Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang Chủ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932
*
NHỮNG VỤ ÁN VĂN HỌC THẾ HỆ 1932

Thanh Lãng

A - Đặc tính chung thế hệ 1932 
 B - Sinh hoạt Phê bình văn học thế hệ 1932
C - Những Vụ Án Văn Học Thế Hệ 1932   :
  1 - Vụ Án Báo Chí   /  2 - Vụ Án Cũ và Mới  /   3 - Vụ Án Phan Khôi - Trần Trọng Kim 
4 - Vụ Án Tản Ðà - Phan Khôi    /   5 - Vụ Án Quốc Học 
6 - Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới
D - Mặt trận bênh thơ mới (1)    /  Mặt trận bênh thơ mới (2)  /  Mặt trận bênh thơ mới (3) 
E - Phản ứng làng thơ cũ / F - Sự trưởng thành của thi ca Việt Nam

Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới
A- Mặt trận bênh thơ mới (2)

Phong Hoá của Tự Lực Văn Đoàn bênh thơ mới mà bênh rất găng, rất tận tình nhưng không đồng ý cho rằng hễ cái gì không phải thơ cũ đều là thơ mới cả. Buổi đầu các ông chưa tỏ thái độ gì với các loại thơ rất dở mà người ta tôn xưng nó là thơ mới. Nhưng từ giữa năm 1935 - có lẽ lúc này thơ mới đã có cơ sở rồi - thì các ông lên tiếng loại bỏ những thơ mà theo ý các ông, không đáng là thơ mới hay cho dù có là thơ mới, thì cũng là thơ mới hạng bét, rất dở chẳng kém gì thơ cũ.

Nhị Linh công kích nhà thơ mới Đỗ Đình Vượng
Ngày 18-1-1935, Phong Hoá số 133, Nhị Linh công kích và phê bình Đỗ ĐìnhVượng bằng một giọng mát mẻ. Ông Vượng diễn thuyết ca ngợi thơ mới, nhung Nhị Linh phàn nàn rằng giá ông đừng đi nghe ông Vượng thì còn biết thơ là gì, và thơ mới ra sao, chứ " lúc tôi ra về không còn hiểu thơ và thơ mới là cái quái gì nữa, tuy diễn giả đã chịu khó tra cứu, khảo sát, lục lọi trong đủ các sách cổ, kim, tây, tầu, An nam, nào của Boileau, nào của Hồ Thích, nào của Nguyễn Du, nào của các thi sĩ cổ điển, lãng mạn ".

Ngày 25-3-1935, P.H. số 142 Thạch Lam viết bài " Thơ mới " để công kích một số đông các tờ báo có đăng thơ mới, các sách có xuất bản thơ mới. Theo Thạch Lam, thơ bọn họ chẳng cũ mà cũng chẳng mới. Các bài thơ đó có năm đặc tính sau đây :

" - Cái đặc tính thứ nhất - và cũng lạ lùng nhất - là những bài đó không phải là thơ.
"  - Cái đặc tính thứ hai là không có vần.
"  - Cái đặc tính thứ ba là đọc lên nghe sang sảng như những mãnh sắt vụn người ta để trong bao gai mà xóc lên.
"  - Cái đặc tính thứ tư là không có nghĩa lý gì hết.
"  - Còn cái đặc tính thứ năm nữa, cái đặc tính này không phải của thơ, mà của người viết ra những thơ đó, cái đặc tính ấy là ...xuẩn.
" Nếu ta có cái đặc tính cốt yếu ấy, và nếu thơ ta có đủ bốn cái đặc tính như trên thì ta thành ra một người làm thơ mới.
" Thơ mới trong một vài tờ báo chẳng hạn ".

Thạch Lam chửi thơ mới của Phan Văn Kỳ
Cũng Thạch Lam, ngày 3-5-1935, (P.H. số 147) đã chửi thơ mới của ông Phạm Văn Kỳ. Thạch Lam ví điệu thơ của ông Kỳ như đám cháy nhà.

" Đấy là một cảnh thương tâm lắm ; những " khổ chủ " thấy thần hoả đến thiêu nhà khóc vang như ri. Còn những tiếng " hì hục " của vạn người không tên đó, có lẽ là tiếng của những người đến chữa cháy...

Của vạn người không hạnh phúc,
Đợi chết dưới hầm than,
Của vạn người đang nhui nhúc
Tù tội của thời gian...
" Kể không có hạnh phúc thì những người bị cháy nhà không có hạnh phúc thật ! Nhất là họ bị đốt cháy trong những cái nhà như những cái " hầm than " nữa.
Rồi câu thơ ngươi, thi sĩ,
Sẽ bọc những tiếng than,
Góp thành một tiếng rền rĩ,
Kêu động cả không gian.
Một tiếng mạnh như tiếng sấm
Đớp lửa và động mưa,
Phát hoả từ trong rừng rậm,
Lặn đến thành phố xưa...
" Cái tiếng mạnh như sấm đó là tiếng tre nứa nổ đấy. Ta thấy nhà thi sĩ nói đến thành phố : Ô hay, thế thì xe cứu hoả, vòi rồng tưới nước đâu ? A, đây rồi ! Thi sĩ thật là người cẩn thận :
Đố ai ngăn được tiếng ấy,
Nó tràn với sông xanh.
Đố ai trừ được tiếng dậy
Của sức mạnh liên thanh.
" Nghĩa là cái vòi rồng của thành phố không đủ. Phải cần đến tiếng của nhà thi sĩ :
Rồi tiếng của người thi sĩ
Khi sấm hết rền vang
Sẽ đọng lại thành tiếng nỉ
Non...như của khúc đờn.
Rồi chung quanh ngươi, cả chủng
Tộc...đều mở xiềng gông
Rồi Nàng Thơ của ngươi cũng
Yêu ngươi một cách nồng...
Thế là thơ hết và cháy cũng hết.
" Chỉ còn lại tro tàn, lửa bụi, một đống than lủng củng những vôi, những gạch, những mảnh tre, mảnh nứa, lá gồi...

" Thơ của thi sĩ Phạm Văn Kỳ âu cũng thế. Âm điệu thì réo rắt như tiếng tre nổ, tiếng vách sụp, tiếng nhà cháy.

" Còn vần thơ thì lủng ca lủng củng như một đống than đầy vôi, những gạch, những tre, mảnh nứa, lá gồi...

" Mà đọc xong bài thơ " Ngươi, thi sĩ " của ông ta, ta có cái cảm giác thoát dược một việc nguy nan như khổ chủ thoát tai nạn cháy nhà. "

Lê Ta phê bình thơ mới của Đức Văn
Đến Lê Ta ông đã bênh thơ mới bao nhiêu thì ông lại chửi người làm thơ mới bấy nhiêu. Phải chăng bọn làm thơ mới này không thuộc phe Phong Hoá ? Không dám quyết, nhưng người ta có thể ngờ rằng thế.

Ngày 14-12-1934 (P.H. số 128), Lê Ta phê bình để chê bai cuốn Mơ Màng của Đức Văn là thứ thơ " văn kêu và rỗng là món sở thích của những nhà văn mới mà chẳng biết mình nói gì, " khinh miệt tập " Tình em " của Nhuệ Thuỷ có cái " biệt tài là thơ văn ông viết bằng những câu văn và ý tưởng người khác ".

Lê Ta phê bình thơ mới của Nguyễn Vỹ
Về thơ của Nguyễn Vỹ, Lê Ta có hai bài phê bình một bài đăng Phong Hoá số 127 (7-12-1934), và một bài đăng số 129 (28-12-1934).

Ở bài thứ nhất, Lê Ta nhắc lại lời phê bình của Nhất Linh về Nguyễn Vỹ,và nhân đấy chửi mát Nguyễn Vỹ :

" Nhà " thi sĩ " Nguyễn Vỹ, tác giả tập thơ đầu là một nhà có nhiều tài, tình cảm nhiều, mà lòng tự ái lại nhiều hơn. Cho nên khi ông ra mắt quốc dân, mắt đầy lệ, cây bút cầm tay, ông không muốn cho ai khinh ông cả. Ấy thế mà Nhất Linh lại bảo tập thơ đầu của người tên là đuôi kia không có ruột ! Muốn khỏi mất lòng " thi sĩ " tôi phải nói chữa hộ Nhất Linh : thơ ông Vỹ có ruột đó chứ, chả tin cứ giở cuốn sách của ông ra mà xem : Chỉ tiếc cái ruột ấy đặc quá, mà khốn một nỗi là người ta lại không biết nó đựng những cái gì ! "

Sang đến bài thứ hai, Lê Ta phũ phàng với Nguyễn Vỹ hơn, đã ví thơ Nguyễn Vỹ như thơ của con sen, thơ của vú già :

" Ông Nguyễn Vỹ là một nhà học rộng. Bàn về thơ ca, ông đã cho chúng ta biết nhiều điều mới lạ : ông hiểu rõ hết được các âm điệu thơ, khuôn phép thơ, mỹ thuật của thơ, tuy ông không hiểu thơ là cái gì, và tuy ông thấy mình là thi sĩ.

" Ông lại khéo nói nữa. Khéo nói lắm, khéo nói quá ! Ông bênh vực ông một cách rất có duyên, rất chu đáo, mà ông phản đối ông lại chu đáo gấp đôi. " Tập thơ đầu " của ông là một tập thơ có khuynh hướng về cải cách, nhưng người làm " Tập thơ đầu " lại sợ cải cách, hay cải cách bằng lối riêng của ông. Ông bỏ cái gông cùm biền ngẫu với phép hạn chế phá, thừa, luận, kết của luật thơ Tàu, để mang cái gông cùm mới của luật thơ Tây.

" Thơ của ông Vỹ thiếu cái chi chi kia, chứ " chân " (pieds) thì đủ lắm. Xin đọc thử ít câu sau này :

Những cặp mắt xinh đẹp, mà ta thấy thoáng qua
Ban ngày, lúc ta thủng thỉnh đi trên đường phố
Bây giờ một mình ta trằn trọc trong đêm tối
(Lối thơ 10 chân)
. . . . . . .
Hai bàn chân linh thiêng ấy, những ngày rằm và ngày hội
Tôi đã được nhìn rất cảm động những trẻ mồ côi nhỏ
Những bà già và những cô thiếu nữ xinh đẹp, ngây thơ
Hôn hít hai bàn chân Thánh hoặc lấy tay vuốt ve, sờ
Hay là với khăn mùi soa, vạt áo, miếng nhung, miếng vóc
Mà họ áp hôn vào môi, hoặc đưa lên đầu tóc
(Lối thơ 12 chân)
" Soi đến kính hiển vi cũng không thấy thiếu một chân nào. Thơ ông quả thực không phải thơ quê. Nhưng quả thực là ngô nghê.

" Đem so sánh thơ ông Vỹ với hai bài thơ " Đồng Hồ " của tôi ông không bằng lòng là phải, vì nó không đủ chân, nhưng giá đem so sánh với bài " Son nê " sau này của cô N.T.G. thì hẳn ông ưng ý lắm :

TẶNG VÚ GIÀ CỦA TA
Hỡi vú già của ta ơi ; Hỡi vú già của ta ơi !
Vú đến ở hầu nhà ta, may mắn ấy thực bởi trời.
Vú tuy người chẳng xinh tươi, mà lại cũng không còn trẻ
Nhưng rất chắc chắn, vững vàng, và vừa nhanh và vừa khỏe.
Gọi thì dạ, bảo thì vâng chưa hề phải mắng một lời.
Suốt từ sáng sớm đến chiều, chỉ làm lụng chẳng rong chơi
Nào việc bếp nước nấu ăn, nào giặt quần áo, nào chẻ
củi, nào quét dọn nhà cửa, hết việc lớn đến việc bé.
Tôi lấy hết can đảm để đọc đi đọc lại, lúc thì nhẩm thẩm, lúc thì cất giọng ngâm nga, mà buồn thay cho tôi, tôi nghe nó vẫn làm sao ấy.

" Nhưng đối với tác giả thì nó có nhiều thi vị lắm, nó có một thứ thi vị ngầm, cũng như người đàn bà xấu số ở trong phong dao có duyên thầm vì được chồng yêu quý :

Lỗ mũi em tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o ;
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
" Ông Vỹ có quyền yêu thơ của ông lắm.

" Am hiểu âm luật, biết nói đến những chữ trật tự, quy tắc, biết chê sự hỗn độn, hồ đồ, lại biết ghét những cái ngớ ngẩn ngây ngô, mà viết ra những thơ như trên kia, thì viết làm gì ? ".

Ngày 12-1-1935 (P.H. số 132), Lê Ta, trong bài " Cuộc điểm...mấy Nàng Thơ ", đã gọi thơ của Từ Bộ Hứa là " một đứa con xam xám  : Vậy mẫu thân của nó hẳn là một nàng tây đen " ; bảo " Nàng thơ của Nguyễn Vỹ không hay nói tiếng Việt Nam, người cay nghiệt chặt chẽ từng dòng, từng chữ, nên đứa con của nàng không thiếu một chân, một tay nào hết. Nhưng nó phải cái ngẩn ngơ cũng như nàng " ;

Về thơ Đức Văn, Lê Ta viết :

" Ông Đức Văn thì vớ phải con mẹ quê mùa, dở hơi, sống sượng. Chị chàng này chỉ biết có thơ văn như hạng Phạm Công, Cúc Hoa ở miệng bọn hát xẩm. Cũng có khi tâm hồn xúc động, " nàng " cất thứ giọng lệnh vỡ của người nhà quê vùng bể mà ngâm rằng :

Tách nòng hờ hững mấy nòng
Nửa hương nuống để nạnh nùng bấy nâu
" Bởi vì nàng vừa ngớ ngẩn lại vừa ngọng. "

Về thơ của Nhuệ Thuỷ, thì Lê Ta viết :

" Ông Nhuệ Thuỷ thì kết duyên với một chị có họ gần với nàng Đông Thi. Nghĩa là một người xấu và hay bắt chước vẻ đẹp của Tây Thi. Thấy Tây Thi nhăn thì nàng cũng nhăn. Nhưng Tây Thi nhăn thì thêm duyên, mà nàng nhăn thì người ta chết khiếp ".

Còn nàng thơ của Lan Sơn thì ôi thôi mỉa mai làm sao !

" Nàng thơ của ông Lan Sơn là một người hay vòi. Tôi thấy lúc nào nàng ta cũng lẽo đẽo đi lải nhải theo sau thi sĩ, tay cầm cái mùi soa ướt đẫm, mặt thì mếu xếch mếu xác. Chẳng biết có bị thi sĩ bạt tai cho cái nào không ".

Đến nàng thơ của Huy Thông thì theo Lê Ta nó thuộc vào loại " tăng gia sản xuất " :

" Nàng thơ của Huy Thông là một nàng thơ có nhiều tình cảm, nhiều tư tưởng hay. Nàng lại là người " mắn " ta sẽ thấy nàng sinh sản được đông đàn. Vậy nàng có thể tự an ủi nàng rằng hỏng đứa này, còn đứa khác.

Nói thế không phải có ý bảo tập " yêu đương " - đứa con đầu lòng của nàng thơ Huy Thông là một tập thơ dở cả. Những ý tưởng mạnh mẽ, những tình tứ không thường, những hình sắc lộng lẫy hay dịu dàng với những vẻ đẹp trong trẻo, ngây thơ, mong manh, tôi thấy đầy dẫy trong tập sách trên một trăm trang giấy tốt.

" Người thiếu niên thi sĩ của tôi biết cảm xúc vì cái vẻ hùng vĩ, mênh mông của bể cả, biết mong gửi lại tiếng lòng " thì thầm lời nước mây kiều diễm " theo tiếng sóng, biết cùng tiếng sóng ca ngợi " lòng kiêu căng không bờ bến " với " nỗi buồn gớm ghê, niềm ngao ngán của một trái tim đau đớn bởi điên cuồng ".

" Huy Thông biết ghi cái vẻ mơ hồ của :

" Ngàn liễu nơi xa trong sương hồng chìm đắm ".

" Biết thổi khúc tiêu êm ái để buồn ca những lời tự tình của người tiêu bất tử thiết tha khuyên nhủ chàng mục đồng.

Những nỗi niềm âu yếm, nồng nàn và lòng yêu đương đằm thắm của một trái tim sớm đắm đuối vì tình, ông Huy Thông biết đem thả vào tiếng rộng rãi của gió trên bể bạc và thu vào trong vỏ hến nhỏ để người yêu nghe.

" Nhưng bao cái hay cái đẹp kia, tiếc thay chỉ là những hạt trai lóng lánh lẫn vào trong đống đá sỏi sù sì. Nếu ví thơ ông là bát chè thì người ăn chè là chúng ta đến thành móm hết ".

Nhưng cách đấy năm tháng, tức đến 24-5-1935, nơi Phong Hoá số 150, Lê Ta lại có một bài phê bình thơ mới của Huy Thông. Lần này, tuy có còn chê mát Huy Thông, nhưng Lê Ta đã dành nhiều chân tình cho Huy Thông. Phải chăng Huy Thông đã cộng tác với Phong Hoá. Đây lời Lê Ta :

" Gớm ! Làm gì mà ầm ĩ lên thế nhỉ ? Truyện tình tự là truyện kín đáo mới phải chứ, là những truyện một người yêu nói cho một người yêu nghe.

" Nói ở phòng riêng, bên bờ nước, ở nơi âm u, nơi tăm tối hay trong ánh trăng khuya.

" Nói bằng cái giọng nỉ non, êm ấm, dịu dàng hay khê nặc, hay khàn khàn như ống bơ rỉ, hay nặng nề như tiếng vịt đực, hay ồm ộp như tiếng ễnh ương...

" Nhưng mà người ta nói nhỏ.

" Nói nhỏ để cho những lời ở cái miệng đa tình lọt được vào cái tai đa tình,

" Thế thôi ! Chứ người ta không gào tướng lên cho bất cứ hòn đá nào với bất kỳ một " nhân vật " nào cũng nghe thấy được.

" Ông bạn Suối Đào của tôi lại không nghĩ thế.

" Bởi ông là suối. Là suối, nên ông róc rách, kể lại hết cả các tiếng cây, tiếng gió, điều hay truyện dở, và thiên tình sử rất đáng cảm động của cô Tần Ngọc với ông Huy Thông. Ông Huy Thông, " nhà thi sĩ đã bao nhiêu người biết tiếng và mến tài... ", ông Huy Thông mới 17 tuổi đã đổ tú tài triết học. Có lẽ từ xưa đến nay chưa từng thấy ai thông minh đến bực ấy ", ông Huy Thông là một nhà đẹp trai và " có vẻ một nhà thông thái với trán rộng và mái tóc bờm sơm ".

" Đó là lời trong bức thư cô Tần Ngọc mà cái suối bép xép kia một hôm đã nghe thấy. Rồi bây giờ đi học lại cho chúng ta cùng nghe (Trong Văn Học tạp chí đổi mới số 1).

" Suối Đào lại cho chúng ta nghe những lời tha thiết hơn, chân thật hơn trong những bức tình thư nồng nàn của một vị nữ lang mới mẻ vô cùng - là cô Tần Ngọc - Cô yêu ông Huy Thông lắm. Cô muốn gặp ông Huy Thông sau buổi chiếu bóng ở Palace lắm. Cô muốn cho ông Huy Thông không " lọ " lắm. Cô cũng muốn cho ông Huy Thông " làm mấy bài thơ đăng ở báo Phong Hoá để tặng " cô lắm...Trời ! Biết bao nhiêu lời cảm động, làm tê tái lòng ông Huy Thông đẹp trai lắm của tôi !

" Cả một truyện tình của một tài tử với một giai nhân. Một truyện tình riêng, nghĩa là chẳng có ích gì cho ai hết thảy.

" Vậy mà Suối Đào kể lại tường tận, rất chu đáo, rất có duyên nữa. Người thóc mách đến thế là cùng.

" Có lẽ là vì Suối Đào quá yêu Huy Thông nên không hề biết gì là giữ gìn, là dè dặt nữa. Ông này quá yêu ông nọ và muốn quảng cáo cho sự đẹp trai và sự... " đa tình " của tác giả tập " Yêu đương ". Có biết đâu rằng truyện thóc mách của Suối Đào sẽ làm cho ông Huy Thông và cô Tần Ngọc không bằng lòng.

" Tôi biết ông Huy Thông là người rất khiêm tốn không bao giờ ưa người ta nói đến tài của ông lắm, hay có ai nói thì không bao giờ ông đem khoe ai...Ông Huy Thông phải đâu là người chuộng sự phô trương trên mặt báo. Không, người thi sĩ của tôi ưa ca trong lầu vắng, và chỉ muốn để cho thiên hạ thấy có khúc nhạc réo rắt của mình thôi.

" Cô Tần Ngọc cũng vậy. Cô không muốn cho ai biết truyện riêng của cô. Tình yêu đối với cô là thứ tình kín đáo, mầu nhiệm. Cô yêu ông Huy Thông vì Huy Thông " đẹp trai có tài " chứ có phải vì để được người ta làm thơ tặng cô trên báo đâu. Khi cô xúi ông Huy Thông rằng :" Số Phong Hoá sau thế nào cũng có một bài thơ tặng tôi (cô Tần Ngọc) đấy " có phải là vì hiếu danh đâu ? Đó chỉ là một tấm tình yêu thiết tha, chân thực, nồng nàn và kín đáo...nhất là kín đáo.

" Ông Suối Đào thực không biết ý tứ một chút nào hết. Những điều kín đáo như thế mà đem nói toạc cả ra !

" Làm như ông Huy Thông cũng muốn đem việc riêng của ông ra công bố.

" Làm như ông Huy Thông đã thấy mình bất tử và thấy thiên tình sử kia đáng lưu lại hậu thế.

" Làm như ông Huy Thông mong mỏi cho người ta ca tụng cái tài thi sĩ, cái tài học, cái đẹp như thần tiên...

" Ông Huy Thông của tôi đọc bài của Suối Đào chắc bây giờ đang nổi giận ".

Cuộc cách mạng về thơ đã bùng ra ở Phụ Nữ Tân Văn với bài " Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ " ngày 10-3-1932, Phụ Nữ Tân Văn số 122.

Sau đó im bặt cho đến số 153 ra vào tháng 6 năm 1932, Lưu Trọng Lư, dưới tên giả cô Liên Hương, mới lên tiếng hưởng ứng Phan Khôi. Rồi hình như viên đá thứ hai của cô Liên Hương ấy cũng không gây được tiếng động nào trên cái hồ văn học Phụ Nữ. Tờ báo đầu tiên hưởng ứng nồng nhiệt là Phong Hoá của Tự Lực Văn Đoàn, chứ không phải báo Phụ Nữ Tân Văn của Phan Khôi, vì suốt năm 1932 Phụ Nữ Tân Văn không có một bài nào đề cập thêm về vấn đề thơ mới. Chưa hiểu nửa năm đầu 1933 thế nào, vì các thư viện mà tôi tra cứu thì thiếu những số từ Janvier 1933 đến Juin 1933.

An Điểm phê bình thơ mới trên Phụ Nữ Tân Văn
Nhưng từ Juillet 1933, thì trên Phụ Nữ Tân Văn thấy có nhiều bài đề cập đến thơ mới.

Ngày 6-7-1933 (P.N.T.V. số 207) An Điễm, viết bài " Lối thơ mới ". Theo An Điễm thì trên Phụ Nữ Tân Văn đã có phong trào thơ mới rồi và nó đã ảnh hưởng mạnh đến văn giới cả trong và ngoài Phụ Nữ Tân Văn :

" Thiệt, " lối thơ mới " là một cái khuynh hướng đương phát triển trong văn giới Annam.

" Không những là thơ lối " Manh Manh " đăng ở P.N.T.V. được nhiều độc giả hiểu ý nghĩa, tình tứ, mà hoan nghênh ; và nhiều thiếu niên thi sĩ bắt đầu bỏ thiên kiến mà sấn bước vào con đường mới lạ, đặt cảm tình tư tưởng vào khuôn mới, khác hẳn phạm vi Đường thi.

" Hình như nhiều giới thi sĩ khác ở ngoài cơ quan PNTV cũng hưởng ứng mà dạn dĩ đặt cho thi cảm của mình vào khuôn mới, khác nào thi nhau mà thách sự mai mỉa của hủ tục ".

Sau đó, An Điễm tuyên bố P.N.T.V. muốn giữ vai trò lãnh đạo phong trào thơ mới :

" Phụ Nữ Tân Văn muốn làm một cơ quan tiền quân cho nên trong sự sửa đổi khuôn khổ của thơ ta, cũng như trong mọi vấn đề kinh tế xã hội, thoát ra ngoài thiên kiến, mà dạn dĩ gọi bạn làm thơ đi vào con đường mới con đường mới hợp với sự sanh tồn mới.

" Khuynh hướng trong vài giới thi sĩ xứ ta đã thay đổi, thế là bạn làm thơ không phải lãnh đạm đối với kẻ thanh niên thi sĩ của báo Phụ Nữ Tân Văn.

" Ước gì các bạn sẽ tiến mau cho đến ngày đánh vỡ được thành trì giam hãm làm sỉ hổ tình tứ của nhà mỹ thuật là luật nhà Đường ; " hồn thơ " trong xứ ta sẽ có cơ tới gần cái thiệt tế hơn " .

Thạch Lam phê bình thơ mới của Hồ Văn Hảo
Ngày 20-7-1933, P.N.T.V. số 208, Thạch Lam, trong bài " Lối thơ mới " đã giới thiệu bài thơ " Con nhà thất nghiệp " của Hồ Văn Hảo :

" Thanh niên thi sĩ Hồ Văn Hảo ra mắt bạn đọc báo lần này là lần thứ hai. Hai lần thách sự mỉa mai của hủ tục, sự áp chế của kỷ luật nhà Đường ; hai lần tỏ ra một sự tiến bộ lớn.

" Lần đầu trong " P.N. " kỳ số 205, ra ngày 22 Juin vừa rồi thi sĩ Hồ " Tự tình với trăng ".

. . . . .

" Hôm nay xem bài thơ sau này, các bạn sẽ có dịp cùng chúng tôi nhận một sự tiến bộ lớn ".

CON NHÀ THẤT NGHIỆP
" Ngọn đèn leo lét,
Xác xơ một nóc nhà tranh ;
Trên chiếu tan tành,
Một trẻ thơ nằm im, xanh mét...
. . . . . . . . .
Ngoài, trời mưa xào xạt ;
Gió tạt
Vào, vách thưa
Mấy hạt mưa
Mảnh mùng tơi tan tác...
. . . . . . . . .
Lạnh lùng đứa bé
" Cựa mình, cất tiếng ho rang,
Người mẹ vội vàng
Vuốt ve rằng :" nín đi con nhé !
. . . . . . . . .
Cha con gần về tới,
Con ôi,
Nín đi nào ! "
Dạ như bầu,
Miệng cười, hàng lệ xối
Cánh cửa tre từ từ mở
. . . . . . . . .
Một luồng gió lạnh chen vô.
Đèn vụt tắt ; tối mò...
Ai đó ?
Ai ? Mình về đây...
. . . . . . . . .
Chút nữa đã bị còng ;
Mới chun vào, họ la : ăn trộm !
Nếu chân không chạy sớm,
Mặt vợ con còn thấy chi mong !
. . . . . . . . .
Thôi ! bây giờ tiền đâu mua thuốc
Cho con ; chết nỗi đi Trời !
Túng quá mới ra nghề nhơ nhuốc.
Chắc mai đây nhịn đói lắm, mình ơi !
Hồi làm cu li,
Đến mua, tiệm còn bán chịu ;
Nay sở đã đuổi ra, thì
Một đồng điếu
Họ cũng bảo : đi !
. . . . . . . . .
Âm thầm, vợ đốt đèn dầu
Ra chiều buồn bã.
Chồng quên lạnh dạ.
Ngồi thở ra, chắt lưỡi lắc đầu.
. . . . . . . . .
Ngoài, vẫn mưa xào xạt
Trong, đứa bé ho rang...
Ngọn đèn tàn
Hết dầu nên lu lạt... "
. . . . . . . . .
Đó là một trong những bài thơ mới của khoảng giữa năm 1933 nghĩa là một năm sau bài Tình Già (10-3-1932).
Cô Nguyễn Thị Kiêm bênh thơ mới
Thơ mới tuy phát xuất từ Nam Kỳ với Phan Khôi, là người Trung, nhưng dư luận học giới Nam kỳ lúc ấy cũng phân tán lắm. Nguyễn Văn Hanh phản đối chống thơ mới bao nhiêu thì cô Nguyễn Thị Kiêm, bút hiệu Nguyễn Thị Manh Manh sốt sắng bênh vực thơ mới bấy nhiêu. Ngày 26 Juillet 1933, cô  Nguyễn Thị Kiêm diễn thuyết bênh vực thơ mới tại hội Khuyến học Saigon. Theo Phụ Nữ Tân Văn số 211 ra ngày 10-8-1933, số đăng bài diễn thuyết của cô Nguyễn Thị Kiêm thì cô Kiêm nói truyện lâu trong tiếng rưỡi đồng hồ " mà vì ứng khẩu mà diễn " cho nên báo Phụ Nữ Tân Văn chỉ thuật lại được những đoạn cốt yếu.

Vì bài diễn thuyết này gây xúc động mạnh trong thi giới miền Nam, nên ta cần biết qua về bài diễn văn này. Đây các bạn nghe cô Nguyễn Thị Kiêm nói truyện về thơ mới :

" Trước khi nói về vấn đề thơ mới tôi xin thử giải thơ là gì. Thơ là một danh từ để chỉ chung các vận văn. Làm thơ là gì ? Làm thơ tức là lựa một vận văn trong các thứ vận văn, hay là đặt ra một vận văn để phô tả tánh tình, ý tưởng của mình, những quan niệm của mình đối với sự đời, với vũ trụ, những cảnh vật, những hiện tượng của sự sống.

" Thi sĩ An nam hồi nào tới bây giờ thường dùng ba lối thơ : thơ Đường luật ; lục bát ; song thất lục bát. Không kể thơ Đường luật, là thơ của người Tàu, ta chỉ có hai lối thơ sau, còn bao nhiêu lối khác chỉ cho chung về điệu ca (như hát sẩm, hát nhà trò vân vân...). Phần nhiều thơ Đường luật là thơ tả tình cảm về thân thế của tác giả, còn thơ lục bát và song thất lục bát thì hay thiên về lối tả cảnh, thuật truyện (Style narratif).

" Thơ Đường luật là một lối thơ rất bó buộc về từng câu từng chữ, chặt chịa về luật bình trắc, về phép đối câu, đối chữ. Vì khuôn khổ luật phép phiền phức nên người làm thơ Đường luật phải ở trong một phạm vi eo hẹp lúng túng, hễ cảm hứng ra bài nào thì câu văn như nhái lại mấy trăm bài khác ; còn ý tưởng thì dường như đã có nhiều người " phát minh " ra trước rồi. Bằng muốn bỏ hết mấy " sáo cũ ", diễn những tư tưởng mới mẻ thì không trúng khuôn khổ. Ta có thể nói rằng thơ Đường luật không dùng được nữa, vì bao nhiêu cái đề hay, bao nhiêu cái ý tưởng sâu, đều đã có một hạng thi sĩ tài đời xưa, phô tả hết rồi, người sau đây vì cái vòng niêm luật ấy, phải lập lại câu cũ ý xưa mà thôi, thành ra lời văn không thích hạp với sự đời bây giờ mà ý tưởng thì không tả ra hết được.

" Hai lối sau, lục bát và song thất lục bát thì giản dị hơn : cách đặt câu định vần cũng không cần phải đối, phải hạn câu. Tuy vậy, về nội dung của nó, ý tưởng ít bị khép hơn thơ Đường luật, song cái hình thức cũng còn ép ta phải lập những sáo cũ.

" Muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ mà bị " đẹt " mất thì rất cần phải có một lối thơ khác, do lề lối nguyên tắc rộng rãi hơn. Thơ này khác hơn lối xưa nên gọi là thơ mới.

" Năm ngoái, trong báo Phụ Nữ Tân Văn, ông Phan Khôi " trình trong làng thơ " một lối thơ mới, nhưng ông cũng kể rằng, mười năm trước, có một thiếu niên thi sĩ ở Hà Nội có sáng kiến này đầu nhứt. Chưa thấy được bài thơ mới đầu nhứt, tôi chỉ đọc bài thơ " Tình già " của ông Phan Khôi.

" Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa, dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở vv... "

" Bài thơ này ít người thích. Người ta cho nó là dài lắm và không có nguyên tắc. Thật, về hình thức thì bài

" Tình già " không được gọn, nhưng về nội dung, tình tứ giãi ra một cách rõ ràng, dễ hiểu mà thật thà. Chỉ đọc qua là nghe khác hẳn lối thơ xưa, có vẻ thiết thực và cảm hoá được người đọc. Chính ông Khôi đã nói đó là một lối thơ làm thử (un essai) cốt đem tình tứ có thật trong tâm hồn mình mà tỏ ra bằng những câu thơ có vận chớ chẳng buộc niêm luật, hạn câu chi hết. "

" Sau ông Phan Khôi chẳng bao lâu, báo Phụ Nữ Tãn Văn có đăng bài hưởng ứng lối thơ mới của cô Liên Hương (Trung Kỳ) và một bài thơ mới của ông Lưu Trọng Lư sau đây :

TRÊN ĐƯỜNG ĐỜI :
Lần bước tiếng gieo thầm, bóng ai kia lủi thủi?
Lẳng lặng với sương gieo im đìm cùng gió thổi,
Không tiếng, không tâm, không thưa không hỏi.
Không hát, không cười, không than, không tủi.
Lận đận với năm canh, bóng ai kia lủi thủi.
(P.N.T.V. số 211, 10-8-1933)
" Tôi chắc là bài " Trên đường đời " được nhiều người thích hơn bài " Tình già ". Câu văn bài sau nghe thâm trầm, có nhịp có vần hơn, song nên để ý rằng ý nghĩa của bài này không rõ rệt hơn bài trước mà lại có hơi mờ ám. Nhưng phải biết rằng bài này rút trong một tiểu thuyết (Hai cái thời đại) chớ chẳng phải một bài thơ riêng, vậy muốn hiểu nghĩa của nó phải biết chuyện trong tiểu thuyết hay là hiểu sơ bài ấy nói về khúc nào trong tiểu thuyết. Theo ý tôi là người chưa đọc quyển tiểu thuyết kia, đọc bài " Trên đường đời ", định phỏng rằng tác giả (ông Lưu Trọng Lư) muốn tả thân cô độc, đau khổ, của một người trên đường đời có khác nào một bóng người âm thầm đi một mình trong cái đêm tối. . . . . . .

. . . . . . . . .

" Bài " Trên đường đời " không gọi được là một bài vì nó vắn lắm, sau nầy khó làm mẫu để tỏ tư tưởng khác, chỉ kêu là một khúc trong một bài (une strophe). Bây giờ muốn làm ra một bài một điệu thì nên thêm một khúc nữa tương tự mẫu khúc trên rồi hai khúc sau chỉ có bốn câu hay ba câu tùy ý, như vậy hình thức điệu này rõ rệt, chắc chắn, có hơi giống điệu sonnet của thơ Pháp. (Đọc một sonnet Pháp). Đây là tôi bày một ý kiến cho các thi sĩ (une proposition) chớ không phải nói ông Lưu Trọng Lư bắt chước theo thơ Pháp mà các ngài hòng la lên :

" Bỏ thơ Tàu lại vớ thơ Tây !

" Sau bài " Trên đường đời " còn có một lối thơ mới. Tác giả Ký Thanh Tâm (không biết của ông hay là bà nào) gởi đăng báo P.N.T.V.

" Tôi thử đọc bài này, tựa là " Vắng khách thơ ". Hình thức bài này chia rõ ra ba phần : phần đầu : Xuân năm ngoái, phần thứ nhì : ly biệt, phần thứ ba : Xuân năm nay : ý tưởng rõ rệt dễ hiểu. Nên để ý rằng bài nói về sự buồn (ly biệt, nhớ thương) mà câu văn lại gọn gàng, phe phẩy như nhảy nhót (style sautillant) vì tại câu văn vắn, chấm phết nhiều. Thành ra đọc bài " Vắng khách thơ " xong, người đọc sẽ la :" cái bài ngộ nghĩnh quá ! " chớ không có cảm tưởng buồn. Đây, ta thấy rõ cái hình thức bài văn có quan hệ lớn đối với nội dung.

" Đó là ba bài thơ mới đầu hết mà ít có ai để ý tới. Bây giờ tôi sẽ bàn đến thơ mới sau này, của tôi và bạn hưởng ứng như Hồ Văn Hảo, Khắc Minh vân vân là bọn người làm đại náo trong làng thơ.

" Đầu năm ngoái, trong số báo mùa xuân của Phụ Nữ Tân Văn, có bài thơ mới đầu nhứt của tôi, tựa là " Viếng phòng vắng " (Đọc bài thơ) tả những tư tưởng của người khách, đến một phòng xưa, phòng của người bạn yêu đã quá cố. Bài này thấy rõ rệt 7 strophes, mỗi strophe giống nhau, strophe đầu và trong strophe chót hơi đồng chữ mà khác ý. Khúc đầu và khúc chót :

Gió lọt phòng không Gió lọt phòng không
Tạt hơi đông Tạt hơi đông
Lạnh như đồng. Lạnh như đồng.
Ngồi mơ tưởng... Ngồi mơ tưởng..
Ngày xưa phất phưởng Tình xưa phất phưởng
Dấy động tơ lòng Ấm dịu cõi lòng.
" Một khúc có 6 câu. Câu thứ 1 và 5, 6, thì mỗi câu có bốn chữ, câu 2, 3, 4 mỗi câu có 3 chữ. Vận thì câu 1, 2, 3, 6 ăn nhịp với nhau ; 4, 5 vần với nhau. Khúc đầu là nhập đề liền, lại là cái giàn cảnh : Người khách đến viếng phòng vắng, ngồi trong phòng. Cửa phòng mở he hé, luồng gió lạnh tạt vào làm cho khách rúng động ; tưởng ngày xưa phất phưởng ; lòng lại bồi hồi. Khúc thứ 2, 3, 4, 5, 6 tả những tư tưởng của khách. Do theo mấy tư tưởng ấy, ta có thể thấy cái phòng không.
Trải đã mấy trăng
Hỡi nhện giăng,
Với rêu lan,
Tấm vách cũ...
Từ khi người chủ
Một giấc lặng trang ?
" Khúc chót là cái kết luận của mấy tư tưởng nọ, là cái tâm hồn (état d'âme) của người khách sau khi ôn truyện xưa nhớ người xưa...Tình xưa phất phưởng, ấm dịu cõi lòng.

" Sau bài này, tôi cũng theo điệu này mà viết một bài khác, tựa là " Thơ gửi cho em Vân " (đọc và cắt nghĩa bài sau...). Còn đây là là một điệu khác. Điệu này tôi có làm hai bài " Canh tàn " và " Mộng du " (đọc hai bài ấy). Tôi xin chép một bài ra đây để tiện chỉ cách đặt.

CANH TÀN
Em ơi, nghe lóng nghe
Gió đêm thoáng qua cửa,
Lụn tàn một góc lửa,
Lạnh ngắt chốn buồng the !
. . . . .
Gió đêm thoáng qua cửa...
Não dạ, dế tỉ te.
Lạnh ngắt chốn buồng the.
Em ôi, khêu chút lữa,
. . . . .
Não dạ, dế tỉ te.
Gió ru... "  thiết chi nữa ! "
Em ôi, khêu chút lữa,
Rồi lại ngồi đây nghe
. . . . .
Gió ru... "  thiết chi nữa ! "
Sụt sùi mấy cành tre...
Em ngồi đây có nghe.
Tơ lòng chị đứt nữa ?...
Bài này có 4 khúc, mỗi khúc 4 câu, mỗi câu 5 chữ. Khác là câu thứ 2 và 4 của khúc trước đem vô khúc kế làm ra câu thứ 1 và 3. Tôi ngụ ý đặt điệu này theo bài (... Soir) của thi sĩ Pháp Charles Baudelaire. (Đọc bài ấy) có mấy câu lập đi lập lại. Không phài là túng vận hay là chỉ để êm tai, mà thật là cái dụng ý để tả cái buồn, một cái ý tuởng đang vấn vít theo mãi.

" Trong một điệu khác, tôi cũng dùng lối lập đi lập lại câu văn, nhưng cái dụng ý lại khác và vấn đề bài cũng khác xa bài này. Ấy là bài " Hai cô thiếu nữ " (đọc bài ấy).

" Bài này cũng có nhiều khúc. Mỗi đoạn có 4 câu, câu 1 và 3 có 7 chữ, câu 2 và 4 có 8 chữ. Câu 1 và 9 là câu lập lại. Cái đề là " Hai cô thiếu nữ " thì bài này chỉ thuật chuyện hai cô thiếu nữ, tác giả không để mình vô trong đó, không nói cảm tưởng của mình, cũng không phê bình câu chuyện ; để cho mặc ý người đọc phán đoán.

Hai cô thiếu nữ đi ra đồng ;
(Một cô ở chợ một cô ở đồng)
Hai cô thiếu nữ đi ra đồng,
Một mảnh lụa hồng, một vóc vải đen.
" Mấy câu lập lại vừa là cái giây liên lạc (lien de transition) trong bài vừa là cái điệu riêng của bài. Có nhiều người cho rằng lập lại câu văn là đỡ kiếm vần và dễ làm lắm, kéo dài bao nhiêu cũng được, làm mấy chục bài như vậy cũng được. Tha hồ cho mấy ông cứ làm ! Nhưng lập lại câu văn như trong bài " Canh tàn " và bài " Hai cô thiếu nữ " mà không khéo lập, cho ăn nhập với câu trên câu dưới, thì mấy câu lập đi lập lại sẽ làm " nghẹt " bài thơ, lui không lui, tới không tới, khác nào người dui là chàng " Vân Tiên cõng mẹ " vô không vô mà ra không ra. Tôi nói như vầy là có một bài thơ ngộ nghĩnh, giọng khôi hài, không biết tác giả là ai, hình như của Cổ Nguyệt Nguyên thì phải.
Vân Tiên cõng mẹ trở ra,
Đụng lấy cột nhà cõng mẹ trở vô.
Vân Tiên cõng mẹ trở vô,
Đụng lấy cột bồ cõng mẹ trở ra.
Vân Tiên cõng mẹ trở ra... vân vân... "
" Tôi cũng có dùng lối song thất lục bát, rồi xen một lối vận khác vào, để thành ra một lối thơ mới như trong bài " Sa đàn " (đọc và chỉ nguyên tắc bài ấy).

" Gần đây người mình có dịch văn Pháp nhiều lắm. Dịch ra bằng lối bát cú, tứ cú cũng có, lối lục bát, song thất lục bát cũng có. Song hai lối sau thường dùng hơn vì theo hình thức, dễ phô tả ý tưởng của tác giả hơn hai lối nọ. Dịch các thơ Tây bằng lối song thất lục bát tôi chẳng nóigì, đến như dịch mấy bài thơ của thi sĩ Pháp Paul Verlaine là một lối thơ đặc biệt quá mà dịch bằng lối lục bát thì không trúng ý tác giả. Ông Verlaine muốn cho thơ đặt làm sao mà đọc nghe như tiếng đờn. Thế nên ông có một lối văn riêng. Nhưng vậy, không phải thơ ấy không có nghĩa. Đọc nghe êm ái mà lại cho người " thấy " được thưởng thức được cảm giác khác.

" Tôi xin đọc hai bài thơ của ông, hai bài này có nhiều dịch giả (đọc bài La lune blanche và Chanson dautomne). Rồi bây giờ tôi đọc mấy dịch văn. Đây là bài " Khúc ca hay " (La bonne chanson hay là La lune blanche) của ông Phạm Đình Nguyên dịch " Khúc ca hay " theo lối lục bát, lời văn hay, ý tưởng trúng, nhưng lối lục bát khác với lối văn riêng của Verlaine quá thành ra không tả hết cái hay. Bây giờ tôi đọc bài " Vầng trăng bạc " của ông Đào Thanh Phước cũng dịch bài La lune blanche mà dịch bằng lối thơ mới. Tôi cũng xin đọc hai bài dịch " Chanson dautomne " của hai ông Đào Thanh Phước và Dương Quang, bằng một lối thơ mới, ý tưởng trúng mà câu văn dồi dào có lẽ đạt được ý muốn của tác giả. Nãy giờ tôi nói đến dịch văn tây là có ý tỏ rằng với lối thơ mới người ta sẽ dịch được nhiều bài hay.

" Trước khi dứt câu chuyện thơ mới, tôi xin bàn đến vài bài thơ mới của thi sĩ Hồ Văn Hảo. Tiếc rằng tôi không đủ thời giờ để nói đến các bạn hưởng ứng khác như Khắc Minh vân vân ... Bài thơ của Hồ Văn Hảo là " Tự tình với trăng " (đọc và chỉ nguyên tắc bài ấy) câu văn thật êm đềm mà rõ rệt, người xem bài này có thể vẽ ra một cảnh.

Màn trời ai vén,
Để chị Hằng mặt thẹn đỏ tươi tươi
Một nụ cười,
Ra chiều xẻn lẻn...
" Tiếc là ý tưởng bài này có hơi cũ, tác giả chê cõi đời là " bể khổ trầm luân " không thiết gì đến đời, muốn lên ở cung trăng cho êm tịnh.

" Nhưng bài sau thì lại khác hẳn. Ấy là bài " Con nhà thất nghiệp " mà người ta cho là chẳng phải thơ. Chỉ vì chẳng phải than thân trách phận, tả cảnh hoa tàn, nguyệt xế, suối chảy chim ngâm mà là một cảnh thiết thực, một cảnh khổ có thực trong đời : người thất nghiệp.

" Có lẽ trong thơ văn, người cu li ờ trần quần vẫn là một động vật không có gì lãng mạn chăng ? Có lẽ cái bi kịch một người nghèo khổ phải đi ăn trộm " hụt ", chúng ta hay được la " ăn trộm " ! rồi anh chạy trốn, kịch ấy không có gì lạ, đáng để ý chăng ? (đọc bài " Con nhà thất nghiệp " và phê bình).

" Kết luận tôi xin nhắc rằng chúng tôi chẳng hề nói mình đặt ra những " thơ mới " hoàn toàn xuất sắc bao giờ, chỉ mong rằng lối thơ mới được nhiều người dể ý đến và nó có thể trở nên một lối thơ thông dụng để tả một cách thiết thực rõ ràng những thi cảm của các nhà thi sĩ hiện thời. "

Phụ Nữ Tân Văn bênh thơ mới
Cô Nguyễn Thị Kiêm diễn thuyết ngày 26 Juillet 1933. Bài diễn thuyết của cô tuy mãi sau này mới đăng lên Phụ Nữ Tân Văn số 211 (10-8-1933) đoạn đầu và đoạn sau mãi đến số 213 (24-8-1933) mới đăng hết, bài diễn thuyết ấy đã được báo Phụ Nữ tường thuật ngay từ số 210 và liên tiếp các số sau.

Nơi số 210 (3-8-1933), nghĩa là một tuần sau khi cô Kiêm đọc diễn văn, bài xã thuyết của trang nhất tựa là " Đáp lại một cuộc bút chiến " tác giả ký Phụ Nữ Tân Văn đã cực tán dương cô Kiêm như là người đầu tiên dám can đảm dạn dĩ đi " hẳn vào con đường mới, không quản sự mỉa mai của nhiều người thủ cựu " (P.N.T.V. số 210) :

" Cô Nguyễn Thị Kiêm đã diễn thuyết ở hội Khuyến học Saigon về lối thơ mới.

" Tất cả bạn độc giả có xem qua cuộc bút chiến to tát của vài tờ báo đối với thơ mới đăng ở Phụ Nữ Tân Văn sẽ nhận được ý nghĩa cuộc diễn thuyết này.

" Vài năm nay, đành rằng vẫn có nhiều người bảo phải bỏ những khuôn khổ cũ trong thi ca An nam, vì nó không còn thích hạp với tình tứ và tư tưởng của thi sĩ đời nay, là đời điển khí.

" Có người cũng đã bắt chước lối tây hay là tự ý bày ra lối mới để làm thử một hai bài thơ.

" Nhưng, thật ra, chưa có thi sĩ nào dạn dĩ bước hẳn vào con đường mới, không quản sự mai mỉa của " nhiều người thủ cựu ".

" Không ai có thể cãi rằng cô Nguyễn thị Manh Manh đã đem thi cảm thật mà đặt vào khuôn khổ mới, tỏ ra là một tân nhân vật chịu ảnh hưởng trực tiếp của thơ Tây.

" Người nào chịu bỏ thiên kiến không kể những lời chế diễu quá dễ dàng của vài ông túng " câu chuyện hằng ngày " ; người nào có huấn luyện về văn thơ, người nào chịu khó suy nghĩ trong khi đọc, tất nhận được thi cảm trong những bài thơ mới của cô Nguyễn, và đã tự hiểu rằng : tinh tứ mới cần diễn ra trong thơ mới . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

" Cô Nguyễn đã tỏ ra quan niệm mới đối với thơ vần ; cô lại là người có thi cảm cho nên sự sáng kiến của cô có ảnh hưởng và nhơn đó mà sinh bất tiện cho cô. Ta cứ xem cuộc bút chiến to lớn và phi thường về thơ lối mới thì đủ biết.

" Người thi sĩ của báo P.N.T.V. đối phó với sức phản động ra thể nào ?

" Cô đã đăng dàn diễn thuyết để đáp lại những lời chỉ trích ; cô đã tỏ ra nghị lực phấn đấu một cách rõ rệt.

" Thái độ của bạn nữ lưu nầy sẽ có ảnh hưởng hay cho vận động phụ nữ ; bạn đàn bà có thể tự phụ vì cô Nguyễn đã dạn dĩ phấn đấu như thế ! chúng tôi xin chị em lưu ý tới thái độ của bạn nữ biên tập chỉ là vì cơ vận động phụ nữ ; chúng tôi nêu mục này ở mục xã thuyết là vì cái ảnh hưởng của nó đối với trào lưu phụ nữ, chớ không phải vì nhà diễn thuyết là bạn của chúng tôi đâu.

" Chị em đọc báo tất đã nhận chủ tâm của chúng tôi "...(Phụ Nữ Tân Văn số 210, 3-8-1933).

Các bạn nên ghi nhận kỹ lưỡng đoạn văn trên đây. Nó không phải của một nhà văn nào nhận định về cô Kiêm, về thơ mới, về cuộc tranh luận giữa thơ cũ thơ mới, mà nó là bài xã thuyết, bài lập trường của báo Phụ Nữ, tức là nó nằm ở trong chính sách, nằm trong đường lối của Phụ Nữ Tân Văn.

Huấn Minh ca ngợi thơ mới của cô Kiêm
Rồi cũng trong số 210 này, sau bài lập trường kể trên đây, còn có một bài tường thuật của Huấn Minh tựa là " Cô Nguyễn Thị Kiêm diễn thuyết tại hội Khuyến Học về LỐI THƠ MỚI ". Đây là một bài tường thuật rất có ý nghĩa, bởi nó hợp với điều mà Ngộ Không đã tường thuật ở Phong Hoá nghĩa là nó tố cáo sự hăng say của văn giới đối với vấn đề. Trong bài tường thuật này Huấn Minh đã ghi nhận bảy điểm bằng bảy tựa đề in chữ to :

1. Tựa đề thứ nhất " Cuộc diễn thuyết về lối thơ mới ". Huấn Minh ghi :" Một tuần lễ nay, đi đến đâu cũng nghe bàn bạc về " lối thơ mới " của cô Nguyễn Thị Manh Manh, và cuộc diễn thuyết về lối này.
Văn sĩ Tần Việt và nữ sĩ Tịnh Đế dùng lối trào phúng mà biên " nhàn đàm " và " câu chuyện hàng ngày để kích bác Nguyễn nữ sĩ, tự nhiên làm cho công chúng chú ý tới cuộc diễn thuyết của bạn chúng tôi.

" Cuộc diễn thuyết này là một lời thanh minh ; nó mở ra trong văn học xứ này một trương mới ; nó có hai đặc sắc. Một lần đầu, ở xứ này có cuộc tranh biệt kịch liệt về thơ, về khuôn khổ cũ và mới, lần này là lần thứ nhứt, một thiếu niên nữ sĩ đứng ở trước chỗ đông người làm án một bọn văn sĩ thủ cựu ".

2. Tựa đề hai " Đông nhứt các buổi hội ". Huấn Minh ghi :" Buổi diễn thuyết tối hôm thứ tư 26 Juillet vừa rồi được đông người nghe nhứt...

" Tân Việt và bọn của ông ngồi rải rác các nơi, tức là đại biểu cho sức phản động. Trong thi giới cũng như trong các phạm vi khác vẫn có lắm kẻ bảo thủ ".

Điều ghi nhận ông Tân Việt và bọn ông kéo nhau đi để phá cô Kiêm là điểm các bạn nên ghi chú.

3. Tựa đề ba " Thơ hăm dọa ", Huấn Minh ghi :" Cô Nguyễn Thị Kiêm tới hội quán ! Người trong hội trao lại cho cô một xấp dày những thơ hăm dọa ".

Điều ghi chú này lại càng là một điểm độc đáo, tố cáo vấn đề gay go đến mức độ nào.

4. Tựa đề bốn "  Từ hai mươi lăm năm nay ! ", Huấn Minh ghi :" 8 giờ rưỡi ! ông hội trưởng hội Khuyến học, đốc tơ Trần Văn Đôn, đứng ra giới thiệu nữ diễn giả.

- " Hội Khuyến học có đã hai mươi lăm năm nay : lần này là lần thứ nhứt, một người phụ nữ đăng đàn ! "

5. Tựa đề năm " Diễn giả nói một tiếng rưỡi đồng hồ ", Huấn Minh ghi :" Cô Nguyễn nói về lối thơ mới. Cô bác những lời nghị luận vô giá trị của ông Tân Việt và cô Tịnh Đế, vân vân, bảo rằng những thơ cô cho đăng trên báo P.N.T.V. không niêm luật. Cô giải thích chữ thơ...

" Cô giải rõ ràng vì sao mà phải bỏ khuôn khổ cũ, không phải vì phạm vi 8 câu 56 chữ không thể giúp cho thi sĩ diễn tả cái thiệt tế ngày nay, bày rõ vấn đề sự sống, cho đến những lối cũ mà hơi rộng hơn là lối lục bát và song thất lục bát cũng không thể làm khuôn cho tình tứ mới được.-Lời quả quyết này quả đúng sự thật ! "

. . . . . . . . . . . .

6. Tựa đề sáu " Thái độ của người phản đối ", Huấn Minh ghi :" Tuy những nhà phản đối cô Nguyễn đã cao rao là sẽ xin đứng lên phản đối cô tại hội quán, mà họ vẫn ngồi im...Diễn được một tiếng đồng hồ thì chừng mươi người trong bọn phản đối ấy rút về êm. "

7. Tựa đề bảy : " Cảm giác ", Huấn Minh ghi :" Trừ những kẻ tật đố, còn thì ai cũng nhận rằng buổi diễn thuyết hôm thứ tư rồi có ảnh hưởng tốt trong mọi đường.

" Dầu sao, lối thơ mới đã chiếm được quyền sống còn trong văn học An Nam.

" Hết thảy bạn nam nữ thấy cô Nguyễn nhận chơn trách cứ của mình và cổ động cho cuộc biến đổi trong thi giới như vậy Có người đã gọi là một cuộc cách mạng trong làng thơ, - đều hưng khởi trong lòng.

" Văn sĩ An nam phần đông rất lãnh đạm với mọi sự biến đổi, nhờ cử động cương quyết của cô Nguyễn kích thích mà sẽ đổi thái độ của mình ". (P.N.T.V. số 210, 3-8-1933)

Chủ nhiệm Phụ Nữ Tân Văn ca ngợi thơ mới
Cũng trong P.N.T.V. số 210, sau bài của Huấn Minh, chính bà chủ nhiệm Nguyễn Đức Nhuận cũng có bài " Nghe cô Nguyễn Thị Kiêm diễn thuyết ". Các bạn có thể ghi mấy dòng tiêu biểu hơn sau đây :" Một người thiếu nữ đứng trước gần ba trăm thính giả nam nữ mà giảng về thơ, văn chương, cắt nghĩa chức vụ của thơ là thế nào, thỉnh thoảng cầm mấy tờ để đọc những lời chỉ trích của bạn đồng nghiệp mà thái độ rất tự nhiên, rất vững vàng !

" Cái quang cảnh ấy làm cho lời nói của bác sĩ Trần thêm có ý nghĩa.

" Hội Khuyến học ra đời hai mươi lăm năm nay, mới có lần diễn thuyết này diễn giả là một người thiếu nữ ! Một người thiếu nữ có tư tưởng, có văn tài. Một người thiếu nữ đã dám bảo rằng phải bỏ những khuôn khổ cũ của thơ ta, phải ngâm vịnh trong khuôn khổ mới !

" Một người thiếu nữ chống lại bao nhiêu nhà thủ cựu trong thi giới mà nói rằng cần phải tả sự thật đời nay trong khuôn khổ rộng hơn khuôn khổ Đường thi.

" Một người thiếu nữ dám ca tụng những thơ rất mới như là bài " Con nhà thất nghiệp " của thi sĩ Hồ Văn Hảo, làm cho bọn công kích thơ mới khó chịu phải kéo nhau ra về !

" Quang cảnh hay thay !

" Tôi ước ao các ngài phản đối lối thơ mới cứ tha hồ phản đối, nhưng giữ phép lịch sự đối với một nữ đồng nghiệp đã dạn dĩ đi vào con đường mới lạ.

. . . . . . . . . . . .

" Nếu các ông chịu nhận như vậy rồi đem sự tranh luận về lối thơ mới lên trình độ cao, chớ không nói pha lửng về " bài thơ con cóc " một cách vô vị, thì các ông sẽ được người nghịch nể vì ".

Sau cùng, cũng ở P.N.T.V. số 210, còn có bài " Lối thơ mới " của Thanh Lan (ký tên T.L.) giới thiệu bài thơ " Tình thâm " của Hồ Văn Hảo. Thanh Lan nhận định cái gì ở xã hội ta cũng đang đổi mới. Mà theo tác giả, về sự đổi mới của văn vần, có người chỉ muốn đổi mới về nội dung còn giữ y nguyên hình thức cũ. Thanh Lan không chịu thế :" Những sự biến đổi kịch liệt trong xã hội An Nam về kinh tế và chánh trị đã có vang bóng trong văn chương An Nam.

" Về văn xuôi, lối văn đối từng câu từng vế, luộm thuộm lòng thòng, dần dần thối bộ để nhường chỗ cho lối văn mới, hợp với đời mới này hơn.

" Về văn vần, tuy rằng thơ của các thi sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, Hồ Văn Hảo, Khắc Minh và các bạn khác nữa đăng ở Phụ Nữ Tân Văn vẫn còn đương bị chỉ trích dữ, nhưng số độc giả đã đổi thị hiếu mà cảm biết cái thi vị của lối này mỗi ngày mỗi đông.

" Kẻ bảo thủ thấy mỉnh có mòi thất bại, thì đổi chiến sách. Bấy giờ họ bảo rằng :

" Đã đành là thi sĩ phải diễn cái thiệt tế mới trong xã hội, nhưng can chi lại phải bỏ lối thơ Đường luật là lối thơ đã từng nhờ những bài thơ tuyệt bút của bao nhiêu thi sĩ đời xưa mà nổi danh ? Can chi mà đổi cái hình thức ? Chỉ vụ tất ở hình thức chẳng là nông nổi lắm ru ? Chi bằng ta lo về nội dung, nghĩa là cứ diễn đạt tư tưởng và cảm tình mới trong khuôn khổ cũ.

" Tôi xin đáp ngay với người phản động :

- Hình thức và nội dung quan hệ cùng nhau mật thiết lắm.

" Cái áo đà không đủ tỏ là kẻ tu hành chân chính (lhabit ne fait pas le moine) ; nhưng mà cái áo đà (hình thức) cũng đã tỏ ra một cái tinh thần (nội dung) đặc biệt. Vì, quả nhiên, người mặc áo đà có tâm lý khác với người vận y phục thường. Dầu không phải là thầy tu chân chánh chăng nữa người vận áo đà vẫn không phải tâm lý như người thông thường.

" Nói thiết thực hơn về vấn đề thơ mới, thi sĩ nào có tình tứ mới mà chịu diễn đạt trong khuôn tám câu năm mươi sáu chữ, thì sẽ thấy kết quả nầy.

" Tình tứ thật của mình không thấy phát biểu ra được, mà chỉ thấy mình nói những lời mình không muốn nói. Cái khuôn khổ cũ giam mình trong một hoàn cảnh không thật ".

Tác giả L.Đ ca ngợi thơ mới
Ngày 7 tháng 9 năm 1933 (P.N.T.V. số 215), một tác giả khác, ký tên L.Đ. đã viết bài " Nên bàn về lối thơ mới ". Bài " Nên bàn về lối thơ mới " đã được báo Phụ Nữ Tân Văn giới thiệu như thế này :

" Bổn báo đăng bài sau này của ông L.Đ. để mở đường tranh luận về lối " thơ mới " trong tập báo này. Phụ Nữ Tân Văn không thể làm cơ quan cho đảng phái chánh trị hay là văn học nào hết ; trên tờ báo chúng tôi có thể đăng bài tả ra những khuynh hướng khác nhau để cho công chúng tranh biện rồi tự kết luận lấy ". B.B.

Bài này, trước hết, thuật lại nền học của Việt Nam từ đầu, là một nền học lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Hoa cho nên các kỹ thuật làm thơ viết văn, nhất thiết đều bắt chước Tàu :

" Nước ta từ xưa đến nay vẫn là một nước có một nền văn hiến ; song xét ra cho dùng văn cho đúng, văn hiến ấy phần nhiều chuyên chú vào các hạng nhà nho.

" Còn về mặt quốc âm vẫn còn kém sút nhiều lắm, kém sút về hình thức mà về phương diện tinh thần cũng quá eo nghèo.

" Ngày nay hán học đã sắp điêu tàn, e có ngày phải tuyệt diệt. Vậy thì cần nhứt là ta phải kiếm một lối học thuật mới để thay vào. Đó là lẽ cố nhiên ai ai cũng đều công nhận ; nhưng trong nước hiện thời có hai nền văn học. Thứ nhất : Pháp văn ; thứ nhì : Quốc văn. Pháp văn cần phải học đã đành rồi, song học để mà làm một cái lợi khí để hấp thụ lấy tinh thần Âu Mỹ hầu truyền bá trong dân gian, chớ không thể lấy đó mà thay cho Quốc văn được.

" Vậy thì điều cần thiết hơn hết là ta nên lấy quốc văn làm một môn học phổ thông. Dân ta là An Nam, lại học nói, học viết tiếng An Nam, há chẳng phải là một điều tiện lợi lắm ru. Thế mà từ xưa đến nay có mấy ai cho rằng tôi học quốc văn ở trường này...trường kia ra chăng ? Hẳn là không ! Ta định lấy Quốc văn là môn học phô thông, mà hồi nào đến giờ không có trường, không có cơ quan cho đúng dắn thì người thức giả phỏng ai lại chẳng đem lòng lo nghĩ .

" Người nho học thi ngồi chễnh chệ, run đùi, tấm tắt khen thầm văn ông Lý, ông Đỗ là hay. Còn hạng tân học khen Pháp văn, là cao thâm uyên bác, khen thơ ông Victor Hugo là khéo, khen văn ông Lamartine là não nuột thâm trầm. Nhhũng hạng có học thì tuỳ theo sở thích của mình mà ưa chuộng, không mấy ai chịu ngóng ngàng đến Quốc văn ; thành thử từ xưa đến nay, cái tình đối với Quốc văn thật là nguội lạnh lợt lạt. Vẫn biết rằng Quốc văn đã phát hiện từ hồi đời nào kia, cũng có người quan tâm đến, nhưng đó là phần ít. Nếu không có thì sao lại có cuốn Kim Vân Kiều, cuốn Tần Cung Oán, cuốn Chinh Phụ Ngâm, cuốn Lục Vân Tiên là mấy bộ văn chương kiệt tác như thế. Song xét cho kỹ thì các nhà văn sĩ hồi xưa làm ra những áng văn ấy vì một cơn ngẫu hứng, hoặc là đem tả lấy cái tâm sự của mình nó uẩn khúc trong lòng chớ chưa phải là vì vấn đề Quốc văn mới sản xuất ra mấy tập văn kia vậy.

" Các nhà nho kia hễ mỗi khi cảm hứng thì làm toàn là thơ bằng Hán văn, mấy ông cho rằng nôm na là mách qué. Bởi thế có mấy ai ngó ngàng đến vận mạng, đến tiền đồ Quốc văn làm chi. Có lẽ vì duyên cớ ấy mà làm cho lắm điều trở ngại về Quốc văn, sự tấn bộ về Quốc văn cũng phải dần dà chểnh mảng. Hiện nay chúng ta đã biết rằng Quốc văn là eo hẹp, nên chỉ lật đật tu bổ, trau dồi lại cho tốt ; xây tường đấp móng cho nền Quốc văn được rực rỡ thêm nhiều. Kẻ lo tìm kiếm nhiều tiếng mới, người lại lo bầy bố nhiều lối thơ. Nói tóm lại ai ai cũng đều lo sửa đổi " cái kho hương hoả " của mình cho hoàn toàn thiện mỹ, hầu chẳng hổ rằng người nước ta là một giống dân hiếu học, văn chương nước ta chẳng kém chi người.

" Nay thử hỏi ý kiến bày ra " thơ mới " phát hiện vào thời kỳ nào ?

" Người nước ta thuở xưa phần đông chuyên về hán học. Cứ theo sách cũ tra cứu ra thì nước ta biết chữ Hán tự đời Hồng Bàng, nghĩa là lúc ban sơ mới khai quốc thì trong nước ta đã có chữ Hán. Tiền nhân của chúng ta học hán văn tất phải dùng chữ, dặt câu theo Hán. Trở về sau, dần dần Hán mạt, cải Đường là lúc chữ Hán thạnh hành mới biến chế và phân ra nào là : ngũ ngôn cố thể, ngũ ngôn cận thể, ngũ ngôn bài luật, ngũ ngôn luật, ngũ ngôn tuyệt cú ; thất ngôn cổ thể, thất ngôn cận thể, thất ngôn luật, thất ngôn bài luật, thất ngôn tuyệt cú vv... song thể cách thơ từ cũng chưa phải là vào tình trạng quá gắt gao. Trở về sau, từ đời Trung Hưng trong nước ta sấp xuống chuyên dùng lối thơ thâÙt ngôn luật, trong một bài thơ phải có câu : phá đề, nhập đề, thượng trạng, hạ trạng, thuợng luận, hạ luận, thượng kết, hạ kết, bó buộc bách xúc thái quá, xưa nay không có thế bao giờ.

" Về sau, các nhà nho nào là văn nhân thi sĩ, hễ mỗi cơn khiển hứng thì mượn lối đó mà làm, thét rồi đời này sang đời kia thành di truyền ra một tánh quen, nói trắng ra thành một " cái tật " là đúng hơn, không thế nào trừ bỏ dặng.

" Đến sau - không biết vào thời kỳ nào ? - Hoặc giả vì lối thơ ấy câu đã ngắn, lại có hạn ; phần niêm luật quá gắt gao, trang nghiêm, hiểm hóc, sao là " bình ", sao là " trắc ", lại còn " âm vận ", hãm người làm thơ phải theo lấy đó. Thành thử cái ý kiến của mình không thể nào đem tả ra cho hết nội trong " năm mươi sáu " chữ ấy. Phải cân nhắc tỉ mỉ từng câu, từng chữ, thật là trong óc lúng túng, bực bội vô cùng những người làm thơ đều biết - vì thế mà ngòi bút không đặng một tí tự do, và câu văn cũng kém mất đôi phần linh hoạt.

" Thật vậy, có nhiều khi tôi tập làm thơ trên nầy, hễ bị " bí " một cái, xuất mồ hôi hột chẳng chơi ! Cào tai, gãi cổ ; chọn tiếng này, lựa tiếng kia mãi rồi trọn một ngày thơ đâu chẳng thấy, chỉ thấy trí óc nó dật dờ chóng mặt, mà dầu có đặng đi nữa đọc bài thơ nghe cũng " xẳng lè ". Vì sao ? Vì trong bài thơ có nhiều chữ tôi không muốn để mà buộc lòng tôi phải để. Trước sự bức bách của thể cách Tàu, chẳng phải bây giờ mới có người nghĩ ra thơ mới, mà đã có người nghĩ ra thơ mới từ thủa nào rồi kia : đó là hai thể lục bát và song thất lục bát.

" Thiết nghĩ, vì duyên cớ ấy mới có người phát minh ra hai lối thơ mới - ngày nay đã cũ rồi - chính là thơ lục bát, và song thất lục bát kia vậy. Ấy đó, vấn đề thơ mới này sanh ra trong óc tiền nhân ta lâu rồi ; chớ không phải đến nay mới có chúng ta là trước nhứt. Song đó chẳng qua là mấy tay thi sĩ đại tài sáng kiến ra một lúc mà thôi. Trở về sau cái tình ấy tưởng đâu là phải tiêu diệt mất, vì người ta đối với nó một cách hờ hững lơ là ; khác nào một luồng gió vừa thổi lai rai, một đốm lửa con con trong đống củi ".

Lần thứ hai, văn sĩ ta, theo ông L.Đ., đã lại nghĩ ra thơ mới, đó là ông Trần Tuấn Khải với điệu " Anh khoá ".

" Về thời kỳ gần đây thấy trong quyển " Duyên nợ phù sinh " của ông Á Nam Trần Tuấn Khải có một bài thơ mới tựa là :" Tiễn chân anh khoá xuống tàu ".

Anh Khoá ơi em tiễn chân anh xuống tận bến tàu (1)
Đôi tay em đỡ lấy cái khăn giầu (trầu) em lấy đưa anh
. . . . .
" Ấy cái điệu thơ mới của ông Trần là như thế.

" Ông khéo sáng kiến dùng điệu thơ lục bát thêm tiếng thêm điệu vào thành ra bài thơ, không có hạn câu, hạn chữ, dễ đạt được ý tứ và phô bày ra rõ ràng tình tiết. Khi đọc lên lại nghe rất êm tai, dễ cảm hoá được lòng người, vì câu văn thật là não nùng uyển chuyển lắm.

Các nhà làm thơ mới sau ông Trần Tuấn Khải, cũng theo ông L.Đ., hình như cũng chỉ là theo đà tiến hoá chung mà gây thành phong trào rầm rộ hơn chứ không có gì là lạ lùng hay lập dị.

" Về sau phong trào " thơ mới " sôi nổi, không khác nào luồng gió lai rai kia hoá thành luồng giông lớn, đốm lửa con con kia bừng cháy. Lửa càng cao, giông càng lớn : bao nhiêu người tỉnh giấc đều đối với vấn đề thơ mới một cái tình cảm rất nồng nàn ". Sau đấy, ông L.Đ. kể tên và khen một số nhà thơ mới như Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Hoàng Xuân Mộng, Nguyễn Thị Kiêm :

" Đến đây có lẽ là thời kỳ giải quyết. Nào là bài " Tình già " của ông Phan Khôi, " Trên đường đời " của ông Lưu Trọng Lư, " Trên con đường cũ " của ông Hoàng Xuân Mộng vân vân... Lại cô Nguyễn Thị Kiêm  là một nhà tân nữ lưu, sốt sắng đứng lên diễn thuyết tại nhà hội Khuyến học để bàn về lối thơ mới ; thì thật là hay lắùm, tốt lắm.

" Tôi xin biểu đồng tình cùng cô, và tôi còn trông mong, khuyến khích sau này sẽ còn nhiều cô Nguyễn Thị Kiêm nữa.

" Tôi lấy làm tiếc không đặng lên mục kích và nghe mấy lời của cô phun châu nhả ngọc, song xem trong báo chương thì cũng đủ biết rằng lời của cô là chánh đáng.

" Một đoạn cô bình luận bài thơ " Tình già " của ông Phan Khôi có câu " Bài thơ này ít có người thích. Người ta cho nó là dài lắm và không có nguyên tắc. Thật, về hình thức thì bài Tình già  không được gọn... ". Cô cho nó không có nguyên tắc và không được gọn tôi xin đồng ý cùng cô ; còn cô bảo nó là " dài lắm " thì tôi cho rằng trái.

" YÙ kiến phát minh ra thơ mới là để tránh lối thơ Đường vì câu nó quá ngắn không thế nào đạt hết ý. Đã cho đó là phiền phức, rấp toan kiếm một con đường mới mẻ rộng rãi, thênh thang để mặc sức ngòi bút vẫy vùng, tình tứ hoạt bát, mà cô còn câu nệ " dài lắm " tôi e trái chăng ? Thế thì ta cứ theo lối cũ, cứ tám câu bảy chữ, hoặc 5 chữ 3 vần càng tốt hơn, hà tất phải bày ra lối mới ?

" Mong rằng cô suy xét và biết giùm cho, vì chính cô cũng có nói :" Muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ mà bị " đẹt " mất, thì rất cần phải có một lối thơ khác, do lề lối nguyên tắc rộng rãi hơn. Thơ này khác hơn lối xưa nên gọi là thơ mới ".

Nhưng L.Đ. mong rằng thơ mới, tuy hình thức có tự do hơn thơ cũ, nhưng cũng phải đặt ra thể cách cho nó đàng hoàng, chứ không thể để cho ai nấy muốn tự do sao cũng được :

" Còn về nguyên tắc một bài thơ thì cần phải có : Những nhà phát minh thơ mới cũng nên biết rằng thơ mới là để cho ta đặng tự do ; song cái tự do ấy có mực thước, có chuẩn bằng, có qui tắc. Lời thơ phải ở trong một cái phạm vi nhứt định. Nếu kẻ làm thơ muốn vuợt ra ngoài lề lối ấy, thì tôi tưởng rằng bài thơ không phải là vận văn mà là " tản văn " là phải.

" Ngoài cái nguyên tắc ấy thơ lại phải có âm hưởng véo von. Khi đọc bài thơ nghe ra như khúc đờn êm ái : khi khoan, khi nhặt, lúc bổng, lúc trầm ; người xem thơ tư tưởng rằng đứng vào cảnh ngày hè hoặc đêm thu, nghe dế ngâm ve hót.

Đó là kể sơ qua phương diện bề ngoài bài thơ lại phải có ý tứ sâu xa, lời lẽ hùng hồn, câu văn chánh đáng. Thơ có hồn mà không có xác thì chưa phải là thơ toàn ; mà có xác lại không có hồn thì khác chi đoá hoa tươi không hương nhụy ; chỉ đáng cho ta vất bỏ đi mà thôi !

" Tôi nói nghe ra hơi lạc đề, nhưng muốn luận cái đặc tính về hình thức, về tinh thần bài thơ ra thể nào, cùng cô Nguyễn nên mới dông dài như thế. Tưởng lại bà con cũng chẳng đem lòng cố chấp. Bây giờ tôi nói lại chánh đề " thơ mới !".

Sau đấy ông L.Đ. đề nghị đặt cho thơ mới một cái tên riêng, chứ chẳng nhẽ cứ gọi nó mãi là thơ mới sao cho tiện. Bây giờ là mới, chứ sau này, giăm bảy chục năm, một trăm năm, cũng cứ gọi là thơ mới thì không khỏi vô nghĩa.

" Thơ mới là gì ? Đã có người nói đến rồi ! Kêu rằng " thơ mới " chỉ là một cái tên kêu đỡ, tạm một lúc vậy thôi. Về sau, trải qua năm nầy tháng kia lối " thơ mới " mà ta đang kêu đây cũng phải cũ. Chừng ấy không lẽ ta cứ gọi hoài " thơ mới ". " Thơ mới " hay là ta cứ để tên đó, rồi dậm thêm như vầy :" Thơ mới mà xưa " chăng ? Vậy thì mỗi lối " thơ mới " buộc phải có một cái tên riêng, để sau này khỏi lẫn lộn.

" Vấn đề đặt tên thơ mới là một vấn đề cần nên bàn đến và giải quyết ngay mỗi khi có một lối " thơ mới " xuất hiện. Song cũng không phải là dễ !

" Ít nữa phải có nhiều người hiệp ý kiến lại đặng công đồng ; kẻ đa người giảm bao giờ tột lẽ mới thôi. Làm như vậy một lối thơ đối với cái tên của nó mới xứng. Khi kêu đến " tên " nó thì người đọc có thể hiểu ngay tính cách riêng của nó ra sao ? Tỷ như thơ " Lục bát " thì hiểu thơ ấy là thơ câu trên 6 chữ câu dưới 8 chữ ; thơ " Song thất lục bát " thì tự hiểu rằng : hai câu 7 chữ, kế đó một câu 6 một câu 8...

" Thấy đó thì đủ biết sự đặt tên cho thơ mới tưởng cũng không phải là vô ích ; nhưng hiện thời nó cũng lắm nỗi khó khăn, vì mỗi lối thơ mới còn phải để cho độc giả lựa chọn cho xác đáng rồi mới công nhận ".

Nhưng bàn thì bàn chứ thực ra chính tác giả cũng không biết đề nghị được cái tên gì cho ổn, thành ra tác giả đành phó cho thời gian thôi :

" Bao giờ lối thơ đã đăng " nhập tịch " rồi, thì chừng đó cái tên của nó cũng có lẽ phải xuất hiện ra.

" Chính tôi đem hiến cho bà con một lối thơ mới, mà bài của tôi cũng là một lối thơ " vô danh ". Suy nghĩ hoài, định cho nó một cái tên nhưng không biết tên chi ?...

" Ấy mới biết " bày ra một lối thơ " có lẽ dễ hơn " đặt tên một lối thơ " nhiều lắm.

" Hiện thời phong trào " thơ mới " lôi cuốn bao nhiêu người có nhiệt huyết với quốc văn đều quan tâm chú ý đến rồi, sắp sửa làm cho cái lâu đài quốc văn cực đẹp thêm lên. Bản đồ (plan) đã vẽ, còn chờ có nhân công thì khởi cất ".

Tác giả L.Đ. chẳng phải phải là người đứng ngoài mà bàn suông. Ông bàn rồi ông cũng hăng hái góp công sức. Ông cũng đã làm một bài thơ mới để góp mặt với làng thơ mới :

" Thấy cái nhà ấy là một cái nhà chung, sau này chúng tôi sẽ trông mong nhờ cậy vào nó nhiều lắm nên không dám làm lơ. Đã biết bao nhiêu người lo tạo tác chúng tôi tuy rằng bất tài, không dám dương lên là " tay thợ " lên tường đấp móng dựng cột, ra kèo chúng tôi làm không nổi, song chẳng lẽ điềm nhiên ư ? Hoặc là để chúng tôi tiếp phụ công vào ôm gạch, chở cát, trộn hồ tưởng cũng nên.

" Một ngày kia cái lầu cao, mát mẻ ấy gầy dựng hoàn thành rồi, chúng tôi bước đến ở mới là không thẹn và tự nghe trong mình vô cùng thơ thới vui vẻ lạ thường.

" Vì vậy chúng tôi cũng xin đem sau đây " Một lối thơ mới trình chính giữa làng thơ " để cho văn nhân, thi bá liệu lượng chấm giùm. Bài thơ ấy như vầy :

NHẮN AI
Ai chẳng bảo rằng duyên đôi ta là duyên đầm ấm ?
Rày đường xa muôn dặm, ai có biết vì đâu mà nên cuộc bể dâu ?
Kìa trời nước một màu, ai tỏ lời thề hẹn, dành giữ nguyền không vẹn ?
Đã lắm lúc đôi phen, nguyện đá vàng liêm tiết dẫu cuộc đời giải kiết...
Quan san rày vĩnh biệt ngao ngán bấy tình trường lại xẻ gánh chia đường
Nào ! luân lý cang thường thử xem dường bao nã ? Ôi ái tình nước lã !
Danh dự xem bã giả vì thế lực kim tiền, nên lỗi ước phụ nguyền.
Tất thành lại khuôn thiên, âu thả gièo giòng nước, thà phụ lời sau trước.
Miễn sao là mình được phú quí với công danh thì thoả nguyện bình sanh
Ôi ! duyên nợ mỏng mành, nhân tâm thường tráo chác hỡi ơi người quá ác !
Hồng nhan thường phận bạc, nàng biết thế hay chưa, cuộc đời lại nắng mưa.
Nhắn ai khéo lọc lừa, tài tai thường đi cập mấy ai người khỏi gặp ! ?
Lưu Trọng Lư ca ngợi thơ mới
Đến ngày 15-9-1933 (P.N.T.V. số 216) Lưu Trọng Lư lại cho đăng lại bài " Một cái khuynh hướng mới về thi ca ", bài mà ông đã viết và cho in trong tập tiểu thuyết " Người sơn nhân " xuất bản vào tháng 5 năm 1933.
Nguyễn Thị Kiêm ca ngợi thơ mới
Ngày 14 tháng 12 năm 1933 (P.N.T.V. số 228), cô Nguyễn Thị Kiêm lại gửi một bức thư ngỏ, tựa đề là " Bức thư gửi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới ".

Chính bức thư là một bài thơ mới khá dài ký tên Nguyễn Thị Manh Manh, nhưng bài thơ này được giới thiệu bằng những dòng văn xuôi sau đây ký tên Nguyễn Thị Kiêm :

" Tờ phụ truơng văn chương của Đuốc Nhà Nam ngày 3,4-12-33 vừa rồi, có một bài của ông Hoàng Tâm giở ra câu chuyện thơ mới, thơ cũ mà cãi nữa. Trong bài ông ấy có nói đến tôi, nói rằng tôi đã thất trận, đến đỗi phải gởi thơ mới đăng trong báo Phụ Nữ thời đàm ! ông Hoàng Tâm lầm đấy, Nguyễn Thị Kim ở Phụ Nữ thời đàm với Nguyễn Thị Kiêm viết cho Phụ Nữ Tân Văn là hai người, chớ không phải một : Đến chuyện ông cho tôi " rút cờ " lại là một việc sai nữa. Lâu nay trong báo Phụ Nữ Tân Văn không có đăng thơ mới chỉ vì không trống giấy mà thôi. Người ta vẫn gởi thơ mới đến cho chúng tôi nhiều lắm và chính tôi cũng có làm nhiều bài. Vì có nhiều vấn đề đáng quan tâm hơn là thơ nên chúng tôi hoãn lại chưa có dịp đăng lên báo. Nay ông có nhắc đến, sửa soạn ăn mừng cuộc thắng trận của ông, tôi xin soạn một bài thơ mới của tôi viết cách đây hai tháng nay đăng lên báo. Nếu ông có dư thì giờ và báo Đuốc Nhà Nam có thiếu bài, ông cứ cho tôi hay, tôi sẽ đưa mấy bài thơ mới để cho ông đăng lên báo Đuốc Nhà Nam và phê bình luôn thể. "

Đây bài thơ, tức bức thư ngỏ mà Nguyễn Thị Kiêm gửi cho người ưa và người ghét thơ mới. Nó bộc lộ một tâm hồn thiếu nữ đất Lục Tỉnh, thẳng thắn, đột ngột, hăng say :

Phải tôi đấy, Manh Manh, mấy bạn à !
Lâu quá không làm thơ, mấy bạn cũng " nột dạ " ?
Phải, tôi đây Manh Manh, mấy ông à !
Lâu quá không làm thơ, mấy ông lấy làm lạ ?...
Bọn yêu tựu hỏi nhỏ : " E...chỉ sợ ?
Tội nghiệp chớ ! Người thì trẻ nên có hơi khờ "...
Bạn ghét xúm hét to : " Á ! nó sợ !
Đáng khiếp chửa ! Người thì đẹt mà muốn vát cờ "
Nghiêng mình thưa :" Hỡi các bạn quí yêu,
Gì mà sợ ? Nghe tôi nói nhỏ : Manh chưa " xiều "
Khoanh tay gọi :" Hỡi các ông trớ trêu,
Khoan vinh mặt, đứng ngay cho tôi tỏ mấy điều
Thật, lâu nay tôi vắng đến " làng thơ "
Các bạn ơi, không phải phụ ai mà hởn hờ,
Ừ, lâu nay tôi không có làm thơ,
Các ông ơi, không phải sợ ai mà lu lờ.
Bị lôi cuốn trong chiến trường hoạt động.
Há được ngồi không mà sấp " mấy sợi tơ lòng ".
Trước là hành động, thơ không mấy trọng,
Suốt đời nào để nghe quả tim con phập phòng !
Tuy vậy, giữa những lúc đi hăm hở,
Đôi khi tôi giựt mình nhớ đến khách làng thơ.
Ừ, mình nín thinh họ cho nhát dở !
Thôi, lấy " túi văn chương " vét một vài bài thơ.
Bấy lâu đành với tình cảm hởn hờ,
Bây giờ cần tới nó e hồn thơ không tới ?
Nó chơi chớ có gì đâu mà chờ,
Đây một bức thơ, thơ mới ! thơ mới ! thơ mới !
...Rồi tôi thấy biết bao người rũ tới.
Vừa nghe hô thơ mới của Nguyễn Thị Manh Manh
Người ưa với kẻ ghét lối thơ mới,
Ưa đến nghe, ghét đến " bới " làm tôi tái xanh
...Rồi tôi nghe tiếng cười rộ lớn thêm,
Vớ được chuyện, họ cầm bút viết thôi kịch liệt !
Kẻ nghịch la :" Đả đảo ! chẳng để êm ! "
Bạn thích gật đầu nói :" Cái lối thơ hay thiệt "
Kết kuận chuyện mới gần thành chuyện cũ
Các bạn ơi, cãi với nhau thét đã nhàm rồi
Làng thơ, thơ cũ, thơ mới, có đủ :
Thơ xưa là đất cũ, thơ nay tỷ đất bồi ;
Đất trước để yên, đất sau lo xới,
Đất mới thì ít khô khan hơn đất dụng rồi.
Rủ nhau khai phá, cất thêm sở mới,
Nếu thật tình mong cây thơm mọc nhánh đâm chồi.
Bây giờ tôi thử khuyên khách làng thơ :
Đổi lại, ai ưa thơ mới lo tìm chỗ dở,
Ai ghét, ráng kiếm cái hay của thơ
Vậy, chê, khen, có giá trị hoa mới sẽ nở ".


Trở Về   ]