã có 3.000 viên gọi là Rasotsu (La tốt, la có nghĩa là tuần phòng) cảnh sát để duy trì trật tự. Họ không trang bị võ khí như đao kiếm nhưng thay vào đó là côn bổng (konbô) tức gậy dài. Vào năm 1874 (Meiji 7) thì nhà nước mới đặt ra Tokyô Keijichô (Đông kinh cảnh thị sảnh, thị có nghĩa là nhìn, trông chừng), còn chữ "La tốt" vì bí hiểm quá khó dùng nên đổi thành Junsa (Tuần tra) cho dễ hiểu hơn.

Mặt khác, ở địa phương thì vào năm 1872 (Meiji 5), nhà nước tổ chức Keihoryô (Cảnh bảo liêu) tức Nha cảnh sát trực thuộc Bộ tư pháp để điều khiển cảnh sát các vùng. Nhưng chỉ đến năm sau thì Nha (tức Keihoryô) đã chuyển từ Bộ tư pháp (Shihôshô) qua Bộ nội vụ (Naimushô) và chịu sự quản lý của bộ này. Từ đó cho đến lúc Nhật Bản thất trận sau Chiến tranh Thái Bình Dương và Bộ nội vụ bị giải thể thì cảnh sát nằm trong quyền quản hạt của nó.

Người đã chỉ đạo việc thiết lập hệ thống cảnh sát thời cận đại là một phiên sĩ xuất thân từ Satsuma tên là Kawaji Toshiyoshi (Xuyên Lộ, Lợi Lương). Để nghiên cứu chế độ cảnh sát Tây phương, ông đã sang Âu châu du học một năm. Bên đó, ông đã triệt để học tư tưởng cảnh sát phục vụ nhà nước phúc lợi (welfare state) và đem về áp dụng cho Nhật Bản. Cũng nên nói thêm rằng, sau đó, Kawaji đã trở thành Tổng Giám Đốc (Keishichô = Cảnh thị trưởng, sau là Daikeishi = Đại cảnh thị, tên có từ 1872) của cảnh sát thủ đô Tôkyô.

Tiết 3: Bãi bỏ chế độ phân chia giai cấp và chỉnh sửa mức địa tô
3.1 Bãi bỏ chế độ phân chia giai cấp "tứ dân" sĩ nông công thương.

Tứ dân là bốn thành phần trong dân chúng: sĩ, nông, công, thương.Chắc không cần phải giải thích dài dòng về nó ở đây nữa.

Chỉ cần biết sĩ là võ sĩ (samurai), nông là người làm ruộng đánh cá, công là thợ thủ công và thương là người đi buôn.Dưới thời Edo, dân chúng chia làm 4 loại người như thế nhưng sĩ (samurai) có địa vị cao hơn 3 loại người kia và có quyền cai trị họ. Chế độ ấy có tên là mibunsei (thân phận chế). Ngoài tứ dân còn có gia đình thiên hoàng và quí tộc (gọi là kuge = công gia), cũng ở vị trí cai trị, tăng lữ các chùa và thần chức đền Shintô. Dưới đáy xã hội là hạng hinin (phi nhân) tức là cùng đinh, đối tượng của sự khinh bĩ và miệt thị.

Tân chính phủ đã hủy bỏ những sự phân biệt giai cấp như vậy.

Mọi người dân kể từ bấy giờ ngoài tên của mình còn được tự do dùng họ (myôji =miêu tự), một điều mà trước đây chỉ có giới samurai là được phép.

Ngay cả người Nhật bây giờ, nhiều khi cũng không nắm vững về việc người Nhật có tên họ từ lúc nào. Nhiều người vẫn tưởng là, trước thời Meiji, người thường dân Nhật Bản không có họ (myôji). Chính ra thì từ hậu bán thời Edo, người Nhật đã họ rồi. Duy việc đem ra dùng nó trong việc công thì bị mạc phủ cấm đoán.

Từ lúc bãi bỏ chế độ giai cấp, cô con gái ông lãnh chúa (daimyô) có thể kết hôn với cậu ba (thứ nam) con nhà nông dân. Việc kết hôn giữa tứ dân (sĩ nông công thương) ngày xưa cấm đoán thì nay đã trở thành tự do. Đồng thời, người dân cũng được tự do chọn lựa công việc và thay đổi chỗ làm. Nói chung, quan niệm mới là tứ dân bình đẳng (shimin byôdô).

Theo qui định của Bộ luật hộ tịch (Kosekihô = Hộ tịch pháp) ra đời năm 1871 (Meiji 4), việc biên soạn sổ hộ tịch thống nhất được thực hiện vào năm sau, Nhâm Thân, (bộ Jinshin koseki). Khốn nỗi, bộ luật nói trên đã khẳng định rằng phải có sự phân biệt giữa ba tộc. Ba tộc ấy là Kazaku (hoa tộc), Shizoku ( sĩ tộc) và Heimin (bình dân). Hoa tộc gồm các lãnh chúa và công khanh cao cấp. Sĩ tộc là giai cấp cựu phiên sĩ, mạc thần và võ sĩ. Nói chung là samurai. Bình dân gồm nông, công và thương.

Những kẻ gọi là Eta (uế đa) và Hinin (phi nhân) bị coi như ô uế và thấp hèn cũng được trở thành bình dân (heimin) theo tinh thần pháp lệnh Kaihôrei (Giải phóng lệnh) ra đời vào năm 1871. Thế nhưng trên thực tế việc kết hôn và tựu chức của họ vẫn là đối tượng của sự kỳ thị. Đáng tiếc hơn nữa là cho đến ngày nay, nó vẫn còn tồn tại như một vấn đề xã hội tiềm ẩn.

Như thế, chính sách "tứ dân bình đẳng" của chính phủ buổi đầu chỉ có cái vỏ ngoài. Hai tầng lớp hoa tộc và sĩ tộc, dù ở trong xã hội mới, vẫn giữ địa vị trên trước so với người bình dân chẳng khác chi thời Edo. Việc duy chì rokusei (lộc chế) hay chế độ bổng lộc cho họ là một ví dụ.

Trước đây chúng ta đã từng đề cập tới câu chuyện là karoku (gia lộc) hay lương tiền của giới hoa tộc và sĩ tộc vẫn được duy trì như cũ sau cả thời "phế phiên trí huyện", lúc mà các phiên xem như không còn tồn tại nữa. Không những thế, những người thuộc giai cấp sĩ tộc nếu có công đóng góp cho cuộc Duy Tân thì từ năm 1869 trở đi, lại được trả một món tiền lương đặc biệt khác gọi là Shôtenroku (thưởng điển lộc).

Hai món tiền này (gia lộc và thưởng điển lộc) gộp chung dưới tên gọi là Chitsuroku (trật lộc). Chừng đó thôi đã chiếm hết 30% ngân sách quốc gia. Dù nhiều tiền như chính phủ đi nữa cũng không thể nào kiếm ra tiền mà trả mãi mãi. Nhà nước đứng trước nguy cơ phá sản. Hơn nữa, bây giờ chế độ phiên trấn không còn nữa, sĩ tộc thực ra chỉ ngồi chơi xơi nước (nghĩa là ngồi không lãnh bổng lộc) chứ đâu có việc gì làm.

Trước kia, công việc quan trọng nhất của một võ sĩ là chiến đấu hết mình và có khi liều thân vì chủ. Cho nên dầu không lãnh chức tước hay lo việc hành chánh trong phiên nhưng khi hữu sự, võ sĩ sẳn sàng lên đường tùng quân. Nhờ đó, họ có thể lãnh bổng lộc một cách đường hoàng vì có lý do chính đáng (nuôi quân ba năm dùng quân một giờ). Thế nhưng bây giờ việc binh bị đã có lính tráng trong dân lấy từ những cuộc trưng binh lo liệu, tài nghệ quân sự của sĩ tộc không còn có chỗ dùng nữa. Nói rõ hơn, sự tồn tại của sĩ tộc đã trở thành một gánh nặng cho tân chính phủ.

Do đó, dù biết rằng mình sẽ gặp sự chống đối mạnh mẽ của giới sĩ tộc, tân chính phủ bắt đầu rục rịch cải tổ hệ thống bổng lộc bằng cách tước hết mọi ưu đãi họ đã có được cho đến lúc đó. Tân chính phủ đề nghị với những ai hoàn lại ngạch trật cho nhà nước, sẽ được cấp một số vốn lớn để về làm ăn nhưng món tiền này chỉ chi trả có một lần (ichijikin = nhất thì kim, a lump sum, an one-time allowance). Bộ luật gọi là Chitsuroku hôkanhô (Trật lộc phụng hoàn pháp) này không có mấy ai nghe theo, có thể xem như là một thất bại. Chính vì vậy, chính phủ đành nhất quyết đình chỉ chế độ bổng lộc hiện hành. Việc đó, sách vở gọi là Chitsuroku shobun (trật lộc xử phân).

Dĩ nhiên, chính phủ không thể ngưng việc trả tiền mà không bù đắp lại bằng một bảo đảm gì khác. Vật chính phủ cấp cho giới sĩ tộc là một tờ giấy có tên Kinroku kôsai shôsho (Kim lộc công trái chứng thư). Đó là một giấy chứng nhận nhà nước thiếu họ một món tiền tương đương với từ 5 năm đến 14 năm bổng lộc. Kể từ năm 1882 (Meiji 15) chính phủ sẽ trả góp hàng năm (niên phú, phú có nghĩa là trả góp) một năm lương cho đến hết kỳ hạn.Bình quân thì một người trong hoa tộc lãnh độ 6 vạn 4 nghìn Yen, còn sĩ tộc chỉ lãnh vỏn vẹn có 500 Yen (theo giá trị tiền vào thời điểm ra tuyên bố tức năm 1876, Meiji 9). Độ chênh lệch giữa hai bên khá lớn. Một số thuộc giới sĩ tộc đã nhờ món tiền này mà có vốn kinh doanh. Thế nhưng phải nói là hơn phân nữa trong số họ không thành công trong việc buôn bán.

Nói thế cũng không phải muốn bảo là những ai không kinh doanh mà muốn đổi nghề để thành công chức nhà nước, thầy giáo, cảnh sát thì cuộc đời sẽ sáng sủa hơn đâu. Trên thực tế, số sĩ tộc có cơ hội trở thành công nhân viên chỉ có hơn 2 vạn người. Phần đông những kẻ còn lại đành ôm mớ công trái làm vốn liếng để bắt đầu nghiệp nông tang hay làm nghề thủ công, cố gắng làm sao cho có kế sinh nhai. Dù vậy, hiện thực tỏ ra khắt khe đối với họ, hơn phân nữa phải sống cuộc đời hết sức chật vật.

"Đi buôn kiểu sĩ tộc" (shizoku no shôhô) là thành ngữ đương thời để ám chỉ cách buôn bán của những kẻ "không biết buôn bán mà cũng ráng đi bưôn". Thành ngữ đó dĩ nhiên đã sinh ra từ hoàn cảnh xã hội như vậy.

Lý do là số sĩ tộc cầm công trái trong tay làm vốn đi buôn kiếm ăn không phải là ít nhưng xưa nay họ thuộc giai cấp cai trị, không rành về thương mại, chẳng những mù tịt việc tính toán hơn thiệt mà cũng chưa quen lễ độ, không biết nhún nhường trước mặt khách hàng. Cho nên hơn phân nửa bọn họ đã làm ăn thất bại, lâm vào cảnh bế tắc và thành cái đích cho người đời cười cợt.

Chính phủ không đến nỗi ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh tượng bi đát này. Họ cũng đã tìm nhiều cách như cho sĩ tộc vay thêm vốn lúc họ mới bắt đầu làm ăn cũng như sử dụng sức lao động bằng cách mướn họ đi khai thác những vùng đất mới như Hokkaidô hay các vùng còn hoang vu khác. Chính sách này có tên là Shizoku jusan (Sĩ tộc thụ sản) tức tạo công ăn việc làm cho tầng lớp sĩ tộc.

Thế nhưng cố gắng đó chẳng khác nào muối bỏ biển. Nó chỉ có thể cứu giúp được một phần nhỏ của nhóm 150 vạn sĩ tộc ấy. Nên nhớ những người gọi là sĩ tộc đều là kẻ từng xả thân chiến đấu chống lại mạc phủ trong chiến tranh Boshin và nhờ họ, tân chính phủ mới lấy được chính quyền.

"Công lao lớn như thế, sao chính phủ này lại coi chúng mình không ra gì?". Đó là câu hỏi họ thường đặt ra với nhau. Bị du vào bước đường cùng, nhiều người trong lớp sĩ tộc đã đâm ra oán hận chính phủ, mang sự bất mãn bên lòng. Thế nhưng khổ nỗi - như đã nói ở trên - chính phủ không có phương tiện để duy trì mãi chế độ cấp phát bổng lộc. Hơn thế nữa, tổ chức quân đội từ đây sẽ thực hiện theo mô hình Âu châu nghĩa là không còn cần đến sự tham gia của sĩ tộc. Hai chính sách hợp lý hóa ngân sách và quốc dân giai binh nói trên lại rất cần thiết để giúp Nhật Bản tiến lên được trên con đường cận đại hóa.

Thế nhưng, ngược lại, vạn nhất 150 vạn sĩ tộc mang lòng oán hận ấy tụ tập làm loạn chống lại chính phủ thì chính quyền còn non trẻ này cũng có thể bị đánh sập một cách dễ dàng. Vì lý do đó, một nhóm quan lại cao cấp trong chính phủ muốn tìm cách xoa dịu họ và hướng sức mạnh nung nấu bởi sự bất mãn của họ sang một hướng khác: đặt kế hoạch chinh phục Triều Tiên. Đó là quan điểm mang tên Chinh Hàn luận mà chúng ta sẽ bàn đến trong những chương sau.

Tạm đổi đề tài câu chuyện một chút. Thử hỏi đặc quyền của giới võ sĩ xưa kia là gì nào?

Xin thưa đó là quyền myôjitaitô (miêu tự đới đao) tức quyền sử dụng (tên) họ và quyền đeo kiếm.

Thế nhưng tân chính phủ vì thực hiện chính sách tứ dân bình đẳng, đã cho phép toàn dân được sử dụng họ. Sĩ tộc xem như tự động bị tước mất đặc quyền đó. Việc đeo kiếm cũng vậy. Chính phủ vẫn thường xuyên nhắc nhỡ họ phải tự kiềm chế, không đeo kiếm nơi công cộng, bởi lẽ việc mang gươm lượn qua lượn lại giữa phố phường không phải là dân một nước văn minh, sẽ khiến cho người nước ngoài chê là dã man.

Đối với người võ sĩ, thanh kiếm là linh hồn, là niềm tự hào của mình. Cho nên họ bỏ mặc những lời khuyên bảo của nhà nước ngoài tai. Điều đó làm cho vào năm 1876 (Meiji 9) chính phủ phải ban Haitôrei (Phế đao lệnh) cấm đoán việc đeo kiếm ra ngoài đường. Tuy lo sợ giới sĩ tộc phản ứng mạnh trước lệnh ấy, nhất là khi không ít quan lại cao cấp trong chính phủ chia sẻ một quan điểm với họ, nhưng rốt cuộc, chính phủ đã dứt khoát ban bố sắc lệnh.

Như thế, giới sĩ tộc hoàn toàn mất hết đặc quyền. Kinh tế đã lâm vào cảnh khốn cùng, danh dự lại bị tước đoạt. Họ bắt đầu quấy rối liên tục ở các địa phương, đúng như điều chính phủ đã tiên liệu. Những cuộc nỗi loạn của giới sĩ tộc cũng sẽ được trình bày cặn kẽ về sau.

Chỉ có thể kết luận được ở đây là từ sau cuộc "phế phiên trí huyện", giới sĩ tộc đã bị mất hết đặc quyền và con đường tiến tới "tứ dân bình đẳng" nhờ đó trở nên thông thoáng.

3.2 Cải cách địa tô và điền địa:

Dưới thời Edo, nói đến thuế là nói đến tuế cống (niên cống = nengu) thu từ ruộng vườn. Cách thức thu thuế lúc đó không đồng nhất, mỗi địa phương thường làm theo một kiểu riêng. Đặc biệt hơn nữa, mạc phủ cũng chưa từng ban bố lệnh cả nước phải đồng loạt làm theo phương pháp nào. Lý do là mạc phủ tuy dựa trên ưu thế quân sự và tổ chức pháp luật của mình để khống chế các lãnh chúa nhưng cũng đến một chừng mực nào thôi. Họ chỉ làm sao cho các lãnh chúa không thể phản lại mình chứ công việc bên trong các lãnh địa, họ cho phép các lãnh chúa được tổ chức theo ý muốn, ít khi can thiệp vào.

Dù thế nào đi nữa thì tuế cống là cơ sở của thuế khoá cho nên thu hoạch nông nghiệp hàng năm xấu hay tốt ảnh hưởng rất lớn đến sự chênh lệch của tiền thuế thu được. Ví dụ năm nào mất mùa lớn, tiền thuế thu vào có khi còn dưới mức phân nửa của năm trước đó. Điều này không phải là chuyện không bao giờ xảy ra.

Đứng trước những việc khó lường trước như thế, những người lãnh trách nhiệm soạn ra ngân sách nhà nước rất là khổ tâm. Nhất là khi soạn ngân sách, họ còn phải tính toán một cách dài hạn và chú ý đến những chính sách kế tục cần có để cận đại hóa đất nước. Do đó, lợi dụng việc chế độ phiên trấn đã biến mất từ sau cuộc "phế phiên trí huyện", chính phủ bắt đầu kiểm thảo việc thực hiện một chính sách thu thuế đồng nhất trên toàn quốc nhằm ổn định nguồn tài chánh quốc gia.

Trong chiều hướng đó, năm 1873 (Meiji 6) tân chính phủ đã ban bố Chiso kaikaku jôrei (Địa tô cải cách điều lệ), một đạo luật có tầm quan trọng rất lớn cho việc cải cách thổ địa và tô thuế. Nói gọn lại thì đó là đạo luật nhằm tiến đến một hệ thống mà trong đó,"khả năng đóng thuế của một miếng đất sẽ được qui định tùy theo giá trị của miếng đất ấy".

Ý nghĩa câu đó là thế nào? Nếu dựa trên chừng ấy chữ mà hiểu được chính sách đó thì quả là vô lý. Chúng ta hãy đi từng bước một.

Trước tiên, để cải cách địa tô, tân chính phủ đã phải định được giá trị của đất đai. Họ bèn ra lệnh cho các quan ở địa phương (các huyện) phải kiểm tra về giá cả đất đai một cách toàn diện nghĩa là không bỏ sót một khoanh. Ngày xưa, quan Tể tướng Hideyoshi khi làm Taikôkenchi, đã từng ban ra lệnh kiểm địa như thế.

Nhân đây cũng nói thêm rằng giá đất (chika = địa giá) cao hạ thế nào, việc kiểm tra để định giá thời đó không có cùng một tiêu chuẩn như chúng ta. Bây giờ, dân thành thị như chúng ta định giá trị một miếng đất theo tiêu chuẩn nó có gần nhà ga, trường học, bệnh viện, hàng quán, trục giao thông chính hay không. Thế nhưng đối với người xưa, những tiêu chuẩn đó đều không đáng kể.

Xưa kia, người ta chỉ cần biết miếng đất đó có sác xuất thu được bao nhiêu hoa màu là đủ. Chất đất (chimi, jimi) xấu, ở nơi ánh sáng mặt trời bị che lấp (hikage) thì cho dù có rộng rãi, đẹp mắt (miharashi) và gần bãi biển đi chăng nữa cũng bị xem là đất kém giá trị. Có nghĩa là tiêu chuẩn kiểm tra đất thời Meiji cũng tuân theo luận lý "đất là đất để sản xuất nông nghiệp" giống như dưới thời Tể tướng Hideyoshi. Ruộng nương thời đó chẳng qui ra thượng điền, trung điền, hạ điền, hạ hạ điền là gì?

Sau khi đã định được giá đất (chika) rồi, chính phủ mới trao cho mỗi sở hữu chủ một tấm bằng khoán gọi là chiken (địa khoán). Có thể hiểu địa khoán như là giấy chứng minh quyền sở hữu của miếng đất ấy. Chính phủ trao địa khoán cho ai tức là chấp nhận người đó là chủ đất. Trong địa khoán thường có ghi lại những thông tin như sau: địa điểm, diện tích, tên họ sở hữu chủ, giá đất, thuế suất và cuối cùng là tên huyện.Như vậy, đúng như điều từng nói ở bên trên, thuế đất tức là hình thức mới của địa tô sẽ được đánh theo giá trị của miếng đất.

Tiến đến bước thứ hai. Trước khi ban bố đạo luật cải cách địa tô, tân chính phủ còn phải "tự do hoá" đất đai.

Điều nói trên có nghĩa là gì? Trước kia, vì muốn nông dân hàng năm đóng thuế đều đặn và để cho nông dân là kẻ đóng thuế không lâm vào cảnh sa sút đến nỗi mất cả ruộng nương, mạc phủ và chư phiên đã ngăn cấm việc chuyển nhượng hay chia cắt đất đai cho người khác. Họ cũng cấm nông dân ngoài việc trồng lúa không được trồng một giống cây nào nữa.Nếu tân chính phủ để mặc chế độ vốn có từ thời Edo tiếp tục như vậy thì khó lòng mà thực hiện cải cách thuế khóa.

Năm 1871 (Meiji 4), tân chính phủ đã sớm ban lệnh Denbata kattezukuri nghĩa là văn bản cho phép nông dân tự ý trồng trọt (kattezukuri) bất cứ loại cây cỏ gì trên ruộng nương (denbata) của họ. Năm sau, chính phủ lại bãi bỏ thêm lệnh Denbata eitai baibai tức lệnh cấm vĩnh viễn (eitai) việc buôn qua bán lại (baibai) ruộng nương (denbata). Kể từ đó việc buôn bán đất đai mới được thừa nhận và cùng năm, các sở hữu chủ được nhà nước trao cho bằng khoán đất đai. Thành ra việc buôn bán bằng khoán (địa khoán) không còn gặp cản trở nào nữa. Cho dù sở hữu chủ ấy có bán bằng khoán cho ai, chính phủ cũng chẳng bận tâm.

Còn về địa tô, nó được đánh 3% trên giá trị của miếng đất (địa giá), nộp bằng tiền cho chính phủ trung ương. Người nộp tô là người đang có quyền sở hữu đất đai nghĩa là người giữ địa khoán. Ngay cả khi đem đất đó cho người khác mướn, nghĩa vụ nộp tô vẫn thuộc về sở hữu chủ. Cũng nên nhớ thêm rằng tá điền thuê đất để trồng trọt, người mướn nhà để ở cũng như chủ nhà thì không phải là đối tượng của địa tô.

Dù sao đi nữa, nhờ có cải cách về địa tô, chính phủ hết phải lo năm nay mất mùa hay được mùa và như thế, nguồn thuế đã được ổn định và nền tảng tài chánh nhà nước vững chãi hơn.
 
Con đường đưa đến việc cải cách địa tô
-Tình trạng không thống nhất trong việc thu tô ở địa phương.

- Số thuế thu vào mỗi năm không lường trước được

Chính phủ Meiji à Tìm phương pháp ổn định ngân sách nhà nước

Ba chuẩn bị

cần thiết:

  • Cho phép được trồng hoa màu theo ý mình (1871)
  • Bãi bỏ lệnh vĩnh viễn cấm buôn qua bán lại đất đai (1872)
  • Phát hành bằng khoán gọi là địa khoán để định giá đất (1872)

Tháng 7 năm 1873 ban bố Điều lệ cải cách địa tô

Kết quả: Thành công trong việc thống nhất chế độ thuế thời cận đại

Ngoài ra, chúng không nên bỏ qua việc nhờ có cải cách về tô thuế mà quyền sở hữu đất đai của địa chủ và những nông dân tự canh (jisakunô = landed independent farmer) được ấn định một cách rõ ràng. Lại nữa, từ đây nhà nông không phải nộp thuế bằng lúa gạo (gọi là butsunô = vật nạp, beinô = mễ nạp) mà nộp thuế bằng hoá tệ. Phương pháp trưng thu địa tô như vậy cũng đã có sự thay đổi và, nhân đó, ta thấy thời đó nông nghiệp đã có sự kết hợp sâu xa hơn với nền kinh tế thương phẩm.
Điều lệ cải cách địa tô được công bố vào tháng 7 năm 1873
Trước cải cách Sau cải cách
Giá trị hoa màu thu hoạch được trong năm Cơ sở thuế khóa Giá trị miếng đất (địa giá)
Tứ công lục dân (4/6) (ở các lãnh địa của mạc phủ) Thuế suất Địa tô (3% giá trị miếng đất)
Thu nạp bằng vật (gạo) theo đơn vị thôn làng Phương pháp nạp thuế Thu nạp bằng tiền, đơn vị cá nhân
Kẻ có nhiệm vụ đóng niên cống (người canh tác) Chủ thể đóng thuế Kẻ sở hữu đất đai (địa chủ có địa khoán)

Thế nhưng thử hỏi món thuế 3% đánh trên giá đất nói trên thì nặng hay nhẹ hơn so với thời Edo? Câu trả lời là "trước sau không khác nhau bao nhiêu".

Tại sao vậy? Như đã nói ở phần mào đầu, ngày xưa các phiên đánh thuế tự do, mỗi nơi một kiểu. Do đó, có nơi thuế nhẹ, nơi thuế nặng. Do đó, chính phủ đã tính toán cân nhắc, không muốn thu ít thuế đi so với thời trước, cho nên thuế suất 3% họ chọn có thể gọi là thỏa đáng.

Tuy nhiên họ ấn định rằng nếu trong tương lai nếu thuế phẩm vật vượt lên mức 200 vạn Yen thì địa tô sẽ được giảm xuống từng bậc thang một.Chính phủ đã hứa với quốc dân trong Điều lệ về địa tô là trong tương lai sẽ giảm còn 1% thôi. Dĩ nhiên đó là những lời hứa không khống và sự thực đã trả lời là chính phủ không thực hiện được.

Chính phủ lúc đó thực ra không có tiền. Hậu quả của cuộc chiến tranh Boshin vẫn còn nặng nề. Điều khổ tâm cho họ hơn cả là tiền nợ mà các phiên đã mắc. Sau khi "phế phiên trí huyện" dĩ nhiên là các phiên không còn nữa nhưng phần lớn các phiên đều đã có những món nợ khổng lồ và chúng vẫn sờ sờ ra đó. Nợ nần của họ tân chính phủ là kẻ có trách nhiệm trang trải. Do đó, tài chánh quả là mối lo hàng đầu của tân chính phủ.

Để yên lòng dân, lúc nào cũng vậy, cách hay nhất là giảm thuế. Thế nhưng vào thời điểm đó chính phủ đang ở trong tình trạng không sao giữ được lời hứa. Có điều là nông dân không hiểu được tình cảnh của tân chính phủ, mà cho dù có hiểu, họ xem như chuyện ấy không can dự tới mình. Đối với dân chúng, các phiên là kẻ đã bắt họ phải đóng tuế cống. Nay các phiên có mất đi chăng nữa thì lại có chính phủ thế vào chỗ ấy và còn đòi hỏi có khi nhiều hơn thời xưa. Rắc rối thêm là chính phủ không nhận lúa gạo mà đòi họ phải trả thuế bằng tiền mặt. Ngay cả năm mất mùa cũng không nói đến chuyện giảm thuế!

Vì lý do đó, nông dân không thể nào không căm hận.

Họ càng bực tức hơn nữa khi ngoài địa tô (đánh gián tiếp) là món thuế nhà nước (quốc thuế 3% giá đất), họ còn bị đánh thêm một thứ thuế địa phương ngang với 1% giá đất. Tổng cộng cả hai thuế lên đến 4%. Ngoài ra, họ còn bất mãn vì trong khi thẩm định giá trị đất đai, các quan địa phương đã có những thái độ làm mất lòng họ.

Còn nhiều điều khác nữa làm họ cay cú. Chẳng hạn như nhà nước đã đoạt trắng iriaichi (nhập hội địa) của họ. Chúng ta còn nhớ iriaichi là đất đồng đất núi (sơn dã = san.ya) mà nông dân sử dụng chung với nhau. Nơi đây dân trong thôn có thể đến kiếm củi, ủ phân xanh hoặc kiếm được ít lộc của rừng núi (lấy nấm, hái quả, giang nứa vv...). Lúc nhà nước cải cách chế độ địa tô, chia đất thành "tan" thì đối với những vùng như thế, người ta không thể nào biết nó thuộc về chủ nào cả. Nhà nước bèn thừa dịp ấy tịch thu tất cả làm của công (kokuyuuchi = quốc hữu địa).

Thêm chuyện nữa là giá gạo mỗi năm càng xuống thấp, thế mà chính phủ không màng đến sự thay đổi đó, cứ lấy giá gạo những năm trước đây lúc nó còn cao để định mức địa tô.

Những sự tức tối tích luy lâu la như thế đã có dịp bùng nổ. Đó là vào năm 1879 (Meiji 12), lúc công cuộc cải cách địa tô hầu như hoàn thành (1880, Meiji 13) khi chỉ còn vấn đề khu vực đất đồng đất núi chưa giải quyết.

Nông dân các huyện Ibaraki, Mie, Aichi, Gifu, Sakai vv... đã nổi dậy làm một cuộc ikki đại qui mô nhằm chống lại cuộc cải cách địa tô. Những vùng đất đã nổi lên làm cuộc loạn gọi là Chiso kaisei hantai ikki (Địa tô cải chính phản đối nhất quỉ) đó thì có hơn phân nữa đã phải phụ đảm món địa tô còn nặng hơn cả dưới thời Edo.

Cũng vào lúc đó, đã xảy ra những cuộc nổi loạn liên tục của giới sĩ tộc bất bình vì sự đãi ngộ của nhà nước. Chính phủ cảm thấy thế nguy nên qua năm sau, đã chấp nhận đòi hỏi của nông dân, hạ địa tô từ 3% đến còn 2,5% giá đất. Thấy thế, ta có thể có cảm tưởng là giảm quá ít nhưng kỳ thực, giảm 0,5% trên 3% có nghĩa là đã giảm đến 17% mức thuế rồi.

Tiết 4: Thi hành chính sách "thực sản hưng nghiệp".
4.1 Chủ nghĩa tư bản và người nước ngoài đến làm thuê:

Kể từ buổi đầu thời Meiji, chính phủ đã dành nhiều công sức cho chính sách gọi là "thực sản hưng nghiệp" (shokusan kôgyô) nghĩa là chú trọng vào việc làm giàu (= thực) bằng tăng gia sản xuất (= sản). Nhật Bản đã đưa vào nước mình nhiều ngành kỹ nghệ cận đại và nhờ có sự thúc đẩy của chính phủ, những ngành này đã có thể phát triển nhanh và mạnh, sớm đưa nước họ trở thành một quốc gia theo chủ nghĩa tư bản như các nước Âu Mỹ.

Nói một cách giản dị thì tư bản nói đến ở đây tức là tiền bạc và tài sản dùng vào việc sản xuất hay thương mãi. Chúng ta biết chữ "nhà tư bản" chỉ kẻ có của hay kẻ giàu có. Những người này đã dùng tiền họ có để đầu tư, có nghĩa là mua máy móc và các dụng cụ làm việc, tập hợp những người lao động (không có vốn) lại để cùng nhau làm việc, sản xuất ra các mặthàng bán kiếm lời. Trong một nền kinh tế mà người ta có thể làm việc theo mô hình đó thì gọi là kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Vào hậu bán thế kỷ thứ 18, nước Anh đã trải qua một cuộc Cách mạng kỹ nghệ và từ đó tư bản chủ nghĩa đã thành hình, lần lượt ở nước ấy sau lan các nước Âu Mỹ. Những món hàng sản xuất ra nếu dùng ở trong nước vẫn còn thừa thì sẽ được đem đi tiêu thụ ở một thị trường khác. Nhân vì sức mạnh công nghiệp quá lớn, số hàng hoá làm ra quá đỗi dư thừa cho nên những nước đó phải đi tìm thị trường ở hải ngoại. Cùng một lúc, sức mạnh công nghiệp cũng kéo theo sức mạnh quân sự. Để kiếm cho được nguyên liệu để sản xuất số hàng hóa mỗi lúc càng nhiều đó và kiếm thêm những nơi có thể tiêu thụ số hàng đó, các nước tư bản chủ nghĩa đã lần hồi héo lánh đến Ấn Độ và các nước Đông Nam Á...là những vùng tiếp cận Nhật Bản và chiếm cứ làm thuộc địa. Bế quan tỏa cảng cho đến lúc đó, Nhật Bản cũng bắt đầu cảm thấy nguy cơ "cháy mày", một ngày nào đó, chắc chắn là mình sẽ chịu chung số phận.

Do đó, người Nhật nghĩ là một nước nhỏ như nước họ nếu muốn giữ vững độc lập thì phải đi theo sự chỉ đạo của chính phủ để biến mình thành một quốc gia theo chủ nghĩa tư bản. để giàu có về mặt kinh tế. Thế rồi với sức mạnh kinh tế ấy sẽ tăng cường sức mạnh quân sự. Được như thế Nhật Bản mới có cơ may tránh được sự xâm lăng của liệt cường mà giữ được nước.Như thế mục đích của chính sách "sản thực hưng nghiệp" chính là "phú quốc cường binh" (fukoku kyôhei = nước giàu quân mạnh). Thực ra, những chữ dùng này đều đã có từ thời Edo.

Để thực hiện chính sách "thực sản hưng nghiệp" đó, trước tiên chính phủ phải triệt đi những chướng ngại trước mắt. Họ bèn bãi bỏ các vọng gác, trạm canh trên các tuyến giao thông và các chế độ như sukegô (trợ hương) nghĩa là bắt dân địa phương cung cấp bò ngựa khi chính phủ cần dùng và các tổ chức như kabunakama (chu trọng gian, chu hay kabu là cổ phần) vốn có nhiệm vụ dành độc quyền buôn bán cho các thành viên (nakama) của mình. Những hình thức nói trên đã được gây dựng lên dưới thời phong kiến và gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa, không thể nào để chúng tiếp tục tồn tại nếu muốn chuyển qua sản xuất và lưu thông theo hình thức cận đại.

Năm 1870 (Meiji 3) nhà nước đã giao cho các nha sở của Bộ công nghiệp (Kôbushô = Công bộ tỉnh) quản lý việc thực hiện chính sách ấy. Đến năm 1873 (Meiji 6) thì nó được trao cho Bộ nội vụ (Naimushô = Nội vụ tỉnh), một bộ vừa mới thành lập. Sang năm 1881 (Meiji 14), một lần nữa nó lại qua tay Bộ nông thương (Nôshômushô = Nông thương vụ tỉnh). Như vậy chính sách nói trên đã được thực thi qua ba thời kỳ.

Lúc mới đầu, những người có cống hiến to lớn nhất cho chính sách là những người ngoại quốc đến làm thuê (Oyatoi gaikokujin). Đó là những học giả và kỹ thuật gia Âu Mỹ đã được chính phủ mướn để làm việc cho họ. Nhờ sự hướng dẫn, chỉ đạo của những vị này mà công cuộc cận đại hoá của Nhật Bản về mặt kỹ nghệ đã phát triển nhanh và tốt.

Về con số người ngoại quốc đến Nhật làm việc trong thời gian đó, tính ra trước sau có đến khoảng 3.000 người. Lúc đông nhất (năm 1875, Meiji 8) là 527 người và phải nói, họ toàn là những người mẫn cán và có trình độ cao. Sở dĩ Nhật Bản mời được toàn nhân tài ưu tú đến giúp cũng vì chính phủ trả lương cho họ rất hậu. Ví dụ đồng lương của đại thần Dajôdaijin (như Thủ tướng) Sanjô Sanemitsu là 800 Yen là cao nhất phía Nhật, thế mà lương của một người ngoại quốc đến làm thuê như Thomas William Kinder (giám đốc việc đúc tiền) đã lên đến 1.045 Yen. Lương cỡ 500, 600 Yen một tháng là chuyện thường trong giới ngoại quốc đến Nhật làm việc. Như vậy ta thấy khát vọng và nhiệt tình dành cho việc thực thi chính sách "sản thực" của người Nhật thời ấy là như thế nào. Họ chấp nhận trả giá thật đắt để có được những cống hiến tốt hàng đầu.
Danh sách một số kỹ thuật gia và học giả đến từ ngoại quốc
Tên họ Lãnh vực hoạt động ở Nhật Quốc tịch
James Curtis Hepburn Y học. Ngữ học (1859-92) Mỹ
Guido Herman Fridolin Verbeck Truyền đạo. Ngữ học (1859-98) Mỹ
William Smith Clark Giáo dục (1876-77) Mỹ
Edward Sylvester Morse Khảo cổ học. Động vật học (1877-79) Mỹ
Erwin von Baelz Y học (1876-1905) Đức
Ernest Francisco Fenollosa Cổ mỹ thuật. Văn nghệ (1878-1890) Mỹ
Vincenzo Ragusa Điêu khắc (1876-82) Ý
Antonio Fontanesi Hội họa Tây phương (1876-78) Ý
Henry Dyer  Công nghệ cơ khí và đồ mộc (1873-1882)  Anh
Josiah Conder Kiến trúc (1877-1920) Anh

Công lao của nhóm "The Yatoi"

Có được một nước Nhật ngày nay, dĩ nhiên công lao của cộng đồng người bản xứ phải được vinh danh trước tiên. Thế nhưng chúng ta cũng đừng quên vai trò của những người ngoại quốc. Thời xa xưa thì có các học giả Achiki (A Trực Kỳ), Wani (Vương Nhân) từ Triều Tiên, các tăng nhân Ganjin (Giám Chân), Mugakusogen (Vô Học Tổ Nguyên) từ Trung Quốc. Kịp khi người Tây Phương tới nơi, chúng ta có dịp biết đến đến tên tuổi của các nhà hàng hải, truyền giáo, y sĩ, kỹ sư như Adams, Kaempfer, Sidotti, Siebold .... Đặc biệt vào thời Meiji đã có những người Tây phương ưu tú được mời sang Nhật làm việc. Tuy họ được hậu đãi về mặt vật chất nhưng lại bị gọi tổng quát là Oyatoi gaikokujin (Những người ngoại quốc làm thuê), một cái tên không có gì vinh dự cho lắm.

Về thành tích của họ, tư liệu cũng chỉ rời rạc. May thay, một người trong bọn, Wìliam Elliot Griffis, 1843-1928) , sau khi đến Nhật làm việc trong thời gian từ 1870 đến 1874, lúc về đến quê nhà đã thu thập tài liệu về đời hoạt động của những người đồng cảnh ngộ như mình. Tàng thư này nay còn được gìn giữ ở Đại học Rutgers (New Jersey, Hoa Kỳ), dưới cái tên The William Elliot Griffis Collection, liên quan đến các The Yatoi (Những người làm thuê) hay, nói một cách thanh nhã hơn như Griffis, Japans Foreign Helpers (Những người ngoại quốc trợ lực Nhật Bản). Griffis cho đến cuối đời vẫn là một ngưòi bạn lớn của nước Nhật và đã nhiệt tình viết lời tựa cho tác phẩm nổi tiếng Võ Sĩ Đạo (Bushidô) của học giả Nitobe Inazô.

Gần đây, tác giả Umetani Noboru đã có ý kiến độc đáo là thu thập tất cả tin tức về họ để viết cuốn sách nhan đề Oyatoi gaikokujin (Những người ngoại quốc làm thuê) [7]đánh giá lại một cách khá trung thực những cống hiến cực kỳ quan trọng của họ đối với cuộc Minh Trị Duy Tân.

Thực ra, việc người ngoại quốc đến giúp Nhật Bản lần đầu tiên đã có từ hồi niên hiệu Ansei (An Chính, 1855-1860). Hạm trưởng người Hà Lan Gerhardus Fabius khi ghé Nagasaki đã thuyết phục Nhật Bản nên mở một trường dạy về ngôn ngữ, hàng hải và kỹ thuật đóng tàu với sự trợ lực của các giáo sư ngoại quốc. Thế rồi vào tháng 6 năm 1855 (Ansei 2), 22 sĩ quan và hạ sĩ quan Hà Lan do Pels Rijcken đã mang một chiến hạm đến Nagasaki, cho phép học viên Nhật Bản được lên tàu học tập. Sau đó, mạc phủ đã mướn Rijcken và bộ hạ làm giáo quan dạy ở Sở luyện tập hải quân Nagasaki do họ mở ra. Trong số 40 học viên đầu tiên, có Katsu Rintarô, sau đổi tên là Katsu Kaishuu, cha đẻ của hải quân Nhật Bản.

Đợt hai đến Nhật năm 1857 gồm 37 người và do Đại úy hải quân Huijssen van Kattendijke làm trưởng đoàn. Lúc đó Hà Lan đã đóng cho Nhật Bản chiến hạm Japan, sau đổi tên là Kanrinmaru (Hàm Lâm hoàn) và tàu này cũng do Katsu Rintarô làm hạm trưởng, đã vượt Thái Bình Dương để sang Mỹ.

Công lao của người Hà Lan đối với Nhật Bản rất lớn. Ở trường hải quân cũng có mặt các quân y như Pompe van Meerdervoort và các sĩ quan cơ khí như Hendrik Hardes. Họ đã dạy cho người Nhật về y khoa lẫn kỹ thuật đóng tàu.

Trong giai đoạn năm Bunkyuu (Văn Cửu, 1861-64) và Keiô (Khánh Ứng, 1865-68) đến phiên người Mỹ, Anh, Pháp lần lượt đến Nhật Bản làm việc. Mỹ ký hiệp ước thân thiện từ tháng 8 năm 1858 và các nước Hà Lan, Nga, Anh, Pháp thì chỉ trong vòng 3 tháng sau là đều ký kết xong cả. Ở Nagasaki, một cơ sở dạy tiếng Anh đã được mở ra do người Nhật làm hiệu trưởng với các giáo sư Hà Lan như H.O. Wichers, De Vogel và ngưòi Anh Lachlan Fletcher. Đến năm 1862 thì ở Yokohama cũng có một trường tương tự mà giáo sư Tiến sĩ thần học người Mỹ Samuel Robbins Brown.

Nói về việc tổ chức nhà nướcNhật Bản, không ai có thể quên được công lao của Guido Herman Fridolin Verbeck. Ông là người Hà Lan sống trên đất Mỹ, sang Nhật như một nhà truyền giáo nhưng đã được phiên Saga mời đến Nagasaki để dạy chính trị, kinh tế, khoa học ở hai trường Seibikan ( Tế Mỹ Quán) và Shienkan (Chí Viễn Quán).Môn sinh của ông có những nhân vật về sau sẽ là những nhà lãnh đạo lừng lẫy trong chính trị thời Duy Tân như Ôkuma Shigenobu, Soejima Taneomi, Etô Shinpei, Ôki Takatô, Itô Hirobumi, Ôkubo Toshimichi, Katô Hiroyuki, Tsuji Shinji, Sugi Kôji, Hosokawa Junjirô, Yokoi Konan...Trong một bức ảnh chụp năm 1866 (Keiô 2) ở trường Seibikan, vây quanh thầy Verbeck, ta thấy như có cả một chính phủ Nhật Bản tương lai thu nhỏ.

Kể từ năm 1869, lúc mới 39 tuổi, Verbeck đã trở thành cố vấn cho chính phủ Nhật Bản. Từ Nagasaki lên Tôkyô, ông vừa dạy học ở Kaisei gakkô (Khai Thành học hiệu, một phần của Đại học Tôkyô bây giờ) vừa làm việc với chính phủ.Trong những điều ông kiến nghị được nhà đương cục Nhật Bản nghe theo, có việc gửi sứ bộ Iwakura ra nước ngoài tìm hiểu, việc tổ chức trưng binh để thành lập một quân đội quốc dân, việc qui định một chế độ giáo dục.vv.... Người Nhật đánh giá ông như một nhân vật có phẩm cách cao cả và hết sức tín nhiệm.


Guido Verbeck (1830-1898) 
trong trang phục Nhật Bản

Về mặt tổ chức pháp luật, không thể nào quên công lao 2 người Pháp, trước tiên George Hilaire Bousquet nhưng nhất là Gustave Emil Boissonade de Fontarabie. Luật sư Bousquet đến Nhật năm 1872 lúc mới vừa 26 tuổi, đã soạn bản thảo dự án bộ Dân luật Nhật. Còn Boissonade, một tiến sĩ Luật dạy ở Đại học Grenoble, đến Nhật năm 1873. Ông dạy các môn Dân luật, Hình luật ở khoa Luật Đại học Tôkyô, Những cống hiến của Boissonade là đã can thiệp để đưa đến việc bãi bỏ chế độ tra khảo phạm nhân khi hỏi cung, cũng như giúp Nhật Bản điều đình về những điều khoản bất bình đẳng đã ký kết với liệt cường trong quá khứ. Người ta cho rằng tuy là người ngoại quốc nhưng Boissonade còn lo lắng cho vận mệnh của nước Nhật hơn cả người Nhật.Khác với Bousquet chỉ ở Nhật có 4 năm, Boissonade đã sống 23 năm trên đất Nhật trước khi về nước năm 1895 lúc đã 70 và qua đời ở Antibes năm 85 tuổi (1910).

Người đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc thành hình Hiến pháp Nhật Bản là một giáo sư hành chính học người Đức, Herman Roessler. Ông đến Nhật năm 1878 và làm cố vấn cho Bộ Ngoại giao. Việc mời một người một người Đức đến giúp Nhật tổ chức hành chánh là do ý kiến của sứ bộ Iwakura, khi sang Đức đã thấy Nhật Bản cần học hỏi rất nhiều cách tổ chức của nước Phổ. Từ năm 1887, Roessler đã giúp họ soạn thảo hiến pháp đầu tiên của nước này. Ông được đặc quyền tham gia cả vào những cuộc họp bí mật của lãnh đạo.Nói về công lao thì ta có thể nhắc đến việc ông đã đứng trên lập trường tự do để chống lại tính cách thần bí trong cách nhìn về vai trò của Thiên hoàng mà những nhà lãnh đạo thời ấy khăng khăng muốn đưa vào hiến pháp. Ông cũng là người đóng góp nhiều cho dự thảo về bộ luật thương mãi đầu tiên của Nhật Bản ( 1881-1884) công bố năm 1890.


Herman Roessler (1834-1894)

Trong việc tổ chức quân đội, có một sự tranh giành ảnh hưởng giữa người Anh và người Pháp. Kết quả, Nhật Bản đã tổ chức hải quân theo lối Anh và lục quân theo lối Pháp.Một trong những nhân vật đáng nhắc nhỡ đến nhất phải kể sĩ quan người Pháp Albert Charles Dubousquet.Trung úy Dubousquet từng đồn trú ở Bắc Kinh, đã đến Nhật lần đầu tiên năm 1866.Không những là quân nhân ưu tú, ông còn là nhà ngoại giao có tài và nhất là thành thạo tiếng Nhật. Ông làm cố vấn cho quân đội Nhật từ lúc chế độ trưng binh ra đời. Ông cưới vợ Nhật, có 3 con, sau đó qua đời tại Nhật, khá sớm, khi mới có 45 tuổi. Ngoài Dubousquet, năm 1872, Pháp cũng đã gửi một nhóm sĩ quan sang huấn luyện người Nhật về khoa học, kỹ thuật, tác xạ, kiếm thuật và thể thao. Đoàn này do Trung tá tham mưu Marquerie cầm đầu.

Dubousquet có công đưa kiến nghị yêu cầu lập một tổ chức đặt quân đội dưới sự điều khiển của văn quan (nhất nguyên chế) khác hẳn đường lối binh chính phân ly (nhị nguyên chế) của người Đức. Tuy nhiên lời ông khuyên không được Nhật nghe theo. Quân đội Nhật dần dần chịu ảnh hưởng của Đức kể từ năm 1878 khi Thiếu tá Đức Klennens Wilheim Jacob Meckel, một sĩ quan tham mưu, đến Nhật.Việc phân ly chính trị và quân sự đã dẫn đến sự ra đời của nhà nước quân phiệt khi quân đội không còn chịu sự chỉ đạo của văn quan, nhưng đó lại là chuyện về sau.

Người đặt nền móng cho hải quân Nhật Bản là Trung tá phó hạm trưởng người Anh Archibald Lucius Douglas. Năm 1873, Douglas đã cầm đầu một phái đoàn gồm 34 sĩ quan và hạ sĩ quan đến Nhật để dạy cách sử dụng các dụng cụ đo đạc, lái tàu, kỹ thuật trọng pháo và đóng tàu.Ý thức tầm quan trọng của nó, Nhật Bản đã thành lập trường Hải quân gọi là Kaigun Sôrensho (Hải quân thao luyện sở) từ năm 1869. Học chế của truờng theo lối Anh, cực kỳ nghiêm khắc chứ không phải dễ dãi như kiểu Hà Lan trước đó. Trong số những học viên buổi đầu sau đó đã xuất hiện các nhà lãnh đạo ưu tú như Yamamoto Gonbê, bộ trưởng bộ Hải quân.


Henry Willard Denison (1846-1914)

Về mặt ngoại giao, người MỹHenry Willard Denison rất đáng được giới thiệu vì ông đã đứng sau lưng người Nhật để giúp đỡ họ trong các cuộc đàm phán. Từng làm phó lãnh sự của Mỹ tại Nhật, ông trở thành cố vấn cho chính phủ Nhật kể từ năm 1880. Ông là người đã dự thảo các hiệp ước cho nhiều đời ngoại trưởng Nhật Bản cũng như đã cố vấn cho họ những điều hữu ích.Ngay cả các hiệp ước ký kết sau hai trận chiến tranh Nhật Thanh và Nhật Nga đều có dấu ấn của ông. Trong lần ông dự hội nghị Portsmouth (giải quyết chiến tranh Nhật Nga) như cố vấn cho đại sứ đặc mệnh toàn quyền Komura Jutarô, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt - đang giữ vai trò trọng tài cho hội nghị - đã đặt câu hỏi cho Denison: "Nói tôi nghe, ông là người Mỹ hay là người Nhật nào?", chỉ vì thấy ông quá tích cực bảo vệ lập trường của Nhật. Trên 30 năm làm việc ở Nhật, qua bao đời ngoại trưởng, Denison đã đào tạo được nhiều thế hệ viên chức cho chính phủ. Ông mất năm 1914 trong lúc đang giữ chức cố vấn cho Bộ Ngoại Giao.

Về tài chánh, người AnhThomas William Kinder, một thiếu tá lục quân, đã đến từ Hong Kong, nơi ông giữ chức vụ Cục trưởng cục đúc tiền, để giúp Nhật chế tạo hoá tệ rất cần thiết cho sự giao thương. Người đồng hương của ông là chuyên gia ngân hàng Alexander Allan Shand cũng đã đến Nhật vào năm 1870. Trước đó, Shand là nhân viên của chi nhánh Mercantile Bank ở Yokohama, sau được chính phủ mời làm việc với Bộ Tài Chánh. Ông đã dạy người Nhật thế nào là dịch vụ ngân hàng và giúp họ tổ chức một hệ thống ngân hàng cận đại. Ông còn có công cố vấn cho họ trong việc thành lập Ngân Hàng Nhật Bản, cơ quan đầu não của tài chánh trung ương. Sau khi mãn hạn, về nước làm việc, Shand còn vận động để các ngân hàng phát hành quốc trái cho Nhật.

Trong lãnh vực khoa học kỹ thuậtcần nhắc đến người Đức Gottfried Wagner, đã đến Nagasaki vào năm 1868 và có công trong việc gây dựng cơ sở cho kỹ nghệ xà phòng của Nhật. Ông còn để lại những đóng góp khác trong ngành chế tạo đồ gốm và mạ bằng kim loại. Ông cũng tạo cơ hội cho Nhật Bản tham gia Hội Chợ Đấu Xảo Quốc Tế tổ chức tại thành Wien (Áo) vào năm 1872, nhờ đó, chính sách "sàn thực hưng nghiệp" của Nhật Bản đạt được một bước tiến dài. Wagner từng dạy ngành vật liệu xây dựng tại Đại học Tôkyô và ngành ứng dụng hóa học tại Đại học Công Nghiệp Tôkyô. Trường sau là ngôi trường kỹ thuật thực dụng mà chính ông đã kiến nghị thành lập. Ông thường dùng Nhật ngữ để giảng dạy, sống độc thân trong 25 năm cuối cùng của cuộc đời và khi nhắm mắt vào năm 1892 (61 tuổi) đã để di chúc xin được chôn trên đất Nhật. Đó là một nhân vật đã cống hiến rất nhiều cho việc xây dựng nền khoa học và kỹ nghệ Nhật Bản.

Hai tên tuổi khác cũng lừng lẫy trong lãnh vực khoa học kỹ thuật là hai người Anh, Henry Dyer và William Edward Ayrton. Dyer, một tiến sĩ kỹ sư, đã cùng với 8 giảng viên người Anh khác đến Nhật vào năm 1873. Lúc ấy, ông hãy còn là một thanh niên 25 tuổi, đầy nhiệt huyết. Ông đã ở Nhật từ 1873 đến 1882 và trong khoảng thời gian ấy, dạy cho người Nhật thế nào là kỹ thuật xây dựng, cơ giới, điện tín, hóa học và luyện kim. Học trò ông xuất thân từ phân khoa kỹ thuật đại học Tôkyô có hơn 200. Họ sẽ là những người dẫn đường cho công cuộc kỹ nghệ hoá Nhật Bản về sau. Ayrton cũng là một nhà giáo nhưng chuyên môn về kỹ thuật điện. Đến Nhật cùng năm 1873 như Dyer, ông là người đã cùng các sinh viên chế bóng đèn điện và thắp sáng nó trong một cuộc hội họp ở Tôkyô, gây ngạc nhiên cho quan khách. Ông chủ trương học theo lối thực dụng, từ bỏ lối học từ chương và dựa vào trí nhớ. Ông cũng khuyên học trò phải biết tự mình suy luận chứ không nên bắt chước, rập khuôn người khác. Tư cách con người nghiên cứu không mõi mệt của ông cũng được sinh viên Nhật Bản khâm phục. Sau khi hồi hương năm 1879, ông dạy ở Đại học South Kensington bên Anh và trở nên một nhân vật nổi tiếng trong học giới quốc tế về ngành điện.


Henry Dyer (1848-1918)

Nhật Bản cũng thấy tầm quan trọng của giáo dục thẫm mỹ nên đã thiết lập trong các đại học công nghiệp những phân khoa chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp với các bộ môn nhưkiến trúc, điêu khắc và hội họa Tây phương. Họ đã mời các thầy người Ý đến dạy vì Ý là một quốc gia hàng đầu trong lãnh vực này. Ta có thể nhắc đến tên tuổi của Vincenzo Ragusa và Antonio Fontanesi. Ragusa đã dạy điêu khắc ở Nhật từ 1876 đến 1882. Ông còn dạy thêm đồ họa và trang trí nữa. Học trò ông có nhiều người đã trở thành những nhà điêu khắc đầu đàn của Nhật Bản. Còn như Fontanesi thì khác với Ragusa vốn là người vô danh, ông là một nhà danh họa Ý, được thế giới biết tiếng.Ông chỉ dạy học ở Nhật có 2 năm, từ 1876 đến 1878 nhưng chỉ dẫn rất tận tụy và trong số môn đệ của ông, đã có nhiều họa gia tiêu biểu của thời Meiji. Về kiến trúc, tuy có người Ý Cappelletti nhưng đáng kể nhất phải nói đếnJosiah Conder. Ông quốc tịch Anh, đã dạy ngành kiến trúc ở Đại học công nghiệp Nhật từ 1877 đến 1882. Phải nói Conder là người đã du nhập kiến trúc phương tây vào đất Phù Tang. Nhiều sinh viên của ông đã xuất sắc nối chí thầy mà kiến tạo những dinh thự, nha sở...sau khi ông lâm bệnh và qua đời ở Tôkyô vào năm 1920 lúc 68 tuổi. Kể từ ngày đến Nhật, ông đã dành 44 năm sau cùng của cuộc đời mình để cận đại hoá ngành kiến trúc Nhật Bản.


Josiah Conder ( 1852-1920) 
đã vẽ kiểu tòa nhà Rokumeikan

Người từng giúp Nhật Bản tổ chức chế độ giáo dục là chuyên gia giáo dục hành chánh người Mỹ dòng dõi thượng lưu Tô Cách Lan David Murray. Ông nguyên là giáo sư toán và thiên văn học ở Đại học Rutgers, được sứ bộ Iwakura khi ghé Mỹ mời đến Nhật làm cố vấn cho Bộ Giáo Dục vì kinh nghiệm của ông trong chức vụ hiệu trưởng của một ngôi trường tên là Albany Academy. Ông đã đưa ra những chủ trương như 1) Phải xây dựng một nền giáo dục có dân tộc tính, 2) Đặt đối tượng của giáo dục là toàn dân, 3) Coi trọng giáo dục phụ nữ ngang với giáo dục nam giới, 4) Giáo dục đặt trọng tâm vào thực tiễn và sự huấn luyện, 5) Phải tổ chức trường ốc thế nào cho thích hợp với giáo dục. Ông chủ trương Nhật Bản cần đổi mới từng bước một trong sự tôn trọng giá trị truyền thống chứ không cần chứ không cần phải gấp rút chạy theo Tây phương. Trong thời gian ông ở Nhật, ông đã dự thảo một pháp lệnh một pháp lệnh giáo dục mới (sẽ công bố vào năm 1879) thay thế cho pháp lệnh trước chịu ảnh hưởng của Pháp vốn có màu sắc của chủ nghĩa can thiệp (interventionism). Cũng trong thời gian đó, Đại học Tôkyô, một đại học hình thức Tây phương đầu tiên đã ra đời. Ông đã trực tiếp đóng góp vào sự thành lập của trường này cũng như các trường sư phạm, kể cả Trường nữ sư phạm Tôkyô vì nó liên hệ đến việc giáo dục thiếu nhi mà ông hằng quan tâm.Như thế, trong khoảng thời gian từ 1873 đến 1878, Murray đã thành công trong việc gây dựng cơ sở cho nên học chính Nhật Bản.

Về mặt khoa học tự nhiên và trong bộ môn sinh vật học, cần nhắc đến Edward Sylvester Morse (1838-1925). Ông sinh ở Portland (Maine) nước Mỹvà đặt chân lên đất Nhật năm 1877. Ông được mời dạy ở Đại học Tôkyô và trong thời gian lưu trú tại Nhật, đã đóng góp ba việc quan trọng như sau: 1) Gầy dựng cho đại học một thư viện lớn và đào tạo được nhiều nhà sinh vật học, động vật học Nhật Bản ưu tú, 2) Giới thiệu thuyết tiến hoá của Darwin, phát động được một tư trào xã hội tiến hóa luận, có tầm quan trọng cả trong lãnh vực chính trị về sau, 3) Phát hiện ra gò vỏ sò ốc (kaizuka) ở Ômori, di tích sinh hoạt của người thái cổ, đẩy mạnh nghiên cứu về khảo cổ học và nhân chủng học Nhật Bản. Chỉ dạy ở Đại học Tôkyô có hai năm, ông đã để lại một sự nghiệp lừng lẫy. Không những thế, tập nhật ký ông viết nhan đề Japan, day by day, 1877, 1878-79 là một sử liệu sống động về cuộc sống của người đương thời. Năm 1882, ông có trở lại Nhật sưu tầm đồ cổ ngoạn, một ham mê mới lúc cuối đời, và sau đó trở thành nhà quản thủ khu mỹ nghệ Nhật Bản ở Bảo tàng viện Boston.

Về địa chất học, có người Đức Edmund Naumann (1854-1927) được mời đến dạy ở Đại học Tôkyô. Ông đã đi điều tra thực địa trên nước Nhật và khám phá ra Fossa Magna (tên La-tinh có nghĩa là một hố rãnh địa chất lớn) phân chia miền Đông và miền Tây Nhật Bản, một tri thức quan trọng của ngành địa chất.Ông cũng là người có công nghiên cứu xương hoá thạch của loài voi tiền sử (mang tên ông = Naumann 's elephant), cống hiến lớn cho khoa khảo cổ Nhật Bản.Ông ở Nhật 10 năm từ 1875 đến 1885.

Tuy nhiên, người được học giới nhắc đến nhiều nhất có lẽ là Ernest Francisco Fenollosa, một giáo sư triết học mỹ học người Mỹ. Ông tốt nghiệp đại học Harvard và là chuyên gia về Hegel. Ông đến Nhật năm 1878, lúc mới vừa 25 tuổi.Ông dạy triết học, luận lý học và kiêm thêm chính trị học, tài chánh học vì lúc đó thiếu thầy. Tư tưởng triết học Đức ông mang vào làm lu mờ truyền thống triết học Anh Pháp vốn có tại chỗ từ trước và đã thúc đẩy tư tưởng chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa bảo thủ có tính quốc túy ở Nhật. Cùng lúc, trong lãnh vực nghệ thuật, là một nhà phê bình mỹ thuật sắc sảo, ông đã dạy cho người Nhật biết cách thưởng thức những cái hay cái đẹp trong nghệ thuật truyền thống của họ, cái mà họ chực từ bỏ để chạy theo mỹ thuật Tây phương.Ông đã sưu tầm và gìn giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị quốc bảo cho họ, tham gia việc thành lập ngôi trường sau này trở thành Đại học Mỹ thuật đầu tiên của Nhật (1887) cũng như đào tạo những đồ đệ lỗi lạc, trong số đó có Okakura Tenshin (Cương Thương, Thiên Tâm, 1862-1913), một nhà văn hoá sáng giá đã giới thiệu mỹ thuật Nhật Bản cho thế giới. Fenollosa trở thành tín đồ Phật giáo và qui y ở chùa Miidera vì nghĩ rằng một người không thể hiểu mỹ thuật Nhật Bản nếu tự mình không phải là một Phật tử. Ông mất trên đường sang Anh nghiên cứu mỹ thuật năm 1908 nhưng đúng như ước nguyện lúc sinh thời, nắm tro tàn của ông đã được đem về Nhật chôn trong khuôn viên chùa Miidera.


Ernest Francisco Fenollosa (1853-1908)

Chúng ta sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến tên người Anh William Gowland. Ông đến Ôsaka vì được thuê để làm việc ở Sở Đúc Tiền nhưng đam mê của ông là khảo cổ học. Ngày nay, Nhật Bản mang ơn ông không phải vì ông đã đúc tiền cho họ mà vì ông đã bỏ công nghiên cứu các khu mộ cổ (kofun) như một nhà khảo cổ nghiệp dư và viết sách về nó (The Dolmens and Burial Mounds in Japan, Westminster, 1897, The Dolmens of Japan and their Builders, London, 1889). Cùng thời với Gowland, nhưng ở vùng Aomori xa xôi trên miền bắc, có người Mỹ John Ing, một nhà truyền giáo được dân sở tại mướn để dạy tiếng Anh, đã khuyến khích ngành canh nông của địa phương qua việc đem giống táo (apple) của Mỹ trồng trên đất Nhật để ngày nay chúng ta có những quả táo Aomori chất lượng hàng đầu.

Cũng phải nói thêm về những thầy thuốc người Đức như Benjamin Carl Leopold Muller, Theodor Eduard Hoffman, nhất là Erwin von Baelz. Tốt nghiệp y khoa Đại học Leipzig, Baelz đã đến Nhật năm 1876 và dạy sinh lý học, bệnh lý học, rồi giảng cả về nội khoa, dược học và khoa sản phụ. Ông từ chức năm 1902, đem người vợ Nhật (bà Hana) và các con về Stuttgart năm 1905, mất tại đây năm 1912 lúc 64 tuổi. Nhật Bản nhớ đến ông như một người bạn thành thực vì có lẽ ông là người duy nhất trong đám Yatoi đã dám phê bình cuộc Duy Tân là nông cạn, hời hợt.Nhờ các thầy thuốc như Baelz, Muller và Hoffman mà y khoa Nhật đã thấm nhuần ảnh hưởng của y khoa Đức.

Tại sao những người Yatoi lại đến Nhật làm việc. Lý do trước tiên là người Nhật đã sốt sắng mời họ và hậu đãi với đồng lương cực kỳ lớn. Nên nhớ là trong khi William Kinder, chuyên viên đúc tiền, lãnh 1.045 yen mỗi tháng, Dyer lãnh 660 yen... thì một hiệu trưởng Nhật Bản lương tháng chỉ có 5 Yen và nhân viên của ông lãnh 2 hoặc 3 yen. Nói chi một cô thợ dệt thì lương chỉ có 3 đến 5 tiền tức chưa đến 1/10 Yen.

Người Yatoi có kẻ được mướn khi đã có mặt trên đất Nhật (Dubousquet, Denison, Shand) nhưng nhiều khi ra đi từ quê nhà và đến Nhật qua lời giới thiệu (Murray, Morse) của một người khác. Có người còn trẻ, ra đi vì ham bay nhảy (Dyer, Ayrton) nhưng cũng có người ra đi vì có vấn đề nào đó, không sống được dễ dàng ở nước mình (Roessler, Wagner, Fenollosa). Nhiều người sau khi mãn hạn trở về nước rồi hãy còn tiếp tục giúp đỡ Nhật (Shand, Griffis), có người chọn đất Nhật làm nơi an nghỉ nghìn thu (Verbeck, Wagner, Fenollosa). Tuy người Yatoi được coi trọng nhưng lúc sống ở Nhật, họ thường bị kiểm soát trong việc xê dịch, không được thoải mái. Cũng có người nhiều công lao nhưng về già lại sống trong thiếu thốn như Verbeck dù rằng ông là người đầu tiên được Nhật Bản ưu ái cấp hộ chiếu đặc biệt (special passport) khi tổ quốc Hà Lan từ khước quyền công dân vì ông và gia đình đã ở quá lâu ở nước ngoài. Dù sao, khi ông mất (1898), cựu môn sinh và những người quen biết đã quyên góp để dựng một tấm bia kỷ niệm công đức bên cạnh mộ ông trong nghĩa trang Aoyama ở Tôkyô.

Nói chung, chính sách sử dụng người ngoại quốc của Nhật Bản thời Minh Trị Duy Tân dù là do chính phủ mướn (kanyô = quan dung) hay do tư nhân (shiyô = tư dung, các cơ sở địa phương mướn) là một kế sách thành công vì rút ngắn được đoạn đường cần cho phát triển của một quốc gia.Tuy nó có gây tốn kém cho một nước Nhật hãy còn thiếu thốn và nghèo khổ nhưng đã đem đến cho họ nếp sống văn minh và tổ chức xã hội tiên tiến, giúp Nhật Bản cận đại hoá một cách nhanh chóng. Ví dụ vào năm 1870, Nhật đã có Sở Đúc Tiền, năm 1871, họ đã biết ăn bận quần áo Tây phương, dùng lịch mặt trời, nghỉ việc vào ngày chủ nhật, ghi chép sổ sách tính toán theo Âu Mỹ, biết lập quỹ bảo hiểm lao động, xây dựng trạm y tế, đặt đường dây điện tín, soi sáng đường sá bằng đèn khí đốt.

Ngoài ra, trong quá trình học tập, nhân vì người Nhật biết hỗ thẹn khi theo học người ngoại quốc nên muốn thoát cho mau cái cảnh nhục nhã phải nhờ người khác chỉ dạy. Nhờ biết tự ái như vậy mà thanh niên Nhật Bản đã cố gắng sớm nắm được tay nghề, thay thế nhanh chóng vào vai trò những người thầy học cũ của mình.

4.2 Phát triển các phương tiện giao thông:

Từ giã nhóm người Yatoi và những cống hiến của họ, chúng ta hãy thử xem trên thực tế, chính sách "sản thực" của nhà nước Nhật Bản thời ấy đã được thực hiện như thế nào?

Trước tiên, chúng ta nhận thấy rằng Bộ công nghiệp đã đặt trợng tâm vào việc khai thác khoảng sản và xây dựng hệ thống đường sắt.

Trước tiên chính phủ đặt các mỏ khoáng dưới chế độ quốc doanh (họ gọi là kan.ei = quan doanh). Đó là các mỏ quặng kim loại trước đây trực thuộc mạc phủ như Sado, Ikuno cũng như các mỏ than đá trực thuộc các phiên như Takashima, Miike .Họ dùng phương pháp khai thác kiểu Tây phương và bỏ vốn đầu tư rất lớn vào các mỏ ấy. Thế nhưng kết quả lại không được như mong muốn cho nên việc khai thác khoáng sản của chính phủ xem như thất bại nhiều hơn là thành công.

Về sau, các mỏ này đã được "chuyển nhượng xuống bên dưới" (haraisage) cho lớp thương gia thân cận chính quyền (seishô = chính thương) khai thác. Đó là chế độ ủy quyền để hợp tác theo khế ước (kessaku = kết thác).
Những mỏ quốc doanh chuyển nhượng cho tư nhân
Công trường và hầm mỏ của nhà nước Công ty tư nhân nhận chuyển nhượng Năm chuyển nhượng
Takashima (mỏ than đá) Gotô (sau là Mitsubishi) 1874
Innai (mỏ bạc) Furukawa 1884
Fukakawa (nhà máy xi măng) Asano 1884
Ani (mỏ đồng) Furukawa 1885
Nagasaki (xưởng đóng tàu) Mitsubishi 1887
Hyogô (xưởng đóng tàu) Kawasaki 1887
Shinmachi (xưởng dệt) Mitsui 1887
Miike (mỏ than đá) Sasaki (sau là Mitsui) 1888
Tomioka (xưởng chế tơ sợi) Mitsui 1893
Sado (mỏ vàng) Mitsubishi 1896
Ikuno (mỏ bạc) Mitsubishi 1896

Đoạn đường sắt đầu tiên được đặt ở Nhật nối liền Tôkyô và Yokohama, khai thông từ năm 1872 (Meiji 5). Tiền dùng vào việc kiến tạo nó vốn lấy từ việc bán quốc trái ở Anh. Kỹ sư chỉ đạo cũng là một người Anh tên Morel. Đầu máy cũng như các toa xe là đồ cũ người Anh đã dùng rồi. Có thể nói rằng, Nhật có được đường sắt cũng là nhờ có sự đóng góp của người Anh, quốc gia mà kỹ thuật hỏa xa rất tiên tiến vào thời đó.

Lúc đầu, đường sắt dự định làm trên đất liền nhưng không giải tỏa được mặt bằng vì gặp sự chống đối quyết liệt của cư dân sống ở hai bên tuyến đường. Họ không chịu dời nhà đi nơi khác cho nên người có trách nhiệm xây dựng đường sắt đương thời là Ôkuma Shigenobu phải cho đắp những đoạn dài bằng gò đá trên mặt biển để có thể nối kết tuyến đường.Ngày nay, ta không còn thấy vết tích của nó bởi vì một phần vịnh Tôkyô đã bị lấp (nhân tạo) nên có cảm tưởng như xe chạy trên đất liền.

Về lịch sử đường sắt mà nói thì ga xe lửa đầu tiên của Nhật Bản, nơi phát xuất con đường ấy là ga Shinbashi ở Tôkyô tuy vị trí của nó không phải là ga Shinbashi hiện tại. Nơi đây hãy còn trưng bày một toa xe lửa cũ để làm kỹ niệm. Sau đó, tuyến đường thứ hai nối liền Kobe với Ôsaka vào năm 1874 (Meiji 10) và như thế, hệ thống xe hỏa ngày càng lan rộng. Chính phủ để hết tâm lực cải thiện và phát triển hệ thống xe hỏa nhưng phải nói ngay rằng, ngày xưa, mục đích của xe hỏa là để chở hàng hoá chứ không phải chở người.

Vấn đề giao thông trên mặt biển được chính phủ phó thác cho hãng Mitsubishi (Tam Lăng, nhãn hiệu có hình ba củ ấu). Họ nâng đỡ hậu hĩ hãng này, dùng nó làm phương tiện để cạnh tranh với các hãng tàu chạy bằng hơi nước (kisen = khí thuyền) của Âu Mỹ. Người đứng đầu hãng này là một nhân vật có tên là Iwasaki Yatarô (Nham Kỳ, Di Thái Lang). Chính phủ tuy dồn sức lực cho các chương trình quốc doanh nhưng cũng tỏ ra ưu ái với các tư nhân, triệt để giúp đỡ bằng cách trao cho những người như Iwasaki quyền khai thác đặc biệt. Như đã nói đến bên trên, những tư nhân trong ngành thương mại được đặc quyền kinh doanh về tài chánh ngân hàng, mậu dịch, chuyên chở đường biển được gọi là seishô (chính thương = con buôn liên kết với chính quyền). Họ là Iwasaki (Mitsubishi), Mitsui (Tam Tỉnh), Ono (Tiểu Dã)...

Cùng với các phương tiện giao thông, chính phủ cũng cho phát triển hệ thống thông tin. Do đó, năm 1869 (Meiji 2), chính phủ đã đặt các trụ cho đường giây điện tín giữa Tôkyô và Yokohama. Chỉ cần có 5 năm mà hệ thống ấy đã được mở rộng ra cho đến những vùng xa như Nagasaki và Hokkaidô. Thế rồi giữa Nagasaki và Thượng Hải (Trung Quốc), đường giây điện tín ngầm dưới biển cũng đã được đặt. Việc lập ra hệ thống điện tín như thế thật đã được xúc tiến một cách nhanh chóng đến kinh ngạc.

Năm 1871 (Meiji 4) thì chế độ người đi giao hàng (hikyaku = phi cước) tồn tại suốt thời Edo đã phải nhường chỗ cho hệ thống bưu điện. Các nơi trên đất Nhật, chi nhánh sở bưu điện bắt đầu mọc lên. Giá cước bưu điện trở thành đồng nhất cho toàn quốc. Tem và bưu thiếp được phát hành, trở nên thông dụng.

Chế độ bưu điện vốn bắt đầu ở Anh vào năm 1840. Người đã đưa hệ thống bưu điện đến cho Nhật Bản là một nhân vật tên Maejima Hisoka (Tiền Đảo, Mật, 1835-1919). Di ảnh của ông ngày nay hãy còn được in trên con tem giá 1 Yen. Đến năm 1877 (Meiji 10) thì Nhật Bản đã có thể tham gia vào hiệp ước của Liên minh bưu điện thế giới.

Trong cùng năm ấy, hệ thống điện thoại cũng đã được thành hình ở Nhật. Tính đến năm 2012 của thời đại chúng ta thì chỉ có 135 năm mà con người đã tiến từ điện tín, điện thoại...dành cho một số người được ưu tiên sang đến điện thoại di động, E-Mail, Twitter, PHP, và Facebook phổ biến từ cụ già đến em bé. Thật là một sự tiến hoá kinh dị trong lãnh vực thông tin, truyền thông. Ngay cả Maejima Hisaka mà có sống, chắc cũng không tin nổi mắt mình.

4.3 Công trường quốc doanh kiểu mẫu:

Mục đích của "sản thực hưng nghiệp" trước tiên là để đưa đến "cường binh".

Do đó, chính phủ mới thiết lập những cơ xưởng quân nhu quân dụng để đẩy mạnh việc trang bị quân đội. Tạo cơ sở cho việc đó, họ đã tung sức mở rộng các công xưởng đã có sẳn như các xưởng pháo binh ở Ôsaka và Yokosuka, xưởng đóng tàu ở Nagasaki. Xưởng pháo binh dĩ nhiên là nơi chế tạo võ khí.

Mục đích thứ hai của "sản thực hưng nghiệp" là "phú quốc".

Để thực hiện điều này, chính phủ kêu gọi sự tiếp sức của tư nhân để cận đại hóa công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. Chính phủ đã gợi ý cho họ bằng cách mở thật nhiều những nhà máy kiểu mẫu (gọi là Kan.ei mohan kôjô = quan doanh mô phạm công trường). Qua đó, họ thôi thúc tư nhân làm theo mình. Rất tiếc là những nhà máy quốc doanh này, tuy gọi là "kiểu mẫu", là "mô phạm" nhưng không mấy thành công, cho nên, như đã trình bày, từ giữa thập niên 1880, họ phải lần hồi ủy nhiệm xuống dưới (haraisage), giao những nhà máy cho các thương nhân thân cận (seishô) khai thác.

Những nhà máy trong lãnh vực công nghiệp nhẹ vào thời đó mà ta có thể nhắc đến là nhà máy chế thủy tinh ở Shinagawa, nhà máy dệt Aichi, nhà máy chế xi-măng Fukagawa, nhà máy rượu bia Sapporo. Nổi tiếng nhất trong đám có lẽ là nhà máy tơ sợi Tomioka (Tomioka seishijô = Phú Cương chế ti trường) ở tỉnh Gunma (gần Tôkyô). Nhà máy này nhập cảng 300 cỗ máy kéo sợi tối tân nhất lúc đó của Pháp, có một vị chỉ huy và bốn công nhân thành thạo người Pháp đến giúp đỡ. Những nữ công nhân Nhật Bản được đào tạo ở đây sau đó sẽ đi khắp nước để truyền nghề lại cho các đồng nghiệp khác. Tính đến nay đã 140 năm mà một bộ phận của nhà máy xây bằng gạch với cửa kính vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Nó thuộc quyền sở hữu của một công ty tư nhân tên là Katakura nhưng dĩ nhiên chỉ dùng để lưu niệm chứ không còn sử dụng được nữa.


Thương hiệu tơ sợi "Made in Japan" (1900 - 1935) 
còn giữ ở Bảo tàng viện London

Cũng trong phạm vi của chính sách "sản thực hưng nghiệp", Bộ nội vụ đã tổ chức những hội chợ triễn lãm sản phẩm trong quốc nội nhằm khuyến khích sản xuất vật tư. Cuộc triễn lãm đầu tiên như thế đã được tổ chức trong công viên Ueno ở Tôkyô vào năm 1877 (Meiji 10).Từ đó cho đến năm 1895, họ đã tổ chức 5 cuộc triễn lãm như vậy, mô phỏng Hội chợ đấu xảo quốc tế (Exposition Universelle) trên thế giới bởi vì họ nghĩ rằng qua đó, sẽ tạo nên nguồn hứng khởi cho sự cận đại hoá thông qua sản xuất và mậu dịch.

Hội chợ lần đầu có hơn 8 vạn 4 nghìn sản phẩm thuộc các bộ môn nông nghiệp, viên nghệ, cơ giới..., tất cả là 6, được đem ra ra trưng bày.Hội chợ kéo dài 102 ngày và có 45 vạn quan khách tới xem.Qua 5 lần hội chợ như vậy, con số quan khách được động viên đến xem khá đông và đã cống hiến không nhỏ vào việc khơi gợi ý thức cận đại hoá trong đầu óc quốc dân.

Xin phép trở lại câu chuyện các nhà máy "quốc doanh mô phạm" hay kiểu mẫu.

Trong lãnh vực nông nghiệp, nhà máy quốc doanh tiêu biểu hơn cả là Nhà máy ương giống cây Mita. Mục đích khi dựng lên nó là để nhập cảng các giống cây, cỏ (tane và tae) có phẩm chất cao từ nước ngoài để tăng thêm số lượng và cải thiện các loại giống có ở Nhật, sau đó đem ra phân phối, bán lại cho nhà nông. Lý do là đầu đời Meiji, đa số dân chúng hãy còn làm nghề nông. Nông nghiệp là hoạt động sản xuất chủ yếu của nước Nhật. Do đó chấn hưng nông nghiệp là một kế sách ưu tiên của nhà nước.Bộ nội vụ vì thế mới mời những học giả ngành canh nông ở nước ngoài đến để truyền bá kỹ thuật tân tiến của nông nghiệp Tây phương cho người bản xứ.Ngôi trường canh nông (nông học hiệu) tên là Komaba nôgakkô ở Komaba (Tôkyô) nhân đó đã được thành lập.

Nếu nói thêm chút ít nữa về nông nghiệp thì chính phủ đã đổ nhiều công sức để cải thiện nông nghiệp và chăn nuôi ở Hokkaidô (Ezochi cũ). Hokkaidô xưa kia đất rộng người thưa, dân sở tại là người Ainu chỉ quen săn bắn và hái nhặt. Đất đai hãy còn để hoang vu, không người khai thác.

Năm 1869 (Meiji 2), chính phủ đã thiết lập nha sở hành chánh gọi là Kaitakushi (Khai thác sứ) để lo việc khai thác Hokkaidô. Trụ sở của nha ấy trước nằm ở Tôkyô sau được chuyển lên Sapporo (thành phố chính của Hokkaidô) vào năm 1871(Meiji 4). Dưới sự chỉ đạo của nha này, công việc khai thác vùng đất mới đã được tiến hành theo kế hoạch.

Nhân vì đặc điểm của Hokkaidô là một vùng đất rộng cho nên chính phủ đã áp dụng chính sách canh tác đại nông của người Mỹ.Thế rồi, để đào tạo một thế hệ chuyên gia canh nông phụ trách công trình khai thác này, họ đã cho mời Tiến sĩ Clark [8] đến và cho mở Sapporo Nôgakkô (Trường canh nông Sapporo). Những sinh viên tốt nghiệp từ trường này, khi học xong bắt buộc phải tùng sự tại nha Kaitakushi ít nhất 5 năm.

Ngày Tiến sĩ Clark từ giã nhà trường, ông còn để lại lời khuyên bất hủ cho đám sinh viên mà ngày nay người Nhật vẫn còn nhắc nhỡ : "Boys, be ambitious!" (Hỡi các bạn thanh niên, hãy nuôi chí lớn!). Trong số những sinh viên tốt nghiệp trường này, có những nhà tư tưởng trứ danh như Nitobe Inazô, tác giả Bushidô (Võ sĩ đạo),chân dung ông được in trên tờ giấy bạc 5.000 Yen. Một người khác là Uchimura Kanzô, nhà cải cách tôn giáo (chủ trương một giáo hội không có nhà thờ) mà ảnh hưởng tinh thần trên giới trẻ thời đó không phải là nhỏ.


William Smith Clark (1826-1886): 
"Boys, be ambitious!"

Năm 1874 (Meiji), nha Kaitakushi có ý kiến độc đáo là tổ chức hệ thống lính đồn điền (tondenhei = đồn điền binh) và kêu gọi giới sĩ tộc lên Hokkaidô, giao cho họ trách nhiệm khai khẩn và biên phòng vùng phía bắc đảo. Chế độ lính đồn điền này cũng nhằm giải quyết một vấn đề xã hội vì giới sĩ tộc, sau khi mất hết bổng lộc và không quen buôn bán, đã lâm vào cảnh khốn cùng. Chế độ cứu tế sĩ tộc này đã được nhắc đến một lần bên trên. Nó có tên là shizoku jusan (sĩ tộc thụ sản) tức giúp giới sĩ tộc có kế sinh nhai vậy.

Theo ghi chép còn để lại, cho đến khi chế độ này bị bãi bỏ vào năm 1903 (Meiji 36) thì đã có khoảng 4 vạn sĩ tộc đến di trú ở Hokkaidô. Như thế, con số người Hòa (Wa) hay Nhật Bản ở miệt dưới đi lên đông đảo khiến cho dân số trên đảo tăng gia quá mức, làm cuộc sống của người Ainu bị biến dạng. Họ đánh mất phong tục tập quán lâu đời và sống như người Hòa. Về phần chính phủ, họ cũng có chủ tâm đồng hóa người Ainu nữa, do đó sinh hoạt của người bản xứ không còn giữ được truyền thống, còn kinh tế thì bị bần cùng hóa.

Năm 1899 (Meiji 22), chính phủ mới ban hành một đạo luật nhằm bảo vệ người Ainu (Hokkaidô kyuudojin hogohô = Bắc Hải Đạo cựu thổ nhân bảo hộ pháp) nhưng không có hiệu quả cho lắm. Đó là chưa nói trong đạo luật này lại có nhiều điều khoản với nội dung kỳ thị người Ainu. Cho đến khi những cuộc vận động trong dân chúng chống lại các điều khoản có tính cách kỳ thị nói trên đạt đến mức khó lòng che đậy nữa thì chính phủ mới ban hành một đạo luật mới gọi là Luật gìn giữ và phát triển văn hoá Ainu (Ainu bunka shinkôhô = Ainu văn hoá chấn hưng pháp) vào năm 1997 (Heisei 7)..

Tiết 5: Phong trào khai hóa đi theo nếp sống văn minh.
5.1 Cuộc vận động khai sáng:

Vì mục đích "phú quốc cường binh", chính phủ thời đó không những thi hành chính sách "sản thực hưng nghiệp" mà song song với nó, tích cực thực hiện chính sách khai sáng (keimô = khải mông, khai thông chỗ mông lung, tối tăm, enlightenment). Điều này có nghĩa là đem du nhập vào đất Nhật những trào lưu tư tưởng cận đại của phương Tây cũng như những dạng thức sinh hoạt mới mẻ của họ, làm cho cuộc sống người dân được thay đổi trong chiều hướng tốt. Trong dân chúng, những nhà báo cũng thừa thế mà tích cực hô hào một cuộc vận động khai sáng (keimô undô = khải mông vận động)

Hai chữ "khải mông" trong cái nghĩa chữ Hán của nó có ý nói người bên trên dạy người bên dưới và trong ngữ cảnh của thời Duy Tân, người bên dưới đang sống trong u tối, đó là quốc dân. Như vậy, nhiệm vụ của chính phủ và báo giới là phải soi sáng cho dân chúng biết đâu là lối sống mới mẻ, tốt đẹp. Thế nhưng dù nói trên dưới thế nào đi nữa thì kết quả là ở Tôkyô và các tỉnh thành lớn, trong vòng dân chúng, sinh hoạt kiểu Âu Mỹ đã dần dần phổ biến. Phong trào này có tên là văn minh khai hóa (bunmei kaika).

Bốn chữ "văn minh khai hoá" được biết là do người sáng lập Đại học Keiô (Keiô Gijuku) tức học giả và cũng là nhà vận động của phong trào khai sáng, Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát, 1834-1901), sáng chế ra. Để mở mang trí tuệ của người dân, Fukuzawa đã viết nhiều tác phẩm, trong số đó có Khuyến học (Gakumon no susume), Tình hình các nước phương Tây (Seiyô jijô), Khái luận về văn minh (Bunmeiron no gairyaku).

Đến năm 1873 (Meiji 6), Fukuzawa lại cùng một nhóm các học giâ Tây học như Mori Arinori (Sâm, Hữu Lễ), Nishi Amane (Tây, Chu), Katô Hiroyuki (Gia Đằng, Hoằng Chi), Nishimura Shigeki (Tây Thôn, Mậu Thụ) lập ra một tổ chức cổ võ cho phong trào khai sáng, lấy tên là Meirokusha (Minh lục xã). Tổ chức này phát hành Meiroku zasshi (Minh lục tạp chí) cũng như mở những cuộc diễn thuyết hô hào theo mới và bài trừ những hủ tục phong kiến. Cái tên Meirokusha đến từ Meiji rokunen tức năm Minh Trị thứ sáu, thời điểm tổ chức này được kết hợp. Lý do chỉ giản dị như thế.

Tư tưởng cận đại từ nước ngoài du nhập vào đất Nhật đầu tiên là những quan niệm Âu Mỹ về tự do, chủ nghĩa công lợi (utilitarianism) và chủ nghĩa cá nhân. Sách viết về những điều đó của các tác gia Anh như John Stuart Mill (1806-1873), Herbert Spencer (1820-1903) được thiên hạ đua nhau đọc. Quyển Bàn về tự do (On liberty) của Mill được nhà giáo dục Nakamura Masanao (Trung Thôn, Chính Trực, 1832-1891) trong nhóm Meirokusha dịch và xuất bản dưới nhan đề Jiyuu no kotowari (Tự do chi lý). Nakamura còn dịch Saigoku risshihen (Tây quốc lập chí biên) kể theo lối "người thật việc thật" về những tấm gương tự lập thân của các nhân vật Tây phương có chí lớn. Nguyên tác của nó là Tự giúp mình (Self Helf) do người Anh Samuel Smiles (1812-1904) soạn. Quyển sách này là tác phẩm rất ăn khách vào thời ấy.

Thực ra tác phẩm trên của Smiles sau đó đã được nhiều nhà xuất bản cho phiên dịch và tái bản nhiều lần. Ngày nay nó hãy còn nằm trên quầy sách của các cửa tiệm và người Nhật bây giờ khi đọc vẫn còn cảm khái chứ đừng nói chi người xưa. Thế nhưng thời đó mà khuyên người ta phải tự mình lập thân (tự trợ) thì đúng là một ý tưởng lạ, nếu không nói là một đòi hỏi quá mức. Bởi vì người Nhật xưa kia thường chỉ biết đi theo và phục tùng chủ quân chứ ít ai nghĩ đến sáng kiến và thành công cá nhân.

Sau Mill, Spencer và Smiles một chút đến phiên tiến hóa luận (evolution theory) của Charles Robert Darwin (1809-1882), tư tưởng tự do bình đẳng và xã ước (contrat social) của người Pháp Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) cũng như tư tưởng chính trị trường phái quốc gia chủ nghĩa (nationalism) của các tác giả Đức, lần lượt được đưa vào đất Nhật.

Người giới thiệu Rousseau là một nhà tư tưởng dân chủ lỗi lạc của Nhật Bản, Nakae Chômin (Trung Giang, Triệu Dân, 1847-1901). Đặc biệt "thiên phú dân quyền luận" (tenpu jinkenron) thể hiện qua câu nói của Rousseau, đại ý: "Con người sinh ra đời, ai nấy đều đã được trời cho cái quyền bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc rồi" . Tư tưởng "thiên phú dân quyền" sau này sẽ là lý luận nòng cốt của những phong trào đòi hỏi tự do dân quyền trong tương lai, cho nên chúng ta cần phải ghi nhớ đến nó kể từ trang này.
 
Bảng tóm lược về các nhà tư tưởng khai sáng (Keimô) [9]
Thứ tự Tên tuổi Tác phẩm Nội dung tư tưởng
1 Fukuzawa Yukichi
  • Seiyô jijô
(Tây dương sự tình, 1866)
  • Gakumon no susume
  • (Khuyến học vấn, 1872)
- Bunmeiron no gairyaku

(Văn minh luận chi khái lược, 1875)

-Tsuuzoku minkenron (Thông tục dân quyền luận, 1878)

  • Giới thiệu tình hình các nước phương Tây
  • Khuyến khích việc trau dồi học vấn.
  • Khái luận về phát triển của văn minh.
  • Bàn về dân quyền.
2 Nakamura Masanao
  • Saigoku risshihen
(Tây quốc lập chí biên, 1871)
  • Jiyuu no kowari
(Tự do chi lý, 1872)
  • Phiên dịch Self Help (Tự trợ luận) của Samuel Smiles.
  • Phiên dịch On Liberty (Bàn về tự do) của John Stuart Mill.
3 Nakae Chômin - Minyaku yakukai

(Dân ước dịch giải, 1881)

- Dịch Contrat Social (Xã ước) của Jean-Jacques Rousseau.
4 Mori Arinori
  • Meiroku zasshi
(Minh lục tạp chí)
  • Tạp chí của cơ sở Meirokusha để phát huy tư tưởng khai sáng.
5 Nishi Amane
  • Bankoku kôhô
(Vạn quốc công pháp )
  • Theo lệnh mạc phủ, dịch luật quốc tế
6 Katô Hiroyuki
  • Kokutai shinron
(Quốc thể tân luận)
  • Shinsei taii, jinken shinsetsu (Chân chính đại ý, nhân quyền tân thuyết)
  • Thuyết về chính trị lập hiến và khẳng định nhân quyền do thiên phú (nhưng sau đổi lập trường).
  • Chủ trương chính trị chân chính theo xã hội tiến hóa luận và phủ định thuyết nhân quyền do trời ban (thiên phú = bẩm sinh)
  • 7 Nishimura Shigeki
    • Nihon dôtokuron
    (Nhật Bản đạo đức luận)
    • Thuyết về sự chấn hưng đạo đức lấy hoàng gia làm trung tâm.
    8 Tsuda Mamichi
    • Taisei kokuhôron
    (Thái Tây quốc pháp luận, 1868)
    • Quyển sách đầu tiên về triết học phương Tây (Thái Tây)
    9 Ueki Emori
    • Minken jiyuuron
    (Dân quyền tự do luận, 1879)
    • Tenpu jinkenron
    (Thiên phú dân quyền luận, 1883)
    • Giải thích một cách dễ hiểu về tự do và dân quyền.
    • Chủ trương nhân quyền do thiên phú.
    10 Baba Tatsui - Tenpu jinkenron 

    (Thiên phú dân quyền luận, 1883)

    - Chia sẻ tư tưởng nhân quyền thiên phú (bẩm sinh) với Baba và phê phán tư tưởng nhân quyền do xã hội tiến hóa mà có của Katô Hiroyuki.
    11 Taguchi Ukichi
    • Nihon kaika shôshi
    (Nhật Bản khai hóa tiểu sử, 1877)
    • Luận về lịch sử Nhật Bản từ thời cổ đại cho đến lúc "phế phiên trí huyện".
    Không những chỉ có sách vở và tạp chí như những công cụ phục vụ cho khai sáng, ở trung tâm Tôkyô, người ta lần lượt thấy xuất hiện những tờ báo hàng ngày (nikkan shinbun) cùng nhắm vào mục đích đó. Sở dĩ vào đầu thời Meiji mà có những hoạt động ấn loát phong phú như vậy là bời vì trước đó ít lâu, năm 1851 (Kaei 4), Motoki Shôhei (Bản Mộc Xương Tạo, 1824-1875) - một học giả Lan học người Nagasaki đã theo học thầy người Mỹ W. Gamble - thành công trong việc chế bộ chữ bằng chì (namarisei katsuji), làm cho ngành ấn loát Nhật Bản tiến một bước dài.

    Báo ra hàng ngày (nhật báo, còn gọi là tân văn = shinbun) không những thông tin về những sự kiện, sự cố kiểu "từ thành đến tỉnh" mà còn đả động đến chính trị, lại có ý thức ngôn luận và phê bình.Nó trở thành một môi thể truyền thông (media) hữu hiệu nhất cho phong trào vận động tự do dân quyền.Sau đây xin kê khai tên tuổi một số tờ báo (tạp chí và nhật báo) chính thời ấy:
     
    Liệt kê những tạp chí và nhật báo quan trọng
    Tạp chí (Zasshi) Năm ra đời và chủ trương Nhật báo (Shinbun) Năm ra đời và chủ trương
    Yokohama Mainichi

    (Báo Mainichi = Mỗi ngày) 

    1870 (Tờ báo đầu tiên của Nhật) (Phái dân quyền)
    Tôkyô Nichinichi 

    (Báo Nichinichi = Ngày ngày)

    1872 (Cơ quan ngôn luận của nhóm sĩ phu phiên Chôshuu)
    Meiroku (Minh lục) 1874 (Nhóm Meirokusha), (Vận động khai sáng) Yuubin Hôchi 

    (Báo Hôchi = Thông tin)

    1872 (được Maejima Hisoka ủng hộ). (Phái dân quyền)
    Kokumin no tomo (Quốc dân chi hữu) 1887 (Nhóm Dân hữu xã của Tokutomi Sohô) (Từ chủ nghĩa bình dân tiến sang chủ nghĩa quốc gia) Chôya

    (Báo Hôchi = Triều dã = Tin khắp nơi) 

    1874 (Cơ quan phái lập hiến, dân quyền)
    Nihonjin (Nhật Bản nhân) 1888 (Nhóm Chính giáo xã của Miyake Setsurei) (Chủ nghĩa quốc túy) Jiji Shinbun

    (Báo Jiji =Thời sự)

    1882 (Do Fukuzawa Yuukichi) (Được giới công thương ủng hộ, chủ trương Thoát Á Luận)
    Taiyô (Thái dương) 1895 (Nhóm Takayama Chôgyuu)

    (Chủ nghĩa Nhật Bản)

    Yorozu Chôhô

    (Báo Yorozu = Tin ban mai)

    1892 (Dưới thời chiến tranh, có khuynh hướng phản chiến)
    Chuô kôron (Trung ương công luận) 1899 (Tạp chí tổng hợp học thuật, tư tưởng, bình luận, văn nghệ) Heimin (Báo Heimin = Người bình dân)  1903 (Cơ quan của Bình dân xã) (Nhiều lần bị đóng cửa)

    Nhìn vào bảng liệt kê, chúng ta thấy các tạp chí nhu Meiroku zasshi chẳng hạn, đã ra đời chậm hơn các nhật báo.Trong khi Meiroku zasshi được phát hành vào đầu thời Meiji (1874) thì các tờ Kokumin no tomo do Minyuusha hay Dân hữu xã của Tokutomi Sohô (Đức Phú, Tô Phong, 1863-1957) và Nihonjin của Seikyôsha hay Chính giáo xã của Miyake Setsurei (Tam Trạch, Tuyết Lĩnh, 1860-1945) chỉ chào đời vào khoảng nửa sau thập niên 1880. Còn như các tạp chí Taiyô và Chuuô Kôron thì phải đợi đến sau trận chiến tranh Nhật Thanh (1894-1895).

    Cũng nên nhắc đến các tạp chí và sách vở nói về học thuật cũng như những ấn bản mang tên nishikie (cẩm hội = tranh gấm), một hình thức tranh ukiyoe nhiều màu sắc. Chúng đã được xuất bản và lưu hành rộng rãi vào thời đó.

    5.2 Hiện tượng Âu hoá và chế độ giáo dục Nhật Bản:

    Một hình ảnh của văn minh khai hoá đập vào mắt những người thời ấy là phong cách đổi mới thấy trên đường phố khu Ginza ở Tôkyô. Nhân năm 1872 (Meiji 5) có một trận hoả tai lớn xảy ra, chính phủ mới có ý định qui hoạch Ginza thành một khu phố cận đại không thể xảy ra hỏa hoạn. Thành thử từ đó, nó mới trở thành một khu chỉ có nhà gạch và cất theo lối Tây phương. Phố Ginza san sát nhà cửa bằng gạch,ngày thì nam thanh nữ tú trong trang phục Tây phương qua lại, đầy xe kéo và xe song mã, đêm thì đèn bằng khí đốt chiếu sáng. Phố phường đã hoàn toàn biến dạng, trở thành một thế giới văn minh khác trước.

    Thói quen ăn mặc quần áo Tây phương đã bắt đầu từ giới công chức và quân nhân rồi sau mới lan rộng ra tầng lớp thường dân.Năm 1871 (Meiji 4), chính phủ ban bố lệnh cắt tóc (Danpatsurei = đoạn phát lệnh). Số đàn ông cắt chỏm tóc để có cái đầu gọi là zangiri-atama (đầu tóc không búi, buông dài không hớt) càng ngày càng tăng và nó trở thành tượng trưng của hình ảnh xã hội buổi đầu thời Duy Tân. Cho nên mới có câu hát thời thượng "Cứ thử đập đập vào mấy cái đầu zangiri thì sẽ nghe thấy tiếng dội của văn minh khai hóa"!

    Cho đến lúc đó, người Nhật hầu như không ăn thịt thú vật nhưng bấy giờ thì lớp trẻ đã biết thưởng thức món gyuunabe (ngưu quá = lẫu bò) với thịt bò, đậu hủ và hành lá (negi, long green onion). Sinh hoạt ẩm thực bắt đầu có sự thay đổi quan trọng. Quan chức lớn trong chính phủ sáng dậy biết dùng điểm tâm bằng bánh mì cắt lát và uống sữa tươi cũng không phải là ít.
     
    Thay đổi trong dạng thức sinh hoạt của người Nhật thời Duy Tân
    Lãnh vực Từ năm Nội dung của sự chuyển biến
    Trang phục 1870

    1870

    1870

    1871

    1872

    Mặc quần áo kiểu Tây phương.

    Chế tạo giày.

    Mang ô đen (kômorigasa =dù cánh dơi).

    Lệnh cắt tóc, cấm đeo kiếm ra đường.

    Bắt đầu chuộng đội mũ.

    Ẩm thực 1867

    1871

    1872

    1873

    Quán ăn bán món thịt (lẫu bò) ra đời.

    Mở quán cơm tây.

    Uống bia.

    Hút thuốc lá vấn (xì gà)

    Cư trú 1868

    1871

    1872

    1872

    1882

    Mở khách sạn ở khu Tsukiji (Tôkyô).

    Dùng bàn ghế.

    Ngân hàng được lập ra. Biết dùng dịch vụ ấy.

    Đèn khí đốt

    Đèn điện.

    Giao thông và thông tin 1869

    1869

    1870

    1870

    1872

    1877

    Đi xe ngựa (xe khách) trên các tuyến đường.

    Điện tín.

    Xe kéo (xe tay).

    Xe đạp.

    Xe hửa (tuyến Tôkyô Yokohama).

    Điện thoại.

    Những phương diện khác 1872

    1872

    1873

    1876

    Dùng lịch mặt trời (Tây lịch).

    Xem hội chợ đấu xảo.

    Chơi bóng chày (baseball).

    Nghĩ làm việc vào chủ nhật.

    Nguồn: Theo Ishi Kendô do Shôsetsu Nihonshi Kenkyuu (Yamakawa xb) dẫn, tr.329.

    Tuy vậy, làn sóng thay đổi nói trên hãy còn đóng khung trong các thành phố chứ ở nông thôn thì nguời ta vẫn còn duy trì dạng thức sinh hoạt của thời Edo. Thế nhưng dần dần do ảnh hưởng của báo chí và sự phổ cập của các phương tiện giao thông thì cuối cùng, làn sóng đổi mới đó cũng lan đến nông thôn.

    Mặt khác, vì có phong trào văn minh khai hóa, Nhật bản đã đánh mất đi phần nào một số truyền thống hay, đẹp của mình. Đặc biệt những hình thức nghệ thuật cổ điển và sản phẩm mỹ thuật bị coi thường, nhiều di sản văn hóa quí báu do đó mà mai một.

    Chính phủ đã theo Tây Âu mà đổi lịch mặt trăng (Thái âm lịch, cựu lịch) ra lịch mặt trời (Thái dương lịch). Họ định lịch pháp mới, xem ngày mùng 3 tháng 12 năm Meiji thứ 5 (1972, cựu lịch) là ngày mồng một tháng giêng năm Meiji thứ 6 (1973, lịch mặt trời). Ngoài ra, một ngày sẽ có 24 giờ và chủ nhật sẽ là ngày nghỉ trong tuần. Năm 1868 (Meiji 1), họ định các ngày nghỉ lớn như Kigensetsu (Kỷ nguyên tiết) và Tenchôsetsu (Thiên trường tiết). Chữ tiết có nghĩa là lễ tiết, giống như chữ "lễ tết" của ta. Lễ Kigensetsu nhằm đánh dấu ngày vị thiên hoàng trong truyền thuyết là Jinmu (Thần Vũ) tức vị. Ông là một thiên hoàng ước đoán đã tức vị ở vùng Yamato vào năm Tân Dậu (660 trước công nguyên). Đổi ra lịch mặt trời thì Kigensetsu thành 2 tháng 11. Ngày đó được như xem lễ giổ tổ, ngày quốc khánh. Còn như Tenchôsetsu thì đánh dấu sinh nhật Thiên hoàng Meiji, tính ra là ngày 3 tháng 11. Sau đó Tenchôsetsu được đổi thành Meijisetsu. (Năm 1874, Meiji 7, lại ban lệnh Chikyuusetsu hay Địa cửu tiết làm sinh nhật Hoàng hậu. Thiên trường địa cửu ý nói chúc mừng sự trường cửu của triều đại)

    Tuy cả nước bắt buộc phải dùng lịch mới thế nhưng ở nông thôn, nông dân và ngư dân vẫn không bỏ lịch cũ vì trong lịch cũ, có những điều cần thiết cho sinh hoạt của họ vì lịch cũ có những cái mốc đánh dấu các giai đoạn thời tiết trong nông vụ phải theo cũng như thông tin về con nước (thủy triều vốn theo mặt trăng) mà ngư dân rất cần.

    Vì muốn cận đại hoá tâm thức toàn thể quốc dân, chính phủ cũng để sức lực vào việc giáo dục. Năm 1871 (Meiji 4), họ thiết lập Bộ giáo dục (Monbushô = Văn bộ tỉnh), năm 1872, tuyên cáo tinh thần của học chế (chế độ giáo dục) mới là: "học vấn là để lập được thân, mở mang trí óc và tạo dựng tài sản". Đó là một quan niệm có màu sắc chủ nghĩa cá nhân (individualism) và chủ nghĩa lập thân (careerism) như Âu Mỹ.

    Dường như nguyên lý "Trời không sinh ra người đứng trên người, cũng như người đứng dưới người" của học giả Fukuzawa Yukichi trong Gakumon no susume (Khuyến học) đã ảnh hưởng lớn trên Học chế (Gakusei, tên riêng của chế độ giáo dục đầu tiên của Nhật bản). Chính phủ đã đề xuất một nền giáo dục công "quốc dân giai học" (kokumin kaigaku) nghĩa là mọi người dân gái cũng như trai đều có quyền bình đẳng hưởng thụ giáo dục, và xem giáo dục bậc tiểu học phải được phổ cập khắp nơi. Học chế lại phân chia toàn quốc ra làm 8 "đại học khu" (daigakuku), mỗi "đại học khu" như thế thiết lập 1 trường đại học, 32 trường trung học và mỗi trung học khu lại có 210 trường tiểu học. Đó là chế độ giáo dục thống nhất theo kiểu chế độ học khu (Rectorat) của người Pháp. Thế nhưng chế độ này không tồn tại được lâu dài vì gặp phải sự chống đối quyết liệt của dân chúng. Lý do là vì chẳng mấy chốc, con số trường tiểu học trong nước đã phình ra đến 53.760 trường, tính ra cứ 600 người dân thì có 1 trường tiểu học. Hơn nữa kinh phí xây dựng trường tiểu học đều do quốc dân phụ đảm.Ngoài ra, nhà trường lại thu học phí nữa. Sự chống đối của dân chúng đã đi đến hình thức nổi loạn (ikki) khiến cho qua đến năm 1879 (Meiji 12), chính phủ phải áp dụng chế độ bắt chước theo Mỹ và ban hành Giáo dục lệnh (Kyôikurei), bãi bỏ Học chế có trước đó.

    Chỉ có Giáo dục lệnh là tham khảo cách thức của Mỹ chứ việc biên soạn nội dung giảng dạy thì chính phủ vẫn ủy quyền các địa phương cho nên giáo dục thời ấy có màu sắc của chủ nghĩa tự do (liberalism) (Giáo dục lệnh tự do). Nhiều quan chức có đầu óc bảo thủ đâm ra e ngại, sợ nó sẽ trở thành buông thả, phóng túng (laissez-aller) nên cực lực phê phán. Thành thử, chỉ được một năm, chế độ đã bị sửa đổi rất nhiều, ít nhất đã đặt giáo dục bậc tiểu học dưới sự kiểm soát của nhà nước (Giáo dục lệnh cải cách). Dòng chảy này sẽ đưa đến một nền giáo dục theo chủ nghĩa quốc gia (nationalism), lấy Shuushin (Tu thân, giống như môn Đạo đức trong các trường Nhật hiện tại và có thể hiểu như Công dân đức dục) làm tên để gọi một môn học cơ bản.

    Chính phủ cũng chú tâm vào giáo dục chuyên môn. Năm 1877 (Meiji 10), họ cho thành lập Đại học Đông Kinh. Nơi đây, chính phủ cho mời những vị thầy ngoại quốc (những người Yatoi mà chúng ta đã có dịp trình bày bên trên) đến dạy để giúp cho Nhật Bản có một nền tảng nghiên cứu và học vấn có tính cận đại, bắt kịp các trào lưu trên thế giới. Kết quả là các lãnh vực học vấn và nghiên cứu chuyên ngành đều có những bước tiến quan trọng. Nhiều học hội đã được thành lập, nhiều tạp chí học thuật đã được phát hành và nhiều học giả quốc nội đã được đào tạo. Để tham khảo, xin xem danh sách các học giả quốc nội và những thành quả họ thực hiện được như sau:
     
    Lược kê danh sách các học giả và nhà nghiên cứu cận đại
    Tên tuổi Lãnh vực hoạt động Thành quả đáng ghi nhớ
    Kitazato Shibasaburô Y học. Học trò Bác sĩ Koch

    (Đức)

    Tìm ra vi trùng dịch hạch (1894) cùng lúc với Yersin.
    Shiga Kiyoshi Y học. Học trò Kitazato Shibasaburô Tìm ra vi trùng kiết lỵ (1897)
    Takamine Jôkichi Hóa học. Dược học  Phân ly được kích thích tố adrenalin ở tuyến phúc thượng thận.
    Suzuki Umetarô  Hóa học. Dược học Sáng chế chất oryzanin (tạo ra Vitamin B1) từ cám gạo
    Ômori Fusakichi Địa cầu vật lý học Phát minh địa chấn kế Ômori để phòng báo động đất.
    Kimura Hisashi Thiên văn học Tìm ra khoảng mục Z trong việc tính toán sự biến thiên của vĩ độ (1902)
    Nagaoka Hantarô Vật lý học Nghiên cứu cấu tạo của nguyên tử
    Tanakadate Aikichi Vật lý học Đo đạc địa từ khí trên toàn quốc Nhật Bản
    Makino Tomitarô  Thực vật học Định phương pháp phân loại thực vật. Khám phá thêm 1000 giống cây mới.
    Taguchi Ukichi Lịch sử học. Kinh tế học Văn minh sử luận. Khai hóa sử luận (1877)
    Hôga Yaichi Lịch sử học Nghiên cứu sử liệu bằng phương pháp sử cận đại

    Để đào tạo các giáo chức chuyên ngành, nhà nước cũng đã lập ra những trường sư phạm, trường nữ học, trường công nghệ...Trường nữ học đầu tiên được thành lập vào năm 1872 (Meiji 5) và trường nữ sư phạm đầu tiên cũng được mở cửa vào năm 1875 (Meiji 8).


    Kitazato Shibasaburô ( 1853-1931), 
    người cùng thời với Alexandre Yersin

    Nói chung, giáo dục nằm trong tay nhà nước và chế độ học cũng như nhà trường đều do họ tổ chức, nhưng bên cạnh không phải là không có các hoạt động giáo dục của tư nhân. Trường Keiô Gijuku (Khánh Ứng nghĩa thục, tiền thân của Đại học Keiô) do Fukuzawa Yuukichi sáng lập năm 1858, trường Dôshisha (Đồng chí xã, tiền thân của Đại học Dôshisha) của Niijima Jô (Tân Đảo, Nhương) lập ra năm 1875. trường Tôkyô Senmon Gakkô (Đông kinh chuyên môn học hiệu, tiền thân của Đại học Waseda) từ 1882 là những ngôi trường tư có tiếng.

    Nói về pháp lệnh giáo dục thì phải nói Nhật Bản đã có những bước đi mò mẫm, sai thì sửa. Mori Arinori (Sâm, Hữu Lễ, 1847-1889), một cựu phiên sĩ phiên Satsuma và thành viên Meirokusha, tổng trưởng giáo dục đầu tiên, đã liên tục ban hành những pháp lệnh về việc thành lập các đại học đế quốc (imperial university), các trường sư phạm, các trường tiểu học và trung học. Những pháp lệnh này có cái tên chung là Gakkôrei (Học hiệu lệnh). Nhờ có hệ thống qui định pháp lý như vậy mà dần dần, giữa các trường và các bộ môn, đã có được một sự liên kết hợp lý. Đó cũng là công lao của Mori, người vì mang tiếng là kẻ chuộng Âu hoá nên đã bị các thành phần quốc gia cực đoan ám sát chết.


    Nhà giáo dục Mori Arinori (1847-1889)

    Riêng về giáo dục nghĩa vụ (giáo dục cưỡng bách, compulsory education) thì nhân lúc cải chính pháp lệnh về trường tiểu học vào năm 1890 (Meiji 23), chính phủ đã định rằng giáo dục nghĩa vụ là một khoảng thời gian từ 3 đến 4 năm, qua năm 1900 (Meiji 33) lại tăng lên đúng 4 năm, rồi năm 1907 (Meiji 40) kéo dài đến 6 năm. Từ do về sau không có gì thay đổi. Mãi đến năm 1941 (Shôwa 16) thì theo tinh thần của văn bản Kokumin gakkôrei (Quốc dân học hiệu lệnh) mới nâng cấp thành 8 năm. Ngày nay ở Nhật, chế độ giáo dục nghĩa vụ 9 năm (6 năm tiểu học + 3 năm trung học cấp 2) là qui định của đạo luật thời hậu chiến Gakkô kyôikuhô (Học hiệu giáo dục pháp) năm 1947 (Shôwa 22) vậy.

    Nhân đây xin nói thêm rằng trong lịch sử giáo dục Nhật Bản, năm 1890 (Meiji 23) là một cái mốc quan trọng vì vào lúc ấy, Kyôiku chokugo (Giáo dục sắc ngữ) tức sắc chiếu của thiên hoàng về vấn đề giáo dục đã được ban hành. Sắc lệnh này có tầm quan trọng rất lớn đối với người dân Nhật thời tiền chiến bởi vì nó là văn bản ghi chép "quan niệm giáo dục và tinh thần giáo dục của nước Nhật". Người thảo ra sắc chiếu này là Inoue Kowashi (Tỉnh Thượng, Nghị, 1843-1895) và Motoda Nagazane (Nguyên Điền, Vĩnh Phụ, 1818-1891). Một người (Inoue) là cố vấn của hai nhà lãnh đạo Ôkubo Toshimichi và Itô Hirofumi, một người (Nagata) là cận thần của thiên hoàng Meiji.

    Nội dung của sắc chiếu này có thể thu gọn lại trong 4 chữ: "trung quân ái quốc". Tận trung với thiên hoàng và yêu nước, đó là đòi hỏi của nhà nước lúc đó chỉ vì thiên hoàng chế là rường cốt của quốc gia thời Meiji. Sắc chiếu đó đã được phân phát cho tất cả các trường. Trong một số ngày qui định (jikijitsu = thức nhật) như lễ lạc nghi thức, các trường có bổn phận tụ tập học trò, đọc nó lên cho mọi người tuân thủ.

    Không những sắc chiếu về giáo dục được tuyên đọc nhưng những dịp trọng đại mà vào giờ dạy khoa Tu thân của nhà trường, nó còn được các thầy cô đem ra phân tích, giảng nghĩa một cách cụ thể. Chẳng những thế, mỗi học sinh đều bị bắt phải học thuộc lòng văn bản ấy. Như thế, dùng sắc chiếu giáo dục ấy làm phương tiện, chính phủ đã triệt để nhồi vào đầu người dân từ thuở còn thơ tư tưởng trung quân ái quốc.

    Như vậy một nền giáo dục khởi thủy có khuynh hướng tự do lần hồi đã bị chính phủ trung ương cai quản và đổi chiều hướng. Kể từ thời gian trước sau chiến tranh Nhật Thanh (1894-1895) thì Nhật Bản đã tăng nhanh tốc độ để ngã về phía chủ nghĩa quốc gia. Việc bắt buộc học sinh phải học các giáo khoa thư do nhà nước cho phép (kokutei kyôkasho seido = quốc định giáo khoa thư chế độ) kể từ năm 1903 (Meiji 36) cũng chỉ

    là một biểu hiện của việc đem chính trị vào học đường.
     
     
    Đại học công lập quan trọng kể từ đời Meiji

    (Bắt đầu với Đế quốc đại học lênh do Mori Arinori ký năm 1886(Meiji 19)

    Năm thành lập Tên trường Nơi tọa lạc
    1886 Đế quốc đại học

    (đổi tên thành Đông kinh đế quốc đại học năm 1897)

    Tôkyô
    1897 Kinh đô đế quốc đại học Kyôto
    1907 Đông bắc đế quốc đại học Sendai
    1910 Cửu châu đế quốc đại học Fukuoka
    1918 Bắc hải đạo đế quốc đại học Sapporo
    1924 Kinh thành đế quốc đại học Seoul (Triều Tiên)
    1928 Đài Bắc đế quốc đại học Taipei (Đài Loan)
    1931 Đại Bản đế quốc đại học Ôsaka
    1939 Danh Cổ Ốc đế quốc đại học Nagoya
    1881 Đôngkinh công nghiệp đại học

    (nguyên là Đông kinh cao đẳng công nghiêp học hiệu)

    Tôkyô

    Đại học tư thục quan trọng có từ thời Meiji

    Năm thành lập Tên gốc (người sáng lập) Tên thông xưng hiện tại
    1858 Khánh Ứng nghĩa thục đại học 

    (Fukuzawa Yukichi)

    Đại học Keiô
    1874 Lập giáo đại học Đại học Rikkyô
    1877 Học tập viện  Đại học Gakushuuin
    1880 Đông kinh pháp học xã Đại học Hôsei
    1880 Chuyên tu đại học Đại học Senshuu
    1881 Minh Trị pháp luật đại học Đại học Meiji
    1882 Đông kinh chuyên môn học hiệu

    (Ôkuma Shigenobu)

    Đại học Waseda
    1883 Đông kinh Anh Hòa học hiệu Đại học Aoyama Gakuin
    1885 Anh Cát Lợi pháp luật học hiệu Đại học Chuô
    1886 Minh Trị học viện Đại học Meiji Gakuin
    1887 Triết học quán

    (Inoue Enryô)

    Đại học Tôyô
    1889 Nhật Bản pháp luật học hiệu

    (Yamada Akiyoshi)

    Đại học Nihon
    1882 Hoàng điển giảng cứu sở Đại học Kokugakuin
    1900 Nữ tử Anh học thục

    (Tsuda Umeko)

    Đại học Tsudajuku

    5.3 Những biến động trong phạm vi tín ngưỡng:

    Làn sóng của văn minh khai hoá cũng tạo ra những biến động trong phạm vi tín ngưỡng. Thời Edo, cách nhìn Thần đạo và Phật giáo như hai tôn giáo có thể hòa hợp với nhau (tư tưởng Shinbutsu shuugô = Thần Phật tập hợp) là chuyện đương nhiên. Người ta có thể dựng trong khuôn viên nhà chùa những cổng chào kiểu Thần đạo (gọi là torii), ngược lại, bản điện của các đền thần thông thường cũng có quyền trưng bày tượng Phật. Thế mà giờ đây, tân chính phủ không còn thừa nhận những điều đó nữa.

    Tân chính phủ vốn là một chính quyền đã bắt nguồn từ tư tưởng tôn sùng thiên hoàng nên chỉ biết có triều đình. Mạc phủ Edo khi tạo ra chế độ terauke (tự thỉnh = mỗi người dân phải đăng ký như tín đồ trực thuộc một ngôi chùa) đã muốn lợi dụng thế lực của Phật giáo để không cho dân chúng chạy theo đạo Ki-Tô. Nay với lý do Thần đạo vốn là tôn giáo của dòng họ các thiên hoàng, chính phủ muốn đặt ra một chính sách mới: biến Thần đạo thành quốc giáo. Họ từ chối một cách minh bạch chế độ terauke của chính quyền trước.

    Năm 1868 (Meiji nguyên niên), chính phủ đã bố cáo Shinbutsu bunrirei (Thần Phật phân ly lệnh) tách Phật giáo ra khỏi Thần đạo. Họ bắt các đền Thần đạo trên toàn quốc phải dẹp hết tượng, tranh vẽ có hình ảnh và mọi đồ thờ Phật. Cho đến lúc đó, dưới chế độ terauke, các thần chức (tu sĩ các đền thần) có một địa vị thấp kém đối với các nhà sư và dĩ nhiên đã nhen nhúm lòng bất mãn. Nay với pháp lệnh mới, những căm tức tiềm ẩn có dịp bùng nổ. Họ bèn câu kết với các học giả quốc học xúi bẩy dân chúng áp bức Phật giáo đồ và phá hoại chùa chiền. Như thế, lệnh Thần Phật phân ly đã châm ngòi thuốc súng cho những cuộc vận động chống đối Phật giáo có tên là Haibutsu kishaku (Phế Phật hủy Thích).

    Ví dụ cụ thể là kinh điển nhà Phật được đem ra làm củi chụm nấu nước tắm và đun bếp lò. Có kẻ còn đem tượng Phật ra đốt như thể hành hình trên giàn hỏa. Ở phiên Tosa trên đảo Shikoku, trong số 596 ngôi chùa thì đã có 451 ngôi (tương đương với 3/4 số chùa) đã bị bỏ phế. Thật là một quang cảnh thê thảm.

    Tuy chính phủ ngoài mặt có ngăn chặn những hành động phế Phật hủy Thíchquá khích nhưng vào năm 1870 (Meiji 3), họ vẫn tuyên cáo một chiếu thư tên là Daikyôsenrei (Đại giáo tuyên lệnh), khuyến khích việc nới rộng vùng ảnh hưởng của Thần đạo trong dân chúng, giáo hóa họ với mục đích biến Thần đạo thành quốc giáo.Thế nhưng Thần đạo không bắt rễ nổi như một quốc giáo, trái với điều mong mỏi của nhà nước.Thay vào đó, chỉ có những giáo phái bắt nguồn từ Thần đạo là có thể thẩm thấu nhanh chóng trong dân chúng.

    Những giáo phái Thần đạo tức những tôn giáo tân hưng thuộc hệ Thần đạo đã được nhắc đến trong chương trước. Chúng phát triển mạnh mẽ trong những giai đoạn mà thời cuộc bất ổn như vào ngày tàn của Mạc phủ Edo. Nay cũng vậy. Tenrikyô (Thiên lý giáo), Kinkôkyô (Kim cương giáo), Kurozumikyô (Hắc trụ giáo) là những giáo phái nổi tiếng hơn cả trong số 13 giáo phái thuộc hệ Thần đạo.Lúc đầu chính phủ tỏ ra muốn đàn áp những tôn giáo tân hưng này, nhưng sau khi mưu đồ quốc giáo hóa Thần đạo của mình không thành nữa thì lại quay ra nhìn nhận.

    Mặt khác, giới Phật giáo đã phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề qua phong trào phế Phật hủy Thích. Tuy nhiên, vì dân chúng quay mặt làm ngơ và chính quyền đàn áp, họ cũng nhờ đó mà sáng mắt ra. Những người như Shimaji Mokurai (Đảo Địa Mặc Lôi, 1838-1911), một tăng sĩ phái Tịnh Độ Chân Tông, đã làm hết sức để du nhập vào trong nước luận điểm tự do tín ngưỡng của Âu Mỹ. Rốt cục, nhờ những cố gắng của những người như ông mà vai trò của Phật giáo đã được vãn hồi trong lòng tin của dân chúng.

    Đạo Ki-tô thực ra cũng đã bị đàn áp rất mạnh mẽ cho đến đầu thời Meiji. Chúng ta đã có dịp bàn về việc ấy trước đây. Thế nhưng đến năm 1873 (Meiji 6) thì sự có mặt của đạo Ki-tô hầu như được mặc nhận. Những nhà truyền giáo ngoại quốc trong khoảng cuối mạc phủ đầu Meiji, vừa truyền đạo cho người ngoại quốc sống trên đất Nhật vừa làm những việc công ích như dạy học và chữa bệnh, cũng đã bắt đầu bố giáo cho ngưòi bản xứ. Nhân vì sự nghiệp giáo dục và y dược của họ gây được lòng tin nơi trong dân chúng cho nên nhiều phần tử được cảm hóa mà chịu theo đạo.

    Tiết 6: Ngoại giao và nội loạn dưới chính quyền mới.
    6.1 Tranh luận chung quanh việc xâm lấn Triều Tiên:

    Ngoại giao Nhật Bản đầu thời Meiji được triển khai trong tương quan với liệt cường Âu Mỹ và sự liên hệ với các nước lân cận. Đối với các nước Âu Mỹ, mục đích của ngoại giao Nhật Bản là thực hiện việc cải chính các điều ước và ngăn việc rơi xuống hàng các nước bị bắt làm thuộc địa. Họ tỏ ra nhún nhường trước những quốc gia này những mong được thay đổi các điều khoản bất bình đẳng đã phải ký kết trong quá khứ. Mặt khác, đối với các nước lân cận như Trung Quốc và Triều Tiên thì họ cũng bắt chước Âu Mỹ mà có thái độ cứng cõi.Đặc biết đối với Triều Tiên, với danh nghĩa ngăn chận việc Nga có thể tiến xuống miền nam nên hết sức muốn đặt quốc gia này vào vòng ảnh hưởng của mình.

    Cụ thể thì diễn tiến của hai mặt ngoại giao nói trên có thể trình bày như sau: gửi sứ bộ sang Tây phương điều đình và o ép các thế lực yếu hơn mình ở Á châu (viễn giao cận công).

    Ảnh Iwakura Tomomi (1825-1883) trên tờ giấy bạc 500 Yen cũ.

    Sứ bộ Iwakura và chuyến lữ hành dài 22 tháng

    Cuối đời Mạc phủ đầu Duy Tân, Nhật Bản đã gửi nhiều sứ bộ sang viếng thăm các quốc gia Âu Mỹ với các mục đích khác nhau. Sau đây là bảng tóm tắt [10] :

    Danh xưng của sứ tiết / Chính sứ Người tham gia chính Số thành viên Các nước thăm viếng Ngày đi / ngày về nước Nhiệm vụ / Thành quả
    Sứ bộ sang Mỹ đi tàu Mỹ/ Shinmi Masaoki Muragaki Norimasa (phó sứ), Koide Tadamasa (quan sát viên) 77 Mỹ và Hawai 23/02/1860 đến 09/11/1860

    (gần 8 tháng)

    Trao đổi văn bản phê chuẩn Hiệp ước giao hiếu và thông thương Nhật Mỹ.
    Sứ bộ sang Mỹ đi tàu Nhật / Shinmi Masaoki Kimura Yoshitake (đề đốc), Katsu Kaishuu (hạm trưởng), Nakahama Manjirô (thông dịch), 

    Fukuzawa Yuukichi (tháp tùng Kimura)

    96 Mỹ và Hawai 10/02/1860 đến 23/06/1860

    (trên 4 tháng)

    Tàu Kanrim maru tháp tùng và bảo vệ sứ bộ. Katsu Kaishuu tập điều khiển tàu kiểu Tây phương
    Sứ bộ sang Âu châu / Takeuchi Yasunori Matsudaira Yasunao (phó sứ), Fukuchi Gentarô (thông dịch), Fukuzawa Yuukichi (thông dịch) 38 Âu châu 21/01/1860 đến 23/06/1860

    (khoảng 5 tháng)

    Hiệp nghị về vấn đề mở cửa các hải cảng. Định biên giới Nhật Nga.
    Sứ bộ sang Âu châu / Ikeda Nagaoki Kawadzu Sukekuni (phó sứ) 33 Pháp 06/02/1864 đến 19/08/1864

    (trên 6 tháng)

    Hiệp nghị về việc đóng cửa cảng Yokohama
    Sứ bộ sang Âu châu / Koide Hidezane Ishikawa Toshimasa (phó sứ) 16 Nga 18/11/1866 đến 09/06/1867

    (gần 7 tháng)

    Bàn tiếp về biên giới và đảo Karafuto (Sakhalin)
    Sứ bộ sang Âu châu / Takugawa Akitake  Mukôyama Hayato (viên chức ngoại giao) 30 Âu châu 15/02/1867 đến 16/12/1868

    (khoảng 10 tháng)

    Tham gia Hội chợ đấu xảo quốc tế Paris.

    Ngày xưa, việc đi lại khó khăn và lâu la cho nên chuyến đi sứ nào cũng mất nhiều ngày giờ. Tuy nhiên chuyến đi sứ lâu nhất là chuyến đi sứ 22 tháng (23/12/1871-13/9/1873) của Sứ bộ Iwakura. Đó là một chuyến đi không những lâu, nhiều người tham dự mà trong số đó lại có các yếu nhân đương thời. Họ có mục đích đi thương lượng ngoại giao lại nhân cơ hội mà học hỏi cho nên chuyến đi có một tầm quan trọng rất lớn cho tương lai của Nhật Bản.

    Cuối năm 1871 (Meiji 4) sứ bộ của chính phủ Nhật Bản do Hữu đại thần Iwakura Tomomi cầm đầu đã lên đường sang viếng các nước Âu Mỹ. Đoàn rất đông, ngoài 50 viên chức cao cấp như Ôkubo Toshimichi, Kido Takayoshi, Itô Hirobumi ... còn có thêm 60 người là du học sinh. Tuổi trung bình của họ chỉ khoảng 30, người lớn tuổi nhất là Iwakura cũng mới có 47. Mặc dù tân chính phủ vừa mới thành hình chẳng có bao lâu mà đã dám gửi một phái đoàn đại qui mô để làm một chuyến đi dài gần 2 năm như vậy chứng tỏ Nhật Bản có quyết tâm rất lớn. Trong số lưu học sinh ra đi ngày đó, có 8 phụ nữ mà người trẻ nhất là một cô gái mới lên 8.

    Nữ sinh viên du học mới có 8 tuổi này không ai khác hơn là bà Tsuda Umeko (Tân Điền, Mai Tử, 1864-1929). Bà là người về sau sẽ sáng lập trường Jôshi Eigakujuku (Nữ tử Anh học thục, tiền thân của Đại học tư thục Tsuda (Tsudajuku daigaku), một trường dạy ngôn ngữ và văn hóa Anh Mỹ cho phụ nữ.

    Dự trù chỉ đi 10 tháng thôi thì chuyến đi đã kéo đến 1 năm 10 tháng. Sứ bộ định viếng thăm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Thụy Sĩ...tất cả là 12 nước nhưng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang có nội loạn nên không thực hiện được cuộc viếng thăm ở 2 nơi đó. Trước tiên, sứ bộ vượt Thái Bình Dương bằng thuyền, mất 23 hôm thì tới San Francisco (Mỹ). Các sứ thần rất bỡ ngỡ thì thấy sự khác biệt một trời một vực giữa Mỹ và Nhật. Ví dụ lúc đó Mỹ đã đặt xong đường xe lửa xuyên lục địa và đã có những toa xe có giường ngủ dành cho khách. Sau đó sứ bộ đã lên đường qua Âu, lần lượt viếng London, Paris, Brussels, Den Haag, Berlin, Saint Petersburg, Copenhagen, Stockholm, Roma, Wien và Bern. Quành xuống Lyon, Marseille, Napoli xong, họ vòng về Nhật qua ngả Port Said, ghé Aden, Goa, Singapore, Saigon, Hương Cảng, Thượng Hải và cuối cùng cập bến Yokohama. Trong khi ở Mỹ và Âu Châu, sứ bộ đã có dịp quan sát văn vật của các nước, tìm hiểu chế độ nghị hội, hình sự, đề lao, trường học, giáo hội, công xưởng, trường huấn luyện sĩ quan quân đội vv....

    Thực ra, chuyến đi cũng không hoàn toàn êm ả. Lúc thì vì va phải bức tường ngôn ngữ, lúc thì vì Âu Mỹ không muốn tiết lộ bí mật nghề nghiệp, lúc thì do sự bất hòa cá nhân giữa hai sứ thần Ôkubo và Kido, lúc thì bức xúc không hiểu có thể áp dụng một cách tích cực những điều học hỏi ở Tây phương vào xã hội Nhật Bản hay không. Chứ như vấn đề tự do, nhân quyền, vai trò ưu tiên của phụ nữ, phong cách phóng khoáng trong quan hệ nam nữ, chế độ liên bang ở Mỹ, phong trào Công xã Paris (Commune de Paris) vừa mới xảy ra trước đó ở Pháp...là những điều mà sứ bộ tỏ ra kinh ngạc và thấy khó lòng chấp nhận. Người đồng hành trong sứ bộ là Kume Kunitake đã ghi lại tâm tình ấy trong tập hồi ký báo cáo về chuyến đi nhan đề Tokumei zenken taishi Beiô kairan jikki (Đặc mệnh toàn quyền đại sứ Mể (Mỹ) Âu hồi lãm thực ký) mà nhà xuất bản Iwanami về sau đã in thành 5 tập bản bỏ túi.

    Sứ bộ cũng đã nhận thức được sự yếu kém ngay ở Âu châu của các nước nhỏ như Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ so với các cường quốc Anh, Mỹ, Pháp, Đức. Họ nhận thức rằng nếu Nhật không theo chính sách "phú quốc cường binh", "thực sản hưng nghiệp", "trung ương tập quyền" để cận đại hoá, thì sẽ chịu thiệt thòi về mặt chính trị quốc tế trong một thời đại mà sức mạnh quân sự là trên hết (power politics). Họ cũng nhìn thấy sự ngạo mạn của Âu Mỹ và sự chậm chạp, ù lì của Á châu nên đã quay ra suy nghĩ một cách gần gủi với luận điểm "thoát Á nhập Âu" mà Fukuzawa Yuukichi, một người tùy tùng trong đoàn, sẽ đề xướng về sau (1885).

    Sứ bộ Iwakura ngoài nhiệm vụ quan sát chế độ, văn vật cận đại của Âu Mỹ, điều tra và nghiên cứu về chúng, còn có nhiệm vụ thương lượng sao cho liệt cường Âu Mỹ thay đổi những điều khoản bất bình đẳng trong các điều ước mà những người tiền nhiệm tức mạc phủ Edo đã bị ép phải ký.

    Trước khi đi xa hơn, thiết tưởng cũng nên bỏ chút thời giờ để đọc lại nội dung chương trước, phần nói về những hiệp ước bất bình đẳng. Nếu đã nhìn lại phần đó rồi thì chúng ta mới có thể hiểu rõ hơn câu chuyện tiếp theo đây.

    Kể từ ngày mồng 4 tháng 7 năm 1872 ( Meiji 5) Nhật Bản đã có thể bắt đầu chính thức thương thuyết lại điều ước giao hiếu thông thương Nhật Mỹ ký kết vào năm 1858 (Ansei 5).

    Mỹ là quốc gia đầu tiên mà Sứ bộ Iwakura dừng bước trên đường thăm viếng cho nên đã chuẩn bị để xúc tiến việc thương lượng trước tiên với quốc gia này.Tuy nhiên theo qui tắc đàm phán ngoại giao, bao giờ người cầm đầu phái đoàn thương thuyết đều phải được chính phủ Nhật Bản ủy nhiệm toàn quyền.Sứ bộ lại không mang theo công văn đó cho nên hai ông Ôkubo và Itô bèn vội vã trở về nước để lấy giấy ủy nhiệm. Như vậy phía Nhật Bản đã làm một điều sơ thất quan trọng trong ngành ngoại giao, rất đáng xấu hổ cho họ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là vòng chiến đầu tiên.

    Kết cuộc, sau bao lần hội đàm vòng vo, giữa hai bên Nhật Mỹ, nghị luận vẫn không sao ăn khớp được. Việc thương thảo chấm dứt trong thất bại. Cũng thế, đối với các nước Âu châu thì tuy Nhật Bản đã bày tỏ ước muốn xét lại các điều khoản hiệp ước của mình, thế nhưng họ vẫn không đạt được kết quả. Dù vậy, kể từ đó về sau, chính phủ Nhật Bản kiên trì theo đuổi mục đích của mình qua bao đời ngoại trưởng. Đến cuối đời Meiji thì sự tình đổi khác và họ đã có thể ký những hiệp ước trên một quan hệ bình đẳng. Về những sự việc nói trên, chúng ta sẽ bàn rộng hơn sau.

    Riêng đối với các nước lân cận thì sự tiến triển về ngoại giao lại đi theo một chiều hướng khác. Năm 1871, chính phủ đã gửi một sứ bộ sang triều đình nhà Thanh để ký một hiệp ước thân thiện (Nisshin shuukô jôki = Nhật Thanh tu hiếu điều qui). Đây có thể nói là hiệp ước có tính đối đẳng (ngang hàng) đầu tiên ký giữa Nhật Bản và nước ngoài. Hai bên đều đồng ý mở của biển thông thương và nhìn nhận quyền lãnh sự tài phán (cũng gọi là trị ngoại pháp quyền, extra-territorial rights) [11] của nhau.

    Ngặt cái phía Nhật lại bất mãn với điều ước này. Trên thực tế, chủ tâm của họ là cũng muốn đua đòi các nước Âu Mỹ o ép Thanh triều phải ký kết một hiệp ước bất bình đẳng. Do đó mà sau khi ký xong hiệp ước này rồi, chính phủ Nhật vẫn ỉ ôi đòi Thanh triều xét lại nội dung. Thế nhưng nhà Thanh cực lực phản đối việc đó làm cho chính phủ Nhật đành buông xuôi và cuối cùng, hiệp ước đã được phê chuẩn vào năm 1873 (Meiji 6).Dĩ nhiên, theo ngôn từ thì phê chuẩn hiệp ước là hành động ngoại giao cuối cùng của một quốc gia để nhìn nhận chính thức một hiệp ước được ký kết trước đó.

    Tưởng như đâu đã vào đấy thì chỉ đến năm sau, việc áp dụng Hiệp ước Nhật Thanh lại bị lái qua hướng khác, phát sinh ra một vấn đề lớn.

    Sự kiện gây ra rắc rối là việc một số người thuộc bộ tộc Cao Sa cư trú trên quần đảo Đài Loan đã sát hại một số ngư dân thuộc đảo Ryuukyuu (Lưu Cầu) bị đắm thuyền, trôi giạt. Lúc đó, chính quyền Nhật đã đưa ra kháng nghị và đòi Thanh triều bồi thường.Đứng trước sự việc, Thanh triều lập luận: " Vương quốc Lưu cầu nào có phải là lãnh thổ Nhật Bản. Còn như dân Đài Loan thì họ chỉ là dân ngoại hóa (ngoài vòng giáo hóa, mắt để chưa đến nơi) của Trung Quốc " và không chịu bồi thường chi cả. Do đó, chính phủ Nhật mới mượn cớ để quyết định chinh phạt Đài Loan bằng võ lực.Dĩ nhiên, đây là một lý do thiếu căn cứ nhằm biện minh cho một hành động quá khích. Tuy vậy, ở bên trong thì nói cho cùng, cũng có đôi điểm phức tạp và sâu xa mà người học sử chúng ta cần nên biết đến.

    Chuyện kể ra hơi dài. Khi tân chính phủ mới thành lập thì Nhật Bản đã đề nghị với lân bang là Triều Tiên thành lập một quan hệ ngoại giao. Thế nhưng chính phủ Triều Tiên cũng giống như mạc phủ ngày trước, đang thi hành một chính sách "bế quan tỏa quốc" nên đã cự tuyệt. Vì lý do đó mà trong đám những người cầm quyền ở Nhật đã có những nhân vật nổi nóng lên, chủ trương dùng võ lực để buộc Triều Tiên phải khai cảng. Đám người chủ trương Seikanron (Chinh Hàn luận) nghĩa là "đánh Triều Tiên" mỗi lúc càng đông. Họ được sự tán đồng của những viên chức cao cấp cỡ tham nghị (sangi = councilor) [12] như Saigô Takamori và Itagaki Taisuke Thời điểm phong trào lên cao hơn cả là khoảng năm 1873 (Meiji 6).

    Vào lúc đó, ước chừng một phân nửa các quan lại cao cấp đã tháp tùng sứ bộ Iwakura sang các nước Âu Mỹ, viên chức cao cấp nhất ở lại trong nước để giữ nhà là Saigô Takamori. Vì ông ta là người hô hào xâm lấn bán đảo Hàn cho nên toàn thể bộ phận chính phủ đang ở trong nước đều ngã theo ý kiến của ông. Saigô Takamori tự dưng chưa có thể nghĩ đến việc tức khắc gửi quân qua đánh Triều Tiên được. Ông ta chỉ đề ra kế hoạch trước tiên hãy gửi một sứ bộ qua bên đó, cực lực đòi chính phủ Triều Tiên phải mở cửa. Nếu vẫn còn bị cự tuyệt thì lúc đó mới phải dùng võ lực. Do đó, ông ta đã thúc đẩy việc gửi cho bằng được sứ bộ và điều này cuối cùng đã có sự đồng ý của chính phủ. Có thuyết cho rằng Saigô còn định bụng xin đi sứ và lúc đến nơi sẽ chọc cho người Triều Tiên nổi nóng để nếu mình bị giết thì sẽ có cớ làm cho chiến tranh Nhật Triều bột phát. Sứ thần bị giết thì Nhật Bản có thể đường đường tấn công mà không bị dư luận phê phán.

    Việc đem đổi cả tính mạng mình để gây chiến với nước láng giềng được giải thích như ý nguyện của Saigô nhằm giải tỏa những ẩn ức bị đè nén của giới sĩ tộc [13] mà ông là một đại biểu. Nhưng nếu thực sự như thế thì quả là đi quá thường thức..

    Vào thời điểm ấy, giới sĩ tộc đang gặp nhiều khó khăn. Phiên trấn mà họ trực thuộc nay không còn nữa, đặc quyền có tên tuổi thì cũng đã bị bọn bình dân đoạt mất, với lệnh trưng binh tuyển mộ quốc dân vào lính thì cái đặc quyền được sử dụng võ khí cũng không còn nữa. Do đó sự bất mãn và cay cú của họ đối với tân chính phủ là một ngòi thuốc nổ có sức công phá mãnh liệt. Cứ tưởng tượng cái lực lượng 150 vạn người đã quen chiến đấu này nếu nhất tề nổi dậy thì chính phủ sẽ còn gì. Người ta cho rằng đó cũng là sự lo lắng của Saigô Takamori. Việc làm đúng hay sai thì chưa biết nhưng trong khi có một sự bất mãn tích tụ lại ở quốc nội thì chính trị gia thường hướng nó ra bên ngoài để tìm cách giải tỏa. Hình như Saigô cũng có ý sẽ dùng những sĩ tộc bất mãn như bộ đội chủ lực để gửi sang Triều Tiên chiến đấu, và như thể, giải tiêu ẩn ức của họ.

    Khi những viên chức quan trọng trong chính phủ đang tháp tùng Sứ bộ Iwakura nghe được kế hoạch "Chinh Hàn" này của chính phủ trong nước, họ hết sức ngạc nhiên.Bởi vì chính phủ chưa thành lập được bao năm mà sao đã vội gây chiến. Trước nhất, nếu có chiến tranh, nhà nước sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền của cho quân bị và chiến phí. Hai nữa, liệt cường Âu Mỹ nào để cho Nhật Bản yên và nhất định sẽ can thiệp mạnh mà thôi. Thanh triều, đang đóng vai trò che chở cho Triều Tiên, cũng không thể làm ngơ và nguy cơ chiến tranh lan rộng đến với cả Trung Quốc. Tệ hại hơn nữa là Nhật Bản sẽ bị suy yếu và trở thành một vùng đất thuộc địa của liệt cường Âu Mỹ.

    "Bây giờ không phải là lúc đánh Triều Tiên! Phải dồn hết sức lực cho việc "phú quốc cường binh", làm sao cho Nhật Bản trở thành một cường quốc cận đại như Âu Mỹ, sớm được ngày nào hay ngày nấy.". Kiểu nói như trên có thể phản ảnh phần nào lối suy nghĩ chung của các quan chức lúc đó đang tháp tùng sứ bộ trên đường quan sát Âu châu. Những vị này được xem như thuộc phái đặt ưu tiên cho phát triển quốc nội.Những nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm này như Ôkubo Toshimichi, Iwakura Tomomi, Itô Hirobumi đã vội vã lên đường về nước. Họ xem việc gửi binh đánh Triều Tiên là quá sớm (chứ không phải là không nên) và đối lập kịch liệt với chính phủ đang giữ nhà. Cuối cùng họ buộc Saigô Takamori phải đình chỉ việc chuẩn bị dùng võ lực đối với Triều Tiên.
     
    Tổ chức của chính quyền phiên phiệt thời nghị luận Chinh Hàn[14]
    Tổ chức Chức vụ Nhân sự Chức vụ Nhân sự
    Chính viện

    (Sei.in) tức cơ quan hành pháp và lập pháp tối cao

    • Dajôdaijin
    (Thái chính đại thần)
    • Sadaijin
    (Tả đại thần)
    • Udaijin 
    (Hữu đại thần)
    • Sanjô Sanetomi
    (công khanh)

    khuyết chức

    khuyết chức

    • Các quan Sangi (Tham nghị)
    Kido Takayoshi (Chôshuu), Saigô Takamori (Satsuma), Itagaki Taisuke (Tosa), Ôkuma Shigenobu (Hizen)
    Tả viện

    (Sa.in) tức cơ quan lập pháp giúp chính viện

    Gichô (Nghị trưởng) khuyết chức
    • Fukugichô (Phó nghị trưởng)
    Etô Shinpei (Hizen)
    Hữu viện tức

    (U.in) cơ quan hành pháp giúp chính viện 

    Các thượng thư (Kyô =Khanh):

    -Tôn giáo

    -Ngoại giao

    -Tài chánh

    -Binh bị

    -Văn giáo

    - Xây dựng

    -Tư pháp

    -Cung nội

    -Khai khẩn Hokkaidô 

    Iwakura Tomomi (công khanh, ngoại vụ), Ôkubo Toshimichi (Satsuma, Tài chánh), Ôki Takatô (Hizen, Văn giáo), Higashikuze Michitomi (Công khanh, khai khẩn Hokkaidô) Các phụ tá thượng thư 

    (taifu = đại phụ):và thứ trưởng (jikan = thứ quan)

    Fukuba Yoshishige (Tsuwano, Tôn giáo), Terashima Munenori (Satsuma, Ngoại giao), Inoue Kaoru (Chôshuu, Tài chánh), Yamagata Aritomo (Chôshuu, Binh bị), Gotô Shôjirô (Tosa, Xây dựng), Sasaki Takayuki (Tosa, Tư pháp), Madenokôji Hirofusa (Công khanh, Cung nội), Kuroda Kiyotaka (Satsuma, Khai khẩn Hokkaidô). 

    Phụ chú: Tên bôi đen là những luận giả chủ trương chinh Hàn.

    Việc này đưa đến kết quả là những viên quan sangi (tham nghị) thuộc phái "chinh Hàn" đồng loạt rút ra khỏi chính phủ.Việc này, người Nhật gọi là geya (hạ dã) và ta gọi là...về vườn. Những quan "tham nghị hạ dã" là phái chủ chiến Saigô Takamori, Itagaki Taisuke, Gotô Shôjirô, Etô Shinpei, Soejima Taneomi... Các văn quan và quân nhân ái mộ họ cũng lục tục theo chân, bỏ về quê hương. Như thế, ta có thể kết luận rằng, mỗi chuyện có nên đánh Triều Tiên hành không đã làm cho tân chính phủ vào thời điểm 1873 (Meiji 6) đã có một sự rạn nứt lớn không còn có thể hàn gắn.

    Một số các quan "tham nghị hạ dã" đã kết hợp với sĩ tộc bất mãn. Năm 1874, Etô Shinpei (Giang Đằng Tân Bình, 1834-1874) đi thuyết hàng họ lại được nhóm sĩ tộc tôn làm minh chủ, nổi dậy ở Saga (phía bắc tây đảo Kyuushuu). Sử chép là cuộc nổi loạn ở Saga (Saga no ran). Chính phủ tức tốc gửi quân đội đi đánh dẹp, tuy nhiên Etô trốn thoát được về Kagoshima và kêu gọi Saigô Takamori cùng khởi binh. Thế nhưng, vì Saigô không chịu ra tay nên Etô cô thân, bị bắt và bị hành hình. Sau khi chém Etô rồi, chính phủ còn cho bêu đầu của ông để mọi người thấy chứng tỏ nhà nước vô cùng cương quyết, tuyệt đối không chấp nhận kẻ phản loạn, dù người đó từng là một nhân vật quan trọng trong chính quyền.

    Nếu Saigô nghe theo và cùng khởi binh với Etô, có lẽ chính phủ đã phải khốn khổ không ít. Bởi vì Saigô là một nhân vật có thực lực, huy động được vài vạn binh như chơi. Lúc đó chế độ trưng binh toàn quốc chỉ mới bắt đầu, chính phủ làm sao có đủ phương tiện để chống lại những kẻ phản loạn tầm cỡ Saigô.

    Không những chỉ có sĩ tộc chống chính phủ. Nông dân cũng chống. Có nhiều cuộc nổi loạn (ikki) đã xảy ra. Đặc biệt vào năm 1873 (Meiji 6), khi thấy rằng chế độ trưng binh và học chế bắt mình chịu quá nhiều phụ đảm, nông dân các nơi đã võ trang làm cuộc nổi dậy "thuế máu" (Ketsuzei ikki = Huyết thuế nhất quỷ).Sau đó không lâu, đến năm 1876 (Meiji 9) -nhân vì có cuộc chỉnh sửa địa tô (đã trình bày), họ cũng nổi lên làm một cuộc ikki mới có qui mô rất lớn để chống lại tô thuế.

    Những điều trên cho ta thấy rằng khi chính phủ muốn xua quân tiến đánh Đài Loan, gây hấn với nhà Thanh là vì đằng sau, họ có một lý do riêng.Trong khi nguy cơ ở quốc nội tiềm tàng như vậy thì chính phủ đã tìm cách hướng cái nhìn của dân chúng ra bên ngoài. Đối tượng lần này không phải là Triều Tiên mà là Đài Loan nhưng có chung một lô-gích. Trên thực tế, trong khi tiến đánh Đài Loan, chính phủ cũng đã dùng sức của nhóm sĩ tộc bất mãn. Mưu đồ của chính phủ như thế nào, bây giờ chúng ta đã rõ.

    6.2 Xuất quân đánh Đài Loan. Biến cố đảo Giang Hoa:

    Trở lại chuyện cử binh đánh Đài Loan thì trên thực tế, ngay trước khi xuất quân, Nhật Bản đã gặp sự phản đối của Anh và Mỹ. Người có thực lực trong chính phủ như Kido Takayoshi cũng kháng nghị và rút lui khỏi chính phủ. Chính phủ đột ngột ngưng việc viễn chinh. Thế nhưng một sự cố đã xảy ra. Đó là việc người mà chính phủ gửi xuống Nagasaki để chuẩn bị cho cuộc hành quân, Saigô Tsugumichi (Tây Hương, Tùng Đạo), em trai của Takamori, bất ngờ tự tiện tiến quân, làm ngơ trước chỉ thị của chính phủ. Chuyện khó tin nhưng có thật. Lâm vào thế kẹt, nắm lao phải theo lao, chính phủ đành nhắm mắt trước sự đã rồi. Cuộc xuất quân sang Đài Loan năm ấy được biết như Seidai no eki (Chinh Đài chi dịch) hay chiến dịch đánh Đài Loan.

    Để xí xóa sự kiện này, Ôkubo Toshimichi mới lên đường sang gặp Thanh triều để thương lượng nhưng cuộc thảo luận không đi được bao xa. Lúc bấy giờ nhờ viên công sứ người Anh tên Sweed (phiên âm) đứng ra làm trọng tài, nhà Thanh đành chấp nhận Nhật Bản là có lý và chịu bồi thường 50 vạn lạng (tương đương 75 vạn Yen giá trị đương thời) với điều kiện Nhật Bản phải triệt thoái quân đội khỏi Đài Loan. Chuyện ấy nhờ vậy mới ngã ngũ.

    Trở lại câu chuyện khi ngư dân Lưu Cầu bị sát hại, Nhật Bản đòi nhà Thanh bồi thường và triều đình nhà Thanh trả lời rằng "Lưu Cầu nào có phải là đất của Nhật!" thì chính ra phía nhà Thanh có lý. Đúng ra thì chỉ vào thời lập kế hoạch "phế phiên trí huyện", người Nhật mới sáp nhập Lưu Cầu vào tỉnh (nói theo kiểu Nhật bây giờ là ken = huyện) Okinawa (Xung Thằng), năm sau lại biến nó thành phiên Lưu Cầu và đặt nó dưới sự quản hạt trực tiếp của Bộ ngoại giao.Vua Lưu Cầu là Thướng Thái (Shôtai) được phong làm Lưu Cầu phiên vương nhưng lúc đó, quốc tế chưa có hành động nào tỏ ra họ nhìn nhận vùng nầy là lãnh thổ của Nhật.

    Xưa kia, vào năm 1609 (Keichô 14), phiên Satsuma (ở Kyuushuu) đã đem binh chinh phục vương quốc Lưu Cầu, đặt nó dưới quyền cai trị của mình. Tuy vậy, nhân vì giữa Lưu Cầu với Thanh triều, có một mối quan hệ mậu dịch triều cống và điều này đem lại lợi ích gián tiếp cho phiên Satsuma nên phiên Satsuma vẫn làm ngơ để Lưu Cầu được hành sử như một quốc gia độc lập. Còn Mạc phủ Edo thì vì lý do chính trị cũng không xem đấy là vấn đề.

    Mậu dịch triều cống như đã có lần giải thích trong Phần 2 là hình thức trả lễ của Thanh triều cho một quốc gia đến tiến cống mình và qua đó, chấp nhận phận thần tử.Vì lý do đó, dưới thời Edo, có thể nói Lưu Cầu chịu một cổ đôi tròng, một bên phụ thuộc vào nhà Thanh, một bên vào Nhật Bản (Mạc phủ Edo và phiên Satsuma).

    Nay nếu nhà Thanh khứng chịu bồi thường chiến phí cho Nhật Bản thì có thể xem như họ đã mặc nhận Lưu Cầu là một phần lãnh thổ Nhật Bản. Nghĩ thế, chính phủ Nhật Bản cho là thời cơ đã đến, bèn đặt phiên Lưu Cầu (Ryuukyuu) dưới sự quản hạt lần này của Bộ nội vụ. Sang năm sau, họ bắt phiên ấy phải cắt đứt quốc giao với Thanh triều (vốn vẫn tồn tại cho đến lúc đó). Thế rồi năm 1879 (Meiji 12), với áp lực của cảnh sát và quân đội, họ phế bỏ phiên Lưu Cầu, biến nó thành tỉnh (huyện) Okinawa. Như thế Lưu Cầu trở thành lãnh thổ Nhật Bản. Điều này sử gọi là Ryuukyuu shobun (Lưu Cầu xử phân) hay việc "dàn xếp" đề Lưu Cầu trở thành đất Nhật. Dĩ nhiên, đó là chuyện giữa các ông lớn, chứ người dân Lưu Cầu thấp cổ bé miệng, nào có tiếng nói.

    Tuy vậy, Thanh triều dễ gì để cho Nhật Bản xem Lưu Cầu là của riêng. Sau đó, họ đã đề nghị cắt Okinawa ra làm hai và đòi Nhật Bản nhường cho mình một nửa.Rõ ràng là Lưu Cầu cũng từng xưng thần với Trung Quốc cho nên nhà đương cục Nhật Bản đã dợm đồng ý, có lúc bắt đầu nghiên cứu nghiêm chỉnh phương án này. Thế nhưng sau đó có nhiều biến chuyển chính trị và quân sự xảy ra làm cho không ai nhắc tới đề nghị nói trên nữa. Ngày nay, tỉnh Okinawa được xem như phần đất cực tây của nước Nhật.

    Ngoài vùng biên cảnh đó, những nơi khác thì sao?

    Quần đảo Ogasawara (Tiểu Lạp Nguyên) được xem như phần đất cực nam của Nhật Bản. Vào buổi đầu thời Sengoku (1467-1568) trên đảo không có ai. Đó là những hoang đảo. Vào lúc đầu thời Edo (năm 1603 trở đi), mạc phủ đã cho người ra ngoài đó khai thác nhưng rốt cuộc thất bại quay về.

    Đến thế kỷ 19, hình như Anh và Mỹ đã đưa người đến đấy sống và cả hai nước đều ra tuyên ngôn quần đảo là lãnh thổ của mình. Sau cuộc Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản mới lập phương án để giành lấy nó cho mình nên từ năm 1875 (Meiji 8) đã bắt đầu khai phá vùng đó. Họ khiến cư dân trên đảo phải nhìn nhận đảo là lãnh thổ của Nhật bằng cách qua năm sau, đặt nó dưới sự quản hạt của Bộ nội vụ, tuyên cáo việc ấy với liệt cường. Vì không thấy quốc gia nào lên tiếng phản đối, kể từ đó, quần đảo Ogasawara cứ như thế mà trở thành lãnh thổ Nhật Bản.

    Riêng đối với phần lãnh thổ ở phương bắc, tân chính phủ tiếp tục tôn trọng những điều khoản đã ký trong hiệp ước với ngừời Nga mang tên Nichiro washin jôyaku (Nhật Lộ hòa thân điều ước. Lộ (Russia) là từ Hán mà người Nhật dùng để chỉ nước Nga.

    Điều nói trên có nghĩa là phần đất từ đảo Etorofu (Trạch Tróc) trở về nam là lãnh thổ Nhật Bản, từ đảo Uruppu (Đắc Phủ) trở lên mạn bắc là đất Nga. Duy đảo Karafuto (Hoa thái đảo = Sakhalin) thì nhân vì người dân hai nước sống tạp cư, lẫn lộn vào nhau nên hai bên đồng ý không đặt biên giới, để cho mọi người có thể đi lại và sinh hoạt tự do trên đó.

    Tuy vậy đến đầu thời Meiji thì người Nga tích cực sang sinh cơ lập nghiệp trên đảo Karafuto. Điều này đưa đến việc là người Nhật chỉ còn cách từ bỏ việc giành chủ quyền trên đảo và nó đã trở thành đề tài tranh luận giữa các nhân vật trong nội các. Có người đề nghị nên bỏ tiền ra (khoảng 200 vạn Yen) để mua đứt hòn đảo (mua bán đất đai mới chiếm được là thông lệ thời ấy, ngay cả giữa Anh, Pháp, Mỹ...). Thế nhưng rốt cuộc, ý kiến cho rằng chỉ nên dồn sức vào việc khai thác Hokkaidô chứ đừng quá ôm đồm đã thắng. Vì thế việc bỏ rơi Karafuto đã được mọi người chấp thuận.

    Chính phủ bèn gửi Enomoto Takeaki ("Hạ" Bản , Vũ Dương, 1836-1908) làm đặc sứ toàn quyền sang Nga thương thuyết. Năm 1875 (Meiji 8), hai bên đã ký kết Hiệp ước trao đổi đảo Karafuto (Hoa thái) để lấy chùm đảo Chishima (Thiên đảo). Như thế, Nhật Bản trao cho người Nga hoàn toàn quyền lợi về đảo Karafuto, và bù vào việc đó, chùm đảo Chishima tất cả sẽ thuộc về Nhật Bản.

    Như thế chúng ta đã biết vào đầu thời Meiji, vấn đề biển đảo đã được ấn định như thế nào, nhưng dĩ nhiên nó không ngừng lại đó [15].

    Năm mà Nhật Bản ký kết Hiệp ước trao đổi Karafuto lấy Chishima cũng là năm mà chính phủ gửi một sứ bộ sang Triều Tiên đòi nước này phải mở cửa biển. Thế nhưng việc thương thảo bất thành và Nhật Bản bắt đầu gửi chiến hạm của mình đến bờ biển Triều Tiên, dùng võ lực gây sức ép để mọi việc được tiến hành cho chóng vánh

    Như thế, chiến hạm Un.yô (Vân Dương) đã tiến gần hải phận Triều Tiên. Mượn tiếng thao diễn, họ mở nhiều cuộc pháo kích, và cũng lấy danh nghĩa điều tra đường biển, họ lảng vảng ở hải phận nước này. Rõ ràng là hành động uy hiếp và khiêu khích.Vào tháng 9 cùng năm, chiến hạm Un.yô tiếp cận đảo Kanfuado (Giang Hoa đảo, Kôkatô trong tiếng Nhật). Đảo Giang Hoa vốn là một thành lũy thiên nhiên quan trọng để bảo vệ thủ đô Seoul (Hán Thành). Không những chọn chỗ này mà đến, hạm trưởng chiếc Un.yô còn phái các thuyền con đến sát bên đảo, vờ bảo là đi xin nước uống. Hành động như vậy mà họ chẳng cần báo trước với người bản xứ. Chỉ có thể xem đây là một sự khiêu khích mà thôi.

    Thế nhưng, lính Triều Tiên giữ đảo lại rơi vào tròng. Từ pháo đài trên đảo, họ đã bắn mấy phát súng lớn vào những chiếc thuyền con.Hạm trưởng bèn quay trở lại chiến hạm và hạ lệnh bắn trả pháo đài nói trên. Nhân vì thấy khó lòng chiếm được đảo Giang Hoa nên chiến hạm bèn đi qua bên cạnh, phá hoại pháo đài của thành Vĩnh Tông gần đó rồi cho quân lên chiếm hòn đảo nơi có ngôi thành ấy. Cuộc xung đột nói trên được mệnh danh là Kôkatô jiken (Giang Hoa đảo sự kiện).

    Nhật Bản nhân có sự kiện ấy mới lấy cớ là để bảo vệ Nhật kiều đang sinh sống trên đất Hàn, gửi sứ tiết kèm theo 6 chiến hạm đến Triều Tiên. Với sức mạnh quân sự làm hậu thuẫn, họ cưỡng chế Triều Tiên phải mở cửa biển với luận điệu: "Nếu chịu lập điều ước mở cửa cho người Nhật thông thương thì Nhật Bản sẽ không đòi hỏi Triều Tiên phải có trách nhiệm bồi thường về những gì xảy ra trên đảo Giang Hoa".

    Cách ăn nói kiểu này có giống ai chăng? Đúng thế, nó không khác gì lối đối xử hàm hồ của Đề đốc M. Perry đối với Nhật Bản cách đó không lâu (1853-54)! Thì ra chính phủ đã hành động ngang ngược một cách có ý thức chứ không phải tình cờ.

    Trước sự cứng rắn không khoan nhượng của phía Nhật, Triều Tiên đã ký Nhật Triều tu hiếu điều qui (Nicchô shuukô jôki) vào năm 1876 (Meiji 9).

    Hãy thử nhìn vào những điểm chính trong nội dung hiệp ước:

    Trước tiên điều 1 bắt đầu bằng câu nói "Triều Tiên là một đất nước có chủ quyền". Thế nhưng không phải thương yêu gì Triều Tiên mà Nhật Bản đặt câu đó trong điều 1 của văn bản. Thâm ý của họ là nếu Triều Tiên là một nước có chủ quyền thì nó sẽ giống như Lưu Cầu nghĩa là không phải thuộc quốc của Thanh triều, và như thế, Nhật Bản sẽ dễ bề chặt mất đi mối liên hệ triều cống nhà Thanh của Triều Tiên xưa nay và có thể can thiệp để loại hết thế lực của nhà Thanh trên đất nước Triều Tiên, đặt họ dưới sự kiểm soát của mình.

    Điều ước còn qui định rằng Busan (Phủ Sơn) và hai cảng khác của Triều Tiên là Inchon (Nhân Xuyên) và Wonsan (Nguyên Sơn) sẽ được mở cửa. Điều ước cũng ghi nhận việc Nhật được hưởng quyền lãnh sự tài phán và miễn trừ quan thuế. Đó là một điều ước bất bình đẳng. Xưa liệt cường o ép Nhật Bản làm sao thì Nhật Bản o ép Triều Tiên y như vậy.

    Người ta tự hỏi chẳng lẽ không có nước nào lên tiếng chỉ trích thái độ của Nhật hay sao? Dĩ nhiên có chứ. Nước ấy là Mỹ. Tuy nhiên, câu trả lời của Nhật lúc đó là : "Đến phiên tôi làm những điều gì trước đây các ông từng buộc tôi phải làm thôi!". Mỹ đành ngậm miệng. Nhưng kỳ lạ hơn nữa là nhà Thanh, nước xưa nay vẫn cho mình cái quyền bảo hộ Triều Tiên, cũng im miệng nốt. Có lẽ Thanh triều thấy không có lợi để làm to ra sự việc này. Trước tiên vì họ yếu sức nên không muốn sự kiện đảo Giang Hoa trở thành một cái cớ để cuộc chiến tranh tranh đoạt Triều Tiên giữa họ là Nhật Bản bùng nổ. Do đó, trước khi vụ đảo Giang Hoa xảy ra, nhà Thanh đã từng khuyên Triều Tiên rằng tiếc chi mà không mở cửa cho Nhật. Còn như liệt cường thì lúc đó chẳng mong gì có chuyện rắc rối ở vùng Cực Đông và chỉ muốn vụ đảo Giang Hoa được dàn xếp bằng biện pháp hòa bình.

    6.3 Cuộc nổi loạn của giới sĩ tộc bất mãn:

    Thử trở lại nhìn nội tình của Nhật Bản. Năm Nhật Triều ký hiệp ước hòa thân ( 1876, Meiji 9) cũng là năm mà trong nước Nhật, xảy ra cuộc nổi loạn của giới sĩ tộc bất mãn (Fuhei shizoku no ran).

    Nguyên nhân trực tiếp của cuộc nổi loạn là lệnh cấm đeo kiếm ra đường (Haitôrei = Phế đao lệnh) ban hành cùng năm 1876. Ngoại trừ quân nhân và cảnh sát, kể từ lúc ấy mọi người phải tuân thủ mệnh lệnh không được đeo kiếm ra đường.

    Chính phủ đang cố gắng đưa nước Nhật tiến lên con đường trở thành một quốc gia cận đại. Do đó việc cấm mang đao kiếm, ngoài mục đích duy trì trị an còn cấm dân chúng kè kè thanh kiếm bên hông ngoài đường. Như thế, họ sẽ tạo ra một quang cảnh kém văn minh nếu không nói là dã man, chẳng xứng đáng với tư cách công dân của một quốc gia tiên tiến. Nhân vì người nước ngoài cũng hết sức lên tiếng chê bai nên cuối cùng, chính phủ đã quyết tâm dứt điểm vấn đề trên nghĩa là ban bố Phế đao lệnh.

    Tuy vậy, đối với người võ sĩ như giới sĩ tộc thì thanh kiếm là linh hồn của họ. Phủ định cái linh hồn ấy là làm tổn thương người võ sĩ. Pháp lệnh cấm mang kiếm là giọt nước tràn bình, đã làm bục cái bọc đầy ứ những bất mãn mà họ mang nặng trên người bấy lâu nay. Do đó, họ đã quyết tâm nổi dậy.

    Ở phần đất cực nam trên đảo Kyuushuu, trong thành phố Kumamoto (Hùng Bản), có một tổ chức gọi là Keishintô (Kính thần đảng). Thành viên của họ đều là người hô hào nhuơng di (đuổi người nước ngoài). Họ là những sĩ tộc bất bình trước những biện pháp đổi mới, Âu hoá của chính phủ, và chủ trương trở lại cái thời trước đó. Khi vừa nghe có lệnh cấm đeo gươm, có người tên Ôtaguro Tomo.o (Thái Điền Hắc, Bạn Hùng) đã cùng trên một trăm đồng chí tấn công Kumamoto chindai (trấn đài) tức nha cảnh sát của chính phủ đặt ở trong thành Kumamoto, giết quan tỉnh trưởng (kenrei = huyện lệnh) và trưởng quan chỉ huy nha cảnh sát, tập kích cả trại lính.

    Loạn của Kính thần đảng (cũng gọi là Shinpuuren = Thần phong liên) có sự hô ứng của một nhóm khác, đông cỡ trên hai trăm người, gọi là Thu nguyệt đảng (Akizukitô) do hai nhân vật Iso Atsushi (Cơ, Thuần) và Miyazaki Shanosuke (Cung Kỳ, Xa Chi Trợ) cầm đầu. Đảng Thu nguyệt tụ họp những thành phần cựu sĩ tộc của phiên Akizuki (Thu Nguyệt), một nhánh nhỏ của phiên Fukuoka trên đảo Kyuushuu. Họ là những người chủ trương phải có một quốc gia hùng mạnh (quốc quyền luận) và ủng hộ chính sách xâm chiếm Triều Tiên (Chinh Hàn luận). Họ cực lực phản đối việc chính phủ muốn giải thể tập đoàn sĩ tộc. Cùng chia sẻ lối suy nghĩ của Thu nguyệt đảng là Maebara Issei (Tiền Nguyên, Nhất Thành), từng giữ chức sangi (tham nghị) trong chính phủ. Ông này cũng họp được trên ba trăm đồng chí vốn là phiên sĩ của Chôshuu. Ông cũng nổi lên ở thành phố Hagi (tỉnh Yamaguchi, cực nam đảo Honshuu), để hiệp đồng với Kính thần đảng. Sử chép đó là Loạn ở Hagi (Hagi no ran).

    Chính phủ bèn phái ngay quân triệt để dẹp ngay 3 cuộc loạn nói trên và đã thành công. Thế nhưng chính phủ cũng hiểu rằng dẹp được ba nhóm đó không có nghĩa là hoàn toàn dập tắt ngòi lửa chống đối của giới sĩ tộc. Bởi vì hãy còn có Saigô Takamori ở Kagoshima và những đồ đệ của ông ở một trường huấn luyện quân sự tên là Shigakkô (Tư học hiệu) nơi qui tụ những sĩ tộc bất mãn.

    Sau khi Chinh Hàn luận nếm mùi thất bại và phải về vườn, Saigô Takamori rút xuống Kagoshima (phiên Satsuma cũ), nơi ông phát tích. Năm 1874 (Meiji 7), ông thành lập Tư học hiệu. Trước tiên, trường này chỉ nhận học viên là giới sĩ tộc cùng quê quán Kagoshima với ông và cũng bỏ về xứ như ông thôi. Thế nhưng những người ở ngoài địa phương Kagoshima cũng đùn đùn kéo tới xin học, và có lúc số môn sinh lên đến 3 vạn người.Điều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là tuy trường của Saigô Takamori chỉ là một "Tư" học hiệu nghĩa là trường của một phe nhóm riêng, thế mà tiền bạc dùng vào việc vận doanh nó đã được tỉnh Kagoshima cung cấp cho.Lý do là viên tỉnh trưởng (huyện lệnh) tên Ôyama Tsunayoshi (Đại Sơn, Cương Lương) là người thông cảm được lập trường của ông. Hơn nữa phải nói là ở Kagoshima, Saigô rất được lòng dân chúng.Họ coi ông như thánh sống, không cần nói tên, chỉ gọi ông là Sensei (Tiên sinh).

    Tỉnh trưởng Ôyama Tsunayoshi không những chu cấp lương tiền cho nhà trường mà còn bổ nhiệm các môn sinh xuất thân ở đó vào những chức vụ hành chánh và cảnh sát trong tỉnh. Như thế cả tỉnh Kagoshima đã bị người của Tư học hiệu nắm. Họ không còn nhận mệnh lệnh hay thông đạt của chính phủ trung ương mà hành sử như quốc gia độc lập, triều đình riêng một góc trời.

    Đương thời, người có quyền hành lớn nhất trong chính phủ là Ôkubo Toshimichi. Ông vừa là bạn thân, vừa là người đồng hương với Saigô Takamori. Kagoshima cũng là nơi ông xuất thân, có nhiều gắn bó. Trước tình thế oái ăm này, ông rất cay đắng nhưng trong thời gian đầu, phải điềm nhiên tọa thị. Đành lòng mặc nhận sự thể ấy chỉ vì Ôkubo Toshimichi lo rằng bất cứ hành động nhỏ nhoi nào từ phía chính phủ đều có thể kích thích sĩ tộc nổi loạn. Khi Saigô Takamori rời chính phủ, quân đội nhà nước vừa mới thành lập, không thể nào địch lại các đơn vị sĩ tộc xuất thân từ Kagoshima vốn đã từng chiến đấu dày dạn bên cạnh triều đình trong cuộc thảo mạc năm Mậu Thìn (Boshin sensô). Ôkubo thừa biết điều đó.

    Ba năm sau khi Tư học hiệu ra đời, năm 1877 (Meiji 10), đột nhiên Saigô Takamori tuyên bố "có việc cần chất vấn chính phủ". Thế rồi ông lãnh đạo một lực lượng mà nồng cốt là những môn sinh của Tư học hiệu, bắt đầu hành động. Trước hết ông xua quân đi tấn công thành Kumamoto (17 tháng 2). Cuộc chiến tranh Tây Nam (Seinan sensô) đã bắt đầu như vậy.

    Nghĩ rằng với một lực lượng mạnh như của ông, Saigô sẽ san phẳng thành Kumamoto một cách dễ dàng là sai lầm. Quân của phủ trấn đài phòng thủ giỏi hơn là chúng ta tưởng. Nhờ họ cầm chân địch ( 22 tháng 2 đến 14 tháng 4) mà quân của chính phủ gửi xuống xuất phát từ Ôsaka hôm 24 tháng 2 mới có thời giờ đổ bộ lên đảo Kyuushuu (19 tháng 3). Cuộc xung đột giữa hai bên từ đó trở thành toàn diện.

    Trận kịch chiến đáng nhớ nhất đã xảy ra ở vùng Tabaruzaka (Điền nguyên phản), một con dốc nằm ở phiá bắc tây Kumamoto, từ ngày 4 đến 20 tháng 3 năm 1877. Trung bình mỗi ngày họ bắn hơn 3 vạn phát súng. Quân chính phủ tham gia chiến dịch Tây Nam phần lớn xuất thân nông dân. Về mặt võ khí đạn dược thì quân chính phủ hoàn toàn chiếm ưu thế nhưng họ cũng hơi kinh sợ lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu của sĩ tộc Kagoshima. Lúc bấy giờ, chính phủ mới nghĩ ra một kế hoạch tác chiến mới. Tức là họ chiêu mộ ...các lớp sĩ tộc khác để đối phó lại. Mắt trả bằng mắt, răng bằng răng. Để cho hai bên sĩ tộc đâm chém lẫn nhau, chính phủ còn có cái lợi là làm yếu đi sức mạnh của tầng lớp này. Một công đôi việc.

    Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao có những sĩ tộc lại nhận lời theo phe chính phủ để chống lại giai cấp của mình? Thực ra họ còn tham gia đông đảo nữa kia, chỉ vì miếng cơm manh áo chứ không vì lý tưởng gì cả. Đang ở trong cảnh thất nghiệp, túng đói, họ bị đồng lương cao của chính phủ quyến rũ nên sẳn sàng gia nhập đoàn quân đánh thuê. Hơn nữa, trong đám họ có rất nhiều sĩ tộc xuất thân miền Tôhoku (Đông Bắc). Chúng ta còn nhớ trong trận chiến tranh năm Mậu Thìn (Boshin, 1868) sĩ tộc vùng Tôhoku đặc biệt phiên Aidzu đã bị sĩ tộc của liên quân Satchô (Satsuma và Chôshuu) - bộ đội chủ lực của quan quân triều đình - đánh cho thua liểng xiểng và hãy còn mang mối hận lòng sâu sắc. Theo chính phủ lần này, họ có cơ hội phục thù kẻ cừu địch cũ là giới sĩ tộc Kagoshima (Satsuma).

    Trong đám sĩ tộc Tôhoku có một bộ đội tinh nhuệ gọi là Battôtai (Bạt đao đội), nhiệm vụ họ là đi tiên phong, tuốt gươm (bạt đao) xông vào trận địch. Sử dụng đao kiếm thành thạo như họ không phải là sở trường của đám nông dân nay đã trở thành bộ phận chính của quân chính phủ. Nhờ có sự phấn đấu của nhóm quân sĩ tộc vùng Tôhoku này mà phía chính phủ đã giành được nhiều thắng lợi và cuối cùng, chỉ nửa năm sau, sĩ tộc Kagoshima đã hoàn toàn thất bại. Saigô Takamori tự sát. Loạn sĩ tộc bất mãn từ đó mới yên.

    Cớ sao vào năm 1877 (Meiji 10), Saigô Takamori đã đột ngột cử binh như vậy? Để trả lời, chúng ta có thể nghĩ rằng, thật ra ông không hề có ý định khởi binh. Chẳng qua, ông đã bị phía chính phủ khiêu khích và đẩy ông vào cái thế chẳng đặng đừng.

    Chính phủ không những phái cảnh sát mật đến Kagoshima để ám sát Saigô mà còn bất chợt gửi những đoàn thuyền chạy bằng hơi nước mang võ khí đạn dược xuống các vùng trên đảo Kyuushuu, khênh hàng hóa qua lại như thể chọc vào mắt của người dân địa phương. Liên tiếp có những hành động khiêu khích như vậy, họ đã làm cho đám môn sinh ở Tư học hiệu nổi dóa, đưa đến việc tổ chức cướp phá các kho võ khí và xưởng đóng thuyền trong tỉnh.

    Rõ ràng đây là chứng cứ của hành động chống đối chính phủ giữa thanh thiên bạch nhật và không còn lý do để biện bạch được nữa. Nếu không cử binh thì cũng bị đánh mà thôi. Phía sĩ tộc qua Saigô đã quyết định ra tay trước.

    Có lẽ sau khi bình định được 3 nhóm sĩ tộc bất mãn trước đây, chính phủ bắt đầu có tự tín là cũng sẽ thành công đối với Saigô. Huống chi, chính phủ trung ương không thể nào giương mắt nhìn cảnh Kagoshima đang có cơ trở thành một quốc gia độc lập. Để như thế thì cái mầm tai hại sẽ rất lớn nếu nó lan ra các vùng khác. Dù nói thế nào đi nữa, kể từ khi chiến tranh Tây Nam cáo chung, không còn thấy có một cuộc nổi loạn nào khác từ phía sĩ tộc bất mãn.

    Đến đây, có thể nói là cơ sở của cuộc Duy Tân đã tạm ổn định. Chính tuổi trẻ đã làm nên cuộc Duy Tân này. Nếu nhìn tuổi tác của những nhà lãnh đạo (leaders) và những nhà hoạt động (activists) (từ 27 đến 45) vào thời Đại chính phụng hoàn (kể cả những người chết sớm và trong giả thuyết họ đều sống ít nhất đến năm 1867) thì ta sẽ rõ:
    Liệt kê tên tuổi những người ảnh hưởng đến cuộc Duy Tân[16]
    Tên họ Xuất thân Năm sinh Năm mất Tuổi (năm 1867)
    Katsu Kaishuu Mạc thần 1823 1899 45
    Ômura Masujirô Chôshuu 1824 1869 44
    Iwakura Tomomi Công khanh 1825 1883 43
    Yamauchi Toyoshige Tosa 1827 1872 41
    Saigô Takamori Satsuma 1827 1877 41
    Ôkubo Toshimichi Satsuma 1830 1878 38
    Yoshida Shôin Chôshuu 1830 1859 38
    Kido Takayoshi Chôshuu 1833 1877 35
    Hashimoto Sanai Echizen 1834 1859 33
    Sakamoto Ryôma Tosa 1835 1867 33
    Inoue Kaoru Chôshuu 1835 1915 33
    Enomoto Takeaki Mạc thần 1836 1908 32
    Tokugawa Yoshinobu Shôgun 1837 1913 31
    Sanjô Sanetomi Công khanh 1837 1891 31
    Gotô Shôjirô Tosa 1838 1897 30
    Yamagata Aritomo Chôshuu 1838 1922 30
    Takasugi Shinsaku Chôshuu 1839 1867 29
    Itô Hirobumi Chôshuu 1841 1909 27

    Nguồn: Theo Shôsetsu Nihonshi Kenkyuu (Yamakawa xb), tr.336.

    ***
     ----------------------
    [1] - Phim dã sử một phần dựa vào sự tích của viên tướng người Pháp Jules Brunet, lúc đó mới là một đại úy. Đạo diễn Edward Zwick, chủ diễn Tom Cruise (vai nhân vật hư cấu Đại úy người Mỹ Nathan Algren).

    [2] - Xin chú ý đến tính cách "xa xôi" về vị trí địa dư của họ (nam, cực nam). Chính vì không được xem là thân cận với nhà chúa mà họ sớm đứng về phía Thiên hoàng.

    [3] - Trong tiếng Nhật, "tỉnh" để chỉ một bộ trong chính phủ (ministry, department). Cách dùng này có bên Trung Quốc từ đời Đường. Tỉnh như một đơn vị hành chính (province) có lẽ có từ đời Nguyên và đến từ chữ "hành tỉnh" nguyên là bộ chỉ huy các quan lại địa phương. Huyện (prefecture) thì có từ đời Xuân Thu Chiến Quốc. Lúc đó nhiều nước (tiểu quốc = state) tan rã, bị các nước lớn phối trí lại thành huyện.

    [4] - Có một giai đoạn, Tôkyô được gọi là Tôkei (Đông kinh) để đối lại Kyôto như là Saikei (Tây kinh) nhưng lối mệnh danh này không bao giờ được dùng chính thức và đã rơi vào quên lãng.

    [5] - Tuy mặt chữ Hán là Cụ nhưng Tomo có nghĩa như Câu (theo Hán Từ Hải)

    [6] - Theo Story Nihon no rekishi, Yamakawa xuất bản, tr. 10-13.

    [7] - Unetani Noboru, 2007, Oyatoi gaikokujin, Kôdansha gakujutsu bunko xuất bản, Tokyo.

    [8] - William Smith Clark (1826-1886), nguyên đại tá trong Nội chiến Nam Bắc (The Civil War), là nhà giáo dục người Mỹ được Nha Kaitakushi mời đến Nhật, lên Hokkaidô dạy ở trường canh nông Sapporo (SAC) vào năm 1867 (Meiji 9). Với đức tin Ki-tô giáo, ông có công cảm hoá giới trẻ ở Hokkaidô, khuyên họ nuôi chí lớn.

    [9] - Shôsetsu Nihonshi zuroku (Tường thuyết Nhật Bản sử đồ lục), Yamakawa xuất bản, tr.210.

    [10] - Tường thuyết Nhật Bản sử đồ lục, Yamakawa xuất bản, tr. 235.

    [11] - Quyền lãnh sự tài phán cho phép lãnh sự một nước căn cứ trên pháp luật của nước mình để xét xử một người dân nước mình đang cư ngụ và bị nghi là phạm tội dân sự hoặc hình sự trên một quốc gia khác.Vào thế kỷ 19, nó được đặt ra trong mối quan hệ bất tương xứng giữa các nước Âu Mỹ đối với các nước Á Phi nhưng ngày nay hầu như bị bãi bỏ.

    [12] - Tham nghị không chỉ đơn thuần dịch là cố vấn (councilor) nhưng là một tên một chức vụ có tính lịch sử. Theo quan chế thời Meiji, nó là những ông quan chính tam phẩm là trong Chính viện của Thái Chính Quan, cơ quan đầu não của nhà nước thiết lập năm 1869 (Meiji 2). Chức với nội dung nói trên bị bãi bỏ năm 1885 nhưng trở lại vào năm 1937 (Nội các Konoe) và lúc đó mới có ý nghĩa thông thường là người tư vấn cho chính phủ.

    [13] - Sĩ tộc (shizoku) nói chung là samurai nhưng thuộc tầng lớp cao, cỡ sĩ quan. Cấp dưới tham gia chiến đấu như lính thì có sotsu (tốt).Gọi chung là shisotsu (sĩ tốt).

    [14] - Shôsetsu Nihơnshi zuroku (Tường thuyết Nhật Bản sử đồ lục) , Yamakawa xuất bản, tr.202..

    [15] - Vì biển đảo là một vấn đề thời sự quan trọng, nó sẽ được triển khai trong Phần IV, chương cuối cùng của quyển sách này (Chương vĩ thanh = Epilogue) với nhan đề: Di sản lịch sử và ước vọng tương lai.

    [16] - Có lẽ tác giả tính theo lối Á Đông (tuổi mụ = tuổi thường +1) vì theo niên hiệu của Nhật? Hai người có tên trên bảng nhưng lại ít được nhắc đến trong quyển sách này là Ômura Masujirô (nguyên Thứ trưởng bộ Binh, bị tàn đảng sĩ tộc ám sát vào năm 1869) và Hashimoto Sanai (bạn đồng chí của Yoshida Shôin, cũng bị chém đầu như ông trong vụ Đại ngục năm Ansei năm 1859, lúc mới 25 tuổi).
     


    [ trang trước  ] / [ trang sau  ]