Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]

Bách Gia Chư Tử
Thảo Đường Cư Sĩ Trần Văn Hải Minh
biên soạn
-
Phần Hai 
*
Thân thế Bách Gia Chư Tử
 
1. Khổng Tử. * 2. Đệ Tử Khổng Tử. * 3. Mạnh Tử. * 4. Tuân Tử. * 5. Lão Tử. * 6. Trang Tử và những người trong phái Đạo gia. * 7. Mặc Tử và môn đệ. * 7. Mặc Tử và môn đệ. * 8. Thương Ưởng, Thân Bất Hại, Hàn Phi, Lý Tư và Lữ Bất Vi. * 9. Huệ Thi, Công Tôn Long và nhóm Tác Hạ.  * 10. Tô Tần, Trương Nghi và Khuất Nguyên. * 11. Phụ Lục : Chư Tử dưới thời Tây Hán - Niên biểu những việc quan trọng dưới thời Chư Tử.
10. Tô Tần, Trương Nghi và Khuất Nguyên.
Dưới thời Xuân Thu, nước Sở là lớn mạnh hơn hết, phía Bắc thì tranh Bá với Tề, Tấn, tạo thành một cuộc thế " kháng tung ", còn dưới thời Chiến Quốc, nước Tần là lớn mạnh, nên hướng về phía Đông định xâm lăng Lục Quốc tạo thành thế " kháng hoành ".

Nước Sở tuy đã thôn tính các nước vùng Giang Hán, nhưng còn muốn mở rộng thế lực về phía Bắc, là muốn làm Minh chủ lãnh đạo chư hầu, cho nên cứ tranh với hai nước lớn là Tề và Tấn.

Tề đã gồm thâu Quang trung, rồi quay về phía Đông là muốn thôn tính Lục Quốc, thế nên lúc bấy giờ Lục Quốc chỉ có hai con đường phải chọn, hoặc là chống lại, hay là chịu khuất phục.

Lúc ấy sách lược các chánh khách, cũng theo đó mà phân ra làm hai lớp. Một lớp chủ trương Lục Quốc hợp với Nam, Bắc để chống lại Tần, đó là " Hợp Tung ", còn một lớp khác thì chủ trương Lục Quốc hướng về phía Tây hợp với Tần gọi đó là " Liên Hoành ".

Tung và Hoành đó là hai loại sách lược về ngoại giao đã kể trên, và Tung Hoành gia, tức là những chánh khách đã vận dụng hai sách lược ngoại giao đó. Thế nên Tung Hoành, không phải là học thuyết, và những Tung Hoành gia cũng không phải là những học giả.

Sách Hán chí cho rằng Tung Hoành gia là một môn phái trong Thập Gia Chư Tử, như thế thì không đúng.

Trong số Tung Hoành gia có Tô Tần và Trương Nghi là nổi tiếng hơn hết, trong Sử ký đều có truyện, nay theo tài liệu của Kiến Hầu, cũng theo Sử ký viết ra cho rõ ràng hơn...

Tô Tần, Trương Nghi Lược Khảo

Tô Tần, tự Quí Tử, người đất Lạc Dương, nước Đông Châu.

Ông cùng Trương Nghi là người nước Sở, đồng học với Quỉ Cốc tiên sinh, về thuật Tung Hoành.

[Sách Sách Ẩn viết :Tô Tần có anh em tất cả 5 người, ông là người nhỏ nhứt, cho nên mới gọi là Quí Tử.

Sách Sách Ẩn cũng có viết : Quỉ Cốc là địa danh. Ở Phò Phong, Trì Dương, Dĩnh Châu, Dương Thành, đều có gò Quỉ Cốc, có người ở, rồi nhơn đó, gọi người ấy là Quỉ Cốc Tử.

Sách Quỉ Cốc Tử viết : Ở đất Châu, có nhà hào sĩ ở Quỉ Cốc, hiệu là Quỉ Cốc tiên sinh, Tô Tần, Trương Nghi đến ra mắt chọn ngày mà học.

Sách Phong tục thông viết : Quỉ Cốc tiên sinh là một Tung Hoành gia dưới thời Lục Quốc. Như thế, dường như Quỉ Cốc Tử là có người thật, người ấy lấy chỗ ở làm danh hiệu mình.

Trong sách " Bút nghiệp " Hồ Ứng Lân viết : " Quỉ Cốc Tử có viết quyển " Để Ứng ".

Trương Nghi, trọn đời bôn ba đi du thuyết đó đây, bận rộn về việc chạy theo vinh hoa, phú quí, như vậy đâu có thì giờ rảnh để viết sách. Sách Tô Tần, Trương Nghi có lẽ do người đời sau gom góp, thể theo ý hai ông mà viết, rồi có kẻ hiếu sự lại ghi thêm vô của Quỉ Cốc Tử, thế nên Quỉ Cốc Tử e rằng không có người thật, mà là một tên chung để gọi những nhà học giả ẩn cư...]

Tô Tần học thành công, đến du thuyết với Châu Hiển Vương, kẻ tả hữu xem thường ông, cho nên ông không được dùng...Lý Đoái nước Triệu giúp đỡ, ông liền đi về phía Tây vào nước Tần, dùng sách lược Liên Hoành thuyết với Tần Huệ Văn Vương.

Lúc đó nước Tần vừa mới giết Thương Ưởng nên rất ghét bọn du sĩ các nước liền không dùg. Ông rất khốn quẩn mà trở về.

Đến nhà, vợ vẫn ngồi y trên khung cửi dệt, không thèm ngó ngàng đến ; còn chị thì không nấu cơm, cha mẹ anh em đều mỉa mai...

Ông liền phát phẫn, đọc sách, nếu buồn ngủ thì lấy mũi dùi tự đâm vào vế cho tỉnh...Được một năm, dùi mài học tập thành công, liền qua du thuyết Yên Văn Hầu nên cầu thân với Triệu.

Yên Văn Hầu liền giúp cho vàng lụa, xe ngựa, qua du thuyết với Triệu Tiêu Hầu, xin hợp Hàn, Ngụy, Tề, Sở, Yên để chống Tần. Nước Triệu lại giúp đỡ thêm vàng bạc xe ngựa, khiến ông đi du thuyết với chư hầu.

[Theo Lục Quốc niên biểu, năm thứ 35 đời Châu Hiển Vương, nhằm năm thứ 28 Yên Văn Hầu có chép chuyện Tô Tần sang du thuyết nước Yên. Trong Yên thế gia cũng chép y như vậy [nhằm năm 336 trước T.L.]

Trương Nghi học thành công, làm khách ở Tướng Quốc nước Sở.

Tướng Quốc nước Sở làm mất viên bích ngọc, nghi Trương Nghi lấy trộm, hành phạt ông nặng nề, Trương Nghi trở về, hả miệng hỏi vợ :

- Lưỡi của ta còn không ?

Vợ đáp :

- Lưỡi vẫn còn đó.

Trương Nghi cười đáp :

- Như vậy là được rồi...

Lúc đó nước Tần đánh Ngụy, lấy đất Điêu âm, lại còn muốn tiến binh về phía Đông.

Tô Tần sợ minh ước " Hợp Tung "chưa thành mà binh Tần đã đến Triệu, liền sai người đến nói riêng với Trương Nghi :

- Sao ông không đến gặp Tô Quân ?

Quả nhiên Trương Nghi đến Triệu, xin gặp Tô Tần, Tô Tần dặn người giữ cửa không cho vào, nhưng cũng không cho đi, vài ngày sau mới cho gặp mặt, nhưng lại tiếp đãi không đủ lễ...

Trương Nghi giận dữ, nghĩ rằng chỉ có nước Tần là làm khốn đốn được nước Triệu mà thôi...Ông liền đi qua phía Tây vào nước Tần.

Tô Tần liền sai Xá Nhơn đem vàng lụa xe ngựa giúp cho Trương Nghi và lén đi theo, cùng ăn ngủ chung lần lần thân mật nhau, và khi giúp vàng lụa xe ngựa cho ông cũng không nói là của ai.

Trương Nghi đến nước Tần, dùng sách lược Liên Hoành thuyết với Huệ Văn Vương, vua liền cho làm Khách khanh, người Xá Nhơn của Tô Tần liền từ giã ra về...

Trương Nghi lưu lại, lúc đó Xá Nhơn mới nói rõ duyên do...

Trương Nghi thán phục và nói rằng :

- Ông vì tôi về, cảm tạ Tô Quân. Lúc nào Tô Quân còn ở đó thì không bao giờ tôi dám nói đến chuyện đánh Triệu.

Tô Tần liền định ước việc Hợp Tung với Hàn Tuyên Vương, Ngụy Tương Vương, Tề Tuyên Vương, Sở Uy Vương, Tô Tần làm Tung Ước trưởng, làm tướng luôn 6 nước...

[Theo Lục Quốc niên biểu, thì năm 37 đời Châu Hiển Vương, là năm đầu Hàn Tuyên Vương, năm thứ 3 Ngụy Tương Vương, năm thứ 11 Tề Tuyên Vương, năm thứ 8 Sở Uy Vương (năm 334 trước T.L.)

Năm ấy, Tô Tần đi du thuyết các nước, từ năm Châu Hiển Vương thứ 38 (335 trước T.L.) đến năm thứ 43 (330 trước T.L.) cọng chung 6 năm, là thời kỳ Hợp Tung, ở Lục Quốc, không có cuộc chiến nào đáng kể].

Tô Tần về báo cáo với Triệu Vương, đi qua Lạc Dương, Châu Hiển Vương sai người ra biên giới ủy lạo, vợ và chị đứng chờ đón bên đường, chỉ khẻ liếc mắt mà không dám ngó ngay mặt.

Tô Tần cười nói :

- Sao trước kia chị làm cao mà bây giờ cung kính vậy ?

Chị ông khúm núm tạ lỗi :

- Vì Quí Tử nhiều vàng và ngôi cao...

Tô Tần thở dài :

- Con người, hễ bần cùng thì cha mẹ chẳng xem là con, giàu sang thì thân thích sợ sệt, con người sanh ra trên đời nầy chuyện giàu sang phú quí, có thể xem thường được không ?

Về đến Triệu, Triệu Tiên Hầu phong làm Võ An quân, nhờ thế mà binh Tần không dám ra Hàm Cốc quan trong suốt thời gian dài 15 năm.

[Sự thật không đúng như vậy, vì theo Lục Quốc niên biểu thì năm thứ 39 Châu Hiển Vương (334 trước T.L.) Tần đã lấy đất Hà Tây của Ngụy, rồi năm thứ 40 (333 trước T.L.) lại lấy đất Phần Ân và Tiêu của Ngụy, năm thứ 41 (332 trước T.L.) lại lấy đất Thượng quận cũng của Ngụy rồi đến năm thứ 47 (326 trước T.L.) lại lấy thêm mấy phần đất : Khúc Yển, Bình Châu, cũng của Ngụy...

Đến năm thứ hai Châu Thận Tịnh Vương (319 trước T.L.) lấy đấy Yển của nước Hàn, đến năm thứ 5, lấy đất Trung Độ, Tây Dương của Triệu (316 trước T.L.) là cũng lấy đất An Ấp của Ngụy.

Trong suốt thời gian dài 15 năm, thật ra Tần lấn đất của chư hầu rất nhiều.]

Sau đó, Tần lừa Tề và Ngụy để hợp nhau đánh Triệu, Triệu Vươg trách Tô Tần...

Tô Tần xin qua Yên để tìm cách báo thù Tề, từ Tô Tần rời khỏi nước Triệu mà minh ước Hợp Tung bị tan rã...

Trước kia, Tần Huệ Văn Vương đem con gái gã cho thái tử nước Yên, năm ấy Văn Hầu mất, thái tử lên ngôi, hiệu là Diệc Vương.

Tề Tuyên Vương nhơn nước Yên có tang, liền ra quân đánh, lấy 10 thành, Diệc Vương trách Tô Tần, Tô Tần xin qua Tề, du thuyết với Tề Vương để đòi lại 10 thành. Mẹ của Yên Diệc Vương tư thông với Tô Tần, Diệc Vương biết chuyện ấy, có người lại chê Tô Tần với Diệc Vương, Tô Tần sợ bị giết, liền thuyết với Diệc Vương, rồi giả như mình bị tội mà chạy trốn sang Tề.

Tề Tuyên Vương cho làm Khách khanh, đến khi Tuyên Vương mất, Mân Vương lên ngôi, Đại phu nước Tề và Tô Tần tranh nhau để được vua sủng ái, Tô Tần bị đâm, kẻ giết người chạy mất.

Tô Tần sắp chết, nói với Mân Vương :

- Thần chết, muốn tìm kẻ chết theo thì cứ phao tin " Tô Tần vì nước Yên mà qua làm loạn ở Tề... " như thế thì sẽ bắt được tên thích khách...

Vua Tề y lời, quả nhiên bắt được tên thích khách, liền giết ngay.

Năm thứ 10 Tần Huệ Văn Vương, Trương Nghi và công tử Hoa đánh Ngụy, lấy đấy Bồ Dương, rồi cùng hoà với Ngụy.

Huệ Văn Vương đưa ông về Thượng quận, Sa Khâu để thưởng công, từ đó Trương Nghi làm tướng quốc nước Tần.

Năm thứ 13 Huệ Văn Vương, vua Tần mới bắt đầu xưng vương...

Huệ Văn Vương hậu ngươn năm thứ 3, Trương Nghi ra đi, đến làm Tướng quốc nước Ngụy, ở Ngụy 4 năm, Tương Vương mất, Ai Vương lên ngôi, nghe theo lời Trương Nghi, bội ước việc Hợp Tung, hòa với nước Tần, Trương Nghi lại trở về làm tướng nước Tần, lúc đó Tề với Sở Hợp Tung, thân mật nhau, Trương Nghi qua Sở, kéo Sở Hoài Vương, khuyên ông dứt Tề, nếu được như thế thì sẽ hiến cho đất Thương Ô 600 dặm.

Quả nhiên Hoài Vương dứt giao thiệp với Tề, và sai sứ theo Trương Nghi vào đất Tần để nhận đất nhưng Trương Nghi chỉ chịu cắt cho có 6 dặm.

Hoài Vương giận, liền sai Khuất Cái đánh Tần, bị đại bại, Khuất Cái chết.

Tần liền lấy của Sở các vùng Đơn Dương, Hán Trung, Sở vẫn tăng binh đánh Tần, rồi lại bị bại ở Lam Điền.

Tần nghị hòa, nói muốn lấy vùng đất ngoài Võ quan để đổi đất Kiềm Tung của Sở.

Hoài Vương nói :

- Nếu được Trương Nghi thì cam tâm vậy và vui lòng hiến đất Kiềm Tung.

Trương Nghi qua Sở, lại nhờ nịnh thần nước Sở là Cận Thượng và sủng cơ Trịnh Tụ nói giùm, Hoài Vương thả Trương Nghi và hứa việc Liên Hoành.

Trương Nghi về báo lại với Huệ Văn Vương, được phong 5 ấp, hiệu là Võ tin Quân, nhơn đó mà đi luôn qua các nước Tề, Triệu, Yên, các nước đều hứa Liên Hoành với Tần.

Trương Nghi trở về Tần chưa đến Hàm Dương mà Huệ Văn Vương mất, Võ Vương lên ngôi. Lúc còn là thái tử, Võ Vương đã không thích Trương Nghi, bọn tả thần lại gièm siểm thêm, Trương Nghi liền xin đi qua làm Tướng quốc cho Ngụy.

Làm Tướng quốc cho Ngụy được một năm thì ông mất.

[Trương Nghi qua làm Tướng quốc cho Ngụy vào năm đầu Tần Võ Vương năm sau ông mất, tức vào năm Tần Võ Vương thứ 2 và Châu Noãn Vương thứ 6 (309 trước T.L.)].

*

Sách Hán chí có viết : Phái Tung Hoành xuất thân từ lớp quan đi đó đi đây [du thuyết]. Nếu người tà vọng làm việc ấy, thì trí trá mà bỏ mất chữ tín.

Theo ý của Hán chí thì chữ Tung Hoành chỉ việc ngoại giao, như Tô Tần và Trương Nghi là những nhà trí trá và không giữ chữ tín.

Sách Luận Ngữ, thiên Tử Lộ có ghi lời Khổng Tử : " Đọc kinh Thi 300 bài...đi sứ ở 4 phương, mà không thể ứng đối, tuy đọc nhiều mà có làm được gì đâu ? "

Dưới thời Xuân Thu, có việc gì thì hợp nhau lại để hỏi ý, và thường thường làm ra bài thi để bày tỏ ý của mình, cho nên sách Hán chí mới chép : " Lên cao, làm bài phú, là có thể làm chức Đại phu ".

Thời đó, hễ ai lên đàn mà có thể làm bài thi bày tỏ chí của mình cho đúng là có thể làm Đại phu, phụng mạng đi sứ để ứng dối.

Thứ nhứt là vì : Thi đa số thuộc loại Tỉ, Hứng, khéo phô trương, mà trong lúc ngoại giao, lời nói phải khéo léo, khi thì ngụ ý, lúc ví dụ, châm biếm, hay mượn lời kẻ khác để nói ý mình cho khỏi bị đụng chạm...cho nên lời nói phải linh diệu vô cùng.

Muốn trau dồi được như thế thì phải học kinh Thi...Cho đến lúc Tần Hán thống nhứt, các chư hầu thành quận huyện, các nhà du thuyết không còn đất dụng võ lần lần biến thành những văn nhân giỏi từ phú như Lục Giả, Trâu Dương, v.v...đều là những Tung Hoành gia kiêm Từ phú gia, đó là do kinh Thi biến ra từ phú, mà Tung Hoành gia là những người mở đường đầu tiên.

Phái Tung Hoành tuy không thể gọi hẳn là một học phái, nhưng rất có công trong việc làm cho nền văn học của Trung Hoa biến chuyển và tiến tới, trong số Tung Hoành gia kể trên, có Khuất Nguyên là người đáng ghi nhớ hơn hết.

Từ xưa đến nay, đề cập đến Bách Gia Chư Tử, ít ai nhắc đến Khuất Nguyên, nhưng chính ông là người khai tổ cho nền Từ phú của Trung Hoa.

Ông lại có những tư tưởng Đạo gia siêu xuất trần thế, và kiêm luôn cả tư tưởng trung quân, ái quốc của Nho gia.

Nền văn học của Trung Hoa bắt đầu từ ngành trước thuật chuyển sang văn chương từ phú cũng nhờ Khuất Nguyên là người đầu tiên đã mở một con đường mới.

Sau đây xin trích lục truyện Khuất Nguyên căn cứ theo sách Sử ký.

Khuất Nguyên Truyện Khảo

Khuất Nguyên, tên Bình, cùng dòng họ với nhà Sở.

[Cao và Bằng gọi là Nguyên, vì thế tên Bình (Bằng) mà tự là Nguyên.

Khuất Nguyên là người trong công tộc nước Sở. Con Sở Võ Vương là Hà, ăn lộc ở đất Khuất, vì thế lấy tên đất làm họ. Khuất Nguyên là dòng dõi của Hà...]

Ông làm chức Tả đồ cho Hoài Vương, người học rộng, nhớ dai, biết rõ việc trị loạn, khéo văn chương từ phú, vào triều thì bàn với vua về chuyện trị nước để ra hiệu lịnh, còn ra ngoài thì tiếp đãi tân khách, ứng đối chư hầu, vua rất tín nhiệm ông.

[Tả đồ là một chức quan của nước Sở, tham gia việc cơ mật, phụ trách ngoại giao, là một chức quan trọng yếu.]

Thượng quan Đại phu cùng đồng hàng với ông, nhưng lại tranh giành cho được vua tin yêu nên có lòng hại tài ông.

Vua Hoài Vương khiến Khuất Nguyên làm ra từ lịnh. Khuất Bình thảo chưa xong, Thượng quan Đại phu nhìn thấy muốn đoạt, Khuất Bình không cho, vì đó mà ông bị gièm :

- Vua sai Khuất Bình làm lịnh, chuyện đó ai cũng biết, nhưng mỗi lần lịnh ra, Bình lại khoe công mình, nói rằng, ngoài ta không một ai có thể làm được.

Vua giận mà thờ ơ với Khuất Bình.

[Sách Chánh nghĩa chú thích Thượng quan Đại phu là Cận Thượng].

Khuất Nguyên buồn về chuyện vua nghe lời mà không xét nét, bị lời gièm siểm làm cho mất sáng suốt, chuyện tà vạy làm hại việc công, không dung người ngay thẳng, vì thế u oán, ưu tư mà làm ra bài Ly tao.

Ly tao tức là " gặp chuyện buồn ".

Khuất Bình đã bị chê, sau đó, Tần muốn đánh Tề, Tề và Sở Hợp Tung, thân thiện nhau, Huệ Vương lo ngại, liền sai Trương Nghi giả vờ bỏ nước Tần, đem lễ vật trọng hậu đến để xin thờ nước Sở và nói :


Trích trong Trung Quốc Văn Học Sử của Trịnh Chấn Đạc, quyển 1 [trang 52].

- Tần rất ghét Tề, Tề với Sở Hợp Tung, thân thiện nhau, nếu Sở có thể dứt với Tần thì Tần nguyện hiến đất Thương Ô 600 dặm.

Sở Hoài Vương tham và tin lời Trương Nghi, liền dứt nước Tề, sai sứ đến nước Tần lãnh đất, Trương Nghi liền trở mặt nói :

- Tôi chỉ hứa với vua có 6 dặm, chớ đâu phải 600 dặm...

Sứ Sở tức giận ra về, tâu lại với Hoài Vương, Hoài Vương giận dữ đại hưng binh phạt Tần, Tần cũng phát binh ra đánh, đại phá binh Sở ở Đan Triết, chém đầu quân Sở 6 vạn, bắt tướng nước Sở là Khuất Cái và lấy đất Hán Trung của Sở.

Hoài Vương liền dốc binh trong nước để đánh sâu vào nước Tần, đôi bên đánh ở Lam Điền.

Nước Ngụy nghe tin, liền đánh úp nước Sở đến đất Đặng. Binh Sở sợ, từ nước Tần kéo trở về, trong lúc đó thì nước Tề giận không thèm cứu Sở, làm cho nước Sở rất khốn đốn.

Năm sau, Tần xin trả lại đất Hán Trung để nghị hoà.

Vua Sở nói :

- Không muốn được đất, chỉ muốn được Trương Nghi mới cam tâm

Trương Nghi nghe tin liền nói :

- Nếu Nghi nầy mà đổi được đất Hán Trung, thì thần xin qua Sở.

Tới Sở, ông liền đem lễ vật trọng hậu đút lót cho cận thần Cận Thượng, và bày kế cho sủng cơ của Hoài Vương là Trịnh Tụ. Hoài Vương liền nghe lời Trịnh Tụ, lại thả Trương Nghi.

Lúc đó Khuất Bình đã bị đối xử lạt lẽo, không còn tại vị mà đi sứ ở Tề.

Ông quay trở về, khuyên Hoài Vương :

-Tại sao vua không giết Trương Nghi ?

Hoài Vương ăn năn, cho người đuổi theo nhưng không kịp.

[Bài tựa của Ly tao có viết : " Khuất Nguyên đồng tánh với Sở Vương làm chức Tam Lư Đại phu... " Trong bổn truyện không thấy ghi điều nầy, chắc có lẽ khi ông bị nhà vua đối xử lợt lạt, nên bị bãi chức Tả đồ, giáng xuống còn Tam Lư Đại phu, và phụng mạng đi sứ sang Tề.]

Sau đó, chư hầu hợp sức đánh Sở, giết tướng Sở là Đường Muội.

Trước kia Tần Chiêu Vương làm suôi với Sở, bây giờ lại muốn hội với Hoài Vương.

Hoài Vương muốn đi, Khuất Nguyên khuyên :

- Nước Tần là giống hổ lang, không thể tin được, không đi là hơn.

Con nhỏ của Hoài Vương là Tử Lan khuyên vua đi :

- Tại sao lại làm mất vui với Tần ?

Hoài Vương liền đi. Vào Võ quan, Tần phục binh, chặn phía sau, rồi giữ Hoài Vương để đòi cắt đất.

Hoài Vương giận, không nghe theo, chạy trốn qua Triệu, Triệu không cho vào, lại trở qua Tần, rồi chết ở Tần và được đem về nước chôn.

Trưởng Tử là Khoảnh Tương Vương lên ngôi, dùng em là Tử Lan làm lịnh doãn.

Người nước Sở đổ lỗi cho Tử Lan vì đã khuyên Hoài Vương vào nước Tần rồi không về được.

Khuất Bình đã ghét chuyện ấy, nhưng mặc dù bị bỏ rơi, ông vẫn nhớ Tổ quốc, lòng vẫn không quên Hoài Vương, luôn luôn muốn trở về, mong mỏi được may mắn là vua hối ngộ, và thay đổi tánh tình...Ông cứ thiết tha về việc gìn giữ ngôi vua, làm cho quốc gia hưng thạnh...nên trong thiên Ly tao, ông đã nhắc đi nhắc lại điều đó đến 3 lần.

Rồi sau cùng, không còn làm gì được, ông không thể thay đổi gì...đành nhìn thấy Hoài Vương trọn đời không hối ngộ.

Lịnh doãn Tử Lan nghe chuyện ấy giận dữ, liền khiến Thượng quan Đại phu nói xấu Khuất Bình với Khoảnh Tương Vương.

Tương Vương giận liền đày ông đi...

Khuất Nguyên đến bờ sông, bỏ tóc xõa, vừa đi vừa hát bên bờ hình dung héo khô...liền làm bài phú Hoài sa...rồi sau cùng ôm đá, nhảy xuống sông Mịch La mà chết.

[Sông Mịch Thủy và La Thủy hợp lưu gọi là Mịch La giang, hạ lưu chảy vào sông Tương. Chỗ Khuất Nguyên nhảy xuống sông gọi là Khuất Đàm.

Khuất Nguyên sanh vào năm Sở Tuyên Vương thứ 27 (343 trước T.L.) tháng giêng, ngày Canh dần, năm ông tự trầm, có người cho là vào năm đầu Khoảnh Vương, cũng có người cho là vào năm thứ 3, sau khi Hoài Vương chết ở Tần.

Sách Tục Tề Hài chép : Khuất Nguyên tự trầm vào ngày mùng 5 tháng 5, ngày nay thành tục ngày " Đoan ngọ ", v.v...]

Sau khi Khuất Nguyên chết, nước Sở có bọn Tống Ngọc, Đường Lặc, Cảnh Sai, đều thích về từ phú và nổi tiếng, nhưng tất cả đều noi theo từ lịnh của Khuất Nguyên và không một ai dám thẳng thắn gián can...Sau đó, nước Sở ngày càng yếu, vài mươi năm sau liền bị Tần diệt.

[Từ Khuất Nguyên trở đi, có nhiều người làm từ phú, thấy có chép trong Sở từ...

Đại để, người Sở gọi là Từ, người Hán gọi là Phú, Sở Từ như Cửu ca nguyên là những bài hát trong dân gian, nhưng đại bộ phận không thể ca.

Đến đời nhà Hán, những bài nào hát được thì phổ nhạc, gọi là ca thi, nếu đem diễn thì gọi là nhạc phủ, nếu không hát mà đọc thì gọi đó là " phú "].
 
11. Phụ lục.

I. CHƯ TỬ THỜI TÂY HÁN
Trở lên là phần lược khảo về thân thế Chư Tử, căn cứ phần nhiều theo tài liệu trong Sử ký Tư Mã Thiên, có thêm bớt cho hợp với nội dung quyển sách.

Các Chư Tử được kể đều là những nhân vật tiêu biểu cho 10 môn phái, Nho gia thì có Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử ; Đạo gia thì có Lão Tử, Trang Tử ; Mặc gia có Mặc Tử ; Pháp gia có Thương Quân, Hàn Phi, Lý Tư ; Danh gia có Huệ Thi, Công Tôn Long, đều là những người nổi danh hơn hết.

Phái Âm Dương gia có Trâu Viễn, Tung Hoành gia có Tô Tần, Trương Nghi, đây là những người tuy có tiếng nhưng không bằng những người của các phái đã kể trên.

Kế đó là những người như Hứa Hành, học thuyết của ông xuất phát từ Đạo gia, nhưng vì lại gán cho là của Thần Nông, cho nên mới gọi là Nông gia...

Thuyết của Tống Hình thì gần với Mặc gia, nhưng vì thiên về văn chương, chuyện tích cho nên gọi là Tiểu thuyết gia.

Lã thị Xuân Thu là do Môn khách viết, mà Lữ bất Vi chỉ đứng tên, học thuyết thì gom góp của nhiều phái, cho nên đứng sau cùng các nhân vật khác.

Căn cứ theo thời đại, trước hết là cuối thời Xuân Thu, Lão Tử và Khổng Tử mở đầu, cho đến Lý Tư thời nhà Tần, thì thời Chiến Quốc là thời kỳ toàn thạnh của Chư Tử, thế nên bàn về Chư tử, là nói đến thời kỳ Châu Tần, hay cũng gọi là Tiên Tần.

Sách Hán thơ nghệ văn chí của Ban Cố, dùng sách Thất lược của Lưu Hâm làm căn cứ.

Lưu Hâm là người cuối thời Tây Hán, Ban Cố là người của thời Đông hán lúc mới bắt đầu dựng nghiệp, cho nên về phần trích lục Chư Tử lược của ông, không hạn chế ở thời Châu Tần, mà lại không có những người của thời Tây Hán.

Phong trào Chư Tử dưới thời Châu Tần còn ảnh hưởng đến thời Tây Hán sâu xa, vì thế cũng cần tóm lược thân thế một số Chư Tử dưới thời Tây Hán để cho quyển sách được đầy đủ hơn.

Sau đây xin kể 10 nhân vật có tiếng nhứt trong số Chư Tử dưới thời kỳấy :

1. Lục Giả

Người nước Sở, giúp Hán Cao Tổ định thiên hạ, thường đi sứ đến Chư hầu, có hai lần đi sứ sang Việt Nam, thương thuyết với Triệu Đà.

Dưới thời Lữ Hậu, thường với Thừa tướng Trần Bình, Thái Úy Châu Bột cùng nhau diệt họ Lữ...

Như thế ông thuộc phái Tung Hoành gia.

Trong Hán chí, phần Thi phú lược phân phú ra làm 4 loại, loại thứ 3, thuộc về Lục Giả, như thế Lục Giả cũng là một Từ phú gia.

Ông có viết cho Cao Tổ một quyển sách gồm 12 thiên gọi là Tân Ngữ Hán chí. Sách nầy được liệt vào phái Nho gia.

2. Giã Nghị

Người đất Lạc Dương, làm chức Đình úy nước Ngô được Văn Đế triệu đến làm bác sĩ, năm sau, được lên chức Đại trung Đại phu, bị bọn Đại thần là Châu Bột, Quán Anh tìm cách ngăn trở, nên bị đưa ra Trường Sa làm Thái phó cho Trường Sa Vương, sau đó lại bị dời đến làm Thái phó cho Lương Vương.

Lương Vương té ngựa chết, Giã Nghị buồn vì làm Thái phó không nên việc gì cả, buồn rầu khóc lóc hơn một năm rồi cũng chết.

Bài phú " Bằng Điểu " của ông đã nói lên được tâm tư u uất của ông. Ông là một Từ phú gia mà lại có căn bản sâu sắc về Đạo gia, ông viết được 58 thiên sách, gọi là Tân thơ Hán chí, được liệt vào phái Nho gia.

3. Đổng Trọng Thư

Người Quảng Châu, làm bác sĩ dưới thời Cảnh Đế.

Võ Đế hỏi chánh sách với các kẻ sĩ văn học và hiền tài, Đổng Trọng Thư làm đối sách được hạng đầu, nên được làm Tướng quốc cho Giang độ Vương và Giang tây Vương.

Tài học của ông sở trường về truyện Công Dương Xuân Thu và các Nho gia trong Hán chí.

123 thiên sách của Đổng Trọng Thư đều là những bài sớ điều trần về giáo dục và những thuật trị nước, người đời sau chỉ gom tinh túy của một thiên mà cũng thành được tập sách.

4. Hoàn Khoan

Tự Thứ Công, người Nhữ Nam, dưới thời Tuyên Đế, thường làm quan Thái thú Lư Khâu.

Chiêu Đế hạ chiếu cho các kẻ sĩ hiền tài, văn học, hỏi về những điều khổ sở trong dân chúng, ai cũng nói chuyện muối và sắt làm khổ dân, ông cũng biện luận với Tang hoằng Dương về việc ấy.

Ông gom góp lại những lời biện luận ấy thành pho Diêm thiết luận, sách Hán chí liệt sách trên vào phần Nho gia, nhưng thật ra quyển Diêm thiết luận, không phải do chính tay Hoàn Khoan viết.

5. Lưu Hướng

Bổn danh là Cánh Sanh, dòng Tôn thất nhà Hán, dưới thời Ngươn đế, từng làm Tôn Chánh Cấp Sự Trung, sau đó đồng một lượt với nhóm Châu Kham, Tiêu vọng Chi, bị bọn hoạn quan Hoằng Cung, Thạnh Hiển gièm siểm, bị hạ ngục mấy lần.

Lưu Hướng bực dọc liền viết mấy thiên sách : Tật sàm, Cứu nguy, Trích yếu, Thế tụng, gồm tất cả 8 thiên, ông lại gom góp những điều lành, dữ lạ lùng từ thời Thượng cổ đến đời nhà Hán viết thành pho : Hồng phạm ngũ hành truyện, góp các truyện ký và Thi, Thơ ; làm các pho Liệt nữ truyện, Tân tự, và Thuyết uyển, Hán chí tổng xưng...Các sách kể trên đều được liệt vào phái Nho gia. Ngoài ra 8 thiên sách do chính ông viết [đã bị thất lạc] các sách đều do ông gom góp lại mà thành.

Dưới thời Thành đế, ông phụng chiếu lãnh chức Hiệu trung bí thơ, đó là sự nghiệp rất to lớn của đời Lưu Hướng, chính ông là người khai tổ cho ngành học sắp xếp mục lục đứng đắn, và khảo chính chỗ sai, chỗ đúng các sách của nước Trung Hoa.

6. Dương Hùng

Tự Tử Vân, người Thụ quận, đất Thành đô, ban đầu làm quan Lang, đến thời Vương Mãng được lên chức Đại phu.

Trong sách Hán chí, phần Nho gia có " sách Dương Hùng sở tự ", quyển " Thái huyền ", Pháp ngôn " của ông viết cũng ở trong bộ sách kể trên.

Quyển Thái huyền phỏng theo Châu Dịch, còn quyển Pháp ngôn thì phỏng theo Luận Ngữ, ông lại phỏng theo sách " Ngu châm " viết quyển " Châu châm ", phỏng theo Thương hiệt Thiên, viết Huấn soán, phỏng theo Nhĩ nhã viết Phương ngôn, còn về phần chú, ông có viết thiên " Phản ly tao ", " Bạn lao sầu " v.v...phỏng theo Ly Tao. Thiên " Giải trào ", thì ông phỏng theo " Đáp khách nạn " của Đông Phương Sóc.

Các bài phú : Cam tuyền, Trường dương, Vũ lạp thì phỏng theo Tư mã Tương Như.

Như thế thì Dương Hùng sở trường về môn mô phỏng để sáng tác.

7. Triệu Thố

Người Dĩnh Châu, học với Trương Khôi về thuyết Hình, Danh của Thân bất Hại, Thương Quân.

Dưới thời Văn Đế, làm chức Thái thường Chưởng cố, phụng chiếu đến Tế Nam nhậm chức Thượng thơ với Phục Thắng, rồi sau đó làm Gia lịnh [dạy học] cho thái tử.

Thái tử rất kính, gọi là Trí Nang [trí khôn], Cảnh đế lên ngôi cho làm chức Nội sử, quyền lớn hơn chức Cửu khanh, rồi sau lại làm Ngự sử Đại phu.

Ông chủ trương xén bớt đất phong cho các vương hầu; Ngô, Sở, bảy nước làm phản, mượn danh trừ Triệu Thố, Cảnh đế nghe lời Đậu Anh, Viên Áng đem Triệu Thố ra chém ở chợ phía Đông.

Trong Hán chí, phần Pháp gia có Triệu Thố, với những thiên về : các sớ tâu, nghị...và về giáo dục.

8. Bằng Thông

Gốc tên là Triệt, húy tên Võ đế, nên cải lại là Thông, người Phạm dương, ông là người du sĩ dưới thời Tần Hán, ban đầu du thuyết với Phạm Dương rồi kế đó thuyết với Hàn Tín đánh Tề và làm phản nhà Hán để tự lập.

Đến khi Hàn Tín bị tội, lúc sắp bị giết có câu " hối hận vì không nghe lời Bằng sanh ". Cao tổ liền bắt Bằng Thông muốn xé xác. Ông vì khéo nói mà khỏi.

Sau đó ông làm thượng khách cho thừa tướng Tào Tham, có viết quyển Huề thủy, sách Hán chí liệt vào phái Tung Hoanh gia.

Quyển sách nầy luận về việc quyền biến của các thuyết sĩ thời Chiến Quốc, nội dung phần lớn là chép lại các chuyện của du sĩ thời Chiến Quốc.

9. Trâu Dương

Người nước Tề, ban đầu làm khách ở Ngô vương Tỷ, vì ông can ngăn không được liền bỏ sang Lương Hiếu Vương, vì Dương Thắng gièm siểm, bị hạ ngục, sau lại được làm thượng khách.

Hiếu Vương sai người giết Viên Áng, ông bị liên can, liền vào Trường An.

Ông sở trường về từ phú, ngang hàng với Mai Thừa, Hán chí liệt ông vào hàng Tung Hoành gia.

10. Lưu An

Con của Hoài Nam Lệ vương Trường, ban đầu được phong Phụ lăng hầu, sau nối nghiệp Hoài Nam Vương, rồi sau vì mưu phản bị phát giác nên tự sát.

Lưu An thích văn học, ưa nuôi kẻ sĩ, Môn khách đã làm cho ông quyển Hoài Nam nội ngoại thơ, phần ngoại thơ đã bị thất lạc, Hán chí liệt ông vào phần Tạp gia.

*

Trở lại cộng chung tất cả 10 người. Dưới thời Tây Hán, không có sách của Danh gia và Mặc gia, vì đến thời kỳ đó, 2 phái ấy đã suy vi, còn các phái : Đạo gia, Âm Dương gia, Nông gia và Tiểu thuyết gia cũng không có nhân vật nào nổi danh.

Phần trên, những người được nêu tên, đều thuộc về Nho gia và Pháp gia, nhưng cũng không một ai xướng xuất ra được một học thuyết như Mạnh Tử, Tuân Tử, hay Thương Quân, Hàn Phi Tử.

Dưới thời Tây Hán, các học giả đều chú tâm Kinh học [Ngũ kinh] chuyên chú vào chương cú trong sách vở xưa, còn văn nhân thì chú trọng từ phú, sách vở của họ là những thiên từ phú diễn tả tâm tình hay những bài luận, bài sớ.

Từ đó, cái học của Chư Tử và việc trước thuật sách để phổ biến học thuyết, cũng bị suy vi.

Trong sách Hán chí, phần Chư Tử lược thời Tây Hán, có thể nói đó là phần chót suy tàn của Chư Tử thời Châu Tần...vì thế, những nhà khảo cứu, ít ai chú ý đến phần Chư Tử dưới thời Tây Hán.

II. CHƯ TỬ ĐẠI SỰ NIÊN BIỂU

Phần nầy chúng tôi dùng Tây lịch đối chiếu cho độc giả dễ nhớ.
 
 

Năm tr. T.L.
Các đời vua liên hệ
Những việc quan trọng của Chư Tử
551
Châu Linh vương năm thứ 21 Khổng Tử sanh, tên Khâu tự Trọng Ni.
545
Châu Linh vương năm thứ 27 Nhan Lộ sanh tự Vô Do, cha của Nhan Hồi nhỏ hơn Khổng Tử 6 tuổi.
544
Châu Cảnh vương năm đầu Nhiễm Canh sanh, tự Bá Ngưu nhỏ hơn Khổng Tử 7 tuổ
542
Châu Cảnh vương năm thứ 3 Trọng Do sanh, tự Tử Lộ nhỏ hơn Khổng Tử 9 tuổi.
540
Châu Cảnh vương năm thứ 5 Tất điêu Khai sanh, nhỏ hơn Khổng Tử 11 tuổi.
536
Châu Cảnh vương năm thứ 9 Mẫn Tổn sanh, tự Tử Khiên nhỏ hơn Khổng Tử 15 tuổi.
532
Châu Cảnh vương năm thứ 13 Khổng Lý sanh tự Bá Ngư, nhỏ hơn Khổng Tử 19 tuổi.
525
Châu Cảnh vương năm thứ 20 Nguyên Hiếu sanh tự Tử Tư, nhỏ hơn Khổng Tử 26 tuổi.
522
Châu Cảnh vương năm thứ 23 Nhiễm Cầu, tự Tử Hữu sanh. 
Nhiễm Ung, tự Trọng Cung sanh, hai ông đều nhỏ hơn Khổng Tử 29 tuổi.
521
Châu Cảnh vương năm thứ 24 Năm sanh của các ông Nhan Hồi tự Tử Uyên, Cao Sài tự Tử Cao, 
Vu mã Thi tự Tử Kỳ. Mỗi người đều nhỏ hơn Khổng Tử 30 tuổi.
520
Châu Cảnh vương năm thứ 25 Đoan mộc Tứ tự Tử Cống sanh. Nhỏ hơn Khổng Tử 31 tuổi.
518
 
Châu Kỉnh vương năm thứ 2 Khổng Tử qua nhà Châu xem sách gặp Trưng tàng sử Lý Nhĩ. Sử ký nói Lý Nhĩ là Lão Tử.
515
Châu Kỉnh vương năm thứ 5 Phàn Tu tự Tử Trì sanh. Nhỏ hơn Khổng Tử 36 tuổi.
507
Châu Kỉnh vương năm thứ 13 Bốc Thương tự Tử Hạ sanh. Nhỏ hơn Khổng Tử 44 tuổi.
506
Châu Kỉnh vương năm thứ 14 Ngôn Yển tự Tử Du sanh. Nhỏ hơn Khổng Tử 45 tuổi. 
505
Châu Kỉnh vương năm thứ 15 Tăng Sâm tự Tử Dư sanh. Nhỏ hơn Khổng Tử 46 tuổi.
503
Châu Kỉnh vương năm thứ 17 Chuyên Tôn Sư tự Tử Trương sanh. Nhỏ hơn Khổng Tử 48 tuổi.
500
Châu Kỉnh vương năm thứ 20 Khổng Tử làm Tư khấu nước Lỗ rồi sau đó ra đi.
495
Châu Kỉnh vương năm thứ 25 Khổng Lý, Nhan Hồi mất. Khổng Cấp tự Tử Tư sanh [cháu Khổng Tử].
486
Châu Kỉnh vương năm thứ 36 Khổng Tử trở về nước Lỗ, ông đã xa nước Lỗ tất cả 14 năm.
480
Châu Kỉnh vương năm thứ 40 Trọng Do tử nạn ở nước Vệ.
479
Châu Kỉnh vương năm thứ 41 Khổng Tử mất. Nhằm năm Lỗ Ai Công thứ 16.
468
Châu Định vương năm đầu Mặc Tử, tên Địch sanh [theo tài liệu của Lương Khải Siêu].
439
Châu Khả vương năm thứ 2 Mặc Tử qua Sở du thuyết, dâng sách cho Sở Vương.
406
Châu Uy Liệt vương năm thứ 20 Khổng Cấp mất [cháu Khổng Tử, tự Tử Tư].
374
Châu Liệt vương năm thứ 2 Thái sử Chiêm nhà Châu vào nước Tần [có thuyết cho ông là Lão Tử].
372
Châu Liệt vương năm thứ 4 Mạnh Tử, tên Kha sanh [theo tài liệu của Địch tử Kỳ].
369
Châu Liệt vương năm thứ 7 Trang Tử tên Châu sanh [theo tài liệu của Mã di Sơ].
361
Châu Hiển vương năm thứ 8 Huệ Thi làm tướng nước Ngụy.
359
Châu Hiển vương năm thứ 10 Vệ Ưởng vào nước Tần ra mắt Hiếu Công.
351
Châu Hiển vương năm thứ 18 Thân Bất Hại làm tướng nước Hàn.
347
Châu Hiển vương năm thứ 22 Vệ Ưởng làm tướng nước Tần.
343
Châu Hiển vương năm thứ 26 Khuất Nguyên sanh. Nhằm Sở Tuyên vương năm thứ 27.
341
Châu Hiển vương năm thứ 28 Tần phong Vệ Ưởng về đất Thương gọi là Thương Quân.
338
Châu Hiển vương năm thứ 31 Tần giết Vệ Ưởng.
337
Châu Hiển vương năm thứ 32 Thân Bất Hại mất.
334
Châu Hiển vương năm thứ 37 Tô Tần làm Tung ước trưởng. Hợp Tung thành ở năm nầy.
328
Châu Hiển vương năm thứ 41 Trương Nghi làm tướng nước Tần.
320
Châu Thận Tịnh vương năm đầu Tô Tần bị đâm chết ở Tề, Mạnh Tử đến Ngụy gặp Huệ Vương.
319
Châu Thận Tịnh vương năm thứ 2 Mạnh Tử bỏ Ngụy qua Tề.
310
Châu Noãn vương năm thứ 5 Trương Nghi đi làm tướng nước Ngụy. Huệ Thi ra đi.
309
Châu Noãn vương năm thứ 6 Trương Nghi mất ở nước Ngụy.
289
Châu Noãn vương năm thứ 26 Mạnh Tử mất [theo tài liệu của Địch tử Kỳ].
286
Châu Noãn vương năm thứ 29 Trang Tử mất [theo tài liệu của Mã Di Sơ]
264
Châu Noãn vương năm thứ 51 Tuân Tử [tên Huống] du thuyết ở Tề.
257
Châu Noãn vương năm thứ 58 Công tôn Long đến thuyết Bình nguyên Quân.
255
Sở Khảo Liệt vương năm thứ 8 [nhà Châu mất] Tuân Tử làm quan Lịnh đất Lan Lăng của Sở.
249
Tần Trung Tương vương năm đầu Lữ bất Vi làm tướng quốc nước Tần.
239
Tần Vương Chánh năm thứ 8 Viết xong pho Lã thị Xuân Thu.
237
Tần Vương Chánh năm thứ 10 Lữ bất Vi bị bãi chức, ra đất Thục rồi tự sát.
233
Tần Vương Chánh năm thứ 14 Hàn Phi vào nước Tần bị hại.
214
Tần Thủy Hoàng năm thứ 33 Lý Tư làm thừa tướng.
213
Tần Thủy Hoàng năm thứ 34 Theo đề nghị của Lý Tư, hạ lịnh đốt sách.
208
Tần Nhị Thế năm thứ 2 Lý Tư bị giết [năm sau nhà Tần mất].
203


Nhà Sở năm thứ 4
Năm sau nhà Sở bị diệt, Hán thống nhứt.
Bằng Triệt khuyên Hàn Tín tự lập.
200
Hán Cao Đế năm thứ 7 Giả Nghị sanh.
196
Hán Cao Đế năm thứ 11 Lục Giả đi sứ Việt Nam. Phong Triệu Đà làm Nam Việt vương.
179
Hán Văn Đế năm đầu Lục Giả lại đi sứ Việt Nam bảo Triệu Đà bỏ đế hiệu.
168
Hán Văn Đế năm thứ 12 Giả Nghị chết.
164
Hán Văn Đế năm thứ 16 Phong Lưu An làm Hoài Nam vương.
154
Hán Cảnh Đế năm thứ 3 Triệu Thố bị giết.
134
Hán Võ Đế Ngươn quang năm đầu Đối sách lần thứ nhứt của Đồng trọng Thư.
122
Hán Võ Vương Ngươn thú năm đầu Lưu An tự sát.
80
Hán Chiêu Đế Ngươn phụng năm thứ 2 Lưu Hướng sanh, tự Tử Chánh. Ban đầu tên Cánh Sanh.
53
Hán Tuyên Đế Cam Lộ năm đầu Dương Hùng sanh, tự Tử Vân.
26
Hán Thành Đế Hà Bình năm thứ 3 Lưu Hướng phong chiếu lãnh chức Hiệu trung bí thơ.
8
Hán Thành Đế Tuy Hoà, năm đầu Lưu Hướng mất.

[Nước Việt Nam ta bắt đầu có sử, theo tài liệu kê cứu được, bắt đầu từ đời nhà Thục [258-207 trước T.L.] lúc đó Khổng Tử đã qua đời được 221 năm và Mặc Tử, Mạnh Tử, Trang Tử cũng đều qua đời, duy chỉ còn có Tuân Tử, Lữ bất Vi, Hàn Phi, Lý Tư.

Nước Pháp có sử vào năm 151 [trước T.L.] tức sau ta 107 năm, vào thời Hán Cảnh đế, tức là lúc Bách Gia Chư Tử đã suy tàn.]


[ Trang trước ] /   [ ( còn tiếp )  ]