Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]

Bách Gia Chư Tử
Thảo Đường Cư Sĩ Trần Văn Hải Minh
biên soạn
-
Phần Hai 
*
Thân thế Bách Gia Chư Tử

1. Khổng Tử

1. Khổng Tử. * 2. Đệ Tử Khổng Tử. * 3. Mạnh Tử. * 4. Tuân Tử. * 5. Lão Tử. * 6. Trang Tử và những người trong phái Đạo gia. * 7. Mặc Tử và môn đệ. * 8. Thương Ưởng, Thân Bất Hại, Hàn Phi, Lý Tư và Lữ Bất Vi. * 9. Huệ Thi, Công Tôn Long và nhóm Tác Hạ. * 10. Tô Tần, Trương Nghi và Khuất Nguyên. * 11. Phụ Lục : Chư Tử dưới thời Tây Hán - Niên biểu những việc quan trọng dưới thời Chư Tử.

Gần đây, học giả Hạ Tăng Hựu có viết : " Các sách của Chư Tử, ở nước Trung Hoa, từ xưa cho đến nay là những thiên chính luận rất tinh vi, rất thâm thuý về phương diện triết học, về phương diện văn chương. Đó là những áng văn rất đẹp, cho đến trăm đời sau, nghiên cứu cũng không sao cùng tận được. (Xem trong quyển Trung Quốc sử). Thế nên một số học giả cho rằng Chư Tử là những cổ thư cần đọc, vì Chư Tử có thể đứng ngang hàng với Kinh và Sử.

Mạnh Tử có nói : " Đọc thi, thơ là muốn biết người ấy như thế nào, luận đời người ấy như thế nào... Đọc những cuốn sách của Chư Tử là cũng muốn biết những người ấy, luận đời ấy...

Chư Tử viết sách, lập học thuyết là muốn cải tiến chế độ, cứu đời. Như thế thì tư tưởng học thuyết của những người ấy rất có quan hệ với hoàn cảnh, xã hội đương thời, thế nên trước hết phải biết những người ấy, luận đến đời ấy rồi sau đó mới đọc những sách của người ấy.

Sách Hàn Chí ghi các tác phẩm của Chư Tử rất nhiều, có những loại rõ ràng là do người đời sau viết mà ghi là của cổ nhân, như các loại sách của Thần Nông, Hoàng Đế chẳng hạn, có những loại của người đời sau ghi chép của người đời trước đề tên như sách của Quản Tử, Án Tử, có những loại sách đã mất mát, không thể tìm đâu để làm bằng chứng được, như các loại sách của phái Âm dương và Tiểu thuyết.

Cũng có loại sách ghi tên người này người nọ, nhưng thật ra là của môn khách viết, như các loại sách Lữ Lãm, Hoài Nam v.v... Có loại sách đã mất rồi lại xuất hiện, đó là loại giả, như dưới thời nhà Minh có loại Mạnh Tử ngoại thơ chẳng hạn.

Trong phần lược khảo về thân thế của Chư Tử nầy, chúng tôi dùng những tài liệu có thể minh chứng được, hoặc có những chỗ mơ hồ, nhưng cũng căn cứ vào những tài liệu có thể tin được, những tài liệu nào không đáng tin thì bỏ, đó là điều cần thiết khi tìm hiểu các nhân vật thời xưa...

Chúng tôi cố gắng tránh những lỗi lầm thấy đâu chép đó, hay là nhận định một cách võ đoán. Chỗ nào chưa biết rõ, thì cứ để là chưa hiểu, thế nên thà là sơ lược mà còn hơn là dài dòng để phạm những sai lầm thất thiệt.

Cổ sử là tài liệu duy nhứt có thể căn cứ vào đó để tìm hiểu thân thế Chư Tử một cách đáng tin cậy.

Trong phần nầy, khi tìm hiểu thân thế Chư Tử, về phần các nhân vật trọng yếu thì theo sách Sử Ký, thêm vào đó những tài liệu có thể chứng minh được, nếu những nhân vật nào đó không có chép trong Sử Ký, thì sưu tập trong các sách khác có thể tin được, rồi tóm lại, có khi một nhân vật chép thành một chương, có khi một chương lại gom nhiều nhân vật, tuỳ theo sự quan trọng của mỗi nhân vật trong môn phái.
 

1. - Thân thế Khổng Tử

Phần trên đã nói, thời ấy đệ tử gọi thầy là " tử " và bắt đầu từ thời Khổng Tử.

Đệ tử ghi chép lời thầy thành sách, và lập nên việc sáng tác của tư nhân cũng bắt đầu từ pho Luận Ngữ, thế nên trong Chư Tử, Khổng Tử được kể là nhân vật thứ nhứt, và sách của Chư Tử pho Luận Ngữ được kể là pho sách thứ nhứt.

Từ thời Khổng Tử trở về trước, chỉ có quan học mà không có thầy tư nhân, chỉ có quan thơ mà không có sách do tư nhân sáng tác.

Khổng Tử đã mở phong trào tư nhân dạy học, tư nhân sáng tác, chẳng những đã thành tôn sư của Nho gia, mà còn là người mở đầu cho Chư Tử, mở một kỷ nguyên mới về giáo dục và học thuật cho nước Trung Hoa, trở thành một học giả không tiền trong lịch sử, cho nên trong phần nầy, kể ông là nhân vật đầu tiên, đứng trước tất cả Chư Tử.

Khổng Tử đã từng tham chánh ở nước Lỗ, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn rồi đi châu du các nước, bất đắc chí với chư hầu sau cùng trở về nước Lỗ, sống trong cảnh áo vải cho đến già.

Thế nên lúc đó ông liên hệ rất ít đến chánh trị, nhưng lại dạy học, viết sách. Nhờ đó mà mở đường cho Chư Tử sau nầy...cho nên ảnh hưởng của ông rất lớn đối với nền giáo dục, học thuật của đời sau.

Sau khi Khổng Tử mất, học thuyết Nho gia rất thạnh ở thời kỳ đầu thời Chiến quốc, đầu đời Hán Cao Tổ, Khổng Tử rất được sùng bái, và cũng bắt đầu từ thời ấy, Khổng Tử được các bậc Đế Vương sùng bái.

Sau đó Văn đế lại thích Hoàng Lão, Cảnh đế thích Hình, Danh gia, ít khi tôn sùng Nho gia, cho đến đời Võ đế, Khổng Tử mới được đặc biệt sùng thượng và cũng từ đó Nho gia được độc tôn.

Từ đó trở đi, trải qua các đời như Đường Huyền Tôn, truy phong Khổng Tử là Văn Tuyên Vương, Tống Chơn Tôn truy phong thêm là Nguyên Thánh Văn Tuyên Vương rồi Đại thành chí Thánh Văn Tuyên Vương, Văn miếu được thiết lập khắp các nơi trong nước, lễ tế rất long trọng, cho đến đời Minh, Thanh vẫn không suy giảm.

Các học giả, bất câu dưới thời Hán, Tống, vô luận cổ văn hay kim văn, dù là Trình Chu hay là Lục, Vương cũng đều xem Khổng Tử như là khai tổ.

Đầu năm Trung Hoa Dân Quốc, Viên Thế Khải dùng chánh sách tôn Khổng Tử và Khang Hữu Vi muốn dùng Khổng giáo làm quốc giáo.

Cho đến lúc chế độ vua quan suy vi, các học giả cho rằng Khổng Tử là người bảo vệ cho chế độ chuyên chế nên nổi lên phản đối.

Bình tâm phê phán, đối với bản thân của Khổng Tử, thì đó là một nhân vật đáng tôn kính vì thế mà trải qua nhiều đời, ông được sùng thượng, còn học thuyết của ông có được tôn sùng mãi mãi không đó là một vấn đề khác.

Tư Mã Đàm khi bình luận 6 học phái, rất đặc biệt sùng thượng " Đạo đức ", Tư Mã Thiên viết sử ký thì độc tôn Khổng Tử, có lẽ vì thời đại của hai cha con có khác nhau, vì phong trào mỗi lúc nên mới có sự khác biệt, mỗi người có mỗi tư tưởng riêng không thể cưỡng ép cho đồng được.

Sách Sử Ký sắp xếp thiên Bổn Kỷ chuyên ghi các vì Đế Vương, Thế gia thì ghi chư hầu, Liệt truyện thì các nhân vật khác.

Khổng Tử là dân áo vải nhưng lại được đặc biệt đứng vào hàng thế gia, là cố ý muốn suy tôn. Vương An Thạch trong thiên Khổng Tử Thế gia nghị đã phê phán " Tự làm loại cái lệ, tới lui mất chỗ đứng ".

Vương Ứng Lân trong sách Khổng học ký văn, dẫn lời của Lý thị viết " Muốn tôn Đại Thánh Nhơn mà trái lại làm cho thấp ".

Xét ra, việc viết sử, bắt đầu từ quyển Sử Ký, xét kỹ theo lệ, lấy thiên Bổn Kỷ làm giềng mối cho toàn quyển sách để biểu thị trung tâm chánh trị đương thời ở chỗ nào, cho nên không chỉ hạn nơi việc ghi các vị Đế vương mà thôi.

Như dưới thời Chiến quốc, Tần chưa thống nhứt, Hạng vương chưa là thiên tử, mà trên thực tế, lúc đó đã thành trung tâm chánh trị cho nên lập Hạng Võ Bản Kỷ (có kẻ cho rằng, Thái Sử Công lập Hạng Võ Bản Kỷ là tôn Hạng Võ, truất Lưu Bang, đó là chỉ là ức thuyết, gần đây lại có người cho rằng Thái Sử Công muốn tôn cuộc cách mạng của bình dân, lại càng không đúng).

Khổng Tử không phải là người trung tâm chánh trị của lúc cuối thời Xuân Thu, cho nên không lập Bản Kỷ cho ông...

Chư hầu gọi là thế gia, là tử tôn thế tập (cha truyền con nối). Trong đoạn chót của Khổng Tư thế gia, có ghi con cháu của Khổng Tử truyền được học thuyết của ông một cách rõ ràng.

Chẳng những con cháu của Khổng Tử, mà các Nho gia hậu học, từ Nhan, Tăng, Du, Hạ và các môn đệ khác, đến Mạnh Tử, Tuân Tử và chư nho dưới thời Tây Hán đa số đều noi theo Khổng Tử.

Cho đến Mặc Tử, Trang Tử, mặc dầu học thuyết của những người nầy trái ngược hẳn với Khổng Tử, nhưng xét cho kỹ, cũng thừa hưởng được của Khổng Tử mà dựng nên học thuyết của mình.

Con cháu của chư hầu thế tập chức vị, đất đai mà được phú quí, còn con cháu của Khổng Tử cùng các môn đệ đời đời truyền học thuyết của ông, đời đời giữ những lời nói của bậc tôn sư, lấy học thuyết làm vinh cho gia đình, như thế là cũng không khác gì con cháu chư hầu được thế tập chức tước, điền thổ, đúng như lời nhà học giả Vương Minh Thạnh đã nói " suy tôn rất đúng, châm chước rất hay ".
 

KHỔNG TỬ
Trích trong Đại Cương Triết Học Trung Quốc của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê (trang 161 quyển Thượng). (Theo Grand Larousse Encyclopédique)

Thân thế Khổng Tử.

Phần nầy chúng tôi xin chép lại thiên Khổng Tử thế gia khảo trong sách Sử Ký, thêm phần chú thích cho bạn đọc dễ nhận xét. Vì trong Sử Ký có những đoạn người đời sau thêm vào hay chép những câu sắp lầm lẫn nên chúng tôi đóng dấu ngoặc cho bạn đọc dễ nhận.

Khổng Tử sanh ở nước Lỗ, làng Xương Bình, ấp Trâu.

(Ấp Trâu, tức nay là Trâu thành về phía Đông Nam, tỉnh Sơn Đông, huyện Khúc Phụ. Xương Bình sơn hiện nay ở phía Đông Nam, cách huyện Khúc Phụ 15 dặm. Khổng Tử sanh ở ấp Trâu lớn lên dời đến ở xóm Khuyết Lý trong thành Khúc Phụ).

Trước tiên, ông là người nước Tống, trước hết Khổng Phòng Thúc hạ sanh Bá Hạ, Bá Hạ sanh Thúc Lương Ngột. (Ngày sanh của Khổng Tử là ngày 27 tháng 8 theo ngày tháng của âm lịch ; Ngày ấy cũng là ngày Tết của các thầy giáo Trung Hoa vì Khổng Tử là người đầu tiên dạy học tư nhơn.)

Lúc còn nhỏ Khổng Tử rất thích chơi đùa, thường bày cái trở, cái đậu, y như là cúng kiến...

Rồi mẹ Khổng Tử chết, người đất Trâu chỉ chỗ mộ phụ thân ông, ông liền đem mẹ đến hợp táng ở đất Phòng. Đất Phòng ở tại phía Đông nước Lỗ.

Quí thị mời kẻ sĩ, Khổng Tử đến, Dương Hổ chê, bảo " Quí thị mời kẻ sĩ nhưng không dám mời nhà ngươi đâu ! "Vì thế Khổng Tử lui.

Lúc đó, Khổng Tử mới 17 tuổi. (Lúc đó Khổng Tử chỉ mới 17 tuổi, chưa có thanh danh cho nên bị Dương Hổ chê).

Giả Đạt cho rằng lúc đó Khổng Tử đã 35 tuổi là sai lầm.

Lỗ đại phu là Mạnh Ly Tử, bịnh gần chết, dặn con là Ý Tử : " Khổng Khâu là hậu duệ của Thánh nhơn, bị diệt ở nước Tống, Tổ phụ ông là Phất Phủ Hà là dòng dõi nước Tống, mà nhường cho Lệ Công, cho đến đời phụ thân ông ấy, phụ giúp cho Đới, Võ và Tuyên Công, giúp cả 3 đời mà vẫn luôn luôn cung kính ".

Ta nghe con cháu của Thánh nhơn, tuy chẳng có tiếng đời nay, nhưng thế nào cũng có ngày đạt, bây giờ Khổng Tử tuy còn nhỏ mà ham lễ, thì thế nào người ấy cũng đạt, nếu ta chết, con phải thờ người ấy làm thầy.

Khi Ly Tử chết, Ý Tử và người nước Lỗ tên Nam cung Kỉnh Thúc, đến học lễ với Khổng Tử.

Năm ấy, Quí Võ Tử mất, Bình Tử lên thế vị.

*

Khổng Tử nghèo và hèn, đến khi lớn thường làm Ủy lại, đong lường đầy đủ, làm tư chức lại thì gia súc no đủ... Rồi từ đó làm chức Tư Không.

Rồi ông rời nước Lỗ, ở nước Tề không được ông lại ra đi, ông lại rời nước Tống, Vệ, rồi lại bị khổn ở giữa hai nước Trần, Thái... vì thế ông trở về Lỗ.

Khổng Tử cao 9 thước 6 tấc, người đều cho ông là người cao lớn và cho là lạ.

(Nước Lỗ tiếp đãi tử tế, ông mới trở về Lỗ.)

Chức Ủy lại là coi giữ kho, cho nên mới nói đong lường đủ và sổ sách đàng hoàng. Làm Tư lại, tức là xem việc nuôi trâu, dê để cúng tế.

Đoạn văn trên có chỗ lầm lẫn : " Mấy chữ : rồi từ đó làm chức Tư không phải để phía sau đoạn : ông mới trở về nước Lỗ ".

Ông Khổng Tử lúc 20 tuổi, mới bắt đầu ra làm quan ở nước Lỗ, với chức Ủy lại, năm 21 tuổi làm Thừa điền.

Họ Khổng, khi ở nước Tống, thuộc dòng quí tộc, khi chạy sang nước Lỗ, trở thành bình dân, từ lúc nhỏ, ông đã mồ côi cha, cho nên nghèo hèn, cho nên khi lớn lên, vì nghèo mà phải đi làm quan với chức Ủy lại, Tư chức lại. Mạnh Tử đã gọi " bực thứ nhơn đi làm quan " là như thế.

Nam cung Kỉnh Thúc tâu với vua Lỗ " xin cho Khổng Tử đi qua nhà Châu. Vua Lỗ liền cho một chiếc xe 2 ngựa.

Đến nhà Châu, Khổng Tử ra mắt Lão Tử.

Đến lúc ra về, Lão Tử đưa mà bảo rằng : " Tôi nghe kẻ giàu sang đưa người dùng tiền của, người nhơn đưa tiễn người thì bằng lời nói... " Tôi không giàu sang, lạm dụng mình là người nhơn, đưa ông có mấy lời : " Thông minh, xét nét kỹ thì gần với cái chết...vì ưa bàn luận người khác, biện bác rộng rãi thì nguy đến thân mình, vì nêu lên cái dở của người...kẻ làm người không nên nghĩ đến mình, làm tôi người, thì cũng không nên nghĩ về mình. "

Khổng Tử từ nhà Châu trở về nước Lỗ, học trò lại càng tiến thêm.

[Chuyện Khổng Tử qua nhà Châu ra mắt Lão Tử, thấy có chép trong quyển Lão Trang Thân Hàn truyện và Gia Ngữ Quan Châu giải.]

Trong thiên Thiên đạo, sách Trang Tử có viết : Khổng Tử muốn qua phương Tây, xem sách ở nhà Châu. Tử Lộ thưa : " Lộ nầy nghe nhà Châu có người giữ kho sách là Lão Đam, thôi làm quan, về nhà ở ẩn...thầy muốn xem sách thì hãy đến thử xem ".

Khổng Tử đáp : " Hay lắm ". Liền qua ra mắt Lão Đam mà Lão Đam không cho.

Trong sách Lão Tử truyện có viết : Lão Tử là người nước Sở, nếu đã bãi chức thì về quê ở Sở, đâu còn làm quan giữ kho sách ở nhà Châu.

Cũng có người cho rằng, Khổng Tử đến gặp Lão Đam, nhờ giới thiệu đến xem sách, nhưng Lão Đam không đồng ý. Như thế thì Khổng Tử chỉ có mục đích đi xem sách, chớ không phải đi gặp Lão Tử.

Trong sách Sử Ký có ghi rõ rằng : Khổng Tử qua nhà Châu xem sách, và ra mắt Lão Đam, khác hẳn với lời nói trong sách Trang Tử. Trang Tử thuộc phái Đạo gia, giả sử như Khổng Tử có đến tìm Lão Tử để hỏi về việc Lễ, tất nhiên là Trang Tử phải ghi rõ ràng, đó là chỗ còn nghi ngờ.

Hơn nữa, giọng nói của Lão Tử rất đáng nghi ngờ, có lẽ do người đời sau (thuộc phái Đạo gia) thêm vào để đề cao Lão Tử.

Về việc Khổng Tử đến nhà Châu vào lúc mấy tuổi thì chưa có tài liệu nào dám tin được, có sách ghi lúc đó ông mới 17 tuổi.

Khổng Tử là người ham học, có lẽ lúc đó ông đã học được rất nhiều sách rồi mà vẫn còn chưa cho là đủ, nên muốn đi thật xa, đến nhà Đông Châu, để xem kho sách của vua, chúa.

Việc ấy xảy ra năm nào thật khó xác định, đành chịu khuyết nghi. Nhưng theo sự ước đoán thì lúc ấy ông đã gắng công học tập được một thời gian khá lâu, có lẽ vào lúc tuổi " tam thập nhị lập ".

Khi xem sách xong trở về, ông càng tiến bộ hơn, đệ tử đến nhiều hơn, có nhiều thanh danh hơn trước nên được nước Lỗ dùng.

Lúc ấy, ở nước Tấn (vua Bình Công dâm) quan Lục Khanh chuyên quyền, phía Đông đánh các chư hầu.

Vua Sở (Linh vương) binh mạnh lấn lướt trung ương. Nước Tề lớn mà gần Lỗ, nước Lỗ nhỏ yếu, nếu theo Sở thì Tấn giận, còn theo Tấn thì Sở đến đánh, nếu không đề phòng Tề, thì Tề cũng xâm Lỗ.

Năm Lỗ Chiêu Công thứ 20, lúc đó Khổng Tử được 30 tuổi.

Tề Cảnh Công và Án Anh đến nước Lỗ, Cảnh Công hỏi Khổng Tử : " Ngày xưa Tần Mục Công nước nhỏ, ở nơi hẻo lánh, mà nên nghiệp bá tại sao vậy ? "

Khổng Tử  đáp : " Nước Tần tuy nhỏ, nhưng chí lớn, ở chỗ tuy hẻo lánh, nhưng việc làm ngay thẳng, biết dùng người hiền tài, như vậy có thể làm đến bực đế vương, chỉ mới làm nên nghiệp bá là còn nhỏ vậy ".

(Theo sách Tề thế gia ký thì Cảnh Công với Án Tử đi săn gần biên giới nước Lỗ, nhơn đó vào nước Lỗ luôn, liền hỏi " lễ " với Khổng Tử.

Trong sách Xuân Thu không thấy có ghi chép chuyện nầy, hơn nữa lúc đó Khổng Tử  ở nước Lỗ chưa có tiếng tăm gì, làm sao vua nước láng giềng đến hỏi lễ được.

Có lẽ người đời sau muốn suy tôn Khổng Tử nên mới bày ra chuyện nầy.)

Khổng Tử 35 tuổi, Quí Bình Tử và Hậu Chiêu Bá vì đá gà chọi mà đắc tội với Lỗ Chiêu Công. Chiêu Công đem binh đánh Bình Tử, Bình Tử hợp với Mạnh tôn thị, Thúc tôn thị, 3 nhà hợp công Chiêu Công. Binh Chiêu Công bại, chạy sang nước Tề (Tề đưa Chiêu Công ở Can hậu).

(Chuyện nầy thấy có ghi rõ trong Tả truyện. Can hậu hiện nay là An thành huyện, tỉnh Hà Bắc.)

Nước Lỗ loạn, Khổng Tử qua Tề (gia thần Cao Chiêu Tử muốn cho Cảnh Công hay) cùng với Thái sư nước Tề bàn về nhạc, nghe nhạc Thiều, rồi học 3 tháng mà không hề biết vị thịt, người nước Tề rất khen.

Cảnh Công hỏi việc chánh với Khổng Tử, Khổng Tử nói : " Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con ".

Cảnh Công khen : " Hay lắm ! Như vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, con chẳng ra con, tuy có lúa, ta có thể ăn được không ? "

Ngày khác, lại hỏi việc chánh với Khổng Tử, Khổng Tử đáp : " Việc chánh ở chỗ tiết kiệm tài vật "

Cảnh Công nói...

(Muốn đem ruộng Ni Khê phong cho Khổng Tử, Án Anh đến tâu : " Vả bọn nho là người khéo léo mà không làm theo đúng phép, kiêu ngạo mà hay thuận theo người. Không thể cho làm người giúp việc được...sùng thương tang lễ, cứ bi ai phá sản để lo việc tống táng cho trọng hậu, không thể lấy đó làm phong tục được, đi du thuyết kiếm lợi, không thể theo đó trị nước.

Từ khi bậc đại hiền hết, nhà Châu đã suy, Lễ Nhạc thiếu sót, bây giờ Khổng Tử lại muốn trau tria thêm, làm lễ phiền phức trọn đời không thể tìm cái học của ông ta, nếu bây giờ không thể tìm cái Lễ đó, mà lại muốn dùng để thay đổi phong thái của Tề thì chẳng phải là việc giúp cho dân vậy.

Sau đó Cảnh Công cung kính gặp Khổng Tử mà không hỏi Lễ, ngày khác ngăn Khổng Tử mà bảo rằng : Đãi ông như họ Quí, thì tôi không thể làm được, nên chỉ đãi giữa chừng của hai họ Quí, Mạnh mà thôi.

Đại phu nước Tề muốn hại Khổng Tử, Khổng Tử nghe được chuyện đó. Cảnh Công nói : " Tôi đã già rồi, không dùng được gì những lời của ông cả ".)

Khổng Tử liền trở về nước Lỗ.

(Đoạn văn đóng trong 2 dấu ngoặc là chỗ có nghi vấn. Về chuyện Cảnh Công muốn đem ruộng Ni Khê phong cho Khổng Tử, không thấy chép trong sách Luận Ngữ.)

Pho Sách ẩn có viết : Thuyết nầy xuất phát từ các sách " Án Tử xuân thu và Mặc Tử, văn thấy hơi lạ ".

Mấy học giả đời sau như Kim Lý Tường và Thôi Thuật đều cho rằng không thể tin được.

Thiên Bát dật trong pho Luận Ngữ ghi lời Khổng Tử : " Án Bình Trọng rất khó cư xử với người, ở lâu mà cung kính ".

Án Tử ngăn Khổng Tử không phải là sự thật. Trong sách " Thù Tứ khảo tín lục " có chép : Lúc Lỗ Chiêu Công chạy qua nước Tề thì Án Tử đã làm quan ở đó 40 năm rồi, năm sau đó có luận về Tuệ tinh (sao chổi) trong sách Tả truyện có ghi, rồi sau đó không thấy nhắc gì đến chuyện Án Anh nữa. Lúc Khổng Tử đến nước Tề, có lẽ Án Anh đã qua đời.

Mạnh Tử có nói : Khổng Tử qua nước Tề, không kịp chắt nước cơm mà đi, nhưng tại sao ra đi thì không có chứng cớ gì để tìm hiểu cho ra sự thật).

*

Khổng Tử 42 tuổi, Chiêu Công mất ở Can hậu, Định Công lên ngôi.

Mùa hạ, năm Định Công thứ 5 Quí Bình Tử mất, Hoàn Tử kế vị (Quí Hoàn Tử đào giếng, gặp hố đất, ở trong có con như dê, hỏi Trọng Ni, nói đó là chó, Trọng Ni nói : " Theo chỗ tôi nghe, đó là dê. "

Khâu nghe nói rằng : Loài quái của cây đá có : Đâu, vọng, lượng, loài quái của nước có : Long, võng, tượng. Loài quái của đất là phần dương.

Nước Ngô đánh nước Việt, được xương cốt cả xe, Ngô sai sứ đến hỏi Trọng Ni : " Xương của ai mà lớn vậy ? "

Trọng Ni đáp : " Vua Võ hội quần thần ở Cối Kê sơn, họ Phòng phong đến trễ, vua Võ giết trị tội, xương cốt chở đầy xe, vì thế xương mới lớn. "

Khách nước Ngô hỏi : " Ai làm thần ? "

Trọng Ni đáp : " Thần núi, sông, đủ làm kỷ cương cho thiên hạ..giữ đó là thần, xã tắc là chư hầu đều thuộc vua... "

Khách nước Ngô lại hỏi : " Họ Phòng phong giữ ở đâu ? "

Trọng Ni đáp : " Vua Uông Võ giữ núi Phong võ họ Ly, dưới thời Hạ, Thương, là Uông Võ, dưới thời nhà Châu là Trường Địch, bây giờ gọi là đại nhân ".

Khách lại hỏi : " Con người cao chừng bao nhiêu ? "

Trọng Ni đáp : " Họ Tiều Nghiêu thì 2 thước, rất thấp, còn người cao lắm thì bất quá bằng 10...đó là hết số ".

Người khách nước Ngô liền bảo : " Hay lắm ! Thật là Thánh nhân ! ")

(Sách " Gia ngữ biện vật giải " có chép chuyện Hoàn Vương bắt được Phần dương, đó là sự thật.

Còn đoạn viết " Ngô đánh bại Việt ở Cối Kê " trở về sau là do kẻ " tục nho " muốn cho rằng Thánh nhân học nhiều, chuyện gì cũng biết, cho nên mới bày ra chuyện truyền thuyết ấy.

Sử Công (Tư Mã Thiên) trích lại là có ý muốn đề cao Khổng Tử học rộng, nhưng không ngờ, những lời không chứng cớ, giọng nói không trang nhã, là không phải sử liệu chánh thức, bây giờ nên bỏ là đúng hơn.)

Sủng thần của Hoàn Tử là Trọng Lương Hoài cùng Dương Hổ có hiềm khích. Dương Hổ muốn đẩy Hoài, Công Sơn Bất Nửu ngăn việc đó.

Mùa thu năm ấy Hoài càng kiêu, Dương Hổ bắt Hoài, Hoàn Công giận, Dương Hổ liền bắt giam Hoàn Công rồi sau đó ăn thề mà thả Hoàn Công. Vì thế Dương Hổ càng xem thường Quí thị. Quí thị cũng không chường mặt, bồi thần cầm quốc chánh, vì thế từ Đại phu trở xuống đều xa chánh đạo, cho nên Khổng Tử không làm quan nữa, trở về nhà mà soạn lại Thi, Thơ, Lễ, Nhạc...đệ tử càng đông, từ phương xa đến, không ai là không học với Ngài.

(Chuyện nầy trong Tả truyện có ghi. Trong Luận Ngữ chép Dương Hổ là Dương Hóa, trong sách Mạnh Tử khi thì chép Dương Hổ, lúc chép Dương Hóa.)

Định Công năm thứ 8 (Công Sơn Bất Nửu vì bất đắc ý với Quí thị nên...) Dương Hổ làm loạn, muốn phế dòng chánh của Tam Hoàn lập dòng thứ, Dương Hổ giả làm lành và bắ Quí Hoàn Tử.

Hoàn Tử lừa được nên thoát khỏi. Dương Hổ không hơn được chạy sang Tề, lúc đó Khổng Tử 50 tuổi (Công Sơn Bất Nửu dùng đất Phí làm phản Quí Tử, rồi sai người đêán triệu Khổng Tử.

Khổng Tử không đem đạo ra thi hành đã lâu, nên buồn không chỗ đem ra dùng, và không ai dùng mình nên nói " Nhà Chu, Văn, Võ, nổi lên ở Phong sào mà làm vua, bây giờ đất Phí tuy nhỏ, nhưng có thể làm được không ? "

Ông muốn qua đó.

Tử Lộ không vui liền ngăn Khổng Tử, Khổng Tử nói : " Vả kẻ triệu ta, không lẽ phí công sao ? Như dùng ta, biết đâu sẽ thành nhà Đông Châu ?

Nhưng sau cùng ông không đi.)

(Về chuyện Công Sơn Bất Nửu làm phản, trong Tả truyện ghi thật rõ : " Mùa Hạ, năm Định Công thứ 12, Khổng Tử làm quan Tư Khấu nước Lỗ, tham dự việc chánh, chủ trương trừng phạt Tam gia, Công Sơn Bất Nửu làm quan Tể đất Phí liền làm phản, tấn công Định Công, Khổng Tử sai Thân Câu Tu, Nhạc Hân chinh phạt và đánh bại Công Sơn Bất Nửu, Nửu chạy sang Tề.

Công Sơn Bất Nửu làm phản, là vì phản đối Khổng Tử, đâu có lẽ lại mời người mình chống đối đến tham chánh hay sao ?

Hơn nữa, Khổng Tử đã sai người đi chinh phạt Bất Nửu, thì đâu có lý nào khi nghe Nửu mời lại muốn đi đến ? Rồi lại nghĩ rằng sẽ giúp Nửu để gầy dựng thành nhà Đông Châu, thật là một điều hết sức vô lý.

Chuyện nầy thật đáng nghi, trong sách Thù Tứ khảo tín lục cũng nhận xét như thế, đoạn nầy nên cắt bỏ cho hợp lý.)

Sau đó Định Công dùng Khổng Tử làm Trung đô tể, một năm mà 4 phương đều theo phép tắc, từ Trung đô tể, Khổng Tử làm Tư Không, rồi từ Tư Không lên làm (đại) Tư Khấu.

(Trung đô là một ấp của nước Lỗ, ngày nay ở phía Tây huyện Văn Thượng tỉnh Sơn Đông.

Thưở đó Chư hầu chỉ có chức Tư Khấu, chớ không bao giờ có Đại Tư Khấu. Chữ Đại là sai...Người đời sau muốn tôn Khổng Tử nên thêm chữ Đại vào một cách sai lầm. Nên bỏ chữ Đại cho đúng).

Mùa Xuân năm thứ 10 đời Định Công, Lỗ đã bằng Tề, đến mùa Hạ (Đại phu nước Tề là Lê Sừ, bảo Tề Cảnh Công : Lỗ dùng Khổng Tử, cái thế tất làm nguy Tề) nước Tề sai sứ đến Lỗ mời đến hội ở Giáp Cốc để giao hảo.

Lỗ Định Công đi xe đến đó. Khổng Tử lo việc nhiếp chánh liền tâu : " Thần nghe nói nếu có việc văn thì phải có võ bị, có việc võ thì phải có văn bị. Đời xưa, khi chư hầu ra biên cảnh, thì phải có quan đi theo, xin vua đem theo quan Tư mã tả hữu.

Định Công nói : "  Phải ".

Liền đi đủ với Tư mã tả hữu, hội với Tần hầu ở Giáp Cốc, lập đàn vị, nền đất 3 cấp, dùng lễ hội ngộ tiếp nhau, xá nhường mà lên đàn, lễ dưng rượu xong, nước Tề có chức Hữu Tư bước tới tâu :

- Xin tấu nhạc tứ phương.

Cảnh Công đáp :

- Được.

Rồi cờ xí trương lên, kiếm kích vung ra, tiếng trống inh ỏi tiến tới.

Khổng Tử lật đật bước tới, leo lên bực đất, chưa hết một cấp giơ tay áo lên nói lớn :

- Hai vua ta đang hội giao hữu, nhạc di địch đến đây làm gì ? Xin hỏi quan Hữu Tư ?

Hữu Tư lại không đi.

Tả hữu liền nhìn Cảnh Công (và Án Tử) Cảnh Công sợ sệt liền cho bọn nhạc thối lui.

Giây lát, Hữu Tư nước Tề lại bước tới bảo :

- Xin tấu nhạc trong cung.

Cảnh Công đáp :

- Được.

Bọn con hát lại múa may bước tới, Khổng Tử bước ra, bước lên bực đất; chưa hết một cấp đã nói :

- Bọn thất phu mà lại làm rối loạn chư hầu, tội đáng giết !
Quan Hữu Tư liền thi hành theo phép, chặt tay chưn bọn ấy.
Cảnh Công sợ mà lung lay, biết lý mình không bằng, trở về mà hết sức sợ, bảo quần thần :

- Nước Lỗ dùng đạo quân quân tử để phò vua, còn các người dùng đạo di dịch để dạy cho quả nhân, làm đắc tội với vua Lỗ, bây giờ mới tính làm sao ?

Quan Hữu Tư liền đáp :

- Người quân tử có lỗi phải tạ bằng vật làm tin, người tiểu nhân thì tạ bằng văn. Như vua có ngại điều đó thì tạ bằng vật làm tin.

- Vì thế Tế hầu liền trả lại những đất Văn dương, Quyền đã lấy của nước Lỗ để tạ lại việc ấy.

(Trong sách Xuân Thu có chép rõ vụ Tề trả mấy vùng đất kể trên cho Lỗ, là do công của Khổng Tử, nhưng tình hình thật sự của cuộc hội ấy như thế nào, thì chưa rõ lắm, có lẽ người ta đã khoa trương thêm nhiều để đề cao Khổng Tử.)

Mùa Hạ, năm thứ 13, đời Định Công, Khổng Tử tâu với Địng Công :

- Làm tôi không chứa giáp binh, Đại phu không có thành cao 100 trỉ.

Khiến Trọng Do làm quan tể cho Quí thị để phạt Tam đô. Vì thế Thúc Tôn thị hạ đất Hậu trước, rồi Quí thị định đánh Phí, Công Sơn Bất Nửu, Thúc Tôn tiếp liền đem người Phí đánh Lỗ. Định Công và 3 người con vào cung Quí thị, lên đài Võ tử.

Người Phí tấn công tới, nhưng không được (có mũi tên bay bên cạnh Định Công).

Khổng Tử sai Thân Câu Tu, Nhạc Hân xuống đánh, người Phí thua, bị đuổi theo và bị bại ở Cô miệt. Hai ông liền chạy sang nước Tề, đất Phí bị hạ luôn...liền sửa soạn đánh đất Thành, Công Kiểm Xử Phủ bảo Mạnh Tôn :

- Đánh Thành, thì người nước Tề ắt kéo đến cửa Bắc, vả lại Thành là bình phong cho Mạnh thị, nếu không còn đất Thành, thì không còn Mạnh thị vậy, ta nên giả vờ là không biết...theo tôi thì không nên đánh Thành.

Tháng 12 Định Công vây thành, nhưng không lấy.

(Chuyện nầy có ghi trong Xuân Thu nhằm năm Định Công thứ 12, đây chép lộn là thứ 13.

Tam Đô là đô của Tam gia, Đất Hậu ở phía Nam huyện Đông Bình tỉnh Sơn Đông, đất Thành ở phía Đông Bắc huyện Ninh Dương tỉnh Sơn Đông.)

Định Công năm thứ 14, Khổng Tử 56 tuổi, từ Đại Tư Khấu, lên làm Nhiếp tướng, có sắc vui. Môn nhơn nói :

- Nghe nói người quân tử họa đến không sợ, phước đến không mừng...

Khổng Tử đáp :

- Có lời nói như vậy, nhưng cũng nên vui vì được làm kẻ dưới của người quí...

Ông liền giết Thiếu chánh Mão là Đại phu nướcLỗ đã làm loạn chánh.

Ông lo việc chánh trị trong nước 3 tháng người trong nước trở nên thành thật, nam nữ đi đứng riêng biệt ngoài đường, ngoài đường không lượm của rơi, khách bốn phương đến ấp chẳng cần quan Hữu Ty, y như là về nhà mình.

Người nước Tề nghe rất sợ liền nói :

- Khổng Tử làm việc chánh thì nên nghiệp bá, nên nghiệp Bá, thì đất ta rất gần, bây giờ ta nên chiếm trước...không nên để lâu.

Lê Sừ nói :

- Xin trước tìm cách ngăn trở, ngăn trở không được thì chiếm đất, đâu có chậm gì ?

Vì thế chọn gái đẹp nước Tề, 80 người, đều mặc áo đẹp, múa nhạc, đem ngựa 30 con đưa qua vua Lỗ...rồi bày nữ nhạc và ngựa ngoài cửa thành nam nước Lỗ.

Quí Hoàn Tử mặc thường phục đến xem đôi ba lần, sắp sửa nhận, liền cho vua Lỗ hay đi chơi khắp đường, và đến xem suốt ngày...trễ nãi cả việc chánh.

Tử Lộ nói :

- Phu Tử có thể bỏ đi rồi đó...

Khổng Tử đáp :

- Nước Lỗ sắp tế giao, nếu như đem phần thịt "phiên" cho Đại phu, thì ta còn có thể ở lại...

Sau nầy Hoàn Tử nhận nữ nhạc, luôn ba ngày không lo việc chánh, tế lễ giao lại không đưa phần thịt cho Đại phu, Khổng Tử liền đi, ở đêm nơi đất Đồn.

Sư Kỷ đưa mà nói rằng :

- Phu Tử chắc không trách...

Khổng Tử đáp :

- Bây giờ ta hát, có được không ? Hát rằng "Vì miệng mấy đứa con gái kia, có thể ra đi...cái êm ấm của mấy đứa con gái kia, vì đó mà chết...hư việc...việc vui chơi duy chỉ làm hết đời."

Sư Kỷ trở lại, Hoàn Tử hỏi :

- Khổng Tử có nói gì không ?

Sư Kỷ thưa lại sự thật.

Hoàn Tử thở ra than rằng :

- Phu Tử trách tội ta là vì mấy đứa nữ nhạc ấy chăng ?

(Chuyện nầy đều có chép trong sách Luận Ngữ và Mạnh Tử. Khi Hoàn Công nhận nữ nhạc là Khổng Tử đã quyết chí ra đi rồi. Nhưng không muốn nêu cái sai lầm của vua lên quá rõ, cho nên mới mượn cớ thiếu phần thịt, một chuyện nhỏ để ra đi.

Nhưng về chuyện nữ nhạc của nước Tề, một nhà học giả sau nầy là Thôi Thuật bảo là không đáng tin, trong sách Thù Tứ khảo tín lục đã biện luận thật rõ ràng. Thiên Hiến vấn trong sách Luận Ngữ có chép : Công Bá Liêu tố Tử Lộ với Quí Tôn, Tử Phục Cảnh Bá cho hay :

- Nếu Phu Tử có gì không đắc chí với Công Bá Liêu, thì tôi có thể giúp ở triều.

Khổng Tử đáp :

- Đạo làm được chăng ? Mạng vậy ! Đạo có bị phế chăng ? Mạng vậy ! Công Bá Liêu có ăn thua gì với mạng đâu !

Sở dĩ Khổng Tử có thể thi hành đạo mình với Quí Tôn, là nhờ Tử Lộ làm quan tể với họ Quí, được Hoàn Tử tín nhiệm...vì thế nếu tố Tử Lộ (học trò Khổng Tử) với Quí Tôn, tức ly gián Khổng Tử.

Quí Hoàn Tử đã bị nghi ngờ vì Công Bá Liêu, thì Tử Lộ không còn được tin dùng như trước, như thế Khổng Tử không thể không đi được.

Rồi nhơn kỳ tế Quân giao ơở tháng Dần [háng giêng ] Khổng Tử tìm cớ ra đi.)

Khổng Tử liền qua nước Vệ, ở nhà anh của Tử Lộ, nhà Nhan Thục Trâu.

Vệ Linh Công hỏi :

- Khổng Tử ở nước Lỗ, ăn lộc bao nhiêu ?

Có người đáp :

- Lúa lương 6 vạn.

Nước Vệ cũng cho lúa 6 vạn...(ở không bao lâu, có kẻ gièm Khổng Tử với Vệ Linh Công, Linh Công sai Công Tôn Giả nói ra nói vào, Khổng Tử sợ bị tội) ở 10 tháng liền bỏ nước Vệ ra đi...

(Nhan Thục Trâu tức Nhan Thùy Do vợ Di Tử Hà...

Khổng Tử bỏ nước Vệ ra đi là vì Linh Công lợt lạt, nếu bị gièm pha mà sợ tội thì tại sao ở đến 10 tháng mới ra đi ? Hơn nữa, không bao lâu ông lại trở về nước Vệ, như thế đoạn "ở không bao lâu...đến sợ bị tội" nằm trong 2 dấu ngoặc nên bỏ là hợp lý hơn).

Sắp qua nước Trần, đi ngang đất Khuôn, Nhan Cao theo hầu giơ tay chỉ nói rằng : "Ngày trước tôi có vào đây...

Người đất Khuôn nghe nói, ngỡ đó là DươngHổ của nước Lỗ...Vì Khổng Tử hình dáng giống Dương Hổ Dương Hổ thường tàn bạo với người Khuôn, người Khuôn liền ngăn Khổng Tử, 5 ngày Nhan Uyên đến...

Khổng Tử nói :

- Ta ngỡ rằng người đã chết !

Nhan Uyên đáp :

- Thầy còn, Hồi đâu dám chết ?

(Người Khuôn vây Khổng Tử càng gấp) đệ tử sợ, Khổng Tử bảo :

- Văn Vương đã mất...Bây giờ văn không còn ở đây sao ? Nếu trời muốn làm mất văn vẻ ấy, thì kẻ sau chết, không thể hưởng được nền văn vẻ ấy...Còn nếu như trời không muốn làm mất nền văn vẻ ấy, thì người Khuôn không làm gì ta được đâu !

(Khổng Tử khiến kẻ đi theo làm tôi cho Ninh Võ Tử ở nước Vệ, sau đó mới được đi).

(Đất Khuôn hiện nay là huyện Trường Viên ở phía Tây Nam tỉnh Hà Bắc. Câu "người Khuôn vây Khổng Tử càng gấp" dư, nên bỏ.

Lúc Khổng Tử đến nước Vệ là nhằm năm thứ 30 Vệ Linh Công, lúc đó Ninh Võ Tử đã chết, nên câu "Khổng Tử khiến kẻ đi theo...nên bỏ, có lẽ người sau lầm nên thêm vào).

Liền qua đất Bồ, hơn 1 tháng, trở lại nước Vệ, ở nhà Cừ Bá Ngọc, vợ vua Linh Công có bà Nam Tử, cho người đến nói với Khổng tử :

- Người quân tử bốn phương nếu không nhục làm bạn với quả quân tôi, thì cũng nên đến gặp quả tiểu quân".

Khổng Tử từ tạ, và bất đắc dĩ đến ra mắt.

Phu nhơn ở trong màn thưa, Khổng Tử bước vào, day mặt về hướng Bắc cuối đầu...Phu nhân ở trong màn đáp lễ, tiếng ngọc đeo trong mình vang lên.

Khổng Tử nói :

- Đáng lẽ tôi không đến, nhưng phu nhân đã gọi ra mắt, tôi phải đáp lễ.

Tử Lộ không vui, Khổng Tử thề rằng :

- Ta có điều gì sai quấy...Trời hại ta...Trời hại ta...

Ở nước Vệ hơn tháng, Linh Công và phu nhân ngồi chung xe, hoạn quan là Ung Cừ cũng ngồi...cùng đi ra, để Khổng Tử ngồi xe sau, rong qua chợ.

Khổng Tử nói :

- Ta chưa thấy ai hiếu đức như hiếu sắc.

Ông xấu hổ bỏ nước Vệ qua nước Tào.

(Câu chuyện Khổng Tử ra mắt nàng Nam Tử có chép trong thiên Ung Dã sách Luận Ngữ.

Chuyện Khổng Tử ra mắt Nam Tử, Tử Lộ không vui, Khổng Tử không nói rõ, tại sao mình đến mà chỉ thề thốt, như thế không ai hiểu được. Nhưng xét qua lời nói của sứ giả Nam Tử đến gặp Khổng Tử khi mới đến nước Vệ, ở tại đó độ 10 tháng, Nam Tử chưa gặp ông lần nào.

Lần nầy ở Vệ hơn mười tháng, nàng lại muốn gặp, đó là huyện không hợp tình hợp lý chút nào, có chỗ đáng nghi ngờ...Trong sách Luận Ngữ tập giải, theo lời Khổng An Quốc, cũng nghi ngờ chuyện nầy.

Có thuyết lại cho rằng, trong thời gian ở Vệ 10 tháng, Linh Công với Nam Tử đi xe trước, bảo Khổng Tử ngồi xe sau, ông buồn vì bị đối xử thiếu lễ nên ra đi).

Năm ấy Lỗ Định Công mất.

Khổng Tử qua nước Tào, nước Tống, cùng đệ tử giảng tập Lễ dưới cây to...Tư Mã nước Tống là Hoàn Đồi muốn giết Khổng Tử nên bứng cây...

Đệ tử bảo :"Bây giờ là lúc nên đi..."

Khổng Tử nói :

- Trời sanh đức nơi ta ! Hoàn Đồi làm gì ta được !

Khổng Tử qua nước Trịnh, cùng đệ tử lạc nhau. Khổng Tử đứng một mình ở cửa Đông nước Trịnh. Người nước Trịnh có kẻ bảo Tử Cống :

- Ở cửa Đông có người giống như vua Nghiêu, trán như Cao Dao, vai như Tử Sản, nhưng từ lưng trở xuống, ngắn hơn vua Võ 3 tấc...đứng bơ phờ như chó nhà có đám tang...

Tử Cốngnói lại sự thật cho Khổng Tử nghe. Khổng Tử cười nói :

- Hình trạng chưa chắc là như vậy. Nhưng như chó nhà có đám tang thì rất đúng, rất đúng !

(Trong đoạn nầy "bứng cây..." là không hợp lý, vì lúc đó Hoàn Đồi làm Tư Mã nước Tống, lại chuyên quyền, nếu muốn giết Khổng Tử là một chuyện dễ dàng. Bứng gốc cây mà làm gì ?).

Vua nước Ngô là Phù Sai đánh nước Trần, lấy 3 ấp rồi về...

Triệu Ưởng đánh Triều ca, Sở vây nước Thái, nước Đới sang Ngô, nước Ngô đánh bại vua Việt là Câu Tiển.

Có con chim bay đến sân nước Trần mà chết, có mũi tên xuyên ngang, nõ bằng đá, tên dài hơn thước...Vua Trần sai sứ đến hỏi Trọng Ni.

Trọng Ni đáp :

- Chim từ xa đến đây vậy ! Và đây là tên của Tiêu Thận.

Ngày xưa Võ vương đánh nhà Thương, thông đường 9 rợ, 8 man và khiến các nơi đem lễ vật đặc biệt của mình đến cống...để cho không quên nghề nghiệp.

Vì thế Tiêu Thận cống tên và nõ đá, tên dài hơn thước, vì Tiêu vương muốn làm tỏ đức lành của mình liền lấy tên của Tiêu Thận chia cho Thái Cơ, Ngu Hồ Công và phong cho đất Trần...

Chia cho những người đồng tánh châu ngọc, mở rộng thân thích...chia cho những người khác họ những chức phương xa, để cho không quên mến phục...vì thế mà chia tên của Tiêu Thận cho nước Trần...Liền tìm ở phủ xưa, quả thấy loại tên ấy.

(Chuyện nầy giống như chuyện Phần dương và xương của họ Phòng phong ở đoạn trước, mục đích để đề cao Khổng Tử là người hiểu rộng biết nhiều...và đây cũng là loại chuyện truyền thuyết).

Khổng Tử ở nước Trần 3 năm, gặp lúc Tấn, Sở tranh biên giới rồi lại đánh Trần, rồi Ngô xâm lấn Trần, nước Trần thường bị giặc cướp.

(Khổng Tử nói : Về vậy...về vậy, Tiên tử chúng ta điên cuồng, tiến thủ, không quên lúc ban đầu).

Vì thế, Khổng Tử bỏ nước Trần.

(Đoạn "Khổng Tử nói..." nằm trong 2 dấu ngoặc sắp lộn nên bỏ.)

Qua đất Bồ, họ Công thúc dựa vào đất Bồ làm phản. Người Bồ ngăn Khổng Tử, đệ tử có người tên Lương Nhụ dùng xe riêng 5 chiếc theo Khổng Tử, người nầy cao lớn, hiền, có dõng lực, nói rằng :

- Ta theo Phu Tử, gặp nạn ở đất Khuôn, nay lại gặp nạn ở đây, cũng là mạng mà thôi !

Ta với Phu Tử lại mắc nạn, thà là chiến đấu mà chết !

Đánh rất hăng, người Bồ sợ, nói với Khổng Tử :

- Nếu ông không qua Vệ, tôi để ông đi.

Cùng thề với nhau rồi ra cửa Đông, Khổng Tử liền qua Vệ.

Tử Cống hỏi :

-Lời thề có thể phụ chăng ?

Khổng Tử đáp :

- Nếu cần thề, thì thần không nghe !

Vệ Linh Công nghe Khổng Tử đến rất mừng nên ra tận bên ngoài đón tiếp và hỏi :

- Đất Bồ có thể đánh không ?

Đáp :

- Có Thể...

Linh Công nói :

- Đại phu tôi đều nói là không thể được. Vì đất Bồ, là Vệ dùng để chậm trễ Tấn và Sở, Vệ đánh Bồ có phải là không nên chăng ?

Khổng Tử nói :

- Số đàn ông con trai có chí chết, và số đàn bà có chí gìn giữ Tây Hà...chúng ta chỉ đánh bất quá chừng 4, 5 người mà thôi.

Linh Công nói :

- Hay lắm...

Nhưng không đánh Bồ.

Linh Công đã già...trễ nãi việc chánh, không dùng Khổng Tử.

Khổng Tử buồn than rằng :

- Nếu có kẻ dùng ta, chỉ một tháng mà thôi...Nếu

3 năm thì thành công...(Khổng Tử ra đi).

(Câu "Khổng Tử ra đi lầm lẫn, nên bỏ.)

Phật Hật làm quan Tể đất Trung Mâu, Triệu giản Tử đánh Phạm trung Hàng thị, đánh Trung Mâu,Phật Hật làm phản sai người đến rước Khổng Tử, Khổng Tử muốn đi.

Tử Lộ thưa :

- Do nầy có nghe Phu Tử nói "Người mà gần kẻ không lành, thì người quân tử không đến, bây giờ Phật Hật dựa đất Trung Mâu làm phản, thầy muốn đến là làm sao ?"

Khổng Tử đáp :

- Quả ta có nói lời ấy...nhưng ta cũng từng nói :"thật là cứng, mài cũng mòn, thật là trắng, nhuộm cũng đen", ta đâu phải là trái biều qua, cứ treo mà chẳng ăn ?

(Đất Trung Mâu hiện nay ở phía Tây huyện Thang Âm, tỉnh Hà Nam. Chuyện nầy có ghi trong Luận Ngữ, thiên Dương Hoá, nhưng theo Thù Tứ khảo tín lục, thì chuyện Phật Hật làm phản là dưới thời Triệu Tương Tử, mà lúc Tương Tử lên ngôi thì Khổng Tử đã mất 5 năm rồi...như thế làm sao có chuyện nầy được...đoạn nầy nên bỏ là hợp lý.

Hơn nữa, con người như Khổng Tử đâu có vì cái ăn mặc mà đi theo người bất chánh.)

Khổng Tử đánh cái khánh, có người vác nặng đi ngang qua cửa nói :

- Người đánh khánh, thật là có tâm vậy...không ai biết mình thì thôi vậy !

Khổng Tử học đàn với sư Nhượng 10 ngày mà chẳng tiến, sư Nhượng bảo :

- Có thể học thêm nữa.

Khổng Tử đáp :

- Khâu đã tập cái "khúc" nhưng chưa biết cái "số".

Giây lát sư Nhượng lại nói :

- Đã tập được cái "số" rồi, có thể học thêm...

Khổng Tử đáp :

- Khâu chưa nhận được cái "chí".

Giây lát sư Nhượng lại nói :

- Đã tập được cái "chí" rồi, có thể học thêm...

Giây lát sư Nhượng lại nói :

- Đã tập được cái "số" rồi, có thể học thêm...

Khổng Tử lại nói :

- Tôi chưa nhận được cái đạo làm người.

Giây lát, dường như có điều gì sáng lên và nghiêm trang nghĩ ngợi...rồi lại thơ thới nhìn lên cao mà có chí xa :

- Khâu đã nhận được cái đạo làm người...lờ mờ mà tối đen...gần mà như xa...mắt như nhìn biển rộng, tâm như làm vua 4 nước nếu không phải là Văn Vương thì ai làm được việc đó.

Sư Nhượng đúng dậy chắp tay xá bảo rằng :

- Phải rồi, đó là tiếng đàn của vua Văn Vương.

(Đoạn nầy muốn nói lên cái chí học tập chuyên cần của Khổng Tử...ông muốn tìm cái đạo trong tiếng đàn và nhận ra được tính chất của nhạc...)

Khổng Tử đã không đắc dụng ở Vệ, liền sắp sửa đi qua hướng Tây ra mắt Triệu giản Tử, đến sông Hà, nghe tin Đậu Minh và Thuấn Hoa chết, ông đứng bên sông Hà than :

- Đậu Minh và Thuấn Hoa là hiền đại phu của nước Tấn, lúc Triệu giản Tử chưa đắc chí, nhờ 2 người ấy mà bắt đầu việc chánh, nhung đến khi đắc chí rồi, thì giết những người ấy để làm việc chánh.

Khâu có nghe nói : Mổ thai giết trẻ con thì Kỳ Lân chẳng đến bờ cõi, tát đầm cạn cá thì giao long chẳng hợp âm dương, lật ổ phá trứng thời phụng hoàng chẳng bay.

Tại sao vậy ? Người quân tử kiêng việc hại đồng loại, vả lại điểu thú với việc bất nghĩa còn biết tránh, hà huống gì Khâu nầy ?

Bèn trở về Aáp Trâu, làm bài Trâu thao để ghi chuyện buồn ấy, rồi trở lại nước Vệ ở nhà Cừ Bá Ngọc.

*

Ngày nọ Linh Công hỏi việc binh.

Khổng Tử nói :

- Về chuyện cái trở, cái đậu, (tế, lễ) thì tôi thường nghe còn về chuyện binh thì tôi chưa học.

Ngày sau, cùng chuyện trò với Khổng Tử, thấy con chim Hồng, liền ngửng mặt nhìn, không hề chú ý đến Khổng Tử.

Khổng Tử liền ra đi, và lại qua nước Trần.

Mùa Hạ, Vệ Linh Công mất, lập cháu là Triếp, đó là Vệ Xuất Công.

Tháng 6, Triệu Ưởng đem thái tử Khoái Hội vào đất Thích, khiến thái tử để tang và 8 người mặc sô gai, giả vờ như rước từ nước Vệ về khóc mà vào rồi ở luôn.

Mùa Đông, nước Thái dời sang Châu Lai.

Năm ấy, nhằm năm thứ 3 Lỗ Ai Công, Khổng Tử được 60 tuổi, Tề giúp Vệ vây đánh Thích, vì sự có mặt của thái tử nước Vệ là Khoái Hội đang ở đó.

*

Miếu thờ của Lỗ Hoàn Ly bị cháy, Nam cung Kỉnh Thúc đến cứu hoả, lúc đó Khổng Tử đang ở nước Trần, nghe chuyện đó, liền bảo :

- Tai nạn xảy ra ở miếu thờ Hoàn ly phải không ?

Quả nhiên là như thế.

Quí Hoàn Tử bịnh, đi xe đến nhìn, thành nước Lỗ và than rằng :

- Ngày trước nước nầy sắp hưng lên nhưng vì ta đắc tội với Khổng Tử, cho nên không hưng được.

Liền quay lại bảo người nối nghiệp là Khương Tử :

- Nếu ta chết, thì người tất làm tướng nước Lỗ, và làm tướng nước Lỗ thì phải triệu Trọng Ni.

Sau đó mấy ngày, Hoàn Tử chết, Khương Tử lên ngôi. Chôn cất xong, muốn triệu Khổng Tử.

Công Chi Ngư nói :

- Ngày xưa tiên quân ta dùng người ấy không trọn, làm cho chư hầu cười...Ngày nay lại dùng nữa, nếu không trọn, thì lại bị chư hầu cười nữa.

Khương Tử nói :

- Như vậy thì triệu ai được ?

Đáp :

- Nên triện Nhiễm Cầu...

Liền sai sứ triệu Nhiễm Cầu.

Nhiễm Cầu sắp sửa đi, Khổng Tử nói :

- Người nước Lỗ triệu Cầu, không phải dùng vào chức vụ nhỏ đâu. Tất là phải giao cho trách nhiệm nặng nề.

Ngày ấy, Khổng Tử nói :

- Về vậy...về vậy...bọn tiểu tử của chúng ta điên cuồng bây giờ đã văn vẻ sáng láng, ta không biết phải lấy gì để giúp đỡ !

Tử Cống biết Khổng Tử có ý nghĩ trở về, nên trong khi đưa Nhiễm Cầu liền căn dặn :

- Nếu ngươi được dùng, là nhờ Khổng Tử làm tiếng tăm đó.

(Nhiễm Cầu đã đi)

Năm sau, Khổng Tử từ Trần qua Thái, Thái Chiêu Công sắp sửa qua Ngô, vì nước Ngô triệu ông.

Trước kia, Chiêu Công dối bầy tôi, dời qua Châu Lai, nên khi sắp sửa đi, quan Đại phu lại sợ ông rồi sẽ đi nữa...

Công Tôn Phiên bắn, giết chết Chiêu Công, nước Sở xâm lăng Thái, mùa Thu năm sau, Tề Cảnh Công mất.

(Câu "Nhiễm Cầu đã đi" nằm trong 2 dấu ngoặc, không liên hệ đến đoạn nầy, nên bỏ).

*

Năm sau, Khổng Tử từ Thái qua đất Diệp. Diệp Công hỏi về việc chánh, Khổng Tử đáp :

- Việc chánh ở chỗ làm cho kẻ xa đến và nương tựa với kẻ gần...

Ngày khác, Diệp Công lại hỏi về chuyện Khổng Tử với Tử Lộ. Tử Lộ không trả lời...

Khổng Tử bảo Tử Lộ :

- Sao ngươi không trả lời...là con người của ta học đạo chẳng mệt mỏi, dạy người không nản, có chuyện gì bứt rứt là quên ăn, lấy cái vui đẻ quên điều lo buồn...chẳng hay cái già đã gần đến nơi.

(Bỏ đất Diệp, trở qua Thái).

(Những câu nằm trong dấu ngoặc lầm lẫn nên bỏ).

Trường Thư, Kiệt Nịch cày đôi.

Khổng Tử (cho rằng những người ấy là ẩn sĩ) khiến Tử Lộ đến hỏi đường...

Trường Thư nói :

- Ai đang ngồi trên xe đó ?

Tử Lộ đáp :

- Đó là Khổng Khâu.

Nói :

- Phải Khổng Khâu ở nước Lỗ không ?

Đáp :

- Phải.

Nói :

- Người ấy tất là phải biết đường...

Kiệt Nịch hỏi Tử Lộ :

- Còn ông là ai ?

Đáp :

- Tôi là Trọng Do.

Nói :

- Ông phải là học trò Khổng Khâu không ?

Đáp :

- Phải.

Kiệt Nịch nói :

- Chuyện lo lắng, trong thiên hạ ai cũng đều như vậy...nhưng ai thay đổi được ? Nếu theo kẻ sĩ lánh người thì thà là kẻ sĩ lánh đời còn hơn...

Rồi tiếp tục cày như trước.

Tử Lộ đem việc ấy thưa lại với Khổng Tử.

Khổng Tử bùi ngùi nói rằng :

- Điểu thú không thể đồng bầy...trong thiên hạ có đạo, Khâu nầy cực nhọc để thay đổi làm gì...

Ngày nọ Tử Lộ đi, gặp người vác bồ cào, chống gậy...

Tử Lộ hỏi :

- Ông có thấy Phu Tử không ?

Người chống gậy hỏi :

- Tay chân không siêng năng, không phân biệt được loài ngũ cốc, mà làm thầy ai ?

Rồi cầm gậy mà bừa...

Tử Lộ đem việc ấy thưa lại với Khổng Tử.

Khổng Tử nói :

- Đó là kẻ ở ẩn.

Trở lại tìm thì không còn tìm thấy người ấy nữa.

(Hai chuyện kể trên có chép trong thiên Vi Tử sách Luận Ngữ, Trường Thư và Kịch Niệt không phải là tên người, Trường và Kiệt là chỉ người diện mạo khôi ngô, còn Thư và Nịch là muốn nói chân dẫm trong bùn.

Ngẫu nhiên mà gặp để hỏi đường thì làm sao mà biết tên được...cũng y như trên, người vác giỏ và vác bồ cào.

Trong sách Luận Ngữ đoạn nầy viết rất rõ).

Khổng Tử dời qua Thái, ở 3 năm, Ngô đánh Trần...Sở đến cứu Trần đóng quân ở Thành Phủ (nghe) Khổng Tử đang ở giữa 2 nuớc Trần, Thái (Sở sai người đến mời Khổng Tử... Khổng Tử sắp đến đáp lễ, Đại phu của Trần và Thái liền bàn :

- Khổng Tử là người hiền những lời phê phán của ông đều đúng với lịnh của chư hầu...bây giờ ông đã ở bên giữa Trần và Thái, mà những lời nói, việc làm của các Đại phu đều không đúng với ý của Khổng Tử.

Nước Sở là nước lớn, đến rước Khổng Tử, nếu Khổng Tử đắc dụng ở Sở thì các Đại phu đang làm việc ở Trần, Thái đều nguy.

Liền sai bọn tay chân đến vây Khổng Tử ở giữa đồng, làm cho ông không đi được).

Tuyệt lương, những người đi theo đều bịnh không ai dậy được. Khổng Tử vẫn cứ dạy học, đàn hát không ngưng.

Tử Lộ tức giận ra mắt và nói :

- Người quân tử cũng có lúc cùng sao ?

Khổng Tử đáp :

- Người quân tử cầm chắc cái cùng, còn kẻ tiểu nhân gặp cùng là bị lạm vậy.

Tử Cống nghiêm sắc mặt.

Khổng Tử :

- Tử à...ngươi nghĩ rằng ta học nhiều mà nhớ chăng ?

Thưa :

- Chẳng phải như vậy sao ?

Khổng Tử đáp :

Không phải như vậy, ta chỉ "nhứt dĩ quán chi" mà thôi (nắm điều mấu chốt mà thông tất cả).

Khổng Tử biết đệ tử có lòng lo lắng, (liền triệu Tử Lộ) nói :

Kinh Thi có nói rằng : loài thú dữ, hãy đuổi nó ra đồng vắng".

Đạo của ta sai quấy chăng ? Tại sao ta lại đến mức nầy ?

Tử Lộ nói :

- Hay là chúng ta chưa đủ " nhơn " chăng ? Vì thế người ta không tin ta. Hay là chúng ta chưa đủ trí chăng, Vì thế người ta không làm theo ta ?

Khổng Tử nói :

- Đâu có lẽ như thế ! Do ơi : Ví như người nhơn tất phải có người tin theo thì đâu có Bá Di, Thúc Tề. Ví như người trí, tất phải có người làm theo, thì đâu có Vương Tử, Tỷ Can ?

(Tử Lộ ra, Tử Cống vào ra mắt)

Khổng Tử nói :

- Tứ ơi ! Kinh Thi có nói : loài thú dữ, đuổi mầy ra đồng trống...Đạo của ta sai chăng ? Tại sao ta lại đến mức nầy ?

Tử Cống thưa :

- Đạo của Phu Tử rất lớn...cho nên trong thiên hạ không một ai có thể dung chứa Phu Tử được ! Tại sao Phu Tử xem thường mình ?

Khổng Tử nói :

- Tứ ơi ! Người làm ruộng giỏi có cấy trồng mà không gặt hái, người thợ giỏi làm khéo léo mà không có người thuận, người quân tử trau dồi được giềng mối lớn mà gom lại rồi sắp xếp có qui tắc, mà không có người dung chứa mình được...Bây giờ ngươi không lo trau dồi đạo của ngươi mà cứ cầu cho được người dung chứa...như thế thì Tứ ơi ! Chí của nhà ngươi không rộng !

(Tử Cống ra, Nhan Hồi vào ra mắt)

Khổng Tử nói :

- Hồi ơi ! Trong Kinh Thi có nói : loài vật dữ đuổi mầy ra đồng trống...Đạo của ta sai lầm chăng ? tại sao ta lại đến mức nầy ?

Nhan Hồi thưa :

- Đạo của Phu Tử rất lớn, cho nên trong thiên hạ không ai dung chứa được. Tuy nhiên, Phu Tử cứ tiến tới mà làm, dù cho không dung chứa được, thì cũng chẳng hại gì.

Chẳng dung được...mà sau đó mới thấy được người quân tử. Nếu đạo mà không trau dồi, đó là điều xấu hổ của chúng ta.

Nếu đạo đã được trau dồi nhiều, mà không được dùng, thì đó là điều xấu hổ của kẻ cầm vận mạng nước...

Không dung được...có hại gì đâu ! Không dung được, sau đó mới thấy được người quân tử !

Khổng Tử vui vẻ cười mà nói rằng :

- Có như thế chớ ! Như Nhan Hồi, nếu mà ngươi nhiều của, thì ta làm quan Tể cho ngươi !

(Liền sai Tử Cống qua Sở, Sở Chiêu Vương hưng binh rước Khổng Tử, mà sau đó mới khỏi bị vây).

(Chuyện nầy có chép trong sách Luận Ngữ, thiên Vệ Linh Công.

Những đoạn nằm trong dấu ngoặc đều sai lầm nên bỏ.

Về đoạn nầy học giả Tưởng Bá Tiềm có nhận xét : câu chuyện Khổng Tử bị tuyệt lương do các quan Đại phu của hai nước Trần, Thái âm mưu vây khổn, Châu Tử đã phân tích là sai lầm rồi...Nhưng Châu Tử lại nói lúc đó Trần và Thái đều thần phục nước Sở, đó là điều lầm lẫn.

Thật ra lúc ấy nước Trần thần phục Sở, Thái thì thần phục Ngô, cho nên Sở bức nước Thái, Ngô mới dời nước ấy đến Châu Lai, Ngô mà đánh Trần, thì Sở cứu.

Hai nước Trần, Thái, một thì theo Sở, một theo Ngô, găng nhau như nước với lửa, hơn nữa, Thái đã dời đến Châu Lai, cách Trần rất xa, Đại phu của hai nước ấy làm sao hợp nhau để bàn mưu vây Khổng Tửđược ?

Nếu như hưng binh hai nước ấy để vây Khổng Tử, thì số thầy trò của Khổng Tử không đông bao nhiêu, nếu bắt và giết là một việc rất dễ dàng, tại sao lại để cho những người ấy ở giữa vòng vây giảng đạo...đàn, hát như thế ?

Hơn nữa, nước Sở vì cứu Trần mà đến, nếu Trần nghe Sở định rước Khổng Tử, thì có bao giờ dám vây những người ấy ? Nước Sở cứ ra lịnh, là Trần tất nhiên phải thả thầy trò Khổng Tử...đâu có cần phải hưng binh để đi rước...

Một điều khác, nước Sở đến là để cứu Trần, chớ chẳng phải chỉ có việc cứu Khổng Tử...Cũng có thể Sở đến rước mấy thầy trò Trọng Ni, nhưng theo sử sách thì mùa Thu năm ấy, Sở Chiêu Vương mất ở Thành phủ, đâu có về Sở, nếu Khổng Tử đến thăm Chiêu Vương thì tất nhiên cũng đang ở Thành phủ.

Câu chuyện kể trên không có bằng chứng gì xác đáng để tin.

Mặc Tử, trong thiên Phi Nho đã viết : " Khổng Tử bị cùng ở vùng Trần Thái, canh rau không đủ...10 ngày đã qua, Tử Lộ nấu thịt heo, Khổng Tử không hỏi thịt từ đâu có mà cứ ăn...Có người dưng rượu, Khổng Tử không hỏi rượu từ đâu đến mà cứ uống.

Tất nhiên, đây là những lời phỉ báng của phái Mặc, nhưng sự tuyệt lương của Khổng Tử là có thật.

Mạnh Tử có nói : Khổng Tử bị tai nạn ở vùng Trần, Thái vì trên dưới không giao thiệp nhau, nhưng lại nói Khổng Tử là tôi Trần Hầu, nếu đã là tôi thì tại sao trên dưới không có giao thiệp nhau ?

Nếu lúc đó đã làm tôi nước Trần, tại sao lại lưu liên ở giữa hai vùng Trần, Thái, để gặp Ngô, Sở đánh nhau rồi bị tuyệt lương.

Trong sách Luận Ngữ tập giải, thiên Vệ Linh Công ở chương Tại Trần tuyệt lương có ghi lời chú : theo Khổng an Quốc thì Ngô đánh Trần, nước Trần bị loạn, cho nên thiếu ăn.

Theo lời chú nầy có lẽ gần với sự thật hơn hết).

(Chiêu Vương sắp đem đất thơ xã 700 dặm phong cho Khổng Tử.

Sở Linh Doãn là Tử Tây nói :

- Sứ của vua, đi sứ ở cghư hầu, có ai bằng Tử Cống không ?

Đáp :

- Không có.

- Phụ tướng của vua, có ai bằng Nhan Hồi không ?

Đáp :

- Không có.

- Tướng quân của vua có ai bằng Tử Lộ không ?

Đáp :

- Không có.

-Thỉ tổ của Sở là bắt đầu từ nhà Châu, hể là Tử, Nam thì có 50 dặm đất, bây giờ Khổng Tử noi theo phép của ba đời vương tước, làm sáng tỏ sự nghiệp của Châu, Chiêu, nếu vua mà phong chức cho y thì nước Sở nầy đâu có thể đời đời có được mãi mấy ngàn dặm đất đai...

Trước kia Văn Vương ở đất Phong, Võ Vương ở đất Sào, làm vua trên đất 100 dặm, mà sau cùng nên nghiệp vương trong thiên hạ.

Này nay Khổng Khâu được đất đai, được đệ tử giỏi phụ giúp đó không phải là điều phước cho nước Sở vậy !

Chiêu Vương bèn thôi.)

Mùa thu năm ấy, Sở Chiêu Vương mất ở Thành phủ.

(Đoạn nầy giống như đoạn trên về việc Án Anh ngăn Tề Cảnh Công phong đất cho Khổng Tử, đó chỉ là ức thuyết của hậu nho muốn đề cao Khổng Tử mà thôi, trong sách Sử Ký Chí Nghi có dẫn chứng sự kiện rất rõ chứng minh là chuyện nầy không có thật, vì thế, đoạn nầy nên cắt bỏ cho hợp lý).

*

Kẻ cuồng nước Sở đi về phía xe Khổng Tử, ca mà đi ngang qua nói rằng :

- Phượng ơi ! Phượng ơi ! Đức tại sao lại suy như vậy ? Chuyện đã qua không thểhối được, chuyện đến không thể biết được...

Thôi rồi...thôi rồi...Bây giờ mà còn đi theo việc chánh là đã trể rồi vậy.

Khổng Tử xuống xe, muốn tiếp chuyện, người ấy rảo bước mà đi, không thể cùng nói được.

(Chuyện nầy trong thiên Vi Tử sách Luâïn Ngữ có chép. Chữ " tiếp dư " trong sách không phải là tên người, đó là người cuồng nước Sở, đi về phía xe của Khổng Tử.

Khổng Tử nghe thấy xuống xe muốn tiếp chuyện, nhưng người ấy bỏ đi như muốn lẩn tránh...Mới gặp nhau, thì làm sao biết được tên họ.

Hành động của người lạ ấy rất ngông, nên mới gọi là cuồng, đó là kẻ ẩn sĩ, giống như những người vác giỏ, bừa cào, lội nước đã kể ở trên...)

Khổng Tử liền (từ nước Sở) trở lại nước Vệ, năm ấy ông 63 tuổi, nhằm năm thứ 6 đời Lỗ Ai Công.

Năm sau, Ngô và Lỗ, hội nhau ở đất Cối, trưng bày trăm cổ, quan Thái tể triệu Quí Khương Tử, Quí Khương Tử khiến Tử Cống đến mà sau đó việc mới xuôi.

*

Khổng Tử nói :

- Việc chánh của Lỗ. Vệ là anh em vậy.

Lúc đó, vua nước Vệ là phụ thân của Triếp, không được lập lên ngôi, đang ở nước ngoài, chư hầu nghĩ rằng ông nhường ngôi.

Đa số đệ tử của Khổng Tử đều làm quan nước Vệ.

Vua Vệ muốn được Khổng Tử làm việc chánh.

Tử Lộ hỏi :

- Vua Vệ mời thầy làm việc chánh, thầy sẽ làm gì trước ?

Khổng Tử đáp :

- Trước hết là phải chánh danh vậy.

Tử Lộ nói :

- Tại sao lại có chuyện đó ? Thầy thật là lẩn quẩn...Tại sao lại phải chánh danh ?

Khổng Tử đáp :

- Do ơi ! Ngươi thật là quê mùa ! Danh không chánh thì ngôn không thuận, ngôn không thuận thì sự không thành...thì lễ nhạc không hưng được, thì hình phạt không trúng, hình phạt không trúng, thì dân sẽ lúng túng không biết phải hành động ra sao...

Là người quân tử, việc làm phải danh chánh, hễ nói là làm được, người quân tử đối với lời nói của mình, không thể có chỗ xem thường !

*

Năm sau, Nhiễm Hữu làm tướng soái cho Quí thị đánh với Tề ở đất Lang, thắng Tề.

Quí Khương Tử nói :

- Nhà thầy đối với việc quân lữ, học mà có, hay là do tánh sẵn có.

Nhiễm Lữ đáp :

- Tôi học với Khổng Tử.

Quí Khương Tử nói :

- Khổng Tử là người như thế nào ?

Đáp :

- Dùng người ấy thì có danh, truyền đạo người ấy ra bách tánh, đối với quỉ thần thì không có điều gì sơ sót. Nếu cần đến đạo ấy, thì dù cho có đông đến ngàn xã (ngày xưa cứ 25 nhà gọi là một xã) thì không đâu là không thông suốt.

Khương Tử hỏi :

- Ta muốn triệu ông ấy, có thể được không ?

Đáp :

- Như muốn triệu ông thì không nên dùng mực thước của tiểu nhơn, thì có thể được.

Lúc đó Khổng Văn Tử nước Vệ sắp đánh Thái Thúc, hỏi sách lược với Trọng ni.

Trọng Ni tìm cách từ chối, bảo là không biết, rồi rút lui ra đi.

Ông nói :

- Chim có thể chọn cây, cây có thể chọn chim được chăng ?

Văn Tử cố giữ, gặp lúc Quí Khương Tử đuổi Công Hoa, Công Tân, và Công Lâm, rồi dùng lễ rước Khổng Tử.

Khổng Tử liền về nước Lỗ.

Khổng Tử bỏ nước Lỗ ra đi, tính có đến 14 năm, sau đó mới trở về.

*

Lỗ Ai Công hỏi việc chánh.

Đáp :

- Việc chánh ở chỗ bọn bầy tôi...

Quí Khương Tử hỏi việc chánh.

Khổng Tử đáp :

- Nên ngay thẳng, chỉ cái sai của tà vạy, thì tà vạy trở nên ngay thẳng.

Quí Khương Tử lo ngại về việc trộm cắp.

Khổng Tử nói :

- Nếu không có lòng tham, thì dù cho có thưởng, cũng không ai chịu ăn trộm.

Nhưng Lỗ cũng vẫn không dùng được Khổng Tử, và Khổng Tử cũng không muốn làm quan.

Dưới thời Khổng Tử, nhà Châu suy vi, lễ nhạc bị phế, thi thơ thiếu. Tìm theo dấu lễ của Tam Đại (làm lời tựa cho Kinh Thơ, bắt đầu từ đời Đường Ngu, đi đến thời Tần Mục...biên việc có thứ lớp).

Khổng Tử nói :

- Lễ nhà Hạ, ta có thể nói được. Nhưng nước Kỷ, không còn đủ bằng chứng...Lễ nhà Ân ta có thể nói được, nhưng nước Tống không còn đủ bằng chứng.

Nếu có đủ, thì ta có thể nêu ra làm bằng chứng.

Xem xét cái hay cái dở của nhà Hạ, nhà Ân, Khổng Tử nói :

Đời sau, tuy cả 100 đời, cũng còn có thể biết được...Một là cái văn vẻ, còn một là cái chất...

Nhà Châu xem xét 2 đời trước, nên văn vẻ sáng rỡ, ta theo nhà Châu.

Làm lời tựa Kinh Thơ, trước bắt đầu từ thời Đường Ngu, biên chép việc có thứ lớp, cho nên Kinh Thơ và Lễ ký từ Khổng thị mà ra).

(Đoạn nầy viết về chuyện Khổng Tử định kinh Lễ, biên kinh Thơ, nhưng có sự lầm lẫn về trật tự, theo sách Sử ký thám nguyên thì trước hết là định kinh Lễ rồi sau đó mới là biên kinh Thơ.

Theo Tưởng Bá Tiềm thì cuốn kinh Lễ của Khổng Tử san định tức là cuốn Sĩ Lễ gồm 17 thiên, ngày nay gọi là Nghi Lễ...còn cuốn kinh Thơ do Khổng Tử biên soạn tức là quyển Thượng Thơ gồm 28 thiên.)

Khổng Tử nói với Lỗ Thái Sư :

- " Về Nhạc, có thể biết được...mới bắt đầu thì nhịp nhàng, rồi mở rôïng ra, thì thuần, kích động và êm ả mà thành.

Ta từ Vệ trở về Lỗ mà sau đó nhạc mới chánh, phần Nhã và Tụng trong kinh Thi được sắp xếp đúng chỗ. "

Thời xưa, kinh Thi có hơn 3000 thiên, cho đến Khổng Tử, bỏ những chỗ nặng nề, lấy chỗ có thể dùng vào việc Lễ, Nghĩa ; trên thì chọn ông Triết, Hậu Tắc, phần giữa thuật cái thạnh của thời Ân Chu, đến cái thiếu sót của thời U, Lệ...

Bắt đầu từ phong tục cho nên mới nói : " Cái rối loạn của chương Quan, Thư bắt đầu từ phần Phong, và chương Lộc, Minh là bắt đầu do thiên Tiểu Nhã...Chương Văn Vương bắt đầu cho thiên Đại Nhã, chương Thanh miếu là bắt đầu cho phần Tụng.

Khổng Tử đều phổ vào lời ca nhạc để hợp với nhạc Thiều võ và Nhã Tụng, Lễ, Nhạc từ đó mà được truyền thuật (để cho đầy đủ với Vương đạo, thành Lục Nghệ).

(Đoạn nầy trình bày Khổng Tử chánh Nhạc, chánh Thi, câu gần chót : "  Lễ, Nhạc từ đó mà được truyền thuật.. " là kết đoạn trên nói về phần Thi, Thơ, Lễ, Nhạc, chưa đề cập đến kinh Dịch và Xuân Thu cho nên câu " để cho đầy đủ với Vương đạo, thành Lục nghệ " phải dời ra phần sau cho hợp lý).

Khổng Tử trở về già, thích kinh Dịch, làm tựa cho Thoán, Hệ, Tượng, Thiết quái, Văn ngôn.

Ông đọc kinh Dịch bìa da 3 lần đứt.

Ông nói :

- Như cho ta sống thêm được vài năm nữa, thì sẽ khá sáng tỏ về kinh Dịch.

(Theo sách " Sử Ký thám nguyên " thì đoạn nầy nên dời lại ở sau phần kế đây, để trên phần nói về sách " Xuân Thu " mới hợp lý, là vì việc đọc kinh Dịch và viết Xuân Thu là những việc làm vào lúc vãn niên của Khổng Tử, hơn nữa ông cũng không đem kinh Dịch và Xuân Thu dạy đệ tử.

Nếu dời đoạn trên đây ra phần sau, thì đoạn trên nói về việc định kinh Thơ, kinh Lễ, chánh kinh Thi, kinh Nhạc, sẽ liền với đoạn kế sau đây nói về việc Khổng Tử dùng Thi, Thơ, Lễ, Nhạc dạy học trò như thế ý văn sẽ liền lạc nhau.)

Khổng Tử dùng Thi, Thơ, Lễ, Nhạc dạy học trò đến 3000 (người thông lục nghệ có đến số 72) như trong số Nhan Thục Trâu đến thọ nghiệp rất đông.

Khổng Tử dạy 4 điều : Văn, Hạnh, Trung, Tín (cấm 4 điều : vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã, chỗ ông cẩn thận là : việc chay lạt, chiến tranh, và tật bịnh...

Phu Tử ít nói về chuyện lợi, chuyện mạng và chuyện nhơn).

Những người không phẫn chí, không mở mang, nói một mà không hiểu ba, thì không trở đi trở lại dạy nữa.

(Đoạn nầy nói về việc Khổng Tử dạy đệ tử. Sách Trọng Ni đệ tử truyện có viết : " Kẻ học mà thông được là 77 người, trong sách cũng có ghi 77 học trò ấy. "

Sách " Gia Ngữ đệ tử giải " cũng có ghi 77 tên học trò nhưng lại khác với sách kể trên.

Trong bức họa Gia miếu của Văn ông thì lại vẽ số học trò là 72 (thất thập nhị hiền).

Cao đệ của Khổng Tử, tương truyền là có hơn 70 người, nhưng con số chính xác thì mỗi thuyết đều khác nhau.

Trong phần trên có viết rõ ràng : " Dùng Thi, Thơ, Lễ, Nhạc dạy học trò " thì là chưa dạy đến kinh Dịch và Xuân Thu.

Tán kinh Dịch, sửa chữa kinh Xuân Thu, đều là những việc làm trong những năm cuối cùng của đời Khổng Tử, thì ông đâu có thể dùng 2 quyển sách ấy để dạy học trò được ?

Các Hán Nho cho rằng : " Kiêm thông lục nghệ " là một điều quí, thế nên mới viết như vậy...

Vì đây là một điều không có thật nên câu " thân thông lục nghệ, có 72 người " nên lược boỏ cho đúng.

Câu " cấm 4 điều...lợi, mạng và nhơn " câu nầy không phải là giáo điều để dạy đệ tử, và đoạn nầy cũng không cùng loại với các đoạn văn trên dưới, nên dời ra phía sau, dưới đoạn " thầy không nói... " cho hợp lý.

Ba ngàn học trò, 3000 là hư số để nói lên số học trò rất đông của Khổng Tử, không phải là số chính xác.

Chữ " thọ nghiệp " là nói số học trò đến học mà không có viết sách như Mạnh Ý Tử v.v...

Thi, Thơ, Lễ Nhạc, là tài liệu dùng dể dạy học, Văn, Hạnh, Trung, Tín là đường lối, là nội dung của việc dạy học.

Văn là văn chương, có trong Thi, Thơ, hạnh là hành vi, phẩm hạnh, Lễ dùng để huấn luyện hành vi, phẩm hạnh...Trung tín là đức tính cần thiết. Nhạc để đào luyện tánh tình, cho nên Lễ và Nhạc phải đi đôi.

Không phẫn chí học tập, không tiến bộ mở mang, là nói thiếu ý chí học tập.

Nói một mà không biết ba là nói người không chịu khó suy nghĩ, đó là nói về phương pháp dạy và học tập.)

*

Khổng Tử ở chốn Hương đảng, dường như không nói được gì, ở Tôn miếu, Triều đình, lời biện luận rất cẩn thận, khi đàm luận với Thượng Đại phu thì khảng khái rõ ràng, khi bàn với Hạ Đại phu thì thẳng thắn...vào chốn công môn thì cúc cung, bước tới rất ngay ngắn, chỉnh tề, vua gọi đến giúp lễ thì sắc nghiêm trang.

Vua có lịnh gọi, chẳng đợi gác xe mà đi liền.

Cá ươn, thịt hư, cắt không ngay không ăn, chiếu không ngay không ngồi, ăn gần kẻ có tang, không bao giờ ăn no, đó là ngày buồn thì không ca hát.

Gặp kẻ có tang, tàn tật, dù là trẻ con, cũng nghiêm sắc mặt (ba người cùng đi, tất có kẻ đáng là thầy ta) [đức mà chẳng trau dồi, học mà không thông, nghe điều nghĩa mà không sửa đổi được đó là điều lo của ta].

Bảo người xướng ca, nếu hay, thì bảo hát lại và sau họa theo. Phu Tử không nói về chuyện quái dị, sức mạnh, điều loạn và chuyện quỉ thần, cấm 4 điều : vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã...

Phu Tử ít nói về chuyện lợi, chuyện mạng, và chuyện nhơn.

(Đoạn nầy nói về thái độ, tư cách của Khổng Tử, khi ở triều đình, hương lý, và cách đối xử với người, trau dồi ngôn hạnh của ông...Đoạn nầy đều có chép trong sách Luận Ngữ.

Đoạn " cấm 4 điều... " sắp ở đây hợp lý hơn, nên dời từ đoạn trước đến đây.)

Tử Cống nói :

- Cái văn chương của Phu Tử, có thể nghe, học được, còn lời nói về tánh và Thiên đạo thì không thể nghe và học được.

Nhan Uyên thở ra than rằng :

- Ngửng lên nhìn thì thấy rất cao...xoi vào thì thấy rất cứng, nhìn thì thấy trước mặt, rồi bỗng nhiên lại ở phía sau...Phu Tử tuần tự mà dạy người, dùng văn mở mang cho chúng ta, muốn nghỉ cũng không được...đã dùng hết tài lực mình, dù cho được chỗ xuất sắc, mà muốn theo ông, cũng không biết phải theo từ đâu...

Đạt hạng đảng nhơn nói :

- Vĩ đại thay Khổng Tử...Bác học mà không thành danh ở chỗ nào cả.

Khổng Tử nghe mới nói rằng :

- Ta làm nghề gì bây giờ ? Đánh xe chăng ? Bắn cung chăng ?

Lao nói rằng :

- Khổng Tử có nói : Ta không làm thử cho nên không có nghề.

Đoạn nầy ghi lời người đương thời thán dương Khổng Tử).

*

Lúc về già, Khổng Tử thích Kinh dịch, ông đọc kinh Dịch, bìa da 3 lần đứt.

Ông nói :

- Như ta còn sống vài năm nữa, thì ta sẽ làm sáng tỏ về kinh Dịch.

(Đoạn nầy nói về việc Khổng Tử học kinh Dịch, từ phần trên dời xuống đây cho hợp lý).

Mùa Xuân, năm thứ 14 đời Lỗ Ai Công, đi tuần thú ở Đại dã người đánh xe của Thúc tôn thị là Thư Thương bắt được con thú, cho là điềm bất thường.

Trọng Ni xem và nói rằng :

- Con Kỳ Lân đó
.
Ông giữ và nói :

- Sông Hà không có Đồ...đất Lạc không có Thư (Hà Đồ, Lạc Thư) ta hết rồi vậy !

Nhan Uyên chết.

Khổng Tử nói :

- Trời hại ta.

Và khi đi thú về phía Tây, gặp Kỳ Lân ông nói :

- Đạo ta đã cùng rồi.

Ông thở ra than :

- Không có ai hiểu ta chăng ?

Tử Cống nói :

- Tại sao lại không hiểu thầy ?

Khổng Tử nói :

- Chẳng oán trời, chẳng trách người. Học với kẻ dưới mà đạt đến trên, hiểu ta...chỉ có trời thôi sao ! (không xuống chí, không nhục thân mình, Bá Di, Thúc Tề chăng ? Hay là Liểu Hạ Huệ, Thiếu Liên xuống chí, nhục thân ?) [Ngu Trọng, Di Dật, ẩn cư, lời nói phóng khoáng, thân trong sạch, bỏ chức quyền] (Ta thời khác thế, chuyện gì cũng được...mà chuyện gì cũng không)...

Khổng Tử nói :

- Thôi vậy...thôi vậy...Người quân tử bịnh qua đời mà danh không xưng vậy...

Đạo ta mà không hành được...thì ta còn mặt mũi nào đối với hậu thế ?

Liền nương theo Sử ký, viết kinh Xuân Thu, trên bắt đầu từ thời Ẩn công, dưới đến thời Thập nhị công.

Căn cứ theo Lễ, gần nhà Châu, theo nhà Ân, thông 3 đời Tam Đại, lời văn gọn mà ý rộng, giúp Vương đạo đầy đủ, hoàn thành Lục Nghệ...cho nên khi vua Ngô, Sở tự xưng vương mà sách Xuân Thu mới chê gọi bằng chữ " Tử ".

Hội Tiểu thổ thật là triệu Thiên Tử mà sách Xuân Thu viết huý ra là : " Thiên vương đi tuần thú ở Hà dương... "

Suy lại ấy để làm mẫu mực đương thời, có ý nghĩa chê bai...Đời sau, các vì Vương giả khởi lên mà suy nghĩ.

Nghĩa của kinh Xuân Thu thi hành được thì loạn thần, tặc tử trong thiên hạ đều sợ.

Khổng Tử trong việc lập đức, đọc văn từ, có chỗ cộng đồng cùng người mà không độc hữu.

Về việc viết sách Xuân Thu hễ đáng ghi thì ghi, bớt thì bớt, bọn Tử Hạ không thể thêm bớt một lời.

(Đệ tử học Xuân Thu).

Khổng Tử nói :

- Hậu thế biết Khâu nầy qua sách Xuân Thu, mà cũng bắt tội Khâu nầy qua sách Xuân Thu.

(Đoạn nầy chép về chuyện Khổng Tử viết sách Xuân Thu.

Viết kinh Xuân Thu là một đại sự trong đời Khổng Tử cho nên mới ghi lại một cách trịnh trọng như trên. Những đoạn trong dấu ngoặc lầm lẫn nên bỏ.)
 

Hình 3. KHỔNG LÂM

Trích trong : Trung Quốc Triết Học Sử Đại Cương của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê 
(Rút ở Confucius et l'Humanisme Chinois của P. Đỗ Đình)


 

Năm sau, Tử Lộ mất ở nước Vệ.

Khổng Tử bịnh, Tử Cống xin ra mắt, lúc đó Khổng Tử đang chống gậy thong thả ngoài cửa, ông nói :

-  Tử ơi, sao ngươi đến trễ vậy ?

Khổng Tử than thở và ca rằng :

- Thái Sơn lở chăng ? cây cột xiêu chăng ? Triết nhơn tàn rụi chăng ?

Rồi ông sa nước mắt.

Ông bảo Tử Cống :

- Thiên hạ vô đạo đã lâu rồi, không có ai nối cho ta...Nguời nhà Hạ tẩn liệm ở phía Đông, người nhà Châu thì ở phía Tây, còn người nhà Ân thì ở giữa 2 cột trụ.

Đêm qua, ta nằm mộng thấy ngồi ở giữa cột trụ, ta là người nhà Ân vậy.

Bảy ngày sau, Khổng Tử mất...

Khổng Tử 73 tuổi, mất vào ngày Kỷ Sửu tháng 4 đời Lỗ Ai Công thứ 16.

(Về đoạn nầy, Đỗ Dự đã ghi chép trong Tả truyện : tháng 4, ngày 18 Kỷ Sửu, tháng 4 không có ngày Kỷ Sửu, Kỷ Sửu là ngày 12 tháng 5, như vậy là có sự lầm lẫn về ngày tháng...

Xét theo trong lịch, thì năm 16 thời Ai Công có tháng nhuần, cho nên Thôi Thích nói, tháng 4, nên ghi là tháng 3 mới đúng.

Giang Vĩnh lại nói : Kỷ Sửu, nếu theo lịch nhà Châu thì là ngày 11 tháng 4, còn theo lịch nhà Hạ thì 11 tháng 2. [Nhà Châu kể tháng 11 là tháng giêng, tháng Tý] các thuyết đều khác nhau, chưa có thể khảo định được...

Có điều là ngày sanh, tử của các Chư Tử dưới thời Chu Tần, duy chỉ có Khổng Tử là có chứng cớ khá rõ rệt mà thôi.

Lỗ Ai Công năm thứ 16, nhằm năm Nhâm Tuất, vào thời Châu Kỉnh vương thứ 41, đúng năm 479 trước Tây lịch.)

Ai Công làm lời lụy rằng :

-"Trời cao không giúp, chẳng gượng để một bực già lại, để cho ta một mình tại vị, làm cho ta đau đớn...Ô hô ! Ai tai ! Ni Phụ ơi ! Từ đây có ai để làm gương mẫu...

Tử Cống nói :

- Vua có bị mất gì ở nước Lỗ không ? Lời Phu Tử có nói : Lễ mất thì tối tăm, danh mất thì sai lầm, mất chí là tối tăm, mất chỗ tựa là sai lầm.

Khi còn sống thì không dùng được, đến lúc chết lại làm lời lụy, không phải lễ vậy. Xưng là ta...không đúng với danh vậy.

Khổng Tử được chôn ở phía Bắc Lỗ thành, trên sông Tứ.

(Sách Khổng đình trích yếu chép lễ an táng nhằm ngày mùng 9 tháng 6, chôn trên sông Tứ, hợp táng với phu nhơn là Thượng quan thị.

Ngày nay, ở phía Bắc huyện Khúc phụ, cách 2 dặm, có Khổng lâm tức là mộ Khổng Tử, vùng đất ấy, phía sau lưng là sông Tứ, phía trước mặt là sông Thù, xung quanh có tường bao kín.

Sách Hoàng Lãm có viết, trong số đệ tử của Khổng Tử có nhiều người ở nước khác nhau, nên mỗi người đem loại cây đặc biệt ở nước mình đến trồng, thế nên quanh mộ có nnhiều loại cây lạ.

Phu nhơn Khổng Tử là người nước Tống...)

Đệ tử đều (tang phục 3 năm) Tâm tang 3 năm xong, liền chia tay nhau ra đi, khóc ròng, mỗi người đều rất buồn, hoặc có kẻ ở lại, duy Tử Cống cất nhà ở bên mộ 6 năm rồi sau mới đi.

Đệ tử và người nước Lỗ đến bên mộ cất nhà ở có hơn cả 100 vì thế mới gọi là xóm Khổng.

(Sách Đàn cung có viết : về tang lễ của Khổng Tử, đệ tử không hiểu phải để tang như thế nào.

Tử Cống nói :

- Ngày xưa, Phu Tử làm lễ tang cho Nhan Hồi, như là làm lễ tang cho con mà không tang phục...đến đám tang của Tử Lộ cũng như thế.

Bây giờ chúng ta làm lễ tang cho Phu Tử, cũng như cha mà không tang phục.

Châu Tử có viết : "Thờ thầy để tâm tang 3 năm...buồn như để tang cha mẹ mà không tang phục, tình thì tột mà nghĩa thì không tận".

Vì thế câu "tang phục 3 năm" là sai nên bỏ.

Trong sách Mạnh Tử, thiên Đằng Văn Công có viết :"Ngày xưa Khổng Tử mất, sau 3 năm, môn nhơn mới sắp sửa ra về, vào xá từ giã Tử Cống mà khóc đến khan tiếng, sau đó mới ra về.

Tử Cống trở lại, cất nhà ở tại chỗ, 3 năm mới về".

Trong số đệ tử của Khổng Tử, Tử Cống là giàu hơn hết, nên tang lễ của Khổng Tử nhờ sức của Tử Cống rất nhiều, lúc mới bắt đầu tang lễ, đã cất nhà gần mộ để cho bạn đồng môn ở, lúc vào xá từ giã là vì Tử Cống là chủ.)

*

(Trong Khổng môn, thầy trò bàn luận rất thường, và tư nhân dạy học, Khổng Tử là người đầu tiên, chủ trương về giáo dục của ông là trọng về phần nhơn cách, việc thầy trò thường bàn luận với nhau, cho đến bây giờ chắc chẳng có mấy ai làm được.

Thầy trò bàn luận với nhau, bình đẳng như là bằng hữu nhưng về phương diện tình cảm thì như cha con, đó là điều đặc biệt đối với số hơn 70 người học trò thân cận...

Ngày nay, thầy trò đối xử nhau như khách qua đường, thậm chí có khi xem nhau như là kẻ thù, đạo thầy trò suy đồi, trách nhiệm tại đệ tử, tại thầy và cũng tại kẻ cầm vận mạng quốc gia.)

Nước Lỗ đời đời truyền nhau, đúng năm tháng phụng tự mộ Khổng Tử, mà chư nho cũng dạy lễ, hội họp, luyện tập ở bên mộ Khổng Tử.

Một vùng đất lớn bên ngôi mộ, chỗ ngôi nhà của đệ tử ở, đời sau nhơn đó làm ngôi miếu thờ, cất giữ luôn y quan, đàn, xe và sách của Khổng Tử ở đó.

Đến đời Hán, liên tiếp hơn 200 năm không dứt. Cao hoàng đế qua nước Lỗ, dùng Lễ Thái lao cúng tế, chư hầu, khanh tướng đến, thường ra mắt miếu trước rồi sau mới đi lo việc chánh.

Đoạn nầy chép về việc người đời sau sùng bái và tế tự Khổng Tử...Tiểu sử Khổng Tử đến đây chấm dứt, phần sau là phụ thêm con cháu của Ngài...)

Khổng Tử sanh Lý, tự Bá Ngư, Bá Ngư 50 tuổi, chết trước Khổng Tử.

(Trong sách Gia ngữ, thiên Bổn tánh giải có chép : Khổng Tử 19 tuổi cưới vợ ở nước Tống là Thượng Quan Thị được một năm sanh con, nhơn dịp Chiêu Công đem tặng cá Lý nhơn đó mới đặt tên con là Lý, tự Bá Ngư...

Lúc 20 tuổi, Khổng Tử chưa đạt, thế nên việc Chiêu Công cho cá Lý là không có bằng chứng xác thực đáng tin. Khổng Tử sanh Lý vào năm 20 tuổi, nhằm năm thứ 20 Chiêu Công, Lý chết vào năm 50 tuổi, Khổng Tử được 69 tuổi nhằm năm thứ 12 thời Ai Công.)

Bá Ngư sanh Cấp, tự Tử Tư, sống được 62 tuổi, thường bị khốn đốn ở nước Tống, viết sách Trung dung.

(Sách Trung dung thấy trong pho Lễ ký của Tiểu Đái...

Trong thiên Chư Tử lược của sách Hán thư Nghệ văn chí, về phần Nho gia có chép sách của Tử Tư gồm 23 thiên...

Vương phục Lễ xét rằng, Tử Tư sống 82 tuổi mới đúng, 62 tuổi là chép lầm). [Xem Tứ thơ khoán ngôn của Mao Kỳ Linh]

Tử Tư sanh Bạch, tự Tử Thượng, được 47 tuổi, Tử Thượng sanh Truật, tự Tử Gia, được 45 tuổi, Tử Gia sanh Cơ, tự Tử Kinh, được 46 tuổi, Tử Kinh sanh Xuyên, tự Tử Cao, được 51 tuổi, Tử Cao sanh Tử Thận làm tướng nước Ngụy.

Tử Thận sanh Phụ, được 57 tuổi, làm Bác sĩ cho vua Trần là Thiệp, và chết ở nước Trần.

Em của Phụ là Tử Tương, được 57 tuổi, làm bác sĩ cho Hiếu Công Hoàng Đế, rồi dời sang Trường Sa làm Thái thú, ông cao 9 thước 6 tấc.

Tử Tương sanh Trung, được 57 tuổi, Trung sanh Võ, Võ sanh Diên Niên và An Quốc cũng làm Bác sĩ cho vua, rồi làm Thái thú Lâm Hoài và mất sớm ở đó.

An Quốc sanh Cung, Cung sanh Hoan.

*

Trở lên, phần tiểu sử của Khổng Tử chép theo tài liệu Khổng Tử thế gia trong pho Sử ký của Tư Mã Thiên.

Đây là tài liệu rõ ràng nhứt, đáng tin cậy nhứt về tiểu sử của Khổng Tử, tài liệu nầy ghi rõ ngôn, hạnh của người, đại để đều dùng sách Luận Ngữ làm chủ, rồi lại tìm thêm tài liệu ở các nơi khác, những lời truyền thuyết, những mẫu chuyện lạ...cũng được gom góp vào làm sử liệu.

Có điều đáng chú ý là những điều ghi trong sách Luận Ngữ, cũng không đáng tin cậy hoàn toàn...như thế thì gom thêm vào những lời truyền thuyết, làm sao tránh khỏi những sai lầm cho được.

Kế đó có nhiều câu, chữ lộn xộn, phần dưới đem lên trên, trên lộn xuống dưới, có chỗ bị mất chữ, chỗ lại thừa, thế nên trong tài liệu nầy có tham khảo thêm nhiều tài liệu khác để chỉnh đốn lại với ý định được hoàn chỉnh đến mức nào hay mức ấy.

*

Tóm lại, thì gia đình Khổng Tử trước kia, thuộc vào hàng quí tộc ở nước Tống, rồi sang nước Lỗ, thành giới bình dân, từ trước đời Khổng Tử chưa từng có một nhà học giả nào vĩ đại bằng ông.

Tổng kết sự nghiệp ông, thì có các phương diện chánh trị, giáo dục và sáng tác.

Về phương diện chánh trị, ông chỉ làm quan ở nước Lỗ một thời gian ngắn, chưa thỏa mãn được chí lớn của mình về phương diện giáo dục, trước tác, thì trước Khổng Tử chưa có tư nhân dạy học và tư nhân trước tác.

*

Trong thiên học nhi, sách Luận Ngữ có chép lời tự thuật của Khổng Tử : "Ta 15 tuổi mà đã có chí với việc học, 30 tuổi mà lập thân", như thế từ nhỏ đến 30 tuổi là Khổng Tử chỉ lo việc học hành.

Sách Gia ngữ có viết "Khổng Tử bắt đầu mở trường dạy học ở Hương lý, Nhan Lộ là phụ thân của Nhan Uyên thường đến học".

Trong Khổng Tử thế gia có viết : Khổng Tử qua nhà Châu xem sách, rồi sau khi trở về nước Lỗ, đệ tử càng đông, mặc dù ông qua nhà Châu, chưa xác định được nhằm năm nào nhưng, chắc chắn là lối thời Chiêu Công năm thứ 24...cho nên sau 30 tuổi và trước 50 tuổi, đó là thời kỳ ông bắt đầu dạy học.

Vào năm Định Công thứ 9, Khổng Tử làm Trung đô tể, rồi từ đó lên chức Tư Không, Tư Khấu, dự vào việc chánh nước Lỗ.

Rồi vào năm Định Công thứ 12, lúc đó ông được 54 tuổi, Khổng Tử rời nước Lỗ. Trong thời gian 4 năm ấy, đó là thời kỳ ông làm chánh trị.

Sau khi rời nước Lỗ, Khổng Tử châu du qua các nước Vệ, Tống, Tào, Trịnh, Trần, Thái, lận đận lao đao, không được ở lâu, yên ổn ở một chỗ nào. Ông đã gặp nạn ở đất Khuôn, bị Hoàn Đồi mưu hại, tuyệt lương ở giữa khoản Trần Thái, bị kẻ ẩn sĩ mỉa mai.

Mặc dù trong thời kỳ ấy có lúc ông trở về nước Lỗ, nhưng vẫn không ở được yên nơi, yên chốn.

Đến năm Ai Công thứ 12 (486 trước Tây lịch) ông mới trở về Lỗ, sống luôn cho đến lúc qua đời.

Trong thời gian 14 năm kể trên, đó là thời gian Khổng Tử đi châu du khắp nơi, đệ tử đi theo cũng đông, y như lãnh tụ của một chánh đảng ngày nay dẫn dắt môn đệ đi hoạt động chánh trị vậy.

Mặc khác, Khổng Tử cũng tìm dịp thuận tiện, bất câu lúc nào, hay ở đâu, tìm cách dạy học, mặc dầu trong lúc nguy khổn, cũng vẫn dạy học, đàn hát không ngưng...

Sau khi trở về nước Lỗ, ông chuyên tâm về việc dạy học và trước tác, mà nhứt là việc trước tác.

Ông biên soạn sách Thượng Thơ để gìn giữ sử liệu đời cổ đại, định sách Sĩ Lễ 17 thiên để dạy đệ tử, chánh kinh Nhạc, chánh kinh Thi, 4 quyển sách ấy đều do tự tay Khổng Tử biên soạn để làm tài liệu dạy học.

Ông đọc Chu Dịch và làm lời truyện cho Thoán, Tượng, căn cứ theo sử nước Lỗ, viết thành quyển Xuân Thu...

Hai tác phẩm sau, là Khổng Tử giũa gọt quan thơ để thành nên sự nghiệp xuất sắc đặc biệt cho mình.

Mặc dù Khổng Tử đã nói :" Chỉ thuật mà không viết gì". Nhưng sự thật ông lấy sự "thuật" làm trước tác...cho nên trong thời gian ấy, có thể nói là thời kỳ trước thuật của Khổng Tử.

*

Khổng Tử tuy có làm chánh trị, nhưng vẫn không thực hiện được lý tưởng chánh trị của mình. Ông cũng đã trước thuật, nhưng vẫn thuật mà không có trước tác.

Hậu nho đối với việc sáng thuật Lục kinh của Khổng Tử, đều có những ý kiến khác nhau, duy chỉ có một điều không ai có thể chối cãi được là sự nghiệp giáo dục của Khổng Tử rất vĩ đại, và vĩ đại nhứt là tinh thần của ông trong việc giáo dục "học không mỏi, dạy không mệt". Sáu chữ trên nói lên được rõ ràng tinh thần của ông, trong việc giáo dục, nhờ thế mà ông lập nên sự nghiệp vĩ đại, lưu truyền cho đến ngày nay.

Nền giáo dục có mục đích làm cho người thông đạt, biết lập thân và trở thành người tốt, hữu dụng.

Có tinh thần phấn phát không biết mệt mỏi là có quyết tâm, có chí lớn.

Lập thân cho mình, lại muốn lập thân cho kẻ khác, muốn mình thông đạt rồi lại làm cho kẻ khác thông đạt, tự mình học tập đi đến chỗ dạy người, từ chỗ không chán nản mà không bao giờ thấy mệt mỏi, đó là lòng rộng rãi bao la, biết thương yêu mọi ngưòi. Vì thế cho nên Tăng Tử mới nói :"Cái đạo của Phu Tử Trung Thứ mà thôi vậy".

Sở dĩ Khổng Tử trở thành bậc đại thánh, là nhờ ở những đức tánh ấy, các môn đệ cảm phục, kính yêu Khổng Tử là cũng nhờ ở những đức tánh ấy, cho nên mới ghi lại tất cả những lời nói, việc làm, thái độ, nếp sống của Ngài để thành pho Luận Ngữ.

Đệ tử ghi chép lời nói của thầy để thành một pho sách, đây là lần đầu tiên thấy trong lịch sử, vì thế mới sắp Khổng Tử là người đầu tiên trong Chư Tử...và trong các tác phẩm của Chư Tử, pho Luận Ngữ, cũng là pho sách đứng hàng đầu, người đời sau dùng chữ Nho để đặt tên cho học phái của Khổng Tử là rất đúng, vì chữ Nho bao hàm những ý nghĩa tốt đẹp đã kể trên.

*

Về Kinh, các nhà học giả thời nay cho rằng do Khổng Tử trước tác, còn các nhà học giả thời xưa thì lại cho rằng Lục Kinh là sách xưa của ông Châu Công và đó là quan thơ, không phải do Khổng Tử trước tác, trong quyển Thập Tam Kinh Khái Luận của Tưởng bá Tiềm có viết rõ về vấn đề nầy.

Thiên Học nhi trong sách Luận Ngữ có viết : "Học mà thường tập cũng chẳng vui vẻ sao ? Có bạn bè từ phương xa đến cũng chẳng thích sao ? Người không biết mà không giận, cũng chẳng là quân tử sao ? "

Học để biết cái mới, tập để ôn cái cũ, học tập mà có tâm đắc, thì nội tâm vui sướng, muốn thôi cũng không được, mà cũng không thấy chán nản.

Trong sách Bạch Hổ thông nghĩa có chép :" Thầy và trò có cái đạo bằng hữu" cho nên mới có câu "Có bằng hữu từ phương xa đến" tức là trong đoạn sách Thế Gia chép "Đệ tử ngày càng đông, từ phương xa đến, không ai là không thọ nghiệp...

Cái vui khi bạn bè đến, đó cũng là một cái vui trong 3 cái vui của người quân tử, đó là ý của Mạnh Tử khi được giáo dục kẻ anh tài trong thiên hạ.

Người không biết mà không giận, chẳng phải là người thờ ơ, chẳng chú tâm đến việc gì cả...mà là người khiêm nhượng, kiên nhẫn, chỉ lấy việc giáo dục người làm điều vui cho mình...

Bạn bè từ phương xa đến, tri thức không đồng đều, có người chậm chạp thiếu hiểu, cũng không vì đó mà giận, và nếu không giận thì có kiên nhẫn để dạy dỗ đúng như lời Khổng Tử đã nói "học không chán, dạy không mệt"...Vì lẽ đó mà khi viết sách Luận Ngữ, các đệ tử đã viết trước tiên trong thiên Thuật nhi câu :"thầy có nói : Yên lặng suy nghĩ mà biết...học không mỏi, dạy không mỏi, những điều đó ta có chăng ?

Làm hết bổn phận mình là "Trung" xét mình và xét người là Thứ...Chuyện gì mình không muốn đừng làm cho người khác, đó là cái đạo "Thứ" tiêu cực, còn "chuyện gì mình muốn, thì cũng làm cho người khác" đó là đạo "Thứ" tích cực.

Đạo của Khổng Tử là "đạo người" mà cũng là đạo của lòng nhơn cho nên Tăng Tử mới nói :"Đạo của Phu Tử là Trung và Thứ mà thôi".

xxxxxxxxxx

Hình 4. THẤT THẬP NHỊ HIỀN

Trích trong : Trung Quốc Triết Học Sử Đại Cương của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê (quyển Hạ trang 81)

(Theo Confucius et l'Humanisme Chinois của P. Đỗ Đình)


[ Trang trước ] /   [ Trang sau  ]