Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]

Bách Gia Chư Tử
Thảo Đường Cư Sĩ Trần Văn Hải Minh
biên soạn
-
Phần Hai 
*
Thân thế Bách Gia Chư Tử
 
1. Khổng Tử. * 2. Đệ Tử Khổng Tử. * 3. Mạnh Tử. * 4. Tuân Tử. * 5. Lão Tử. * 6. Trang Tử và những người trong phái Đạo gia. * 7. Mặc Tử và môn đệ. * 8. Thương Ưởng, Thân Bất Hại, Hàn Phi, Lý Tư và Lữ Bất Vi. * 9. Huệ Thi, Công Tôn Long và nhóm Tác Hạ. * 10. Tô Tần, Trương Nghi và Khuất Nguyên. * 11. Phụ Lục : Chư Tử dưới thời Tây Hán - Niên biểu những việc quan trọng dưới thời Chư Tử.
7. Mặc tử và môn đệ.
Sách Hán chí, ghi chép về Thập Gia Chư Tử, chỉ có phần Nho, Đạo, Mặc là quan trọng hơn hết. Trong sách Sử ký, Khổng Tử được xếp vào phần Thế gia và ghi chép tiểu sử rất tinh tường, còn phần Mạnh Tử, Tuân Tử và Trang Tử thì sơ lược, nhứt là về phần Trang Tử thì rất lờ mờ, còn phần Mặc gia, với Mặc Tử thì không có chép thành một truyện riêng, mà chỉ ghi phụ vào phần sách của Mạnh Tử, Tuân Khanh liệt truyện với mấy hàng : " Mặc Địch là Đại phu nước Tống, giỏi về việc tàng trữ của công, rất tiết kiệm, có kẻ nói ông là người đồng thời với Khổng Tử, cũng có kẻ nói là người thời sau ".

Tóm lại, tính chung trong pho Sử ký chỉ dùng có 24 chữ để chép về Mặc Tử, và dùng với giọng văn nghi ngờ, không có gì xác đáng cả.

Hay là lúc đó môn học của Mặc Tử đã tuyệt, Thái sử công không tìm được tài liệu gì về ông chăng ?

Tôn di Nhượng có viết quyển Mặc Tử lược truyện, rõ ràng hơn tài liệu trong sách Sử ký, Tiên nho là Kiến hầu đã dùng những tài liệu ấy để viết quyển Mặc Tử lược khảo, và trong phần sau đây xin dẫn chứng những tài liệu ấy để đọc giả tham khảo.

Theo Bá Tiềm, thì trong sách Sử ký, trước phần tiểu sử của Mặc Tử, có viết một đoạn văn như là để kết thúc, mà không có phần Mặc Tử, còn 24 chữ sau, nghi ngờ là của người đời sau ghi thêm vào vì cha con họ Tư mã : Đàm thì sùng thượng Đạo gia, còn Thiênthì theo Nho gia, thế nên lúc ấy tài liệu về Mặc Tử cũng còn khá nhiều, nhưng hai ông không hề chú tâm đến.

Mặc Tử Lược Khảo

Mặc Tử tên Địch, họ Mặc thị.

[Mặc Tử tên Địch, thấy có chép trong các sách Hán chí, Lã thịXuân Thu, Hoài Nam Tử.

Sách Thông chí thị tộc lược có chép : " Mặc Tử là hậu duệ của Cô trúc Quân, gốc là họ Mặc đài, rồi sau đó đổi lại là Mặc. Dưới thời Chiến Quốc, người nước Tống là Mặc Địch, có viết quyển sách nhan đề là Mặc Tử... "

Có một thuyết khác cho rằng Mặc Tử, họ Địch tên Ô, là vì người mẹ nằm chiêm bao thấy ôm mặt trời mà sanh ra Mặc Tử, thế nên mới đặt tên ông là Ô, còn Khổng Tử Khuê thì gọi Mặc Tử là Địch Tử.

Gần đây, Giang Tuyền, căn cứ theo những thuyết trên, gọi Mặc Tử không phải họ Mặc, Địch có thể là họ của ông, hay hoặc cũng có thể là tên.

Họ Địch mà gọi là Mặc Địch cũng như ta gọi là Đông Thi hay là Tây Thi vậy.

Tên là Địch mà gọi là Địch Tử cũng như Mạnh Tử gọi Khuôn Chương là Chương Tử vậy, còn tên Địch mà gọi là Mặc Địch, cũng như người đời thường gọi sử Thiên hay sử Đàm vậy [Tư mã Thiên, Tư mã Đàm].

Cũng có thuyết cho rằng Địch là Di Địch, và vì thế nghi rằng Mặc Địch là người Ấn Độ nhưng xét ra thuyết nầy không có căn cứ xác đáng vì dưới thời Chiến quốc Ấn Độ và Trung Quốc chưa thông thương nhau được.

Theo Bá Tiềm thì Tư mã Đàm chỉ đề cập đến 6 môn phái [Lục gia] đến Hán chí thì tăng lên đến 10 nhà. Trừ ra hai phái Nho và Mặc, các môn phái khác đều do người dưới thời nhà Hán định tên và số môn phái cũng do dưới thời nhà Hán định ra là 10, cho nên trong thiên Thiên Hạ, và Phi thập nhị tử ghi tên các nhân vật và sắp xếp các phái có phần không giống hẳn với Hán chí.

Dưới thời Chiến Quốc, duy chỉ có hai phái Nho và Mặc nổi tiếng hơn hết, hơn nữa, người khai tổ của hai phái ấy được xác nhận một cách rõ ràng là Khổng Tử với Mặc Tử.

Phái của Khổng Tử thì đã có định danh sẵn là Nho, còn phái của Mặc Tử thì ban đầu chưa có định danh là gì cả.

Thời xưa trong " Ngũ hình " có một hình phạt là " Mặc ", tức là kẻ thọ hình phải chịu làm việc nặng nhọc như tội khổ sai bây giờ.

Chữ Mặc cũng có nghĩa là Đen, Sách Quảng Nhã có viết : " Mặc là đen ", thiên Đằng văn Công trong sách Mạnh Tử cũng có viết : " Mặt đen sậm mực ", bị xâm mực vào mặt cũng gọi là " Mặc ".

Mặc Tử chủ trương khổ hạnh, làm cho mặt mày đen sậm, hình dung khô héo, cho nên Tuân Tử mới gọi Mặc Tử là " Mặc ốm ".

Mặc Tử dùng điểm sanh hoạt khắc khổ để làm đạo mình, trong lúc đó thì nhà Nho theo đạo thánh hiền của Khổng Tử lại không làm độïng đến móng tay, làm cho hai phái khác biệt nhau rất rõ rệt.

Người theo Mặc Tử thì sống kham khổ, giữ chặt qui luật, thân hình gầy gò, đen đúa, bị người đương thời xem thường, chữ Mặc có nghĩa là bị hình khổ sai, nên liền dùng luôn chữ ấy, với nghĩa chế giễu, trong khi đó, thì những người trong môn phái lại nghĩ rằng chữ Mặc [với nghĩa là mực thước] có thể tiêu biểu cho học phái của mình, liền vui lòng chấp nhận chữ ấy. [Theo Phùng hữu Lan, trong Trung Quốc Triết học sử].

Mặc, cũng là họ của Mặc Tử mà cũng là tên của học phái, cho nên trong số Chư Tử dưới thời Châu, Tần, cũng có thể gọi Mặc Tử là tên riêng của ông, mà cũng gọi đó là phái Mặc gia.

Mạnh Tử có nói : " Đạo của Dương, Mặc mà không dứt, thì đạo của Khổng Tử không sáng tỏ được. Dương và Mặc được nêu chung với Khổng Tử, và Mặc đây tức là chỉ học phái của Mặc Tử. Chỗ khác lại viết : " Mặc là giống di dịch... "  " Mặc lo việc tang ", chữ Mặc ở đây là chỉ môn phái của Mặc Tử.

Sách Lã thị Xuân Thu có viết : " Khổng, Mặc muốn thi hành đạo lớn của mình trong thiên hạ nhưng không thành ". Khổng, Mặc là kẻ sĩ áo vải...Chữ Mặc đây cũng có nghĩa là Mặc gia.

Trong sách Hàn Phi có viết : " Khổng, Mặc bất phục sanh", ở đây chữ Mặc dùng để chỉ con người của Mặc Tử.

Về phần họ Mặc, thì cho đến bây giờ cũng chưa dám xác định đó có phải là họ của ông không...Thuở xưa cũng có một vài họ chỉ có trong một vài người rồi sau đó dứt luôn, như họ Công thâu chỉ có một mình ông Công thâu Ban [Lỗ Ban] rồi sau đó dứt luôn. Biết đâu họ Mặc cũng ở trong trường hợp nầy...]

Ông là người nước Lỗ.

Mặc Tử là người nước Lỗ thấy có chép trong các sách Lã thị Xuân Thu, Thần tiên truyện, Bảo phác Tử và Tuân Tử, trong sách Ngươn hoà tánh soán thì lại ghi ông là người nước Tống.

Tôn di Nhượng viết : " Vì trước kia Mặc Tử đã từng làm đại phu nước Tống, nên mới có sự lầm lẫn như thế.

Theo sách của Mặc Tử thì ông là người nước Lỗ mới đúng, vì trong thiên Quí nghĩa có viết : " Mặc Tử từ nước Lỗ đến Tề... "

Sách Lã thị Xuân Thu có chép : " Công thâu Ban làm vân thê [thang mây] để đánh Tống, Mặc Tử nghe tin ấy, từ Lỗ đến ra mắt Kinh Vương và nói : Tôi là người tầm thường ở phương Bắc v. v...

Về niên đại, Mặc Tử ở sau Khổng Tử, nhằm lúc thời đại toàn thạnh của Nho gia cho nên trong sách của Hoài Nam Tử có viết : " Mặc Tử học nghiệp của Nho gia, học thuật của Khổng Tử, nhưng lại không thích cái lễ phiền nhiễu, hậu việc tống táng làm hao của mà nhọc dân, để tang lâu ngày có hại cho sự làm việc, cho nên làm ngược với đạo nhà Châu, mà theo chánh sách của nhà Hạ...

Ông đến gặp chư hầu, bắt đầu từ vua Lỗ.

[Mặc Tử là người nước Lỗ, tất nhiên đầu tiên phải đến vua Lỗ. Thiên Lỗ vấn ghi việc Mặc Tử vấn đáp với vua Lỗ. Tôn di Nhượng ghi vua Lỗ là Mục Công.

Năm đầu của Lỗ Mục Công nhằm năm thứ 23 Sở Giang Vương, cuối đời Sở Huệ Vương nhằm năm thứ 36 Lỗ Điệu Công. Giữa khoảng Điệu Công và Mục Công còn có Nguyên Công ở ngôi 21 năm.

Nếu Mặc Tử đến gặp vua Lỗ là Mục Công thì phải cách sau khi đến gặp Sở Huệ Vương rất xa. Họ Tôn nêu lên như thế chỉ là ức đoán, không có bằng chứng gì xác thực, thế nên chỉ đành chép là Lỗ quân mà không ghi rõ đó là vua nào...]

Công thâu Ban làm vân thê cho vua Sở, để sửa soạn đánh Tống. Mặc Tử nghe chuyện đó, liền từ nước Lỗ đến, đi 10 ngày đêm mà tới Sở và gặp Công thâu Ban.

Công thâu Ban đưa ông ra mắt vua Sở. Mặc Tử nói : " Nước Sở mà đánh Tống thì như bỏ xe lớn, áo thêu, và thức ăn ngon của mình để lấy cắp xe nhỏ, áo ngắn và tấm cám của người hàng xóm.

Nói xong, Mặc Tử liền cởi thắt lưng làm thành, lấy áo ngoài làm khí giới để ra thế trận.

Công thâu Ban thay đổi 9 lần cách công thành. Mặc Tử cũng thay đổi 9 lần cách chống đỡ...Khí giới tấn công của Công thâu Ban cạn mà cách thủ của Mặc Tử còn có dư...

Công thâu Ban liền nói :

- Ta biết cách chống ngươi rồi, nhưng ta không nói...

Mặc Tử đáp :

- Ta cũng biết cách người chống ta như thế nào rồi...nhưng ta cũng không nói...

Vua Sở hỏi tới, Mặc Tử đáp :

- YÙ của Công thâu Tử, chẳng qua là muốn giết thần để đánh Tống. Nhưng bọn đệ tử của thần là Cầm hoạt Ly có hơn 300 người, đã cầm chắc khí giới giữ thành của hạ thần, họ đang ở trên thành nước Tống chờ đợi Sở đó !

Sở Vương nói :

- Như thế thì xin không đánh nước Tống.

[Gần đây, Lưu nhử Lâm trong quyển Châu, Tần Chư Tử khảo có viết việc Sở muốn đánh Tống, không phải nhơn việc Công thâu Ban làm Vân thê mà mới có ý ấy và nếu như đã có quyết tâm đánh Tống, thì lời nói của Mặc Tử cũng không thể ngăn được...

Việc nầy có nhiều chỗ đáng nghi ngờ, có lẽ những môn đệ của họ Mặc muốn bày vẽ để khoa trương cho thầy mình.]

Ông thường biện luận với Công thâu Ban, cho rằng dùng nghĩa thắng hơn là dùng khí giới.

[Công thâu Ban làm khí giới cho Sở, nhờ đó mà Sở đã nhiều lần đánh bại nước Việt...

Thâu Ban đã khoe tài giỏi của mình với Mặc Tử, và Mặc Tử đã đối đáp lại v. v...chuyện nầy có chép trong thiên Lỗ vấn và sách Chữ cung cựu sự.]

Mặc Tử thường hiến sách cho Huệ Vương. Huệ Vương khen mà không thể dùng được. Mặc Tử sắp sửa từ giã ra về. Huệ Vương sai Mục Hạ đến tìm cách thối thác, bảo là mình già, không còn làm được việc gì nữa.

Mục Hạ đến gặp Mặc Tử, nghe lời ông trò chuyện mà rất thích, liền nói :

- Lời nói của ông thật là hay, mà quân vương tôi là vì đại vương trong thiên hạ, người đâu có thể nói : " Đó là việc làm của người tầm thường " để không dùng...

[Chuyện nầy có chép trong thiên Quí nghĩa, sách Mặc Tử. Chữ Cung cựu sự cũng có ghi chuyện Mặc Tử hiến sách, câu mở đầu là : Sở Huệ Vương năm thứ 50, câu chót lại viết : vua sai Mục Hạ lấy cớ mình đã già nên từ chối.

Huệ Vương ở ngôi 57 năm, lúc gặp Mặc Tử đã được 50 tuổi, cho nên " lấy cớ là đã già "...có lẽ việc Mặc Tử ngăn Huệ Vương đánh Tống cũng có ở trong thời gian nầy.]

Văn quân ở Lỗ Dương tâu với vua Sở :

- Mặc Tử là người hiền thánh nhơn ở phương Bắc, quân vương không tiếp kiến, lại không dùng lễ đối xử, như thế là làm mất kẻ sĩ.

Vua Sở liền sai Văn quân đi tìm Mặc Tử, lấy đất thơ xã 500 dặm phong cho ông. Mặc Tử không nhận, và cứ đi...

[Lỗ Dương là một ấp của nước Sở, Văn quân là một người tôi nước Sở.

Chuyện nầy có chép trong các thiên Canh trụ và Lỗ vấn : Mặc Tử bàn chuyện với Văn quân : " Mặc Tử khuyên Văn quân đừng đánh Trịnh "].

Đệ tử của Mặc Tử, Công thượng Quá là một nhà du thuyết hay đi đó đi đây.

Công thượng Quá ở nước Việt...Vua Việt vì Công thượng Quá, gát xe 50 chiếc, đến rước Mặc Tử ở nước Lỗ, và muốn lấy đất cũ của Ngô, là đất Âm giang 300 dặm làm đất thơ xã để phong cho Mặc Tử.

Mặc Tử từ chối không đến nước Việt.

[Chuyện nầy thấy có chép trong thiên Lỗ vấn và sách Lã thị Xuân Thu.

Đoạn nầy với đoạn trên, chép chuyện vua Sở muốn lấy đất phong cho Mặc Tử, giống như các chuyện đã chép trong Khổng Tử thế gia, các vua Tề Cảnh Công, Sở Chiêu Vương muốn lấy đất phong cho Khổng Tử, có người nghi đó là do môn đệ của Mặc Tử bày ra để khoa trương thầy mình].

Ông thường làm Đại phu nước Tống và bị tù.

[Mặc Tử thường làm Đại phu nước Tống, trong Sử ký, phần Mạnh, Tuân liệt truyện và trong sách Hán chí đều có chép, nhưng không ghi rõ vào thời nào.

Tôn di Nhượng cho rằng dưới thời Tống Chiêu Công.

Mặc Tử bị tù là vào lúc Tử Hản chuyên chánh, trong quyển Mặc Tử lược khảo có chép chuyện nầy rất rõ.

Cũng có thuyết cho rằng, chuyện Mặc Tử làm Đại phu nước Tống không đáng tin, vì có chuyện Mặc Tử thường ngăn Sở, không cho đánh Tống, như thế, Mặc Tử đâu có ở nước Tống...Đó chỉ là ức thuyết, không có bằng chứng gì xác đáng cả].

Vào lúc Vãn niên, ông thường đến nước Tề, gặp Thái Vương Điền Hoà.

[Chuyện nầy thấy có chép trong thiên Lỗ vấn, trong sách Bắc đường thơ sao có chép chuyện " Tề Vương hỏi chuyện với Mặc Tử "...

Tôn di Nhượng viết : " Chữ Vương ở đây là " truy xưng " cho Điền Hoà [tôn sau khi chết].

Năm ông sanh và mất, không có tài liệu gì tìm hiểu cho được một cách rõ ràng cả, nhưng thời đại của ông là sau Khổng Tử và trước Mạnh Tử, ông cũng là người có tuổi thọ.

[Về niên đại của Mặc Tử, có nhiều thuyết rất khác nhau. Trong Mạnh, Tuân liệt truyện, sách Sử ký có viết : " Có kẻ nói đồng thời với Khổng Tử, cũng có kẻ nói là sau... "

Sách " Sách Ẩn ", dẫn lời Lưu Hướng viết : " Ông ở thời sau 70 môn đệ của Khổng Tử ". Sách Hán chí cũng viết " ở thời sau Khổng Tử ". Sách Hậu Hán thơ chép : " Công thâu Ban và Mặc Địch đồng thời với Tử Tư, và sau Khổng Tử ".

Thần tiên truyện của Cát Hồng viết : " Mặc Tử 82 tuổi, vào Châu địch Sơn học đạo, Hán Võ Đế thường sai sứ giả đến rước, nhưng ông không chịu ra ".

Thuyết nầy thật hoang đường, khó tin được.

Lương Khải Siêu, sau phần Mặc Tử học án, có phụ thêm phần Mặc Tử đại khảo, cho rằng Mặc Tử sanh vào năm đầu thời Châu Định Vương [trước T.L. từ 468 đến 459] ước lượng chừng sau khi Khổng Tử mất độ 10 năm. Ông mất vào lúc giữa thời Châu An Vương [trước T.L. từ 390 đến 382] ước lượng trước khi Mạnh Tử sanh chừng hơn 10 năm.

Lương Khải Siêu cũng cho rằng Mặc Tử từng gặp Công thâu Ban và Công thâu Ban ước sanh vào năm đầu Lỗ Ai Công, như thế giả định ông nhỏ hơn Công Thâu Ban 20 tuổi, thuyết nầy giống với thuyêát Tôn di Nhượng].

Sách của Mặc Tử là do hậu học viết ra, bây giờ còn 53 thiên.

[Theo sách Hán chí thì sách của Mặc Tử có 71 thiên, bổn sách ngày nay còn không phải là bổn đầy đủ.

Sách Thần tiên chuyện chép, sách Mặc Tử có 10 thiên, sách Tuân Tử lại chép 35 thiên đều sai lầm.

Trong các thiên Kiêm Ái, Phi Công, thiên nào cũng có 3 phần : thượng, trung, hạ, nhưng đều không phải do một người ghi chép.

Trong các thiên : Kinh, Kinh thuyết, Đại thủ, Tiểu thủ, mấy thiên nầy đều không phải của Mặc Tử mà lộn xộn có những lời nói của Nho gia, trong phần sau sẽ trình bày điểm này rõ hơn].

Thiên Hữu độ trong sách Lã thị Xuân Thu có viết : " Đệ tử, môn đồ của Khổng Tử, Mặc Tử, đầy trong thiên hạ ". Trong thiên Tôn sư lại viết : " Đệ tử, môn đồ Khổng, Mặc rất đông "...Như thế thì số đệ tử của Mặc Tử cũng rất đông, có thể so sánh với số đệ tử của Khổng Tử.

Sách Hoài Nam Tử viết : " Kẻ phục vụ Mặc Tử có đến 180 người ". Hàn Phi Tử cũng viết : " Kẻ phục dịch Khổng Tử có 70 người ", 70 người ấy tức là 70 đệ tử.

Mặc Tử có số người phục dịch đến 180 người ấy cũng tức là đệ tử.

Trong thiên Công thâu cũng có chép : Mặc Tử nói với vua Sở " Đệ tử của thần là bọn Cầm hoạt Ly đông đến 300 người v.v... ". Như thế đủ chứng tỏ đệ tử của Mặc Tử rất đông.

Tôn di Nhượng, trong quyển Mặc học truyền thọ khảo, gom góp trong sách Mặc Tử và các sách Chư Tử đời Tiên tần, tìm được 15 đệ tử của Mặc Tử, lớp đệ tử thứ hai có 3 người, lớp đệ tử thứ 3 có 1 người, còn những người trong môn phái nhưng chưa biết rõ thuộc lớp đệ tử nào, tổng cọng là 13 người và trong số Tạp gia có 4 người, gọi là Tạp gia, nhưng sự thật cũng thuộc về học phái của Mặc Tử.

Xin trích ra sau các đệ tử của Mặc Tử.

A - LỚP ĐỆ TỬ THỨ NHỨT GỒM 15 NGƯỜI, PHỤ THÊM 3 NGƯỜI

1. Cầm Hoạt Ly

Cầm Hoạt Ly theo Mặc Tử 3 năm, tay chưn chai cứng, mặt mày nám đen, vì làm việc cực khổ, Mặc Tử liền chỉ cho pháp : "  Giữ và đề phòng cho được đầy đủ và sung túc ".

Mặc Tử qua Sở ngăn việc đánh Tống, trước hết bảo Cầm hoạt Ly và 300 người giúp đỡ Tống phòng thủ.

Tương truyền ông thường được nghe Mặc Tử giảng cho thuyết " Tiên chất, hậu văn " (trước thực, sau văn vẽ).

Ông cũng thường biện luận với Dương Châu, Mạnh tôn Dương...

Trong sách Mặc Tử, ở các thiên : Công thâu, Canh trụ, Bị thê, Bị thành môn ; trong sách Lã thị Xuân Thu ở các thiên : Đường nhiễm, Tôn sư và trong các sách Liệt Tử, Thuyết uyển cũng đều có chép tên Cầm hoạt Ly, còn trong các sách Trang Tử thì đề cập Mặc Tử và Cầm hoạt Ly một lượt.

Trong sách Sách Ẩn và sách Trang Tử của Trần huyền Anh đều cho Cầm hoạt Ly là tự. Trong các sách khác thì viết là Cầm hoạt Lê, hay Cầm khuất Lê, tuy tên có hơi khác, nhưng vẫn là một người.

2. Cao Thạch Tử

Thường làm quan ở nước Vệ, 3 buổi chầu mà nói hết lời, không được dùng liền bỏ đi.

Mặc Tử khen là người biết quay lưng với lợi lộc để đi về hướng nghĩa [xem thiên Canh tru].

3. Cao Hà

Người nước Tề, thấy đề cập đến trong sách Lã thị Xuân Thu, thiên Tôn sư.

4. Huyền Tử Thạc

Cũng người nước Tề, thấy trong sách Lã thị Xuân Thu thiên Tôn sư, và thiên Canh trụ trong Mặc Tử [chữ Thạc trong Lã thị Xuân Thu chép là Thạch, ngày xưa hai chữ dùng giống nhau].

5. Công Thượng Quá

Mặc Tử sai ông đến nước Việt, dùng thuyết Mặc Tử thuyết với vua Việt...Vua Việt thích liền gác xe 50 cổ đi rước Mặc Tử ở nước Lỗ.

Trong sách Mặc Tử, ở các thiên Quí nghĩa, Lỗ vấn, trong sách Lã thị Xuân Thu cũng có ghi tên ông.

6. Canh Trụ Tử

Mặc Tử thường bảo ông đến làm quan ở nước Sở. Hai, ba môn đệ qua, ông đãi không hậu, và gởi cho Mặc Tử 10 nén vàng [thiên Canh trụ].

7. Ngụy Việt

Mặc Tử thường bảo ông đi du thuyết nước Việt, và dặn : " Đến nước người, phải chọn nhiệm vụ mà làm việc... " [xem thiên Lỗ vấn].

8. Tùy Sào Tử.

Trong Hán chí, phần Mặc Tử có Tùy Sào Tử. Sách Tùy thơ kinh tịch chí cũng có viết : " Sào như là đệ tử của Mặc Tử "...dường như ông có họ Tùy tên Sào.

Lương Ngọc Thằng lại nói Tùy Sào là họ. Sách Sử ký dẫn lời Vĩ Chiêu viết : " Học thuyết của Mặc Tử là chủ trương " Cần kiệm ", Tùy Sào Tử truyền học thuyết của ông.

9. Hồ Phi Tử

Sách Hán chí cũng có ghi tên Hồ Phi Tử, với lời chú : Phi dường như là đệ tử của Mặc Tử, như thế là học Hồ tên Phi.

Sách Quảng vận lại viết : Hồ Phi là họ đôi, hậu duệ của Hồ Công nước Tề có công tử Phi vì đó mà lấy họ Hồ Phi.

10. Quảng Kiềm Noãn

Thiên Canh trụ chép : " Mặc Tử bảo Quảng Kiềm Noãn du thuyết với Cao thạch Tử ở nước Vệ.

11. Cao Tôn Tử

Mặc Tử sai Thắng Xước đến giúp nước Tề là Hạng tử Ngưu. Hạng tử Ngưu 3 lần xâm lấn nước Lỗ, Thắng Xước đến có đi theo đủ 3 lần, Mặc Tử bảo Cao Tôn Tử rước Thắng Xước về, không cho giúp Hạng tử Ngưu nữa [xem thiên Lỗ vấn]

12. Trị Đồ Ngu

[Xem thiên Trụ canh]

13. Điệt Tỷ

[Xem thiên Công mạnh, sách Mặc Tử].

14. Tào Công Tử

Mặc Tử thường bảo ông đến làm quan ở nước Tống [xem thiên Lỗ vấn]. Đây có lẽ là một công tử của nước Tào mà không biết tên họ là gì.

15. Thắng Xước

[Xem thiên Lỗ vấn] Tào công tử và Thắng Xước thường làm trái với đạo Mặc, nên bị Mặc Tử trách.

16. Bành Khinh Sanh Tử

[Xem thiên Lỗ vấn]

17. Mạnh Sơn

[Xem thiên Lỗ vấn]

18. Huyền Đường Tử

[Xem thiên Quí nghĩa]

Trong số 3 người chót, trong sách Mặc Tử chỉ ghi họ vấn đáp mà không có bằng chứng gì đích xác những người ấy là đệ tử của Mặc Tử nên chỉ để vào phần phụ lục sau cùng...

B - LỚP ĐỆ TỬ THỨ 2. - ĐỆ TỬ MẶC TỬ TRUYỀN HỌC THUYẾT CHO 3 NGƯỜI

1. Hứa Phạm

Học với Cầm hoạt Ly, xem thiên Đương nhiễm trong sách Lã thị Xuân Thu

2. Sách Lư Tham

Cũng học với Cầm hoạt Ly, xem thiên Tôn sư trong Lã thị Xuân Thu.

3. Khuất Tướng Tử

Đệ tử của Hồ Phi Tử, xem trong sách Thái Bình ngự lãm.

Trong truyện có chép : Khuất tướng Tử mang gươm đến ra mắt Hồ phi Tử và nói :

- Tướng nầy nghe tiên sinh chống việc đánh nhau...

Như thế thì Khuất là họ, Tướng là tên...

C - LỚP ĐỆ TỬ THỨ 3. - LẠI TRUYỀN HỌC THUYẾT CHO 1 NGƯỜI

1. Điền Hệ

Học với Hứa Phạm, thấy có tên trong Lã thị Xuân Thu thiên Đương nhiễm.

D - LỚP ĐỆ TỬ THỨ 4. - KHÔNG BIẾT DO AI TRUYỀN THỌ, CÓ TẤT CẢ 17 ĐỆ TỬ.

1. Điền Cầu Tử

Trong sách Hán chí có chép tên Điền Cầu Tử, trong sách Lã thị Xuân Thu, Hoài Nam Tử, Hàn Phi Tử đều có tên Điền Cưu [chữ Cưu và chữ Cầu âm gần nhau] cho nên Lương ngọc Thằng cho đó là một người.

Cao Dụ cho là người nước Tề, thường làm quan ở Sở.

2. Tương Lý Thị

Trong sách Hàn Phi có ghi tên ông, trong sách Trang Tử lại chép là Tưởng lý Cần. Sách thuyết văn cho là họ Tương Lý, tên Cần.

Thành huyền Anh cho ông là thầy Mặc ở phương Nam.

3. Tương Phu Thị

Sách Hàn Phi cũng có chép tên ông, có chỗ lại chép là Bá phu. Tôn di Nhượng cho là chữ Tương với chữ Bá giống nhau, nhưng phải viết chữ Bá mới đúng.

4. Đặng Lăng Tử

Trong sách Hàn Phi cũng có chép tên ông, sách Trang Tử cũng gọi ông là Mặc gia của phương Nam. Ông là công tử nước Sở, thực ấp là Đặng Lăng, nhơn đó, lấy làm họ luôn.

Đặng Lăng Tử có phải là người nước Sở không ? Vì Trang Tử đã viết ông là Mặc gia của phương Nam, nên mới nghĩ như thế.

5. Nhược Hoạch

6. Kỷ Xỉ

Trang Tử cũng cho là Mặc gia của phương Nam. Sách thích văn dẫn lời của Lý Âu cho đó là tên của hai người chớ không phải một.

7. Ngũ Hậu Tử

Sách Trang Tử chép là đệ tử của Tương lý Cầu. Tôn di Nhượng viết : Ngũ hậu, họ Ngũ, ngày xưa cũng có họ Ngũ như Ngũ Tử Tư.

8. Ngã Tử

Trong sách Hán chí có chép tên ông nầy, sách Ngươn hòa tánh soán thì lại chép Ngã thị và cho rằng ông là người của thời Lục Quốc.

9. Truyền Tử

Trong sách Luận Hoành có chép : Truyền Tử biện luận với môn đệ đạo Nho là Đổng vô Tâm.

10. Mạnh Thắng

11. Điều Tương Tử

12. Từ Phước

Một cự tử trong môn phái Mặc Tử, trong sách Lã thị Xuân Thu có chép tên ông nầy.

13. Phúc Hoàng

Cũng là một cự tử trong Mặc gia, ông ở nước Tần, con ông giết người, Tần Huệ Vương ra lịnh cho quan lại đừng bắt tội, nhưng ông không đồng ý và bảo rằng phải thi hành đúng với đạo lý của Mặc gia, và ông giết con để trị tội, chuyện nầy có chép trong sách Lã thị Xuân Thu.

14. Di Chi

Thiên Đằng văn Công trong sách Mạnh Tử có chép môn đệ họ Mặc là Di Chi muốn ra mắt, nhưng Mạnh Tử từ chối.

15. Tạ Tử

16. Đường Cô Quả

Một môn đệ của Mặc gia ở phương Đông là Tạ Tử sắp đến ra mắt Tần Huệ Vương. Môn đệ họ Mặc ở nước Tần là Đường cô Quả ngăn không cho...

Chuyện nầy thấy có chép trong Lã thị Xuân Thu và Hoài Nam Tử. Sách Hoài Nam chép là Đường cô Lương, nhưng chưa biết Lương hay là Quả đúng...

17. Địch

Môn đệ Mặc gia, người nước Trịnh, nhưng anh là Hưởn lại là môn đệ của Nho gia. Anh em biện luận, người cha lại theo phe Địch, Hưởn tự sát. Chuyện nầy có chép trong sách Trang Tử.

*

Trở lên họ Tôn đã sưu tập được tất cả 39 người của môn đệ Mặc gia ; Địch, người nước Trịnh, thấy có chép trong sách Trang Tử, nhưng không biết họ là gì, chỉ ghi tên nhưng tên ông lại đồng với tên Mặc Địch, nghi đó là lối ngụ ngôn của Trang Tử, mà không có người thật.

Mặc gia đã từng hưng thạnh một thời, mà đệ tử và kẻ hậu học, chỉ có thể tìm được tánh danh có 38 người, thật là một điều đáng tiếc.

Một điều cần chú ý thêm trong phái Mặc gia là : Mặc Tử thường cho học trò đi làm quan ở các nước, nếu có hành vi trái với tôn chỉ của Mặc gia là bị gọi về. Phái Mặc Tử lại có thể bảo đệ tử bước vào nước sôi, lửa bỏng để thi hành nhiệm vụ, mà không một lời từ chối, như thế thì tổ chức của Mặc gia rất chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh như một đoàn thể chánh trị, mà môn đệ tuyệt đối phục tòng mạng lịnh của lãnh tụ.

Lúc còn sống, Mặc Tử là lãnh tụ duy nhứt, sau khi ông mất, thì các môn đệ cự tử nối tiếp, người thừa kế nhiệm vụ được người trước chỉ định để gìn giữ giềng mối nghiêm minh của môn phái, y như trong tổ chức tôn giáo.
 
 
8. Thương Ưởng - Thân Bất Hại - Hàn Phi - Lý Tư.

Thương ưởng, Thân bất Hại là những Pháp gia trong thời kỳ đầu, còn Hàn Phi và Lý Tư thì thuộc vào thời kỳ sau.

Trong thiên Định pháp, Hàn Phi luận về Pháp gia, đặc biệt nêu tên hai người là Thương Ưởng và Thân bất Hại, đó là hai người đúng là những chánh trị gia thời Chiến Quốc.

Truyện Thương Quân trong sách Sử ký rất rườm rà, nay xin căn cứ theo Tiên nho Kiến hầu, lược lại cho gọn.

Thương Ưởng lược khảo

Thương Ưởng là thứ công tử nước Vệ [dòng thứ] ông tên Ưởng, họ Công Tôn, tổ phụ ông vốn là họ Cơ.

Thương Ưởng lúc còn nhỏ rất thích ngành học Hình danh, thờ Ngụy tướng là Công thúc Tỏa...Công thúc Tỏa biết ông giỏi, nhưng chưa có dịp tiến cử ông...

Gặp lúc Thúc Tỏa bịnh, Ngụy Huệ Vương thân đến thăm bịnh và hỏi :

- Công thúc bịnh...Nếu không có gì kiêng kỵ, xin hỏi, sắp tới phải tế xã tắc như thế nào ?

Công thúc Tỏa thưa :

- Đứa thứ tử của tôi là Công tôn Ưởng, tuổi tuy còn nhỏ nhưng có kỳ tài, xin vua hãy chú ý đến những lời nói của nó...

Huệ Vương lặng thinh không nói gì...lại sắp sửa ra đi.

Bảo người trong nhà tránh mặt, Thúc Tỏa thưa :

- Nếu vua không nghe lời khuyên nên dùng Thương Ưởng, vậy thì phải giết ngay, không cho nó rời khỏi nơi nầy !

Huệ Vương đồng ý và ra về.

Công thúc Tỏa gọi Thương Ưởng vào và từ tạ :

- Hôm nay, vua có hỏi ta, ai có thể làm Tướng quốc, ta tiến cử ngươi...nhưng thái độ của vua là không đồng ý, ý riêng của ta là lo cho vua trước, mà bầy tôi thì sau, nhơn đó mới bảo vua : " Nếu không dùng Ưởng thì nên giết nó...Vua đã đồng ý như vậy ngươi phải đi trốn cho mau... "

Thương Ưởng đáp :

- Nếu vua không nghe lời tướng công để dùng tôi, thì đâu có thể nghe lời tướng công để giết tôi !

Thương Ưởng liền không đi.

Huệ Vương ra về, bảo kẻ tả hữu :

- Công thúc bịnh nhiều, thật đáng buồn, nhưng lại muốn quả nhơn dùng Công tôn Ưởng để trị nước, thật là trái lễ.

Công thúc Tỏa chết, Thương Ưởng nghe Tần hiếu Công hạ lịnh cầu người hiền trong nước, để trau dồi cơ nghiệp của Mục Công phía Đông lấy lại những đất bị xâm lấn, Thương Ưởng liền nhờ sủng thần của Hiếu Công là Cảnh Giám xin đến ra mắt.

Qua bốn lần gặp, mà sau đó, Hiếu Công mới thích.

Thương Ưởng cho Cảnh Giám biết :

- Ban đầu tôi nói với vua về Đế đạo...nhưng vua không nhận được. Kế đó tôi nói với vua về Vương đạo, mà không thể vào được. Sau đó tôi nói về Bá đạo, vua khen hay mà không dùng. Tôi bèn nói cái đạo làm cho nước mạnh, vua rất thích.

Như thế thì làm sao sánh đức với nhà Ân, Châu được ?

*

Hiếu Công muốn dùng Thương Ưởng biến pháp [thay đổi chế độ cai trị] nhưng sợ thiên hạ dị nghị mình, liền triệu tập quần thần bàn bạc về chuyện ấy.

Cam Long và Đỗ Chí đều phản đối biến pháp.

Thương Ưởng nói :

- Cai trị không phải có một đạo, làm tiện lợi cho nước không nhứt thiết phải theo xưa, cho nên vua Thang, vua Võ không theo phép xưa mà làm nên nghiệp Vương, nhà Hạ, nhà Ân không đổi Lễ mà mất, thế nên làm trái với đạo xưa chưa chắc là đã sai, và theo Lễ cũ, cũng chưa chắc là đầy đủ...

Hiếu Công liền phong cho Thương Ưởng làm chức Tả thứ Trưởng, và quyết định lịnh biến pháp : ra lịnh cho dân vào đội ngũ, ai không tố cáo kẻ gian bị tội chém ngang lưng, người cáo kẻ gian được thưởng như chém đầu giặc, chứa chấp kẻ gian đồng tội với đầu hàng địch, nhà có 2 đứa con trai trở lên nếu không ra riêng thì đánh thuế gấp đôi, có quân công (công đánh giặc) thì sĩ tốt được thượng tước, đánh lộn thì bị hình phạt, lớn hay nhỏ gì cũng phải rán sức làm việc.

Cày ruộng, dệt vải có nhiều lúa, lụa được huởng, kẻ nào làm không được việc, lười biếng sanh ra nghèo nàn thì thâu tài sản bắt làm nô lệ.

Người trong Tôn thất, nếu không có quân công thì không còn được ở hàng Tôn thất, tôn ti, tước trật, đẳng cấp phân biệt rõ ràng. Tên gọi điền trạch, thần thiếp, y phục đều có thứ lớp, phân minh. Kẻ có công thì hiển vinh, kẻ không công thì dù cho giàu cũng không được vinh hạnh.

[Chức tước nhà Tần có 20 cấp. Tả thứ trưởng là cấp thứ 10. Thứ trưởng là chức chỉ huy quân sự, dưới chức Đại thứ trưởng. Đại thứ trưởng thuộc cấp thứ 18].

Lịnh biến pháp gồm 6 điều :

1. Ra lịnh cho dân phải tổ chức thành đội ngũ, như chế độ bảo giáp hay tổ chức nhơn dân tự vệ ngày nay.

2. Ra lịnh cho dân nhà nào có hai người con trai trở lên phải ra riêng để tăng số hộ khẩu.

3. Thưởng người có quân công, trừng phạt kẻ đánh lộn, làm cho dân mạnh dạn trong việc đánh giặc mà nhát chuyện đánh lộn riêng tư.

4. Khen thưởng việc cày cấy trồng dâu dệt vải để tăng gia sản xuất.

5. Dòng Tôn thất không quân công thì không được nối chức để ức chế lớp quí tộc không làm việc

6. Kẻ không công lao, tuy giàu cũng không được vinh sang, để ức chế lớp hào phú không làm việc.

Chư tử thời Tiên tần đều noi theo xưa mà thay đổi chế độ, duy Pháp gia thì lại biến cải thời xưa để thay đổi chế độ [xem thêm quyển Thương Quân Thơ, thiên Tống chú].

Lịnh đã chuẩn bị xong xuôi, nhưng chưa ban ra, Thương Ưởng sợ dân không tin mình, liền dựng cây cao 3 trượng ở cửa phía Nam quốc đô, ra lịnh cho dân, hễ ai có thể dời cây ấy đến cửa Bắc thì cho 10 nén vàng.

Dân chúng lấy làm lạ, không một ai dám dời, rồi lại ra lịnh tiếp :

- Nếu ai dời được sẽ thưởng 50 nén.

Có một người đến dời thử, liền được thưởng ngay 50 nén vàng, để chứng tỏ là người trên không lừa dối.

Sau đó liền hạ lịnh Biến pháp.

Năm đầu, người nước Tần cho là lịnh bất tiện, kể có số ngàn, thi hành lịnh 10 năm, nước Tần đại trị, chừng đó, những người trước kia cho là bất tiện bây giờ lại nói là rất tiện.

Thương Ưởng nói :

- Đó là những người dân làm rối loạn phép tắc.

Liền dời hết bọn người ấy ra biên giới. Sau đó, người nước Tần không một ai dám dị nghị gì về pháp lịnh cả.

[Về chuyện nầy sách Tần Bản Kỷ có chép : Ban đầu khi thi hành pháp lịnh mới, bách tánh ai cũng cho là khổ, nhưng sau 3 năm thi hành, bách tánh lại cho là tiện lợi].

Rồi Thương Ưởng được phong chức Đại lương tạo, đem binh vây An ấp của Nguỵ...nước Ngụy hàng.

[Chức Đại lương tạo của Tần là ở cấp 16, cũng gọi là Đại thượng tạo.

Theo Tần Bản Kỷ thì Thương Ưởng được phong chức Đại lương tạo vào năm thứ 10 đời Hiếu Công. An ấp là thủ đô của Ngụy].

Năm thứ 12 đời Hiếu Công, nước Tần từ đất Ung dời đô đến Hàm dương, mở rộng bờ cỏi, bình thuế khóa, định việc đo lường, rồi năm 15, phong Thương Ưởng làm Tướng quốc.

Thái tử phạm pháp. Thương Ưởng nói :

- Pháp mà không thi hành được là do người trên phạm.

Vì thái tử là người nối dõi cho vua, nên không thể thi hành luật, liền cắt mũi người thái phó là công tử Kiền, và xâm mặt sư phó là Công tôn Giả.

Gặp lúc Tề tướng là Điền Kỵ đánh quân Ngụy đại bại ở Mã Lăng, Hiếu Công dùng kế của Thương Ưởng, thừa cơ sai Ưởng đem binh đánh Ngụy.

Thương Ưởng giả vờ cùng Ngụy tướng là công tử Cung ăn thề, rồi đánh bất ngờ và bắt cầm tù công tử Cung, đại phá quân ấy, nước Ngụy cắt đất Hà Tây để làm hoà, rồi lìa bỏ An ấp, đến đóng đô ở Đại Lương.

Vua Huệ Vương tức mà nói rằng :

- Ta hối hận đã không nghe lời Công thúc Tỏa.

Thương Ưởng trở về, Hiếu Công phong cho đất Thương 15 ấp, và lấy hiệu là Thương Quân.

Thương Quân làm Tướng Quốc nước Tần 10 năm, các hàng Tôn thất và quí thích đều oán ghét, Triệu Lương đến ra mắt Thương Quân và khuyên ông nên trở về đất phong 15 ấp...ông không nghe. Được 5 tháng, Hiếu Công mất, thái tử Tứ lên ngôi, đó là Huệ Văn Vương.

Bọn công tử Kiền tố cáo Thương Quân muốn làm phản, vua sai người đến bắt, Thương Quân chạy ra cửa ải, muốn vào ở nhà trọ, người chủ không biết đó là Thương Quân liêàn từ chối nói rằng :

- Pháp lịnh của Thương Quân, nếu cho người lạ ở trọ mà không biết rõ thì sẽ bị tù.

Thương Quân than :

- Cái hại làm pháp lịnh đi đến nỗi nầy !

Liền chạy qua nước Ngụy. Người Ngụy oán ông, lại sợ Tần, liền đưa ông trở về Tần.

Thương Quân lại vào đất Tần, chạy vào Thương ấp, phát ấp binh. Tần cũng phát binh đánh, đuổi và giết ông ở Trịnh mẫu trì, rồi dùng xe xê xác ông để trị tội, và diệt luôn cả gia đình ông.

Những người đã học với Thương Quân, tìm gom góp những pháp lịnh thành pho Thương Quân thơ.

[Trong Hán chí, phần Pháp gia, có Thương Quân thơ gồm 29 thiên, ngày nay còn 24 thiên].

*

Đồng thời với Thương Ưởng có Thân bất Hại, Thương Quân làm tướng quốc cho Tần, còn Thân Tử thì làm tướng quốc cho nước Hàn, đều nắm trong tay chánh quyền thực tế, duy 2 nước Tần và Hàn mạnh yếu không giống nhau, chánh sách khác nhau, cho nên công nghiệp cũng khác.

Thương Quân chỉ nói " Pháp ", còn Thân Tử thì dùng " Thuật ", tuy chánh sách có khác, nhưng cũng đều là Pháp gia trong thời kỳ đầu của Chiến Quốc.

Hàn Phi là Pháp gia thời kỳ sau của Chiến Quốc, nhưng không có nắm chánh quyền, mà học thuyết của ông lại gom được cái sở trường của Thương Quân và Thân Tử.

Thân Tử và Hàn Tử, trong Sử ký chép chung với Lão Trang thành một truyện, Kiến hầu căn cứ theo đó, viết thành truyện Thân, Hàn.

Thân Bất Hại, Hàn Phi Truyện Khảo

Thân bất Hại là người đất Kinh, một người tôi tầm thường ngày xưa của nước Trịnh, ông học " thuật " để cầu lộc với Hàn Chiêu Hầu.

Chiêu Hầu dùng ông làm tướng quốc, bên trong sửa đổi chánh trị, giáo dục : bên ngoài ứng phó với chư hầu suốt 15 năm ; trọn đời của Thân Tử, ông làm cho quốc trị, binh cường, không ai xâm phạm nước Hàn cả.

Cái học của Thân Tử, gốc ở Hoàng Lão, mà chỉ là Hình Danh, viết sách gồm 2 thiên, đề là Thân Tử.

[Truyện Thân bất Hại so với Thương Quân, thật là sơ lược.. . đất Kinh là một ấp của nước Trịnh, thành cũ hiện nay ở phía Đông huyện Bình Diên, tỉnh Sơn Tây...Như thế thì Thân bất Hại là người nước Trịnh].

*

Hàn Phi là một công tử nước Hàn, thích cái học Hình, Danh, Pháp, Thuật...mà gốc là Hoàng Lão...

Hàn Phi là người có tật cà lăm nên không thể thuyết đạo được mà chỉ giỏi về viết sách.

Ông với Lý Tư thờ Tuân Khanh, và Lý Tư cho rằng mình không bằng Hàn Phi.

Hàn Phi thấy nước Hàn nhỏ yếu, cho nên nhiều lần viết thơ khuyên can vua Hàn, vua Hàn không dùng vì thế Hàn Phi rất ghét việc trị nước mà không biết sửa sang cho pháp chế sáng tỏ, chỉ nắm thế lực mà ngự trị thần hạ. Còn chuyện tìm người, dùng kẻ giỏi, thì trái lại, cử kẻ phù phiếm, sa đọa như bọn sâu mọt mà giao cho việc quan trọng.

Ông cho rằng phái Nho dùng văn để làm rối loạn " pháp ", bọn hiệp sĩ thì dùng võ để phạm điều cấm...

Khi thảnh thơi thì phải dùng người danh dự, khi gấp thì phải dùng kẻ sĩ áo giáp...Nhưng ngày nay thì nuôi người không có chỗ dùng, mà dùng người thì là người không nuôi dưỡng.

Ông buồn việc kẻ thanh liêm, ngay thẳng không ở được với bọn tôi tà vậy, nhìn chuyện biến đổi của thành công và thất bại đã qua, ông đã viết mấy thiên : Cô phẫn, Ngũ đố, Nội ngoại từ thuyết, Thuyết lâm, Thuyết nan, gồm hơn 10 vạn lời...

Có người truyền sách ông đến nước Tần, vua Tần thấy mấy thiên Cô phẫn, Ngũ đố, liền nói :

- Hỡi ơi ! Quả nhơn mà được gặp người nầy, cùng giao thiệp thì dù có chết cũng không hận vậy !

Lý Tư thưa :

- Đây là quyển sách của Hàn Phi viết.

*

Nước Tần đánh Hàn rất dữ...

Ban đầu vua Hàn không dùng Hàn Phi, đến lúc bối rối liền sai ông đi sứ qua Tần.

Vua Tần rất thích, nhưng chưa tin dùng, Lý Tư và Diên Cổ muốn hại ông nên gièm pha :

- Hàn Phi là một công tử nước Hàn, bây giờ vua muốn gồm thâu chư hầu, thì thế nào Hàn Phi cũng không bỏ nước Hàn, mà lo cho Tần được, đó là tình cảm tất nhiên của con người.

Bây giờ vua không dùng mà giữ lại lâu, đó là giữ cái hại vậy...Chẳng thà tìm cách mà giết y...

Tần Vương nhận là phải, liền sai người trị tội Phi, Lý Tư lại sai người đưa đến thuốc độc, để Hàn Phi tự sát.

Hàn Phi muốn trần tình, nhưng không thể gặp vua được...Sau đó Tần Vương hối hận, liền sai người đến tha tội, nhưng Hàn Phi đã chết.

[Chuyện Hàn Phi, so với chuyện Thân bất Hại, có phần rõ ràng hơn, Hàn Vương tên là An...

Ngũ đố [5 loài sâu mọt] đây là : một là nho, hai là du sĩ, ba là du hiệp, bốn là tả hữu cận thần, năm là bọn công thương không lo cày cấy...

Chuyện Hàn Phi có tật cà lăm có người nghi ngờ không dám quả quyết, vì Phi có viết thiên " Nan ngôn " biết đâu người đời sau suy diễn mà cho ông cà lăm.

Lý Tư và Hàn Phi đều là đệ tử của Tuân Tử và cũng đồng là Pháp gia, nhưng Lý Tư lại nhẫn tâm sát hại bạn đồng môn mình là một điều hết sức chua xót...

Hàn Phi có viết sách để lại cho đời sau, còn Lý Tư thì không...nhưng Hàn Phi thì không được nhà cầm quyền dùng còn Lý Tư thì công nghiệp hiển hách một thời.

Về chuyện của Lý Tư, xin trích trong Sử ký, vì đây là tài liệu khá đầy đủ nhứt hiện nay]

Lý Tư Truyện

Lý Tư là người đất Thượng Thái nước Sở, hồi nhỏ làm chức quan thường. Ông thấy có con chuột ở trong nhà xí, đã ăn dơ, lại còn bị chó đuổi, còn chuột trong kho, được ăn lúa tốt lại không bị chó rượt, liền than :

- Con người có tài và bất tài, y như loài chuột, chỉ tại chỗ ở của mình mà thôi.

Liền theo Tuân Khanh học cái thuật của Đế Vương, đã thành công, nhận thấy Sở Vương không đáng cho mình thờ, và trong số Lục quốc không có gì để cho mình gầy dựng được công nghiệp cả, nên muốn đi về phía Tây, vào nước Tần.

Ông liền từ giã Tuân Khanh và thưa :

- Tư nầy nghe gặp thời thì không nên chậm trễ, ngày nay nước muôn cổ xe đang tranh nhau, kẻ du thuyết được trọng dụng.

Vua Tần muốn gồm thâu thiên hạ, xưng đế để trị, đây là lúc kẻ áo vải đi du thuyết đó...Ở chỗ vị trí thấp hèn, kế hoạch mình không được thi hành, như nhìn thịt trước mắt mà không ăn được, tuy mặt mũi như người nhưng không bằng ai cả...cho nên không gì nhục bằng ti tiện, không gì buồn bằng bần cùng.

Ở lâu nơi vị trí ti tiện và chỗ khốn khổ rồi chê đời và gọi là ghét lợi lộc, tự dấn mình vô chỗ vô vi, đó không phải là cái tình hợp lý lẽ của kẻ sĩ...cho nên Tư sẽ đi về phía Tây để du thuyết với Tần Vương.

Đến nước Tần, xin làm xá nhơn [người trong nhà] cho Thừa tướng nước Tần là Lữ bất Vi...Bất Vi khen ông giỏi, liền cho làm chức Lang, nhờ đó mà được ra mắt vua Tần Vương Chánh. Vua liền cho làm Khách khanh.

Lúc đó bầy tôi nước Tần chủ trương đuổi những người của Lục quốc đang làm quan ở Tần, Lý Tư cũng ở trong số người bị đuổi, liền dâng thơ can vua Tần, vua liền bỏ lịnh đuổi khách...và phục chức cho Lý Tư.

Ông làm quan cho đến chức Đình Úy, năm thứ 26 đời Tần Vương Chánh, nhà Tần thống nhứt Lục quốc rồi xưng là Thủy Hoàng Đế, và dùng Lý Tư làm Thừa tướng, bỏ chế độ phong kiến, làm quận, huyện, thành, thâu tất cả binh khí, đúc 12 người đồng để biểu thị là chẳng dùng việc binh nữa, đa số chủ trương đó đều do chánh sách của Lý Tư.

Năm thứ 34 đời Thủy Hoàng, bày tiệc rượu ở cung Hàm Dương, bác sĩ, bộc xạ, bọn Châu Thanh Thần đều tán tụng công đức Thủy Hoàng.

Bác sĩ Thuần vu Việt tố cáo Thanh Thần a dua ngoài mặt, mà lại phản đối việc bỏ chế độ phong kiến, cho rằng việc làm như thế là không theo thời xưa...nên không thể lâu dài được...

Thủy Hoàng liền hạ lịnh bình nghị về việc đó...

Lý Tư dâng thơ nói rằng :

Kẻ sĩ thời Lục quốc, đều nói đến đạo xưa mà chê đạo ngày nay, cho cái học riêng của mình là hay, mà chê cái xây dựng của bề trên. Bây giờ bệ hạ đã thâu gồm thiên hạ, phân biệt trắng đen mà định một ngôi tôn quí, bọn học riêng tư lại chê trong lòng và bàn bạc lén, mỗi người lấy cái học riêng của mình để chê chế độ pháp giáo của nhà vua, chê vua để có danh cho mình, thích cái lạ để làm cao, đem bọn thuộc hạ gây chuyện phỉ báng, như thế mà chẳng cấm thì thế của vua từ trên xuống, mà thành ra thấp.

Việc cấm đoán rất tiện, thần xin những người có sách văn học, thi thơ và Bách gia, đem ra trừ khử cho hết, lịnh ra trong vòng 30 ngày, nếu ai không đem đốt bỏ, thì thích vào mặt và bắt đi đắp thành.

Các loại sách không đốt bỏ là : sách y dược, bói toán và trồng cây. Nếu ai muốn học thì phải nhờ quan làm thầy dạy.

Thủy Hoàng làm y theo lời, liền đốt sách, làm sáng pháp độ, định luật lịnh, các điều ấy đều bắt đầu từ thời Thủy Hoàng.

Đồng với sách vở, luật lịnh, các pháp đo lường đều qui định, các việc làm ấy đều có công của Lý Tư dự vào.

Trưởng tử của Lý Tư là Do làm Thái thú đất Tam Xuyên, các con ông đều cưới các công chúa nước Tần, con gái thì gả cho các công tử nước Tần.

Do xin về qui lão, Lý Tư đặt tiệc ở nhà, trăm quan đều đến chúc thọ.

Lý Tư than thở :

- Tôi nhớ lời dạy của Tuân Khanh " Phàm sự vật cấm quá thạnh " nhưng Tư nầy là kẻ áo vải ở Thượng Thái, mà bậc nhơn thuần ngày nay không ai hơn Tư nầy, có thể nói là tôi đã giàu sang tột bực, nhưng tôi chưa nhận thấy là mình bị bỏ...

Tháng 10, năùm thứ 37, Thủy Hoàng ra đi tuần thú đến Cối Kê, noi theo biển đi lên, phía Bắc đến Lang gia, thừa tướng Lý Tư, giữ nhiệm vụ Trung xa phủ lịnh kiêm Hành phù di lịnh. Triệu Cao và đứa con nhỏ của Thủy Hoàng là Hồ Hợi đều có đi theo.

Tháng 7 năm sau, đến đất Sa Khâu, Thủy Hoàng bịnh nặng, liền sai Triệu Cao làm tờ chiếu, triệu con lớn là Phò Tô đến Thượng quận, và tướng Mông Điềm theo lo việc quân, lịnh đến lo việc tang ở Hàm Dương.

Tờ chiếu đã xong, nhưng chưa đưa cho sứ giả và ấn thì còn ở tại dinh Triệu Cao.

Thủy Hoàng băng, Lý Tư nghĩ rằng vua băng ở ngoài, thái tử chưa lập, liền để Thủy Hoàng trong xe và giữ bí mật.

Triệu Cao thuyết phục Hồ Hợi để lập y làm Thái tử. Hồ Hợi tuân theo, Triệu Cao liền uy hiếp Lý Tư, nói dối là đã lãnh di chiếu lập Hồ Hợi làm thái tử, làm tờ di chúc khác và trao luôn ấn kiếm rồi sai Hồ Hợi đến Thượng Quận , ra lịnh cho Phò Tô tự sát, và cho Mông Điềm tự chọn cái chết...và trao quyền cầm quân cho tướng Vương Ly.

Phò Tô nhận được chiếu giả liền tự sát, Mông Điềm không chịu tuân lịnh liền bị bắt giam ở Dương Châu rồi chết trong ngục.

Sứ giả trở về báo cáo, đến Hàm Dương mới phát tang, thái tử Hồ Hợi lên nối ngôi, đó là Nhị thế hoàng đế.

*

Vua Nhị Thế thường ở trong cung cấm, Triệu Cao giữ chức Lang trung lịnh chuyên quyền, bọn đại thần như Mông Nghị và các công tử, công chúa và quần thần bị giết rất nhiều.

Trước kia, Thủy Hoàng xây cất cung A phòng chưa xong. Nhị Thế tiếp tục và hoàn thành, việc bắt xâu liên miên, thuế má càng nặng nề.

Bọn đi thú ở Sở là Trần Thiệp làm loạn, giặc cướp nổi lên khắp nơi và tràn đến đất Tam Xuyên, Lý Do [con Lý Tư] không sao ngăn được, cho đến lúc Chương Hàm phá được Trần Thiệp, sứ giả lên án là Tam Xuyên thú thông đồng với giặc. Lý Tư sợ liền dâng sớ xin làm việc hết mình để được Nhị Thế tín nhiệm.

Vì việc làm càng nghiêm, kẻ nào thu thuế dân nhiều là quan lại tốt, giết người nhiều là người tôi có năng lực.

Triệu Cao gièm xiểm Lý Tư, cho rằng làm Thừa tướng mà quyền nhiều hơn Hoàng đế, và Lý Tư muốn làm việc mà Điền Thường đã làm [làm phản], bọn Trần Thiệp đều là người nước Sở, khi đến Tam Xuyên, Lý Do không chịu đánh, và cũng thường nghe hai bên thường thơ từ qua lại với nhau v.v...

Lý Tư cũng dâng sớ, kể những chỗ sai lầm của Triệu Cao. Nhị Thế liền ra lịnh cho Triệu Cao làm án Thừa tướng Lý Tư và con là Lý Do về tội mưu phản.

Lý Tư bị bắt, từ trong ngục, ông dâng sớ để biện bạch, Triệu Cao ra lịnh xé sớ và nói rằng :

- Tên tù đâu có thể dâng sớ cho vua được !

Triệu Cao liền nói dối là Lý Tư đã chịu tội.

Án đã đầy đủ, Nhị Thế liền nói :

- Nếu không có Triệu Quân thì ta đã bị Thừa tướng bán đứng rồi !

Nhị Thế sai sứ giả đến Tam Xuyên, thì Lý Do đã bị Hạng Lương đánh và giết chết...

Sứ giả trở về, Triệu Cao lại nói dối là Lý Do đã làm phản. Tháng 7, năm thứ 2 đời Nhị Thế, Lý Tư bị tội chém ngang lưng ở chợ Hàm Dương, lúc sắp bị hành hình, Lý Tư nhìn đứa con giữa nói :

- Bây giờ ta muốn với con được dắt con chó ra cửa Đông đất Thượng Thái cũng không còn được nữa !

Cha con cùng khóc, rồi bị tru di tam tộc.

[Lý Tư giúp Tần Thủy Hoàng định quận huyện chế, thống nhứt văn tự, định pháp đo lường, nước Trung Hoa từ đời Hán đến đời Thanh, pháp luật và chế độ đều theo nhà Tần, đó là thành tích to lớn của Lý Tư, mặc dầu ông không có viết sách nhưng đó là một kỳ tài của Pháp gia, chỉ vì ông tham luyến vinh hoa phú quí, tuy biết là " Sự vật cấm không nên quá thạnh ", nhưng ông vẫn không tránh được]

*

Lý Tư, khi mới đến nước Tần, chưa làm Thừa tướng, đã làm xá nhơn cho Lữ bất Vi. Sách Hán chí, phần Tạp gia có Lã thị Xuân Thu, trong lời chú có viết : Thừa tướng Lữ bất Vi gom kẻ sĩ có trí lược để viết...Như thế thì rõ ràng không phải quyển sách ấy do Lữ bất Vi viết, nhưng Lã thị Xuân Thu là một quyển sách nổi tiếng của phái Tạp gia, nên cũng cần tìm hiểu sự tích của Lữ bất Vi, người đã đứng tên quyển sách ấy.

Tài liệu sau đây trích trong quyển Sử ký.

Truyện Lữ Bất Vi

Lữ bất Vi là một thương gia lớn ở Dương Địch, thái tử của Tần Chiêu Công chết nên đem thứ tử là An quốc Quân Trụ làm Thái tử.

Phu nhơn của ông nói :

- Hoa dương phu nhơn [vợ An quốc Quân] được sủng ái mà không con, Hạ cơ sanh Tử Sở, đi làm con tin ở Triệu, rất nghèo.

Bất Vi liền nói :

- Đó là hàng hoá đặc biệt, có thể chứa...

Liền qua du thuyết...Ông đi từ phía Tây đến nước Tần, đem những của báu lạ, những món đẹp đến hiến Hoa dương phu nhơn.

Phu nhơn liền nói với An quốc Quân, xin nuôi Tử Sở làm đích tử.

Bất Vi có người hầu là Hàm Đan, đã có thai, liền đem tiến dâng cho Tử Sở, khi sanh con đặt tên là Chánh.

Tần Chiêu Vương mất, Trụ lên ngôi, lập Hoa Dương phu nhơn làm hoàng hậu, Tử Sở làm thái tử.

Trụ lên ngôi một năm mà mất đó là Hiến Văn Vương...

Tử Sở lên ngôi, dùng Bất Vi làm Tướng quốc, phong làm Văn tín hầu.

Tử Sở lên ngôi 3 năm mà mất, đó là Trang Tương Vương.

Thái tử Chánh nối ngôi, tôn Bất Vi làm trọng phụ, Chánh tuổi nhỏ, thái hậu trước kia là ái thiếp Hàm Đan của Bất Vi, liền tư thông với ông.

Bất Vi đã sang, liền gom các kẻ sĩ trí lược, khiến mỗi người ghi chép những hiểu biết của mình, thành pho Lã thị Xuân Thu, đem treo trước cửa chợ Hàm Dương rao nếu ai thêm bớt được một chữ, thì thưởng ngàn vàng.

Đến khi Chánh lớn, tự cầm quyền, mà thái hậu dâm loạn không thôi. Bất Vi lại tiến cử một người đa dâm là Giao Độc, với thái hậu sanh hai đứa con. Việc đổ bể, Chánh giết hai đứa con, tru di tam tộc Gia Độc, miễn chức Bất Vi, ra lịnh cho ông về đất Hà Nam, sau lại đày ông đi đất Thục,

Bất Vi rất sợ, liền uống thuốc độc tự sát.

*

9. Huệ Thi, Công Tôn Long và Nhóm Tắc Hạ.
Dưới thời Chiến quốc, những người biện luận nổi tiếng, người đời sau gọi là " Danh gia ". Nhưng về Danh học thì mỗi môn phái đều có cái thuật biện luận cần thiết cho mình, chớ không phải chỉ mình Danh gia mới có riêng thuật biện luận mà thôi.

[Danh là đối với Thực, sự vật đều thực, vì thế những " từ " dùng để gọi những sự vật ấy (gồm cả ngôn ngữ và văn tự) là danh].

Dùng từ để tạo thành câu, để chỉ cái thực, dùng đạt ý mình, nhưng dùng câu, dùng văn từ tất nhiên phải có những qui tắc, và dùng câu để biện luận để giữ lập trường mình, hay công phá lập luận của đối phương, cũng phải có phương pháp, đó là " Danh học ".

Danh học của Trung Hoa, cũng như " Logique " của Tây phương và Nhơn minh của Ấn Độ, đều là những phương pháp biện luận.

Danh học của Trung Hoa hưng thạnh vào lúc giữa thời Chiến quốc trở về sau. Khổng Tử tuy có thuyết " chánh danh ", Mạnh Tử tuy giỏi về biện luận, nhưng vẫn không được gọi là Danh gia.

Lớp sau của Mặc gia, tuy có những thiên sách : Kinh, Kinh Thuyết, Đại thủ và Tiểu thủ, Nho gia lớp sau, cũng có thiên Chánh danh của Tuân Tử, như thế thì danh học là phương pháp biện luận mà môn phái nào cũng cần phải có để bảo vệ học thuyết của mình, nhưng Danh gia thì đặc biệt chuyên về biện luận.

Trong phái Danh gia, có Huệ Thi và Công tôn Long là nổi tiếng hơn hết.

Sau đây xin lượt thuật tiểu sử của hai ông và bổ túc thêm phần lượct khảo về Huệ Thi và Công tôn Long sách Sử ký.

*

Huệ Thi là người nước Tống, thường đến du thuyết với Trâu quân giùm cho Điền Tứ.

[Sách Hàn Phi có chép : Điền Tứ ngạo mạn với vua nước Trâu. Trâu quân định sai người để giết ông. Điền Tứ sợ liền cho Huệ Tử hay. Huệ Tử liền đến ra mắt Trâu quân, thuyết giùm Điền Tứ. Vua Trâu liền không giết ông ấy...]

Huệ Thi là người đồng thời với Trang Tử, đôi bên rất thân thiện.

Ông thường làm tướng quốc cho Ngụy Huệ Vương, ở nước Ngụy rất lâu, sau đó Trương Nghi đến Ngụy, Huệ Thi qua Sở, vua Sở liền đưa ông về Tôáng.

[Sách Lã thị Xuân Thu chép : Huệ Tử làm việc chánh ở Ngụy, nhằm thời Huệ Vương, đánh 50 trận, bị thua hết 20, vây thành Hàm Đan 3 năm mà không lấy được.

Sách Trang Tử có chép : Trang Tử đưa đám tang, đi ngang qua mộ Huệ Tử...như thế Huệ Tử chết trước Trang Tử.

Sách Cửu vức chí, phần Hoạt Châu có ghi mộ của Huệ Tử...không biết chắc có phải Huệ Tử chết ở Hoạt Châu không ?]

Trong thiên Thiên hạ sách Trang Tử có viết :

" Huệ Thi có nhiều phương thuật, sách ông viết đầy 5 xe, đạo của ông là biện bác, lời nói của ông trung thực. "

Lại có chép thêm thuyết của ông 20 điều. Trong sách Hán chí phần Bách Gia có tên Huệ Tử.

*

Công tôn Long tự Tử Bỉnh người nước Triệu, ông thường đi du thuyết qua nước Ngụy, có gặp Ngụy công tử Mâu và Huệ Thi.

[Hồ Thích, trong quyển Trung Quốc Cổ Đại Triết học sử đại cương có viết : " Công tôn Long không thể nào có biện luận với Huệ Thi được ". Sách Trang Tử có ghi những lời của Công tôn Long là do người đời sau ngụy tạo].

Ông thường làm khách ở Bình Nguyên quân nước Triệu, và khuyên Bình Nguyên quân đừng lãnh đất Thọ Phong.

Ông lại thường bàn với Huệ Văn Vương nước Triệu về việc ngưng binh đao.

Trâu Viễn qua Triệu, thường chê Công tôn Long.

Ông thường đến du thuyết nước Yên, bàn với Yên Chiêu Vương về việc ngưng binh đao.

Công tôn Long, trong sách Hán chí được xếp vào phái Danh gia.

[Trong sách Sử ký và Sách Ẩn đều viết : Công tôn Long là đệ tử Khổng Tử, người nước Triệu.

Đệ tử truyện lại chép là người nước Vệ, Trịnh Huyền lại nói là người nước Sở, các thuyết đều khác nhau, không biết đâu là sự thật.

Sách Đệ tử truyện cũng có viết : " Công tôn Long tự Tử Thạch nhỏ hơn Khổng Tử 36 tuổi ".

*

Sách Sử ký, trong phần Mạnh Tử, Tuân Khanh có một đoạn dài nói về Tắc Hạ chư tử, là vì Mạnh Tử và Tuân Tử đều thường ở Tắc Hạ trong số gọi là " Liệt Đại phu " [có lương mà không nhiệm vụ rõ ràng].

[Dưới đây xin chép tài liệu Tắc Hạ chư tử của Kiến Hầu]

Tắc Hạ Chư Tử Khảo

Tắc Hạ ở cửa Tây thủ đô nước Tề, trong Mạnh Tử, Tuân Khanh truyện có viết : Từ Trâu Viễn cùng các Tiên sinh ở Tắc Hạ nước Tề như Thuần vu Khôn, Thận Đáo, Hoàng Uyên, Tiếp Tử, Điền Biền, Trâu Thích v.v...mỗi người đều có viết sách để trần thuyết với người có trách nhiệm với đời. Số ấy không thể kể xiết...

Từ Thuần vu Khôn trở đi, các ông đều được gọi là Liệt Đại phu, đuược cất cho nhà cao cửa rộng, đường sá thênh thang để tỏ lòng kính mến.

Trong thiên hạ, tân khách như các chư hầu, đều nói nước Tề là giỏi tiếp đãi kẻ hiền trong thiên hạ.

Sách Điền Kỉnh Trọng thế gia có viết : " Tuyên Vương rất thích các kẻ sĩ du thuyết và văn học như nhóm Trâu Viễn, Thuần vu Khôn, Điền Biền, Tiếp Tử, Thận Đáo, Hoàng Uyên, v.v...tất cả 76 người, đều cho nhà ở không làm việc chánh mà bàn luận, nhóm Tắc Hạ học sĩ rất đông, con số lên đến trăm, ngàn người.

Như thế đã thấy số Tắc Hạ chư tử rất đông...

Sau đây xin ghi tên những người nổi tiếng nhứt :

[Thượng Đại phu cũng như Liệt đại phu].

1.2. Trâu Viễn, Trâu Thích.

Trong sách Sử ký, phần Điền Kỉnh Trọng thế gia và Mạnh Tuân liệt truyện có ghi Tắc Hạ chư tử, trước hết là nêu tên Trâu Viễn.

Mạnh Tuân liệt truyện viết : Tề có ba Trâu Tử, trước là Trâu Kỵ, đánh đàn mà du thuyết với Uy Vương, nhơn đó mà dự vào quốc chánh phong làm Thành hầu và thọ tướng ấn, ông thuộc lớp người trước Mạnh Tử.

Kế đó là Trâu Viễn, thuộc lớp sau Mạnh Tử, trong số ba Trâu Tử ấy, duy chỉ có Trâu Kỵ là không ở trong hàng ngũ Tắc Hạ chư tử.

Có người nói : " Trâu Viễn thấy người cầm vận mạng nước kiêu sa, dâm dật, không chuộng đức, nếu lấy cái chính đính chỉnh được nơi thân mình những người ấy, thì bủa ra đến lê dân vậy. "

Ông liền xem xét kỹ lẽ âm dương trời đất, mà viết ra các thiên : Chủ vận, Chung thủy, Đại thánh, hơn 10 vạn chữ, lối viết của ông bao la, rộng rãi không giống thói thường, trước hết xét ở những vật nhỏ, rồi suy mà mở rộng ra, cho đến chỗ vô cùng...

Các bậc vương công, đại nhơn, ban đầu mới nhìn thấy thuyết của ông thì ngơ ngác rồi tìm cách dối trá, mà sau đó cũng không thi hành được, nhưng sau Trâu Tử được trọng ở nước Tề.

Ông qua nước Lương, Lương ra tận ranh nước đón, thi hành lễ chủ khách.

Ông qua nước Triệu, Bình nguyên quân đi một bên, và ngồi ở góc chiếu.

Ông qua Yên, Yên Chiêu Vương đi trước dọn đường, ngồi ở vị trí học trò mà thọ nghiệp, vua dựng nhà thạch thất để tự mình đến tôn làm thầy.

Ông đi du thuyết các nước Chư hầu được lễ tôn kính là như thế.

*

Kế là Trâu Thích, ông là một trong những Trâu Tử của nước Tề, cũng thể theo thuyết của Trâu Viễn làm giềng mối. Thuyết của Trâu Viễn thì bao la rộng rãi, còn của Thích thì văn vẽ, khó theo cho nên người nước Tề mới tán tụng :

- Rộng rãi như trời đất thì Trâu Viễn, còn thêu rồng, vẽ phượng thì Trâu Thích.

3. Thuần vu Khôn

Cũng là một trong Tắc Hạ chư tử. Truyện của ông thấy có chép trong Sử ký, phần Hoạt Kê liệt truyện và trong Chiến Quốc sách.

Thuần vu Khôn và Mạnh Tử đồng thời, ông gởi rễ ở nước Tề, mình cao không đầy 7 thước, ông rất hâm mộ Án Anh.

Ông học rộng nhớ dai, mà sự học lại không có chủ đích, ông hoạt kê, hay biện luận và khéo trong việc can gián...Ông thường đùa cợt để can gián vua Tề.

Mạnh Tuân truyện có viết : Thuần vu Khôn, nếu ở lâu với người ấy, có lúc học được những lời hay, cho nên người nước Tề mới tán dụng : Xe cộ đến ông đông đảo...

Sách Hán chí không có trích lục sách của Thuần vu Khôn, chắc có lẽ ông không có viết sách chăng ?

4. Điền Biền

Sách Hán chí phần Đạo gia có Điền Biền, ông tên Biền, người nước Tề, đến Tắc Hạ, hiệu là Thiên khẩu Biền. Sách Lã thị Xuân Thu, sách Hoài Nam lại viết là Trần Biền.

Sách Trang Tử viết chung Điền Biền, Bành Mông và Thận Đáo đồng một hạng.

Trong Tuân Tử, thì Điền Biền và Thận Đáo được nhắc chung. Sách Trang Tử viết : Điền Biền họcvới Bành Mông, nhưng theo sách Doãn văn Tử thì dường như Bành Mông học với Điền Biền.

Điền Biền là dòng dõi Tôn thất nước Tề, cho nên tuy không làm quan mà ăn lộc ngàn chung, nuôi khách 100 người. Sau đó, Đường Tử gièm pha Điền Biền với vua Tề Uy Vương, Uy Vương muốn giết ông, ông liền chạy ra đất Tiết, Mạnh thường quân rất hậu đãi ông.

5. Thận Đáo

Sách Trang Tử viết : ông tên Quảng, Mạnh Tuân truyện viết : Người nước Triệu, học thuật của Hoàng Lão.

Sách Hán chí, phần Pháp gia, có Thận Đáo, nói ông tên Đáo. Ông trước thời Thân bất Hại, Tuân Tử, và Thân bất Hại và Hàn Phi đều ngợi khen ông.

Sách Hàn Phi Tử nói học thuyêát của Thận Tử là gốc ở Hoàng Lão, rồi đi về Hình, Danh. Sách Hàn Phi thường dẫn lời nói của ông, và cho rằng thế của ông đủ để nhờ đó mà trở thành người giỏi, nhưng chí của ông thì không đủ để phục dân chúng.

Pháp gia thời kỳ đầu được chia làm 3 phái : Thương Quân chủ trương " pháp luật ", Thân Tử thì " thuật ", còn Thận Tử thì " thế ".

Sách Mạnh Tử có viết : Nước Lỗ muốn sai Thận Tử làm tướng quân...Phía dưới lại chép : Chuyện ấy thì Hoạt Ly không biết...Ông Thận Tử nầy là Hoạt Ly, người nước Lỗ, đồng thời với Mạnh Tử nhưng không phải là Thận Đáo.

6. Tiếp Tử

Cũng là một trong số Tắc Hạ chư tử, người nước Tề...

Sách Chánh nghĩa viết : Sách Nghệ văn chí có viết : Tiếp Tử có hai thiên sách...Ông thuộc về phái Đạo gia, nhưng trong sách Hán chí, phần Đạo gia, không thấy có tên Tiếp Tử mà chỉ có Tiệp Tử với lời chú : Người nước Tề, đi du thuyết dưới thời Võ Đế...

7. Hoàn Uyên

Cũng là một trong số Tắc Hạ chư tử, sách Hán chí, phần Đạo gia, có Quyên Tử với lời chú : tên Uyên, người nước Sở, đệ tử của Lão Tử.

Quyên, Uyên tức là Hoàn Uyên nhưng không phải đệ tử của Lão Tử, sự tích ông như thế nào không ai biết rõ.

*

Trong số chư tử ở Tắc Hạ, Mạnh Tử và Tuân Tử là nổi tiếng nhứt, kế đó là 7 người vừa kể trên...

Phần sau của thiên Mạnh Tuân có viết : Ở Triệu có Công tôn Long với biện thuyết " Kiên, bạch, đồng dị " và cũng có thuyết của Kịch Tử. Ở Ngụy thì có Lý Ly ra sức dạy dỗ ở địa phương, nước Sở có Thi Tử, Trường Lư, và Vu Tử đất A...

Sáu người nầy được chép ở phần như phụ lục, nhưng chưa chắc là thuộc nhóm Tắc Hạ.

Công tôn Long, Thi Tử đã có chép ở phần trước, bây giờ còn 4 người xin chép ra sau :

1. Kịch Tử

Trong Hán chí, phần Pháp gia, không có tên Kịch Tử mà có Xứ Tử với lời chú : Sử ký có chép : Nước Triệu có Xứ Tử, tức là Kịch Tử, vì chữ Xứ và chữ Kịch giống nhau.

Dưới thời Chiến Quốc có Kịch Tôn, Hán có Kịch Mạnh, như thế thì thời xưa đã có họ Kịch, tên và sự tích của ông không ai biết rõ.

2. Lý Ly

Sách Hán chí, phần Pháp gia, có Lý Tử với lời chú : tên Ly làm Tướng quốc cho Ngụy văn Hầu, làm cho nước giàu binh mạnh.

Sách Thực hóa chí cũng có viết : " Lý Ly giúp Ngụy văn Hầu hết sức mở rộng nền giáo dục địa phương...

Tấn thơ, thiên Hình pháp có viết : " Luật và Văn bắt đầu từ Lý Ly. Ly soạn có thứ lớp quốc pháp của các nước, viết quyển Pháp kinh gồm 6 thiên. Thương Quân rước ông để giúp nước Tần "...Như thế thì dường như Thương Quân là đệ tử của ông.

Mặc dù chuyện đó không có gì làm bằng chứng, nhưng Lý Ly là Pháp gia trong thời kỳ đầu, đó là chuyện chắc chắn có thể tin được.

3. Trường Lư Tử

Sách Hán chí ghép vào phái Đạo gia với lời chú : Người nước Sở...Chữ Trường Lư, dường như không phải là họ, nhưng không có tài liệu gì để tìm hiểu thêm cho rõ ràng hơn.

4. Vu Tử

Sách Sách Ẩn viết : Đây là chữ Hu mà phải đọc là Vu.

Sách Chánh nghĩa có viết : sách Nghệ Văn chí chép : Vu Tử có sách gồm 11 thiên, ông tên Anh, người nước Tề, đứng phía sau số " Thất thập tử ".

Nhan sư Cổ viết : Chữ " Vu " âm là " Di " trong Hán chí, Vu Tử được xếp vào phái Nho gia, nhưng sự tích không có đâu ghi rõ...

*

Tài liệu Điền Kỉnh Trọng Thế gia, bắt đầu từ Trâu Viễn trở đi, đều là Thượng Đại phu gồm 76 người. Ở đây chỉ tìm được có 7 người, rồi từ Công tôn Long trở đi, lại thêm được 6 nữa, như thế còn thêm một số lớn nggười, không một ai biết tên họ là gì cả.

Trong sách Hán chí, phần Danh gia có Doãn văn Tử với lời chú : " Lưu Hướng có viết : Ông cùng vớiTống Hình có đến Tắc Hạ ". Như thế thì trong Tắc Hạ chư tử còn có hai người Doãn Văn và Tống Hình, nhưng trong Điền Kỉnh Trọng thế gia và Mạnh Tuân truyện không thấy đề cập đến không hiểu tại sao.

Xin bổ túc thêm :

1. Doãn Văn

Sách Hán chí viết : Đến du thuyết Tề Tuyên Vương, trước Công tôn Long. Trong sách Trang Tử, Doãn Văn được đề cập chung với Tống Hình.

Sách Lã thị Xuân Thu chép : Doãn Văn bàn về đạo sĩ với Tề Mẫn Vương, hai người cũng có bàn luận về việc " Bị làm nhục mà không đánh trả "...Ông và Tống Hình đồng tôn thờ Mặc Tử.

Sách Thuyết Uyển chép chuyện Doãn Văn đáp lời Tề Tuyên Vương về việc " Chuyện của các vì nhơn quân ". Ông có lời đáp : " Vô vi mà có thế bao dung kẻ dưới... ". Như thế thì ông gần với Đạo gia.

Sách Hán chí liệt sách ông vào phái Danh gia, không hiểu tại sao...Theo tài liệu kể trên thì ông đồng thời với Tề Tuyên Vương và Mẫn Vương, y như lời Nhan sư Cổ đã nói : " Ông thường đến Tắc Hạ ".

Sách Khổng Tòng Tử có chép : Tử Tư ở nước Tề, Doãn Văn có con không giống mình, nghi vợ bất trinh nên nói với Tử Tư v.v...

Lưu Hâm cũng có viết : " Doãn Văn, Tống Hình, Điền Biền, Bành Mông, đồng học với Công tôn Long.

Công tôn Long là khách Bình Nguyên quân ở vào thời Triệu Hiếu Thành Vương như thế đâu có thể làm thầy nhóm Doãn Văn được.

2. Tống Hình

Trang Tử, Tuân Tử và Mạnh Tử đều có nhắc đến Tống Hình, nhưng chữ Hình mỗi người lại viết khác nhau, còn sách Trang Tử, ở một thiên khác, và Hàn Phi lại viết là Tống Vinh Tử.

Mạnh Tử và Tuân Tử đều viết là người nước Tống. Mạnh Tử có chép chuyện : " Tống Hình nghe Tần Sở sắp đánh nhau liền đến du thuyết để can ngăn, như thế thì Tống Hình đồng thời với Mạnh Tử, lúc đó nhằm năm Châu Noãn Vương thứ 3 [312 trước T.L.].

Mạnh Tử gọi ông là Tiên sinh, như thế thì tuổi ông lớn hơn Mạnh Tử.

Trang Tử nhận xét Tống Hình là chủ trương : " Chống việc đánh nhau, ngưng binh đao, bị hiếp đáp mà không thấy nhục ". Tuân Tử và Hàn Phi nhận xét về ông cũng như thế, vì vậy Tuân Tử sắp ông chung với Mặc Tử.
 

 


[ Trang trước ] / [ Trang sau  ]