Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trangchủ ]
ĐẠI VIỆT SỬ THI
Hồ Ðắc Duy
 
QUYỂN 17
Năm Đinh Dậu (1777) chiếm xong Gia Định
Nguyễn Huệ liền tiến đánh Vĩnh Long 
Long Xuyên cứ điểm cuối cùng
Của quân chúa Nguyễn lọt vòng bao vây
 
Nguyễn Phúc Dương tới nơi Ba Vược 
Bị Nguyễn Huệ bắt được giết đi
Đàng Trong đến lúc suy vi
Phúc Thuần biết được khó bề thoát thân
 
Nguyễn Phúc Ánh đem quân trốn thoát
Từ Thổ Châu vào đất An Giang
Hội quân sửa soạn binh lương 
Long Hồ tái chiếm, Lật Giang đợi thời 
 
TRUNG ƯƠNG HÒANG ĐẾ 
( 1778 - 1793)
 
Năm Mậu Tuất (1778) lên ngôi hoàng đế
Nguyễn Nhạc cho Nguyễn Huệ coi quân
Phong làm Long Nhượng tướng quân
Còn riêng Nguyễn Lữ giang sơn một vùng 
 
Ở Đàng Trong tình hình đổi khác 
Kể từ ngày Nguyễn Nhạc xưng vương
Đổi tên thành cũ Đồ Bàn
Thành tên Hoàng Đế dùng làm kinh sư (1778)
 
Chữ Thái Đức dùng làm niên hiệu 
Kể từ nay chấp chiếu tân vương
Cơ đồ một cõi phương nam 
Đàng Trong tạm ổn , mùa màng bội thu
 
Ở miền Bắc nắng khô hạn hán
Tỉnh Nghệ An mất trắng mùa màng
Trộm cướp nhiều ở Sơn Nam
Thổ tù Văn Đổng lấy luôn mỏ đồng
 
Nơi nội cung ở trong phủ chúa
Đặng Thị Huệ trông quá thướt tha
Nghiêng thành sóng mắt đưa qua
Trịnh Sâm say đắm kết là tri âm
 
Đặng Thị Huệ quê làng Phù Đổng
Tỉnh Bắc Ninh thuộc trấn Đông Anh
Trước là tỳ nữ trong dinh
Về sau được chúa phong thành Tuyên phi
 
Kể từ khi hạ sinh Trịnh Cán
Đặng Thị Huệ lại muốn cướp ngôi
Cho con vừa mới chào đời
Âm mưu soán đoạt tìm người giúp tay
 
Tìm được ngay quận công Đình Bảo
Cấu kết nhau sàm tấu Trịnh Tông
Là người bất hiếu bất trung 
Khiến cho chúa Trịnh bằng lòng phế đi

TRỊNH CÁN (1782)
 
Cán lên ngôi trị vì một tháng 
Ở kinh thành nổi loạn Kiêu binh
Các quân Tam phủ hợp thành 
Một bè ác đảng tung hoành khắp nơi 
TRỊNH TÔNG ( 1782-1786)
 
Đám Kiêu binh phế ngay Trịnh Cán (1782)
Giết Đình Bảo và giáng Huệ Phi 
Trịnh Tông lại được rước về
Nối ngôi vương phủ trị vì triều quan
 
Loạn kiêu binh ngày càng trầm trọng 
Chúng tung hoành cướp bóc trong dân
Phá tan phép nước kỷ cương 
Nhân tâm oán hận kêu than bọn này
 
Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi năm Tý (1780)
Đúc ấn vương ngọc tỷ để truyền
Niên hiệu cũ vẫn giữ nguyên
Lấy theo chính sách nguyên niên Lê triều
 
Năm Tân Sửu (1781) nguyên tiêu vừa hết 
Nguyễn Ánh thề quyết diệt Tây Sơn
Tám mươi thuyền , ba vạn quân
Lên đường ra tới Nha Trang phục thù
 
Quân chúa Nguyễn mới vừa vào đến
Bị Tây Sơn chặn đánh ngay liền 
Bộ binh và lẫn chiến thuyền 
Lọt vào thế trận phải đành rút quân
 
Qua năm sau Tây Sơn trả lễ (1782) 
Mấy trăm thuyền vượt bể vào Nam 
Cần Giờ thuyền chiến xếp hàng
Đưới quyền Nguyễn Huệ dọn đường thọc sâu
 
Quân Nguyễn Ánh lúc đầu chống trả
Sức yếu dần xa giá rút lui
Gọi quân Hà Nghĩa tới nơi
Phục kích chặn đánh diệt ngay cánh này
 
Huệ trong tay mấy trăm thuyền chiến (1782)
Tiến vào trong cửa biển Cần Giờ
Thủy binh Chúa Nguyễn thua to
Vội vàng bôn tẩu vượt bờ ra khơi
 
Anh bôn tẩu ra ngoài Phú Quốc
Thế Nguyễn triều phút chốc lâm nguy
Vua cho hoàng tử ra đi (1783)
Qua Tây cầu viện bởi vì thế cô
 
Từ Côn Lôn chạy vô Cổ Cốt 
Rồi Thổ Châu hoảng hốt qua Xiêm
Nhiều khi đói khát trên thuyền 
Nguyễn vương vẫn cứ giữ nguyên ý mình
 
Được vua Xiêm vị tình giúp đở
Ba trăm thuyền và với tinh binh
Kéo về Gia Định tung hoành 
Bị quân Nguyễn Huệ vây quanh chận đường
 
Ơ Rạch Gầm, Huệ sai mai phục 
Đưa người vào Xoài Mút ém quân
Chiêu Sương cùng với Chiêu Tăng 
Trúng đòn phục kích chết gần hết quân
 
Nguyễn Ánh sang đất Xiêm nhờ cậy
Còn Tây Sơn quay lại Quy Nhơn 
Bốn lần vào đánh Sài Côn
Bốn lần đại thắng bốn lần vinh quang
 
Ơ Đàng Ngoài hoang tàn đổ nát
Nạn kiêu binh lấn át vua Lê
"Phù Lê diệt Trịnh" liệu bề
Nhạc sai Nguyễn Huệ diệt đi lũ này 
 
Nguyễn Huệ được phong ngay Tiết Chế (1786)
Thống lĩnh quân toàn thể lên đường
Vượt đèo đánh thẳng Phú Xuân
Ngô Cầu nhanh chóng đầu hàng Tây Sơn
 
Thu được hơn trăm muôn hộc thóc
Tiến quân nhanh đánh thốc Vị Hoàng
Thẳng đường tiến đến Thăng Long
Trịnh Tông tháo chạy cuối cùng sa chân
 
Nhà Trịnh gần hai trăm năm rưởi (1545- 1786)
Bị Tây Sơn xóa sổ từ đây
Nước nhà thống nhất trong tay
Thăng Long, Gia Định ngày nay một lòng
 
Lê Hiễn Tông sau cơn binh biến
Điện Kính Thiên diện kiến tướng quân
Để cho yên phận thần dân
Vua bèn hứa gả Ngọc Hân cho người
 
Thư gửi về báo hồi chiến thắng
Lấy Bắc Hà chiếm đặng kinh đô
Nghe tin Nguyễn Nhạc rất lo
Năm trăm binh sĩ vội cho lên đường
 
Nhạc sợ Huệ một phương lừng lẫy
Rồng gặp mây vùng vẫy khó thêm
Huệ thừa biết rõ tim đen
Vội thân ra đón dâng lên tờ trình
 
Bắc Bình Vương dành riêng Nguyễn Huệ
Đông Định Vương ở phía Trấn Biên
Giao cho Nguyễn Lữ cầm quyền
Trung Ương Hoàng Đế ở thành Qui Nhơn 
 
Nhạc và Huệ cùng bàn kế hoạch
Đất Bắc Hà vẫn để vua Lê
Kiễm tra sắp xếp mọi bề
Sai quan chỉnh đốn trước khi trở về
 
Nguyễn Huệ nghe gian hùng Hữu Chỉnh
Là một nguời có tiếng điêu ngoa
Khi về ông chẳn nói qua
Đến lúc binh tuớng đi xa khỏi thành
 
Chỉnh hay được thất kinh khiếp hãi
Giong thuyền theo kịp tới Hóa Châu
Huệ dư biết Chỉnh lo âu
Cho nên hạ lịnh tạm giao vùng này
 
LÊ CHIÊU THỐNG HOÀNG ĐẾ 
(1787- 1789)
 
Lê Duy Kỳ lên thay ngôi báu
Thái tử này là cháu đích tôn
Của vua đời trước Hiển Tông
Hiệu là Chiêu Thống nối dòng họ Lê
 
Khi Tây Sơn rút về đến Huế 
Ơ Bắc thành Trịnh Lệ cướp ngôi
Vua Lê, chúa Trịnh tranh oai
Vua tôi tranh chấp làm ai cũng buồn
 
TRỊNH BỒNG (1786- 1787)
 
Trước việc làm tranh ngôi phủ chúa 
Đinh Tích Nhưỡng ủng hộ quận công 
Đã đưa Tiết Chế Trịnh Bồng
Lên ngôi kế vị nối dòng Trịnh gia
 
Nội bộ nhà Tây Sơn mâu thuẫn 
Nhạc và Huệ ngầm ngấm chống nhau
Nồi da xáo thịt máu đào
Về sau hưu chiến đào hào phân ly
 
Ơ Kinh sư vua Lê cầu viện
Vì Trịnh Bồng lấn chiếm hết quyền
Vua bèn sai viết thư riêng 
Gọi ngay Hữu Chỉnh quân đem trở về (1786)
 
Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy binh tướng
Đuổi Trịnh Bồng , Tích Nhưỡng chạy xa
Quyền uy một cõi sơn hà
"Đường trời mở rộng riêng ta một vùng"
 
Chỉnh lấy làm vô cùng tự đắc
Việc triều đình qua mặt nhà vua
Huệ nghe tin ấy lòng ngờ
Nên đem quân sĩ phất cờ diệt gian (1787)
 
Ngô Văn Sở lên đường dẹp loạn (1787)
Phan văn Lân dẫn toán bộ binh
Cùng quan Tiết Chế khởi hành
Hạ Lôi tập kết đánh thành Thăng Long
 
Chỉnh đưa vua vào vùng Kinh Bắc
Quân Tây Sơn siết chặt vòng vây
Mục Sơn nương náu mấy ngày
Về sau bị bắt trói tay giải về
 
Vũ văn Nhậm sai đi thay thế (1788)
Cũng lộng hành chẳng kể vua quan
Tức tốc Nguyễn Huệ lên đường
Mười ngày đã tới giữa thành Thăng Long
 
Chém Nhậm xong đặt Ngô Văn Sở
Coi việc quân trấn ở Đàng Ngoài
Còn Lê Chiêu Thống chạy dài
Sai Lê Duy Đán sang mời quân Thanh (1788)
 
Trong lúc đó nơi thành Gia Định
Dùng đại binh , Nguyễn Ánh phản công
Quan quân Nguyễn Lữ mất hồn
Rút quân chiến thuật theo đường Quy Nhơn
 
Bồ Đào Nha cử sang sứ giả
Đem quốc thư vua đã chuẩn y
Năm mươi thuyền chiến cho đi
Theo lời cầu viện những gì đã xin
 
Cho con tin là hoàng tử Cảnh
Theo Đa Lộc đến cảng Versailles (1787)
Nhân danh Nguyễn Ánh qua đây
Ký xong hiệp ước xin vay khí tài
 
Trong Hiệp ước có hai điều khoản
Nhường cho Tây đảo cảng Côn Lôn
Tam Kỳ , cửa biển Hội An
Để thuyền của họ dễ dàng bán buôn
 
Về phía Pháp sẽ nhường cho Chúa
Bốn chiến thuyền tiền của quân lương
Có thêm nghìn sáu lê dương
Để thêm lính tráng quân trang mà dùng
 
Các hiệp ước bàn suông trên giấy
Chưa bao giờ được thấy thực thi
Hạ Châu , truyền sứ ra đi 
Mua thêm súng đạn đem về bổ sung
 
Nguyễn Phúc Ánh phán cùng các tướng
Lập thao trường nuôi dưỡng ba quân
Chủ trương đãi ngộ rõ ràng
Vỗ về tướng sĩ đe răn loạn thần 
Q 1: Thời đại Hồng Bàng
Q 2: Thời đại Bắc thuộc (227-540)
Q 3: Ngô Quyền (938-944) Q 4: Lý Thái Tổ (1010-1028)
Q 5: Lý Nhân Tông (1072-1127) Q 6: Trần Thái Tông (1226-1258)
Q 7: Trần Nhân Tông (1278-1293)
Q 8: Trần Anh Tông (1293-1394)
Q 9:  D N Lễ - Trần Thiếu Đế (1369-1400) Q 10: Hồ Quí Ly - Giản Định Đế (1400-1409)
Q 11: Lê Thái Tổ (1423-1433) Q 12: Lê Thái Tông (1433-1442) - Thánh Tông (1460-1497
Q 13: Lê Hiến Tông (1497)/Mạc Phúc Nguyên (1546) .Quyển 14: Lê Trung Tông (1548) đến Nguyễn Phúc Nguyên (1613)
Quyển 15: Lê Thần Tông (1619-1643) đến Lê Dụ Tông (1705-1728) Quyển 16: Trịnh Cương (1709) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
Quyển 17: Trung Ương hoàng đế (1778 – 1793) Quyển 18: Quang Trung hoàng đế (1788-1792)
Quyển 19: Cảnh Thịnh hoàng đế (1792-1802) Quyển 20: Gia Long hoàng đế (1802-1820)
Quyển 21: Minh Mạng hoàng đế (1820-1841) Quyển 22: Thiệu Trị hoàng đế (1841-1847) đến Tự Đức (1847-1885)
Quyển 23: Pháp chiếm Gia Định (1859) và chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Quyển 24: Các cuộc kháng chiến của nghĩa quân miền Nam
Quyển 25: Pháp chiếm Hà Nội (1882) đến Hòa ước Giáp Thân (1884) Quyển 26: Pháp lập Liên bang Đông dương – các phong trào bình Tây sát Tả
Quyển 27: Đồng Khánh (1885...) – các phong trào sĩ phu yêu nước Quyển 28: Vua Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916)
Quyển 29: Trần Cao Vân (VN QPH) – các phong trào kháng chiến toàn quốc  Quyển 30: Khải Định (1916-25) Bảo Đại (1925-45) – anh hùng Nguyễn Thái Học