Chim Việt Cành Nam     Trở Về  ]          [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]

Tiếng sáo mùa anh đào trổ lá
Nguyên tác : Hazakura to mateki của Dazai Osamu

Người dịch : Quỳnh Chi

Bà cụ ấy kể rằng...

Cứ mỗi độ hoa anh đào tàn rụng rồi cây anh đào ra lá, tôi thường nhớ lại chuyện xảy ra cách đây đã ba mươi lăm năm trước, khi cha tôi còn sống. Cả gia đình tôi, - tuy nói là cả gia đình nhưng lúc ấy mẹ tôi đã qua đời từ bảy năm trước, lúc tôi mười ba tuổi - chỉ còn lại ba người, gồm cha tôi với tôi và cô em gái. Năm tôi mười tám tuổi, em gái tôi mười sáu, cha tôi được bổ làm hiệu trưởng một trường trung học, ở một thành phố cổ kính có khoảng hai vạn dân trong tỉnh Shimane nằm trên bờ biển Nhật bản. Vì không thuê được ngôi nhà nào đàng hoàng, chúng tôi đành thuê hai căn phòng ở sân sau, trong khuôn viên một ngôi chùa dựng lẻ loi cách xa thành phố, gần chân núi, và ở đấy khoảng sáu năm, đến khi cha tôi phải thuyên chuyển về trường trung học Matsue. Tôi lập gia đình là vào khoảng sau khi tới Matsue, vào mùa thu năm tôi hai mươi bốn tuổi. Thời bấy giờ lấy chồng vào tuổi ấy là đã ế muộn.

Phải chi mà em gái tôi khỏe mạnh thì tôi cũng đỡ nặng lòng được phần nào, nhưng em gái tôi chẳng giống tôi, em rất đẹp, mái tóc thật dài, giỏi giang khả ái, chỉ có điều là ốm yếu quá. Em đã qua đời sau khi gia đình tôi dọn tới thành phố cổ kính ấy, vào mùa xuân năm thứ hai ở đây, năm tôi hai mươi và em tôi mười tám tuổi.

Chuyện xảy ra vào khoảng thời gian ấy.

Từ trước đó ít lâu, em gái tôi đã có vẻ sẽ không qua khỏi được cơn bệnh. Bệnh lao thận là một bệnh nan y, khi biết được thì cả hai trái thận đã bị hỏng hết. Bác sĩ cũng đã cho cha tôi biết rõ rằng người bệnh chỉ còn cầm cự được trong vòng một trăm ngày nữa. Nghe đâu đã vô phương cứu chữa.

Một tháng, rồi hai tháng trôi qua, chẳng mấy chốc sẽ đến gần ngày thứ một trăm, chúng tôi chỉ còn biết bó tay trơ mắt nhìn. Em gái tôi vẫn không hay biết gì cả, có vẻ hơi khỏe, tuy rằng suốt ngày nằm liệt giường, thế nhưng em vẫn vui vẻ ca hát, cười đùa, vòi vĩnh với tôi, khiến tôi càng thấy lòng nặng trĩu, đau xót như thể có kim châm khắp người, và tưởng chừng như muốn phát điên lên được khi nghĩ đến một điều chắc chắn sẽ phải đến, là chỉ trong vài mươi hôm nữa thôi, em sẽ lìa đời. Tháng ba, tháng tư, tháng năm..Vâng, vào giữa tháng năm, tôi không thể quên được ngày hôm ấy.

Khắp đồng đất núi đồi phủ mầu xanh của lá non, trời ấm áp đến độ muốn cởi trần ra tắm nắng. Màu lá xanh mơn mởn rực rỡ đến chói cả mắt, tôi một mình nghĩ ngợi miên man, một tay để vào giữa đai áo obi quấn quanh bụng, cúi gầm mặt xuống, lầm lũi bước theo những con đường đất, vừa đi vừa nghĩ tới nghĩ lui đủ điều, nhưng tất cả đều bế tắc không có lối thoát làm tôi muốn nghẹn thở. Tôi bước đi mà lòng nặng trĩu muộn phiền.

Thùng ! Thùng ! ...

Từ dưới đáy sâu thẳm của địa tầng mùa xuân, dường như từ lớp đất đã có từ hằng chục ngàn tỉ năm trước, đang vọng về không ngớt những tiếng dội nặng nề kinh hoàng như tiếng trống dữ dội vang lên từ đáy địa ngục. Tôi không hiểu những tiếng động khủng khiếp đó là tiếng gì, và thực sự tưởng chừng mình sắp mất trí. Tôi đã đứng sững lại như chôn chân một chỗ, rồi đột nhiên ngã quỵ xuống, ngồi bệt trên đồng cỏ mà bật khóc nức nở.

Về sau, tôi mới biết rằng những âm thanh khủng khiếp lạ lùng đó chính là tiếng súng đại bác bắn đi từ các chiến hạm Nhật bản trong trận đại chiến trên biển. Lúc ấy đúng là lúc đang diễn ra đợt tấn công ồ ạt nhằm tiêu diệt hạm đội Ban Tích của Nga (*), dưới sự chỉ huy của đề đốc Togo. Năm nay lại sắp đến ngày kỷ niệm này của hải quân. Tiếng súng đại bác ấy chắc hẳn đã vang dội khắp thành phố cổ kính trên bờ biển, mọi người chắc đã hoảng loạn tưởng chừng dưới gầm trời này không còn chỗ dung thân. Nhưng lúc ấy tôi nào hay biết gì đâu, chỉ lo nghĩ chuyện của em gái đến gần như muốn phát cuồng, đã tưởng những tiếng động ấy là tiếng trống từ địa ngục vọng về báo điềm chẳng lành, đã ở trên đồng cỏ mà ôm mặt khóc ròng mãi đến lúc chiều sắp tàn, mới đứng lên quay về chùa, thẫn thờ như người mất hồn.

-Chị ơi

Em tôi gọi. Lúc ấy, em tôi đã kiệt sức, gầy xơ xác, có vẻ như cũng đã lờ mờ hiểu ra rằng mình chẳng còn sống được bao lâu. Em không còn kiếm chuyện vòi vĩnh tôi những điều vô lý như trước, khiến tôi càng thêm đau lòng.

-Chị ơi, lá thư này đến từ bao giờ thế ạ ?

Tôi giật mình, buồng tim đau nhói, và cảm thấy rõ là mặt mình đang tái hẳn đi.

-Thư đến từ bao giờ thế hả chị ?

Em tôi có vẻ như hồn nhiên, hỏi.

Tôi vội chấn chỉnh tinh thần trở lại, đáp:

-Vừa mới đến lúc nãy, lúc em đang ngủ. Vừa nãy em đang ngủ mà cười đấy. Chị bèn lén nhét bức thư xuống dưới gối cho em. Em không biết gì cả à ?

-Vâng, em không biết gì cả chị ạ.

Em như sáng rực lên trong căn phòng mờ tối lúc bóng chiều đang ập xuống, nhoẻn miệng cười xinh.

-Chị ơi, em đọc thư này rồi. Lạ quá. Em không biết người này là ai cả chị ạ.

Làm sao lại có chuyện không biết chứ. Tôi biết người gửi thư đó là một người đàn ông tên M.T. Tôi biết mà. Không, tôi chưa gặp người này bao giờ, nhưng mới năm sáu hôm trước, khi dọn tủ cho em, tôi đã tìm thấy trong góc ngăn kéo một bó thư được buộc lại bằng sợi ruy băng, giấu ở trong ấy. Tuy biết là không nên, nhưng tôi đã cởi ruy băng và lén đọc hết. Có độ ba mươi bức thư, tất cả đều là thư của M.T.. Thật ra, ngoài bì thư không hề ghi tên M.T. Nhưng trong thư thì có ghi rõ tên người ấy. Còn ngoài phong bì, ở chỗ tên người gửi, có ghi tên nhiều người con gái. Mà tất cả đều là tên các bạn gái của em tôi. Cho dù có nằm mơ, cả tôi lẫn cha tôi đều không thể ngờ rằng em gái tôi đã thư từ qua lại với bạn trai nhiều đến thế này.

Chắc hẳn là người tên M.T. ấy đã cẩn thận hỏi em tôi, để biết được bao nhiêu là tên các bạn gái của em, rồi lấy tên của hết người này đến người kia mà gửi thư cho em tôi. Tôi phải thầm phục cho sự táo bạo của tuổi trẻ, và đã sợ run bắn cả người lên, khi nghĩ nếu cha tôi hay được thì không biết sự thể sẽ ra sao. Tuy nhiên, tuần tự đọc theo ngày tháng của các bức thư ấy, tôi thấy lòng mình cũng mỗi lúc một lâng lâng rộn rã, thỉnh thoảng tôi còn bật cười khúc khích một mình vì thấy thật đáng yêu, và cuối cùng như thấy cả một khung trời bao la vừa mở ra quanh mình.

Lúc ấy tôi mới tròn hai mươi tuổi, với biết bao nỗi niềm trăn trở thầm kín không sao nói được nên lời của người thiếu nữ. Như một giòng suối cuồn cuộn chảy trong khe núi, tôi đã đọc ngấu nghiến những bức thư ấy, chừng ba mươi bức, cho đến bức thư cuối cùng viết vào mùa thu năm ấy, thì bất giác tôi đã đứng bật lên. Cảm giác như có sét đánh ngang tai chắc hẳn là như thế. Tôi giật bắn cả người suýt bổ ngửa. Tình cảm giữa em gái tôi và người kia không còn là một mối tình diễm tuyệt, mà sau đó đã thành ra nhơ nhớp. Tôi đã đốt những lá thư ấy, đốt hết không còn một bức nào. Vì M.T. là một thi sĩ nghèo nàn sống trong thành phố cổ kính ấy, khi biết em gái tôi bị bệnh hắn đã hèn hạ bỏ rơi em, thản nhiên viết cho em thật tàn nhẫn rằng "Thôi, chúng ta hãy quên nhau đi ", để rồi sau đó, hắn không còn viết cho em tôi một bức thư nào nữa. Nếu tôi cứ im lặng suốt đời không hé một lời nào, em gái tôi sẽ từ giã cõi đời như một cô gái xinh đẹp thơ ngây mãi mãi. Nếu tôi chôn chặt vào đáy lòng mình nỗi khổ đau này thì sẽ không một ai hay biết. Nhưng nay tôi đã biết rõ sự thực và hơn nữa vì thương em, tôi đã tưởng tượng ra không biết bao điều, lòng tôi cũng tràn ngập một cảm giác vừa ngọt ngào cay đắng, vừa đau đớn xót xa. Nỗi đau thương này chính là địa ngục trần gian mà chỉ những người con gái đến tuổi dậy thì mới hiểu được. Tôi đã đau khổ một mình như thể chính tôi đã rơi vào cảnh ngộ bẽ bàng ấy. Lúc ấy, quả thật là tôi cũng hơi không được bình thường.

-Chị ơi, chị đọc thử xem. Thư viết gì mà em chẳng hiểu gì cả.

Tôi bỗng thấy em giả dối đến dễ ghét.

-Chị đọc được à ?

Tôi khẽ hỏi, lúng túng đỡ lấy bức thư từ tay em gái mà tay tôi run lẩy bẩy. Tôi không cần mở ra đọc, cũng đã biết rõ từng câu trong bức thư này. Nhưng tôi phải làm ra vẻ thản nhiên mà đọc. Thư viết như sau. Tôi chẳng cần nhìn kỹ vào bức thư, cất tiếng đọc :

Hôm nay, tôi viết thư này để xin em tha lỗi. Sở dĩ mãi cho đến hôm nay tôi đã không gửi thư cho em, tất cả đều vì tôi đã không có đủ tự tin. Tôi nghèo và bất tài. Chỉ cho một mình em thôi, tôi cũng chẳng làm được gì. Tôi giận cho sự bất lực chẳng làm được gì của chính mình, mà chẳng có gì ngoài những lời, chỉ có những lời, những lời không chút giả dối, chỉ có lời nói để chứng minh cho tình tôi đối với em. Tôi không thể quên em một ngày nào, dù ngay cả trong mơ. Nhưng rồi tôi cũng chẳng làm gì được cho em. Tôi khổ vì thế, nên tôi đã nghĩ đến chuyện chia tay với em. Em càng khổ và tình tôi dành cho em càng sâu nặng, tôi lại càng chẳng dám lại gần em. Em có thấu hiểu cho chăng ? Tôi nói không chút ngụy biện che dấu điều gì. Tôi đã nghĩ rằng phải làm như thế mới đúng. Thế nhưng nay tôi mới biết rằng mình đã lầm. Rõ ràng là tôi đã sai lầm.

Tôi xin lỗi em. Vì rốt cuộc đó chỉ vì sở dục của riêng mình, chỉ vì tôi muốn tỏ ra với em rằng tôi là một con người thật vẹn toàn.
Lâu nay tôi vẫn tin rằng chúng ta bất lực đến đáng buồn, chẳng làm được gì cả, vì vậy cách xử sự khiêm tốn đẹp đẽ chân thật nhất là trao gửi cho nhau những lời nói chân thành, nên cố gắng thực hiện tất cả những gì trong khả năng của mình. Dù một việc nhỏ nhoi nhất cũng quý. Tôi tin rằng nếu có thể gửi tặng không chút ngượng ngùng dù chỉ một bông hoa cỏ ngàn phương, đó cũng là một thái độ can đảm, là nam nhi chi chí.

Tôi sẽ không chạy trốn nữa. Tôi yêu em. Ngày ngày tôi sẽ làm thơ gửi đến em, và ngày ngày tôi sẽ đến bên bức tường rào nhà em để huýt sáo cho em nghe. Ngay ngày mai, lúc 6 giờ tối, tôi sẽ huýt sáo một khúc quân hành để tặng em. Tôi huýt sáo giỏi lắm nhé. Lúc này đây, sức tôi chỉ làm được có thế thôi. Em đừng cười tôi. À mà không, em cứ cười đi. Em hãy khỏe lên. Tôi tin chắc là Chúa vẫn âu yếm nhìn chúng ta từ đâu đó. Cả em và tôi đều là những đứa con yêu của Người. Chắc chắc rồi chúng ta sẽ có được một cuộc hôn nhân đẹp đẽ.

Tôi đợi đã từ lâu
Năm nay hoa đào nở
Nghe nói màu trắng xóa
Nào hay hoa đỏ hồng
Thôi, tôi đi học đây. Mọi chuyện rồi sẽ xuôn sẻ. Hẹn ngày mai nhé.

M.T.

-Chị ơi, em biết...

Em cất giọng trong trẻo thì thầm

-Em cảm ơn chị. Thư này, chị viết phải không.

Tôi xấu hổ quá, chỉ muốn xé vụn lá thư ấy thành trăm ngàn mảnh, tưởng chừng như muốn vò đầu bứt tóc mình. Có lẽ tâm trạng bứt rứt đứng ngồi không yên là như thế này. Tôi đã viết bức thư ấy thực. Biết được em gái mình đang đau khổ, tôi đã nghĩ cách từ nay cho đến ngày em tôi chết, ngày ngày tôi sẽ bắt chước nét chữ của M.T. để viết thư, dù vụng về cũng cố làm cho được bài thơ theo thể waka, và định đến 6 giờ tối sẽ lẻn ra ngoài bức tường rào mà huýt sáo.

Thật là xấu hổ. Tôi xấu hổ quá, vì đã viết một bài thơ thật vụng về. Sự thể quá bất ngờ nên tôi đã không sao đáp lại lời em được.

-Chị ơi, chị đừng lo, không sao đâu.

Em gái tôi có vẻ thản nhiên lạ lùng, và mỉm cười đẹp đến thánh thiện.

-Chị ơi, chị đã thấy bó thư buộc ruy băng màu xanh lục phải không ? Đấy chỉ là thư giả vờ thôi chị ạ. Mùa thu năm kia, em buồn quá nên đã tự mình viết những bức thư ấy, viết tên mình vào chỗ người nhận, rồi đem đi gửi. Chị đừng cười em nhé.

Tuổi xuân thật là quý chị ạ. Từ khi bị bệnh em mới hiểu rõ như thế. Ai lại tự mình viết thư cho mình, sao mà tội lỗi, thảm hại và ngu ngốc thế. Phải chi mà em đã được thực sự giao du với một người con trai ở ngoài đời. Em muốn được ôm thật chặt vào lòng. Chị ạ, cho đến giờ, em chưa từng nói chuyện với người con trai nào, nói gì tới có người yêu. Chị cũng thế phải không? Chị ơi, chị em mình nhầm rồi. Mình đã ngoan ngoãn quá. Ôi, em không muốn chết. Em thấy tội nghiệp cho đôi tay, cho những ngón tay, và mái tóc mình. Em không muốn chết, chị ơi, em không muốn chết !

Lòng ngổn ngang với biết bao tình cảm vừa buồn, vừa sợ, vừa vui, vừa ngượng, tôi chẳng còn biết mình đang như thế nào nữa, chỉ còn biết áp má mình vào gò má gầy guộc của em gái, mặc cho nước mắt ràn rụa.

Tôi khẽ ôm em vào lòng. Đúng lúc ấy tôi nghe thấy có tiếng huýt sáo, thật nhỏ và mơ hồ, nhưng đúng là tiếng huýt sáo khúc quân hành.

Em gái tôi cũng lắng tai nghe. Tôi ngước nhìn đồng hồ thì thấy lúc đó đúng 6 giờ. Nỗi kinh hãi không sao tả xiết khiến chúng tôi cứ ôm chặt lấy nhau, không dám cử động, tai lắng nghe khúc quân hành lạ lùng vẳng lại từ sau vòm lá anh đào trong vườn

Có Chúa. Chắc hẳn là có Chúa. Lúc ấy tôi đã tin như thế. Em tôi đã qua đời sau đó ba hôm. Bác sĩ cũng lắc đầu lấy làm lạ. Có lẽ vì em tôi đã qua đời thật nhẹ nhàng và nhanh chóng quá. Nhưng tôi thì lúc đó tôi không lấy gì làm lạ, vì tin rằng tất cả đều theo ý Chúa.

Nhưng giờ đây, thật là xẩu hổ vì ngày càng có tuổi, càng dễ tối mắt lại bởi vật dục. Có lẽ vì không còn vững lòng tin vào Chúa như xưa nữa, nên tôi đã đem lòng ngờ vực rằng tiếng huýt sáo ấy không chừng là của cha tôi. Có lúc tôi đã nghĩ rằng, có thể đó là cha tôi, khi đi làm về, ở phòng bên cạnh đã nghe trộm được câu chuyện của hai chị em tôi, nên người mủi lòng thương cho đứa con gái của người mà đã đóng kịch cũng nên. Phải chăng đây là màn kịch duy nhất trong đời cha tôi, tính tình vốn rất nghiêm khắc.

Nhưng không lẽ thật sự là như thế thật sao ? Nếu cha tôi còn sống thì tôi còn có thể hỏi cho ra nhẽ. Nhưng cha tôi đã qua đời, tính đến nay đã mười lăm năm rồi. Không, có lẽ đó là Chúa đã động lòng thương.

Tôi muốn tin như thế cho lòng được thanh thản. Thế nhưng càng ngày càng có tuổi, lại càng dễ tối mắt lại vì vật dục, lòng tin vào Chúa cũng lung lay dần, tôi cũng biết rằng mình nghĩ thế là có tội. .

Tokyo, ngày 20/7/2008
Người dịch : Quỳnh Chi
Theo nguyên tác Hazakura to mateki (1939) của Dazai Osamu.
Chú :

(*) Ngày 8-2-1904, hải quân Nhật đã tấn công vào hạm đội Ban Tích của Nga trong cảng Lữ Thuận trên bán đảo Liêu Đông, mở đầu cho Chiến tranh Nhật Nga.
 



Chim Việt Cành Nam     Trở Về  ]          [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]