Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]

Bách Gia Chư Tử
Thảo Đường Cư Sĩ Trần Văn Hải Minh
biên soạn
-
Phần Hai 
*
Thân thế Bách Gia Chư Tử

3. Mạnh Tử
4. Tuân Tử
5. Lão Tử

1. Khổng Tử. * 2. Đệ Tử Khổng Tử. * 3. Mạnh Tử. * 4. Tuân Tử. * 5. Lão Tử. * 6. Trang Tử và những người trong phái Đạo gia. * 7. Mặc Tử và môn đệ. * 8. Thương Ưởng, Thân Bất Hại, Hàn Phi, Lý Tư và Lữ Bất Vi. * 9. Huệ Thi, Công Tôn Long và nhóm Tác Hạ. * 10. Tô Tần, Trương Nghi và Khuất Nguyên. * 11. Phụ Lục : Chư Tử dưới thời Tây Hán - Niên biểu những việc quan trọng dưới thời Chư Tử.
3. Mạnh Tử.
Sau Khổng Tử, Mạnh Tử đáng tôn là bực Nho gia đại sư.

Về Mạnh Tử, trong sách Sử ký có chép Mạnh Tử và Tuân Khanh liệt truyện, trong đoạn đầu phần Mạnh Tử có viết :

" Thái sử công nói rằng : Ta đọc Mạnh Tử, đến thiên Lương Huệ Vương, hỏi về chuyện lấy gì làm " lợi " cho nước, mà buông sách than thở và nói rằng : " Hỡi ôi ! Lợi là cái bắt đầu cho loạn vậy ! "

Phu Tử mà ít nói đến chuyện lợi là đề phòng cái nguồn hại đó...cho nên mới nói : Buông lung theo lợi mà làm thì gây ra nhiều oán.

Từ bực thiên tử cho đến thứ dân, cái tệ của ham lợi cũng có khác gì nhau đâu ! "


Hình 6. MẠNH TỬ

Theo : Trung Quốc Triết Học Sử Đại Cương của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, quyển Thượng (trang 433).
(Rút ở : Conficius et l'Humaniste Chinois của P. Đỗ Đình).

" Mạnh Kha là người đất Trâu, môn nhơn thọ nghiệp với Tử Tư, đạo đã thông mà đi du thuyết đến Tề Tuyên Vương, Tuyên Vương không dùng mà qua nước Lương.

Lương Huệ Vương không tin chắc lời nói của ông, cho rằng đó là những chuyện xa vời. Lúc đó, Tần dùng Thương quân, nước giàu quân mạnh, Sở, Ngụy dùng Ngô Khởi, chiến thắng những nước nhỏ, Tề Uy Vương, Tuyên Vương dùng Tôn Tử, Điền Kỵ, mà các nước chư hầu day mặt về phía Đông chầu nước Tề, trong thiên hạ chạy theo kế hiệp tung, liên hoành để công phạt lẫn nhau và xem đó là kế hoạch hay nhứt.

Trong khi đó thì Mạnh Tử thuật cái đức của Đường, Ngu, Tam Đại vì thế cho nên không hợp. Ông liền rút lui cùng với Vạn Chương, Công Tôn Sửu, thuật lại ý Trọng Ni mà viết quyển Mạnh Tử gồm 7 thiên ". Đây là truyện Mạnh Tử theo sách Sử ký, chỉ gồm có trên dưới 220 chữ.

Hơn nữa lại có những đoạn như " Thái sử Công nói : " Chuyện ấy có lạ gì " hay là vào lúc ấy ", v.v...Nếu lược bỏ những đoạn ấy ra thì số tài liệu còn dùng được chẳng còn lại bao nhiêu.

Các vì Tiên nho, khảo cứu về sanh bình của Mạnh Tử, thì có Trình phúc Tâm với quyển " Mạnh Tử biên niên lược; Đàm trinh Mặc với quyển " Mạnh Tử sự tích đồ phổ " ; Nhiêm khải Vận với " Mạnh Tử khảo lược ", Tào chi Thăng với " Mạnh Tử niên phổ " ; Định Tử Kỳ với " Mạnh Tử biên niên "...Diêm Nhược Cừ với " Mạnh Tử sanh, tốt, niên nguyệt khảo " ; Châu quảng Nghiệp với " Mạnh Tử tứ khảo " ; Thôi Thuật với " Mạnh Tử sự tích khảo ", đây là quyển sách nổi tiếng hơn hết.

Kiến hầu Công cho rằng tài liệu trong quyển Sử ký quá đơn sơ cho nên không dùng theo nguyên văn ấy để khảo sát mà gom góp các thuyết đáng tin cậy của nhiều tác giả để làm tài liệu lược khảo như sau :

Mạnh Tử lược khảo

Mạnh Tử tên Kha, người đất Trâu.

(Theo sách Hán chí, Triệu Kỳ viết : Chưa nghe ai nói tự là gì...Tương truyền gọi là Tử Dư, nhưng không có gì làm chắc.

Triệu Kỳ cũng viết : Mạnh Tử là công tộc nước Lỗ, hậu duệ của Mạnh Tôn, cho nên Mạnh Tử làm quan ở Tề, mẹ mất mà về để tang ở Lỗ.

Con cháu Tam Hoàn suy vi, nên phân tán ra các nước...

Diêm nhược Cừ viết : Mạnh Tử là hậu duệ của Mạnh Tôn, dòng công hầu ở Lỗ, rồi không biết ra đi đến đất Trâu lúc nào mà trở thành người ở Trâu...rồi sau về để tang ở Lỗ.

Khảo sát mộ bia của Mạnh mẫu, chúng ta cũng tìm thêm được một vài tài liệu. Mộ ở phía Bắc Trâu huyện, cách 20 dặm, phía Đông núi Mã Yên Sơn, ở đó không phải là nước Lỗ, chỉ nghi rằng hồi xưa thuộc về nước Lỗ, hiện nay nằm trong vùng Trâu huyện, vì hai nước ở sát bên nhau...Có sách chép mộ Mạnh mẫu ở cách không xa mộ Mạnh Tử, có thể nghi rằng cố lý của Mạnh Tư ûở vùng giáp giới Trâu-Lỗ.)

Ông sanh vào năm thứ tư đời Châu Liệt Vương.

Sách Sử ký, Sách Ẩn viết : Mạnh Tử chết vào năm Châu Noãn Vương năm thứ 26 (Nhâm Thân) thọ 84 tuổi, sách Địch thị biên niên theo thuyết trên và lại ghi thêm sanh vào ngày mùng 2 tháng 4.

Đời Châu Liệt Vương năm thứ tư nhằm năm 372 trước Tây lịch.

Thuở còn nhỏ, ông được nền giáo dục nghĩa phương của mẹ.

(Kinh Dịch viết : Còn nhỏ thì phải dưỡng cái " chánh ". Ngạn ngữ cũng có nói : " Dạy con dạy thuở còn thơ ", vì mẫu giáo ảnh hưởng đến con cái rất lớn.

Tương truyền Mạnh mẫu là Chưởng thị dạy con có nghĩa phương. Sách Liệt nữ truyện, thiên Mẫu nghi, sách Hàn thi ngoại truyện, có chép chuyện bà dời nhà 3 lần, và cắt đoạn lụa đang dệt để dạy con, cho đến ngày nay vẫn còn truyền làm giai thoại.

Sách Sử ký bổn truyện không có đề cập đến phụ mẫu của Mạnh Tử, nhưng sách Đề từ của Triệu Kỳ có viết : Cha chết sớm.

Mạnh Tử mất cha sớm, rồi sau mất mẹ, trong thiên Lương Huệ Vương sách Mạnh Tử có chép.

Sách Khuyết lý chí của Trần Oa, sách Tứ thơ nhân vật khảo của Tiết ứng Kỳ đều có viết : Mạnh Tử 3 tuổi, mồ côi cha, nhưng lại không biết căn cứ vào đâu.

Sách Địch thị biên niên, lại viết Mạnh mẫu là Lý thị, cha là Khích, tự Công Nghi.

Sách Liệt nữ truyện có chép : Lúc Mạnh mẫu cắt ngang đoạn lụa có nói : " Mẹ dệt mà có ăn. Nếu nửa đường bỏ mà không làm, thì đâu có thể có cho chồng mặc, và đâu có thể có ăn lâu dài ". Như thế thì lúc đó phụ thân của Mạnh Tử vẫn còn sống, nhưng vì Mạnh mẫu hiền, dạy con có phương pháp, nên vai trò của người cha bị lu mờ, người đời sau lầm lẫn mà cho là ông mất sớm khi Mạnh Tử còn nhỏ.

Khi ông lớn, thọ nghiệp với môn nhơn của Tử Tư và thành Đại Nho.

Ban đầu ông dạy học, rồi sau đi châu du, rồi sau cùng trở về quê hưởng tuổi già, trọn đời, việc làm rất giống Khổng Tử, ông đến gặp chư hầu, bắt đầu từ Trâu Mục Vương, lúc đó ông được 41 tuổi.

(Từ năm 40 tuổi trở về trước, Mạnh Tử chỉ dạy học, từ năm 40 về sau, đi châu du các nước, và sau 60 tuổi trở về an dưỡng tuổi già, như thế thì ông đi châu du các nước trong thời gian không quá 20 năm).

Ông từ nước Trâu qua Nhiệm, rồi từ Bình lục qua Tề, dưới thời Uy Vương làm quan ở Tề, chưa bao lâu, từ chức mà về quê.

Lúc qua Tống, gặp thế tử Đằng, sau thế tử lên ngôi, là Văn Công, Văn Công rước Mạnh Tử, Mạnh Tử từ Trâu qua Đằng rồi tìm cách bỏ nước Đằng qua Lương, ra mắt Lương Huệ Vương.

Huệ Vương mất, Tương Vương lên ngôi, Mạnh Tử rời nước Lương lại qua Tề. Rồi làm tân sư cho Tuyên Vương.

(Tân sư là lãnh tiền luơng mà không lãnh chức tước. Cho nên trong thiên Công Tôn Sửu, Mạnh Tử đã nói : " Không giữ chức quan thì không có trách nhiệm ".

Sung Ngu lại có nói : Làm quan mà không nhận lãnh chức tước. Lúc đó chức Tắc Hạ học sĩ ở Tề rất thạnh, không làm quan chức mà nghị luận về việc chánh, gọi đó là " Liệt Đại phu " Mạnh Tử cũng là một Liệt Đại phu).

Vua nước Yên là Khoái, nhường nước cho tôi là Tử Chi, trong nước loạn, Tề Tuyên Vương phạt Yên, lấy nước. Người Yên nổi lên chống Tề.

Người nước Tề cho rằng Mạnh Tử khuyên vua phạt Yên... Mạnh Tử liền bỏ nước Tề ra đi.

Yên Vương Khoái nhường nước, nhằm năm thứ 5 đời Thận Tịnh Vương, và năm đầu Noãn Vương. Nước Yên nội loạn, Tuyên Vương thừa cơn loạn kéo binh sang đánh, 5 tuần mà lấy nước Yên.

Người Yên nổi lên chống Tề.

Lúc ban đầu, Đại phu nước Tề là Trầm Đồng hỏi Mạnh Tử, nước Yên có thể đánh không ? Mạnh Tử đáp : " Được ".

Tề đã thắng Yên, Tuyên Vương hỏi : Nước Yên có thể lấy không ? Mạnh Tử đáp : Nếu dân Yên đồng ý thì có thể lấy, còn dân Yên không đồng ý thì không nên.

Tề đã lấy Yên, chư hầu mưu tính việc cứu Yên, Mạnh Tử khuyên Tuyên Vương bàn với người Yên lập vua mới. Đến lúc người Yên nổi lên chống lại, đa số người nước Tề đều đổ lỗi cho Mạnh Tử khuyên Tề đánh Yên, Mạnh Tử liền quyết ý rời bỏ Tề, mà bọn Thuần vu Khôn, Doãn Sĩ lại mỉa mai, nên chỉ có 3 đêm mà ra khỏi đất Hoạch, Tuyên Vương lại không cầm ông lại, nên Mạnh Tử dứt khoát ra về). [Xem thiên Công Tôn Sửu].

Từ đó ông qua nước Tống, nước Tiết, gặp lúc nước Lỗ khiến đệ tử Mạnh Tử là Nhạc chánh Khắc làm việc chánh, Mạnh Tử liền đến nước Lỗ, sau cùng lại bị Tàng Thương là người được vua sủng ái ngăn trở, ông lại trở về nước Trâu và an hưởng tuổi già.

(Khổng Tử mặc áo vải dẫn đệ tử đi châu du liệt quốc lúc cuối thời Xuân Thu, mở ra phong trào đi du thuyết, đến thời Mạnh Tử thì phong trào du thuyết đã thạnh hành.

Mạnh Tử đi châu du rất giống như Khổng Tử, nhưng Khổng Tử thì bị uy hiếp ở Khuôn, bị nguy ở Tống, bị tuyệt lương ở Trần, thường bị mỉa mai, còn Mạnh Tử thì có mấy mươi chiếc xe đi theo hộ tống, kẻ tùy tùng có đến mấy trăm, được chư hầu cung phụng đầy đủ.

Sở dĩ có chỗ khác nhau là vì hoàn cảnh, thời thế không giống nhau. Về chuyện du thuyết của Mạnh Tử, có rất nhiều nhà khảo cứu, nhưng cũng còn nhiều chỗ sai lầm về không gian và thời gian).

Năm Châu Noãn Vương thứ 26 ông mất, thọ 84 tuổi.

(Trong Sử Ký, sách Ẩn có ghi năm sanh và năm mất của Mạnh Tử. Trong Địch thị biên niên ghi Mạnh Tử mất vào ngày rằm tháng giêng.

Trong Niên Phổ của Tào chi Thăng, căn cứ theo cổ bia viết : Mạnh Tử mất vào ngày Đông chí. Người nước Trâu vì khóc Mạnh Tử mà bỏ lễ Đông chí, nhơn đó mà thành tục luôn. Vì nghi ngày Đông chí ấy không phải ở tháng Giêng nên đổi lại là ngày 15 tháng 11, v.v...

Theo lịch của nhà Châu thì tháng Giêng là tháng 11 của năm trước theo lịch nhà Hạ. Như thế, Đông chí tức là ở giữa tháng 11 của lịch nhà Hạ, nhưng tóm lại, Mạnh Tử mất vào ngày nào, tháng nào, năm nào, chỉ là truyền thuyết mà không có bằng chứng gì chắc chắn cả.

Mộ của Mạnh Tử hiện nay ở tỉnh Sơn đông, huyện Trâu, phía Bắc, cách 30 dặm, mộ nằm ở phía Đông núi Tứ Cơ sơn.

Dưới thời nhà Tống, Khổng đạo Phủ thú Đái Châu, tìm gặp mộ, liền sửa sang lại và cất miếu thờ, rồi Tôn Phục có làm bài ký về việc ấy.

Sách Mạnh Tử Tứ khảo của Châu quảng Mục có viết phía Bắc Đường khẩu sơn có mộ của Mạnh Tử, tức là mộ nầy.

Sách Sơn đông tỉnh chí có viết : Cố lý của Mạnh Tử ở Trâu huyện, hiện là Bác thôn, ở phía Bắc 30 dặm, trước nhà có Mạnh mẫu từ, như thế thì mộ ở cách ngôi nhà xưa không bao xa.

Hiện nay ở phía Nam Trâu huyện có Mạnh Tử miếu, là do huyện lịnh Châu Nhạc dưới thời Tống Huy Tôn, đời Tuyên Hòa dựng lên (1125 T.L.)

Sách Tục Văn hiến thông khảo chép : Vợ Mạnh Tử là Điền thị, con tên là Trạch. Sách Tam thiên chí viết : Con Mạnh Tử tên là Trọng Tử. Mạnh Tử niên phổ viết : Mạnh Trọng Tử tên là Trạch.

Con cháu của Khổng Tử, trong thiên Khổng Tử thế gia sách Sử ký ghi rất rõ, còn con cháu của Mạnh Tử không thấy có tài liệu nào ghi chép cả). Mạnh Tử đã mất, bọn đệ tử là Vạn Chương, Công Tôn Sửu liền biên thuật những lời nói của ông, gom lại thành bộ Mạnh Tử 7 thiên.

(Sách Hán chí, phần Nho gia, có ghi Mạnh Tử gồm 11 thiên. Triệu Kỳ, trong chú bổn của ông lại có 7 thiên, giống với bổn Mạnh Tử ngày nay.

Theo Sử ký bổn truyện và Triệu Kỳ đề từ, thì dường như 7 thiên ấy là do Mạnh Tử viết ra, nhưng thật là chỉ do đệ tử ghi chép lại mà thôi, trong phần sau, khi lược khảo về các tác phẩm, sẽ có những chứng cớ tường tận hơn.

Từ sau khi đệ tử Khổng Tử biên tập bộ Luận Ngữ, đệ tử của Mặc Tử biên tập lời nói của thầy để thành bộ Mặc Tử, cho đến đời Mạnh Tử thì thành thói quen.

Về đệ tử của Khổng Tử, thì sách Sử ký có ghi, còn đệ tử Mạnh Tử thì không thấy tài liệu nào ghi chép cả.

Trong sách nầy ghi tên những người ấy, hoặc có tên họ đủ, như Vạn Chương, Công Tôn Sửu, hay chỉ gọi là " Tử " như Nhạc Chánh Tử, Công Đô Tử, có khi cũng ghi là Trần Trăng hay là Trần Tử. Ngoài ra như Tào Giao, Cao Tử hay Cao Tẩu, Cao Tử là người đồng thời và lớn tuổi hơn, tất cả những người nầy đều không phải là đệ tử của Mạnh Tử.

*
 
4. Tuân Tử.

Sau Mạnh Tử, Tuân Tử cũng là một Nho gia đại sư, cho nên các học giả đời sau, hễ nhắc đến Mạnh Tử là nhắc luôn Tuân Tử.

Sách Sử ký hợp Mạnh Tử và Tuân Tử lại làm một truyện, cũng vì lý do ấy.

Tuân Tử truyện chép : " Tuân Khanh, người nước Triệu, tuổi 50 mới đến du " học " ở Tề (chữ " học " chép lầm). Bọn Điền Biền đã chết dưới thời Tề Tuyên Vương, mà Tuân Khanh còn là một lão sư.

Nước Tề luôn luôn sửa cái khuyết " Liệt đại phu " mà Tuân Khanh 3 lần làm chức Tế tửu.

Người nước Tề, có kẻ gièm pha ông, ông liền qua Sở, mà Xuân Thân Quân cho ông làm quan Lịnh đất Lan Lăng.

Xuân Thân Quân chết, rồi Tuân Khanh bị phế và nhơn đó, cất nhà ở luôn nơi đất Lan Lăng...Trước kia Lý Tư Thường là đệ tử ông, bây giờ làm tướng nước Tần. Tuân Khanh ghét cái chánh trị ô trược của đời, bọn vong quốc, loạn quân kế tiếp nhau, không thể làm đạo lớn được, mà chỉ lo về việc bói toán, phù thủy, tin số mạng. Bọn tầm thường, câu nệ như Trang Châu lại hoạt kê việc làm nên hư của Nho, Mặc viết ra thành mấy vạn lời rồi mới qua đời...và luôn đó được chôn ở Lan Lăng. "

Sách Sử ký ghi chuyện Tuân Khanh đơn giản như thế, hơn nữa tên ông là gì không thấy ghi rõ.


Hình 7. TUÂN TỬ
Rút trong : Trung Quốc Văn Học Sử của Trịnh Chấn Đạc quyển 1 (trang 94).

*

Dưới thời Tây Hán, Lưu Hướng hiệu đính sách Tuân Tử, ghi tên là Tôn Khanh tân thơ, ông đã ghi về chuyện của Tuân Khanh như sau :

Tuân Khanh tên Huống, người nước Triệu. Vào lúc Tề Uy Vương và Tuyên Vương, tụ hiền sĩ trong thiên hạ ở Tắc Hạ và tôn kính, thương yêu, như Trâu Viễn, Điền Biền, Thuần Vu Khôn, số người như thế thật đông và gọi đó là " Liệt đại phu ", họ được người đời khen tặng, và có kẻ đã viết sách châm biếm đời.

Lúc đó Tôn Khanh đã có tài, tuổi 50 mới bắt đầu đi du thuyết đến thời Tề Tuyên Vương thì Tôn Khanh đã thành một lão sư được trọng vọng.

Người nước Tề, có kẻ gièm pha Tôn Khanh, ông liền qua Sở, Sở tướng là Xuân Thân Quân cho ông làm quan lịnh đất Lan Lăng.

Có người nói với Xuân Thân Quân : " Vua Thang dấy nghiệp có 70 dặm, vua Văn Vương 100 dặm, Tôn Khanh là người giỏi, mà lại cho đất 100 dặm, nước Sở sẽ bị nguy chăng ? "

Xuân Thân Quân liền tạ từ Tôn Khanh.

Tôn Khanh qua Triệu, sau đó, có người lại nói với Xuân Thân Quân : Ông Y Doãn bỏ nhà Hạ mà vào nhà Ân, nhà Ân nên nghiệp vương mà nhà Hạ mất. Quảng Trọng bỏ nước Lỗ vào nước Tề, mà nước Lỗ yếu, nước Tề mạnh, cho nên kẻ hiền ở đâu, thì vua được tôn, nước được yên, bây giờ Tôn Khanh là kẻ hiền trong thiên hạ, ông bỏ nước nào ra đi, nước ấy có yên chăng ?

Xuân Thân Quân lại sai người đến mời Tôn Khanh, Tôn Khanh viết thơ cho Xuân Thân Quân, chua chát với nước Sở. Xuân Thân Quân giận liền không mời nữa.

Sau đó, Xuân Thân Quân mất, ông liền làm nhà ở Lan Lăng.

Trước kia, Lý Tư Thường là đệ tử ông, bây giờ làm tướng cho Tần, và nhóm Hàn Phi, hiệu thuyết với ông...cho đến lúc Tần dùng Ứng Hầu làm tướng quốc, đều không thể dùng ông...

Ông đến nước Triệu, bàn luận việc binh với Tôn Tẩn, trước mặt Hiếu thành Vương, Tôn Tẩn nói về việc biến trá trong việc binh, Tôn Khanh lấy việc dùng binh theo vương đạo để vấn nạn, Tôn Tẩn không đáp được...và vì thế ông không được dùng.

Tôn Khanh không được đời dùng, về an dưỡng tuổi già ở Lan Lăng, ông ghét các chánh sách của đời ô trược, bọn vong quốc, loạn quân bè đảng nhau, đại đạo không thi hành được, mà chỉ chạy theo đồng bóng, bói toán, tin số mạng, bọn tầm thường như Trang Châu lại hoạt kê, làm rối loạn phong tục, vì thế mới suy diễn cái đạo đức và việc làm nên hư của Nho, Mặc, ghi chép mấy vạn lời mà sau đó qua đời, và được chôn ở Lan Lăng.

Người Lan Lăng giỏi về học vấn, là cũng nhờ Tôn Khanh vậy. Đến nay bậc trưởng lão còn khen ông : người Lan Lăng thích chữ nghĩa là nhờ ông...là vì bắt chước theo ông vậy.

Tài liệu nầy so với Sử ký bổn truyện thì có phần đầy đủ hơn, nhưng chỗ sai lầm thì cũng y như trong Sử ký.

Trong sách Tuân Tử lược khảo có chép thân thế của Tuân Tử, nhưng không y theo tài liệu của Sử ký, mà chỉ căn cứ theo tài liệu của Lưu Hướng.

Xin chép ra sau :

Tuân Tử Lược Khảo

Tuân Tử tên Huống, người nước Triệu, gọi là Tuân Khanh là người đương thời tôn ông vậy.

Cũng gọi là Tôn Khanh, Tuân thị, hậu duệ của Tuân Bá ngày xưa, chữ Tuân xưa có chữ " phụ " một bên, chữ Tuân hay Tôn, cũng là một âm mà chuyển ra.

Tuân Tử thường bàn luận việc binh với Lâm võ Quân, trước mặt vua Triệu Hiếu Thành Vương, ông ra mắt chư hầu, bắt đầu từ lúc đó, ông lại thường vào nước Tần ở phía Tây, ra mắt Chiêu Vương và Ứng Hầu Phạm Thư, lúc đó tuổi Tuân Tử chưa đến 50.

(Sách Tự lục và Hồ thị đều cho Lâm võ Quân là Tôn Tẩn, như thế là sai.

Tôn Tẩn giúp tướng nước Tề là Điền Kỵ, đánh bại binh Ngụy ở Mã Lăng giết tướng Ngụy là Bàng Quyên vào năm thứ 28 đời Châu Hiển Vương (341 trước T.L.) còn Triệu Hiếu Thành Vương lên ngôi vào năm thứ 50 đời Châu Noãn Vương (265 trước T.L.) như thế cách nhau đến 86 năm, như thế thì Tôn Tẩn đâu có thể nào ở với Hiếu Thành Vương được.

Sách Tuân Tử tập giải của Vương tiên Khiêm có phân tích rõ điều nầy).

Năm 50 tuổi, ông bắt đầu đi thuyết đến nước Tề, lúc đó là năm đầu của Tề vương Kiến...Nước Tề sắp xếp về Liệt Đại phu, vì Tuân Tử tuổi tác và đức hạnh đều cao, cho nên nhiều lần được tôn làm Tế tửu, ông thường bàn luận với tướng quốc nước Tề, nhưng sau cùng không được dùng.

Ông bỏ Tề qua Sở, nhằm năm thứ 8 Sở Khảo Liệt Vương, tức Tề vương Kiến năm thứ 10. Tướng quốc nước Sở là Xuân thân Quân, cho Tuân Tử làm quan Lịnh đất Lan Lăng, nhơn đó mà Tuân Tử cất nhà luôn ở Lan Lăng.

Khảo Liệt Vương ở ngôi 25 năm, sau khi mất, Xuân thân Quân bị giết, lúc đó Tuân Tử vẫn còn.

Tuân Tử đã an dưỡng tuổi già luôn ở Lan Lăng, bèn dạy học, viết sách, đệ tử ông như Hàn Phi, Lý Tư, Phù khâu Bá, đều nổi danh sách Hán chí phần Nho giáo, có Tuân Khanh Tử, tự Tuân Tử, cho đến bây giờ vẫn còn.

[Hàn Phi và Lý Tư thường thọ nghiệp với Tuân Tử, trong sách Sử ký, trong phần Lý Tư truyện và Hàn Phi truyện có chép điều nầy. Phù khâu Bá thường học kinh Thi với Tuân Tử, thấy có chép trong Hán thơ. Ba người nầy là những đệ tử nổi tiếng nhứt của Tuân Tử.

Theo sách Hán chí thì sách Tuân Tử gồm 33 thiên, Lưu Thượng trong sách Tự Lục thì ghi 32 thiên, giống với bổn chúng ta có ngày nay].

Tuổi thọ của Tuân Tử và ngày sanh, ngày qua đời của ông, không có tài liệu gì dùng để xác định được cả. Con cháu của ông cũng không có sách vở gì ghi lại.

*

5. Lão Tử.

Lão Tử là người của phái Đạo gia tôn sùng, nhưng cũng có người cho rằng Lão Tử là người khai tổ cho Bách Gia Chư Tử.

Gần đây, Giang Tuyền, trong sách " Đọc tử hộ ngôn " có một thiên : " Luận về Đạo gia, và Bách gia cũng từ đó mà ra... " tức là suy tôn Lão Tử là người khai tổ cho Bách Gia Chư Tử.

Giang Tuyền đã viết : " Đời thượng cổ, tam đại, học ở nhà quan, mà không học ở đâu, người dân quê mùa không biết làm sao để lên chỗ " đại nhã "  được...[đến chỗ có học tập] duy chỉ có Lão Tử, đời đời làm sử quan, trong tay nắm được chìa khóa kho học mấy ngàn năm, giữ quyền mở đóng, cho nên khi Lão Tử ra, là tiết lộ được cái chất chứa bí mật của trời, đất, gom góp được cái đại thành của cổ kim, học giả noi theo, và thiên hạ cũng cúi đầu theo. Cái học của Đạo gia đã đông, rồi lại chia ra nhiều nhánh, mỗi người nắm được một mối của thầy, diễn ra mà thành cái học của 9 phái, rồi thành tên gọi là Cửu lưu vậy...


Hình 8. LÃO TỬ
Trích trong Trung Quốc Văn Học Sử của Trịnh Chấn Đạc, quyển 1 (trang 70)

Thật ra, đời xưa, việc học ở vua quan, các nhà học giả đều công nhận điều đó, Lão Tử làm quan giữ kho sách nhà Châu, nắm chìa khóa kho học, điều đó có sách Sử ký làm căn cứ...nhưng gọi là " đời đời làm sử quan " đó chỉ là suy tưởng theo chế độ thế cha truyền con nối của thời xưa mà thôi.

Lão Tử không có như Khổng Tử, mở trường dạy học, thì " học giả noi theo...thiên hạ cúi đầu... " và " cái học của Đạo gia bèn phổ cập trong dân gian ", " môn đệ của Đạo gia đã đông...Mỗi người nắm được một mối của thầy ", v.v...đó chỉ là ức thuyết.

Và " Phân ra từng phái mà đi...diễn thành cái học của 9 nhà "...lại càng không có gì để làm bằng chứng xác đáng cả.

Họ Giang đã nói : " Từ đại gia mà suy diễn ra cái học của 9 môn phái, như thế tức là muốn nói 10 phái trong Bách Gia Chư Tử, trừ phái Đạo gia vậy ".

Trong Hán Chí gọi là Cửu lưu, thì lại là trong số 10 môn phái, trừ ra phái Tiểu thuyết gia, họ Giang chỉ ước đoán, lập luận thiếu bằng chứng xác đáng, nên không có gì đáng tin.

*

Trong sách Sử ký có chép tên Lão Tử, vậy Lão Tử là người như thế nào ? Những tài liệu đã chép có xác thực, có đáng tin hay không ? Điều đó còn cần phải tìm hiểu thêm.

Trong Sử ký, Lão Tử, Trang Tử, Tuân Tử, Hàn Phi đồng viết chung trong một truyện, sau đây xin chép lại phần Lão Tử truyện khảo của tiên nho Kiến Hầu, tìm hiểu Lão Tử qua Lão Tử tài liệu của sách Sử ký.

Lão Tử Truyện Khảo

Trong sách Sử ký, Lão Trang, Thân Hàn liệt truyện được sắp vào phần thứ 3, trong sách Sách Ẩn thi sắp Bá Di liệt truyện vào phần 1, và Lão Tử, Trang Tử, Hàn Phi đồng truyện vào phần 3, nhưng trong sách Chánh nghĩa thì lại sắp Lão Tử, Trang Tử vào phần đầu của liệt truyện, với lời chú : " Vào năm khai nguyên thứ 23, Lão Tử và Trang Tử được phụng sắc lên phần đầu liệt truyện, đứng trước Bá Di. "

Lão Tử...

[Về phần danh xưng Lão Tử co ùnhiều giả thuyết khác nhau :

1. Giải thích theo người đời trước thì căn cứ theo Thần tiên truyện, và Huyền diệu nội thơ, cho rằng Lý mẫu mang thai 81 năm mà sanh, sanh ra đầu đã bạc, cho nên mới gọi là Lão Tử.

Thuyết nầy thật là hoang đường, không có gì đáng tin cả.

2. Sách Chánh nghĩa dẫn lời Trương quân Tướng viết : " Lão Tử là hiệu chớ chẳng phải tên, Lão là khảo, tìm hiểu, khảo sát, Tử là chăm, chăm học, tức là người tìm hiểu nhiều và dạy dỗ, đạt thành cho nhiều người khác...nhờ đó mà sanh ra vạn vật, giúp đỡ sự hóa sanh cho muôn loài mà không sót một ai. "

Thuyết nầy thật là ba hoa, rỗng tuếch, không có một ý nghĩa gì đáng tin được.

Dưới thời Châu Tần, học giả được gọi là " Tử " đó là việc phổ thông của thời ấy, tại sao lại giải thích chữ " Tử " thành ra là " nhiều " " chăm " hay là " siêng năng " ?

3. Ngụy Nguyên có viết : Trang Tử nói Lão Tử ở đất Bái, Bái là đất của Tống, mà nước Tống có dòng họ Lão, như thế Lão Tử là người đất Bái mà họ " Tử " chăng ? Rồi chữ " Tử " lại chuyển thành chữ Lý vì âm vận và hình trạng chữ giống nhau chăng ?

Thuyết nầy cũng còn có thể nghe được, nhưng nếu vốn là họ Lý thì tại sao không thấy viết là Lý Tử ?

4. Có thuyết cho rằng ông trường thọ, cho nên mới gọi là Lão Tử. Đời trước cho rằng Lão Tử sống lâu, chớ không phải vì tu tiên, dưỡng thọ mà đặc biệt sống lâu đến 160 hay 200 tuổi.

Lão Tử là người ẩn sĩ, ông thích ở ẩn, vô danh, không muốn chường mặt với đời, cho nên không ai biết tánh danh ông là gì, chỉ thấy ông tuổi già, có học thức, nên mới gọi là Lão Tử].

Dưới thời Châu Tần, học giả được gọi là " Tử " bắt đầu từ Khổng Tử. Khổng Tử thường làm quan Tư Khấu nước Lỗ, cho nên đệ tử mới gọi là " Tử ", sau đó được quan dùng để tôn xưng với thầy, cho nên ngày nay chữ Tử được xem như là tiên sinh...là thầy...Thế thì Lão Tử cũng như " Lão tiên sinh ", đó không phải là một tên riêng.

Ông là người Khúc nhơn Lý, làng Lệ, huyện Khổ nước Sở.

[Khổ huyện trước kia thuộc nước Tống, dưới thời Xuân Thu, Sở diệt Trần, Khổ huyện lại thuộc Sở, cho nên mới gọi Sở, Khổ huyện.

Sách chánh nghĩa viết : " Lệ (lệ hương) đọc là Lại, sách Tấn Thái Khương địa lý có viết : Thành Đông Khổ huyện có Lại hương Từ, là chỗ Lão Tử sanh ra.

Cố thành Khổ huyện ngày nay thuộc tỉnh Hà nam, huyện Lộc ấp, cách phía Đông 10 dặm.

Sách Thúy kinh chú dẫn lời của Vương Phụ đời Đông Hán chép theo Lão Tử thánh mẫu bia cho rằng Lão Tử sanh ở vùng Khúc Oa. Theo Lão tử Minh, thì Lão Tử là người đất Tương, còn theo sách Trang Tử thì chép Lão Tử là người đất Tương của nước Trần...Theo Diêu Đỉnh thì có lần Dương Châu đã đến đất Bái để gặp Lão Tử, vì thế có thuyết cho rằng Lão Tử là người đất Bái thuộc nước Tống.

Theo Bá Tiềm, trong sách Thủy kinh chú có viết : " Phía Đông Nam đến đất Bái có sông Oa thủy. Oa thủy lại chảy về phía đông qua phía nam thành Khổ huyện, tức là đất Tương dưới thời Xuân Thu.

Dưới thời Vương Mãng đất ấy lại đổi tên thành Lại Lăng, con sông lại chảy về phía đông qua phía nam thành Lại Hương, rồi lại chảy về phía bắc, qua phía đông miếu Lão Tử, qua phía nam thành của Tương huyện.

Tương huyện bị hoang phế, bấy giờ thuộc Khổ huyện, Lão Tử sanh ở chỗ ngoặc của sông Oa [Khúc Oa]. Chữ Lệ và chữ Lại, âm giống nhau, Lệ hương tức Lại hương, như vậy thì Khúc nhơn Lý, có phải ngay tại chỗ quanh của sông Oa chăng ? [Khúc Oa].

Sách Hậu Hán thơ, phần Quận quốc chí có chép " Huyện Khổ, dưới thời Xuân Thu gọi là Tương ".

Tương cũng thuộc về nước Trần rồi sau thuộc về Sở, thành cũ của Tương huyện nay ở phía Đông cách 15 dặm của Lộc ấp huyện. Như thế thì 3 địa điểm Khổ, Tương, Bái, cách nhau không bao xa vậy].

Ông họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá Dương, được tên thụy là Đam.

[Trong Sách Ẩn có viết : Cát Huyền nói : " Lý mẫu sanh ông, nhơn đó lấy theo họ mẹ "...Sanh ra mà chỉ cây Lý, nhơn đó lấy làm họ luôn.

Hứa Thận viết : Đam là lỗ tai dài...cho nên tên là Nhĩ mà tự là Đam...gọi là Bá Dương là không đúng.

Diêu Đinh, trong Lão Tử chương nghĩa đã viết : Bái là đất nước Tống, như thế thì Lão Tử là người Tống và Tử có phải là họ không ?

Chữ Tử và chữ Lý âm cũng gần nhau...đó là một thuyết nói về Lão Tử họ Lý...so với thuyết trên nói ông theo họ mẹ, hay là " chỉ cây Lý " thì có phần hữu lý hơn.

Theo sách Ẩn, trong nguyên văn pho Sử ký, không thấy có 4 chữ " Bá Dương, thụy là... " mà chỉ viết có tên Nhĩ, tự Đam mà thôi.

Lương ngọc Thằng trong sách Sử ký chí nghi có viết : " Cổ thơ thời Tiên Tần, không thấy gọi Lão Tử là Bá Dương. Vương niệm Tôn trong Đọc thơ tạp chí cũng viết : Lão Tử tên Nhĩ, tự là Đam... ". Nhưng trong thiên Chư Tử của sách Văn Tâm Điêu Long có viết : " Bá Dương coi về việc Lễ, mà Trọng Ni đến hỏi, để đạo đức có thứ lớp dạy dỗ trăm dân...như thế thì dưới thời nhà Lương, có ai đã thêm vào pho Sử ký 4 chữ : " Bá Dương...thụy là... " đã kể trên].

Dưới thời nhà Châu, làm quan giữ kho sách.

[Trong thiên Thiên vấn, sách Trang Tử viết " Trưng tàng sử " chữ trưng có nghĩa là gom góp...Thời xưa, sách vở chỉ được chứa ở nhà vua quan, có quan lo riêng về việc đó.

Sách Trương thang truyện có viết : " Lão Tử làm trụ hạ sử " là vì lúc hội triều, ngôi vị là ở dưới trụ, cầm thẻ, ghi việc...cũng như ngày nay, người làm thơ ký ghi chép những lời bàn bạc trong hội nghị vậy].

Khổng Tử qua nhà Châu, đến vấn Lễ với Lão Tử. Lão Tử nói : " Các người mà ông nói đó, người và xương đều mục hết cả rồi, duy lời nói của người ấy thì còn tại đây.

Người quân tử đắc thời thì đi xe, chẳng đặng thời thì đầu rối mỏi mệt mà đi bộ, tôi có nghe, người buôn bán giỏi, chứa hàng hóa kỹ, mà xem như trống rỗng, người quân tử chứa đầy đức mà dung mạo như ngu.

Hãy bỏ cái ngạo khí và cái nhiều lòng dục của ông, bỏ luôn cái sắc làm cao và cái chí, cái dâm, vì những cái ấy đều không có ích gì đối với thân ông.

Tôi nói với ông, chỉ có bấy nhiêu mà thôi ! "

Khổng Tử ra về, bảo với đệ tử :

" Con chim...ta biết nó bay như thế nào, con cá, ta biết nó lội như thế nào, con thú, ta biết nó chạy như thế nào, nó chạy ta có thể làm lưới, nó lội, ta có thể dùng câu, nó bay ta có thể dùng tên, còn như rồng, ta không thể biết được nó cỡi mây bay mù lên trời, hôm nay ta ra mắt Lão Tử, ông ấy cũng như rồng vậy ".

[Chuyện Khổng Tử hỏi Lễ với Lão Tử, cũng thấy trong phần Khổng Tử thế gia trong Sử ký.

Thiên " Tăng Tử vấn " trong Lễ ký, ghi ngôn, hạnh của Lão Tử có 4, tất cả đều có liên quan đến Lễ...như thế thì việc Khổng Tử đến hỏi Lễ với Lão Tử là đáng tin được.

Thiên Tăng Tử chế ngôn trong sách Đại đái có viết : " Người đi buôn giỏi chứa kín mà như không có gì...Người quân tử có nền giáo dục cao mà như không ".

Thiên Ngoại vật trong sách Trang Tử có chép : Lão lai tử nói với Khổng Tử : Khâu ơi ! Thân hình ngươi kiêu và cái dung nhan ngươi ra dáng người trí...như thế là quân tử sao ?

Câu nầy với đoạn ghi lời nói của Lão Tử đại đồng tiểu dị...Những lời ghi trong sách Trang Tử, cũng thấy trong thiên Kháng chí sách Khổng tòng tử, nhưng lại cho Khổng Tử là Tử Tư.

Tử Tư đâu có thể là Khổng Tử được, biết đâu Lão lai tử nói với Tử Tư mà người ta lại lầm lẫn là Lão tử nói với Khổng Tử chăng ?

Trong thiên Thiên Vận lại có viết : " Khổng Tử ra mắt Lão Đam, ra về, 3 ngày không trò chuyện gì cả.

Đệ tử thưa :

-Phu Tử ra mắt Lão Tử...có nhìn thấy được gì chăng ?

Khổng Tử đáp :

- Bây giờ ta mới thấy rồng, rồng hợp mà thành " thể ", tan mà thành " chương ", cỡi lên khí mây mà dưỡng bởi âm dương...ta mở miệng mà không thể ngậm lại được...ta có tìm thấy được gì ở Lão Tử đâu ?

Sách Lão Tử truyện, được tán duơng là như rồng, là do theo ý Trang Tử].

Lão Tử trau dồi dạo đức, cái học của ông chuyên về tự ẩn, không danh.

Ông ở nhà Châu lâu, thấy nhà Châu suy, liền ra đi, đến cửa ải, quan lịnh doãn là Hỉ nói :

- Thầy sắp đi ẩn chăng ? Vậy hãy cố gắng vì tôi mà viết sách.

Vì thế Lão Tử liền viết sách, gồm 2 thiên thượng, hạ, nói cái ý đạo đức hơn 5000 chữ, rồi đi.

Sau đó, không ai biết ông như thế nào.

[Sách Sách Ẩn và Chánh Nghĩa, chữ " quan, cửa ải " đây là Hàm cốc quan hay là Tán quan, chưa có tài liệu nào chắc chắn để xác định được.

Tán quan thì ở vùng Trần thương đất Kỳ Châu, không phải là con đường từ nhà Châu vào đất Tần, còn Hàm cốc quan thì ở vùng Đào lâm đất Thiểm Châu, đó là con đường từ nhà Châu vào đất Tần, như thế thì chắc chắn phải là Hàm cốc quan.

Cửa Hàm cốc quan không biết được đặt vào năm nào, nhưng vào thời Khổng Tử, đất Nhị hao còn thuộc nước Tần, nếu Lão Tử đồng thời với Khổng Tử, như vậy thì lúc đó chưa có Hàm cốc quan.

Quan doãn là chức quan giữ cửa ải, lịnh doãn là một chức quan của Sở, nhưng ở đó không phải là đất Sở, như thế thì chữ " lịnh " ở đây sai.

Theo hơi văn ở đây thì quan doãn nhìn thấy Lão Tử đến nên mừng, nhưng người đời sau lại nói quan doãn tên Hỉ, rồi lại có quyển sách để tên quan doãn Hỉ viết, lại càng sai hơn...

Nói về đạo đức đến hơn 5000 chữ, tức là quyển Lão Tử còn cho đến ngày nay.

Quyển sách ấy có phải tự tay Lão Tử viết ra không ? Điều đó còn phải suy xét cho thật kỹ.

Mặc dù lúc đó đã có phong trào tư nhơn viết sách, nhưng dùng dao khắc, bôi sơn vào tre, trong lúc trên đường đi, chỉ trong một thời gian ngắn để thành một pho sách đến 5000 chữ thật là một điều khó tin...hơn nữa, thể tài của quyển sách, so với các quyển của Chư Tử đương thời thì không giống nhau.

Giọng văn của sách ấy y như những câu cách ngôn được gom góp quyết không phải do một người, trong một thời gian nào đó đã sáng tác ra. [Xem thêm phần dưới quyển sách nầy, đoạn tìm hiểu về tác phẩm của Lão Tử].

Lão Tử đã cố ý tự ẩn, vô danh, hơn nữa, sắp đi lánh đời, tại sao lại giữa đường còn hấp tấp cố gắng để viết cho quan doãn một quyển sách ? Tóm lại, về phương diện tình lý, không có chỗ nào đáng tin cả...Câu nói : " Không một ai biết sau đó ông như thế nào " đã chỉ rõ ý lánh đời của ông...và cũng vì thế mà phương sĩ đời sau mới có truyền thuyết " Lão Tử đi qua phía Tây đến Lưu sa hà [sa mạc] rồi hóa ra người Hồ... " như thế lại lầm thêm là Lão Tử đã qua Ngọc môn quan.

Thiên Dưỡng sanh chủ trong sách Trang Tử chép Lão Đam chết, Tần Thất đi điếu, v.v...

Sách Trang Tử, phần nhiều là ngụ ngôn, nhưng lại không ghi " sau đó không biết ông ấy như thế nào " như thế đã thấy rõ chuyện Lão Tử qua Lưu sa hà là không có thật.

Đến như các việc trong sách Sách Ẩn, Liệt dị truyện, Liệt tiên truyện ghi rằng " Tử khí từ phương Đông đến ", " Cỡi trâu xanh qua cửa ải " đều là những chuyện hoang đường do các phương sĩ đời sau ngụy tạo ra mà thôi.]

Hoặc có người nói : Lão lai tử cũng ngưòi nước Sở, viết sách 15 thiên...nói cái dụng ý của Đạo gia, cùng đồng thời với Khổng Tử...

[Chữ " hoặc " ở đây có ý muốn nói Lão lai tử là Lão Tử, trong sách Hán chí, phần Đạo gia, chép : có sách Lão lai tử 16 thiên, có thuyết nói : đồng thời với Khổng Tử.

Nhưng theo Khổng Tòng Tử thì đồng thời với Lão lai tử là Tử Tư phần trước đã có trình bày.

Trong bài tựa của Đạo đức kinh, Tất Ngươn có viết : trong Tả truyện có " Lai câu ", Lai là họ, để chữ Lão lên trên là vì có tuổi thọ, cũng như sư phụ của Liệt Tử là Lão Thương thị vậy.

Trong Hán chí, tuy ghi số thiên trong sách ấy, có nhiều hơn một thiên, nhưng cũng là quyển sách ấy.

Phần đầu của phần khảo cứu về truyện Lão Tử có viết : "  Lão Tử là người ở Khúc nhơn Lý, Lệ hương, huyện Khổ, nước Sở " cho nên ở đoạn nầy có viết : " cũng người nước Sở ".

Sách Lão Tử khảo dị, nghi tài liệu nầy cho rằng Lão Tử là người nước Sở, là vì lầm lẫn với Lão lai tử, nhận xét như thế, có phần đúng, vì theo truyền thuyết, người ta thường lầm lẫn Lão lai tử và Lão Tử, cho là một người, cho nên Sử ông mới ghi đoạn nầy có chữ " hoặc " ở trên.]

Lão Tử mà thọ đến hơn 160 tuổi, hoặc có người nới đến hơn 200 tuổi, là vì ông ta dưỡng mà được thọ đến mức ấy.

[Đoạn nầy trong sách Sử ky sắp lầm, nên dời vào đoạn văn sau mới đúng].

Từ sau khi Khổng Tử mất 129 năm, mà sử nhà Châu, Thái sử Chiêm ra mắt Tần Hiếu Công nói :

- Ban đầu nước Tần hợp với nhà Châu rồi chia ra 500 năm rồi sau lại hợp, hợp 70 năm mà Bá vương xuất hiện.

Hoặc có kẻ nói :

- Chiêm tức là Lão Tử

Cũng có kẻ nói :

- Không phải.

Là vì Lão Tử thọ hơn 160 tuổi, hay có kẻ nói hơn 200 tuổi [là vì trau dồi đạo mà duỡng được thọ].

[Đoạn nầy lại ghi thêm một thuyết khác, nói rằng Thái sử Chiêm của nhà Châu, vào nước Tần gặp Hiếu Công, tức là Lão Tử.

Trong thiên Bất nhị của Lã thị Xuân Thu, ghi chung Lão Đam, với Khổng Tử, Mặc Địch, Quan doãn và Lão Đam là Lão Tử.

Sách Thuyết văn chép : " Đam tức là tai dài, thòng xuống " lại chép : " Chiêm, cũng là tai thòng, ở phương Nam là nước Chiêm nhĩ ". Như thế thì nghĩa các chữ Đam và Chiêm giống nhau.

Lý Nhĩ tức Đam, thường làm chức Thủ tàng sử nhà Châu, chữ Chiêm và chữ Đam lại giống nhau, mà Chiêm cũng từng làm Thái sử nhà Châu, cho nên có thể lẫn lộn là một người.

Chiêm vào nước Tần ra mắt Hiếu Công theo Tần Bản Kỷ thì vào năm thứ 11 đời Hiếu Công, mà Hàm cốc quan được dựng lên trước năm ấy tức là năm 10 đời Hiếu Công, như thế người đi về phía Tây, qua cửa ải là Thái Sử Chiêm nhà Châu, chớ không phải Thủ tàng sử nhà Châu là Lý Nhĩ...Bằng chứng như thế là khá chính xác.

Theo Bá Tiềm, việc Thái Sử Chiêm đến Tần Hiếu Công thấy có chép trong Châu Bản Kỷ và Tần Bản Kỷ. Châu Bản Kỷ chép " Hợp 17 năm " chép " 70 năm " là sai lầm vì đảo ngược chữ trong Tần Bản Kỷ lại chép " Hợp 77 năm " như thế là dư một chữ " Thất " [7].

Chuyện nầy, Bản Kỷ chép xảy ra vào năm Liệt Vương thứ hai, còn Tần Bản Kỷ thì vào năm Hiếu Công thứ 11, lúc đó sau ngày Khổng Tử mất đến 53 năm, mà ghi là " Khổng Tử mất, cho đến nay là 129 năm " thì là sai].

Lão Tử là một ẩn quân tử, con Lão Tử tên là Tôn, Tôn làm tướng nước Ngụy, được phong đất Đoạn can.

Con Tôn là Chú, con Chú là Cung, huyền tôn của Cung là Giả, Giả làm quan dưới thời Hán Văn đế.

Con của Giả là Giải làm thái phó cho Giao tây Vương là Cung, vì thế cất nhà luôn ở đất Tề.

[Lão Tử là một " ẩn quân tử " nhưng lại chép tên con cháu của ông rất rõ ràng, Lão Tử chỉ thích lánh đời, không chường mặt, lại ra cửa ải, đi về phía Tây và mất tích luôn.

Truyền thuyết ấy dễ làm cho các phương sĩ dễ thêu dệt thành những chuyện hoang đường.

Dưới thời Võ đế, ông nầy rất thích bọn phương sĩ, và các chuyện về thần tiên, thế nên Sử công cố ý chép đoạn nầy rõ ràng để chứng minh Lão Tử là một người thường như mọi người khác, mà không phải là một thần tiên gì cả.

Dụng ý của Sử công thật là sâu sắc].

Người đời, hễ học Lão Tử, thì chê Nho học, học Nho thì lại chê Lão Tử [Đạo không đồng, thì không bàn luận với nhau] như thế là phải chăng ?

[Lý Nhĩ vô vi, tự hoá và thanh tịnh để tự chánh].

[Đoạn nầy nói về việc Nho và Đạo gia vì đạo bất đồng mà chê lẫn nhau để kết luận. Còn " Đạo không đồng, thì không bàn luận với nhau ", đó là dùng câu của Khổng Tử [trong thiên Vệ linh Công sách Luận Ngữ].

Câu cuối cùng, cùng với đoạn văn trên không nối tiếp ý nhau, và cũng không phải là câu dùng để kết luận, nghi là người đời sau đọc sách Sử ký ngẫu nhiên ghi thêm vào, làm cho người sau lầm lẫn đó là chánh văn. Nên bỏ cho hợp lý].

*

Lão Tử truyện trong sách Sử ký đến đây là chấm dứt, trong truyện có chép tên 3 người :

1. Thủ tàng thất sử nhà Châu là Lý Nhĩ, Khổng Tử có đến hỏi về việc Lễ.
2. Ẩn sĩ người nước Sở là Lão lai Tử.
3. Châu Thái sử Chiêm vào nhà Tần ra mắt Hiếu Công...
Ba người ấy đều khác nhau, nhưng truyền thuyết lại lầm mà hợp lại làm một, nhưng xét lại kỹ các đoạn văn dẫn chứng trên, thì tất cả 3 người ấy đều không phải là Lão Tử của phái Đạo gia, vì Lão Tử là một tên chung, nhưng không phải là một danh từ riêng, chỉ dùng để gọi những học giả lớn tuổi, cũng như ngày nay chúng ta gọi là " Lão tiên sinh " vậy, vì thế cho nên chúng ta cũng có thể dùng tên Lão Tử để gọi Lý Nhĩ, Lão lai Tử và Thái sử Chiêm.

Người đời sau không tìm hiểu cho chính xác nên lầm lẫn, hợp ba người ấy làm một, làm cho lộn xộn thêm, càng khó phân biệt.

Về Trang Tử, trong thiên Thiên hạ, người gọi là Lão Đam là một " bác đại chơn nhơn " của thời xưa, do nhóm Đạo gia truyền thuyết suy tôn..., đó là một nhân vật lý tưởng được đặt để ra mà thôi, thuyết trên đây, trong các sách Thù tứ khảo tín lục và Trung Quốc Triết học sử của Phùng hữu Lan đều có đề cập đến.

Như thế thì quyển Lão Tử còn đến ngày nay, đó là một quyển sách góp những thành ngữ và cách ngôn được truyền tụng của phái Đạo gia dưới thời Chiến quốc [xem thêm phần lược khảo tác phẩm của ở đoạn sau] mà chẳng phải là một tác phẩm của Lão Tử viết ra khi qua Hàm cốc quan.

Trong quy?n Lão Tử có những lời trái ngược hẳn với đạo Nho, nếu đó là tác phẫm của Lão Tử người đồng thời với Khổng Tử, tất nhiên thế nào cũng bị Mạnh Tử sau nầy đã kích dữ dội, nhưng trong quyển Mạnh Tử ta không hề thấy điều đó.

Tóm lại, quyển Lão Tử, không phải chính do Lão Tử viết ra, mà đó là một tác phẩm gom góp của một số học giả cao niên viết ra, và Đạo gia lấy đó làm tôn chỉ của mình.

Lão Đam là một nhân vật truyền thuyết, do tưởng tưọng mà có, như thế mà cho Lão Tử là người khai tổ cho Chư Tử là một điều hết sức không hợp lý.


[ Trang trước ]  /  [ Trang sau  ]