Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang Chủ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932
*
NHỮNG VỤ ÁN VĂN HỌC THẾ HỆ 1932

Thanh Lãng

A - Đặc tính chung thế hệ 1932 
 B - Sinh hoạt Phê bình văn học thế hệ 1932
C - Những Vụ Án Văn Học Thế Hệ 1932   :
  1 - Vụ Án Báo Chí   /  2 - Vụ Án Cũ và Mới  /   3 - Vụ Án Phan Khôi - Trần Trọng Kim 
4 - Vụ Án Tản Ðà - Phan Khôi    /   5 - Vụ Án Quốc Học 
6 - Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới
D - Mặt trận bênh thơ mới (1)    /  Mặt trận bênh thơ mới (2)  /  Mặt trận bênh thơ mới (3) 
E - Phản ứng làng thơ cũ / F - Sự trưởng thành của thi ca Việt Nam

6 - Vụ Án Thơ Cũ Thơ Mới
Phạm Quỳnh chê thơ Đông Phương
Chẳng phải đột ngột, bất thần mà có cuộc cách mạng về thơ. Cuộc cách mạng ấy, thực ra, đã âm ỉ chuẩn bị từ lâu. Năm 1917, trên Nam Phong tạp chí, số 5, nơi bài " Bàn về thơ nôm ", Phạm Quỳnh nhân đọc cuốn Cổ xúy nguyên âm của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến đã tỏ thái độ về thơ cũ mà ông coi luật lệ thực không có khác luật hình : " Người nào thuộc luật thì bằng trắc tất không lộn, vẫn tất áp, luật tất niêm, điệu tất xứng, đối tất chỉnh, sánh những khóe thôi xao, giỏi những cảnh xuất sáo mà gây nên những bức thanh âm tuyệt điệu ; người nào không thuộc luật thì phạm phải những tội ghê gớm, đọc đến mà rùng mình : nào là tội thất luật, tội thất niêm, tội khổ độc, tội cưỡng áp, tội trùng ý, trùng chữ, điệp điệu ". (Bàn về thơ nôm, Nam Phong số 5, Nov, 1917). Sau khi đã nêu lên những lề luật chật hẹp như vậy, Phạm Quỳnh chê tâm lý của cái thứ thơ ấy là thứ tâm lý đã bị sửa chữa thành ra giả tạo : " Người ta thường nói thơ là cái tiếng kêu tự nhiên của con tâm. Người Tàu định luật nghiêm cho người làm thơ thực là muốn chữa lại, sửa lại cái tiếng kêu ấy cho nó hay hơn, trúng vần, trúng điệu hơn, nhưng cũng nhân đó mà làm mất cái giọng thiên nhiên đi vậy (Bàn về thơ nôm, Nam Phong số 5).

Sau đó, Phạm Quỳnh giới thiệu hai bài thơ, bài " Qua đèo ngang " của bà Huyện Thanh Quan, và bài " Soir en montagne " của Léonce Depont và trình bày cho độc giả nhận thấy thơ Tây tình tứ, dồi dào, siêu việt bao nhiêu, thì thơ ta giả tạo, tiểu xảo, gò bó bấy nhiêu. Và ngay từ hồi này Phạm Quỳnh hình như cũng mong có một sự đổi mới bằng sự bắt chước Pháp trong khi ông viết :

" Bọn ta ngày nay thực là đứng giữa nơi giao giới của hai cái tinh thần ấy, hai cái gặp nhau ở ta, nếu ta khéo ra thì có thể điều hoà được cái hay của hai đằng mà không mắc phải những khuyết điểm. Ta cứ nên giữ lấy cái lối tranh cảnh của ta nhưng ta nên rộng cái khuôn nó ra một tí mà bắt chước lấy cái vẻ thiên thú của người " (Bàn về văn nôm, Nam Phong số 5).

Phan Khôi chê thơ cũ trên Đông Pháp
Nếu năm 1917 đối với thi ca cũ, Phạm Quỳnh mới chỉ dám trách nó là quá ư nghiêm nhặt nhưng vẫn nhận nó là tuyệt xảo thì năm 1928 trên Đông Pháp thời báo, Phan Khôi đã dám táo bạo chê luật lệ thơ cũ của ta là trói buộc, tù hãm đã vậy mà lại còn thô tục nữa : " Song từ ngày đem thất ngôn luật vào khoa cử rồi thì thể ấy trở nên bó buộc quá mà mất cả sanh thú...Ấy chỉ là luật riêng dạy về lối làm thi trong việc khoa cử mà thôi, nào có phải cái phép tắc chánh truyền của nghề thi như vậy ? nhưng mà ngày nay người ta cũng tuân theo, không biết cởi mình ra khỏi trói. Thấy có một vài cuốn sách quốc ngữ tự xưng dạy phép làm thi mà cũng dạy theo lối thi khoa cử ấy, thì thật là tục quá. Thi quí cho nhã ; mà đã tục thì còn dạy ai ?" (Chương dân thi thoại, tr 46).
Nguyễn Văn Vĩnh và bài thơ Con Ve sầu và Con Kiến
Cũng năm 1928 này, lần đầu tiên ta thấy xuất hiện trên Trung Bắc Tân văn, bài thơ đầu tiên không niêm, không luật, không hạn chữ, hạn câu : bài thơ dịch của Nguyễn văn Vĩnh La Cigale et la Fourmi :
Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối.
Trịnh Đình Rư công kích thơ Đường
Năm 1929, Trịnh Đình Rư viết một loạt bài về vấn đề thi ca trong mục " Văn thơ với nữ giới " đăng trên Phụ Nữ Tân Văn mà ta có thể kể ra làm thí dụ tiêu biểu các số sau đây : số 18 (25-8-1929), số 19 (5-9-1929), số 26 (24-10-1929), số 29 (21-11-1929), số 31 (5-12-1929), số 33 (19-12-1929), số 62 (20-2-1930).

Trước hết ông trình bày cho ta thấy thi ca của ta từ xưa cho đến nay không phải dừng bến bỏ neo ở mãi một chỗ mà vẫn biến hoá từ đời này qua đời khác, từ chỗ nô lệ hoàn toàn đi đến chỗ vay mượn chế biến cho tới hình thức sáng tạo độc lập đặc thù.

Thực vậy, nơi số 13 ngày 25 Juillet 1929 Trịnh Đình Rư viết : " Văn chương theo từng thời vận mà biến đổi. Từ triều Lê trở về trước nhân dân ăn ở dưới quyền quân chủ, dân trí hãy còn thuần ngạc cho nên thơ văn về những thời kỳ ấy toàn là những giọng chất phác cả...Từ cuối đời Lê cho tới triều Nguyễn gần đây dân trí hơi mở mang dần, văn chương có điều lịch sự hơn trước, song cái tư tưởng về xã hội chưa có cho nên các nhà làm văn phần nhiều là chỉ tả cái chí khí, cái tâm sự cùng cái hứng thú của mình...

" Cách mười năm về trước đây, sự học nước ta đã thay cũ đổi mới, các nhà học giả đua nhau chuộng về văn quốc âm, song buổi đó là buổi quốc văn mới phôi phai, lại chưa chịu đủ cái sức trào lưu ở ngoài thúc giục, cho nên những tập văn thơ xuất bản về hồi ấy, toàn thấy những bài phi tình thì sầu, phi sầu thì phiếm, ngày nay thức giả cho là vô vị mà hồi đó ai cũng ưa chuộng ngâm nga ?

" Văn chương là hồn nước. Hồn nước tỉnh dần thì văn cũng phải đổi mới...

" Ta thử xem ngay ông Nguyễn Khắc Hiếu. Năm xưa xuất bản những tập " Khối tình con " " Còn chơi " kể có biết bao nhiêu là văn thơ gọt nặn tỉ mỉ.

" Thế mà đến hồi năm kia ra chủ trương tạp chí An Nam cho đến sau vào viết bài ở Đông Pháp thời báo, thì thơ văn của ông thấy đã đổi hẳn ra giọng khảng khái và hùng hồn không ? " (Phụ Nữ Tân Văn số 13).

Trịnh Đình Rư cũng tố cáo sự chuyển hướng mãnh liệt nơi chính bản thân ông : " Kẻ viết bài này nhân cũng xin thú thực rằng : hồi năm 1919 đã có xuất bản một tập văn thơ nhưng sau tự xét thấy thiệt là vô vị nên sau đó những thơ văn làm ra có thể tiếp tục in thêm được vô số tập nữa, lại tự xét cũng không thấy ích gì cho xã hội, vậy đã quả quyết mà đem các bản thảo phó cho thần lửa thu hết. " (Phụ Nữ Tân Văn số 13).

Sang đến số 19 (5-9-1929), nơi bài " Vì đâu mà chuộng thơ sầu cảm ? ", Trịnh Đình Rư nhìn nhận rằng hầu hết thi ca của ta lúc bấy giờ đều là thứ thơ sầu cảm rỗng tuếch, vô vị chứ đâu có được thứ sầu cảm to tát, sâu xa.

Sự sầu cảm vô vị và rỗng tuếch của thi ca Việt Nam, theo Trịnh Đình Rư, có lẽ vì nó bị gò bó bởi luật thơ Đường quá ư chật hẹp.

Có lẽ chính bởi vậy mà bài khảo luận sau đó, đăng Phụ Nữ Tân Văn số 26, 24-10-1929, Trịnh Đình Rư đã kịch liệt chống đối bài bác thơ Đường.

Trong bài này, Trịnh Đình Rư đả kích thơ Đường luật khá gắt gao : " Cái nghề thơ Đường luật khó đến như thế, khó cho đến đỗi kẻ muốn làm thơ, mỗi khi có nhiều tư tưởng mới lạ muốn phát ra lời, song vì khó tìm chữ đối, khó chọn vần gieo, nên ý tưởng dầu hay cũng đành bỏ bớt. Cái phạm vi của thơ Đường luật thật là hẹp hòi, cái qui củ của thơ Đường luật thật là tẩn mẩn. Ta nếu còn ưa chuộng mà theo lối thơ này mãi, thì nghề thơ văn của ta chắc không có bao giờ mong phát đạt được vậy.

" Chánh những nhà văn sĩ, nữ sĩ ở Trung Hoa gần đây, họ cũng ít chuộng thơ Đường luật này nữa, vì họ cho là một lối thơ bó buộc, làm cho người ta khó tả được hết cái cảm hứng. Cho nên họ có làm thơ, thì hoặc dùng lối " trường thiên " không có hạn vần, hạn câu, hoặc dùng các lối từ khúc không cần phải đối ghép tỉ mỉ. Ấy là lối thơ của họ mà ngày nay họ cũng đã tự cải cách rồi đó. Ta còn cứ thần phục lối thơ Đường, nô lệ thơ Đường mãi sao ? ".

Trịnh Đình Rư, tuy đả kích thơ Đường mạnh mẽ là thế, nhưng chưa có đề nghị một lối thơ mới nào cả mà chỉ mới dám đề nghị lấy thơ " lục bát ", " song thất lục bát " thay thế mà thôi :

" Ngày nay ta nên biết rằng, hai lối thơ đó mới thiệt là thơ nước nhà, nó không có bó buộc người ta hạn câu, phải nặn chữ như là lối thơ Đường luật. Nề nếp của nhà, văn chương của nhà, tiếng nói của nhà, mà ta theo đòi luyện tập thì còn gì dễ hơn và hay hơn ? " (Trịnh Đình Rư, " Có nên chuộng thơ Đường luật hay không ? " Phụ Nữ Tân Văn số 26, 26-10-1929).

Ngoài ra Trịnh Đình Rư còn viết thêm ba bài ca ngợi những thể thơ hoàn toàn Việt Nam. Số 29 (21-11-1929 cực tán lối thơ lục bát : " Viết một bài thơ lục bát, chữ đã không cần phải đối, vần lại không phải đeo nhiều, vui bút kéo đến trăm câu, muốn gọn viết một bài vắn, cái thú hạ bút tự do toàn ở tác giả cả. Vả lại thơ lục bát còn có một cái thú nữa, là một bài thơ nếu có lời lẽ khá, có ý tưởng hay, thì người đọc dễ biết và dễ cảm ".

Đến số 31 (5-12-1929) ông ca ngợi thơ song thất lục bát. Theo Trịnh Đình Rư, song thất lục bát chẳng những hay hơn thơ Đường mà còn hay hơn cả lục bát vì nó tự do, nó uyển chuyển hơn.

Sang số 33 (19-12-1929) ông đề cập đến một lối Ca mới mà ông cho là cũng thuần tuý Việt Nam và rất tự do : " Nay tôi lại xin nói đến một lối ca mới này, là một lối ca do điệu thơ lục bát mà thêm đặt ra thành từng câu. Lối ca này hiện ở ngoài Bắc đang thạnh hành lắm, thường đi chơi khắp kẻ chợ nhà quê, đến đâu cũng nghe có người hát điệu ca này ; giọng hát thì nhiều ngưòi cho là giọng " sa mạc " còn điệu văn thì nhiều người cho là điệu ca " anh khoá " !

" Bởi sao gọi là điệu ca " anh khoá " bởi vì họ cho rằng khởi đầu từ bài " Tiển chưn anh khoá " của ông Trần Tuấn Khải đặt in ở quyển " Duyên nợ phù sanh " xuất bản năm xưa " (Phụ Nữ Tân Văn số 33).

Cuối cùng đến số 42 (20-2-1930), nơi bài " Văn thơ nên trọng về ý tưởng ", Trịnh Đình Rư lại đả kích thơ cũ vì gò bó về niêm luật mà ý tưởng phải bị hy sinh :" Cái nghề thơ Đường luật khó đến như thế, khó cho đến đỗi kẻ muốn làm thơ, mỗi khi có nhiều tư tưởng mới lạ muốn phát ra lời, song vì khó tìm chữ đối, khó chọn vần gieo, nên ý tưởng dầu hay cũng đành bỏ bớt. Cái phạm vi của thơ Đường luật thật là hẹp hòi, cái qui củ của thơ Đường luật thật là tẩn mẩn. Ta nếu còn ưa chuộng mà theo lối thơ này mãi, thì nghề thơ văn của ta chắc không có bao giờ mong phát đạt được vậy ". (Phụ Nữ Tân Văn số 42).

Cái ý tưởng này, Trịnh Đình Rư nhắc đi nhắc lại luôn qua tất cả năm sáu bài ta đã kể trên đây.

Phan Khôi kịch liệt đả kích thơ cũ và đề nghị cải cách : làm bài thơ Tình Già
Nhưng phải đợi mãi đến ngày 18 tháng 3 năm 1932, Phụ Nữ Tân Văn, số 122, mới cho nổ trái bom nguyên tử vào thành trì thơ cũ làm cho nó hầu bị sụp đổ tan tành. Phan Khôi là người chỉ huy cuộc tấn công này. Thật vậy, trên Phụ Nữ Tân Văn số 122, ra ngày 18 tháng 3 năm 1932, Phan Khôi đã viết bài " Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ ". Trong bài này, trước khi " trình chánh " một lối thơ mới của ông, Phan Khôi đã chĩa súng bắn tới tấp vào thành trì thơ cũ. Từ xưa ông vẫn làm thơ, mà rồi bẵng đi ông chẳng sáng tác được bài thơ nào nữa. Ông gặp ông Phạm Quỳnh, ông này khuyên ông nên làm thơ như cũ vì Phạm Quỳnh cho rằng đấy là nghề của Phan Khôi. Học giả họ Phan suy nghĩ và lấy lời ông Phạm Quỳnh làm phải và đã cố gắng làm theo ông Phạm Quỳnh nhưng chẳng đi đến kết quả nào cả. Phan Khôi đã bộc lộ tâm sự buồn chán, bất lực của ông mặc dầu trước đấy trong làng thơ ông cũng là tay đáo để, đã không làm thơ thì thôi chứ đã làm là phải hay cả. Ông viết : " Ông Phạm bảo tôi nên lấy lại thái độ ngâm thơ hồi trước. Trong đó tỏ ra rằng bấy lâu tôi đã bỏ mất hay là đã đổi cái thái độ ấy đi, nghĩa là bấy lâu nay tôi không ngâm thơ. Và quả thế, gần mười năm nay, tôi không có bài thơ nào hết, thơ bằng chữ gì cũng không có.

" Trước kia dầu tôi không có tên tuổi trong làng thơ như ông Nguyễn Khắc Hiếu, ông Trần Tuấn Khải, song ít ra trong một năm tôi cũng có được năm bảy bài, hoặc bằng chữ hán, hoặc bằng chữ nôm. Mà năm bảy bài của tôi, không phải nói phách, đều là năm bảy bài nghe được. Vậy mà gần mười năm nay mót lắm chỉ được một vài bài mà thôi, thì kể như là không có ".

Mà Phan Khôi bảo ông không làm chẳng phải vì ông không muốn, không thèm làm mà thực là ông " mót " làm lắm mà làm không được. Ông đưa ra các lý do khiến ông không làm nổi bài thơ nào : " Xin thú thực với mấy ông thợ thơ. Không có không phải là tại tôi không muốn làm hay không thèm làm, nhưng tại tôi làm không được !

" Lâu nay, mỗi khi có hứng, tôi toan giở ra ngâm vịnh, thì cái hồn thơ của tôi như nó lúng túng. Thơ chữ Hán ư ? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô cho án trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư ? thì cụ Tiên Điền, bà Huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi làm cho tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại nghe như họ đã nói rồi.

" Cái ý nào họ chưa nói mình muốn nói ra, thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh quanh luẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài, thật đã dễ tức ".

Mà bởi tức như vậy, cho nên Phan Khôi chửi thơ cũ là giả dối, là đáng bỉ. Cácbạn nên chú ý đến chữ " bỉ " mà Phan Khôi dùng để nói về thơ cũ : " Đại phàm thơ là để tả cảnh tả tình, mà hoặc tình hoặc cảnh cũng phải quí cho chơn. Lối thơ cũ của ta, ngũ ngôn hay thất ngôn, tuyệt cú hay luật thể thì nó bị câu thúc quá. Mà dầu có phóng theo ra lối thất cổ...cũng vẫn còn bị câu thúc. Hễ bị câu thúc thì nó mất cái chơn đi, không mất hết, cũng mất già nửa phần.

" Tôi nhìn thấy trong thơ ta có một điều đáng bỉ, là bài nào cũng như bài nấy. Cứ rủ nhau khen hay thì nó là hay, chớ nếu lột tận xương ra mà xem thì chẳng biết cái hay ở đâu "

Nếu chỉ có thế thôi thì chẳng có gì là đặc biệt. Trịnh Đình Rư mà có lẽ cả Phạm Quỳnh nữa cũng đã chê trách thơ cũ gay gắt rồi.

Cái mới đặc biệt, có thể coi như quái gở nữa là khác đối với học giả đương thời là ở chỗ ông bày ra một lối thơ mới mà ông chưa biết gọi tên là gì.

" Bởi vậy tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới. Vì nó chưa thành thục nên chưa có thể đặt tên là lối gì được, song có thể cử cái đại ý của lối thơ mới này ra, là : đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu, có vận mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết ".

Sau khi giới thiệu sơ lược như vậy về thơ mới của ông, Phan Khôi đã trình làng một bài thơ mới, bài Tình Già.

Tuy là một bài thơ mới đầu tiên, bài Tình Già của Phan Khôi đã táo bạo hơn cả những thơ mới ra đời sau đấy xét cả về cách gieo vần, cách đặt điệu, cách dùng tiếng vv...Câu thơ của Phan Khôi dài lượt thượt, câu ngắn nhất cũng trên mười chữ, câu dài nhất có tới mười sáu mười bảy chữ... Luật bằng trắc đã bị phá vỡ hoàn toàn, cho nên câu thơ của Phan Khôi còn gần văn xuôi hơn cả các thơ tự do ngày nay.

Sau khi trình làng thơ rất " hỗn loạn " của ông, Phan Khôi phải thanh minh rằng chẳng phải bởi lập dị hiếu sự mà ông làm như vậy, nhưng bởi ông thấy trên miếng đất thơ cũ ông đã mất chỗ đứng cho nên ông phải đi tìm đất mới. Ông chẳng dám tin rằng bài thơ của ông sẽ thành công vì mươi năm trước đã có người làm như vậy mà đã thất bại nhưng nói tiên tri rằng có người sẽ làm như ông mà sẽ thành công :" Chẳng phải là tôi hiếu sự, nhưng vì tôi hết chỗ ở trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi phải đi kiếm đất mới ; mà miếng đất tôi kiếm được đó chẳng biết có ở được không, nên mới đem ra mà trình chánh giữa làng thơ.

" Chẳng phải tôi là người thứ nhất làm ra việc này. Hơn mười năm trước ở Hà Nội cũng đã có một vị thanh niên làm việc ấy mà bị thất bại. Tôi dại gì lại đi theo cái dấu xe đã úp ? Nhưng tôi tin rằng cái lối thơ của ta đã hết chỗ hay rồi, dường như một chỗ đế đô mà cái vượng khí đã tiêu trầm rồi ta phải kiếm nơi khác mà đóng đô. Tôi cầm chắc việc đề xướng của tôi đây sẽ thất bại lần nữa, nhưng tôi tin rằng sau này có người làm như tôi mà thành công ".

Lưu Trọng Lư hưởng ứng thơ mới
Gương Phan Khôi có người soi ngay và lời tiên tri của ông đã ứng nghiệm (tôi tin rằng sau này có người làm như tôi mà thành công) đó là trường hợp của Lưu Trọng Lư.

Lưu Trọng Lư đã gửi cho Phan Khôi một bức thư đính kèm hai ba bài thơ mới được Phụ Nữ Tân Văn đăng số 153 đầu tháng 6 năm 1932, tài liệu mà sau này báo Phong Hoá cho đăng vào số Xuân, tức Phong Hoá số 31 ra ngày 25 Janvier 1933.

Trong bức thư này trước tiên Lưu Trọng Lư như có ý trách Phan Khôi đã đánh trống bỏ dùi trong lúc thi ca Việt Nam đang ở trong thời kỳ ngấp ngoải vì thi đàn lúc nhúc toàn tụi thị nhân rỗng tuếch ; rồi ông mô tả thế nào là một " chân thi nhân " ; sau đó ông hô hào canh tân thi ca nếu cần phóng túng buông lung thì cứ phóng túng buông lung đừng do dự ngần ngại ; sau cùng ông khuyên người ta tin vào tương lai của thi ca lúc này mờ tối bấp bênh :

" Phan Tiên Sinh,

" Cách đây đã lâu, Tiên Sinh đã có đưa trình chính giữa làng thơ một lối thơ mới. Tôi đọc bài rồi tôi cứ đợi mãi đợi mãi mà sau tiên sinh không thấy có ai nối gót theo mà chính tiên sinh hình như cũng không muốn giở dói việc ấy nữa. Thế là thôi. Cái " của mới " ấy có lẽ chưa thích hợp với đời này. Mấy muôn độc giả đã yên trí như vậy, mà hẳn Tiên Sinh cũng từng chau mặt giậm chân mà nói rằng : Thôi, không ai ưa thì ta xếp nó lại đã, đợi khi khác ta lại mang ra ". Thưa Tiên Sinh, đợi khi khác, khi nào nữa. Thi ca ta ngày nay đang lúc ngấp ngoải, không còn có lấy một chút sinh khí. Nếu không xoay phương cứu chữa gấp, thì ôi thôi, còn chi là tính mạng của thi ca ? ? Đừng có nói láy lắt như vậy tiên sinh ạ ! Nếu tiên sinh cứ giữ mãi cái thái độ tiêu cực ấy thì bọn thi nhân " rỗng tuếch " kia còn cứ ca đi hát lại những câu sáo hủ nghìn xưa mà không thấy nở ra được những bậc thi nhân chân chính.

" Hẳn tiên sinh cũng hiểu rằng, những bậc chân thi nhân không bao giờ lại chịu đứng trong cái " lãnh thổ " hẹp hòi ngột ngạt, mà có thể đưa tâm hồn người ta lên tận mây xanh phảng phất trên những sự nôm na, phàm tục, vật chất hàng ngày.

Những nhà chân thi nhân, thà là chỉ rung động (vibrer) trong mình mình chứ không chịu xuất phát ra ngoài, mà để cho những cái niêm luật khắc khổ, làm đẹt mất cái hồn thơ lai láng mênh mông. Người ta thường khen Anatole France Tiên sinh trọn đời giữ được cái cốt cách thuần tuý của thi nhân, chính là vì lẽ đó. Trong thi giới ta dễ thường được mấy người như thế ? Phần nhiều nhà thi nhân cần phải xuất phát ra ngoài để cho nỗi lòng được nhẹ nhàng, hể hả.

" Nếu cứ phải uốn nắn theo khuôn khổ chật hẹp, như hiện tình thi ca nước nhà, thì họ phải thất vọng biết dường nào ! Vậy ta còn ngần ngừ gì nữa, mà không mở rộng cái " lãnh thổ " kia ra, để mặc sức cho họ đem những cái thiên tài phú bẩm ra mà đua bơi vùng vẫy. Làm vậy, hoặc giả có kẻ hoài nghi mà bảo rằng : " Phóng túng buông lung quá rồi thành ra lộn xộn, mất cả nề thơ ". Trong cái lúc quá độ, ắt phải như thế, có buông lung, có phóng túng mới có thể phát triển hết những cái rất hay, rất quí, rất đẹp trong mình, tuy có nhiều lộn xộn, nhưng một ngày kia thành thục rồi, sẽ trở vào trong những cái nguyên tắc lề lối, rộng rãi hơn, tự do hơn.

" Dám khuyên tiên sinh nên mạnh dạn một lần nữa mà tiến lên đường.

" Cái lối thơ mới của chúng ta là đương ở vào thời kỳ phôi thai, thời kỳ tập luyện, nghiên cứu. Không biết rồi đây nó đi được đến chỗ thành công, hay là nửa đường bị đánh đổ ! Đó là sự bí mật của lịch sử văn hoá mai sau ! Dầu thế nào đi nữa nó cũng có giá trị là giúp cho sự tự do phát triển của thi ca, đưa thi ca đến một chỗ cao xa rộng lớn, nó như thúc giục, như khiêu khích, như kêu gọi nhà thi nhân ra làm một cuộc canh tân dầu có thất bại, thất bại vì lòng mong ước quá cao, thì nó cũng đã hiến cho ta một cái công lớn : nó chính là một tiếng chuông cảnh tỉnh làng thơ giữa lúc đương triền miên trong cõi " chết ".

Trong lúc ban đầu mà đã mong có những tay " Thầy thợ " chơn chính (véritables maitres) thật là không thể nào được. Nhưng trái lại, nếu có ai xem thường những người sáng kiến ra cái lối " thơ mới " kia, tưởng e rằng cũng đắc tội với tiền đồ văn học nước nhà lắm vậy ". (Phụ Nữ Tân Văn số 153, tháng 6-1932).

Đồng thời với việc Lưu Trọng Lư làm công việc khen ngợi, hối thúc Phan Khôi bên Phụ Nữ Tân Văn, thì trên An Nam tạp chí số 39, ra ngày 30-4-1932, Vân Bằng, trong bài " Tôi thất vọng vì Phan Khôi ", nhân trách Phan Khôi thất lễ với Nguyễn Tiến Lãng, đã mô tả Phan Khôi như là con người ưa lập dị, việc gì cũng muốn làm khác người. Vân Bằng đã có những mỉa mai sau đây về Phan Khôi  tác giả một lối thơ mới. " Vừa đây, ông lại ra công " sáng chế " ra một lối thơ " tân thời " tự do, đặc biệt, không cần niêm luật, tự ý vắn dài làm cho nhiều người " hoài cổ " phải ngậm ngùi thương tiếc. Tám vế " luật đường " có lẽ vì sự phát minh lối thơ mới này mà phải mai một đi chăng ?

" Đó, cái công trình vĩ đại của ông Phan Khôi  đối với quốc văn là thế, cho nên văn tài ông được nhiều người bái phục, như ông chủ bút báo Đông Tây Hoàng Tích Chu đã nói rằng " bạn Phan Khôi " của ông có một bên (xin hiểu là một số người) coi là " Alphonse Daudet của Việt Nam " (Vân Bằng, An Nam tạp chí số 39, 30-4-1932).

Như vậy, có lẽ Vân Bằng là người đầu tiên chống lại nhà thơ mới Phan Khôi. Có điều là những điều nói mỉa mai của Vân Bằng về Phan Khôi  chẳng dè lại hoá thành lời tiên tri. Quả thực là tám vế luật đường sẽ vì sự phát minh của Phan Khôi  mà bị mai một, và quả thực Phan Khôi  đã làm một công trình vĩ đại.

Nhưng ở ngay buổi đầu này, hình như những người nghĩ như Vân Bằng có lẽ đông hơn nhưng những người lên tiếng như Vân Bằng chưa có đông mà ngược lại những người làm công việc như  Lưu Trọng Lư có lẽ đông đảo hơn. Phong Hoá ngay từ số 14, ra ngày 22 tháng 9 năm 1932, đã lên tiếng kịch liệt đả kích thơ cũ và hô hào bênh vực thơ mới. Bài hô hào đó được trích nhắc lại trong Phong Hoá số xuân 1933, tức số 31, 24 tháng giêng năm 1933 với lời mở thế này :" Trong số báo 14, Phong Hoá đã bàn về những chỗ không hay, không hay vì bị bó buộc vào trong khuôn sáo của thơ đường luật ". Tác giả bài ấy kết luận rằng " bỏ luật, niêm, đối, bỏ điển tích, sáo ngữ, nghĩa là tóm tắt, đừng bắt chước cổ nhân một cách nô lệ. Thơ ta phải mới, mới văn thể, mới ý tưởng. Nay bản báo nhận được bức thư của cô Liên Hương đề gửi cho ông Phan Khôi, nói về lối thơ điệu mới của ông, ý tưởng có nhiều chỗ giống với ý tưởng bản báo " (Phonh Hoá số 31, trang 16).

Lưu Trọng Lư đã từng gửi bài đăng ở Phụ Nữ Tân Văn số 153, vào tháng 6 năm 1932, rồi lại gửi đăng ở Phong Hoá số 31 ra ngày 24 tháng 1 năm 1933 vẫn chưa lấy làm thoả mãn nên tháng 5 năm 1933, khi cho xuất bản tập tiểu thuyết đầu tay, Người Sơn Nhân, ông còn cho đính kèm ở phần hai một bài đả kích thơ cũ ca ngợi thơ mới. Đó là bài " Một cuộc cải cách về thi ca ".

Bài " Một cuộc cải cách về thi ca " này còn được kèm theo 14 bài thơ mới. Xét về nội dung bài " Một cuộc cải cách về thi ca " này, ta không thấy có gì mới mẻ hơn bức thư đã gửi cho Phan Khôi gần một năm về trước. Có điều là ở bức thư trước kia, Lưu Trọng Lư phàn nàn là chưa có ai hưởng ứng, còn ở đây Lưu Trọng Lư ghi nhận là trên văn đàn đã có khuynh hướng, tức đã có phong trào thơ mới :

" Gần đây trên trường văn học nước nhà thấy nảy ra một cái khuynh hướng mới lạ, mệnh danh là thơ lối mới, muốn cởi trói thi ca ra khỏi cái niêm luật khắc khổ. Biểu hiệu cho cái khuynh hướng ấy, đáng kể nhất có ông Nguyễn Thế Lữ ở báo Phong Hoá và cô Nguyễn Thị Kiêm ở Phụ Nữ Tân Văn. Cả hai coi bộ sốt sắng lắm. Nhưng cái " thi trào " ấy còn nóng mãi hay là sẽ nguội dần, đó là sự bí mật của lịch sử văn học tương lai ta không thể đoán trước được " (Người Sơn Nhân).

Sau khi nhận định như vậy về sự phôi thai của thơ mới, Lưu Trọng Lư tấn công thơ cũ, chửi thơ cũ, nhất là cái thứ thơ cũ được chế tạo rất giả hiệu đang bày biện ở các cửa hàng. Nó là thứ thơ chẳng thơ tí nào :" Một hôm tôi vào một rạp hát nọ tôi không biết là người ta diễn vở tuồng gì, nhưng khi tôi vào là nhằm khi một chú hề đương pha trò trên sân khấu. Chú bông lơn thế nào mà thiên hạ cười như lười ươi nắc nẻ mà tôi thì...khóc không được. Tôi tiu nghỉu ra đi, vẫn nghe tiếng cười vỡ rạp.

" Cái tiếng cười của rạp hát nọ đã chết rồi, vì nó lạt lẽo, vô duyên quá. Ai bảo thi ca nước nhà với tiếng cười ấy chẳng cùng chung một số phận. Ta thử tìm trong những cái vườn thơ của ta có gì là hoa thơm cỏ lạ đâu nào ? Trong những bài thơ xuất bản trên các báo ngày nay, dưới ký cái biệt hiệu mỹ miều đó, rặt là những câu trần ngôn sáo ngữ, đúc đi luyện lại từ xưa đến nay, không thêm bớt, không sứt mẻ. Các tay thợ kia chỉ chuyên một mặt từ chương âm vận : lựa chữ cho kêu, tìm điển cho lạ, đem cái áo văn chương hoa hoè sặc sỡ mà mặc cho những cái tình cảm yếu đuối, những cái tư tưởng tầm thường.

" Cả một đám thanh niên rỗng tuếch, mềm nhũn, ươn hèn đều tấp tểnh tập thói rung đùi, nặn câu, cũng khóc thời khóc thế, khóc gió khóc giăng...Họ ca đi ca lại mà không thấy chán, những cái mà một Cống Quỳnh hay một cô Xuân Hương đã quên nhãng. Họ gây lên một cái phong trào làm thơ rất náo nhiệt, tưởng họ đưa được tâm hồn người ta lên phảng phất, tiêu diêu trên sự nôm na chật hẹp hàng ngày, nào hay chỉ tổ làm cho người ta thêm long tai điếc óc " (Một cuộc cải cách về thi ca, Người Sơn Nhân).

Một đoạn như đoạn trích trên đây cho ta thấy Lưu Trọng Lư đã đi xa hơn Phan Khôi. Phan Khôi mới chỉ chê thơ cũ xưa kia và thú nhận chính ông bất lực không làm nổi thứ thơ ấy nữa. Chứ Lưu Trọng Lư chẳng những chửi thơ cũ mà chửi tùm lum tất cả các người đang làm thơ cũ lúc ấy. Phải chăng vì vậy mà gây nên phản ứng mãnh liệt trong làng thơ cũ như các bạn thấy sau này.

Sau cùng Lưu Trọng Lư đã bộc lộ tâm tình của thế hệ trẻ đang khao khát cái gì mới mẻ, đang say sưa chờ đón những thay đổi, đến nỗi ông dã ví người " thanh niên Việt Nam ngày nay đương bơ vơ đi tìm người thi nhân của mình, như người con đi tìm mẹ ". (Người Sơn Nhân) :

" Ai cũng biết người thanh niên Việt Nam ngày nay đã chán nản về những sự chính trị ồn ào mà vô hiệu, đã thất vọng về những cái mộng tưởng mỹ miều mà giả dối. Người thanh niên Nam Việt ngày nay chỉ ao ước có một điều, một điều mà thiết tha hơn trăm nghìn điều khác là được có một nhà thi nhân hiểu thấu mình mà yên ủi mình, một bậc thiên tài lỗi lạc đi vào tận tâm hồn của mình, đến những chỗ cùng sâu, mà vạch những cái kín nhiệm uất ức, rồi đưa phả vào những cái âm điệu du dương cho mình được nhẹ nhàng thư thả. Một việc khó khăn như vậy, tưởng các người Tùng, Tuy ngồi đếm câu, chọn chữ mà làm được ư ?

" Người thanh niên Nam Việt ngày nay đau đớn về những cái đau đớn mà nhà thi nhân Nam Việt chỉ ngồi ca hát những nỗi khổ buồn xưa. Còn gì chán bằng bắt ta buồn mãi cái buồn réo rắt, u uất của người cung nữ đời Tần ? Còn gì khổ bằng bắt ta sầu mãi cái sầu dằng dặc, âm thầm của nàng chinh phụ ? "

" Người thanh niên Nam Việt ngày nay đương bơ vơ đi tìm người thi nhân của mình, như con đi tìm mẹ. Có ai thấy cái tình cảm thảm thiết ấy không ? " (Người Sơn Nhân).

Lưu Trọng Lư xuất bản " Người Sơn Nhân " vào khoảng tháng 5 năm 1933. Cuộc chiến giữa thơ cũ và thơ mới bùng ra dữ dội từ đấy. Hoài Thanh và Hoài Chân, trong bài tựa " Một thời đại trong thi ca ", đã phác hoạ lịch sử thi ca trong vòng mười năm 1932 đến 1942, nhất là đã ghi nhận cuộc chiến bùng ra giữa thơ cũ và thơ mới.

Các phe bênh thơ cũ
Sau đây là phe phái bênh thơ cũ :

" Aout 1933, một tuần sau cuộc diễn thuyết thứ nhất của cô Nguyễn Thị Kiêm, ông Tân Việt, bỉnh bút báo Công Luận, bênh vực thơ cũ tại diễn đàn hội Khuyến học Saigon. Octobre 1933 : Văn học tạp chí, Hànội, chê các nhà thơ mới không biết cân nhắc chữ dùng.

" Novembre-décembre 1934 : Tản Đà nói chuyện thơ mới, thơ cũ trên Tiểu thuyết thứ bảy.

" Décembre 1934 : Trên Văn học tạp chí ông Hoàng Duy Từ phản đối bài diễn thuyết của ông Lưu Trọng Lư tại nhà học hội Qui Nhơn.

" 9 Janvier 1935 : Ông Nguyễn Văn Hanh diễn thuyết tại hội Khuyến học Saigon.

" 6 Janvier 1935 : Ông Nguyễn Văn Hanh lại diễn thuyết tại hội Khuyến học Saigon cùng hôm với cô Nguyễn Thị Kiêm (diễn thuyết tranh luận).

" Avril 1935 : Hai ông Tường Vân và Phi Vân xuất bản tập thơ cũ " Những bông hoa trái mùa " ở Vinh.

" Juin 1935 : Ông Tùng Lâm Lê Cương Phụng công kích thơ mới trên Văn học tuần san, Saigon.

" Avril 1936 : Ông Thái Phỉ công kích thơ mới trên báo Tin Văn Hànội.

" Aout 1937 : Ông Nguyễn Văn Hanh diễn thuyết ở hội Quảng Trị Huế.

" Juin 1941 : Ông Huỳnh Thúc Kháng, sau nhiều lần chỉ trích và mạt sát, nói quả quyết rằng thơ mới đã đến ngày mạt vận " (Hoài Thanh, Thi Nhân Việt Nam, trang 22).

Các phe bênh thơ mới
Về phía các nhà bênh thơ mới, Hoài Thanh ghi :" Từ hai tháng trước, hôm 26 Juillet 1933, một nữ sĩ có tài và có gan, cô Nguyễn Thị Kiêm, đã lên diễn đàn hội Khuyến học Saigon hết sức tán dương thơ mới. Hội Khuyến học Saigon thành lập đến bấy giờ đã 25 năm. Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết được đông người nghe như thế.

" Nối gót cô Nguyễn Thị Kiêm, còn nhiều diễn giả cũng theo một mục đích : dành lấy phần thắng cho thơ mới.

" Juin 1934 : Ông Lưu Trọng Lư diễn thuyết tại nhà Học hội Qui Nhơn.

" Janvier 1935 : Ông Đỗ Đình Vượng diễn thuyết tại hội Trí Tri Hànội.

" Janvier 1935 : Cô Nguyễn Thị Kiêm lại diễn thuyết tại hội Khuyến học Saigon để tranh luận với ông Nguyễn Văn Hanh.

" Novembre 1935 : Ông Vũ Đình Liên diễn thuyết tại hội Trí Tri Nam Định.

" Février 1936 : Ông Trương Tửu diễn thuyết về thơ Bạch Nga tại hội Khai Trí Tiến Đức Hànội ". (Thi Nhân Việt Nam trang 19).

Cứ kể bằng ấy mà thôi thì đã thấy Vụ án Thi ca đã là rầm rộ, gay go, sôi nổi lắm. Rất tiếc rằng hầu hết các bài diễn văn đôi bên bài bác nhau mà Hoài Thanh Hoài Chân nhắc đến trong bài " Một thời đại trong thi ca ", hiện lúc này tôi không có trong tay. Tôi mong các bạn sẽ bồi bổ vào bằng việc đi tìm ở các thư viện ở tỉnh, ở các thư viện tư gia.

Nhưng dù thiếu chưa tìm ra các tài liệu mà Hoài Thanh nhắc tới, nhưng một tài liệu tôi hiện có trong tay đã thấy nhiều rồi và càng chứng tỏ chưa có một vấn đề nào, ngoài vấn đề truyện Kiều, đã được văn giới sốt sắng tham gia góp ý kiến hay quyết liệt bênh vực cho bằng vấn đề thơ Mới thơ Cũ.



Trở Về   ]