Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]               [ Tác giả ]



Đời Văn Chương Của Akutagawa Ryunosuke

 ( tiểu sử )

Nguyễn Nam Trân 

- 1892 (1 tuổi) sinh ở Irifune (Tokyo), trưởng nam nhà Niihara. Mẹ phát cuồng, về làm con nuôi cho cậu là Akutagawa Michiaki, một văn nhân.

- 1898 (7 tuổi) học tiểu học. Học giỏi. Đã biết làm thơ Haiku.

- 1902 (14 tuổi) mẹ ruột chết. Cùng bạn đồng lứa lập tạp chí văn chương. Thích đọc các tác giả Nhật Bản thời Edo (Chikamatsu, Bakin, Ikku, Sanba) và hiện đại (Koyo, Rohan, Ichiyo, Ogai) và truyện Trung Quốc (Tây du, Thủy hử).

- 1910 (19 tuổi) tốt nghiệp trung học với bằng khen. Nhập học văn khoa trường Ikko (Dự bị Đại học) miễn thi. Quen biết với Kume Masao, Kikuchi Kan, Yamamoto Yuzo... những bạn đồng song và chung chí hướng.

- 1911 (20 tuổi) nội trú ở cư xá Hongo trường Đại học Đông Kinh. Nổi tiếng thông minh. Làm quen với tác phẩm của Auguste Strindberg, Annatole France, Henri Louis Bergson, Rudolf Eucken.

- 1913 (22 tuổi) tốt nghiệp Ikko đứng thứ hai trong số 27 người. Vào khoa Anh, nuôi mộng sáng tác.

- 1914 (23 tuổi) cùng với các bạn Kume, Kikuchi, Yamamoto... tái bản (lần thứ 3) tạp chí Shinshicho. Ra mắt Tuổi già (Ronen) và vở kịch Tuổi xuân và cái chết (Seinen to shi). Chính ra đã viết tùy bút Nước dòng sông Cái (Okawa no mizu) 2 năm về trước (1912).

- 1915 (24 tuổi) viết Mặt nạ hyottoko [1]  (Hyottoko), cho đăng La Sinh môn (Rashomon). Gặp gỡ Natsume Soseki, từ đó hay lui tới học hỏi.

- 1916 (25 tuổi) tái bản (lần thứ 4) tạp chí Shinshicho. Cho đăng Cái mũi (Hana). Viết luận văn tốt nghiệp về William Morris, đỗ hạng 2 trên 20 người. Trong năm, lần lượt đăng tải đó đây Cháo khoai (Imogayu), Chiếc mùi soa (Hankechi), Địa ngục cô độc (Kodoku Jigoku), Cha (Chichi), Chấy rận (Shirami ), Hy vọng (Kibo)Sâu rượu (Sake no mushi), Con nộm Noroma [2] (Noromatsu Ningyo), Khỉ (Saru), Căng buồm (Shuppo), Thuốc lá và con quỷ (Tabako to Akuma), Cái ống điếu (Kiseru).

- 1917 (26 tuổi) cho ra đời tập truyện ngắn đầu tiên La Sinh môn (Rashomon), và tập thứ hai mang tên Thuốc lá và con quỷ (Tabako to Akuma). Cùng năm, cho in Bản tường trình của Ogata Ryosai (Ogata Ryosai oboegaki), Số mệnh (Un), Hỏi đạo tổ sư (Doso Mondo), Trung nghĩa (Chugi), Ghi chép về một đám tang (Sogiki), Bọn đạo tặc (Chuto), Người Do Thái lang thang (Samayoeru Yudajin), Một ngày kia trong đời O-ishi Kuranosuk (Aruhi no O-ishi Kuranosuke) ", Hứng Sáng Tác (Gesaku Zammai).

- 1918 (27 tuổi), đầu năm, cưới cô Tsukamoto Fumi. Định cư ở Kamakura, bỉnh bút cho nhật báo Osaka Mainichi. Theo học haiku với Takahama Kyoshi (1874 - 1959), truyền nhân của Masaoka Shiki (1867 - 1902). Cùng năm ấy, đăng Tướng Tây Hương Long Thịnh (Saigo Takamori), Truyện đầu rơi (Kubi ga ochiru hanashi), Truyện về gã Yonosuke (Yonosuke no hanashi), Bóng tình yêu (Kesa to Morito), Địa ngục trước mắt (Jigokuhen), Sợi tơ nhện (Kumo no ito), Án mạng thời mới mở mang (Kaika no satsushin), Cái chết của một con chiên (Hokyonin no shi), Cánh đồng khô (Karenosho), Tà Tông Môn (Jashumon).

- 1919 (28 tuổi) cho ra mắt tập truyện ngắn thứ ba, Thầy tuồng múa rối (Kairai - shi). Từ chức giáo viên Anh văn ở trường Hải quân, ông chính thức gia nhập báo Osaka Mainichi nhưng đến sở hàng ngày mà chỉ đăng độc quyền mỗi năm một số truyện. Bố đẻ, Niihara Toshizo, chết, ông bỏ Kamakura dọn trở về nhà cũ vùng Tabata ở Tokyo, viết Hang quỷ đói (Gakikutsu). Năm ấy, tháp tùng Kikuchi Kan đi Nagasaki chơi nên chuyển qua những đề tài liên quan đến giai đoạn người ngoại quốc vừa tới Nhật. Viết Thầy Mori (Mori sensei) , Tôi hồi đó (Ano koro no jibun no koto), Truyện thánh Christopher (Kirishitohoro shoninden), Những chuyện tôi đã gặp: mấy trái quít, bãi lầy (Watakushi ga deatta koto: mikan, numachi), Trên đường (Rojo) , Con mụ phù thủy (Yoba). Thêm tập phê bình Nghệ thuật và những vấn đề khác (Geijutsu to sonota).

- 1920 (29 tuổi) Ra tập truyện thứ tư Đèn kéo quân (Kagedoro). Sinh trưởng nam Hiroshi (phiên âm Kan của tên bạn Kikuchi Kan đặt cho con). Viết Cậu bé thợ săn Jirokichi (Rokozo Jirokichi), Tiệc khiêu vũ (Butokai), Niềm tin (Bisei no shin), Mùa Thu (Aki), Thánh mẫu áo đen (Kurogoromo Seibo), Chúa Kito ở Nam Kinh (Nankin no Kito), Cậu bé Đỗ Tử Xuân (Toshishun), Bóng (Kage), Nàng O-Ritsu cùng lũ con (O-Ritsu to kodomo to).

- 1921 (30 tuổi) Ra tập truyện thứ tư Hoa nở về đêm (Yarai no hana). Cùng năm, theo đoàn đặc phái viên báo Osaka Mainichi viếng thăm Trung Quốc, đi từ Thượng Hải, xuống Giang Nam, ngược dòng Trường Giang lên Lô Sơn, qua Vũ Hán, thăm hồ Động Điønh, Trường Sa rồi lên Bắc Kinh.Tháng 7, lên đường về nước qua ngả Triều Tiên. Cho ra mắt Bức họa núi thu (Shuzanzu), Cuộn tranh vẽ kiếp lai sinh (Ojo emaki), Thượng Hải du ký (Jokai yuki), Mẹ (Haha), Đa tiønh (Koshoku).

- 1922 (31 tuổi) lại đi thăm Nagasaki. Tháng 5, cho ra tập tùy bút Điểm tâm (Tenshin) , tháng 8, tuyển tập Hoa thiêng Shara [3](Shara no hana), tháng 11, tập tiểu thuyết trung biên Tà Tông môn (Jashumon), coi như là phần tiếp theo của Jigokuhen. Sinh Takashi, con trai thứ. Lúc bấy giờ, sức khỏe của ông bắt đầu kém, có triệu chứng suy nhược thần kinh, thêm suy tim, rối loạn tiêu hóa vì lạm dụng thuốc ngủ. Khoảng thời gian này, viết Sư Tuấn Khoan (Shunkan); Bốn bề bờ bụi (Yabu no naka), Tướng quân (Shogun), Chiếc xe goòng (Torokko), Một truyện đền ơn (Ho - onki), Bà chúa Sáu (Roku no miya no himegimi), Chợ cá (Uogashi), Trinh tiết (O - Tomi no Teiso), Hoa loa kèn (Yuri).

- 1923 (32 tuổi) cho đăng liên tiếp Lời phát biểu của một người hèn kém (Shuju no kotoba) trên Bungei Shunju. Tháng 5, cho ra mắt tập truyện thứ 6 nhan đề Áo Tết (Shunfuku). Quen biết với vợ chồng Okamoto Kanoko và Hori Tatsuo, cả hai sau đều là nhà văn có tiếng. Đi thăm Kyoto và viết B à à à à (Obabababa), rồi Ba vật báu (Mitsu no Takara), Mấy con nộm (Hina), Trích sổ tay củaYasukichi (Yasukichi no techo kara), Bệnh của con (Kodomo no byoki), Cúi chào (Ojigi).

- 1924 (33 tuổi) Ra mắt tập truyện thứ bảy Gió Đông Nam (Kojakufu). Biên tập sách nói về văn chương Anh hiện đại (The modern series of English Literature) mất 8 tháng ròng. Ra tập tùy bút thứ hai Tạp thảo (Momokusa). Người chú chết, cậu em vợ thổ huyết, gây xúc động mạnh. Sức khỏe suy yếu dần. Trong năm viết Lời nhắn của cô dệt cửi (Itome oboegaki), Cục đất (Ikkai no tsuchi), Hòn đảo kỳ lạ (Fushigina shima), Cậu bé (Shonen), Cái lạnh (Samusa), Cuốn tiểu thuyết ái tình (Aru ren - ai shosetsu).

- 1925 (34 tuổi) Ra mắt Tuyển tập Akutagawa Ryunosuke. Con trai thứ ba Yasushi ra đời. Phát hành Chuyến đi Trung Quốc (Shina Yuki) và sáng tác Thời trẻ của Shinsuke chùa Daidoji (Daidoji Shinsuke no hansei) , Chân ngựa (Uma no kyaku), Tin tức từ trạm suối nước nóng (Onsendayori), Bên bờ biển (Umi no hotori). Có làm vài bài thơ nhưng vào thời điểm này, không những sức khỏe suy sụp mà hứng sáng tác cũng có vẻ cạn.

- 1926 (35 tuổi) Lại rối loạn tiêu hóa, suy nhược thần kinh phải lên suối nước nóng nghỉ ngơi. Cho phát hành tập tùy bút Ngựa, hoa mơ và chim cuốc (Uma, ume, hototogisu). Đăng Cây quạt Hồ Nam (Konan no uchiwa), Một ngày cuối năm (Nenmatsu no ichinichi), Người đất Việt (Etsubito) (gồm 25 bài thơ đối đáp), Nhớ chuyện xưa (Tsui - oku), Đêm xuân (Haru no yo), Sổ điểm danh những người đã khuất (Tenkibo), di cảo Điềm gỡ (Kyo).

- 1927 (36 tuổi) về lại Tabata. Người anh vợ tên Nishikawa Yutaka tự sát sau khi đốt nhà, để lại một món nợ to, ông phải chạy đông chạy tây lo thanh toán. Bút chiến với Tanizaki Jun - ichiro chung quanh quan điểm nghệ thuật. Tập truyện thứ 8 nhan đề Cây quạt Hồ Nam (Konan no Uchiwa) là tập truyện cuối cùng. Đêm 24 tháng 7 uống hai liều thuốc ngủ rất nặng, tự sát. Bên gối có đặt quyển Thánh Kinh. Để lại nhiều di thư cho thân nhân và bè bạn, trong đó có Thư gửi một người bạn cũ (Aru kyuyu e okuru tegami) viết cho Kume Masao. Ngày 27, đàn anh như Izumi Kyoka, bạn đồng lứa như Kikuchi Kan, lớp sau như Kojima Seijiro chung sức tổ chức tang lễ. Tác phẩm phát hành trước khi chết có Sơn trang Genkaku (Genkaku sobo), Ảo ảnh cuộc đời (Shinkiro), Hắn (Kare), Lại hắn (Kare daini), Biệt thự an nhàn (Yuyu - so), Xã hội thủy quái Kappa (Kappa), Dụ dỗ (Yuwaku), Nỗi u sầu của Taneko (Taneko no yu - utsu), Guồng Máy - Chương Đầu (Haguruma dai issho), Ba cánh cửa sổ (Mitsu no mado). Các di cảo được in trong năm gồm Hỏi và đáp trong bóng tối (Anchyu mondo), tiếp đó là Lời phát biểu của một người hèn kém (Shuju no kotoba), Guồng máy (Haguruma), Đời một chú ngốc (Aru aho no issho), Người phương Tây (Seiho no hito) và Tục biên - Người phương Tây Shoku Seiho no hito.

Tháng 11, Toàn tập Akutagawa Ryunosuke gồm 8 tập ra đời. Ngoài các tập luận thuyết văn học thì tùy bút cũng như các thi tập (mà ông viết với bút hiệu thơ Trừng Giang Đường) cũng được in lại.

Nguyễn Nam Trân


[1] Mặt nạ có mồm chu chu như ngườI đang thổi lửa. Mang lúc nhảy múa làm trò.

[2] Con nộm múa rối mà thầy tuồng Noroma Matsukampei dùng để diễn lần đầu năm 1670 ở Edo (Tokyo bây giờ)

[3] Trong kinh Phật, hoa nầy mọc ở vườn Kỳ Viên bên Thiên Trúc.

Tư Liệu Tham Khảo

1) Akiyama, Ken & Mikoshi, Yukio biên tập, Shin Nihon Bungakushi (Tân Nhật Bản Văn Học Sử), Bun - eido, Tokyo, 2000.

2) Donald Keene, Dawn to the West, Japanese Literature of the Modern Era, Volume 3 (Fiction), Clumbia University Press, NewYork, USA.

3) Oka Shohei, Kaisetsu (Trình bàsy về tác giả Akutagawa), Mi Miyoshi Yukio, Nenpyo (Mục lục các tác phẩm), Nihon no Bungaku 29 Akukagawa Ryuunosuke, 1964. Chuo Koron tái bản lần thứ 44 năm 1979.

4) Tomita, Hitoshi, Tozai bungaku no setten " Điểm tiếp xúc của văn học Đông - Tây ", Đại học Waseda, Tokyo, 1991.

5) Uno Koji, Akutagawa Ryunosuke, tập1 và 2, Chuo Bunko, Tokyo, 1975.
 



Trở Về   ]